Những đặc điểm ngữ pháp đặc trưng của vị từ có yếu tố sau biểu thị mức độ cao trong tiếng Việt (trên cơ sở đối chiếu với đặc điểm ngữ pháp của vị từ tiếng Việt)

1. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

 

            Cấu trúc song tiết Vx gồm : một hình vị gốc (V) + một hình vị không độc lập  (x) chẳng hạn như : chán phèo, cấm tiệt, nhắm nghiền, xanh lè, nhọn hoắt... là loại vị từ có hình thức là một từ ghép. Trong bài viết này, chúng tôi tiến hành khảo sát một số đặc trưng ngữ pháp của vị từ Vx trên cơ sở so sánh đối chiếu với các đặc điểm ngữ pháp của vị từ nói chung nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc nhận diện và xác định bản chất ngữ nghĩa của vị từ loại này.

 

 

 

            Để có thể đưa ra một số nhận xét khách quan, chúng tôi đã tập hợp được một nguồn ngữ liệu gồm 531 ngữ cảnh có chưá vị từ Vx được trích từ  282 tác phẩm văn học Việt Nam hiện đại của nhiều tác giả từ  1930 đến nay.

            Việc khảo sát đặc điểm ngữ pháp của nhóm vị từ dạng Vx được tiến hành trên cả hai bình diện cấu trúc :

            a. Trong cấu trúc của một ngữ

            b. Trong cấu trúc của một câu

            2. Kết quả khảo sát

            Với 531 ngữ  liệu thu được, chúng tôi tiến hành việc xác định chức vụ ngữ pháp của vị từ  Vx trong từng ngữ  liệu rồi tiến hành phân loại. Kết quả như sau :

 

Làm thành phần câu

Làm thành tố trong ngữ

 

Chủ ngữ

Vị ngữ

1 vế câu ghép

Trạng ngữ

Câu đặc biệt

Định tố

Bổ tố

 

0

(0%)

274

(51,6%)

6

(1,13%)

0

(0%)

5

(0,94%)

189

(35,59%)

57

(10,73%)

531 câu (100%)

            3. Những đặc trưng ngữ pháp của vị từ Vx

            Dựa vào kết quả khảo sát nêu trên, chúng tôi nhận thấy vị từ Vx có một số đặc trưng ngữ pháp riêng biệt trong tương quan so sánh với những đặc điểm của vị từ tiếng Việt nói chung.

            Trong các chức năng ngữ pháp của vị từ Vx, chức năng làm vị ngữ và chức năng làm định tố là 2 chức năng thường xuyên và phổ biến của vị từ loại này. Trong khi đó, cũng như các vị từ khác, Vx không bao giờ đóng vai trò là chủ ngữ hoặc làm trạng ngữ trong câu.

            Cụ thể là :

            3.1 Đặc trưng ngữ pháp của vị từ  Vx trong cấu trúc ngữ   

            3.1.1 Trong ngữ danh từ 

            Trong 531 ngữ liệu chúng tôi đã thống kê, có 189 trường hợp làm định tố cho danh từ . Như vậy khả năng làm định tố trong một danh ngữ chiếm một tỉ lệ đáng kể (35, 59%). Khi làm định tố, Vx đóng vai trò một định tố miêu tả đứng sau danh từ trung tâm có tác dụng miêu tả thuộc tính, tính chất vói sự cụ thể hoá, sắc thái hoá hoặc nhấn mạnh về mức độ , bổ sung nghĩa cho danh từ trung tâm.

Ví dụ :  (1) Cái dĩ vãng buồn teo kia thật là xa, xa lăng lắc.

                                       (TH- CGTR -TTTH T1 tr. 302)

            Đây cũng là một đặc điểm ngữ pháp đặc trưng của vị từ chỉ tính chất, trạng thái nói chung.

            3.1.2 Trong ngữ vị từ

            3.1.2.1 Làm trung tâm của ngữ vị từ   

            Khi làm trung tâm của một ngữ vị từ , vị từ  Vx có những đặc trưng khác với các vị từ cùng chỉ tính chất, trạng thái như sau :

a. Không có khả năng kết hợp với các phó từ chỉ mức độ như : rất, khá, hơi...

