Tự do sáng tạo trong nghệ thuật Sân khấu

20180122 san khau

1.    Thực trạng vấn đề tự do sáng tạo trong lĩnh vực Sân khấu

Khác với văn học và một số loại hình nghệ thuật, Sân khấu là một loại hình nghệ thuật tổng hợp. Nó tổng hòa tỏng nghệ thuật của chính mình nhiều các loại hình nghệ thuật khác. Trong mối quan hệ giữa sân khấu và người xem của nghệ thuật đặc thù này, thì sân khấu trước hết gồm sự tổng hòa của ba chủ thể sáng tạo cơ bản: Nhà viết kịch; Nhà đạo diễn; Nhà nghệ sĩ biểu diễn.  Ba chủ thể này và một số chủ thể yểm trợ khác: mỹ thật, âm nhạc, phục trang, ánh sáng, hậu đài… đã hòa hợp thành một tập thể sáng tạo ra tác phẩm cuối cùng là vở diễn để phục vụ công chúng sân khấu, chính là người xem.  Do vậy, tự do sáng tạo trong lĩnh vực sân khấu mang tính đặc thù rất cao, đó là tự do sáng tạo cá nhân, phải “tan hòa: trong một tập thể nghệ sĩ. Bản thân tự do sáng tạo nghệ thuật sân khấu vừa mang tính cộng đồng, vừa mang tính cá thể. Vì vậy, bản chất của tự do sáng tạo trong tính đặc thù của nghệ thuật sân khấu là phải được hiển lộ tổng hòa trên hai phương diện cơ bản: sáng tạo cá nhân và sáng tạo tập thể. Chính vì vậy, nếu nhìn tự do sáng tạo trong nghệ thuật sân khấu ở chính góc nhìn tổng thể căn cơ này thì sẽ luôn nhận thấy có 2 tình thế xảy ra. Nếu tự do sáng tạo của cá nhân nghệ sĩ được thống nhât và hòa hợp nhất quán với sáng tạo của tập thể nghệ sĩ thì sẽ dẫn đến vở diễn thành công ngoạn mục trên tinh thần cộng đồng và mang tính tổng thể. Đó là sự hài hòa và thống nhất thẩm mỹ, bắt đầu từ  cái hay, cái xuất sắc của nhà viết kịch, mang tính phi vật thể của con chữ trong kịch bản văn học, được chuyển ngữ   đến cái hay mang tính hữu thể  trong ngôn ngữ dàn dựng của đạo diễn, ngôn ngữ thể hiện vai kịch của nghệ sĩ biểu diễn nhân vật kịch trên sân khấu, cùng nhiều ngôn ngữ yểm trợ khác, như ngôn ngữ âm nhạc, mỹ thuật, phục trang, hóa trang, hậu đài sân khấu … Đó là về phía sân khấu, mà chưa kể đến công chúng sân khấu, trong quan hệ lớn nhất của nghệ thuật này, đó là quan hệ giữa SÂN KHẤU và NGƯỜI XEM.

          Tuy nhiên, hiện nay, về phía sân khấu, với những hoạt động sáng tạo đặc thù, với tư cách chủ thể sáng tạo tác phẩm sân khấu trong quan hệ với người xem thì câu chuyện tự do sáng tạo của nghệ thuật sân khấu  hiện đang gặp một số vấn đề bức xúc và nan giải, khiến giới sân khấu phải cùng nhau chung tay giải quyết như sau:

          Có vấn đề mâu thuẫn, hoặc khó dung hòa giữa các chủ thể sáng tạo sân khấu với hội đồng nghệ thuật duyệt vở diễn hay không? Mâu thuẫn ấy được nhận diện  và giải quyết thế nào để thúc đẩy sự phát triển sân khấu Việt Nam hiện đại thế kỷ XXI?

