1. Trí não của con người, thông qua những trải nghiệm hoặc có tính cá nhân hoặc dựa vào hệ thống ý niệm của cộng đồng diễn ngôn, dung nạp, xử lý, lưu trữ, phục hồi và cả truy xuất tri thức không hoàn toàn thụ động mà có tính tương tác theo những phương thức tri nhận nhất định.
Tương tác dễ quan sát nhất là với chính cơ thể của con người mà ngôn ngữ học gọi là những trải nghiệm nghiệm thân.Trước hết, xuất phát từ thân xác con người (nghiệm thân sinh lý). Thân xác - một thực thể gần gũi, nơi thu nhận thông tin đầu vào, nơi khởi phát những ý niệm cụ thể nhưng tầm bao quát và ảnh hưởng của nó trong tri nhận không chỉ có thế. Những trải nghiệm tinh thần như nhận thức, cảm xúc và cả trải nghiệm vật chất như tư thế của con người tách biệt với mặt phẳng, vận động trên mặt phẳng, đứng /nằm. các hướng di chuyển như lên / xuống, trước/ sau, phải /trái, cách cảm nhận ở đây / đằng kia, bây giờ / lúc khác… của con người đều có thể là nguồn gốc của sự phóng chiếu.Thứ đến là tương tác với môi trường vật chất xung quanh nghiệm thân(với) tự nhiên). Tại đây, quá trình tương tác, chủ thể không thể không tác động đến môi trường tri nhận và đến lượt nó, môi trường tri nhận không thể không ảnh hưởng ngược trở lại. Mặc dù rất đề cao vai trò của chủ thể kinh nghiệm, nhưng ngôn ngữ học tri nhận không phủ nhận chức năng phóng chiếu của hiện thực với tư cách là miền nguồn. Tiếp theo, là tương tác với người khác (nghiệm thân xã hội), trong mối quan hệ liên nhân, trước hết là các ràng buộc gắn liền với tri thức nền, với niềm tin, với những chia sẻ chung trong một nền văn hóa chủ đạo (mainstream culture) nhưng không thể không kể đến còn các giá trị của các văn hóa nhóm (subculture).
Còn phương thức tri nhận, đó là quá trình và cũng là kết quả của các bình diện tương tác, tạo thành một chỉnh thể, quyết định bản chất trí não của con người, đó cũng chính là những mô hình tri nhận, mà về nguyên tắc là một hệ thống mở có tác dụng kích hoạt, giúp con người quy loại, hình thành và lý giải, nội suy những ý niệm trực tiếp hoặc gián tiếp.
Rõ ràng, cả hai khía cạnh trên đều không thể tách rời các giá trị văn hóa. Trái lại, tương tác về văn hóa sẽ chi phối cách thức chúng ta tri nhận. Và cũng như tương tác tri nhận, tương tác văn hóa cũng có cơ sở từ môi trường kinh nghiệm.
Về các mô hình ẩn dụ ý niệm, Z. Kӧvecses ( 10, tr. 67 -71 ) có nhắc đến bốn trường hợp sau:(i) nhiều miền ý niệm nguồn khác nhau được dùng để nhận hiểu một miền ý niệm đích duy nhất,(ii) một miền ý niệm nguồn duy nhất được dùng để nhận hiểu nhiều miền ý niệm đích khác nhau,(iii) một tập hợp các ẩn dụ để tạo ra miền ý niệm đích là giống nhau trong hai ngôn ngữ, hai nền văn hóa nhưng việc ưu tiên sử dụng loại nào là không giống nhau và (iv) một số ẩn dụ độc nhất với cả miền nguồn và miền đích độc nhất chỉ có trong một ngôn ngữ và nền văn hóa nào đó.Và trên cơ sở ẩn dụ đồng dạng (congruent metaphor ) và ẩn dụ thay thế ( alternative metaphor ) có thể xem xét các mô hình tri nhận trong mối quan hệ với văn hoá.
Bài viết này, dựa vào một số ứng xử ngôn ngữ của người Việt, kế thừa thành tựu của một số công trình đi trước, xuất phát từ cách hình dung, cấu trúc ý niệm gắn kết chặt chẽ và tương hợp với các giá trị văn hóa, thử xác lập một số mô hình tri nhận trong tiếng Việt, chủ yếu là đi tìm sự khác biệt trong lựa chọn các thang độ ưu tiên, cũng như hình thức biểu hiện của chúng.
2. Nhìn một cách tổng quan, mô hình tri nhận thường có tính phổ quát, nhất là những trải nghiệm đơn giản kiểu như: Tình thương là hơi ấm, Nhiều thì hướng lên, khái quát là cụ thể, bởi qua kinh nghiệm trong cuộc sống hàng ngày, con người có thể nhận hiểu và hoạt hoá (enactment) dễ dàng các ẩn dụ ý niệm ấy.
Sự khác biệt, trước đây trong một số bài viết, chúng tôi thường lý giải và căn cứ vào sự biểu hiện đậm / nhạt của một số phương thức tri nhận nào đấy, chẳng hạn như vai trò sông nước, cây trái, thực phẩm trong ánh xạ, hiểu là những miền nguồn trong tương tác với chủ thể kinh nghiệm, hầu như ngôn ngữ nào cũng có, nhưng đây là những trường ý niệm rất quen thuộc trong tâm thức của người Việt. Và bên cạnh tính phổ quát còn có sự đa dang trong tương tác văn hoá.
Cụ thể hơn, xin được minh họa, như ẩn dụ Cuộc đời là một cuộc hành trình rất phổ biến trong nhiều ngôn ngữ, nhưng nếu như trong tiếng Anh, tiếng Pháp hành trình ấy thường liên hội giữa đường bộ - đường đời thì trong tiếng Việt lại là đường thuỷ – dòng đời. Nếu như cái chết, cách kết thúc hành trình là suối vàng, nơi chín suối, nước tiên, nước phật, nghi thức chèo thuyền đưa linh, tục đóng tiền đò bằng cách bỏ vàng, bạc vào miệng người chết, nghĩa là, nhiều ẩn dụ cho thấy, quan niệm của người Việt: sinh ra từ nước (nước nguồn, nước ối), đời người là dòng sông, và khi nhắm mắt xuôi tay là trở về với nước thì trong văn hóa phương Tây, con người sinh ra từ cát bụi, chết là trở về với cát bụi, hình ảnh tiễn đưa người chết thường gắn liền với cỗ xe ngựa (carriage, char), tức khởi đầu và kết thúc hành trình đời người đều diễn ra trên đường bộ (24, 2011a và 2011b ].
