Đề cao đạo lý làm người dựa trên điển tích Trung Hoa-Một xu hướng sáng tác trong các tác phẩm Tài tử Nam Bộ

20170904 Don hung tin

1.   Bài bản nhạc Tài tử Nam Bộ có khoảng 100 bản. Trong phân loại có nhiều tác giả chấp nhận phân loại tỉ mỉ, 10 loại, đi từ “nhứt cho tới thập”.(1) Theo nhận định của giới chuyên môn, trong 100 bản này, nhóm nhạc miền Đông có nhiều bản nhạc rất hay như bộ “Ngũ châu”(2) của ông Ba Đợi (điệu Bắc), bản Trường tương tư cải biên từ bản Nam bình của ca nhạc Huế (điệu Ai Oán), bản Văn Thiên Tường tương truyền do ông Trần Quang Thọ ở Mỹ Tho sáng tác nhân cái chết của nhà yêu nước Thủ Khoa Huân (điệu Ai Oán), bản Võ Tắc Biệt - một sáng tác đối lại với bản Văn Thiên Tường (điệu Ai Oán)…(3) Nhưng với cách phân loại nhạc Tài tử Nam Bộ của cụ Ba Đợi theo hệ thống hơi điệu lại được xem là hoàn chỉnh hơn và được hầu hết giới chơi nhạc Tài tử chấp nhận. Bốn điệu Bắc, Nam, Hạ, Oán và bốn hơi Xuân, Ai, Đảo, Ngự vẫn giữ được sự chánh thống của hai dòng âm nhạc bình dân và bác học Việt Nam. Theo Nguyễn Tấn Nhì, cho tới nay, mặc dầu các nhạc sĩ đã không ngừng có những sáng tác mới, nhưng không tạo ra được một hơi điệu nào mới mẻ hơn các hơi điệu của 20 bài bản Tổ và 8 bản Ngự. Còn các hơi ảnh hưởng nhạc Quảng Đông, Triều Châu, hơi lai kiểu nhạc Tây phương không thuộc hệ thống bài bản đờn ca Tài tử.(4) 

2.   Về phần lời của các bản Tài tử, mỗi bản đờn đều có nhiều nghệ nhân soạn lời bài ca, không thể nêu hết những bài Tài tử được đánh giá là xuất sắc được nhiều người mến mộ biết đến. Chỉ riêng Minh Lời, một nghệ nhân ở Bến Tre cũng đã bỏ công soạn lời cho tất cả các bản đờn Tài tử Nam Bộ, trong một công trình được Sở Văn hóa-Thông tin tỉnh Bến Tre phát hành năm 2001.(5) Hoặc qua những lần hưởng ứng cuộc thi sáng tác lời bản đờn Tài tử của các địa phương tổ chức, nhiều bài Tài tử được đánh giá cao, đoạt giải thưởng, được tập hợp in thành sách…(6) Dầu vậy, hiện nay có một số bài bản Tài tử đã được lưu giữ với thời gian, điều ấy đủ nói lên sức sống bất tử của nó. Đó là những bản Tài tử có sức sống mãnh liệt, đề cập tới nhân cách ứng xử, tình cảm chân chính, lấy từ điển tích Trung Hoa để giáo dục đạo lý sống cho con người. Chẳng hạn, bài Bá Lý Hề(7) (38 câu), theo điệu Tứ đại oán của nhạc sư Trần Quang Quờn, một chủ xướng của nhóm nhạc miền Tây soạn lời vẫn được lưu giữ. Hay như bài Tống tửu Đơn Hùng Tín,(8) được viết theo bản Xuân tình chấn (48 câu), điệu Bắc của soạn giả Viễn Châu, ông vua viết vọng cổ được nhiều người thuộc ca và mến mộ. Trong bài viết này, chúng tôi đề cập tới vấn đề đạo lý con người được thể hiện qua hình thức nghệ thuật của 2 bài bản Tài tử được nêu.

2.1. Ở bài Bá Lý Hề dựa trên bản đờn Tứ đại oán (38 câu, 6 lớp), với lớp Thủ, soạn giả khắc họa tình cảm thương nhớ của người vợ, bởi sự chia cắt qua mấy năm chờ đợi “Trải bao thỏ lặn ác (tà)” đã làm tàn phai nhan sắc: “Mấy thu, não nùng (-) phận (hoa)”, bằng hàng loạt hình ảnh “trơ chà, lụy sa, bơ vơ”: “ Nhành ngô để lá trơ (chà) (-)”, “Chạnh chung tình lụy (sa) (-)”, “Chích nhạn bơ vơ giữa đường”…, trong kết hợp của một khuôn vần chủ lực “a, oa” tạo được sự gắn kết cho bản đờn, lời ca thêm sâu sắc, dễ đồng cảm.

