Hệ thống phân loại nhạc cụ Trung Quốc (Kỳ 2)

20170805. kensanh

KỲ 2: MỘC, TRÚC, BÀO, CÁCH (GỖ, TRE, BẦU, DA)

5. MỘC ( – BẰNG GỖ)

Bang tử (梆子 bangzi): một loại mõ (woodblock) nhỏ, có âm vực cao, còn gọi là xao tử (敲子qiaozi) hay xao tử bản (敲子板 qiaoziban) ở Đài Loan. Có 4 loại bang tử: Nam bang tử (南梆子 Nan bangzi), Hà Bắc bang tử (河北梆子 HeBei bangzi), trụy bang tử (墜梆子 zhui bangzi) và Tần bang tử (秦梆子 Qin bangzi).

Chúc (柷 zhu): Nhạc cụ gõ sử dụng trong nhạc lễ cung đình Nho giáo cổ xưa. Nó gồm có một hộp gỗ (thường sơn đỏ hoặc trang trí). Hộp này vuốt thon từ phần đỉnh xuống đáy, được chơi bằng một que gỗ thẳng gõ vào mặt đáy. Nhạc cụ này được sử dụng trong giai đoạn đầu của tiết mục nhạc nghi thức cổ xưa, gọi là Nhã nhạc (雅樂). Ngày nay người ta hiếm khi sử dụng chúc. Nhạc cụ này chỉ còn là những mẫu vật trưng bày trong bảo tàng Trung Quốc, tuy nhiên, ở Đài Loan, nó vẫn được dùng để chơi nhạc lễ Nho giáo trong Đài Loan Khổng miếu (台灣孔廟). Chúc và nhạc cụ gõ khác gọi là ngữ (敔), được đề cập trong biên niên sử đời nhà Tần và quyển Thư kinh (書經). Ở Hàn Quốc có nhạc cụ chuk (tiếng Hàn: 축)  ) giống hệt như chúc. Nhạc cụ này có nguồn gốc từ chúc, hiện nay vẫn còn được dùng trong nhạc lễ cung đình Nho giáo Hàn Quốc.

Mộc ngư (木魚 muyu): loại mõ tròn chạm khắc hình con cá, gõ bằng que gỗ. Những thầy tu và người thế tục sử dụng loại mõ này trong tín ngưỡng Phật giáo. Mộc ngư thường dùng để tụng kinh sutramantra và những kinh Phật khác. Nhìn chung, nhạc cụ này ở những nước có đạo Phật như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và những nước khác ở Đông Nam Á. Giới tăng lữ Đạo giáo cũng sử dụng loại mõ này trong nghi lễ của họ. Ở Việt Nam, loại mõ này cũng được gọi là mộc ngư, còn ở Nhật Bản gọi là  mokugyo (tiếng Nhật: 木魚), Hàn Quốc gọi là moktak (tiếng Hàn:목탁), ), Tây Tạng gọi là shingnya (tiếng Tây Tạng: ཤིང་ཉ).

Ngữ (chữ Hán: 敔 yu): nhạc cụ gõ bằng gỗ chạm khắc hình con cọp với phần lưng gồm có 27 răng cưa, được dùng trong nhạc lễ cung đình Nho giáo Trung Quốc thời xưa. Người ta dùng một que có phần đầu khoảng 15 thanh tre đánh vào đầu cọp ba lần rồi kéo trượt theo phần lưng răng cưa một lần để kết thúc nhạc. Ngữ và chúc là hai nhạc cụ được đề cập trong biên niên sử đời nhà Tần và quyển Thư kinh (書經).

Phách bản (拍板 paiban): loại clapper làm từ một số khúc gỗ cứng hay tre phẳng. Nhạc cụ này được sử dụng trong nhiều hình thức nhạc khác nhau của Trung Quốc. Có nhiều loại phách bản, thí dụ như bản (板), đàn bản (檀板 tanban), mộc bản (木板 muban), hay thư bản (書板 shuban). Một số vật liệu đặc trưng để làm nhạc cụ này là tử đàn (紫檀, gỗ hồng sắc hoặc đàn hương đỏ), hồng mộc (紅木) hoặc hoa lê mộc (花梨木, gỗ hồng sắc) hay tre. Những thanh gỗ cột lỏng vào nhau bằng dây. Khi chơi người ta giữ một thanh thẳng đứng trong một bàn tay rồi dùng thanh còn lại gõ vào thanh thẳng đứng để tạo ra âm thanh lách cách khô sắc.