Cách tiếp cận này, cho phép chúng ta nhận ra những nét khu biệt trong những trường hợp hãn hữu nhưng lại rất khó biện giải trong các trường hợp có xung đột giá trị (conflicts among the values) liên quan đến những xung đột ẩn dụ (conflicts among the metaphors) hoặc khi tính đặc thù mờ nhạt, khi nhận thức văn hoá chỉ thể hiện một xu hướng tri nhận thiên về một góc độ nào đó thôi.
Để giải quyết vấn đề này, G. Lakoff và M. Johnson(12) thường nhắc đến thuật ngữ ưu tiên hay thang độ ưu tiên (priority scale), sau này được Z. Kövecses [ 11] triển khai rõ ràng hơn, chẳng hạn, các ẩn dụ định vị trong tiếng Anh: Nhiều hơn thì tốt hơn (More is better), Nhiều hơn thì hướng lên (More is up) và Tốt thì hướng lên (Good is up), thoạt nhìn dễ tưởng chúng bình đẳng như nhau. Thế nhưng không ít biểu đạt liên quan, hình như đi ngược lại hay mâu thuẫn với ẩn dụ thứ ba, như Lạm phát đang lên cao (Inflation is rising), Tỉ lệ tội phạm đang gia tăng (The crime rate is going up), tức trong trường hợp này, lạm phát, tội phạm là những hiện tượng xấu và như thế hướng lên chưa hẳn là tốt, thế nhưng ẩn dụ Nhiều hơn thì hướng lên thì vẫn tỏ ra bao quát và đó là sự lựa chọn ưu tiên trong tiếng Anh.
2.1. Nếu như trong tiếng Anh, thỉnh thoảng chúng ta mới gặp một vài biểu thức làm thành những ẩn dụ tri nhận, liên qua đến thực phẩm kiểu như Ý tưởng là thực phẩm (Ideas are food), nghĩ là đun nấu (Thinking is cooking) thì trong tiếng Việt, ngôn từ về thực phẩm, ăn uống xuất hiện khá đa dạng.
Hãy chú ý đến sự phong phú trong từ đa nghĩa một cách hệ thống ăn và sự chuyển nghĩa của nó trong giao tiếp mới thấy hết nỗi ám ảnh của cộng đồng diễn ngôn. Về mặt ngôn ngữ học, lần theo những nét tương đồng nhận thức của từ đa nghĩa trong hành chức, chúng ta sẽ tìm thấy hệ thống ẩn dụ ý niệm tương ứng. Nói khác, hệ thống từ đa nghĩa chính là những dẫn ngữ minh hoạ cho các ẩn dụ, nhất là ẩn dụ phức và ẩn dụ trừu tượng. Có thể kể đến các ẩn dụ: Con người là thực phẩm, Năng lực, ứng xử của con người là thực phẩm, Vị thế xã hội là thực phẩm, Địa thế là thực phẩm, Công cụ(phương tiện) là thực phẩm, Tài năng là thực phẩm.
Tiểu mục này,chỉ tập trung phân tích nghĩa của ngon/ dở, những từ có tính chất lượng giá, bắt nguồn từ thực phẩm, một hiện tượng ngôn ngữ gợi mở nhiều điều thú vị, chứ không đơn giản chỉ là những ẩn dụ chuyển đổi cảm giác.
Chúng ta hãy quan sát các phát ngôn sau:
- Thân hình của cô ấy rất ngon, Giới chân dài thường có cái dáng ngon, Bộ vó ông ấy ngon lành, Anh ta ứng xử với bà con lối xóm dở quá, Học lực của thằng nhỏ nhà tôi ngon lành, Tao cũng ngon chứ bộ! Mày có ngon thì đi kiện đi, tao sẽ hầu toà, Ngon thì nhào vô, biết liền hà.
- Cái ghế đó ngon quá, bao nhiêu người thèm muốn, Thời buổi bây giờ ghế ngon giá cả triệu đô, Chỗ đứng ngon.
- Nhà hai mặt tiền ngon ơi là ngon, còn đòi hỏi gì nữa, Xe ngon, Xe chạy ngon, Xe chạy còn ngon, Thuyền ngon, Miếng đất ngon, Điện thoại lắp ráp ở Trung Quốc dở lắm, Phim dở ẹc, sách dở ẹc, Máy phun thuốc sâu đời mới ngon thiệt, Đang trò chuyện ngon trớn thì nó đến phá đám.
- Ký được hiệp đồng béo bở, Không nuốt nổi thương vụ này, Chưa tiêu hóa hết nội dung, Không giảm tải, học sinh rất dễ bội thực kiến thức, Các thầy cô giáo không cần thiết lúc nào cũng mớm kiến thức cho sinh viên, Ngủ ngon, ngủ nướng.
- Ngon ăn, ngon cơm (mỏng cơm, dày cơm), ngon mắt
Có thể thấy, các diễn ngữ liệt kê bên trên trực tiếp hay gián tiếp đều là những ẩn dụ bản thể, tức đều được hình thành từ những trải nghiệm dưới dạng vật thể và chất liệu. Hiển nhiên trong một số trường hợp khi áp đặt một hiện tượng phi vật thể, phi chất liệu thành một vật thể thực thụ, với những chất liệu thực thụ, thậm chí có thể ăn được, có thể nếm được, chẳng qua là người Việt muốn nhận thức về chúng với những mục đích khác nhau. Ở đây các vật thể được cụ thể hóa bằng chất liệu thực phẩm nhằm mục đích đánh giá: ngon, là tích cực, thuận lợi, hướng lên, nằm ở phần dương tính của thang độ, còn dở thì ngược lại.
Ở (i), là vóc dáng, sức sống, cách thức ứng xử, năng lực, ở (ii) và (iii) là vị thế xã hội, vị trí địa lý, chất lượng, đặc điểm, ở (iv) là sự kiện, hoạt động, trạng thái, ở (v) là phẩm chất … tất cả được nhào nặn thành thức ăn, thành thực phẩm.
Như vậy, vị từ ngon/ dở trong tiếng Việt có phạm vi sử dụng rất rộng, tuỳ theo ngữ cảnh có thể tương đương với nhiều ý niệm hoạt động, đặc trưng, trạng thái, tính chất trong nhiều ngôn ngữ.
Và có thể nói, hầu như tất cả các các từ ngữ chỉ hoạt động liên quan đến nấu nướng, bếp núc trong tiếng Việt đều có thể dùng với nghĩa ẩn dụ: lập luận sống sượng, độ chín của nhà quản lý, xào sách, xào bài, xào khô, xào ướt (tình yêu), con gái nhà này khê rồi, hâm nóng tình yêu, tình cảm nguội lạnh, thêm mắm, thêm muối vào cho câu chuyện đỡ nhạt; vồ vập quá rồi cũng có ngày cháy khét; thiu rồi, em gái ơi; con gái con đứa bếp núc vụng thối vụng nát, nấu cháo điện thoại, xe bị luộc rồi. Đó là chưa kể đến hệ thống từ ngữ chỉ phẩm chất, mùi vị của thực phẩm được sử dụng cho nhiều ý niệm khác cũng bằng con đường ẩn dụ.
