Thử tìm cách đối lại vế ra của cụ Nguyễn Khoa Vy

Thử tìm cách đối lại vế ra của cụ Nguyễn Khoa Vy: "Tết tới túng tiền tiêu, tính toán toan tìm tay tử tế"

CON GÀ TRỐNG ĐÃ RA THỦ ĐÔ ĂN TẾT
Từ khi công bố câu đối thách cách nửa thế kỷ của nhà thơ Nguyễn Khoa Vy, tòa soạn đã đi từ trạng thái hồi hộp, lo lắng đến… bối rối.
Con gà trống đã ra thủ đô ăn Tết

 

Lúc đầu cứ sợ không ai hưởng ứng và “số phận” con gà trống chắc vẫn phải quẩn quanh trong vườn nhà chị Bội Lan, con gái của nhà thơ, ở Vỹ Dạ, (điều mà chắc chị Bội Lan cũng sẽ rất buồn lòng). Nhưng đến khi đón nhận sự hưởng ứng quá sức nồng nhiệt của bạn đọc từ khắp nơi trong nước (nồng nhiệt đến nỗi cả nhà văn Phó tổng biên tập của SH cũng lén lút nhảy vào cuộc thi bằng cách dấu tên nhưng không may bị tòa soạn lật “tẩy” qua nét chữ, thì tòa soạn đâm ra hết sức bối rối. Bối rối bởi lẽ là: Câu đối hay thì nhiều, quá nhiều mà gà thì chỉ có một! Đến nay, nghĩa là khi người Sông Hương viết những dòng này, tòa soạn đã nhận được tất cả 352 câu được gửi đi từ khắp các địa phương trong cả nước, từ thủ đô Hà Nội đến miền sông nước Cửu Long xa xôi và cả tận bên Pari. Thực tình đã có lúc Người Sông Hương tính đến nước liều, đề nghị tòa soạn thôi thì… lờ đi cho đỡ nặng gánh, có nghe phê bình thì đành chấp nhận thương đau vậy. Tất nhiên là không ai dám công khai cái chước mười mươi gian lận này, thế nhưng xét chọn câu hay xứng đáng nổi bật trong số câu hay thì người nào cũng… líu lưỡi. Cuối cùng may mắn làm sao, trong một ngày cuối năm đẹp trời (có lẽ là một ngày đẹp trời nhất trong những ngày đẹp trời ở Huế), đối với Người Sông Hương tòa soạn nhận được một lá thư kèm với một bài viết dài 5 trang đánh máy của một nhà ngôn ngữ học quen biết, giáo sư Nguyễn Tài Cẩn, từ Hà Nội gửi vào. Bài viết có nhan đề: Thử tìm cách đối lại vế ra của cụ Nguyễn Khoa Vy và cả lá thư thân tình cụ cũng bảo là chỉ dám “thử” thôi, chứ không tham gia vào cuộc thi, vì câu thách của nhà thơ quá “đắt” còn con gà trống của nhà thơ thì cụ đề nghị hãy cứ để cho nó nhảy tung tăng trong vườn nhà chị Bội Lan. Đọc xong lá thư và cả bài viết của nhà ngôn ngữ học nổi tiếng vốn đã đọc câu thách đối từ nửa thế kỷ trước, Người Sông Hương và cả tòa soạn thở ra nhẹ nhõm. Thế là tai qua nạn khỏi! và dù giáo sư Nguyễn Tài Cẩn không muốn, Người Sông Hương cũng xin được thông báo với toàn thể bạn đọc tin vui: Con gà trống của nhà thơ Nguyễn Khoa Vy đã lên tàu Thống Nhất ra thủ đô Hà Nội ăn tết, đồng thời xin gửi đến tất cả các bạn đã hưởng ứng cuộc thi lời cám ơn chân thành của tòa soạn và của chị Bội Lan, con gái của nhà thơ.
Dưới đây xin giới thiệu với bạn đọc một số câu đối hay tòa soạn đã nhận được và bài viết của giáo sư Nguyễn Tài Cẩn mà Người Sông Hương hy vọng rằng các bạn đã sẽ rất đồng tình với quyết định của Sông Hương.
NGƯỜI SÔNG HƯƠNG