Khi sử dụng phách bản chung với một cái trống nhỏ (chỉ một người chơi, họ cầm phách bản trong bàn tay này và dùng que gõ vào trống ở trong bàn tay còn lại). Hai nhạc cụ này được gọi chung là cổ bản (鼓板 guban).

Trúc bản (竹板 zhuban): một clapper làm từ hai miếng tre.

Xích bản (尺板 chiban): một loại clapper.

6. TRÚC ( - BẰNG TRE, TRÚC)

Những nhạc cụ làm bằng tre, trúc chủ yếu là nhạc cụ hơi. Chúng gồm có:

a. Sáo (Flutes):

Bang địch (梆笛 bangdi): một loại sáo.

Địch tử (笛子 dizi): loại sáo ngang làm bằng trúc có màng. Đôi khi người ta còn gọi nó là địch (笛) hay hoành địch (橫笛). Loại sáo này khá đa dạng, bao gồm cả bang địch (梆笛), khúc địch (曲笛), đồng địch (侗笛), khẩu địch (口笛) và mang đồng (芒筒). Những tên này có nhiều cách phiên âm ra chữ cái Latin, tùy theo cách chuyển tự thường dùng để chuyển tên từ tiếng Trung Quốc. Địch tử là nhạc cụ chính của Trung Quốc, được dùng rộng rải trong nhiều thể loại nhạc dân gian cũng như nhạc kịch và dàn nhạc hiện đại. Phần lớn địch tử được làm bằng trúc. Loại địch tử miền bắc Trung Quốc được làm từ trúc màu tím hoặc tía, trong khi đó địch tử ở Tô Châu và Hàng Châu được làm từ trúc màu trắng. Địch tử ở những vùng miền nam Trung Quốc, thí dụ như Triều Châu, thường làm bằng trúc màu nhạt, nhẹ và rất mảnh khảnh. Tuy trúc là vật liệu phổ biến để làm loại sáo này, nhưng người ta cũng thấy loại địch tử làm từ những loại gỗ khác, thậm chí là bằng đá. Loại địch tử ngọc bích (yudi) rất được những nhà sưu tập và nhạc sĩ chuyên nghiệp ưa thích vì vẻ đẹp của nó. Tuy nhiên, ngọc bích không phải là vật liệu tốt nhất để làm địch tử. Giống như kim loại, ngọc bích không thể tạo độ vang tốt như tre trúc.

Tiêu (簫 xiao): loại sáo dọc, thổi đầu ống. Nó được làm bằng trúc màu nâu sậm (trúc tía ở Trung Quốc). Đôi khi người ta còn gọi nó là động/ đỗng tiêu (洞簫 dongxiao). Tiêu phát triển từ loại sáo đơn, thổi đầu ống của tộc người Khương (羌族) ở miền nam Trung Quốc. Phần lớn loại tiêu truyền thống có 6 lỗ, trong khi đó loại hiện đại có 8 lỗ. Loại 6 lỗ có niên đại từ thời nhà Minh (1368-1644). Chiều dài của tiêu từ 45cm đến trên 1,25m, nhưng thường vào khoảng 75-85cm. Loại tiêu ngắn hơn khó chơi vì cần kiểm soát hơi thở chính xác hơn. Khi thổi, người ta cầm tiêu xéo một góc khoảng 45 độ so với cơ thể. Có nhiều loại tiêu, trong đó có hai loại chính: 1.Cầm tiêu (琴簫) hay tử trúc tiêu (紫竹簫), có 8 lỗ bấm, dùng để đệm cho cổ cầm. Nó là nhạc cụ dài nhất trong các loại tiêu, lên tới 1,25m; 2. Nam tiêu (南簫) hay động tiêu, đôi khi còn gọi là xích bát (尺八): loại tiêu ngắn thường thổi đầu ống trong nhạc kịch địa phương ở Tuyền Châu, tỉnh Phúc Kiến.