            Một số các nhà nghiên cứu cho rằng Vx là những “từ ghép chính phụ ” [2;123] “trong đó đã có một từ  tố biểu thị ý về mức độ rồi thì không kết hợp được với các từ chỉ mức độ nữa”[2;144]. Diệp Quang Ban [1], Nguyễn Kim Thản [3;86] xếp lớp từ Vx vào loại “tính từ không có thang độ (hay tính từ tuyệt đối)” với đặc điểm “không thể kết hợp với phụ từ chỉ mức độ”.[1;101] .

            Việc khảo sát khả năng kết hợp của vị từ loại này trong 531 ngữ liệu mà chúng tôi thu thập được cũng góp phần chứng minh cho nhận định của các nhà nghiên cứu đi trước . Không có trường hợp vị từ  Vx nào kết hợp với phó từ  chỉ mức độ . Trong khi đó, đặc điểm “khả năng kết hợp với phó từ chỉ mức độ” được coi như là một trong những đặc điểm nhận diện quan trọng của lớp vị từ chỉ trạng thái, tính chất.         

b. Khi Vx kết hợp với các phó từ như ra, lên, đi, lại... không mang ý nghĩa chỉ hướng như khi kết hợp với các vị từ hành động mà chỉ kết quả diễn tiến của đặc trưng, sự biến đổi của trạng thái

Ví dụ :  (2) Mẫn cắn môi, mặt anh tái ngắt lại.

             (VTT-CCXRKTK-TNVN 45-85 tr. 204)

            Bên cạnh đó, chúng tôi nhận thấy vị từ Vx thường kết hợp với các phó từ  đã, đang, vẫn, cũng, cứ, còn ... như các vị từ khác. Tuy nhiên điểm cần đặc biệt lưu ý là khi kết hợp các phó từ loại này, nó có nhiều khả năng giữ chức vụ vị ngữ  trong một kết cấu c-v

Ví dụ : (3) Khi họ nâng ly rượu trao cho tôi, tôi nhận ra rượu Xẻo Đước vẫn trong vắt như xưa. (AĐ - Đ - 17 TN tr. 101)

            3.1.2.2 Làm bổ tố cho vị từ trung tâm

            Khi tham gia làm bổ tố cho vị từ trung tâm trong một ngữ vị từ , Vx thường đảm nhận vai trò của các bổ tố sau :

            v Về ý nghĩa :

a. Làm bổ tố cách thức:

            Khi Vx đi sau các vị từ chỉ tư thế (ngồi, đứng , nằm...) thì nó thường đảm nhiệm chức năng của một bổ tố cách thức.

Ví dụ : (4)... thiếm Tư trái lại ngồi buồn xo, không tin nơi lời chồng, cho rằng đó là kiểu an ủi gượng của kẻ túng cùng. (SN-HRCM tr. 129)

b. Làm bổ tố đánh giá :

            Khi đi sau vị từ  hành động, Vx đảm nhiệm vai trò của bổ tố đánh giá .

Ví dụ : (5) Tay đứa nào cũng đầy dầu làm nắm cơm đen nhuốc, ăn hôi sì

                                                                  (LMK- AKSDT tr. 149)

c. Làm bổ tố kết quả :

            Khi đứng sau một vị từ tác động, Vx cũng có khả năng làm bổ tố kết quả.

Ví dụ : (6) Cái đầu thì trọc lốc, cái răng cạo trắng hớn.

                                    (NC -CP- TTNC T1 tr. 98)

            v Về vị trí :

            Khi làm bổ tố cho vị từ trung tâm, Vx có thể đứng ngay sau vị từ làm bổ tố trực tiếp nhưng cũng có trường hợp đứng sau một bổ tố khác làm bổ tố gián tiếp. Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào đặc điểm ngữ pháp của vị từ trung tâm.

a. Làm bổ tố gián tiếp:

Ví dụ : (7) Tề nói: Lúc đánh bi cõng hắn nhẹ tưng mà răng lúc bị thương hắn nặng đến rứa không biết ! (PQ - TTDD T1 tr. 171)

b. Làm bổ tố trực tiếp :

Ví dụ : (8a) Rồi các cậu coi tụi hắn vừa nhảy vừa hát vừa đái hết cả ra quần, ra váy làm thối inh cả sân vận động ! (PQ - TTDD T1 tr. 214)

            Câu (8a) cũng có một ngữ vị từ  có 2 bổ tố trong đó có một bổ tố là Vx nhưng khác với câu (7) ở chỗ Vx là bổ tố trực tiếp chứ không phải làm bổ tố gián tiếp. Tuy nhiên, vị trí này không quan trọng. Nếu đảo vị trí 2 bổ tố trong câu thì câu (8a) được viết như sau :

(8b) Rồi các cậu coi tụi hắn vừa nhảy vừa hát vừa đái hết cả ra quần, ra váy làm cả sân vận động thối inh !

