Địa danh Bắc Bộ mang tên cầm thú

 

Cũng như ở Nam Bộ và Trung Bộ, địa danh Bắc Bộ mang tên cầm thú khá phong phú. Một số mang từ thuần Việt, một số mang từ Hán Việt và nhiều nhất là mang từ của các ngôn ngữ dân tộc. VHNN xin giới thiệu bài viết của PGS.TS Lê Trung Hoa, đăng trên báo Kiến thức Ngày nay, số ra số 882, ngày 10-2-2015, tr. 13-15  

1. Cũng như ở Nam Bộ và Trung Bộ, địa danh Bắc Bộ mang tên cậm thú khá phong phú. Một số mang từ thuần Việt, một số mang từ Hán Việt và nhiều nhất là mang từ của các ngôn ngữ dân tộc.

2.1.Địa danh là từ thuần Việt:

Số địa danh mang từ thuần Việt khá nhiều. 

Bồ Nông là hang trong vịnh Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, có di chỉ khảo cổ học thuộc văn hoá Hạ Long. Cũng gọi là Bồ Nâu. Bồ Nông/Nâu có hai cách lý giải: 1. Gọi là Bồ Nông vì chim bồ nông thường đến đậu ở đó. 2.Gọi là Bồ Nâu vì trước kia trong hang có nhiều cây này. Cây bồ nâu, Huỳnh Tịnh Của (trong Đại Nam quốc âm tự vị) viết bò nâu, là “thứ trái cây vỏ dày mà lớn, trong ruột nó có cơm vàng vàng mà thơm, người ta hay ăn”.

Đèo Nai là địa điểm có mỏ than lộ thiên ở thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. Tên vùng do tên đèo mà ra. Đèo Nai có lẽ là trên đèo xưa kia có nai sinh sống.

Gà Chọi là đảo nhỏ trong vịnh Bái Tử Long, tỉnh Quảng Ninh, bên cạnh là đảo Gà Mái. Vì hai hòn đảo giống hình hai con gà trống, gà mái đang ở bên nhau.

Hang Dơi là địa điểm thuộc xã Vầy Nưa, huyện Đà Bắc, tỉnh Hoà Bình, có di chỉ khảo cảo học thuộc văn hoá Hoà Bình. Hang Dơi vì “hang có nhiều dơi”. Đầm Vạc là đầm ở thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Đầm Vạc là “đầm có nhiều vạc xuống uống nước”.

Con Voi là dãy núi kéo dài gần 100km từ tỉnh Lào Cai đến tỉnh Yên Bái, có đỉnh cao 1.450m. Con Voi do hình dáng núi lớn và giống con voi. Còn Trâu Quì là thị trấn của huyện Gia Lâm, thủ đô Hà Nội từ sau năm 1965. Trâu Quỳ vì tại thị trấn có một núi đất có dáng con trâu nằm quỳ.

2.2.Địa danh là từ Hán Việt:

Địa danh Hán Việt cũng khá dồi dào.

Đa Ngư là làng ở xã Tân Trào, huyện Kiến Thuỵ, thành phố Hải Phòng. Đa Ngư là nhiều cá, vì ở địa phương này ở sát biển, lắm cá.

Xã của huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn và xã của huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc đều mang tên Hổ Sơn. Vì ngày xưa núi ở đây có nhiều cọp nên địa phương mang tên trên.

Long Châu vừa là tên quần đảo trong vịnh Bắc Bộ, cách đảo Cát Bà 15km, cách thành phố Hải Phòng độ 50km về hướng nam, vừa là xã của huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Tại xã này có ngọn hải đăng xây dựng năm 1887. Long Châu là “cù lao rồng”.

Xã của huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ, diện tích 24,78km2, dân số 2.658 người (1999) là Long Cốc. Vì xã ở gần hang có hình con rồng nên xã mang tên trên.

Long Đàm là châu về đời Minh, thuộc phủ Giao Châu. Năm 1407, đổi thành Thanh Đàm. Thời Hậu Lê vì kiêng huý đổi thành Thanh Trì, nay thuộc thủ đô Hà Nội. Long Đàm là “đầm rồng”.

Núi ở huyện Gia Ninh, quân Giao Chỉ, sau thuộc châu Đà Bắc, tỉnh Hưng Hoá, nay thuộc tỉnh Hoà Bình, bên cạnh sông Đà, đoạn ấy gọi là sông Long Môn. Tục truyền sông này sâu 100 tầm, cá to vượt được chỗ ấy thì hoá rồng. Long Môn là “cửa rồng”.

Song Ngư là đảo ở trước cửa sông Văn Úc và sông Thái Bình, thành phố Hải Phòng. Song Ngư vì hai cồn Dừa và cồn Khoai tại thành phố Hoa Phượng Đỏ giống như hai con cá.

Sơn Dương vừa là huyện của tỉnh Tuyên Quang, vừa là thị xã của huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh, và là xã của huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Sơn Dương là “dê rừng”.

2.3.Địa danh bằng ngôn ngữ dân tộc:

Sau cùng, phong phú nhất là số địa danh mang các từ của các ngôn ngữ dân tộc cư trú tại địa phương. Nhiều nhất là các địa danh mang tiếng Tày-Nùng.