THỬ TÌM CÁCH ĐỐI LẠI VẾ RA CỦA CỤ NGUYỄN KHOA VY
GS. NGUYỄN TÀI CẨN
Sông Hương số 25 đã cho tôi những phút thật thú vị: “gặp lại” vế ra “quen biết” của cụ Nguyễn Khoa Vy, đồng thời lại được đọc 7 câu gần đây anh chị em các nơi gửi về, xin đối lại. Nói “gặp lại”, “quen biết cũ” là vì câu Tết tới túng tiền tiêu, tính toán toan tìm tay tử tế là một câu, cách đây gần nửa thế kỷ, tôi đã từng được nghe, hồi tôi còn học ở Huế. Một số thầy giáo của tôi hồi đó như cụ Bửu Cân, cụ Hồ Đắc Bích thường hay nói chuyện về nhà thơ Nguyễn Khoa Vy, kể một số giai thoại văn học có liên quan đến nhà thơ, và tất nhiên, trong các mẩu chuyện thú vị đó thì có cả câu chuyện về cái vế thách đối nổi tiếng vừa nói trên. Tôi cũng còn nhớ mang máng hình như hồi ấy, ở Ngày nay hay Phong Hóa gì đó, đã có câu đối lại: Xuân sang xong xổ số, say sưa sắm sửa sẵn xu xài. Câu này, theo tôi, chỉ là một câu đối đùa cho vui, nhân dịp tết, chứ “túng tiền tiêu” mà đối “xong xổ số”, “tay tử tế” mà đối “sẵn xu xài” thì quả chưa ổn. Hơn nữa, cho lẫn lộn S, X theo giọng Bắc thì cũng là điều có phần gượng ép.
Sông Hương đưa câu của cụ Nguyễn Khoa Vy ra thách đối, thu hút được sự chú ý của nhiều bạn đọc. Tôi thấy hứng thú, cũng muốn bắt đầu “nhảy vào cuộc”, thử gợi lên một hướng đi, gọi là để góp vui.
Là người làm công tác nghiên cứu ngôn ngữ học, chúng tôi không thể chỉ ngồi chờ mong vào cái tài ứng đối mẫn tiệp, cái tài trước kia đã bao lần được nói đến ở chuyện các thần đồng, các vị đi sứ v.v… hiện tại còn ghi lại ở các mẩu giai thoại văn học. Nếu chỉ chờ ở tài năng, nhỡ trời không phú cho chúng ta cái tài năng ấy thì biết ngồi chờ đến bao giờ? Cho nên phải mất thì giờ, không phải là ngồi để rung đùi, chờ hứng đến; cũng không phải là để bắt óc, khai thác những gì dễ nổi lên trong trí nhớ, mà là để phân tích các yêu cầu ở vế ra, rồi sau đó là để làm việc với các bộ từ điển tra theo từng phụ âm: lập danh sách danh từ, động từ, tính từ: từ đơn tiết từ đa tiết; cố gắng xếp theo khả năng này, ghép theo khả năng nọ v.v…và.v.v…
Với cách làm ấy, chỉ sau một thời gian sơ bộ khảo sát 5 phụ âm đầu C (K, Q), Đ, L, X chúng tôi thấy cũng đã hiện lên khá nhiều khả năng. Chẳng hạn:
I. Nếu coi vế ra là vế tả cuộc đời một kẻ hàn nho, thì có thể tạm đối lại:
1. Bằng cuộc đời một kẻ sung túc, no đủ, có điều kiện tập bạn bè đánh bạc, tổ chức đồng bóng hay gọi cô đầu đàn hát.v.v…
Ví dụ:
– KỴ QUA, CÒN CỖ CÚNG, KỲ KÈO CỐ KÉO CÁNH CÒ QUAY (HOẶC CÒ CƯA)
– KỴ QUA, CÒN CỖ CÚNG, QUÂY QUẦN QUẤY CỢT CÁNH CẦM CA
– KỴ QUA, CÒN CỖ CÚNG, QUẦN QUANH QUÂY QUẤY CÁNH CẦU KỲ