Sang 2 lớp Xang dài, như được trải lòng, nàng kể hết nỗi niềm sầu thương của mình trước nghịch cảnh. Ở lớp Xang dài 1, tác giả mô tả tâm trạng thương nhớ ngổn ngang của nàng Đỗ Thị khi nghĩ tới Bá Lý Hề (Tỉnh Bá): nào “Nhạn lạc bầy nhạn lại kêu sương”, rồi thương cho chàng đường xa gian khó: “Thảm thương chàng đường (-) xa diệu (viễn)” mà nàng thì “Mắt trông chừng minh (-) mông trời (biển)”, nên vợ chồng đành phải chịu cảnh mỗi người một ngả, chẳng được gần nhau: “Đôi lứa mình tương (-) tri bất (kiến)”, “(-) Bá lang, (-) chàng hỡi. Có thấu chăng nỗi niềm sự tình” vì “Nam nhứt xứ, nữ nhứt phang (9)”.

Ở lớp Xang dài 2, lại tiếp nối nỗi niềm tâm sự riêng mang của nàng, dù cô độc “Thiếp cô phòng quạnh (-) hiu sớm (tối)”, vẫn khôn nguôi thương nhớ: “Vọng phu hình trông (chồng) nên (nỗi)”, nàng vẫn quyết giữ vẹn thủy chung “Thiếp học đòi thề (-) lòng chẳng (đổi)”, bằng lời thề bền chặt sắc son: “(-) Đá tan (-) biển cạn. Miễng kiếng xưa (-) thiếp (-) giữ (gìn). (-)(-)(-) Nặng (cũng) (-) bởi (-) chữ (tình)”. Nếu có tìm cho mình sự giải tỏa ức chế tâm lý tình cảm thì nàng cũng nguyện: “Năm canh kết (-) bạn bóng (hình) (-). Ngẩn ngơ (tình) với (-) ngọn đèn chong”. Thật là một tình cảm sắc son, thủy chung đáng quý của một người vợ chung tình. Hai khuôn vần “-ôi, -in/-inh” trong lớp Xang dài này tạo nên sự gắn kết thanh âm, ý tưởng và thanh nhạc giữa các câu, làm nên sự kết nối thông tin – văn bản khá hoàn hảo, nên giá trị nhận thức dễ dàng được đón nhận.

Ở 2 lớp Xang vắn, Xang vắn 1, từ tình cảm thương nhớ, người vợ cảm thấy ghen giận nếu phải chồng phụ bạc, vì tâm lý thường tình “vợ nào yêu chồng mà không ghen, ớt nào mà không cay”: “Thế khi chàng công (-) danh đắc lộ. Thêm nhiều thêm (-) nhiều cô (hầu). Nên lấp (-) thảm (-) tình (sâu). Chẳng nhớ hồi cháo (rau) (-). Nỡ đoạn tình (nhau) trong (-) buổi sang (giàu)”. Các khuôn vần “-âu/-au” đã làm lớp bản đơn và bài ca hòa quyện nhịp nhàng với nhau, nội dung cần truyền đạt vì thế cũng dễ dàng đi vào lòng người nghe hơn.

Ở lớp Xang vắn 2, từ suy nghĩ hằng đêm nung nấu, nàng quyết mang con lặn lội tìm chồng cho rõ nguồn cơn, sự việc: “Lội suối (-) trèo non (-). Bước theo đường xin ăn theo buổi. Dò lần qua Tần. Đến cho tận (-) mặt (-) Bá (Lang).(10) Trỗi ít bài nhặt (khoan) (-). Cho thấu tai kẻ bạc tình”. Quả là một người vợ có trái tim yêu thương hết mực, nhưng ý chí và lòng quyết tâm gìn giữ tình yêu thì cũng có thừa.

