Đạo diễn Đặng Nhật Minh: Hướng đi riêng

Ngày 13 tháng 11 năm 2013, trong chuỗi hội thảo văn hóa thuộc Chương trình Giáo Dục Tổng Quát, trường Đại học Hoa Sen, ban tổ chức đã mời Đạo diễn Đặng Nhật Minh  tới nói chuyện với sinh viên và giảng viên, cùng thân hữu của trường. Đạo diễn Đặng Nhật Minh đã cuốn hút gần 100 khán giả bởi lối nói đơn giản, sâu sắc, chia sẻ những trải nghiệm chân thực, đam mê, nhiệt huyết, và hiểu biết sâu rộng về điện ảnh. Buổi nói chuyện được phân làm ba phần: 1. Hướng đi riêng, 2. Lịch sử điện ảnh, và 3. Giao lưu với khán giả.

Đạo diễn Đặng Nhật Minh tham gia giảng trong chuỗi hội thảo tại Đại học Hoa Sen - (Ảnh: Vũ Đức Vượng)

Hướng đi riêng

GS. Vũ Đức Vương giới thiệu sơ nét về diễn giả và những bộ phim như : Tháng Năm những gương mặt (1976), Thị Xã trong tầm tay (1983), Bao giờ cho đếng tháng Mười (1984), Cô gái trên sông (1986), Trở về (1994), Thương nhớ đồng quê (1995), Hà Nội mùa Đông ’46 (1997),  Mùa ổi (1999), Đừng đốt (2009) là những bộ phim nổi tiếng của đạo diễn Đặng Nhật Minh. Trong đó bộ phim “Bao giờ cho đến tháng Mười” là một bộ phim tâm lý, ra mắt lần đầu năm 1984. Theo một chừng mực nào đó, bộ phim này đi đầu trong việc tái lập bang giao giữa Mỹ và Việt Nam. Đây là một trong những bộ phim đứng đắn, tử tế, in đậm  bản sắc dân tộc và con người Việt Nam. Giá trị nghệ thuật của bộ phim này là vĩnh viễn, không đi theo thời thượng, và  chứa đậm chất nhân văn. Nhân vật phụ nữ là trung tâm và bộ phim cũng góp phần làm tăng vẻ đẹp thầm kín, cao cả trong tâm hồn người phụ nữ Việt Nam. Vào năm 2008, bộ phim này được CNN bình chọn là một trong những bộ phim kinh điển và thành công nhất của nền điện ảnh Việt Nam.

Đạo diển Đặng Nhật Minh chia sẻ thêm: “Bao giờ cho đến tháng mười” là bộ phim truyện đầu tiên đến với công chúng Mỹ và ban tổ chức Liên hoan phim Hawaii năm ấy đã có hành động rất đẹp và can đảm là đem bộ phim này chiếu ở Liên hoan phim cùng với một số bộ phim nổi tiếng khác.

Ngoài việc được CNN bình chọn là một trong 18 phim châu Á hay nhất mọi thời đại, ông cũng nhận rất nhiều giải thưởng danh giá như: Giải Bông Sen vàng tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 7 năm 1985; giải đặc biệt tại Liên hoan phim Quốc tế Châu Á – Thái Bình Dương năm 1989; bằng khen của Ủy ban Bảo vệ Hòa bình, tại Liên hoan phim Quốc tế Moskva năm 1985; Giải thưởng đặc biệt của Ban giám khảo tại Liên hoan phim Quốc tế Hawaii năm 1985.

Ông chia sẻ niềm vui đặc biệt là tháng 8 vừa rồi ông còn được trao giải điện ảnh Nobel Hòa bình Kim Dae Jung do chính tay vợ của nguyên Tổng thống Kim Dae Jung năm nay đã ngoài 90 tuổi trao tặng vì những cống hiến trong quá trình làm phim đều nhấn mạnh đến khát vọng hòa bình, bảo vệ nhân quyền, bảo vệ quyền của những con người yếu đuối, và bảo vệ thiên nhiên. Phim Đừng Đốt (Don’t burn) là một ví dụ điển hình bênh vực người yếu đuối và bảo vệ nhân quyền.