(Cò quay: một trò đánh bạc; cò cưa: chơi kiểu đàn nhị, chơi không hay (xem từ điển Thanh Nghị); nếu sự cầm ca có nghĩa quá rõ, không khớp với tử tế thì có thể thay bằng cò cưa hoặc ca cơ hoặc ca công, cam ca (xem từ điển Đào Duy Anh), cầu kỳ ngoài nghĩa thông thường còn có từ đồng âm với nghĩa là cầu đảo (xem từ điển Đào Duy Anh)
2. Hoặc bằng cuộc đời một kẻ giàu có nhưng keo kiệt, sợ cảnh cháu con, khách khứa ở lâu, ăn bám:
– KỴ QUA, CẤT CỖ CÚNG, QUANH CO CỐ CẢN CÁNH CÀ KÊ
– KỴ QUA, CẤT CỖ CÚNG, QUANH CO QUAY CẢN CÁNH CÀ KÊ (có thể thay quanh co bằng cáu co; cản bằng cấm hay cắt hoặc quát)
3. Hoặc bằng cuộc đời một kẻ quyền thế, tham nhũng, lại móc ngoặc với bọn làm ăn phi pháp (loại tiêu cực mà báo chí hiện chống!)
– QUYỀN CAO, QUƠ CỦA CẤT, QUANH CO CÒN KẾT CÁNH CÔN QUANG
– QUYỀN CAO, CÓ CỦA CẤT, QUANH CO CÒN QUỊT KẺ CÙNG CƠ
– QUỸ CÒN, KIẾM CÁCH CUỖM, KIỂM KÊ CỐ CÃI CỚ QUANH CO
– CỬA QUA (qua hải quan!), CÓ CỦA CẤM, KIỂM KÊ CÒN KIẾM KẾ QUANH CO.
(Có thể thay còn kết bằng còn cậy hay cố kết; quịt bằng cuỗm hay cướp; cùng cơ có thể thay bằng cùng cư (ở nơi cùng tịch, ở vào cảnh cùng khốn, theo Đào Duy Anh); kẻ cùng cư cũng có thể tạm cho là còn có nghĩa thứ hai: kẻ cùng “ở”. Có thể thay quỹ còn bằng quỹ quên hay quỹ quen; cãi bằng kế)
II. Nếu coi vế ra là vế tả cảnh tết nhất, thì có thể đối lại bằng:
1. Cảnh hội hè, đình đám:
– ĐÁM ĐƯA, ĐÔNG ĐOÀN ĐIẾU, ĐẢM ĐƯƠNG ĐỪNG ĐỂ ĐỨA ĐUỀNH ĐOÀNG.
– ĐÁM ĐI, ĐÔNG ĐOÀN ĐIẾU, ĐÓN ĐƯA ĐỪNG ĐỂ ĐỨA ĐUỀNH ĐOÀNG
– ĐÁM ĐI, ĐÔNG ĐOÀN ĐIẾU, ĐẮN ĐO ĐÀNH ĐUỔI ĐỨA ĐONG ĐƯA.
(Có thể thay điếu bằng đến)
2. Cảnh tiệc tùng:
– TIỆC TAN, TÀN TỐI TIỄN, TỈ TÊ TÌM TỎ TÍ TÂM TƯ
– TIỆC TÀN, TÚM TAY TIỄN, TỈ TÊ TÌM TỎ TÍ TÂM TƯ
(Nếu nghĩ đến một buổi tiễn đưa ở nước ngoài thì cũng có thể đổi thành Tuyết tan, tàn tối tiễn…)
Nhưng đó là với nhân vật chính. Còn với tay chân nhân vật chính thì:
– TIỆC TAN, TÀN TỐI TIỄN, TỈ TÊ TÌM TÁN TỤI TÙY TÙNG
– TIỆC TÀN, TÚM TAY TIỄN, TỈ TÊ TÌM TÁN TỤI TÙY TÙNG
3. Cảnh mùa màng thời tiết:
– LỤT LÊN, LO LÚA LÚT, LĂM LE LIỄU LỘI LỐI LÀM LẦY
(Có thể thay lo bằng lấy; lúa bằng lạc; lăm le bằng lấm lem)
Nhưng nếu không phải bản thân người lao động mà là một ông gia đình, chủ trại.v.v… thì lại có thể:
– LỤT LÊN, LO LÚA LÚT, LU LOA LA LỐI LŨ LÂU LA
(Có thể thay lâu la bằng lầm lỳ; lâu la có hai nghĩa: chậm trễ và bọn bộ hạ).
III. Còn nếu coi vế ra là một tự vịnh (tự trào, tự thán) của bản thân nhà thơ Nguyễn Khoa Vy thì cũng có thể đối lại bằng cảnh tự vịnh của một nhân vật khác, ở một tình thế khác. Ví dụ:
1. Cảnh tự vịnh của một xã viên hợp tác xã, một công nhân công trường… khi gặp chuyện không may:
– XUÂN XONG, XIÊU XƯỞNG XÁT, XỞ XOAY XIN XỎ XÃ XUÊ XOA
– XUÂN XONG, XẸP XE XÚC, XỞ XOAY XIN XỎ XƯỞNG XUÊ XOA
(Có thể thay xuê xoa bằng xuề xòa)
2. Đối với cánh đi nghiên cứu, điều tra điền dã thì:
– XUÂN XONG, XIN XÃ XÉT, XỞ XOAY XÔNG XUỐNG XÓM XA XÔI
– XUÂN XONG, XOAY XẮC XÁCH, XÁO XÔNG XIN XUỐNG XỨ XA XÔI
3. Còn đối với trường hợp như tác giả mấy dòng này, một người từng bị trộm cướp hành hung, phải chống lại, thì:
– CỬA CÀI, CÓ KẺ CẠY, KIÊN CƯỜNG QUYẾT QUẬT CÁNH CÔN QUANG
(Hoặc quang côn, theo từ điển Khai Trí Tiến Đức)
– CƯỚP QUÂY, QUƠ CỌC QUẤT, KIÊN CƯỜNG QUYẾT QUẬT CÁNH CÔN QUANG
(Có thể thay quơ cọc quất bằng quay quyền cán hay kiếm cách cản hoặc còn kế cản; quật bằng quét; côn quang bằng kình côn. Cánh kình côn có thể hiểu là cánh thú dữ, mà cũng có thể tạm hiểu là cánh đang giương côn lên đánh; đối với cánh côn quang cánh quang côn cũng vậy)
Rõ ràng trong các khả năng phác thảo trên đây, chưa có một khả năng nào có thể làm chúng ta vừa ý, đang được coi là đối chỉnh. Đã có một số cố gắng nhất định, ví dụ:
a) Cố gắng đối cho được những cụm từ rất tự nhiên ở đoạn đầu, như:
Tết tới, túng tiền, tiền tiêu, túng tiền tiêu, tiêu Tết (Tết… tiêu) đối lại bằng:
– KỴ QUA, CÒN CỖ, CỖ CÚNG, CÒN CỖ CÚNG, CÚNG KỴ (KỴ… CÚNG) hoặc – cửa cài, có kẻ, kẻ cạy, có kẻ cạy, cạy cửa (cửa… cạy)
b) Cố gắng đối cho được những quan hệ xoắn xuýt giữa những yếu tố gần nghĩa, liên đới về nghĩa ở đoạn giữa, như:
TÍNH TOÁN, TÍNH TOÁN TOAN
Đối lại bằng:
– QUẦN QUANH, QUẤN QUANH QUÂY
hoặc
– KIÊN CƯỜNG, KIÊN CƯỜNG QUYẾT
Nhưng chất lượng bên đối còn thua xa bên ra. Nhất định… còn cần phải khổ công tiếp tục tìm tòi thêm nữa: tiếp tục nghiên cứu kỹ hơn về 5 phụ âm trên đây: tiếp tục khảo sát thêm về 17 phụ âm còn lại: B, CH, D, G, H v.v… Rồi đây chúng ta có sẽ đạt được một câu ưng ý hay không, điều này còn tùy thuộc vào khả năng mà ngôn ngữ cho phép, nhưng muốn biết khả năng đó như thế nào thì không có con đường nào tốt hơn là ngồi mở từ điển ra, tra từ đầu chí cuối!
***
“Xuất đối dị, đối đối nan”, lẽ thường xưa nay là như vậy. Hồi năm 1965, xem bảng thống kê từ lấp láy của một đồng chí nghiên cứu ngôn ngữ khi gặp từ lâm thâm, tôi bỗng nghĩ đến câu Da trắng vỗ bì bạch và đối lại: Rừng sâu mưa lâm thâm. Câu ra có nét nghịch ngợm rất rõ, lộ ra chủ yếu ở mặt tượng thanh, câu đối lại cũng không phải là không ngầm có tý nghịch ngợm, nếu nghĩ đến mặt hình tượng. Hơn nữa, may mắn lại có thâm để đối lại với bạch. Ấy thế mà anh em bạn bè vẫn chưa cho là được.