          Mâu thuẫn giữa nhà viết kịch và hội đồng duyệt kịch bản, khi kịch bản không được Hội đồng nghệ thuật thông qua, cho phép dàn dựng hoặc bị sửa với những đòi hỏi và yêu cầu rất ít kích thích sáng tạo trong cái viết kịch bản? Chính vì vậy thường dẫn đến tình trạng: kịch bản viết được rất nhiều, nhưng được dựng không nhiều hoặc được chọn dựng rất ít. Các trại viết được tổ chức rất nhiều, đều kì, hàng năm, phần nhiều được đánh giá thành công, nhưng thường không tỉ lệ thuận với số lượng kịch bản hay. Và  “số lượng sản xuất” từ các trại này thường cao hơn cái gọi là chất lượng. Các nhà quản lý các đơn vị sân khâu và các đạo diễn thường rất khó và rất lúng túng trong việc tìm kiếm kịch bản hay để phục vụ cho nhà hát, cho các đơn vị nghê thuật mà mình chỉ đạo nghệ thuật hoặc được mời dàn dựng. Vậy làm thế nào đây để đạo diễn được tự do tìm kiến và dàn dựng kịch bản hay?

          Song tôi nghĩ: một trong những cuộc khủng hoảng lớn nhất sân khấu hiện đang ở khâu sáng tạo đầu tiên và căn bản nhất chính là ở khâu kịch bản văn học. Sân khấu hiện đại đang thiếu vắng những kịch bản hay. Có thể, chính người viết kịch hôm nay đang né tránh những vấn đề lớn, mang tính xung đột, mâu thuẫn lớn của xã hội Việt Nam hiện đại. Phải chăng, tự bản thân một số nhà viết kịch, nhà văn đã né tránh những vấn đề nhạy cảm trong xã hội, tự biên tập “tự do” kịch bản để có thể dễ bề được duyệt, thay vì cố chờ đợi, để nguyên kịch bản trong ngăn kéo hàng chục năm,  hay dăm năm như “Rừng trúc” của Nguyễn Đình Thi hay “ Hồn Trương Ba, da hàng thịt” của Lưu Quang Vũ.

          Trên tinh thần “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, tôi cũng có thể thấy rằng, hiện nay một số nhà viết kịch của Sân khấu Việt thế kỷ XXI đã có thể ngoài ý muốn mà tự hạn chế tự do sáng tác của mình trong việc phát hiện, đặt ra và giải quyết trong kịch bản của mình những vấn đề lớn, những xung đột, mâu thuẫn lớn của xã hội Việt Nam hiện đại trong “bi kịch của sự phát triển” (theo nhà nghiên cứu Đào Duy Anh trong cuốn sách đầu tiên nghiên cứu về văn hóa Việt Nam: “Việt Nam văn hóa sử cương”- NXB Quan hải tùng thư,1938). Theo Đào Duy Anh, cái bi kịch của xã hội hiện đại thế kỷ XX chính là sự phát triển từ một xã hội nông nghiệp tiểu nông mang nhiều âm tính đến một xã hội theo mô hình phương tây dương tính: “công nghiệp hóa”, “đô thị hóa” và “hiện đại hóa”. Thực chất, bi kịch này nằm trong những mâu thuẫn, xung đột không còn là giữa ta và địch như trong các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ , mà là những xung đột mâu thuẫn trong thời bình, của thời kỳ bao cấp hôm qua và kinh tế thị trường hôm nay.

Về phương diện tự do sáng tạo của nhà viết kịch việc nhận thực về bản chất bi kịch này, đã kích thích sự tự do của nhà viết kịch, bởi, như một nhà kinh điển nhận định, một nhà viết kịch có tầm cỡ phải phản ánh trong tác phẩm của mình vài ba khía cạnh chủ yếu của cuộc cách mạng “nếu tự do là sự nhận thức được cái tất yếu” thì nhà viết kịch phải tự mình buộc mình phải nhận thức được bi kịch của sự phát triển của xã hội Việt Nam và viết những kịch bản hay đụng được vào cả trái tim tâm lẫn lý trí người xem và hoàn toàn có thể tránh được sự xét duyệt có thể là ngặt nghèo, phi nghệ thuật của Hội đồng nào đó về kịch bản.

          Các nghệ sĩ rất khó kiếm  hoặc rất hiếm hoi có được vai kịch mà mình tâm đắc. Huống hồ là vai kịch để đời. Vậy làm thế nào để được tự do lựa chọn và kiếm tìm những vai kịch hay?

