Học giả Đào Duy Anh và việc biên soạn Hán Việt từ điển

Học giả Đào Duy Anh sinh ngày 25-4-1904 tại Thanh Hóa và mất ngày 1.4.1988 tại Hà Nội. Quê gốc của ông ở làng Khúc Thủy, tổng Tả Thanh Oai, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông (nay là TP Hà Nội). Sau khi tốt nghiệp Thành chung tại Trường Quốc học Huế (1923), ông không ta làm công chức mà chọn nghề dạy học ở Đồng Hới (Quảng Bình).

20210407 2

Đào Duy Anh (1904-1988).

Năm 1928, ông sáng lập Quan hải tùng thư, với sự cộng tác của những trí thức cấp tiến như Võ Liêm Sơn, Trần Đình Nam, Phan Đăng Lưu… xuất bản những tập sách phổ cập để người đọc làm quen với tư tưởng khoa học. Trong thời gian tồn tại ngắn ngủi, nhà xuất bản này đã cho ra đời 13 ấn phẩm, trong đó có những trước tác đầu tay của Đào Duy Anh. Tháng 7.1929, ông bị chính quyền thực dân bắt, cho đến đầu năm 1930 mới ra khỏi nhà tù.

Từ đó, ông bắt đầu chuyên tâm vào con đường hoạt động văn hóa và khoa học. Ông đã hoàn thành và xuất bản hai bộ từ điển rất có giá trị là  Hán Việt từ điển (1932) và Pháp Việt từ điển (1936). Đây không những là những sách công cụ cần thiết cho sự tra cứu, đáp ứng yêu cầu phát triển văn hóa, khoa học lúc bấy giờ, mà còn qua các từ, các khái niệm chính trị, tác giả đưa ra những cách giải thích tiến bộ và khoa học theo quan điểm và trào lưu tư tưởng hiện đại.

Về việc biên soạn bộ Hán Việt từ điển, trong tập hồi ký Nhớ nghĩ chiều hôm (NXB Trẻ, 1989) ông cho biết: Vào đầu những năm 30 của thế kỷ trước, tiếng Việt đã được phổ biến trên các sách vở báo chí, hoàn toàn thay thế cho chữ Hán. Một nền văn học mới đang hình thành, thoát dần sự ràng buộc của lối văn từ chương kéo dài cho đến đầu thế kỷ. Nhưng lúc đó, ở các trường bảo hộ, học sinh phải học chữ Pháp là chính, chữ quốc ngữ bị coi là thứ yếu. Do đó, lớp thanh niên được đào tạo ở những trường này hầu hết đều bị cắt rời khỏi nền Hán học. Bên cạnh đó, không ít người được học từ Pháp về đa số đều trở thành “mất gốc”.

Trong các lĩnh vực khoa học xã hội, nhiều người chỉ biết diễn đạt những khái niệm mới bằng tiếng Pháp chứ không sử dụng được tiếng mẹ đẻ. Nếu như những năm trước Thế chiến thứ nhất, các sĩ phu yêu nước trong khi truyền bá những tư tưởng mới cho quốc dân, thường phải lấy nguyên các từ chính trị của Trung Quốc để phiên âm Hán Việt, bất kể từ đó có trong Tiếng Việt hay chưa, thì lúc đó họ phải nói chuyện với nhau bằng Tiếng Pháp. Tình trạng đó đã hạn chế một phần việc phát huy truyền thống văn hóa của dân tộc. Ý định biên soạn sách Hán Việt từ điển của ông nảy sinh từ đó.

Vợ chồng ông Đào Duy Anh và các học trò.

Trong cuốn hồi ký Sống với tình thương (NXB Trẻ, 1992), bà Trần Thị Như Mân (1907-1992); phu nhân của ông đã kể lại sự ra đời của bộ từ điển này khá chi tiết. Bà cho biết thời điểm biên soạn từ điển thì gia đình bà đang ở Huế. Trong việc biên soạn, bà được ông giao cho công việc sắp xếp lại những tài liệu đã có, trong đó có bộ phích ghi chú các danh từ khó mà ông đã làm từ trước. Bà còn có nhiệm vụ đọc Nam Phong toàn tập, các sách và tạp chí bằng quốc văn quan trọng, để lọc ra những từ Hán Việt thường dùng, trong đó bao gồm cả các tác phẩm văn học cổ điển như Truyện Kiều, Cung oán ngâm khúc, Chinh phụ ngâm khúc…

Trong khi đó, ông Đào Duy Anh gửi thư cho bạn bè và các nhà sách quen ở Hà Nội, Sài Gòn nhờ tìm mua các loại từ điển cũ mới để tham khảo. Nhờ đó, ông nhận được các bộ từ điển Từ nguyên, Từ hải, Khang Hy từ điển, Trung Quốc quốc ngữ đại từ điển, Vương Văn Ngữ từ điển, Bạch thoại từ điển…

Các từ Hán Việt được bà trích ra, ghi ra phích, sau đó xếp theo thứ tự ABC, rồi đưa cho ông xem. Sau khi ông bổ sung, bà mới chép ra giấy, mỗi từ cách nhau vài dòng để ông ghi giải nghĩa. Theo bà Như Mân, chữ của ông viết rất khó đọc, chỉ có mình bà đọc được. Khi bà sinh con, bận việc nhà, phải thuê người chép giúp, người này phải chừa nhiều chỗ trống vì không đọc ra, phải chờ bà điền sau. Ban ngày, bà bận buôn bán ở cửa hàng, đến 9 giờ tối đóng cửa mới bắt tay vào công việc ghi chép đến 11 giờ, ngày nào cũng đều đặn như vậy. Chỉ có tối thứ bảy và chủ nhật, bà mới nghỉ ngơi để đi thăm bạn bè và giải trí.