 - Bài tiêu (排簫 paixiao): một loại sáo bè cổ xưa. Nhạc cụ này đã mai một từ thời xưa, đến thế kỷ 20 người ta mới tái cấu trúc lại. Điểm khác biệt chính giữa bài tiêu và những loại sáo bè Châu Âu và Nam Mỹ là: phần đỉnh của những lỗ ống bài tiêu được cắt góc hoặc vết khía chữ V. Điều này cho phép thay đổi cao độ âm thanh để bài tiêu phát ra những nốt nửa cung mà không làm mất đi âm sắc, ngay cả những ống được chỉnh giọng diatonic. Nhạc sĩ Cao Minh (高明) đã sử dụng một phiên bản bài tiêu gọi là paidi để chơi loại nhạc đời nhà Đường trong dàn nhạc của ông ở Tây An từ năm 1982. Ở Hàn Quốc có một nhạc cụ gọi là so (tiếng Hàn: 소,  nghĩa là tiêu trong tiếng Trung Quốc). Loại sáo này có nguồn gốc từ bài tiêu và được dùng trong nhạc nghi lễ.

Trì (篪 chi): một loại sáo ngang làm bằng tre trúc.

Thược (籥 yue): một loại sáo dọc làm bằng tre trúc, có 3 lỗ bấm, sử dụng trong nhạc nghi lễ Nho giáo và múa.

Tân địch (新笛 xindi): loại sáo ngang hiện đại có 21 lỗ xuất hiện trong thế kỷ 20, sao chép từ loại địch tử cổ xưa. Tân địch sử dụng thang âm hoàn toàn nửa cung, nhưng không có màng như địch tử.

Đồng địch (侗笛 dongdi): nhạc cụ hơi của người Đồng ở miền nam Trung Quốc.

Khẩu địch (口笛 koudi): một loại sáo ngang rất nhỏ, làm bằng trúc. Nhạc cụ này do nghệ nhân Du Tốn Phát (俞逊发) chế tạo năm 1971. Khẩu địch có hai kích cỡ. Loại nhỏ hơn gọi là gaoyin koudi, dài 5–6 cm, chỉ có những lỗ ở cạnh, nơi mà hai ngón tay cái có thể kiểm soát hoàn toàn cao độ âm thanh bằng cách mở thêm các lỗ. Loại lớn hơn thường gọi là  zhongyin koudi, dài 8-9 cm, có 2-4 lỗ truyền thống ở phía trước (chơi bằng những ngón tay, những lỗ này cho độ chính xác hơn một chút khi thay đổi cao độ âm thanh). Có một nhạc cụ liên quan gọi là tuliang, được thổi ở phần giữa và có một đầu mở nhưng lớn hơn (khoảng kích cỡ địch tử).

 b. Kèn (Oboes):

Quản (管 guan): loại nhạc cụ hơi, hình trụ có lưỡi gà đôi, giọng giống kèn clarinet. Nhạc cụ này làm từ loại gỗ cứng ở miền bắc Trung Quốc hoặc bằng tre Quảng Đông. Loại ở miền bắc còn được gọi là quản tử (管子 guanzi) hay tất lật (篳篥 bili); phiên bản ở Quảng Đông gọi là hầu quản (喉管 houguan), phiên bản ở Đài Loan gọi là áp mẫu địch (鴨母笛), hay Đài Loan quản (台灣管). Kèn quản phát triển trong đời nhà Đường, có khả năng nó là nhạc cụ theo đoàn người du mục Trung Á du nhập vào Trung Quốc và trở thành nhạc cụ lãnh đạo quan trọng trong nhạc cung đình và nhạc lễ. Ngày nay kèn quản phổ biến trong những dàn nhạc dân gian, dàn nhạc hơi ở miền bắc Trung Quốc và một số vùng khác. Trong dàn nhạc kịch Bắc Kinh, người ta sử dụng loại kèn này để miêu tả cảnh quân đội cùng với kèn tỏa nột và những nhạc cụ gõ khác.

Tỏa nột (嗩吶 suona) còn được gọi là hải địch (海笛) hay lạt ba (喇叭). Loại kèn này có âm thanh cao, nghe lớn và rõ, thường dùng trong nhạc truyền thống Trung Quốc, đặc biệt là chơi ngoài trời. Tỏa nột có thân hình trụ, bằng gỗ, tương tự kèn oboe châu Âu, nhưng sử dụng miệng kèn ống bằng đồng thau hoặc đồng thiếc (có lưỡi gà đôi nhỏ bên trong) và có loa kim loại ở đầu nhạc cụ (có thể tháo ra được). Tỏa nột có một số kích cỡ. Từ giữa thế kỷ 20, các phiên bản tỏa nột phát triển mạnh tại Trung Quốc. Những nhạc cụ này có phím bấm như kèn oboe, cho phép chơi những nốt nửa cung.