Sang lớp Hồi thủ, để kết thúc bài bản đờn ca Tài tử, nàng khôn khéo lựa lời phải trái mà hát để chồng hồi tâm suy tưởng: “Hỡi ai là bạn chung (tình). Tào khang sao (-) chẳng vẹn (gìn) (-). Thuở hàn vi áo trâu(11) lạnh lẽo. (-) Mặn lạt đều (-) sớt chia. Chừng đặng (-) chức công hầu (-). Tình tấm mẳn sao chàng nỡ bội (vong). Mặt mũi nào còn (-) thấy núi (sông).” Và Tể tướng Bá Lý Hề “Phút chốc động (-) tâm (trung) (-). Rất xót dạ (-) anh (hùng)… (-) Buông (-) ly rượu (-). Khóc cùng người tình (chung) (-)”. Ngoài nội dung đề cao đạo nghĩa vợ chồng, trên phương diện nghệ thuật thanh nhạc, soạn giả đã khéo kết hợp giữa sự hài thanh trong âm nhạc với khuôn vần trong ngôn ngữ nên dễ nhớ, thậm chí người nghe còn thuộc nằm lòng. Điển tích Trung Hoa Bá Lý Hề là một điển tích không dễ có mấy người bình dân biết, nhưng thông qua bài ca Tài tử mà bài học đạo lý về tình phu phụ ấy đã được truyền bá và lưu dấu lâu dài trong công chúng Nam Bộ, bởi họ quý yêu nhạc Tài tử.

2.2. Ở bài Tống tửu Đơn Hùng Tín, với bản đờn Xuân tình chấn (48 câu, 4 lớp), điệu Bắc, tác giả đã nêu bật được tình cảnh mất còn; qua đó từng người thể hiện được khí phách và phẩm chất của mình. Mặt khác, những tình cảm và phẩm chất con người mà đứng từ vị trí lợi quyền, nhân sinh quan, họ có những hành xử khác biệt nhau, nên trong mắt người đời, có người đáng khen, kẻ lại đáng trách.

Ở Lớp 1 là đoạn đối thoại giữa Trình Giảo Kim và Đơn Hùng Tín, khi Giảo Kim mời rượu Nhị ca Hùng Tín. Trước khi mời rượu, Trình nói về mình, tuy là người xuất thân không ra gì, nhưng cảm nghĩ về khí phách anh hùng của Nhị ca thì em đây rất kính trọng. Đó là lý do để Giảo Kim mời Nhị ca Hùng Tín chung rượu biệt ly: “1. (Trình Giảo Kim): Dạ, dạ… Thưa Đơn nhị ca, em đây là Giảo... (cống), Kim danh tánh họ Trình (xừ). 2. Thuở nhỏ chuyên nghề bán muối lậu, ăn cướp bạc vua (xê), khi lớn lên (-) em mới ra đầu Đường (xàng). 3. Có câu: “Kiến nghĩa bất di trọng thệ”(12) (xự), trước mặt Nhị ca em xin rót chung rượu nầy (hò)Em kính tặng Nhị ca một đấng anh hùng (hò)(-), thà thọ tử chớ không phục tùng chúa ở Đường vương (xang). 5. “Ninh thọ tử bất ninh thọ nhục”(13) (xự), em khen anh dạ sắt gan đồng (hò). 6. Đường sanh tử anh xem nhẹ tợ lông hồng (hò) (-), thác như vầy trọn hiếu nghĩa tiết trung (xang)”. Không hẳn là lời nói thật lòng của Trình Giảo Kim, vì bản thân Giảo Kim là người cũng có một quá khứ “bất hảo”; nhưng dẫu có là lời nói đầu môi thì họ Trình cũng nói được những gì thể hiện đúng phẩm chất “đứng thẳng” của Đơn Hùng Tín.