Háng Vài là thôn của xã Vân An, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn. Háng Vài nghĩa là “chợ trâu”. Còn Khau Vài là thôn của xã Minh Phát, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn. Khau Vài nghĩa là “núi trâu”.

Khau Ma là núi ở thị trấn Nước Hai, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng. Khau Ma nghĩa là “núi chó” trong tiếng Tày-Nùng, Nà Ma là địa điểm ở huyện Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng. Nà Ma gốc Tày-Nùng, Thái, nghĩa là “ruộng chó”.

Trong khi Khau Mạ là địa điểm ở thị trấn Nước Hai, huyện Hoà An, tỉnh Cao Bằng và là tên núi ở tỉnh Lạng Sơn. Khau Mạ gốc Tày-Nùng, nghĩa là “núi ngựa”. Nà Mạ là làng thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Nà Mạ là tiếng Tày-Nùng, nghĩa là “ruộng ngựa”.

Khau Mu là thôn của xã Vân Mộng, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn. Nà Mu là thôn ở xã Lợi Bác, cũng huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn. Khau Mu, Nà Mu nghĩa là “núi heo”, “ruộng heo” trong tiếng Tày-Nùng.

Bó Ca cũng gốc Tày-Nùng, nghĩa là “nguồn nước (có) quạ đậu”. Đây là tên địa điểm ở huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng.

Một thôn của thị trấn Na Dương, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn mang tên Nà Cáy. Nà Cáy nghĩa là “ruộng con gà”. Còn Nà Mò là làng ở xã Đức Long, huyện Hoà An, tỉnh Cao Bằng. Nà Mò nghĩa là “ruộng bò” trong tiếng Tày-Nùng.

Nà Nghiều là đường phố ở thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn. Nà Nghiều nghĩa là “ruộng tép”. Còn Nà Ngù là địa điểm ở tỉnh Bắc Kạn. Nà Ngù gốc Tày-Thái, nghĩa là “ruộng rắn”.

Bó Củng là thôn của xã Tân Lang, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn. Bó Củng là “giếng tôm”. Trong khi đó Cốc Ca là tên cây cầu trên tỉnh lộ 204 nối Nặm Thoong với Thông Nông, tỉnh Cao Bằng, xây năm 1995. Cốc Ca trong tiếng Tày-Nùng, nghĩa là “đầu con quạ”.

Khưa Hoi là địa điểm ở vùng Cao Bằng. Khưa Hoi gốc Tày-Nùng, nghĩa là “đầm ốc”. Huổi Tấu gốc Thái, tên núi ở tỉnh Điện Biên, nghĩa là “khe rùa”.

Thẩm Khuyên là hang đá vôi ở huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn, nơi có di tích khảo cổ học có niên đại cách nay độ 300.000 năm. Cũng gọi Thẩm Quyên. Thẩm Khuyên gốc Tày-Nùng, nghĩa là “hang chim cắt”.

Thoong Quang là thác ở tỉnh Cao Bằng. Thoong Quang tiếng Tày-Nùng, nghĩa là “thác nai”.

Tà Ván Chư là địa điểm ở tỉnh Lào Cai. Tà Ván Chư gốc Mông-Dao, có âm Hán Việt là Đại Loan Tự, nghĩa là “cua lớn”.

Tạ Bú là bến nước ở huyện Mường La, tỉnh Sơn La, nơi có một di chỉ khảo cổ học Cũng gọi Tà Bú. Tạ Bú còn là xã của huyện Mường La, tỉnh Sơn La, nghĩa là “bến cá bống”.

Tá Dì Thàng là địa điểm ở tỉnh Lào Cai. Tá Dì Thàng gốc Mông-Dao, có âm Hán Việt là Đại Ngư Đường, nghĩa là “vũng cá lớn”.

Ngườm Slưa là hang núi ở xã Hoàng Tung, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng. Ngườm Slưa nghĩa là “hang cọp”. Còn Khau Slưa là núi ở xã Bế Triều, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng. Khau Slưa nghĩa là “núi cọp”.

Pò Chạng là đồi ở tỉnh Cao Bằng. Pò Chạng nghĩa là “đồi voi”. Còn Gáp Dang là địa điểm ở huyện Hoà An, tỉnh Cao Bằng. Gáp Dang nghĩa là “vùng nuôi voi” trong tiếng Tày-Nùng,

Bó Luồng là thôn của xã Tĩnh Bắc, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn. Pác Luồng là hang ở huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn. Sam Luồng là địa điểm thuộc huyện Hoà An, tỉnh Cao Bằng. Bó Luồng, Pác Luồng, Sam Luồng (Slam Luồng) đều là tiếng Tày-Nùng, nghĩa lần lượt là “nguồn nước rồng”, “mồm rồng” và “ba con rồng”.

3.Tóm loại, cầm thú là những sinh vật gắn bó thiết thân với đời sống con người. Tên các con vật đi vào địa danh nhiều như thế là một bằng chứng. Vì vậy, con người có nghĩa vụ thương yêu và bảo vệ chúng, không được để cho chúng bị tiêu diệt, ảnh hưởng có tính quyết định đến đời sống của chúng ta.

{fshare}{flike}{fcomment}

 

Thông tin truy cập

63693802
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
14094
23426
63693802

Thành viên trực tuyến

Đang có 453 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website