Tỏa nột là nhạc cụ quan trọng trong nhạc dân gian ở miền bắc Trung Quốc, đặc biệt là ở tỉnh Sơn Đông và Hà Nam, nơi mà nó được dùng cho lễ hội và  mục đích quân sự. Trong đám cưới và đám đưa tang, người ta sử dụng tỏa nột cùng với cồng chiêng, trống, khèn sanh và đôi khi cả những nhạc cụ khác.

Loại ống lưỡi gà tự do (free reed pipes):

Ba ô (巴烏 bawu): loại nhạc cụ hơi. Mặc dù có hình dáng giống như sáo, nhưng trên thực tế ba ô là nhạc cụ có lưỡi gà tự do – lưỡi đơn hình tam giác bằng tre hoặc kim loại. Ba ô có thân bằng tre, 1 đầu mở ở phần thấp hơn (phía tay phải), đầu còn lại ở phần cao hơn (bên tay trái) thì đóng kín. Chỗ đầu mở là miệng kèn hình chữ nhật, nơi lưỡi gà được gắn vào bằng sáp ong. Trên thân kèn có 8 lỗ bấm, 7 lỗ phía trước và 1 lỗ phía sau. Vài kiểu ba ô có thêm 2 đến 4 lỗ ở phần đầu thấp hơn. Nhạc cụ này có 2 hình thức: loại thân đơn và loại thân đôi. Những cây ba ô có thân dài và lớn được chơi ở tư thế ngang, còn những cây thân ngắn và hẹp chơi ở tư thể thẳng (dọc).  Loại ba ô thông thường dài từ 30 đến 60 cm. Ba ô giọng soprano, alto và bass có âm vực theo thứ tự từ F1 đến G2, B đến C2 và F đến G1. Loại ba ô có âm sắc giống kèn clarinet, được chơi ở tư thế ngang. Ba ô có khả năng bắt nguồn từ tỉnh Vân Nam, nơi mà người ta tin rằng các cô thiếu nữ sử dụng nó để gọi dân làng cứu họ thoát khỏi ma quỉ trên núi. Ba ô là nhạc cụ hơi phổ biến trong những bộ tộc ở  tỉnh Vân Nam và Quí Châu, thí dụ như bộ tộc Di (彝族), Ha Ni (哈尼), Thái (傣), Oa (倭), Bố Lãng (布朗) và Miêu (苗). Hiện nay ba ô đã trở thành nhạc cụ chuẩn, được chơi rộng khắp tại Trung Quốc. Các dàn nhạc truyền thống Trung Quốc thường sử dụng ba ô trong những tác phẩm cổ điển và hiện đại. Ba ô còn là nhạc cụ độc tấu, thường được dùng trong nhạc phim. Đôi khi người ta còn nghe ba ô trong đĩa nhạc pop. Thời gian gần đây, ở châu Âu, một số nhà soạn nhạc và biểu diễn cũng đã viết nhạc và trình diễn loại nhạc cụ này.

Mang đồng (芒筒 mangtong): loại nhạc cụ hơi, bao gồm một ống tre có lưỡi gà tự do, không có lỗ bấm và được thổi đầu ống. Ống thổi đặt bên trong bộ phận cộng hưởng bằng tre có đường kính lớn hơn. Mang đồng có một số kích cỡ khác nhau, ống lớn nhất dài lên tới 2m. Mang đồng chỉ phát ra một độ cao âm thanh duy nhất, một số nhạc cụ này được chơi chung với nhau bằng kỹ thuật hocket (sử dụng sự luân phiên những nốt, cao độ âm thanh và hợp âm). Mang đồng còn được chơi chung trong dàn nhạc mouth organ có lưỡi gà tự do gọi là hồ lô sanh và giữ nhiệm vụ bè trầm trong dàn nhạc. Mang đồng chủ yếu do tộc người Miêu và người Đồng (侗族) ở tỉnh Quí Châu và khu tự trị Quảng Tây sử dụng, tuy nhiên, đôi khi dàn nhạc truyền thống Trung Quốc cũng sử dụng nó trong những tác phẩm đương đại.

Loại ống lưỡi gà đơn (single reed pipes)

Mã bố (馬布 mabu): loại ống tre lưỡi gà đơn do người Di sử dụng.

7. BÀO ( – BẰNG QUẢ BẦU)

- Bão sanh (抱笙 baosheng): phiên bản lớn của khèn sanh.