Cảm những lời nói được coi là “chân thật” của Giảo Kim dành khen tặng mình, nên Đơn Hùng Tín đáp lời và chấp nhận uống chung rượu: “7. (Đơn Hùng Tín): Nầy Giảo… Như tao anh hùng vô úy tử(14) (cống), hễ là úy tử (-) thì mạc anh hùng (xừ). 8. Một người một ngựa tao quyết diệt thằng Đường Lý Thế Dân (xê), nhưng mạng tao (-) vô thời nên mạc vận cầu (hò). 9. Hôm nay thân tao như chim lồng cá chậu(15) (xự), dẫu đầu rơi thịt nát tao cũng không đầu (hò). 10. Bởi nhiệt huyết tao đây có đủ một bầu (hò), thà thác tận kỳ trung hơn sống mà đầu nhơ(16) (-) (xang)! 11. Nhưng nay tao đã sa chân vào hổ huyệt (xự), thì mạng của tao cam đành dĩ tuyệt (xự). 12. Anh hùng tử chớ khí hùng bất tử(17) (cống), thiên thu mai cốt bất mai tu(18) (xang). 13. Giảo! Giảo! Giảo! Anh của mày nay đã mạng cùng (xề), nhưng thân tình này có chết tao vẫn mang theo (liu). 14. Sau khi tao thác xuống tuyền đài (-) (xề), thì tình của mày vẫn còn khắc cốt ghi tâm (liu)”. Sự đối đáp của Đơn Hùng Tín lúc nào cũng ở phong thái “đại ca”, bởi Đơn anh hùng đã từng vào sinh ra tử qua những trận thư hùng, thì việc đối mặt với cái chết, Hùng Tín cũng vẫn xem thường và thể hiện được khí phách hiên ngang, bình tĩnh. Trước giờ phút sinh tử, Nhị ca Hùng Tín vẫn còn nói được câu ân tình thay lời cảm ơn cho một chút tình bạn còn đọng lại ở Trình Giảo Kim: “Sau khi tao thác xuống tuyền đài, thì tình của mày vẫn còn khắc cốt ghi tâm”.

Ở Lớp 2, Trình Giảo Kim mời chung rượu thứ nhì và nêu lý do cũng rất thuyết phục, đó là tài cầm binh vang danh bốn cõi của Nhị ca Đơn Hùng Tín, khái quát trong một câu hết sức cô đọng “Lên đèo, xuống ải, lặn suối, trèo non; Đông xông, Tây đột, Nam tảo, Bắc trừ” nên “bốn biển cũng còn nghe danh anh”: “15. (Trình Giảo Kim): Dạ, dạ… Thưa Đơn nhị ca, còn đây (-), là ly rượu thứ nhì (cồng). 16. Em kính tặng Nhị ca là một đấng anh tài (cồng), suốt cả đời anh oanh oanh liệt liệt (cộng). 17. Một tay anh chống vững thành Lạc Dương (u), vì chữ trung quân anh xem thường tánh mạng (cộng). 18. Đâu sá chi lằn tên mũi đạn (-) (cộng), chí can cường thâu thành đoạt lũy, thật là đảm đương (xê). 19. Công lao (xê), hạng mã, đột (-) pháo xông tên (xê). 20. Lên đèo, xuống ải, lặn suối, trèo non (xê); Đông xông, Tây đột, Nam tảo, Bắc trừ (xừ). 21. Tứ hải (-) giai huynh đệ (xự), bốn biển cũng còn nghe danh anh (xê). 22. Hôm nay không may (-) (xê), anh thọ nạn chốn pháp trường (-) thì câu “lưu đắc vạn cổ”(19) vẫn còn ghi (xê)”. Lớp này, soạn giả đã khéo thể hiện được chí khí anh hùng và tài năng tung hoành ngang dọc của Đơn Hùng Tín một thời oanh liệt. Cách viết rất cô đọng, lấy cảm hứng từ các thành ngữ và lối diễn dịch ngắn gọn, đăng đối, kiểu văn đối ứng, nhưng không quá lối mòn như văn chương biền ngẫu.

Đáp lại lời nói chí lý, Đơn Hùng Tín khen phải và chấp nhận uống chung rượu thứ hai: “23. (Đơn Hùng Tín): Hay lắm Giảo! Như tao ngay với vua (xê), nên có thác tao nào có sá chi (liu). 24. Đấng anh hùng sanh ký tử quy(20) (-) (liu), rượu của mày tao uống cạn đó là hai ly (-) (liu)”. Cách thể hiện gần với ngôn ngữ đời thường nên gây được cảm giác rất chân thật.