          Tất nhiện, những nhạc sĩ, họa sĩ, những người phục vụ cho việc sáng tạo một vở diễn cũng thúc thủ trong trường hợp không có kịch bản hay.

          Vấn đề đặt ra:

          Làm thế nào để có bà đỡ có mắt xanh phát hiện, nâng đỡ và cưu mang những kịch bản hay, và những kịch bản hay không bị ngủ yên trong ngăn kéo như những trường hợp đã xảy ra: Rừng Trúc;  Hồn Trương Ba, da hàng thịt; Nguyễn Trãi ở Đông Quan; như một số vở của Nguyễn Đình Thi, Lưu Quang Vũ chẳng hạn.

          Làm sao cho đạo diễn được tự do lựa chọn kịch bản phù hợp, nhằm xác lập, khẳng định phong cách dàn dựng của cá nhân mình?

          Làm sao cho diễn viên được tự do tìm và được lựa chọn, được đề nghị vai kịch của mình và làm sao vở diễn, vai diễn không bị cấm, bị sửa quá nhiều, đến mức đạo diễn không muốn nhận đó là vở diễn của mình hoặc diễn viên không muốn nhận đó là vai diễn của mình?

          Tiếp theo là làm thế nào  để Hội động duyệt tiếp các khâu: dàn dựng biểu diễn đến tổ chức vở diễn sân khấu cho thông thoáng, xuôi chèo mát mái, trở thành thực sự là bà đỡ mát tay cho những vở diễn hay?

          Thực trạng sân khấu đang diễn ra ở hai khu vực: Sân khấu nhà nước (Quốc doanh);  Sân khấu tư nhân (xã hội hóa), đều cùng đặt ra vấn đề tự do sáng tác trong việc: Sáng tác, dàn dựng và biểu diễn. Có điều hội đồng duyệt cả hai khu vực sân khấu này đều đang có vấn đề cần tháo gỡ.

          Thứ nhất: Với Sân khấu nhà nước (quốc doanh): nếu vở diễn đổ thì còn có chỗ lùi. Vì đó là tiền của nhà nước cấp để dựng vở, diễn viên được hưởng lương từ nhà nước chi trả. Còn với sân khấu xã hội hóa, vở diễn đổ thì trắng tay, mất công sức, việc làm…

          Thứ hai: Vì thế, sân khấu xã hội hóa sẽ bị thua thiệt nhiều, khi vở diễn bị hội đồng cấm, hoặc không duyệt, hoặc sửa chữa rất nhiều thì đồng nghĩa với việc sẽ làm đổ “nồi cơm” của sân khấu xã hội hóa. Có lẽ vì vậy, nên nỗi “sợ hãi” lớn nhất của sân khấu TP HCM là vở diễn bị đổ, hội đồng nghệ thuật không duyệt, nên trắng tay…

          Thứ ba: Không thể không nhận rằng, sân khấu thế kỷ XXI đã đánh mất người xem. Người xem được chủ động và tự do từ chối,từ bỏ sân khấu hay sân khấu đã tự đánh mất người xem? Ở chỗ này,vấn đề đặt ra rất tréo ngoe: Sân khấu Việt đã từng hấp dẫn người xem đến không thể cưỡng lại trong những thập kỷ 70, 80 của thế kỷ XX. Vậy, từ đầu thế kỷ XXI đến giờ, mà người xem vẫn thờ ơ, quay lựng lại với Sân khấu là lỗi tại ai, quyền năng của người xem với sân khấu là gì? Nếu họ bỏ sân khấu thì lỗi có phải tại họ đã nhạt tình với sân khấu không? Quyền tự do của người xem đối với sân khấu là gì, khi họ có quyền “ra về vào lúc giải lao”, vì vở diễn mà họ xem mới chỉ đụng vào ví tiền của họ chứ chưa đụng vào trái tim của họ (ý kiến của nhà văn Phan Thị Vàng Anh trên Thể thao văn hóa với nhan đề bài viết: Ra về vào lúc giải lao, vào đầu thế kỷ XXI).