- Hồ lô sanh (葫蘆笙 hulusheng): loại khèn có lưỡi gà tự do với một ống gió bằng quả bầu nậm khô. Hồ lô sanh thường có 5 ống làm bằng tre, còn những lưỡi gà thì có thể làm bằng tre hay kim loại. Nó là nhạc cụ dân gian được một số bộ tộc sử dụng, thí dụ như người Lạp Hỗ (拉祜族), Nạp Tây (納西), Lisu và Akha. Những bộ tộc này gọi hồ lô sanh bằng những tên khác nhau theo ngôn ngữ riêng của họ. Tùy theo bộ tộc, nhạc cụ này khác nhau về cấu trúc và kỹ thuật chơi. Hồ lô sanh phổ biến ở tỉnh Vân Nam và một số tỉnh khác ở miền nam Trung Quốc. Người ta còn tìm thấy chúng trong nhiều quốc gia ở Đông Á và Đông Nam Á. Ở Thái Lan, người Lạp Hỗ gọi hồ lô sanh là naw, còn người Akha gọi là lachi, người Lisu gọi là fulu). Riêng tại Việt Nam, nó được gọi là đing năm hoặc m’buot.

- Hồ lô ti (葫蘆絲 hulusi), còn gọi là sáo bầu: loại nhạc cụ hơi có lưỡi gà tự do, bao gồm 3 ống tre đi qua một hòm hơi bằng quả bầu, trong đó một ống có những lỗ bấm, hai ống còn lại là ống drone. Ống drone có một lỗ bấm cho phép nó ngưng lại. Loại nâng cao có những lỗ bấm có phím, tương tự như kèn clarinet hoặc oboe, giúp mở rộng âm vực của hồ lô ti lên một số quãng tám. Trước đây, nhạc cụ này chủ yếu do người Thái và một số bộ tộc khác ở tỉnh Vân Nam sử dụng, tuy nhiên hiện nay nó được chơi khắp nơi ở Trung Quốc. Một số thành phố ở miền bắc, thí dụ như Thiên Tân đã chế tạo loại nhạc cụ này. Giống như ba ô, hồ lô ti có âm thanh trong trẻo như kèn clarinet. Tuy nhạc cụ này chủ yếu được chơi ở Trung Quốc, song những năm gần đây, nhiều nhà soạn nhạc và nghệ sĩ châu Âu cũng sử dụng.

- Hòa (和 he): loại khèn cổ có lưỡi gà tự do, tương tự như sanh nhưng nhỏ hơn.

- Sanh (笙 sheng): loại khèn có lưỡi gà tự do, bao gồm nhiều ống tre có kích cỡ khác nhau cài trong một khoang kim loại có những lỗ bấm. Theo truyền thống, sanh được dùng để đệm cho kèn tỏa nột hay địch tử. Nó là một trong những nhạc cụ chính trong thể loại Côn khúc (崑曲) và những hình thức nhạc kịch khác của Trung Quốc. Những dàn nhạc nhỏ ở miền bắc Trung Quốc, thí dụ như dàn nhạc gõ và hơi, cũng sử dụng sanh. Trong dàn nhạc qui mô hiện đại, người ta dùng sanh để đệm hoặc chơi giai điệu. Có thể chia loại khèn này thành hai loại:

+ Sanh truyền thống (傳統笙 chuantong sheng), được dùng trong nhạc lễ ở miền bắc Trung Quốc, thường có khoảng 17 ống, nhưng chỉ có khoảng 13 hoặc 14 ống dò (sounding pipes). Thang âm của nó chủ yếu là diatonic. Thí dụ loại sanh 17 ống (4 ống câm), sử dụng trong nhạc Jiangnan sizhu (nhạc hòa tấu ở Giang Nam) được chỉnh giọng: a′ b′ c″ c♯″ d″ e″ (2 ống), f♯″ g″ a″ b″ c♯″′ d″′ hay A4, B4, C5, C♯5, D5, E5 (2 ống), F♯5, G5, A5, B5, C♯6, D6.

+ Sanh có phím bấm, tức kiện sanh (键笙jiansheng): loại có 24 ống nửa cung và 26 ống có phím bấm phổ biến trong giữa thế kỷ 20, nhưng các kiểu hiện đại thường có 36 ống. Hiện nay, có 4 loại sanh có phím bấm chính, nằm trong nhóm giọng soprano, alto, tenor và bass. Tất cả thanh âm đều chia nửa cung, chỉnh bằng nhau:

Cao âm Sanh (高音笙 gaoyin sheng): có 36 ống với âm vực soprano từ G3 đến F#6 (lấy C trung = C4). Sử dụng khóa treble.