Công bằng mà nói,trong tiếng Anh với miền ý niệm Cooking and food, thỉnh thoảng chúng ta cũng gặp cách nói: công thức hạnh phúc (recipe for happiness), một khoảng (lát, miếng) cuộc đời(a slice of life), pha loãng niềm tin (dilute a belief), nghĩa là một số từ ngữ vốn thuộc ý niệm thực phẩm cũng được sử dụng cho một số lĩnh vực khác, nhưng không da dạng như trong tiếng Viêt.
Cần lưu ý, liên quan đến ẩn dụ, Thân thể phụ nữ là thực phẩm ở (i), trong tiếng Anh có:Women are kitten và Women are sweet food, đây là những ẩn dụ đặc thù có tính chất giới, trong một nghiên cứu về cách nam giới nói về nữ giới và ngược lại, thiên về chiều kích xã hội( the social dimension) (11, tr. 89 -90) rất khác với trường ý niệm được thực phẩm hoá đang phân tích ở đây. Ở (ii) là những hoán dụ, phương tiện, vị trí, chức năng thay cho người, còn (iii) với chức năng thu hẹp trường nghĩa vật chất thông qua một số ẩn dụ bậc dưới: Phương tiện là thực phẩm và vì là thực phẩm nên hoàn toàn có thể đánh giá chất lượng ngon /dở. Các diễn ngữ ở (iv), ngủ ngon, ngủ nướng, tuy chưa phải là lựa chọn ưu tiên trong tiếng Việt, so với ẩn dụ giấc ngủ là vật chứa và vật chứa nước (ngủ sâu, chìm vào giấc ngủ, trôi vào giấc ngủ, trong giấc ngủ, đi vào giấc ngủ) nhưng cách thức ý niệm hóa cũng nằm trong xu hướng vừa phân tích, các diễn ngữ còn lại trong mục này về hiệp đồng, thương vụ, kiến thức nhìn chung là không khác gì trong tiếng Anh. Cuối cùng, ở (v), là những phẩm chất dương tính có phạm vi sử dụng khá rộng.
2.2 Chúng ta đã biết một số ẩn dụ không gian có tính phổ quát liên quan đến phương thẳng đứng, một phương vốn xuất phát từ những trải nghiệm vận động của cơ thể con người, thể hiện đậm nhất là trong tiếng Anh, thường thì lên là theo hướng nghĩa tích cực và xuống thì ngược lại như: Vui thì lên, buồn thì xuống, Sống (khoẻ mạnh) thì lên, Chết (bệnh tật) thì xuống, Ý thức thì lên, Vô thức thì xuống. Mặc dù trong một số trường hợp cụ thể phải mất nhiều công sức để biện giải các trường hợp kiểu như Không biết thì lên, biết thì xuống, công việc dở dang thì lên, công việc kết thúc thì xuống trong tiếng Anh nhưng quả thực không khó khi có thể kể ra rất nhiều dẫn ngữ tiếng Việt củng cố một cách vững chắc cho các ẩn dụ định vị lên/ xuống theo mô hình này.
Bên cạnh đó, cũng trong tiếng Việt, chúng ta không thể không chú ý đến cách biểu đạt thiên về phương nằm ngang, tuy có tính chất tiềm năng nhưng lại là nhữnghiện tượng kích hoạt theo hướng xác định những biến thể : rộng (mở rộng, giãn nở) thường đi đôi với hướng nghĩa tích cực; hẹp (thu hẹp, co rút, co cụm) thường gắn liền với hướng nghĩa tíêu cực, thậm chí có thể nghĩ đến các biểu thức Vui thì rộng, buồn thì hep, rộng thì thuận lợi, hẹp thì khó khăn. Ta có các ví dụ, khắp đất trời biển rộng bao la (lời bài hát) Đường ta rộng thênh thang tám bước (thơ), rộng đường vào bán kết, rộng nghĩ, khuôn mặt giãn ra, mở rộng vòng tay, cánh cửa rộng mở cho nhân tài, con đường sự nghiệp thênh thang, mở cờ trong bụng, mở lòng, trải lòng, mở mày, mở mặt, mở rộng tấm lòng, mở lòng nhân từ, mở lòng nhân ái, hẹp nghĩ, con đường chật hẹp, khung cửa hẹp, lách qua cửa hẹp để vào bán kết, khuôn mặt co dúm lại, nằm bẹp dúm.
Tương tự, nếu như phương Tây định vị các tầng lớp hay địa vị xã hội của con người theo phương thẳng đứng như: upper class/ middle class/ low class hay: high status/middle status/ low status thì bên cạnh việc hình dung xã hội là một vật chứa, thậm chí là vật chứa nước, trong đó có tầng lớp bên trên/tầng lớp lưng chừng/ tầng lớp dưới đáy, tiếng Việt còn có cách định danh địa vị con người thiên về phương nằm ngang gắn liền với dòng chảy của sông: Thượng lưu, trung lưu, hạ lưu.[1]
Có lẽ, sự phân tầng này xuất phát từ ý niệm cho rằng, khởi nguyên, cội nguồn, nơi xuất phát dòng chảy là quan trọng nhất, là sạch sẽ nhất ( Nước tại nguồn có bao giờ đục), nó tương ứng với tầng lớp cao nhất, danh giá nhất trong xã hội (thượng lưu). Hãy liên hệ đến trường nghĩa tích cực của ý niệm khởi đầu như thời đoạn bình minh trong ẩn dụ Đời người là một ngày; mùa xuân trong ẩn dụ Đời người là một năm; giai đoạn mầm non, chồi biếc, trong ẩn dụ Đời người là cỏ cây thì thấy dùng giá trị khởi nguồn của sông để chỉ giai tầng cao nhất không phải không có lý. Hai lớp người còn lại (trung lưu, hạ lưu) tương ứng với hai vị trí của một con sông trên hành trình về với biển cả, về mặt sâu xa cũng xuất phát từ cách hình dung này. Mặt khác, do nhiều lý do khác nhau, nhất là về mặt địa hình sông suối, nguồn thường có vị trí cao, nước xuất phát từ nguồn chảy về biển cả là từ cao xuống thấp( lên nguồn/ xuống biển), cũng có thể là nguyên nhân giải thích cho cách ý niệm hoá này.
