Theo các nhà làm phim, nếu được hỗ trợ hoạt động sáng tạo thì mới tạo nên sức bật cho điện ảnh Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Mong muốn ngành điện ảnh Việt Nam ngày càng phát triển, Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán Đan Mạch và Văn phòng UNESCO tại Việt Nam tổ chức hội thảo quốc tế "Chính sách và giải pháp phát triển ngành công nghiệp điện ảnh ở Việt Nam và Đông Nam Á", các đại biểu, chuyên gia đã thảo luận, đưa ra các ý kiến về những hướng đi, giải pháp cần thiết phát triển điện ảnh cho các nhà làm phim ở Việt Nam.
Nhà làm phim trẻ thiếu kinh phí sản xuất
Chia sẻ tại hội thảo, Nhà sáng lập Công ty Cổ phần Sản xuất phim Hoan Khuê (HK Film) Nguyễn Trinh Hoan cho biết: " Năm 2005, điện ảnh Việt Nam, các công ty tư nhân được phép thành lập và làm phim. Đó là cơ hội rất tốt khi tôi được làm và hợp tác với nhiều đạo diễn trẻ, các em sinh viên, tạo ra nhiều bộ phim rất thành công. Và một bộ phim có thể kể câu chuyện hấp dẫn thành công hay thất bại thì việc chọn ra người đạo diễn phù hợp rất quan trọng.
May mắn cho công ty của chúng tôi có mối quan hệ làm việc với các đạo diễn trẻ rất tốt, chúng tôi bắt đầu hợp tác làm những bộ phim nhỏ để biết được khả năng của các bạn, rồi sau đó phối hợp đến những phim lớn. Điều này đã tạo điều kiện cho nhiều bạn trẻ thể hiện được mình, giúp cho các bạn có cơ hội được làm những bộ phim khác nhau, và tôi tin rằng nếu có sự đầu tư của Nhà nước, các bạn trẻ sẽ có nhiều sức mạnh phát triển tài năng hơn".
Bên cạnh đó, với mục đích có nhiều kịch bản chất lượng giúp cho điện ảnh Việt phát triển, nhiều trường đại học đã mở thêm ngành biên kịch để đào tạo, Trưởng Bộ môn Sáng tác và Phê bình Sân khấu – Điện ảnh, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Tp Hồ Chí Minh TS Đào Lê Na chia sẻ: "Trong những năm gần đây, ở Việt Nam chỉ có trường Đại học Sân Khấu Điện ảnh Hà Nội là có ngành biên kịch, còn trong thành phố Hồ Chí Minh rất hạn chế nên trường chúng tôi đã mở đào tạo thêm ngành biên kịch nhằm cho các bạn trẻ thấy được sức mạnh của kể chuyện và được đào tạo chuyên nghiệp trở thành những nhà biên kịch. Bởi nhiều bạn trẻ có đam mê làm phim, muốn kể những câu chuyện của bản thân nhưng lại không biết cách phải làm thế nào cho phù hợp với phong cách của điện ảnh. Và sau hơn hai năm đào tạo chuyên ngành, trường chúng tôi đã có thế hệ đầu tiên tốt nghiệp, các bạn đã đi làm cho công ty điện ảnh và truyền thông, luôn dành sự quan tâm đến những dự án phim, quỹ điện ảnh thế giới hay học hỏi xem cách họ làm phim như thế nào. Tuy nhiên, các bạn cũng gặp nhiều khó khăn khi làm phim bởi do thiếu kinh phí sản xuất, không có sự đầu tư của nhà nước hay các doanh nghiệp tư nhân".
Đồng quan điểm trên, Nhà sáng lập Công ty Cổ phần Sản xuất phim Hoan Khuê (HK Film) Nguyễn Trinh Hoan cho rằng: "Một điều rất đáng mừng hiện nay sinh viên ở nước ta rất quan tâm đến điện ảnh, bằng chứng có rất nhiều trường đại học khác nhau cũng mở khoa điện ảnh như trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn… ngoài ra còn có các khóa học ngắn hạn, các trung tâm đào tạo chuyện nghiệp…. được các bạn trẻ tham gia rất nhiệt tình. Tôi thấy được các bạn trẻ có khả năng tiếp cận rất tốt, nhất là thông tin nhanh chóng, sâu sắc, đặc biệt không còn rào cản về ngôn ngữ quá lớn nên giúp các bạn có nhiều cơ hội tiếp cận với các nhà đầu tư nước ngoài hơn. Tuy nhiên, cũng có một thách thức đặt ra rằng khi các bạn tốt nghiệp có cơ hội làm phim hay không, bởi hiện nay, để làm một bộ phim với kinh phí lớn mà sự thành công hay thất bại rất mong manh, do đó để một nhà đầu tư giao phim cho người mới rất khó khăn".
