Nghệ thuật tạo hình trong sân khấu kịch nói

20180424 kich  
Cảnh trong vở Quẫn. Ảnh Võ Hồng Thu 

Trong sân khấu nói chung và kịch nói nói riêng, các yếu tố nghệ thuật tạo hình có vai trò quan trọng trong quá trình sáng tạo, xử lý không gian, thời gian của vở diễn. Một vở diễn thành công là vở diễn có các tạo hình sân khấu độc đáo, gây ấn tượng về thị giác, thính giác và cảm xúc thẩm mỹ đối với khán giả.

Nghệ thuật kịch nói xuất hiện muộn nhất ở nước ta so với các kịch chủng khác, tuy nhiên với những đặc trưng ngôn ngữ thể loại riêng biệt, loại hình nghệ thuật này đã có những bước tiến nhanh chóng, bắt nhịp song hành với thời cuộc trong nhu cầu thưởng thức sân khấu của khán giả Việt Nam.

Nghệ thuật tạo hình trong sân khấu kịch nói được xem như một phương thức tạo ra hình hài của tác phẩm về cả mặt nội dung và hình thức. Đây là công việc được hình thành từ ý đồ của đạo diễn, thể hiện bằng nghệ thuật diễn xuất của diễn viên cùng sự hỗ trợ của các hình thức nghệ thuật phụ trợ như: mỹ thuật, âm nhạc, ánh sáng, âm thanh. Không gian, thời gian sân khấu được hình thành từ 3 nhân tố cơ bản: sự kiện kịch, xung đột kịch, hành động kịch. Chúng trở thành nhân tố tổng hợp, là một trong những nền tảng cơ bản và không thể thiếu của nghệ thuật sân khấu.

Nói về không gian sân khấu, một mặt người ta nói đến không gian được quy định trong vở diễn, nơi nhân vật va chạm nhau, va chạm với các sự kiện, sự cố, hoàn cảnh, tạo ra xung đột và giải quyết xung đột kịch; mặt khác, nói tới không gian vật chất, nơi diễn ra vở kịch. Ngày xưa, các vở diễn thường diễn ra trên manh chiếu ngoài sân đình, ngày nay, diễn trong rạp hát hoặc trên mô hình sân khấu được dựng lên ở một địa điểm nào đó.

Còn nói đến thời gian sân khấu là đề cập đến thời gian trong cốt truyện, thời gian diễn tiến của vở diễn. Đồng thời đó cũng là thời gian vật chất, quy định độ dài của vở diễn. Trước đây, một vở diễn có thể kéo dài đến vài đêm, khi ra đời luật tam duy nhất (duy nhất địa điểm, duy nhất thời gian, duy nhất hành động), vở diễn chỉ được diễn ra trong một đêm. Tức, diễn biến cuộc đời nhân vật trong kịch cũng chỉ diễn ra trong một đêm diễn. Hiện nay, mỗi vở diễn thường dài từ     2 - 3 tiếng.

Mizangxen (những cảnh diễn) là hiệu quả của quá trình xử lý nghệ thuật không gian, thời gian trên sân khấu. Mặt khác, nghệ thuật không gian, thời gian sân khấu tạo nên sự vận động của xung đột, hành động kịch thông qua nhân vật.

Quá trình dàn dựng một tác phẩm sân khấu là quá trình ngôn ngữ hóa ngôn ngữ văn học thành ngôn ngữ sân khấu, đồng thời cũng là quá trình tạo hình vở diễn theo quan điểm sống, trình độ, kinh nghiệm, phông văn hóa, thẩm mỹ của đạo diễn. Cùng với những sáng tạo của nghệ thuật diễn xuất, dần dần hình hài của vở diễn được hình thành, ra mắt công chúng với những tạo hình gắn kết, đúc liền.

Nghệ thuật kịch nói với đặc trưng thể loại đã tạo nên những tạo hình sân khấu độc đáo, khác với tạo hình sân khấu khác. Chúng ta sẽ tìm hiểu kỹ vấn đề này ở những khía cạnh sau:

Nghệ thuật tạo hình trong dàn dựng của đạo diễn

Nói đến quá trình xây dựng hình tượng của vở diễn trên sân khấu, người ta thường nhắc đến công việc của đạo diễn với tư cách là người chịu trách nhiệm chính. Đạo diễn được ví như nhạc trưởng trong dàn nhạc.

Dàn cảnh là quá trình sử dụng ngôn ngữ sân khấu để tạo hình vở diễn, là phương tiện để thể hiện ý đồ, nội dung, cảm xúc của đạo diễn. Tác giả Trần Minh Ngọc đã khẳng định: “Người đạo diễn chỉ có thể thực hiện ý đồ của mình thông qua dàn cảnh. Đó là cách nhìn, cách suy nghĩ có tính tạo hình của đạo diễn đối với hành động kịch” (1). Như vậy, đạo diễn phải có óc sáng tạo, trí tưởng tượng, tư duy logic mới có thể dàn dựng được những lớp kịch thể hiện sự xung đột, mâu thuẫn một cách sống động, chân thực. Lúc này, nhân vật của vở diễn không nằm trên trang giấy nữa mà xuất hiện trên sàn diễn với đầy đủ tính cách, quan hệ xã hội, hoạt động của anh ta. Nhân vật di chuyển, trò chuyện, hành động từ lớp kịch này sang lớp kịch khác, thúc đẩy sự vận hành của nội dung câu chuyện từ đầu đến khi kết thúc… Tất cả đều được dàn dựng dưới bàn tay, khối óc của đạo diễn. Mỗi mizangxen như một bức tranh động, không thể thiếu trong nghệ thuật tạo hình về cuộc sống con người trên sân khấu. Mọi hành động diễn của diễn viên đều phục vụ mục đích tạo hình nhân vật...