            Như vậy vị trí của Vx trong trường hợp này rất linh hoạt. Đứng ở vị trí nào Vx cũng có giá trị bổ sung nghĩa cho vị từ và nhấn mạnh thuộc tính, tính chất .

            Nếu ở vị trí này là một vị từ (V) chỉ tính chất, trạng thái có hình thức đơn tố chứ không phải là Vx thì kết quả như sau :

            (8a’) Rồi các cậu coi tụi hắn vừa nhảy vừa hát vừa đái hết cả ra quần, ra váy làm thối cả sân vận động ! (+)

            (8b’) Rồi các cậu coi tụi hắn vừa nhảy vừa hát vừa đái hết cả ra quần, ra váy làm cả sân vận động thối ! ( - )

            So với Vx, các vị từ V có cùng ý nghĩa chỉ tính chất, trạng thái không có khả năng đảo vị trí một cách linh hoạt như Vx. Câu (8b’) không được chấp nhận vì thiếu tính tình thái. Rõ ràng, khi Vx làm bổ tố gián tiếp (đặc biệt khi đứng ở vị trí cuối câu), nó còn có khả năng làm tăng tính tình thái cho câu .

            3.2 Đặc trưng ngữ pháp của vị từ Vx trong cấu trúc câu

            Đặc trưng ngữ pháp của từ được thể hiện chủ yếu ở cấu trúc câu. Việc xem xét khả năng kết hợp của lớp từ ở cấu trúc ngữ kết hợp với việc phân tích chức vụ ngữ pháp của từ ở trong câu sẽ giúp chúng ta phát hiện đầy đủ hơn các đặc trưng ngữ pháp và bản chất từ  loại của lớp vị từ này.

            3.2.1 Chức năng làm vị ngữ  trong một kết cấu c-v

            Kết quả khảo sát cho thấy chức vụ cú pháp chủ yếu, thường trực là chức vụ làm vị ngữ trong một kết cấu c-v (chiếm tỉ lệ 51,22%). Đây cũng là một đặc điểm ngữ pháp có tính phổ quát của hầu hết các đơn vị được gọi là vị từ trong tất cả các ngôn ngữ .

            Tuy nhiên, điều đặc biệt cần phải thận trọng khi xem xét các ngữ cảnh có vị từ  dạng Vx giữ chức vụ vị ngữ trong một kết cấu c-v là phải có một cơ sở vững vàng trong phân tích cú pháp để có thể phân định rạch ròi giữa một kết cấu c-v có Vx làm vị ngữ với một danh ngữ có Vx làm định tố .

            So sánh :

            1/ Trường hợp Vx làm vị ngữ

            (9) Mặt Quỳnh bỗng đỏ nhừ như người say rượu . (HM - VT T1 tr.35)

            2/ Trưòng hợp Vx làm định tố

            (10) Tuy vậy bà Kính vẫn ngước mắt nhìn thẳng vào mặt thầy để xem có đúng là cái cằm ngắn củn kia sao lại giống thằng Bốn thế .

                                       (VT - ĐLCS - KTV tr.60)

            Khi làm vị ngữ , vị từ Vx thường nằm trong những ngữ cảnh có đặc điểm sau :   1/ Đối tượng do đơn vị làm chủ ngữ được xác định (được cá biệt hoá)

            Để cá biệt hoá đối tượng này, thông thường người ta sử dụng một đại danh từ  làm chủ ngữ hoặc sử dụng danh ngữ có định tố đứng sau là đại từ chỉ định hoặc những tổ hợp từ có quan hệ sở thuộc.

Ví dụ : (11) Khuôn mặt của hắn già cấc, gồ ghề như khuôn mặt gỗ được đẽo bằng những nhát rìu. (MN - TXVB tr.129)

            2/ Trước Vx thường có các phó từ chỉ thời gian, chỉ sự tiếp diễn tương tự  như : đã, cũng, vẫn, cứ, còn, đều..

Ví dụ : (12) Trời đã tối mịt. (MN - BT -TN tr. 157) 

            3/ Trong những cấu trúc kiểu “C - thì - Vx”

Ví dụ : (13) Cháu thì xanh rớt, còn bà ấy vẫn béo đỏ.”