Trình Giảo Kim mời tiếp ly thứ ba, thể hiện tình cảm vuông tròn, trọn vẹn.(21) Đó là ly rượu cầu chúc kiếp sau, theo quan niệm sống gửi thác về, con người sẽ đầu thai kiếp khác theo luật nhân quả: “25. (Trình Giảo Kim): Dạ thưa Đơn nhị ca còn đây (hò), là ly rượu thứ ba (xang). 26. Em cầu chúc cho anh thác xuống cửu tuyền chi hạ (xự), đầu thai kiếp khác cho được tài ba (xang). 27. Mặt anh như rồng, oai phong như cọp (xự), để sau này anh sẽ phát mã đề thương (xê). 28. Kéo rốc hùng binh trở lại nhà Đường (xê), để giết hết quân vong ân phản bạn (xự)”. Tuy đây là điều mong ước hoặc lời nói cố làm vui lòng người ra đi. Nhưng trong chừng mực, nếu nó không chân thật thì ít ra, nó vẫn có tác dụng làm vui lòng người sắp đi xa, bởi điều mong ước như đáp ứng được sở nguyện còn dang dở: “… đầu thai kiếp khác cho được tài ba. Mặt anh như rồng, oai phong như cọp, để sau này anh sẽ phát mã đề thương. Kéo rốc hùng binh trở lại nhà Đường, để giết hết quân vong ân phản bạn”. Dẫu gì thì sự phản bạn cũng đáng bị lên án nặng nề như một sự bất nhân, bất nghĩa.

Khen lời nói thành tâm của Giảo Kim, Hùng Tín cật vấn về sự vắng mặt của Tần Thúc Bảo trước khi uống chung rượu cuối cùng: “29. (Đơn Hùng Tín): Hay đó Giảo! Vậy chứ Tần Quỳnh (xề), hà phang mà bất kiến đệ huynh(22) (liu)? 30. Trần Giảo Kim): Dạ, dạ, Tần Thúc Bảo vâng lịnh triều đình (xề), chiêu an tam kiệt tận Hồng Đào Sơn (liu)”. Một câu đối đáp với cách diễn đạt gồm nhiều từ cổ, nhưng ý tưởng thể hiện thì lại gần gũi với kiểu đối thoại đậm chất văn chương.

Ở lớp 3, lại là chung rượu mời phản phúc của tiểu đệ La Thành, khi Hùng Tín hỏi ai là người nhận lệnh giết mình: “Vậy ai là người giám sát giết tao đó Giảo?”, nên La đệ bước ra và dõng dạc tuyên bố ngông nghênh, hống hách: “31. (La Thành): Dạ… Có em đây là (liu) (-), tiểu tướng La Thành (xàng). 32. Rượu một ly tống biệt nghĩa kim bằng(23) (xàng) (-), uống hay không mặc tình anh định liệu (cộng). 33. Nhớ lại những ngày đoan thệ làm phản Sơn Đông (u), đến nay ai cũng đắc ý kỳ phận(24) (cộng). 34. Em làm giám sát xin đại ca chớ giận (cộng) (-), xưa kia chó người đạo chích còn sủa vua Nghêu (xang)”. Lời lẽ của La Thành, quả có thể hiện tính chất kiêu kỳ, đắc thắng, tự mãn. Trong chừng mực, y còn châm chọc, mỉa mai khi lên tiếng phân bua: “xin đại ca chớ giận, xưa kia chó người đạo chích còn sủa vua Nghêu.”

Bực tức những lời biện hộ của La Thành, Hùng Tín nhắc lại chuyện xưa, kể ơn về tình huynh đệ; đồng thời, tấn công trực diện vào sự xảo trá của La Thành “Mầy là thằng mặt trắng lòng đen, ‘nhân diện thú tâm’(25)…”: “35. (Đơn Hùng Tín):

La Thành! Tao còn nhớ thuở Giảo Kim đi đầu giặc (xự), mầy còn đau bịnh ngặt (xự) (-). 36. Mầy nằm nơi Tam Hiền quán (-) (cống), ai rước lương y đầu thang chẩn mạch cho mầy hết đau (xang)? 37. Mạnh rồi, mầy nói dối với tao là về thăm quê xưa cảnh cũ (cống). 38. Để thăm mồ mả (cống) (-), chớ tao không ngờ mầy đầu thằng Lý Thế Dân (xang). 39. La Thành! Tao lầm mầy là thằng mặt trắng lòng đen (u), nhân diện thú tâm. Mầy nhờ ai được áo ấm cơm no (xê). 40. Đầu đội mão vàng, lưng đeo đai ngọc (xê). Rồi nay mầy cầm gươm, giết tao trả ơn hay sao (liu)?”.