Đạo diễn Đặng Nhật Minh nói trong 60 năm ở Việt Nam ông đã trải qua hai giai đoạn làm phim: giai đoạn làm phim không vì tiền và giai đoạn làm phim vì tiền. Hai giai đoạn này đều không có gì là tốt hay xấu cả và đây cũng là bức tranh chung của điện ảnh trên thế giới, cũng như ở Việt Nam, là làm phim vì tiền. Thời đại ngày nay điện ảnh giải trí là quan trọng. Theo ông, có người thích làm nghệ thuật tử tế, có lương tâm và có những người thích phim máu me, thích sex, thích hành động để lôi cuốn khán giả.

Khi ông mới bước vào điện ảnh những năm 70 thì người ta chưa có tư duy giải trí hay dùng điện ảnh ca nhạc để làm ngoại giao. Điều này khác với quốc tế, điện ảnh là ngôi đền thiêng để giải bày và Liên hoan phim là sinh hoạt rất bình thường và thường được tổ chức ở những thành phố nghỉ mát. Ví dụ ở Pháp – có Cannes và là nơi nổi tiếng được nhiều người biết đến. Ý thức dùng điện ảnh để quảng bá, tuyên truyền rất cao và mang lại nhiều lợi nhuận. Ngoài ra, ở Liên hoan phim và ngay cả ở những buổi ngoại giao, nhạc dân ca luôn được chú trọng và quan tâm. Ông Minh nói khi đi tham gia Liên hoan phim Châu Á ở Thái Lan thì đoàn Việt Nam được mời hát dân ca và hai nữ diễn viên cùng đi tham dự với ông đều không thề hát vì không thuộc bài nào cả, ngay cả nhạc Trịnh. Cuối cùng ông đành phải đứng lên hát chữa cháy bằng bài hát “Trống Cơm”.

Một ví dụ khác ông Norodom Sihanouk khi đi làm ngoại giao cũng mời mọi người lên hát dân ca. Cán bộ của ta được mời nhưng không ai hát được. Ông Sihanouk chia sẻ ở Campuchia, theo qui định, học sinh sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học phải thuộc ít nhất 30 bài hát dân ca, vì đây chính là nét văn hóa đặc trưng của dân tộc mà lãnh vực nào cũng cần quan tâm. Vì vậy, cán bộ ngoại giao hay những người ở bất kỳ ngành nào đều hát được ít nhất vài ba bài dân ca khi có yêu cầu.

Nhà nước ta chỉ quan tâm điện ảnh ở mức độ bình thường, vì vậy tư duy cấp kinh phí có quan điểm không mong đợi lời lỗ, không o ép đạo diễn về tiền, không định dùng điện ảnh để gây uy tín, không gây áp lực, có giải thưởng trong nước hay quốc tế không quan trọng. Đồng thời, chúng ta chưa coi điện ảnh là đòn bẩy phát triển kinh tế-chính trị-xã hội, quảng bá du lịch và cũng không cho tiền để quảng cáo hay làm phụ đề, in đĩa cho phim.

Nhà nước giao cho ông làm phim dù ở giai đoạn nào thì ông đều làm phim mà mình thấy hay nhất, làm sao đi vào lòng khán giả, làm sao cho họ thấy xúc động, bần thần, ngây ra, hay nổi gai ốc khi xem phim là được. Hướng đi có vẻ rất riêng đó lại phù hợp với cái chung của cả thế giới. Chính vì vậy mà những bộ phim của ông đều là những phim rất có tiếng vang và được tổ chức trong nước và quốc tế đánh giá rất cao. Ông cũng chia sẻ với khán giả, nếu tư duy thấp, hẹp hòi thì sẽ làm cho người ta chọn làm phim dễ dãi, đỡ tốn công sức, nhất thời, thô thiển, ăn xổi ở thì, đơn giản thì làm, khó thì bỏ.  