Trung âm Sanh (中音笙 zhongyin sheng): có 36 ống với âm vực alto từ C3 đến B5. Thấp hơn 1 quãng năm đúng so với cao âm Sanh. Nó có một dãy 12 phím màu đen, những phím này khi ấn xuống chơi tất cả 3 ống tương ứng đều cùng một nốt trong những quãng tám khác nhau. Thí dụ, ấn phím “C” đen sẽ tạo ra nốt C3, C4 và C5 phát ra cùng lúc. Sử dụng khóa treble và alto.

Thứ trung âm sanh (次中音笙cizhongyin sheng): có 36 ống với âm vực tenor từ G2 đến F#5. Thấp hơn 1 quãng tám so với cao âm Sanh. Sử dụng khóa alto hoặc treble chuyển dịch xuống 1 quãng tám. Loại sanh này có thể sử dụng như đê âm sanh.

Đê âm sanh (低音笙 diyin sheng): có 32 ống với âm vực bass từ C2 đến G4. Sử dụng khóa bass.

Loại sanh có phím bấm chỉ phát triển trong thế kỷ 20, khoảng năm 1950 về trước. Sự khác nhau giữa hai loại sanh này nằm ở bộ phận máy của chúng. Loại truyền thống có những lỗ trên các ống bấm được ép trực tiếp bằng những ngón tay của người chơi, còn loại phím bấm có các lỗ đóng và mở bằng phím bấm hoặc đòn bẩy.

Một số người tin rằng nhạc sĩ Johann Wilde (Đức) và nhà truyền giáo Pere Amiot (Pháp) đến Trung Quốc, sau đó họ mang những cây khèn sanh đầu tiên trở về châu Âu, lần lượt  vào năm 1740 và 1777, dù có bằng chứng cho rằng những nhạc cụ hơi tương tự như sanh được biết ở châu Âu trước đấy một thế kỷ.

- Vu (竽 yu): một loại khèn cổ có lưỡi gà tự do, giống như sanh, nhưng lớn hơn. Nhạc cụ này bao gồm nhiều ống tre nối vào một bộ ống gió (có thể làm bằng tre, gỗ hoặc quả bầu). Mỗi ống chứa một lưỡi gà tự do, làm bằng tre. Nếu Sanh được dùng để cung cấp hòa âm (trong những quãng bốn và năm) thì ngược lại, vu được dùng để chơi giai điệu. Người ta thường sử dụng vu với số lượng lớn trong những dàn nhạc cung đình ở Trung Quốc thời xưa (và còn nhập khẩu vào Hàn Quốc và Nhật Bản), nhưng vu không được sử dụng lâu dài hơn.

8. CÁCH (– BẰNG DA) 

- Bác phụ (搏拊 bofu): trống cổ, sử dụng để bố trí nhịp điệu. Đôi khi nhạc cụ này còn được ám xưng là Bá Bàn (伯盤). Chuyện liên quan đến con trai của vua Chu U Vương (周幽王) và tì thiếp của ông là Bao Tự (褒姒). Sau khi Bao Tự tiến cung, nhà vua truất phế Thân Hậu (申后) và Thái tử Nghi Cữu (宜臼) con trai của Thân Hậu, thay thế họ bằng Bao Tự và Bá Bàn. Năm 771 Tr. CN, nhà vua và Bá Bàn bị giết bởi nhóm người du mục Khuyển Nhung (犬戎) ở Li Sơn, gần Tây An - Thiểm Tây ngày nay. Một nguồn khác nói rằng Bá Bàn sống và chiếu đấu giành ngai vàng với con trai của Thân Hậu, tức vua Chu Bình Vương (周平王).

- Bài cổ (排鼓 paigu): bộ trống có từ 3 đến 7 trống định âm (loại 5 trống thường được sử dụng). Theo truyền thống, những cái trống này làm bằng gỗ với mặt trống bịt da thú. Khi diễn, người ta dùng những chiếc dùi gõ vào mặt trống (đôi khi gõ vào thân trống). Phần lớn trống đều có 2 mặt, có thể chỉnh âm, nhưng chỉnh khác nhau.