Ở lớp 4, tiếp tục dòng cảm xúc chửi rủa của Đơn Hùng Tín với những lập luận và ngôn từ sắc gọn, cứng rắn: “khẩu phật tâm xà, nuôi ong tay áo, nuôi khỉ dòm nhà, dưỡng hổ di họa…”(26) và thái độ tuyệt giao dứt khoát của Hùng Tín “Nhơn phi nghĩa bất giao; vật phi nghĩa bất thủ”:(27) “41. (Đơn Hùng Tín): (-) La Thành, tao lầm mầy (liu) là thằng khẩu phật tâm xà (xàng). 42. Nuôi ong tay áo, nuôi khỉ dòm nhà (xàng). Bởi dưỡng hổ nên tao đành di họa (cộng). 43. Sách có câu: “phóng ngư nhập thủy, tung hổ quy sơn”(28) (u). Nay Đơn Hùng Tín mới nan(29) toàn tánh mạng (cộng). 44. Thật gớm ghê thay cho mầy là thằng phản bạn (cộng) (-). Thực nhơn tài, rồi mày hãm hại nhơn tai (xang). 45. Mầy nhớ không, tiền đồng tịch kim bằng cộng lạc (xự), hậu lâm nguy bất kiến nghĩa huynh đệ(30) (xự). 46. Nhơn phi nghĩa bất giao; vật phi nghĩa bất thủ (cống). Người quân tử không thèm uống rượu của đứa cẩu tâm(31) (xang)”.

La Thành không biện hộ lấy được một lời, nên đành hành xử của kẻ yếu thế dùng gươm: “47. (La Thành): Đơn Hùng Tín, giờ Ngọ đã đúng kỳ (xề), gươm đeo tuốt vỏ, chuyển lực thần oai (liu). 48. Đưa hồn ngươi xuống tận tuyền đài (xề) (-), gươm lịnh này tận sát Đơn nhị ca (liu)”.

Ngoài việc phối hợp giữa bài và bản thể hiện qua thanh âm nhạc Tài tử Nam Bộ và thanh điệu tiếng Việt, lời bài ca có được sự ăn đờn, làm cho tài tử ca dễ diễn đạt, người nghe dễ cảm nhận. Mặt khác, lời bài ca vừa có chất ngôn từ cổ phù hợp với thực tế sự việc; đồng thời qua đó thể hiện tài năng vận dụng ngôn từ trong thành ngữ, điển tích của tác giả để biểu thị những gì khái quát cần diễn đạt thật gọn và chính xác, chẳng hạn, việc soạn giả dùng điển tích “chó người đạo chích còn sủa vua Nghiêu”, nói lên sự bất kính của kẻ vô tâm, vô trí mà ai trách được nếu nó là súc vật. Hay việc gặp thảm họa của Đơn Hùng Tín, được ông rút ra từ những sai lầm “vô tư” của mình trước đây, qua cách hành xử với tiểu đệ kết nghĩa La Thành, như: “nuôi ong tay áo; nuôi khỉ dòm nhà; phóng ngư nhập thủy; tung hổ quy sơn...” Hay khi diễn đạt khí phách của người anh hùng, soạn giả đã dùng nhiều câu kinh điển, đắc dụng, như: “Anh hùng tử khí hùng bất tử, Ninh thọ tử bất ninh thọ nhục. Thiên thu mai cốt, bất mai tu. Đường sanh tử anh xem nhẹ tợ lông hồng. Anh hùng vô úy tử, hễ là úy tử thì mạc anh hùng…” Hoặc nói về tài điều binh khiển tướng, soạn giả đã khái quát được tài năng quân sự của Hùng Tín, bằng cụm câu đơn ghép, ngắn gọn, đăng đối rất khéo: “Lên đèo, xuống ải, lặn suối, trèo non; Đông xông, Tây đột, Nam tảo, Bắc trừ”…

3. Khuynh hướng dùng điển cố, điển tích Trung Hoa để nói về quan niệm sống, đạo lý sống của người xưa là khuynh hướng “văn dĩ tải đạo” được thể hiện phổ biến trong văn chương Việt Nam cổ điển và trong văn chương Nam Bộ thời kỳ đầu của chữ Quốc ngữ. Cũng không ngoài trào lưu ấy, giới soạn giả ca nhạc Tài tử, vọng cổ, cải lương Nam Bộ cũng dựa trên khá nhiều nhân vật, sự kiện trong lịch sử Trung Quốc, văn chương Trung Quốc để ngụ ý chuyển tải một thông điệp nào đó cho người tiếp nhận hiện tại, âu cũng là một điều kiện tốt, tiếp thêm ý tưởng và chắp bút cho giới soạn giả.

