Kim Vân Kiều – Cuốn phim truyện đầu tiên sản xuất tại Việt Nam

Khoảng thời gian đầu thế kỷ XX, các bộ phim chiếu rạp ở Việt Nam chủ yếu nhập từ Pháp. Bắt đầu từ thập niên 1920 về sau, các đạo diễn người Pháp mới thực hiện những bộ phim lấy chất liệu, bối cảnh từ Việt Nam; trong số đó không thể không kể đến bộ phim truyện Kim Vân Kiều do Công ty Phim và Chiếu bóng Đông Dương (Indochine films et Cinémas) thực hiện.

Đây là sáng kiến của một người Pháp là Ea Famechon và có sự cộng tác của một người Việt được ghi là Mr Vinh (Nguyễn Văn Vĩnh). Người thực hiện là Công ty Thương mại Indochine Films et Cinémas (ICF), còn gọi là IFEC.

20210306 4
Tờ quảng cáo phim Kim Vân Kiều

Tờ quảng cáo cho cuốn phim cho biết phim được thực hiện với những nghệ sĩ, y phục, trang trí hoàn toàn Việt Nam, tất cả do nhà hát An Nam Quảng Lạc (Hà Nội) đảm nhiệm. Đây là một đoạn trong lời quảng cáo đã nộp lưu chiểu tại Thư viện Quốc gia vào ngày 7-10-1924, sau khi tóm tắt cốt truyện:

“Nhà làm phim phải xếp lớp lựa cách dùng cho hợp nghề chớp bóng, nhiều cảnh theo thơ trong truyện mà kể thì rất là hay để vào chớp bóng thì không thể nào coi đặng, nên phải bớt đi mà lại phải thêm ra ít nhiều. Tuy rằng làm đúng như nguyên truyện, song chớp lược như các cảnh kể ở trên này cũng đủ khiến cho người ngồi xem động lòng mủi dạ, giọt lệ khôn cầm, thương thay cho khách hồng nhan bạc phận. Lần này là lần chớp truyện An Nam, người An Nam đóng trò, thật là phim ảnh có một không hai ở Đông Pháp này vậy”.

Theo tài liệu về lịch sử ngành Điện ảnh thì vào khoảng giữa năm 1924, hãng phim và chiếu bóng Đông Dương đã tiến hành nhanh các công đoạn cuối của việc làm bộ phim. Việc dàn dựng, quay hoàn tất bộ phim tại Hà Nội, còn làm hậu kỳ thì tại Pháp. Cốt truyện Kim Vân Kiều được E.A Famechon chuyển thể thành kịch bản điện ảnh, không có nhiều thay đổi, biến dạng trong các tình tiết, chi tiết.

Kim Vân Kiều- Cuốn phim truyện đầu tiên sản xuất tại Việt Nam - 2

Các diễn viên đều do đoàn tuồng của hãng “Khai thác sân khấu An Nam Quảng Lạc” ở Hà Nội sắm vai nhân vật: Cô Liên trong vai Kiều, cô Cương trong vai Vân, cô Đính trong vai Hoạn Thư, bà Tám Long trong vai Đạm Tiên, bà Ba Nhang trong vai Giác Duyên, bà Giáo trong vai Tú Bà, bà Chín Sâm trong vai Vương Bà, anh Hoàn trong vai Kim Trọng… cùng nhiều diễn vai khác đã góp phần nghệ thuật biểu diễn để làm sống lại câu chuyện cổ trên màn ảnh hiện đại. Vì là công trình thử nghiệm buổi đầu nên không thể tránh khỏi những nhược điểm, ấu trĩ, tuy nhiên dư luận báo chí bấy giờ cũng rất nhiệt liệt hoan nghênh.

Khi cuốn phim được chiếu ở rạp Palace Hà Nội, báo l’Avenir du Tonkin (Tương lai Bắc kỳ) đã có bài bình luận, trong đó có đoạn:

“Tối qua, hãng Indochine Films et Cinémas đã đưa ra trình diễn trên màn ảnh cuốn truyện thơ cổ điển Kim Vân Kiều; tác phẩm vô cùng hấp dẫn, mang lại vinh dự vừa cho các nhà đạo diễn, các nghệ sĩ diễn viên và cho cả những nhà kỹ thuật quay phim.

Phim vui cười rồi sẽ qua nhanh, phim lịch sử, địa lý, dân tộc học hoặc xã hội mới sẽ sống lâu dài. Các sưu tập sẽ hình thành, như những sưu tập lưu trữ. Các ấn bản sẽ được phát hành, cho phép giáo dục bằng phim biết bao điều không còn tồn tại trong trí nhớ, hoặc bị sự tưởng tượng làm méo mó, biến dạng khi người ta chỉ nghiên cứu trên sách vở.

Kim Vân Kiều- Cuốn phim truyện đầu tiên sản xuất tại Việt Nam - 3
Cảnh trong phim: Kiều đánh đàn

Hãng Indochine Films et Cinémas đã chứng tỏ rằng người ta có thể, bằng phương tiện điện ảnh, làm những thử nghiệm thành công, và chúng tôi đã thực sự khâm phục sự tái tạo khéo léo những cái không còn, sự phục hiện gợi lại trong khung cảnh mà chúng ta đều biết những tập tục đáng yêu, sự gợi lại một chất thơ đầy cảm xúc…”.