Bên cạnh đó, trong một số trường hợp, tiếng Việt không hẳn dựa vào phương thẳng đứng cũng như phương nằm ngang mà có khi dùng trọng lượng, hay ánh sáng để định vị, trước hết là vật thể, không gian, xem đó là cơ sở, rồi mới tri nhận các phạm trù khác.
Với ẩn dụ Cảm xúc là vật thể, Cảm xúc là trọng lượng, có thể kể đến một số cách biểu đạt, vui thì nhẹ, buồn thì nặng, nhẹ thì tốt, nặng thì ngược lại: giải quyết xong việc nhẹ cả người; trút được gánh nặng công việc; khuôn mặt nặng trình trịch, nặng gánh gia đình, nặng nợ tình cảm; đặt nặng vấn đề tiền bạc, xem nhẹ tình cảm. Ngôn ngữ là vật thể nên hoàn toàn có thể xem xét từ góc độ trọng lượng: tiếng nặng tiếng nhẹ, phê bình nặng, nặng lời, góp ý nhẹ nhàng, rồi nặng vía/ nhẹ vía… đều như thế. Về đối lập sáng/ tối, thường lạc quan, vui vẻ, hạnh phúc là sáng; bi quan, buồn rầu, đau khổ là tối. Hãy chú ý đến cách nói: khuôn mặt sáng trưng, lập luận sáng tỏ, đầu óc trong sáng, Nghe nó nói mấy câu mà đầu óc tôi sáng hẳn lên, quyết định sáng suốt, điểm sáng của phong trào, khuôn mặt tối sầm, lập luận tối om, tối mù; tư tưởng tù mù, đầu óc đen tối, một đường chuyền rất tối (bóng đá). Tất nhiên cách hình dung này liên quan đến các ẩn dụ bậc trên có tính phổ quát như : Ánh sáng là sự sống, ánh sáng là chân lý, ánh sáng là khai phóng, ánh sáng là minh triết; bóng tối là cái chết, bóng tối là ngu muội, bóng tối là bế tắc có thể xem đây là các biến thể của ẩn dụ định vị.
2.3.Để định vị phương hướng, tuy đều được xây dựng trên hai trục giao nhau, nhưng nếu phương Tây hình dung: Bắc – Nam - Tây – Đông thì người Việt lại: Đông – Tây- Nam - Bắc. Sự lựa chọn này có tính quan yếu, ảnh hưởng từ nhiều yếu tố như sự xuất hiện của sao Bắc đẩu, truyền thống vẽ bản đồ, thời tiết, đặc trưng lặn/ mọc của mặt trời, sinh hoạt của văn hoá nông nghiệp. Chúng chi phối đến cấu tạo từ trong việc phân chia các phương nhỏ hơn, trong việc xác lập giá trị phong thuỷ trong dân gian, cũng như điểm gốc để định vị.
Hãy xem Tiếng Việt: Đông Bắc, Đông Nam, Tây Bắc, Tây Nam;
Tiếng Anh: North – East, South – East, North – West, North – West;
Tiếng Pháp: Nord –Est, Sud- Est, Nord – Ouest, Sud –Ouest
Tiếng Nga: Severo – Vostochnyi, Yudz – Vostochnyi, Severo – Zapadnyi, Yudz – Zapadnyi.
Có thể thấy, nếu tiếng Việt lấy gốc Đông /Tây làm xuất phát điểm để định vị các hướng kép thì trong các ngôn ngữ Châu Âu lại là Bắc/ Nam. Đúng như ghi nhận xác đáng của Lý Toàn Thắng, có sự khác nhau trong việc biểu đạt hai trục trong tiếng Việt: từ Đông sang Tây, từ Nam ra Bắc, so với tiếng Nga: từ Tây tới Đông, từ Bắc tới Nam, do có sự lựa chọn khác nhau về điểm gốc và điểm đích của vận động cũng như hướng di chuyển của chúng (14, tr.155-156).
Với người Việt, một cư dân nông nghiệp, hướng Đông, gắn liền với biển cả, hướng xuống / thấp đối lập với hướng Tây, hướng lên/ cao (lên nguồn/ xuống biển; lên núi (rừng)/ xuống biển), có ý nghĩa rất quan trọng, nơi mặt trời lên, đánh dấu cho sự khởi đầu một ngày (sáng lên/ chiều xuống) biểu trưng cho sức sống, sự may mắn. Không phải ngẫu nhiên, cư dân miền Trung Việt Nam khi mở móng xây dựng đều hướng về hướng Đông, gác cây đòn dông làm nhà thì gốc bao giờ cũng hướng Đông, ngọn hướng Tây, bài trí bàn thờ khi cúng quải thì Đông bình (bình hoa), Tây quả (cây trái).
Quan trọng hơn, người Việt ngày xưa, còn lấy hướng Đông làm xuất phát điểm để định vị phương hướng. Theo đó, nhìn từ biển (Đông) lên nguồn (Tây) thì hướng Bắc bên phải, hướng Nam bên trái. Có nhiều cứ liệu cho thấy khi định vị tả/ hữu và cả tả ngạn/hữu ngạn, tổ tiên ta đã xuất phát từ cách hình dung này, ít nhất là đối với khu vực miền Trung mà tiêu biểu là Huế.[2]
Trong Đại Nam Nhất Thống Chí, tập 1, tr.25-30, mục Phàm lệ, ở nguyên tắc 30, giải thích việc bố cục nội dung của cuốn sách cho thấy, cách định vị tả / hữu cũng xuất phát từ cái nhìn như thế. Cụ thể, bố cục cuốn sách được sắp xếp như sau: Huế (Kinh Sư) và Thừa Thiên ở vị trí trung tâm, bên trái Huế - Thừa Thiên, tả trực là Quảng Nam, Quảng Ngãi, tả kỳ là từ Bình Định đến Bình Thuận; bên phải Huế - Thừa Thiên, hữu trực là Quảng Trị, Quảng Bình, hữu kỳ là từ Hà Tĩnh đến Thanh Hóa. Và như Tổng tài Cao Xuân Dục cùng nhóm tác giả công trình trong Biểu dâng sách thừa nhận, cách sắp xếp này là phỏng theo Phàm lệ của Lê Quang Định trong bộ sách Hoàng Việt Nhất Thống Dư Địa Chí soạn năm Gia Long thứ năm (1806). Như vậy, cách định vị này đã có từ lâu trong tri thức truyền thống của người Việt.
Hiện nay với nhiều người, trong nhiều tài liệu đều cho rằng, tả ngạn, bờ bên trái của một con sông nhìn theo hướng nước chảy từ nguồn xuống biển, đối lập với hữu ngạn, bờ bên phải sông, cùng hướng nước chảy, cùng điểm nhìn. Đây cũng là cách định vị khá phổ biến trong văn hóa phương Tây.