- Bản cổ (板鼓 bangu), gọi đơn giản là cổ: một loại trống khung nhỏ, có đường kính khoảng 25cm, sâu 10cm. Khung trống làm bằng những cái nêm gỗ cứng, dán chặt lại bằng keo hồ để thành một vòng tròn. Da trống được căng trên những cái nêm, được bảo vệ bằng một cái đai kim loại. Bản cổ được treo trên một giá đỡ có 4 vòng sắt. Một số phiên bản chỉ có 3 vòng và 3 chân trụ. Loại có thể mang đi, còn giá đỡ thì xếp lại được. Bản cổ được gõ bằng một hoặc hai dùi tre, phát ra âm thanh khô và sắc, cần thiết cho nhạc kịch Trung Quốc. Tùy vị trí gõ trên mặt trống, âm thanh phát ra sẽ khác nhau. Bản cổ còn được dùng trong nhiều dàn nhạc thính phòng ở Trung Quốc. Người chơi bản cổ là giám đốc hoặc nhạc trưởng của dàn nhạc.

- Bát giác cổ (八角鼓 bajiao gu): loại tambourine 8 cạnh, chủ yếu sử dụng trong thể loại hát kể ở miền bắc Trung Quốc.

- Bạt lãng cổ (拨浪鼓 balang gu): loại đồ chơi và là trống viên truyền thống của Trung Quốc.

- Biển cổ (扁鼓 biangu): trống bằng, chơi bằng dùi.

- Bột tề cổ (荸薺鼓 biqi gu): trống rất nhỏ, chơi bằng một que, sử dụng trong Jiangnan sizhu (loại nhạc hòa tấu truyền thống ở vùng Giang Nam, Trung Quốc).

- Chiến cổ (戰鼓 zhangu): hay trống chiến, chơi bằng hai dùi, có ngoại hình tương tự như Đường cổ, nhưng âm vực thấp hơn. Giống như biển cổ, chiến cổ được dùng trong nhạc lễ và còn phổ biến trong những ban nhạc đám cưới truyền thống.

- Đào (鼗 tao) hay đào cổ (鼗鼓 taogu): loại trống viên (pellet drum) sử dụng trong nhạc nghi lễ.

- Đại cổ (大鼓 dagu): loại trống lớn chơi bằng hai dùi.

- Điểm cổ (點鼓 diangu), còn gọi là hoài cổ (懷鼓 huaigu): một loại trống khung hai đầu, chơi bằng một que gỗ duy nhất; sử dụng trong dàn nhạc Shifangu ở tỉnh Giang Tô và đệm trong vở nhạc kịch kunqu.

- Đường cổ (堂鼓 tanggu): loại trống thùng truyền thống của Trung Quốc từ thế kỷ 19. Nó có kích cỡ trung bình với hai đầu bịt da thú và chơi bằng hai dùi. Đường cổ được treo bằng 4 vòng trên giá đỡ bằng gỗ. Người ta còn gọi trống này là đồng cổ (同鼓 tonggu) hay tiểu cổ (小鼓 xiaogu).

- Hoa bồn cổ (花盆鼓 Huapengu): loại trống lớn hình chậu cảnh, chơi bằng hai dùi, còn gọi là cang cổ (缸鼓 ganggu).

- Thái bình cổ (太平鼓 taiping gu): loại trống bằng có cán; còn gọi là đan cổ (單鼓 dangu).

- Ương ca cổ (秧歌鼓 yangge gu):  trống xạ lúa.

- Yết cổ (羯鼓 jiegu), còn gọi là hạt cổ (鞨鼓): loại trống hình đồng hồ cát, chơi bằng hai dùi gỗ. Thời Đường, yết cổ du nhập vào Trung Quốc từ vùng Khố Xa (庫車) ở Trung Á. Sau đó nhạc cụ này trở nên phổ biến trong khiêu vũ, đặc biệt là trong giới quí tộc. Hoàng đế Đường Huyền Tông (唐玄宗, 712-756) là người từng chơi nhạc cụ này. Một nhạc cụ của Hàn Quốc có nguồn gốc từ yết cổ gọi là galgo, thỉnh thoảng vẫn được sử dụng ở đất nước này. Tại Nhật Bản, trống kakko (羯鼓) cũng có nguồn gốc từ yết cổ và vẫn được dùng trong nhạc gagaku (雅楽).

Ngoài ra còn có các loại như:

- Hổ tọa đại cổ (虎座大鼓 huzuo dagu); Hổ tọa điểu giá cổ (虎座鳥架鼓 huzuo wujia gu); Hoa cổ (花鼓 huagu); Kiến cổ  (建鼓 jiangu).