Ông Đào Duy Anh cũng vậy, ngoài thời gian đi dạy ở trường tư thục Phú Xuân, về đến nhà là bắt tay vào làm việc ngay. Ông tự đặt “chỉ tiêu” mỗi ngày phải làm xong mấy chữ mới được nghỉ. Cứ xong được một tập, bà phải chép lại rồi nhờ mấy người em của ông, khi thì ông Đào Duy Kỳ, khi thì ông Đào Duy Dếnh, đạp xe đưa lên nhà cụ Phan Bội Châu ở Bến Ngự để cụ xem lại.

Hán Việt từ điển.

Sau khi xong quyển Thượng (Từ A đến M), bà Như Mân lo việc in để ông tiếp tục làm phần Hạ (từ N đến X). Lúc đó ông bà không có vốn, muốn in phải có tiền mua giấy và đặt trước cho nhà in. Do đó, ông viết lời giới thiệu quyển từ điển sắp ra để kêu gọi người đọc hãy đặt mua trước, mỗi quyển là 1 đồng. Lời giới thiệu được gửi đăng báo và in thành nhiều tờ gửi tới các nhà xuất bản, các hiệu sách và bạn bè để nhờ giúp đỡ. Đồng thời ông nhờ cụ Phan Bội Châu viết lời đề tựa, ký tên là Hãn Mạn Tử, trong đó có đoạn:

“Đau đớn thay! Quốc văn nước ta không thể nào bỏ được Hán văn, mà cớ sao các nhà trước tác chưa ai lưu tâm đến những bộ từ điển, từ nguyên, làm thành ra Hán việt hợp bích, để khiến người ta nhân Quốc văn mà hiểu thêm Hán văn, hiểu Hán văn mà thêm hay Quốc văn?

May mắn thay! Gần đây gặp được người bạn thanh niên là ông Đào Duy Anh vừa biên thành bộ Hán Việt từ điển, toan cống hiến với đồng bào, bỉ nhân được tin mừng khuống gấp, tìm tuyền cảo đọc xem, thấy chú thích tinh tường, phẫu giải minh bạch, tóm lặt hết từ ngữ thuộc về Hán văn, mà Việt văn phải dùng đến, cộng hơn bốn vạn điều.

… Rày mai quyển sách ấy xuất bản lưu hành, chắc ở trên vũ đài quốc văn lại thêm vô số dác sắc mới, há chẳng phải một việc rất đáng mừng cho học giới ta hay sao…?”.

Một trang trong Hán Việt từ điển (1932).

Cũng theo bà Như Mân, trong khi chờ số tiền người đặt mua gửi về, bà viết thư cho bác sĩ Trần Đình Nam; người từng cộng tác với ông Đào Duy Anh tại Quan Hải tùng thư, giúp ông biên soạn một số cuốn sách về khoa học, khi đó ở Đà Lạt để hỏi vay 100 đồng. Bà còn vay của người chị là bà Nguyễn Khoa Tú một đôi xuyến vàng, đem cầm để lấy tiền ứng trước. Với số tiền đó, bà có thể đặt cho nhà in báo Tiếng Dân ở Huế để in quyển Thượng.

Xong quyển Thượng, ông bà thu được một số tiền, có thể lo in quyển Hạ tử tế hơn. Ông chuyển bản thảo sang in tại nhà in Lê Văn Tân ở Hà Nội, vì nhà in này có nhiều chữ Hán, kỹ thuật in cũng đẹp hơn. Bản thảo gửi đi, nhà in sắp chữ in thử, rồi gửi từ Hà Nội vào Huế theo tàu tốc hành cho ông sửa chữa.

Hán Việt từ điển và những lần xuất bản về sau.

Hàng ngày, cứ tàu tốc hành đến, ông bà cho người lên chờ sẵn ở bưu điện Huế, lấy bản dập thử về, tập trung chỉnh sửa cả ngày đêm để hôm sau kịp giờ gửi qua bưu điện theo tàu tốc hành ra Hà Nội. Cứ như thế, quyển Hạ hoàn thành, tính từ khi bắt tay vào công việc đến khi sách in xong trọn bộ chỉ trong vòng hai hăm. “Chúng tôi đã để hết tâm trí vào công việc mà may mắn là kết quả không phụ với công sức của vợ chồng chúng tôi và sự giúp đỡ của bạn bè”, bà Như Mân viết.

Khi bắt đầu biên soạn từ điển, tác giả chỉ mới 26 tuổi, tuy nhiên có thể nói rằng đây là bộ sách đầu tiên về từ điển ở thể loại này, nó rất hữu ích và giá trị mà cho đến nay vẫn được giới nghiên cứu đánh giá cao. Ngoài việc biên soạn hai bộ từ điển Hán -Việt và Pháp -Việt, Đào Duy Anh còn xuất bản nhiều tác phẩm khác trong lĩnh vực văn hóa, văn học như Việt Nam văn hóa sử cương (1938), Khổng giáo phê bình tiểu luật (1938), Trung Hoa sử cương (1942), Khảo luận về Kim Vân Kiều (1943)…; những công trình này đã đặt nền tảng cho sự hình thành nền văn hóa học hiện đại Việt Nam trên tinh thần khoa học và dân tộc.

Hồi ký của Đào Duy Anh (trái) và Hồi ký của bà Như Mân - phu nhân của học giả Đào Duy Anh.

Châu Quân

Nguồn: Doanh nhân Plus, ngày 24.3.2021.

Thông tin truy cập

63689140
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
9432
23426
63689140

Thành viên trực tuyến

Đang có 887 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website