Chính vì vậy, vấn đề tự do thưởng thức vở diễn của  công chúng sân khấu phải đặt ngang với vấn đề tự do sáng tạo của giới sân khấu. Trong quan hệ sinh tồn giữa sân khấu và người xem, cần phải ý thức rằng, không có người xem thì làm sao có sân khấu. Và sân khấu chỉ có thể phát triển khi sân khấu có cái để xem.  Có cái để nghĩ và có cái để cười, để khóc. Chính vì vậy, phát biểu trong Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII diễn ra tại Hà Nội ngày 16-17/11/2014 (nhiệm kỳ 2014-2019), Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, NSND Lê Tiến Thọ đã nhấn mạnh bằng văn bản, về vấn đề sáng tác và tự do sáng tác: “Do tính đặc thù của loại hình sân khấu là nghệ thuật tổng hợp, vì vậy vấn đề sáng tác và tự do sáng tác trong lĩnh vực sân khấu cần có một cơ chế cụ thể. BCH cần kiến nghị với các cơ quan kiểm duyệt phải có những quy chế, những quy định để các nghệ sĩ sáng tác, dàn dựng, biểu diễn hước tới chân, thiện, mỹ và thực hiện theo các quy định hướng từ Nghị quyết của Đảng về văn hóa, văn nghệ. Đề nghị với các cơ quan chức năng, có các văn bản hướng dẫn thực hiện các Nghị quyết của Đảng để Nghị quyết đi vào đời sống. Đó là định hướng cho sáng tác và tự do sáng tác”. (Tài liệu cùng tên trang 55).

2.    Giải pháp nhằm giải phóng tự do sáng tạo của chủ thể sân khấu gồm:

Người viết kịch bản, người dàn dựng, người biểu diễn. Và tất nhiên, tự do tiếp nhận cho công chúng thưởng thức sân khấu nữa!

2.1.        Giải pháp về sân khấu và giải pháp về hội đồng kiểm duyệt tác phẩm sân khấu:

          Người viết kịch: Cần nhận thức rõ bi kịch của sự phát triển xã hội hiện đại Việt Nam với những xung đột mâu thuẫn của sự phát triển để  tự quyết định những chủ đề của kịch bản, nhất là trong hoặc ngoài “vùng cấm”.

          Người đạo diễn: Mạnh dạn và tự do lựa chọn và dàn dựng những vở kịch có thể đã bị ém rất lâu trong ngăn kéo người viết kịch. Như đạo diễn Đình Quang với một số vở kịch của Xuân Trình, Tất Đạt, Lưu Quang Vũ. Nguyễn Đình Nghi với một số vở kịch của Nguyễn Đình Thi, Lưu Quang Vũ, Xuân Trình …

          Người diễn viên: Tự do biểu lộ cá tính nghệ thuật với tính chuyên nghiệp cao nhất trong sự phối hợp với tác giả và đạo diễn. Tự do đối thoại, giải trình, bảo vệ ý đồ của mình trong vai diễn với tác giả và đạo diễn.

          Rất lưu ý vấn đề: Tự do cá nhân phải nằm trong sự đồng bộ giữa nghệ sĩ và tập thể những người sáng tao vở diễn, trên tinh thần triết học mạnh khỏe: Tự do là sự nhận thức được cái tất yếu. Vậy nên, công chúng được quyền tự do để từ chối, phủ nhận, hoặc tiếp nhận các vở diễn. Đồng thời với sự tự giáo dục để nâng cao thẩm mỹ sân khấu của chính mình. Cho nên sân khấu cần đáp ứng, bằng cách dàn dựng những vở diễn tiên  tiến nhất của Việt Nam và trên thế giới như: Shakespeare, Sê-khốp, Molie, Ipsen…

2.2. Hội đồng: Đề nghị Hội đòng duyệt phải tập hợp được những người am hiểu về mọi loại hình, thể loại và mọi phương diện sân khấu Việt hiện đại; từ Tuồng, Chèo, Rối nước, Cải lương, …. Đến các công đoạn viết kịch bản, dựng vở, biểu diễn và thưởng thức.