 NHỮNG NHẠC CỤ KHÁC

Ngoài 8 nhóm trên, Trung Quốc còn một số nhạc cụ khác không được xếp loại trong hệ thống. Thí dụ:

- Cốt địch (骨笛 gudi): loại sáo làm bằng xương, còn gọi là Cổ Hồ cốt địch (贾湖骨笛). Đây là nhạc cụ cổ xưa nhất ở Trung Quốc, có niên đại khoảng 6.000 năm Tr. CN. Bằng chứng là vào năm 1986, một số sáo xương được khai quật trong một hầm mộ đầu thời kỳ đồ đá mới ở Cổ Hồ (賈湖) thuộc tỉnh Hà Nam. Giới khảo cổ nhận địnhh là chúng có niên đại khoảng 6.000 năm Tr. CN. Cốt địch là loại sáo xương được làm từ đôi cánh của loài sếu đầu đỏ. Chúng có số lượng lỗ bấm khác nhau, khoảng từ 1 đến 8 lỗ. Phiên bản 8 lỗ có 7 lỗ phía trước và 1 lỗ cho ngón cái phía sau. Cốt địch ngắn hơn loại sáo thông thường, dài từ 5,7 đến 10,5 cm và chỉ có một cặp lỗ. Số lỗ và khoảng cách các lỗ xác định âm vực và thang âm của sáo tùy theo mục đích sử dụng.

- Hải loa (海螺 hailuo): nhạc cụ hơi làm bằng vỏ ốc xà cừ.

- Kèn Lilie (唎咧): nhạc cụ có nòng hình nón, do người Li ở tỉnh Hải Nam sử dụng.

- Khẩu huyền (口弦 kouxian): một loại đàn môi, làm bằng tre hoặc kim loại. Có khả năng khẩu huyền có nguồn gốc ở châu Á, được dùng rộng rãi tại Trung Quốc, đặc biệt phổ biến trong những bộ tộc ở vùng tây nam Trung Quốc (bao gồm tỉnh Vân Nam, Quí Châu và khu tự trị Quảng Tây). Mỗi nhóm sắc tộc có tên riêng cho nhạc cụ này theo ngôn ngữ của họ. Có nhiều loại khẩu huyền, từ 1 đến 5 lá đồng thau. Mỗi lá được gảy ở phía trước miệng (sử dụng khoang miệng như bộ phận cộng hưởng âm thanh). Mỗi lá phát ra cao độ âm thanh khác nhau khi gảy. Âm thanh tùy thuộc vào sự thay đổi âm lượng và hình dạng của khoang miệng. Những lá này có thể được gảy cùng lúc hoặc từng chiếc một để tạo ra giai điệu giống như thiết bị synthesizer. 

- Lô sanh (蘆笙 lusheng): loại khèn (mouth organ) đa âm, có 5 hoặc 6 ống giọng khác nhau, mỗi ống có một lưỡi gà tự do (lưỡi gà gắn vào ống thổi dài làm bằng gỗ cứng). Kích cỡ ống thay đổi từ rất nhỏ đến ống dài trên 1m. Lô sanh chủ yếu do một số bộ tộc ở vùng nông thôn, tây nam Trung Quốc sử dụng, thí dụ như ở Quí Châu, khu tự trị Quảng Tây và Vân Nam). Nhạc cụ này còn được sử dụng ở những quốc gia lân cận như Lào và Việt Nam (do dân tộc thiểu số sử dụng, thí dụ như Hmông và Dong). Khi chơi lô sanh người ta thường nhảy múa và đu đưa nhạc cụ này. Từ cuối thế kỷ 20, loại phiên bản lô sanh hiện đại xuất hiện, được dùng trong dàn nhạc truyền thống của Trung Quốc.

- Mộc diệp (木叶 muye): lá cây được dùng như một nhạc cụ hơi.

- Yêu cổ (腰鼓 yaogu): loại trống thắt eo.

 Tài liệu tham khảo

Tổng hợp từ Wikipedia (tiếng Anh, tiếng Hoa) và tài liệu khác.

Nguồn: Tạp chí KH Văn hóa và Du lịch, Vol.7, số 4 (84), tháng 7 năm 2016

Thông tin truy cập

60796312
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
15813
24669
60796312

Thành viên trực tuyến

Đang có 299 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website