                                      (NK-ĐCN-TTNML tr. 72)   

            4/ Trong những kết cấu mà sau Vx là bổ tố so sánh

Ví dụ : (14) Sống mũi tôi cay xè như hít phải ớt bột.

                          (TL- MTBCCT-45TN75-85tr. 292)

            5/ Trong những kết cấu mà sau Vx là bổ tố chỉ nguyên nhân

Ví dụ : (15) Lúc ấy, mặt chủ tịch Toả đã đỏ nẫn vì mệt.

                  (TH-MT-TLTKVN 55-75 T2 tr. 101)

            6/ Trong những kết cấu mà sau Vx là bổ tố chỉ địa điểm

Ví dụ : (16) Mùi hương đầy ắp không gian, kỳ lạ xốn xang đến nao lòng.

                                                         (NTBH - MĐM - TNT tr. 124)

            Khi làm vị ngữ , Vx có những đặc điểm sau :

a. Vx làm vị ngữ  có thể gián cách với chủ  ngữ bằng một trạng ngữ chỉ thời gian.

Ví dụ : (17) Hà Nội của tôi bây giờ  xa lắc. (NTTH - MĐÂA - BTG tr.111)

            b. Vx làm vị ngữ có khả năng được đảo lên trước chủ ngữ để nhấn mạnh.

Ví dụ : (18) Các cô bị tấn công ngầm, chỉ sẽ “Giê-su-ma” rồi lặng im, đỏ lự mặt lên. (CV - BB T1 tr. 197)

            Trong trường hợp cấu trúc c-v có Vx làm vị ngữ giữ chức vụ vị ngữ trong  kết cấu c-v có vai trò là nòng cốt câu, khi được đảo lên trước để nhấn mạnh, Vx thường đứng ngay sau chủ ngữ của câu.

Ví dụ : (19) Nhân đỏ sọc đôi mắt, giơ tay toan cột lấy tràng áo Tiệp.

                                                                                   (CV - BB T1 tr. 304)               

c. Làm vị ngữ trong một chuỗi vị ngữ liên hợp với kết cấu “là Vx” để nhấn mạnh .

Ví dụ : (20) Xong việc là thôi, là huề, là nhẹ tênh, không chút nào bận tâm định kiến. (NMT - CLT T1 tr. 58,59)

d. Bên cạnh đó, đáng lưu ý là những trường hợp mà trong đó Vx đứng sau một vị từ khác. Khi phân tích cấu trúc ngữ pháp của dạng câu này thì nên thận trọng trong việc xác định chức năng cú pháp của Vx .

            Ví dụ : (21) Lúa phơi vàng xoe trong các sân nhà . (CV-BB T1 tr. 60)

                         (22) Hoa gạo rụng đỏ ối mặt sân.

            Trong các câu (21) (22), vị từ Vx đứng sau một vị từ khác. Tuỳ vào ngữ cảnh, có thể có 2 cách hiểu về cấu trúc ngữ pháp của dạng câu này :

            - Cách 1 : Xem vị từ đứng trước (phơi, rụng) là vị ngữ của câu, Vx đóng vai trò là bổ tố cho vị từ đứng trước. Một số nhà nghiên cứu gọi đây là “vị tố thứ yếu” hoặc là “thành phần đặc biệt của câu”[dẫn theo (2;279)].

            - Cách 2 : Xem Vx là vị ngữ, còn các tổ hợp (lúa phơi, hoa gạo rụng) là thành phần chủ ngữ .

            Chúng tôi quan niệm các vị từ Vx (vàng xoe, đỏ ối) trong câu (21),(22) không phải là thành tố phụ của một ngữ  vị từ mà là một vị ngữ do vai trò ngữ nghĩa đặc biệt quan trọng của nó ở trong câu.

            Dạng câu (21), (22) hoàn toàn khác với dạng câu mà trong đó Vx đi liền sau một vị từ và làm bổ tố cho vị từ này. Chẳng hạn :

            (23) Lúa nổ ra trắng phếu, nhảy tưng bừng trong chảo, văng tứ phía.

                                                                               (SN - HRCM tr. 227)

            3.2.2 Chức năng làm câu đặc biệt

Ví dụ : (24) Nhưng Nguyễn Trì Cúi ngay xuống, xách xâu bánh lên. Nhẹ bững.