Ông cũng gửi thông điệp rằng trong tương lai sẽ có nhiều sinh viên Hoa Sen đứng ra thành lập công ty tổ chức sự kiện và sẽ đứng ra tổ chức Liên hoan phim ở Việt Nam. Con đường đi đến thành công thì rất chông gai, đôi khi chông chênh, nhưng nếu các em có tài, có phim hay thì sẽ được phát hiện, được trao giải quốc tế vì luôn có nhóm quốc tế đi lùng sục các bộ phim hay. Ông cũng nhấn mạnh những phim hay của Việt Nam như Chim Vành Khuyên, Cánh Đồng Hoang, hay “Chị Tư Hậu” được giải bạc ở Liên hoan phim Moscow- Nga là một trong những phim kinh điển, rất riêng, rất quyến rũ, và rất Việt Nam.

Lịch sử điện ảnh

Đạo diễn Đặng Nhật Minh cho biết một trong những nước có nền điện ảnh thống trị thế giới và phát triển mạnh mẽ là Hoa Kỳ, nhưng họ không có bộ văn hóa hay cục điện ảnh. Họ không cần ai quản lý nhưng làm theo luật và luật là cao nhất Nước Mỹ. Lý do nền điện ảnh Mỹ thống trị thế giới vì chính phủ rất quan tâm và các hoạt động đều nhằm bảo vệ thương hiệu Holywood. Holywood là con đường làm tiền của Mỹ và lợi nhuận rất cao,

Sau chiến tranh thế giới thứ II, Mỹ tái thiết Châu Âu được gọi là kế hoạch Marshall. Kế hoạch này nhằm ký kết với các nước Châu Âu là họ không làm điện ảnh nữa mà để Mỹ làm điện ảnh. Điều này cho thấy chính trị gia Mỹ đã rất quan tâm, duy trì thương hiệu Holywood. Ngoại trừ nước Pháp chống lại kế hoạch này và họ đã gồng mình để có nền điện ảnh phát triển như ngày nay. Nước Pháp cho phim Mỹ vào nhưng đánh thuế trên vé xem phim. Bên cạnh đó, Pháp có rạp nhỏ chiếu phim các nước đang phát triển nhưng không đánh thuế và sẵn sàng bù lỗ vì Pháp tôn trọng đa dạng văn hóa , không có nền văn hóa ngự trị.  Đó là chính sách của Pháp.

Ở Trung Quốc, dân số khoảng 1, 3 tỷ người, nhưng một năm Trung Quốc chỉ cho phép nhập 20 phim nước ngoài có giá trị. Lý do vì Trung Quốc muốn bảo hộ nền điện ảnh trong nước và hàng năm họ cho ra đời hàng trăm phim. Dù không được nhập nhiều phim nước ngoài vào Trung Quốc nhưng những phim nào được nhập vào để chiếu cho dân Trung Quốc xem được coi như là trúng vé số độc đắc.

Ở Việt Nam thì sao? Ông Minh kể rằng hàng năm Việt Nam có khoảng 145 phim nước ngoài du nhập vào, trong đó 95% là phim Mỹ. Kể từ khi chúng ta gia nhập vào Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO), phim Mỹ được vào thị trường Việt Nam tự do mà không phải chịu hàng rào thuế quan. Có quan điểm cho rằng cho phim Mỹ vào để chúng ta gồng mình và phát triển. Nhưng quan điểm này chưa đúng vì những phim Mỹ đi tới đâu thì những phim nội địa bị nuốt chửng tới đó. Mỹ nắm ngay những rạp phát hành, rạp chiếu bóng để  đưa phim Holywood vào chiếu. Điều này nhằm tạo thói quen xem phim cho khán giả, không xem họ không chịu nổi.

Mỹ không chỉ nắm rạp phát hành mà còn đi săn lùng những người tài. Họ sẵn sàng thu hút nhân tài bằng cách trả lương cao, đáp ứng đúng nhu cầu, đòi gì có đó và dùng những người tài này là của mình, ví dụ như đạo diễn Lý An, Phillip Noyce, hay diễn viên Nicole Kidman của Úc. Những người này làm việc rất áp lực nhưng tiền nhiều. Sức ép  cao đối với họ nhưng thành công cao.