Cho nên, lần này tôi cũng nghĩ vậy: khó mà đối được với câu ra của cụ Nguyễn Khoa Vy, một cách thật là ưng ý. Cái khổ ở đây không phải chỉ ở chỗ tìm cho được một câu có ý nghĩa, gồm 12 tiếng cùng phụ âm đầu, ứng được với vế ra về các mặt bằng trắc, từ loại, cấu tạo từ… mà còn phải tìm cách đối cho được – như trên đây đã nói – những cụm từ rất tự nhiên ở đoạn đầu và những quan hệ xoắn xuýt ở đoạn giữa. Hơn nữa, quan hệ giữa tính và toán, giữa toan và tìm, giữa tử và tế cũng không thể đánh đồng đều: giữa toan và tìm, là quan hệ lóng, có tính chất cú pháp; giữa tính và toán, giữa tử và tế là quan hệ chặt, có tính chất tự pháp hay gần với từ pháp. Nhưng tính và toán là hai tiếng rõ nghĩa và cùng nghĩa; tử + tế lại là một tổ hợp gốc Hán hiện nay đã chuyển nghĩa đi quá xa, mọi yếu tố không còn giúp ta hiểu được nghĩa của tử tế nữa. Mà đó là chưa nói đến một số điểm lắt léo khác làm cho câu ra thêm khó, ví dụ ở tử tế còn có hiện tượng đồng âm: tay tử tế vừa có nghĩa là người tốt bụng, vừa có thể tạm hiểu với nghĩa là bàn tay của con https://www.facebook.com/images/emoji.php/v7/f4c/1/16/1f642.png" width="16" height="16">(= tử) và rể https://www.facebook.com/images/emoji.php/v7/f4c/1/16/1f642.png" width="16" height="16">(= tế)…
Cho nên, theo tôi không dễ đâu! Mà đã như vậy thì đành phải để con gà tiếp tục gáy ở nhà chị Nguyễn Khoa Bội Lan. Hơn nữa dẫu sau này có tìm được câu khá ưng ý thì cũng cứ nên để cho chị Bội Lan nuôi nó tiếp tục gáy vì nó còn gáy thì còn làm cho chúng ta mãi mãi tìm tòi.
N.T.C.
Những câu đối hay nhưng tiếc thay…
– Mới mới mới, mặc mẹ mưu mô mời mọc mọi mánh mung
TRẦN VĂN THÁI (Hà Nội)
– Xuân xưa xài xa xỉ, xun xoe xin xỏ xếp “xăng xu” (chef sans sous hay cent sous)
MẶC HY (Hà Nội)
– Đông đến điện đếch đỏ, định đến đốc Đối điều đình
HOÀNG ĐĂNG MAI (Huế)
– Đời đang đầy điên đảo, đắn đo đợi đấng đứng đầu
NGUYỄN NGỌC ĐIỆP (Huế)
– Đời đang đà đung đưa, đắn đo đón đợi đấng đứng đầu
NGUYỄN KHẮC PHÊ (Sông Hương)
– Thảm thê thay Thanh Thảo, thổn thức thương thân thiếp thẩn thơ.
KIM THOA (Đà Nẵng)
– Mùa mong mờ mắt mỏi, mơ màng muốn mắng mống mưu mô
TƯỜNG LINH (T.p Hồ Chí Minh)
– Lễ lạc lòng lẽ loi lưỡng lự liệu lánh làng lạt lẽo
VÕ QUANG YẾN (Paris)
– Lương lui lên lộn lạo, làm liền lui lại loại lao lung.
VĨNH AN (Cửu Long)
– Đối đáp đầy đủ đâu đã đoạt được điều đó đã đưa (vì chú gà trống sống quá lâu thịt quá dai!)
DÂN CÁ GỖ (Nghệ Tĩnh)
Nguồn: Tạp chí Sông Hương 29.02.1988

Thông tin truy cập

63693586
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
13878
23426
63693586

Thành viên trực tuyến

Đang có 345 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website