Cần xây dựng quỹ điện ảnh Việt Nam
Trước thực trạng đó, Nhà sáng lập Công ty Cổ phần Sản xuất phim Hoan Khuê (HK Film) Nguyễn Trinh Hoan mong muốn: "Tôi nghĩ Nhà nước nên tạo ra những quỹ điện ảnh, bởi vì nếu các bạn trẻ làm phim ngắn chi phí cho phim không quá nhiều, những bộ phim ngắn khoảng 100-300 triệu cũng có thể giúp cho các bạn trẻ tự tin chứng tỏ khả năng mình với các nhà làm phim lớn. Trong những năm qua, nhiều nhà làm phim trẻ sản xuất những bộ phim với chi phí thấp nhưng đã dành được nhiều giải thưởng lớn, gây được sự chú ý với cộng đồng và các nước trên thế giới".
Đồng thời, để khẳng định Việt Nam cần phải thành lập quỹ điện ảnh, là người tham gia nghiên cứu cùng với UNESCO phân tích những phức tạp của quỹ điện ảnh thế giới, TS Đào Lê Na cho biết: "Bên cạnh các lợi ích của quỹ điện ảnh thế giới như hỗ trợ phát triển liên hoan phim của các quốc gia, giúp phát triển kinh tế đất nước và khi được các quỹ này tài trợ nhà làm phim có thể cạnh tranh với điện ảnh Hollywood, được tham gia vào các liên hoan phim hạng A, hay được công chiếu bộ phim ở các nước lớn trên thế giới.
Tuy nhiên, thông qua hình thức tài trợ về văn hoá, quỹ điện ảnh thế giới đầu tư cho các nước đang phát triển, họ muốn thông qua việc tài trợ để tìm hiểu tiếng nói về chính trị, xã hội, văn hóa thông qua các kênh truyền thông của các quốc gia này. Đồng thời, họ rất quan tâm đến những nhà làm phim trẻ tài năng của các quốc gia đang phát triển và lựa chọn để làm việc phát triển cho quốc gia của họ.
Hơn nữa một khía cạnh chúng ta thường không thảo luận đó là, các quốc gia tài trợ tiền làm phim yêu cầu nhà sản xuất của họ cũng được đứng tên trong đó, việc làm này giúp nền điện ảnh của họ sẽ thành công và nhiều người biết đến hơn. Thậm chí, các nhà làm phim châu Âu cũng đã tiếp cận với dòng tiền của các quốc gia đang phát triển".
"Thông qua những vấn đề nghiên cứu chúng tôi mong các chức trách thấy được sự phức tạp của của các quỹ điện ảnh thế giới để thành lập ra các quỹ điện ảnh Việt Nam. Bởi thành lập quỹ điện ảnh Việt Nam, chúng ta giải quyết được các vấn đề nội tại trong nước, giúp đỡ được cho các bạn trẻ, tránh được việc thay đổi bản địa hoá, nhằm đưa tiếng nói của quốc gia mình đến với thế giới" - TS Đào Lê Na khẳng định.
Bên cạnh đó, Cố vấn Uỷ ban Vương quốc Anh tại UNESCO David Wilson cũng đã đưa ra một số khuyến nghị cho Việt Nam trong quá trình phát triển ngành điện ảnh, theo ông David Wilson cho rằng, Hội Xúc tiến và Phát triển Điện ảnh Việt Nam cần đầu tư vào đào tạo kỹ năng cho các đội ngũ lao động trong ngành điện ảnh; Ưu đãi về thuế cho các nhà làm phim trong nước và quốc tế; Thiết lập mối quan hệ thân thiết, gắn bó với điện ảnh thế giới; Khuyến khích, động viên những tài năng trẻ của đất nước. Từ đó, sẽ giúp cho ngành điện ảnh của Việt Nam phát triển một cách bền vững.
Đồng thời, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông nhấn mạnh, việc hợp tác công tư, huy động các nguồn lực xã hội hóa vào hoạt động sản xuất phim, phổ biến, phát hành, quảng bá, hợp tác quốc tế, đào tạo nhân lực... là vô cùng quan trọng và sẽ được các cơ quan quản lý xúc tiến, xây dựng, triển khai phù hợp. Cùng với đó, các địa phương cần nỗ lực hơn nữa trong việc khuyến khích, có chính sách ưu đãi đối với việc sản xuất phim tại địa phương./.
Thương Nguyễn
Nguồn: Tổ quốc, ngày 16.3.2023.