Giao lưu với khán giả

Câu hỏi 1: Ngày nay có quá nhiều thể loại phim, tôi thấy hoang mang vì không có ai hướng dẫn để chọn phim nào là phim tốt phim nào là phim xấu. Đạo diễn có lời khuyên gì để không bị lúng túng khi chọn phim để xem?

Đạo diễn Đặng Nhật Minh (ĐNM): Coi phim cũng như đi học, mỗi người nên tự tìm câu trả lời cho chính mình. Chúng ta nên đọc, nên học, nên hỏi, nên nghe, nên xem để trải nghiệm. Chúng ta không nên phụ thuộc quá vào người thầy và không nên đặt niềm tin tuyệt đối vào người thầy, mà phải dám có suy nghĩ riêng, tư duy phản biện, óc tò mò và tự tìm tòi câu trả lời cho chính mình. Theo tôi, “Phim nào mà làm các em xúc động, nổi gai ốc, bần thần là phim hay. Phim đáng xem.”

Câu hỏi 2: Tại sao phim Ấn Độ vẫn có đất sống và có lượng khán giả lớn?

ĐNM: Bolywood là trung tâm sản xuất phim ở Ấn Độ. Ấn Độ không cần ai, không bành trướng vì họ có lượng khán giả cả tỷ người rồi. Phim của Ấn có dấu ấn riêng là hát rất nhiều vì người dân Ấn thích như vậy. 

GS Vũ Đức Vượng nói thêm, “người Ấn độ sống khắp nơi trên thế giới. Những người sống bên ngoài Ấn Độ là những đại sứ. Đi đâu họ cũng chiếu phim Ấn Độ để quảng bá đất nước họ. Vì vậy Bolywood không chỉ trở thành một phần quan trọng của văn hóa ớ Ấn,  mà còn lan rộng sang Trung Đông, Châu Phi, Anh, Canada, Úc, và Mỹ. Thậm chí những đại gia Ấn Độ bỏ tiền ra sản xuất phim tại Holywood. Người Ấn thường có mục tiêu phát triển và quảng bá phim cho đất nước của họ.

Câu hỏi 3: Một khán giả nói phim Đừng Đốt rất hay, nhưng cô thất vọng vì mong đợi của phim không giống như cô đọc cuốn Nhật Ký Đặng Thùy Trâm. Không biết tác giả có hàm ý gì khác không?

ĐNM: Đừng đốt không nhằm minh họa cuốn sách, không đề cao Đặng Thùy Trâm là một vị anh hùng đã giết bao nhiêu giặt Mỹ. Phim Đứng Đốt nói về số phận cuốn nhật ký qua tay một anh lính Mỹ, rồi được trả về gia đình. Chính tình con người, tình thương yêu đồng đội, tình thương gia đình và thất vọng trong tình yêu v.v. và chính sự yếu đuối như vậy làm người xem cảm động và là cái mà đạo diễn thấy đẹp và muốn khai thác.

Tác giả viết bài này cũng đồng tình với sự giải thích của đạo diễn. Bộ phim Đừng Đốt đã truyền lửa cho tác giả bài viết này. Nội dung phim chứa đậm chất nhân văn, đậm chất khốc liệt của chiến tranh. Tôi coi phim nhưng nước mắt tôi cứ trực trào ra, da gà cứ nổi lên qua từng giây phút, rồi tôi lại kìm nén lại để tiếp tục xem phim cho đến hết. Tình yêu thương con người có ngôn ngữ chung dù chúng ta có khác biệt về văn hóa, về ngôn ngữ, về sắc tộc, về màu da. Vì vậy mà phim làm tôi xúc động từ đầu đến cuối. Tôi rất thích câu của Huân nói với Fred, “Đừng đốt vì trong đó có lửa rồi.” Hay bà mẹ của Fred nói, “Là người mẹ nên mẹ biết, con nên gửi lại cuốn nhật ký này cho gia đình Trâm”.

Doãn Thi Ngọc

Nguồn: http://gas.hoasen.edu.vn/vi/gas-page/dao-dien-dang-nhat-minh-huong-di-rieng

Thông tin truy cập

63693340
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
13632
23426
63693340

Thành viên trực tuyến

Đang có 182 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website