-       Am hiểu thể loại kịch trong sân khấu Việt Nam hiện đại, vốn du nhập từ phương Tây đầu thế kỷ XX tại Việt Nam và đã được Việt hóa suốt gần một thế kỷ. Thực chất công cuộc Việt Nam hóa kịch Tây phải được nhận thức như là một quá trình văn hóa. Vì vậy, hội đồng nghệ thuật muốn tránh khỏi trục trặc, sự không tìm được ngôn ngữ chung khi xét duyệt tác phẩm nghệ thuật sân khấu với người sân khấu, cần phải có cơ chế cụ thể, sát sao với tính đặc thù của sân khấu. Theo yêu cầu và cũng là định hướng của NSND Lê Tiến Thọ- Chủ tịch Hội NSSK Việt Nam, thì để có một hội đồng nghệ thuật Sân khấu phù hợp với nhiệm kỳ 2014-2019 thì: “ban Chấp hành (Hội NSSKVN) cần kiến nghị với các cơ quan kiểm duyệt phải có những quy chế, những quy định để các nghệ sĩ sáng tác, dàn dựng, biểu diễn hướng tới chân, thiện, mỹ và thực hiện theo các quy định hướng từ Nghị quyết của Đảng về văn hóa, văn nghệ. Đề nghị với các cơ quan chức năng, có các văn bản hướng dẫn thực hiện các Nghị quyết của Đảng để Nghị quyết đi vào đời sống. Đó là định hướng cho sáng tác và tự do sáng tác”.

     Ngoài ra cần phải lưu ý thêm về các công tác cụ thể như sau: “Tổ chức sáng tác; Dàn dựng và phổ biến tác phẩm; Tổ chức đi thực tế sáng tác” (trang 55 tài liệu lưu hành nội bộ).

     Cuối cùng, tự do sáng tác trong mọi lĩnh vực của hoạt động sân khấu phải đi đôi với tự do thưởng thức của công chúng sân khấu. Công chúng sân khấu hiện đại của hôm nay hoàn toàn có quyền tiếp nhận nồng nhiệt hoặc quay lưng khước từ sân khấu và hoàn toàn có thể hiểu tại sao họ đã từng quyết định “ra về vào lúc giải lao” như tên một bài viết của Phan Thị Vàng Anh, cách nay đã hơn chục năm. Vậy, tự do thưởng thức và sáng tạo sân khấu từ phía chủ thể sân khấu còn phụ thuộc rất nhiều vào việc môi giới cái đẹp của nhà phê bình sân khấu. Hiện nay phê bình sân khấu chưa phải là một nghề, và phê bình sân khấu trên báo chí rất nhờ nhạt, mong manh, hầu như không thúc đẩy gì cho sự phát triển của sân khấu hiện đại và người phê bình sân khấu chuyên nghiệp có thể đến trên đầu ngón tay và việc đạo tạo những nhà phê bình sân khấu trong các trường Sân khấu điện ảnh  Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh rất ít được coi trọng. Nếu đối tượng của của nhà phê bình sân khấu là vở diễn, thì nhà phê bình sân khấu lại rất ít có cơ hội được tiếp xúc với tác phẩm sân khấu vì nhiều lý do khách quan trong đó có lý do có những bài phê bình làm đổ vỡ “nồi cơm” của các nhà hát và đoàn hát khi bình luận một vở diễn. Có những nhà đạo diễn và nghệ sĩ giận dỗi nhà phê bình hàng chục năm không nhìn mặt. Đó là những thực tế rất đáng tiếc. Hầu như sân khấu vắng bóng nhà phê bình. Vậy nhà phê bình ở đâu và tự do sáng tạo của nhà phê bình đang bị treo lên hay nhà phê bình đang tự tước mất quyền sáng tạo của mình? Đó cũng là vấn đề đặt ra cần gấp rút giải quyết trong thế kỷ XXI./.

 

PGS. TS Nguyễn Thị Minh Thái

Phó Trưởng Ban Lý luận, Phê bình Hội NSSK Việt Nam

Thông tin truy cập

63666035
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
9753
17595
63666035

Thành viên trực tuyến

Đang có 787 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website