HCT

CHÚ THÍCH

  1. Theo ý kiến nghệ sĩ Chín Tâm, điều chỉnh bảng phân loại, phân thành 10 loại bản, được sự tán thành của nhạc sư Nguyễn Văn Thinh và nhạc sư Phạm Văn Nghi. Cách phân loại này gồm: nhứt Lý, nhì Ngâm, tam Nam, tứ Oán, ngũ Điếm, lục Xuất, thất Chánh, bát Ngự, cửu Nhĩ, thập thủ liên hườn.
  2. Ngũ châu là 5 hạt châu do nhóm nhạc Tài tử miền Đông khai sanh khoảng cuối thế kỷ 19, gồm: 1. Kim tiền bản: Tiền vàng làm căn bản để vua ban thưởng cho người có công. 2. Ngự giá: Vua lên xe. 3. Hồ lan: Lan nước Hồ. 4. Vạn liên: 10.000 bông sen. 5. Song phi hồ điệp: Hai con bướm cùng bay.
  3. Theo Nguyễn Tấn Nhì, “Hệ thống bài bản đờn ca tài tử”, https://sites.google.com/site/ cavongco/tai-lieu/bien-khao/hethongbaibandhoncataitu, truy cập ngày 18/01/2015.
  4. Theo Nguyễn Tấn Nhì, Bđd, 18/01/2015.
  5. Minh Lời, Bài bản sân khấu cải lương và Tài tử Nam Bộ, Sở VH-TT tỉnh Bến Tre, 2001.
  6. Sở VH-TT-DL TP Hồ Chí Minh, Tập bài ca tuyển chọn cuộc vận động sáng tác lời mới 20 bản Tổ, 2012.
  7. Bá Lý Hề người nước Ngu (Trung Hoa), tên Tỉnh Bá, 30 tuổi cưới Đỗ Thị. Sau vâng lệnh đi sứ bị bắt giữ lại cho chăn trâu. Tần Mục Công biết tài Tỉnh Bá nên đem 5 bộ da dê chuộc Tỉnh Bá về. Đỗ Thị ở nhà chờ đợi mòn mỏi, bồng con đi tìm chồng. Khi Đỗ Thị biết Bá Lý Hề làm Thừa tướng nước Tần, nhân dịp tướng phủ cần người may vá, Đỗ Thị xin vào ở may. Rồi một dịp tiệc tùng có ca hát, Đỗ Thị nài nỉ nhạc công cho lên nhà khách ca giúp vui. Nghe Đỗ Thị mượn lời ca kể lại mối tình vợ chồng khi xưa, Bá Lý Hề nhận ra người vợ thủy chung, hai người ôm nhau khóc, rồi mừng vui cuộc sum họp.
  8. Đơn Hùng Tín trong Thuyết Đường, là một tướng quân tài giỏi, trung nghĩa. Trong số anh em kết nghĩa, Đơn Hùng Tín là người đứng thứ hai nên được Tần Thúc Bảo, Trình Giảo Kim, La Thành gọi thân mật là “Nhị ca”. Các nhân vật này đều theo Lý Thế Dân, riêng Đơn Hùng Tín lại theo Vương Thế Sung. Sau Hùng Tín bị Thế Dân bắt, vì cương quyết không hàng nên bị chém đầu. Màn tống tửu diễn ra trước khi Đơn Hùng Tín bị xử trảm.
  9. Phang: từ biến âm theo phương ngữ Nam Bộ của từ “phương”.
  10. Lang: chồng; Bá là Tỉnh Bá, tên khác của Bá Lý Hề. Bá Lang là cách người vợ gọi chồng theo tên tục gọi của chồng một cách thân thương.
  11. Bá Lý Hề thời đi sứ bị bắt giữ lại cho chăn trâu. May nhờ Tần Mục Công biết tài Tỉnh Bá nên đem 5 bộ da dê chuộc về.
  12. Ý nói: Thấy việc phải không làm là không trọng lời thề của người quân tử.
  13. Ý nói: Thà chấp nhận chết, chớ không chịu bị làm nhục.
  14. Úy tử: sợ chết. Ý cả câu: “Anh hùng thì không sợ chết, mà sợ chết thì không phải đấng anh hùng.”
  15. Quán ngữ “chim lồng, cá chậu” trong trường hợp này, chỉ việc bị bắt, không còn khả năng tung hoành.
  16. Đấng anh hùng bao giờ cũng chọn cái chết hiên ngang, chớ không bằng lòng đổi lấy cuộc sống luồn cúi.
  17. Anh hùng thì cũng phải chết, nhưng chí khí anh hùng của người chết ấy vẫn bất tử.