Thế nhưng, như đã nói, trong tâm thức người Việt xưa đã từng tồn tại cách định vị ngược lại, tức xuất phát từ hướng biển nhìn lên nguồn, Hương Giang Thái Văn Kiểm trong một bài viết về Huế gọi cách tính này «theo phương hướng cổ truyền» [8, tr. 371. Như vậy, bờ bắc sông Hương là hữu ngạn, bờ Nam sông Hương là tả ngạn. Quả nhiên, từ phương gốc và điểm nhìn này, ta mới giải thích được, tại sao cha ông chúng ta ngày xưa lại đặt tên cho hai con sông phụ lưu vốn là thượng nguồn của Sông Hương là Hữu Trạch (bên phải sông Hương, nhìn từ biển lên nguồn) và Tả Trạch (bên trái sông Hương nhìn từ biển lên nguồn). Ngày nay, cách định vị bờ Bắc sông / bờ Nam sông phổ biến hơn, thậm chí người Hàn không có ý niệm tả ngạn / hữu ngạn.
Còn hướng Nam, hướng xuất phát của trục còn lại (Nam – Bắc) theo quan niệm phổ biến của người Việt, là hướng tốt: Lấy vợ đàn bà, xây nhà hướng Nam; Xây nhà hướng Nam, không làm cũng có ăn. Điều này, một lần nữa phần góp giải thích vì sao người Việt lại lựa chọn các trục Đông – Tây – Bắc như đã nói ở trên.
Nhân tiện, cũng xin giới thuyết thêm, nếu xuất phát từ điểm gốc là Việt Nam điểm đích là một quốc gia khác bất kỳ thì tiếng Việt không kể Đông, Tây, Nam, Bắc đều sử dụng động từ qua hay sang : Qua( sang) Pháp, qua (sang) Mỹ, qua ( sang) Nga, qua (sang) Thái Lan, qua (sang) Lào, qua( sang) Trung Quốc, qua (sang) Chile.
2.4. Trong nhiều ngôn ngữ, tùy thuộc vào sự tương tác văn hóa, một số bộ phận cơ thể con người thường được dùng để biểu trưng cho một số phạm trù như tinh thần, lý trí, nhận thức, tình cảm, thái độ, ý chí. Về mặt ẩn dụ, hoán dụ và cả ẩn dụ - hoán dụ, các bộ phận cơ thể con người, trước hết được nhận thức là các vật chứa, đôi khi được ẩn dụ hoá là con người hoặc /và thay cho con người mà trọng lượng (nặng /nhẹ), trạng thái (động/tĩnh), tính chất (mềm/cứng), hình dáng (lớn/bé), màu sắc (tối/sáng), tươi/héo kích thước (rộng/hẹp), hoạt động (thuận/ nghịch), đều được liên hội đến những giá trị biểu trưng khác nhau. Có khi chúng còn được dùng như một nguyên cớ để gán cho một giá trị xã hội nào đó, chẳng hạn, theo kinh Rg Veda, bốn giai cấp trong xã hội Ấn Độ từ cao xuống thấp đều được sinh ra từ những bộ phận cơ thể khác nhau của người sơ thủy: Giới Bà La Môn (Brachman) được sinh ra từ miệng, Sát Đế Lợi (Kshastriya) sinh ra từ nách tay,Vệ Xá (Vaisya) sinh ra từ bắp vế và giới Thủ Đà La (Soudra) được sinh ra từ gót chân. Dễ thấy, cách xác lập giá trị ở đây dựa vào phương thẳng đứng.
Trong các bộ phận cơ thể ấy, hầu như ngôn ngữ nào cũng dành cho ý niệm tim hoặc/ và đầu một vị trí đặc biệt, nhiều công trình đã miêu tả khá chi tiết (xem Johnson 1987, Jager 2001, Sharifian et al. 2008), cũng như đã tiến hành so sánh đối chiếu hai ý niệm này trên nhiều ngôn ngữ và đã thu hoạch nhiều điều thú vị (xem: Mo 2004, Yu 2009, Gutiérrez 2008, Berendt – Tanika 2011,Ly Toan Thang and Le Thi Kieu Van 2013).
Trong tiếng Việt, tâm /tim là những ý niệm rất gần gũi nhau nhưng không hoàn toàn đồng nhất về mặt nội hàm và ngoại diên, về mặt nghĩa đồng đại, lịch đại, về mặt ẩn dụ, hoán dụ, cũng như quan niệm về vị trí tồn tại của chúng.
Tâm có thể là trái tim, tâm là tâm trí, tâm có thể là trung tâm, tâm cũng có thể là lòng, dạ, bụng, ruột, thậm chí cũng có thể là gan. Trên bình diện đồng đại, cứ như những gì quan sát được trên sách báo thì cách thức mà người Việt hình dung về hai ý niệm vừa nhắc không khác với cách mà người phương Tây quan niệm: Tim của con người, biểu tượng của tình cảm, tình yêu; Đầu của con người, được coi là biểu tượng của suy nghĩ, nhận thức (Tự điển Vietlex 2009, tr.1275 & 396).
Thế nhưng, quan sát bức tranh ngôn ngữ dân gian trong tục ngữ và thành ngữ, khảo sát hai ý niệm Tim và Đầu trong từ điển Đại Nam Quấc Âm Tự Vị (1895) và Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức (1931) thì tình hình mô tả không phải thế. Ở đây, để biểu đạt cảm xúc và cả lý trí, người Việt dùng các bộ phận cơ thể: bụng, dạ, gan, lòng, ruột, trong đó, gan thường biểu trưng cho ý chí và lòng can đảm, bốn cơ quan còn lại, ngữ nghĩa của chúng vừa có thể tương đương với đầu mà cũng có thể tương đương với tim hoặc cả với hồn/ tâm hồn như cách tri nhận của phương Tây. Trong diễn đạt, không ít trường hợp các bộ phận cơ thể ấy trong tổ hợp có thể hoán đổi cho nhau mà nghĩa biểu trưng về cơ bản không đổi.
Có thể thấy, với sự lưỡng phân một cách rạch ròi đầu – lý trí, tim - tình cảm và xa hơn: hồn /xác, tự nhiên/ con người, tự nhiên/ tâm linh, trong đó phương thẳng đứng được ưu tiên lựa chọn, trên quan trọng hơn dưới, lý trí quan trọng hơn tình cảm, tính chất nhị nguyên, nhị vị (dualism- binary –location), là đặc điểm khó lẫn lộn của văn hóa phương Tây.