                                                                        (PQ- TTDD T1 tr. 339)

            3.2.3 Chức năng làm vế câu ghép

Ví dụ :,(25) Nó có cái lạ là cứ để yên thì chẳng làm sao, nhưng hễ đụng đến là thơm lựng lên. (NHT-NBHNT-TPVDL tr. 55)

            Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy chức năng làm vị ngữ và định ngữ là hai chức năng phổ biến và thường trực của vị từ Vx. Ngoài ra, vị từ Vx còn có khả năng làm bổ tố cho vị từ  trung tâm trong một ngữ vị từ . Bên cạnh đó, các chức năng như độc lập làm câu đặc biệt, hoặc làm một vế của câu ghép qua lại chỉ là những chức năng thứ cấp (không thường xuyên) của vị từ loại này. Khi độc lập làm câu đặc biệt, vị từ Vx bao giờ cũng đi kèm với một ngữ điệu đặc trưng.

            4. Trên đây chỉ là những nhận xét ban đầu về một số đặc trưng ngữ pháp của vị từ có yếu tố sau biểu thị mức độ cao trong tiếng Việt trên cơ sở đối chiếu, so sánh với các vị từ khác. Việc nghiên cứu đặc trưng ngữ pháp của vị từ Vx trên cơ sở khảo sát các ngữ liệu đã giúp cho chúng tôi xác lập được khả năng hoạt động và quy luật hoạt động của lớp từ  này trong hoạt động lời nói, đồng thời góp phần tích cực vào việc soi sáng bản chất ngữ nghĩa của chúng, tạo một tiền đề quan trọng cho những bước nghiên cứu tiếp theo của chúng tôi về lớp từ này.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN

 

1. Diệp Quang Ban - Ngữ pháp tiếng Việt (tập 1) - Nxb. Giáo Dục , 1996

2. Ngữ pháp tiếng Việt (UBKHXHVN) - Nxb. KHXH, 1983

3. Nguyễn Kim Thản - Cơ sở ngữ pháp tiếng Việt, Nxb. KHXH, 1996

 

NGUỒN DẪN LIỆU

 

Tên tác giả - tác phẩm được trích dẫn

Viết tắt

 1. Anh Đức - Đất - 17 Truyện ngắn, Nxb. VH, 1984

AĐ-Đ-17TN

 2. Chu Văn - Bão Biển (Tập 1), Nxb. Văn Học, 1978

CV-BB T12

 3. Hữu Mai- Vùng trời (tập 1), Nxb. Văn Học, 1994

HM -VT T1

 4. Lê Minh Khuê- Anh kỹ sư dạo trước- Truyện ngắn, 1994

LMK-AKSDT-TN

 5. Mai Ngữ - Bức tranh-Truyện ngắn, Nxb Văn học,1994

MN-BT-TN

 6. Mai Ngữ - Thị xã vùng biên, Nxb. QĐND, 1987

MN-TXVB

 7.Nam Cao - Chí Phèo- Tuyển tập Nam Cao (tập 1), 1987

NC-CP-TTNDT1

 8. Ngô Thị Bích Hạnh - Mưa đầu mùa - Truyện ngắn trẻ

NTBH-MĐM-TNT

 9. Nguyễn Huy Thiệp- Những bài học nông thôn-TPVDL

NHT-NBHNT-

10. Nguyễn Khải- Đứa con nuôi- Mùa lạc- NxbVH, 1981

NK-ĐCN-ML

11. Nguyễn Mạnh Tuấn- Cù lao Tràm (tập1), 1985

NMT-CLT T1

12. Nguyễn Thị Thu Huệ- Mùa đông ấm áp- Bến trần gian, 1995

NTTH-MĐÂA-BTG

13. Phùng Quán - Tuổi thơ dữ dội (tập 1)

PQ- TTDD T1/T2

14. Sơn Nam- Hương rừng Cà Mau, Nxb Trẻ, 1993

SN-HRCM

15. Thuỳ Linh- Mặt trời bé con của tôi-45 truyện ngắn 75-

TL-MTBCCT

16. Tô Hoài- Miền Tây- Tư liệu truyện ký VN 55-75 tập 1

TH-MT-TLTKVN

17. Vũ Thị Thường- Chuyện xảy ra không tránh khỏi-Truyện ngắn Việt Nam 45-85, 1985

VTT-CXRKTK-TNVN 45-85

18. Vương Tâm- Đội lốt cà sa, Nxb Lao động, 1995

VT-ĐLCS

 

 

 

 

                                                                         

 

Thông tin truy cập

63693774
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
14066
23426
63693774

Thành viên trực tuyến

Đang có 449 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website