Và từ góc độ đó, góc độ của văn hóa lịch sử, nhà bình luận năm ấy đã viết lời đánh giá:

“Mối quan tâm gìn giữ tính chính xác trong các chi tiết của cốt truyện, sự cố gắng trung thành với chân lý nghệ thuật, đã làm cho cuốn phim trở thành tư liệu điện ảnh đầu tiên mà chúng ta có về Đông Dương: hãy chào mừng thành công của Công ty đã mở đầu hay biết mấy sự nghiệp điện ảnh của mình”.

Báo Indépendance Tonkinoise (Độc lập Bắc Kỳ) cũng viết bằng tiếng Pháp:

“Nếu như ở góc độ thuần túy Việt Nam, sự trình diễn trên màn ảnh làm mất mát từ tiểu thuyết một phần khá lớn cái chất văn chương và chất thơ tạo nên nét đẹp của nguyên tác, thì đối với đầu óc phương Tây, Thúy Kiều được đưa lên màn ảnh đã thay chất thơ bằng những hành động sống, và chúng ta phải thừa nhận rằng, theo góc độ này, mục đích nhắm tới đã đạt được.

Chúng tôi tin tưởng rằng cái phim truyện này bắc cầu cho công chúng Pháp đến với tác phẩm văn chương Việt Nam sẽ làm toại ý nhiều người và sự thành công của nó là chắc chắn”.

Trong khi đó, trên báo Trung Bắc tân văn ngày 9.6.1923, học giả Nguyễn Văn Vĩnh; người có tham gia vào bộ phim đã nêu ý kiến của mình về việc làm bộ phim này:

“Nay tôi lại muốn rủ đồng nhân làm một việc thí nghiệm như thế nữa, mà kết quả có lẽ còn hay hơn cuộc diễn kịch Bệnh tưởng, Trưởng giả học làm sang.

Vì nếu chúng ta đóng nổi tích Kim Vân Kiều cho khéo theo cái phương pháp nhà nghề chớp bóng là một kỹ nghệ tối tân trong xã hội Âu Mỹ thì, trước nữa chúng ta tỏ được cho người Âu biết rằng không có điều gì mới cho sức hiểu của chúng ta.

Sau nữa, nếu chúng ta làm ra được phim hay, nổi tiếng cho hiệu Indochine film để cho khách cinéma trong thế giới thưởng thức một cuộc vui thi vị đặc biệt, ai nấy phải khen văn chương, khen tư tưởng Việt Nam, ấy có phải ta cũng làm được một việc quảng cáo chung cho nước ta với toàn cầu…”.

Cũng trên tờ Trung Bắc Tân văn ngày 11-6-1923, ông Nguyễn Văn Vĩnh còn viết bài giới thiệu về điện ảnh thế giới đã trở thành một thực nghiệp của cuộc làm giàu. Và ông nhìn nhận: “… Người Việt Nam ta doanh nghiệp rất khó khăn, về đường công thương thực nghiệp thật là thua thiệt, thì tưởng nghề gì dễ kiếm tiền thiên hạ cũng nên đem bá cáo cho bao kẻ có khiếu tự nhiên bắt chước đó mà làm, ấy cũng là một cách giúp đồng chủng trong buổi cạnh tranh khó khăn này”.

Kim Vân Kiều- Cuốn phim truyện đầu tiên sản xuất tại Việt Nam - 5
Rạp Casino ở Sài Gòn

Sau đó, trên báo ngày 13-6-1923, ông đã cổ vũ cho việc làm bộ phim Kim Vân Kiều: “Bộ phim cả thảy hơn ba mươi vai. Vị đào nào đóng nổi vai Kiều tức là thuỷ tổ của nghề đóng cinema ở đất Việt Nam này. Bởi vì, hễ vai Kiều mà đóng được thật tài, người ngoại quốc xem cinéma phải nghĩ: “Bên họ, một Thuý Kiều hồng nhan bạc mệnh, một kiếp long đong như thế, mà con người trong truyện còn đáng kính đáng vì, tất nhiên những người đàn bà khác trong dân tộc ấy phải hay, phải giỏi, phải thuần thục nết na biết dường nào…”.

Trong cuốn sách Nhớ và ghi xuất bản năm 1978, nhà văn Nguyễn Công Hoan có viết về sự kiện làm phim Kim Vân Kiều ở Hà Nội như sau:

“… Các vai đóng đều là đào, kép rạp tuồng Quảng Lạc. Bảy Tắc đóng vai Hoạn Thư, Tư Lê đóng vai ông Phú. Phong cảnh là cảnh thật chung quanh Hà Nội. Sân chùa Láng là dinh Từ Hải, cổng Sanh làng Thọ là cửa vào nhà Tú Bà, bãi tha ma làng Yên Thái là chỗ Kiều viếng Đạm Tiên…”.

Nói như học giả Nguyễn Văn Vĩnh, việc làm phim này chỉ là “Làm một việc thí nghiệm” thì bộ phim ra đời như một cuộc thử sức của các nghệ sĩ Việt Nam khi bước đầu bước vào Nghệ thuật thứ bảy. Do đó, có thể nói phim Kim Vân Kiều là dấu mốc đầu tiên trong lịch sử Điện ảnh nghệ thuật Việt Nam. Sự ra đời của bộ phim ít nhiều gây nên một ấn tượng mạnh trong đời sống văn hoá đương thời, đặc biệt kiệt tác của cụ Nguyễn Du, một tác phẩm rất gần gũi với người Việt đã được thể hiện bằng loại hình nghệ thuật còn rất mới mẻ ở Việt Nam.

Châu Quân

Nguồn: Doanh nhân Plus, ngày 08.01.2021.

Thông tin truy cập

63688952
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
9244
23426
63688952

Thành viên trực tuyến

Đang có 904 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website