Trong khi đó, một số ngôn ngữ phương Đông lại nhất thể hóa tất cả cội nguồn của lý trí, trí tuệ, tình cảm, cảm xúc, thái độ vào một vị trí duy nhất, tức biểu đạt thiên về nhất nguyên, nhất vị (monism - mono – location) như Jai (tim) trong tiếng Thái, xin (tâm) trong tiếng Trung [2 ] saz (gan) trong tiếng Mông (17), ma nư (tim) trong tiếng Hàn ; hati (gan) trong tri nhận của người Malaysia và Indonesia [22, tr4].
Và tuy cùng xuất phát từ nguyên lý nhất thể hoá nhưng mô hình tri nhận của phương Đông không thuần nhất. Chẳng hạn như trong tiếng Nhật bên cạnh hara (bụng), còn có kokoro (tim) và cả mune (vú, ngực), hay trong tiếng Việt như vừa lưu ý bên trên, năm bộ phận cơ thể, chính xác hơn năm cơ quan nội tạng bụng, dạ, gan lòng, ruột, cũng như ba bộ phận trong tiếng Nhật, tất cả đều là những ảnh tượng biểu đạt các ý niệm tương đương với cách hình dung về ngữ nghĩa của đầu và tim trong mô hình văn hoá phương Tây. Nói khác, Tiếng Việt và tiếng Nhật thiên về mô hình nhất nguyên, đa vị (monism – multi –location). Các bộ phận này được hình dung với thang độ ưu tiên là phương nằm ngang, chúng đều bình đẳng như nhau.
Hơn nữa, nếu như trong tiếng Anh có sự đối lập giữa, đầu, bộ phận cơ thể (external body part) và tim, cơ quan nội tạng (internal body organ), giữa vật chứa tim được định vị bên trong (inside) và bộ phận đầu bên ngoài (outside) thì tiếng Thái, tiếng Trung, tiếng Mông, tiếng Malay và cả tiếng Việt đều tập trung ở nội tạng và bên trong. Trong khi tiếng Nhật lại kết hợp cả hai: vừa nội tạng, bên trong: hara (bụng) kokoro (tim) vừa cả bộ phận cơ thể và bên ngoài: mune (vú, ngực). Ngoài ra, cách định vị 5 yếu tố nội tạng trong tiếng Việt là khá tiêu biểu cho dạng thức ý niệm hoá vùng bụng - abdominocentrism (mượn thuật ngữ của Sharifian et al [22, tr.4-7].
- 2.5. Đề cập đến mô hình tri nhận trong tương tác với văn hoá, từ góc nhìn của ngôn ngữ học xã hội tri nhận, không thể không chú ý trước hết đến ngôn ngữ trong sử dụng, nhất là các biến thể của nghĩa (variation of meaning) và nghĩa của biến thể ( meaning of variation), thứ đến là mối quan hệ giữa hệ giá trị của cộng đồng, có tính chi phối, với hệ giá trị nhóm (4 & 12).
Về khía cạnh trước, trong bối cảnh giao tiếp quyền lực ở Việt Nam, việc hình thành các biến thể định danh chính thức (formal onomasiologial vatiation) nhằm một ý đồ nào đó của giới chính khách không chỉ thuần tuý là các biển thể từ vựng, ngay cả sự xuất hiện với tần suất cao của các từ ngữ vốn xuất phát từ giới quyền lực như quyết liệt, đồng thuận, nhất trí…cũng cho thấy tính tương tác của biến thể nghĩa như một cách ý niệm hoá, hơn thế nữa, cách một nhóm ngưới sử dung ngôn ngữ cũng tạo ra ý nhĩa của biến thể.
Về khía cạnh sau, một số hệ giá trị, nhất là những giá trị có tính truyền thống, là tài sản chung của toàn xã hội nhưng tuỳ thuộc vào trải nghiệm, tính đặc thù của môi trường xã hội, mối bận tâm riêng, đôi khi có tác động của tâm lý nhóm mà giá trị của những mô hình tri nhận trong sử dụng là không như nhau trong từng nhóm.Thường thì trước một sự tình có thể có nhiều cách ý niệm hoá khác nhau dẫn đến những hậu quả khác nhau. Hơn thế nữa, vì con người tư duy dưới dạng ẩn dụ nên các mô hình mà chúng ta quen sử dụng sẽ quyết định rất nhiều đến cách sống chúng ta, mặc dù sự phối này nhiều khi là vô thức.
Chẳng hạn, chúng ta có các ẩn dụ quen thuộc Công cụ là con người, Công cụ là người bạn đồng hành, thế nhưng hiện nay ít nhất là có hai quan niệm. Quan niệm thứ nhất cho rằng, công cụ, tiện nghi chỉ là phương tiện, nhà cửa là để ở, xe cộ là để đi lại, phương tiện đầy đủ sẽ nâng chất lượng cuộc sống lên cao, nhưng chúng không thể thay thế cho phẩm hạnh đạo đức, hệ giá trị của con người được xây dựng theo một chuẩn tắc khác. Quan niệm thứ hai của không ít người trong xã hội chúng ta, nhìn nhận, Phương tiện là con người; công cụ, phương tiện thay cho con người; thậm chí: Giá trị vật chất của phương tiện, giá trị công cụ là giá trị của của chủ thể sở hữu. Do vậy, đối với nhóm sau, có thể xuất hiện từ bệnh sĩ, để không thua sút bạn bè, đồng nghiệp, họ chấp nhận vất vả, nợ nần, bằng mọi giá, tậu cho bằng được xe hơi đẹp, biệt thự sang, để khoa trương với mọi người.
Hay, phần lớn chúng ta đang sống với các ẩn dụ: Nhiều hơn thì tốt hơn, Rẻ hơn thì tốt hơn, thế nhưng lại có nhóm người quan niệm ngược lại. Ví dụ để phục vụ khách hàng đặc biệt, một số nhãn thời trang, xe hơi, đồng hồ… với một mẫu mã chỉ sản xuất với một số lượng rất hạn chế và mỗi sản phẩm đều được đánh số, thậm chí có sản phẩm được thiết kế riêng, duy nhất. Trong hoàn cảnh đó mà sở hữu được một sản phẩm thì giá trị vật chất tăng lên rất nhiều. Tương tự, giới bình dân với thu nhập thấp, hàng hoá rẻ thì tốt cho cuộc sống, nhưng với một nhóm người nào đó, họ biết rằng tiền nào của ấy, hàng đắt mới là hàng tốt, càng đắt càng có giá trị. Tất nhiên, lựa chọn này còn bị ảnh hưởng bởi: vật thể biểu trưng cho con người, Gần gũi vật chất là gần gũi con người. Hoặc trước các ẩn dụ là những lẽ thường tâm/ biên kiểu như Trung tâm thì tốt, Trung tâm thì hướng lên, càng gần trung tâm càng tốt, tuỳ theo lợi ích, nhu cầu cá nhân hoặc nhóm xã hội mà có những lựa chọn khác nhau. Các ẩn dụ này chỉ phù hợp với những ai có nhu cầu làm việc, học tập, sinh hoạt, buôn bán ở trung tâm, còn có thể, với nhóm người khác, ngoại ô, với không khí ít bị ô nhiễm, với cây vườn, lại là một lựa chọn thích hợp hơn. Như vậy, trung tâm chưa hẳn tốt, trung tâm chưa hẳn đã hướng lên.
