Học giả Đào Duy Anh và việc biên soạn Hán Việt từ điển
Học giả Đào Duy Anh sinh ngày 25-4-1904 tại Thanh Hóa và mất ngày 1.4.1988 tại Hà Nội. Quê gốc của ông ở làng Khúc Thủy, tổng Tả Thanh Oai, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông (nay là TP Hà Nội). Sau khi tốt nghiệp Thành chung tại Trường Quốc học Huế (1923), ông không ta làm công chức mà chọn nghề dạy học ở Đồng Hới (Quảng Bình).
Năm 1928, ông sáng lập Quan hải tùng thư, với sự cộng tác của những trí thức cấp tiến như Võ Liêm Sơn, Trần Đình Nam, Phan Đăng Lưu… xuất bản những tập sách phổ cập để người đọc làm quen với tư tưởng khoa học. Trong thời gian tồn tại ngắn ngủi, nhà xuất bản này đã cho ra đời 13 ấn phẩm, trong đó có những trước tác đầu tay của Đào Duy Anh. Tháng 7.1929, ông bị chính quyền thực dân bắt, cho đến đầu năm 1930 mới ra khỏi nhà tù.
Từ đó, ông bắt đầu chuyên tâm vào con đường hoạt động văn hóa và khoa học. Ông đã hoàn thành và xuất bản hai bộ từ điển rất có giá trị là Hán Việt từ điển (1932) và Pháp Việt từ điển (1936). Đây không những là những sách công cụ cần thiết cho sự tra cứu, đáp ứng yêu cầu phát triển văn hóa, khoa học lúc bấy giờ, mà còn qua các từ, các khái niệm chính trị, tác giả đưa ra những cách giải thích tiến bộ và khoa học theo quan điểm và trào lưu tư tưởng hiện đại.
Về việc biên soạn bộ Hán Việt từ điển, trong tập hồi ký Nhớ nghĩ chiều hôm (NXB Trẻ, 1989) ông cho biết: Vào đầu những năm 30 của thế kỷ trước, tiếng Việt đã được phổ biến trên các sách vở báo chí, hoàn toàn thay thế cho chữ Hán. Một nền văn học mới đang hình thành, thoát dần sự ràng buộc của lối văn từ chương kéo dài cho đến đầu thế kỷ. Nhưng lúc đó, ở các trường bảo hộ, học sinh phải học chữ Pháp là chính, chữ quốc ngữ bị coi là thứ yếu. Do đó, lớp thanh niên được đào tạo ở những trường này hầu hết đều bị cắt rời khỏi nền Hán học. Bên cạnh đó, không ít người được học từ Pháp về đa số đều trở thành “mất gốc”.
Trong các lĩnh vực khoa học xã hội, nhiều người chỉ biết diễn đạt những khái niệm mới bằng tiếng Pháp chứ không sử dụng được tiếng mẹ đẻ. Nếu như những năm trước Thế chiến thứ nhất, các sĩ phu yêu nước trong khi truyền bá những tư tưởng mới cho quốc dân, thường phải lấy nguyên các từ chính trị của Trung Quốc để phiên âm Hán Việt, bất kể từ đó có trong Tiếng Việt hay chưa, thì lúc đó họ phải nói chuyện với nhau bằng Tiếng Pháp. Tình trạng đó đã hạn chế một phần việc phát huy truyền thống văn hóa của dân tộc. Ý định biên soạn sách Hán Việt từ điển của ông nảy sinh từ đó.