Để xây dựng hình tượng vở diễn, đạo diễn phải có những ý đồ về hình tượng nhân vật, không gian, thời gian sân khấu, xử lý mizangxen, xử lý các sự kiện kịch, tạo hình vở diễn. O.J. Remez đã nói rằng, hầu như ý đồ tạo hình của đạo diễn thường bắt đầu bằng hình ảnh thị tượng (nhìn thấy được) của sự kiện trung tâm của vở kịch (2). Có thể nói, nghệ thuật tạo hình chính là một phương tiện để người đạo diễn xây dựng hình tượng của vở diễn sân khấu kịch nói.

Nghệ thuật tạo hình trong xây dựng hình tượng nhân vật của diễn viên

Xây dựng hình tượng nhân vật là nhiệm vụ quan trọng nhất của diễn viên trên sân khấu. Diễn viên đứng trên sân khấu thể hiện vai diễn, anh ta không thể đơn thuần minh họa kịch bản, mà phải bằng khối óc, trái tim, tư duy phân tích vai diễn để xây dựng hình tượng nhân vật trên sân khấu. Hình tượng nhân vật là cái mà khán giả nhìn và cảm nhận được khi theo dõi vở diễn. Hình tượng nhân vật làm cho khán giả nhớ đến vở diễn, nhân vật, diễn viên. Xây dựng thành công hình tượng nhân vật là điều mong ước của tất cả diễn viên, thể hiện quá trình phấn đấu lâu dài, gian khổ. Trên sân khấu kịch nói Việt Nam, có nhiều diễn viên mà khi nhắc đến nhân vật khán giả nhớ ngay đến họ. Đó là Nguyệt Ánh với vai diễn Nina (trong Nina, cô gái đánh trống trận), Masa (trong vở kịch cùng tên), Can Trường, Mạnh Linh với vai diễn Lê nin (trong hàng loạt vở kịch nói về cách mạng tháng Mười của Liên xô cũ), Đào Mộng Long với vai người tư sản (trong Chuông đồng hồ điện Kremli)... Mikhoenxo, một diễn viên sân khấu nổi tiếng người Nga nói rằng, muốn sáng tạo hình tượng thì mỗi diễn viên phải: nhìn, nghe, sờ thấy hình tượng. Do đó, muốn làm công việc sáng tạo, xây dựng hình tượng thì diễn viên phải làm chủ bản thân, làm chủ những phẩm chất của mình, trong đó có cơ thể và ngôn ngữ hình thể (3). Như vậy, diễn viên phải thể hiện hình tượng bằng các hệ thống động tác, cử chỉ, hành động tạo hình      sao cho phù hợp với tư tưởng của nhân vật.       Xtanilapski đã cho rằng, một trong những hình thức, phương tiện thể hiện quan trọng nhất của diễn viên là động tác hình thể, cử chỉ, hình dáng, những yếu tố không thể thiếu để sáng tạo hình tượng nhân vật trên sân khấu (4).

Tóm lại, diễn viên phải dùng bản thân mình để diễn xuất, để tạo ra nhân vật hay nói cách khác, chính diễn viên phải tạo hình cho nhân vật, từ tư tưởng đến sự thể hiện ra bên ngoài. Nghệ thuật tạo hình trong xây dựng hình tượng trên sân khấu được nhìn thấy rất rõ và có tầm quan trọng rất lớn trong công tác xây dựng hình tượng nhân vật của diễn viên. Đó là phương tiện sáng tạo của diễn viên trên sân khấu, ngôn ngữ hình thể cũng là công cụ để người đạo diễn xử lý các kỹ thuật dàn dựng. Ngôn ngữ hình thể được biểu hiện bằng cử chỉ, động tác của diễn viên và có thể thấy sự tạo hình của các động tác, của ngôn ngữ hình thể của diễn viên thông qua nhân vật trên sân khấu. Vậy có nghĩa là tạo hình của ngôn ngữ hình thể là điều kiện cần và đủ cho việc sáng tạo ra những sản phẩm nghệ thuật trên sân khấu kịch nói.

Ngôn ngữ hình thể đóng vai trò quan trọng và thú vị bởi khả năng biểu cảm của nó. Nằm trong hệ thống ngôn ngữ của con người nên nó mang đầy đủ các chức năng của ngôn ngữ. Tùy vào từng hoàn cảnh mà nó bộc lộ sự mạnh, yếu của các chức năng: chỉ nghĩa, thông báo, khái quát hóa. Ngôn ngữ hành động với khả năng bộc lộ thông tin, cảm xúc, tính cách, cá tính... là cơ sở để diễn viên vận dụng, khai thác trong tạo hình nghệ thuật.

_____________

1. Trần Minh Ngọc, Cơ sở lý luận và kỹ thuật đạo diễn sân khấu, Trường Nghệ thuật Sân khấu II, 1993.

2. O.J.Remez, Nhập môn nghệ thuật đạo diễn, Hoàng Sự dịch, Nxb Gitis, Moskva, 1987, tr.113.

3. Mikhoenxo, Lao động diễn viên, Nguyễn Nam dịch, Nxb Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, 2015, tr.97.

4. Đào Mạnh Hùng, Nghệ thuật diễn viên kịch - điện ảnh, Nxb Văn học, 2015, Hà Nội, tr.30.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 406, tháng 4 - 2018

Phiên bản trực tuyến, ngày 13.4.2018.

Thông tin truy cập

63694616
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
14908
23426
63694616

Thành viên trực tuyến

Đang có 653 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website