Có thể kể thêm, thông thường thì Nhiều hơn thì tốt hơn thế nhưng đối với tu sĩ phật giáo, nhất là đối với hệ phái khất sĩ thì Ít hơn thì tốt hơn, càng ít càng tốt thậm chí rỗng không thì tốt hơn, không sở hữu, không vướng bận, càng nhẹ càng tốt, hành động ăn xin là đi tìm sự cân bằng giữa cho và nhận, tâm giác vô ưu thì dễ đến với bến bờ giác ngộ (24, 2015a ). Nhìn chung, các văn hoá nhóm khác nhau của một nền văn hoá chủ đạo cùng chia sẻ các giá trị cơ bản nhưng lại gán cho các giá trị này những quyền ưu tiên khác nhau [12; tr.24].
3. Ngược lên trên, xem xét một số mô hình tri nhận, chủ yếu là mô hình ẩn dụ ý niệm trong tương tác với văn hoá, dựa vào thang độ ưu tiên, bài viết đã lần lượt miêu tả, nhận xét về một số cách ý niệm hoá trong tiếng Việt.
Ở 2.1, việc lượng giá ngon/ dở, xuất phát từ miền ý niệm thực phẩm, một miền ý niệm nổi trội, thể hiện mối quan tâm thường xuyên của cộng đồng diễn ngôn và việc thực phẩm hoá bằng các ẩn dụ bản thể, một mặt cho thấy cách tư duy phổ biến của nhân loại, đó là thông qua miền nguồn cụ thể, nhiều trải nghiệm hơn để tri nhận các ý niệm trườu tượng, ít hiểu biết hơn, mặt khác còn thể hiện cách lược quy riêng của người Việt, đó là các thuộc tính thuộc chủ đề quen thuộc, thể hiện sự quan tâm thường xuyên của cả cồng đồng diễn ngôn.
Ở 2.2, mặc dù lý luận đại cương xác tín, các mô hình tri nhận nguyên cấp và trực tiếp có tính phổ quát và là cơ sở để hình thành nên những mô hình tri nhận phức tạp và trừu tượng và chính hệ thống thứ hai này sẽ làm nên sự khác biệt trong nhiều nền văn hoá. Thế nhưng, nhiều cứ liệu cho thấy, các ẩn dụ bậc trên có thể giống nhau trong nhiều ngôn ngữ nhưng trong tương tác với văn hoá, các ẩn dụ bậc dưới hoàn toàn không phải như thế. Ẩn dụ Quê hương đất nước là con người là một trường hợp cho thấy điều này. Với cách hình dung đó, các ý niệm rộng / hẹp, nặng / nhẹ, sáng / tối và một số cách định danh khác miêu tả ở tiểu mục này, được nhìn nhận là tiếp cận thiên về phương nằm ngang.
Ở 2.3, nếu như phương Tây định vị các phương : Bắc – Nam - Tây – Đông thì người Việt lại: Đông – Tây- Nam - Bắc. Sự lựa chọn này có tính quan yếu, chi phối đến nhiều yếu tố trong và ngoài ngôn ngữ. Sự khảo sát của bài viết cho thấy, trước khi tiếp xúc với văn hoá phương Tây, người Việt đã xác lập một hệ tri thức truyền thống với những đặc điểm phong thuỷ tương hợp với địa hình tự nhiên, canh tác nông nghiệp, và cả quá trình Nam tiến của dân tộc mình, rất khác với phương Tây.
Ở 2.4, trong rất nhiều ngôn ngữ, một số bộ phận cơ thể con người thường được dùng để biểu trưng cho một số phạm trù như tinh thần, lý trí, nhận thức, tình cảm, thái độ, ý chí. Dùng bộ phận cơ thể nào, nhất vị hay đa vị, nội tạng hay bên ngoài, theo phương thẳng đứng hay phương nằm ngang là tuỳ thuộc vào truyền thống triết học và cả thói quen văn hoá. Ngay cả cùng xuất phát từ một truyền thống, nhưng thang độ ưu tiên được lựa chọn cũng không giống nhau. Quan sát của bài viết cho thấy, cách thức ý niệm hoá một số vấn đề hữu quan rất khác nhau giữa phương Đông và phương Tây, ngay ở phương Đông thì cách ý niệm hoá trong tiếng Việt cũng rất khác so với tiếng Thái, tiếng Trung, tiếng Nhật.
Ở 2.5, chúng ta tư duy bằng mô hình và các mô hình, nhất là những mô hình ẩn dụ/ hoán dụ quen dùng sẽ chi phối đến cách chúng ta sống, cách chúng ta xác lập thang độ giá trị, bên cạnh hệ giá trị chung có tính bền vững của toàn xã hội.Tuy chưa thật sâu sắc, tiểu mục cũng đã chỉ ra được một số biến thể lựa chọn mô hình tri nhận của văn hoá nhóm trong tiếng Việt hiện đại. Vấn đề thuộc ngôn ngữ học xã hội tri nhận này, hầu như chưa được các nhà nghiên cứu ở Việt Nam đề cập đến.
Hiển nhiên, cần tiếp tục nghiên cứu sâu hơn các mô hình tri nhận phức hợp và cả mối quan hệ phóng chiếu, nhất là cách ý niệm hoá có tính chất tri nhận luận xã hội và không chỉ giới hạn trong ngữ liệu hai không gian đầu vào như cách tiếp cận ở đây. Với hướng mở rộng đến các mô hình tích hợp, chắc chắc chúng ta không chỉ dừng lại ở mức nhận diện, miêu tả ngữ liệu mà còn có thể góp phần giải thích chúng một cách thuyết phục hơn.
Chú thích
[1] Thượng lưu, trung lưu và hạ lưu đều là những từ Hán Việt. Rất dễ suy diễn, đây lả cách định danh của người Trung Quốc. Theo quan sát của chúng tôi, trong các mô tả về cấu tạo từ trong tiếng Hán có bộ thuỷ đều không có cách định danh này ( xem thêm 18 ). Tương tự, thoạt nhìn nghĩa của xin (tâm) trong tiếng Hán và tâm / tim trong tiếng Việt rất gần gũi nhau. Nhưng công trình của Ning Yu cho thấy hoàn toàn không phải như thế ( xem thêm 25).
