(Lê Trung Hoa, Kiến thức ngày nay, số 927, ngày 10-5-2016, tr. 9-10)
Dân tộc Kinh sống cộng cư với 53 dân tộc anh em trên mảnh đất hình chữ S qua hàng nghìn năm. Do điều kiện địa lý và lịch sử đặc biệt đó, dân tộc Kinh đã tiếp thu khá nhiều từ của các ngôn ngữ dân tộc anh em. Trong số các dân tộc này, hai dân tộc phía Nam có ngôn ngữ tiếp xúc nhiều với tiếng Việt là tiếng Chăm và tiếng Khơ-me.
Một số từ được người Việt tiếp nhận nguyên dạng, không bị biến đổi nhiều về âm cũng như về nghĩa. Xin nêu một số trường hợp tiêu biểu.
Người Kinh đã tiếp thu của người Chăm từ cà rá (cara), nghĩa là “cái nhẫn”. Tiếng Khơ-me được người Việt tiếp nhận nhiều hơn. Bưng (bâng) là vùng đầm lầy ngập nước, mọc nhiều cỏ lác; vàm (piêm) là ngã ba sông, rạch); rạch (prêk) là con sông nhỏ ghe thuyền có thể đi lại; cá lóc (rót) là cá quả, cá tràu; cá tra (pra) là cá da trơn, miệng rộng; cà ràng (kran) là bếp lò làm bằng đất có đáy rộng ra phía trước để làm chỗ nướng thức ăn, đặt nồi; cái nóp (nôp) là dụng cụ đan bằng cói dùng để chống muỗi khi ngủ ngoài trời; thốt nốt (thnốt) là cây cùng loại với dừa, chặt cuống cụm hoa thì hứng được một chất nước ngọt dùng để chế đường; chùm duột (kantuốt) là thứ cây quả có vị chua dùng để nấu canh,…
Có lẽ địa danh mang tính nguyên dạng nhiều hơn. Nha Trang là tên một thành phố lớn ở miền Trung (Ia Tran), trong tiếng Chăm vốn có nghĩa là “con sông lau sậy”. Phan Rang bắt nguồn từ tên vương quốc cũ của người Chăm: Panduranga; Hà Ra là tên một chiếc cầu ở phía Bắc thành phố Nha Trang vốn là tên một vùng đất của người Chăm Kauthara. Hai địa danh sau được người Việt tỉnh lược một số âm tiết cho ngắn gọn, dễ thuộc, dễ nhớ.
Từ Khơ-me ở Nam Bộ đi vào địa danh nhiều hơn. Tên thành phố và tỉnh Cà Mau bắt nguồn từ hiện tượng nước bị lá cây làm đen màu (Tứk Khmâu: nước đen) biến thành. Tỉnh Trà Vinh bắt nguồn từ sự việc tìm thấy một tượng Phật dưới ao (Préah Trapeng) nên từ chỉ cái ao biến thành tên tĩnh. Còn địa danh chỉ thành phố Cần Thơ xuất phát từ tên một loại cá sặt rằn sinh sống nhiều ở vùng đất này: Kìn Tho.
Nhưng các yếu tố của ngôn ngữ dân tộc anh em vì được người Kinh việt hóa một phần nên không dễ nhận biết.
Trong khi tiếp thu từ của các dân tộc anh em, người Việt thường đặt các từ này đứng sau từ Việt. Xin nêu một số từ có các từ của các dân tộc anh em.
Cá chình là thứ cá nước ngọt, hình dạng giống con lươn, thường ra biển để đẻ. Chình có nguyên dạng là khchùng.
Chém vè là cụm từ chỉ hành động của người nấp trốn dưới nước hoặc trong bụi rậm. Vè bắt nguồn từ veh, nghĩa là nấp trốn, rút lui.
Đất đai có nghĩa đất nói chung. Đai là từ gốc Khơ-me, có nghĩa là “đất”.
Ở đây ta thấy ba từ trên đồng nghĩa hoặc gần nghĩa nên láy nghĩa với nhau.
Chính sự tiếp thu nhiều từ của các dân tộc anh em nên tiếng Việt khá phong phú, đa dạng về từ vụng và vô cùng phức tạp, gây không ít từ khó hiểu cho người bình dân và các nhà nghiên cứu từ nguyên tiếng Việt.