  18. Ngàn năm, xương cốt có thể bị tàn rụi, nhưng sự cười chê của người đời thì hoàn toàn không hề mai một. Ý nói, vì vậy phải sống làm sao cho rạng danh, chớ không được để nhơ danh.
  19. Ý nói: danh tính và khí phách anh hùng được lưu giữ muôn đời sau.
  20. Ý nói: sống gửi chết về. Theo quan niệm, người sống chỉ là gửi tạm nơi chốn trần gian, còn chết đi mới là trở về quê thật vĩnh viễn.
  21. Người đời có quan niệm về con số 3, con số của sự hoàn hảo, đầy đủ, trọn vẹn; giới uống rượu thì có câu “vào ba ra bảy”.
  22. Tần Quỳnh (Tần Thúc Bảo), người đệ được cho là có nghĩa, có tình với Nhị ca Hùng Tín, đã bị triều đình cảnh giác mà điều đi xa, để tránh diễn ra cảnh có thể cướp pháp trường cứu mạng Hùng Tín, nên Hùng Tín thấy vắng mới hỏi: “Tần Quỳnh ở phương nào (hà phang) mà không đến tiễn tình huynh đệ (mà bất kiến đệ huynh)”?
  23. Ý nói: “mời một ly rượu để dứt khoát với tình bằng hữu đáng quý”.
  24. Ý nói: “vừa ý, an phận”.
  25. Nghĩa là “mặt người, lòng thú”. Ý nói là người nhưng không có lòng nhân, nhân cách.
  26.  “Khẩu phật tâm xà”, ý nói: “lời nói thì nhân đức, nhưng hành động thì độc ác”; “nuôi ong tay áo, nuôi khỉ dòm nhà, dưỡng hổ di họa”, ý nói: “nuôi kẻ phản phúc”.
  27. Ý nói: “người không nghĩa không giao thiệp, vật bất chính không giữ làm của.”
  28. Ý nói: “thả cá vào nước, đưa hổ về rừng” là chẳng khác nào làm lợi cho kẻ có hại, tức là lầm nên rước thiệt hại về cho mình.
  29. Nan, nghĩa là “khó”.
  30. Ý nói: “trước bình yên thì anh em chung vui, chung hưởng, sau (khi) gặp nạn thì không thấy tình anh em.”
  31. Cẩu tâm, nghĩa là “lòng chó, lòng thú, chớ không phải lòng người”.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Bửu Cân, Hán Việt thành ngữ, Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa, Sài Gòn, 1971.
  2. Trần Văn Khê, Du ngoạn trong âm nhạc truyền thống Việt Nam, Nxb Trẻ, 2004.
  3. Minh Lời, Bài bản sân khấu cải lương và Tài tử Nam Bộ, Sở VH-TT tỉnh Bến Tre, 2001.
  4. Vương Hồng Sển, Hồi ký 50 năm mê hát, Nxb Trẻ, 2007.
  5. Trịnh Vân Thanh, Thành ngữ điển tích-danh nhân từ điển, I & II, Sài Gòn, 1966.
  6. La Thần dịch, Thuyết Đường diễn nghĩa toàn truyện, tác phẩm khuyết danh của Trung Quốc, thế kỷ 17-18.
  7. Huỳnh Công Tín, Từ điển từ ngữ Nam Bộ, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, 2009.
  8. Huỳnh Công Tín, Văn chương miền sông nước Nam Bộ, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, 2012.
  9. Sở VH-TT-DL TP Hồ Chí Minh, Tập bài ca tuyển chọn cuộc vận động sáng tác lời mới 20 bản Tổ, 2012.
  10. Nguyễn Tấn Nhì, https://sites.google.com/site/cavongco/tai-lieu/bien-khao/he-thong-bai-ban-don-ca-tai-tu

Huỳnh Công Tín, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh

Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 1 (118), 2015

Thông tin truy cập

63695041
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
15333
23426
63695041

Thành viên trực tuyến

Đang có 838 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website