[2] Trong một bài viết trước đây, khi miêu tả tả ngạn / hữu ngạn, chúng tôi cho rằng người Việt lấy xuất phát điểm từ nguồn theo dòng chảy để định vị, nhưng GS, Nguyển Văn Hiệp, Viện ngôn ngữ, trong một lần trao đổi riêng, cho rằng, người Việt xưa không định vị như thế và GS đã cung cấp cho tôi tài liệu(8), trong đó có đề cập đến việc định vị tả/ hữu dựa vào cách tính theo phương hướng cổ truyền nhìn từ biển lên nguồn (sđd. tr 371). Nhân đây xin được cảm ơn GS. Nguyễn Văn Hiệp.
Tài liệu tham khảo
1. Barcelona A. (ed), (2003), Metaphor and metonymy at the crossroads, A cognitive perspective, Mouton de Gruyter, Berlin - New York.
2. Berendt Erich A. – Tanika Keiko (2011), The “Heart” of things: A conceptual metaphoric analysis of heart and related body parts in Thai, Japanese and English, Intercultural communication studies, vol 20 Issue 1.
3. Fauconnier G. and Turner M. (2002), The way we think: Conceptual intergration and the mind’s hidden complexities, New York.
4.Geeraerts Dirk, Kristiansen Gitte, Peirsman Yves (eds),( 2010), Avances in cognitive sociolinguistics, Mouton de Gruyter , Berlin - New York.
5. Gibbs, R. W. (2006), Embodiment and Cognitive Science, Cambridge University Press, Cambridge.
6. Gutiérrez Pérez R. (2008), Across - cultural of heart metaphors, Revisa Alicantina de estudios ingleses, n 21, Pablo de Olavide University.
7.Houdé Olivier (ed),(2004), Dictionary of cognitive Science, Neuroscience, Psychology, Artifical intelligence, Linguistics, and Philosophy, Psychology press,
New York and Hove.
8. Hương Giang Thái Văn Kiểm (1997), Việt Nam tinh hoa, Nxb Mõ Làng, Hoa Kỳ.
9. Kövecses Z. (2000), Metaphor and emotion, Cambridge University Press, Cambrige.
10. Kövecses Z. (2002, 2010), Metaphor: A practical introduction, Oxford university press, Oxford.
11. Kövecses Z. (2005), Metaphor in Culture Universality and Variation, Cambridge University Press, Cambrige.
12. Lakoff G. and Johnson M. (1980, 2003), Metaphors we live by, The university of Chicago, The United States of American.
13. Lakoff G. and Johnson M. (1989), More than cool reason: A field guide to poetic metaphor,The university of Chicago, Chicago.
14. Lý Toàn Thắng, (2009), Ngôn ngữ học tri nhận từ lí thuyết đại cương đến thực tiễn tiếng Việt, Nxb. Phương Đông.
15. Ly Toan Thang and Le Thi Kieu Van (2013), A cross- cultural study of conceptualizing internal body organs in SEA languges, paper presented at 23th South East Asia languages conference Bangkok Thai land.
16. Mol Susan (2004), Head and heart: metaphor and metonymies in across-linguistic perspective, in “Translation and Corpora: selected papers from the Göteborg - Oslo symposium 18 – 19, October 2003, Karin Aijmer & Hilde Hasselgard (eds), Göteborg, Sweden: Acta University Gothoburgensis.
17. Nguyễn Trung Kiên (2014), Thử bàn về “saz” (gan) trong tiếng Mông, Ngôn ngữ & Đời sống, số 4.
18.Rong Chen ( 2012), Water networks, the Chinese radical, and beyond in Languages and Linguistics, Compendium of cognitive linguistics research,Thomas Fuyin Li (ed),2012, Nova publishers, New York.
19. Quốc Sử Quán Triều Nguyễn (2012), Đại Nam thống nhất chí, Tập 1, Nxb. Lao động – Trung tâm VHNNĐT, Hà Nội.
20. Sharifian F. (2011), Cultural conceptualization, John Benjamins publishing company, Amsterdam / Philadelphia.
21. Sharifian F. and Palmer Gary B.,(eds) (2007), Applied cultural linguictics, John Benjamins publishing company, Amsterdam / Philadelphia.
22. Sharifian F, Dirven R, Yu N, Niemeier S.(eds) (2008), Culture, body and Language, conceptualizations of internal body organs across cultures and languages, Mouton de Gruyter, Berlin – New York.
23. Trần Ngọc Thêm (2013), Những vấn đề văn hoá học: lý luận và ứng dụng, Nxb. Văn hoá –Văn nghệ, Tp.HCM.
24. Trịnh Sâm,
___ (2011a), Miền ý niệm sông nước trong tri nhận của người Việt, Ngôn ngữ, số 12.
_________ (2011b), Dòng sông và cuộc đời, Ngôn ngữ & Đời sống, số 10.
___________(2013), Phong cách ngôn ngữ Hồ Chí Minh, nhìn từ góc độ ngôn ngữ học tri nhận, Ngôn ngữ & Đời sống, số 1 &2.
__________ (2014a), Miền ý niệm sông nước trong tri nhận của người Nam bộ, trong Ngôn ngữ học Việt Nam trong bối cảnh đổi mới và hội nhập, Kỷ yếu Hội thảo Quốc tế, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.
_______ (2014b), Một vài nhận xét về ý niệm ‘tim”,Từ điển học và Bách khoa thư, số 4.
________(2015a), Đặc tính thuỷ trong ứng xử phật pháp của sư Minh Đăng Quang, người sáng lập hệ phái phật giáo khất sĩ ở Việt Nam, trong Việt nam học, những phương diện văn hoá truyền thống, Kỷ yếu Hội thảo khoa học, tập 2, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.
________(2015b), Hình thức và nội dung nhìn từ tri nhận luận(Một vài ghi nhận),Ngôn ngữ số 7.
__________(2016), Định vị không gian trong tiếng Việt( Một vài ghi nhận), trong Giảng dạy nghiên cứu Việt Nam học và tiếng Việt, Những vấn đề lý thuyết và thực tiễn,Nxb.Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh.
25. YU N. (2009), The Chinese Heart in a cognitive perspective: culture, body and language, Mouton de Gruyer, Berlin - New York.
(Nguồn : Đã in trong Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt và giáo dục ngôn ngữ trong nhà trường, tập 1, tr 389 -400, nxb Dân Trí, 2016.)