Những đóng góp của Hội truyền bá Quốc ngữ với công cuộc chống nạn mù chữ ở Việt Nam trước 1945

20200411

Quang cảnh Lễ thành lập Hội truyền bá Quốc ngữ 5-1938. Ảnh Bảo tàng Lịch sử Việt Nam

Trước khi chữ Quốc ngữ ra đời ở Việt Nam, người Việt sử dụng chữ Hán và chữ Nôm làm công cụ biểu đạt tư tưởng, tình cảm và văn hóa. Chữ Hán là thứ chữ tượng hình, tượng ý thuộc loại khối chữ vuông, chữ Nôm là chữ Hán - Việt (dùng chữ Hán để biểu hiện âm Việt). Tuy nhiên, hai văn tự đều khó học, khó nhớ, khó tiếp cận đối với tầng lớp nhân dân lao động.

Năm 1938, Hội Truyền bá Quốc ngữ (TBQN) được thành lập. Trong 7 năm tồn tại và hoạt động (1938-1945), Hội TBQN đã góp phần xóa nạn mù chữ, bước đầu xây dựng một nền giáo dục bình dân, bãi bỏ những tệ nạn hủ tục, nâng cao dân trí, phổ biến chữ Quốc ngữ và đóng góp vào thắng lợi của cuộc tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Những thành tựu mà Hội đạt được là không nhỏ đối với lịch sử dân tộc trong những năm tr­ước Cách mạng Tháng Tám 1945.

1. Chủ trương chống nạn mù chữ, thất học của Đảng Cộng sản Đông Dương và sự ra đời của Hội truyền bá Quốc ngữ

Cuối thế kỷ XIX, sau khi hoàn toàn chiếm đóng Việt Nam, thực dân Pháp thi hành chính sách “chia để trị”, dùng người Việt để trấn áp người Việt. Về mặt văn hóa, giáo dục, Pháp áp đặt chính sách ngu dân, hạn chế giáo dục, lừa bịp nhân dân Việt Nam để dễ dàng cai trị. Để thực hiện chủ trương trên, chính quyền thực dân một mặt hạn chế giáo dục, thu hẹp việc mở trường lớp đến mức tối thiểu và kiểm soát gắt gao. Điển hình như ở Trung Kỳ có 15 tỉnh, trên 5 triệu dân nhưng chỉ có 4 trường (2 ở Huế, 1 ở Vinh và 1 ở Quy Nhơn). Cả nước chỉ có 3 trường trung học ở thủ phủ 3 kỳ là Sài Gòn, Huế, Hà Nội[1].

Riêng về lĩnh vực giáo dục phổ thông, theo thống kê của Phủ Toàn quyền, năm 1939 toàn Việt Nam có 287.037 học sinh từ tiểu học đến cao đẳng, dạy nghề, chiếm 1,44% dân số[2].Trong cuốn “Hồi ký Thanh Nghị” của Vũ Đình Hòe: Năm 1940, số trẻ em đến tuổi đi học là 3,5 triệu, số học sinh ở cấp tiểu học cả trường công lẫn trường tư là 605.000 người, nghĩa là trong 100 đứa trẻ mới được non 18 đứa đi học.

Năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, Chính cương vắn tắt của Đảng chỉ rõ mục tiêu cách mạng là làm tư sản dân quyền và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản, về phương diện xã hội, phải phổ thông giáo dục theo công nông hóa[3].

Thực hiện chủ trương của Đảng, cao trào cách mạng 1930-1931 đã diễn ra sôi nổi mạnh mẽ, với đỉnh cao là Xô Viết Nghệ Tĩnh. Chính quyền Xô Viết Nghệ Tĩnh sau khi được thành lập đã quyết định tổ chức các lớp dạy chữ Quốc ngữ, tổ chức các buổi đọc báo, giảng sách vào buổi trưa và ban đêm. Không khí học tập diễn ra sôi nổi khắp các xóm, làng:

“Lớp quốc ngữ, lối về chăm học

A, B, C...miệng đọc thanh thanh

Trông vào lớp mới như tranh

Sát vao ?đầu bạc, đầu xanh chung bài”[4]

 Tuy nhiên, sau khi thực dân Pháp tiến hành chính sách khủng bố trắng, đàn áp, dập tắt cao trào cách mạng 1930-1931 trên toàn lãnh thổ Việt Nam, các lớp học chữ Quốc ngữ cũng bị giải tán. Mặc dù vậy, tinh thần học chữ Quốc ngữ không hề suy giảm. Trong hầu hết các cuộc đấu tranh, biểu tình những năm tiếp theo, khẩu hiểu đòi mở lớp học chữ Quốc ngữ vẫn luôn xuất hiện. Các chiến sĩ cộng sản bị bắt giữ, cầm tù đã thực hiện khẩu hiệu “Biến nhà tù thành trường học cách mạng”. Trong thời gian bị giam cầm, các đảng viên đã tranh thủ thời gian để trau dồi, học tập văn hóa.

Trong thời kỳ Mặt trận dân chủ 1936-1939, các quyền tự do dân chủ được nới lỏng, trong đó có quyền tự do báo chí. Một số tờ báo của Đảng được hoạt động công khai. Để các chủ trương, chính sách của Đảng đến được với đông đảo quần chúng nhân dân thì quần chúng nhân dân, đặc biệt là công nhân, nông dân, dân nghèo thành thị... phải biết chữ. Chính vì vậy, việc tổ chức các lớp dạy chữ Quốc ngữ lại càng trở nên cấp thiết. Trên nhiều tờ báo, khẩu hiệu chống nạn mù chữ được in rất to, đậm.

Từ sau phong trào Đông Dương Đại hội, nhiều lớp dạy chữ Quốc ngữ đã được mở, đa số thầy dạy đều không nhận lương. Nhu cầu học chữ Quốc ngữ ngày càng cao. Nhận thấy tầm quan trọng của việc diệt giặc dốt, chống nạn mù chữ. Đảng Cộng sản Đông Dương đã chủ trương xúc tiến thành lập “Hội truyền bá Quốc ngữ”.

Thực hiện chủ trương của Đảng, đồng chí Trần Huy Liệu đã gặp Phan Thanh[5] - một trí thức yêu nước, giáo viên trường tư thục Thăng Long, thành viên Hội Mở mang nền giáo dục tư thục để bàn bạc về việc thành lập hội. Nhóm giáo viên trường Thăng Long bao gồm: Phan Thanh, Đặng Thai Mai, Hoàng Minh Giám,... đều nhiệt liệt hưởng ứng. Sau khi bàn bạc, thống nhất ý kiến, mọi người đã thống nhất mời cụ Nguyễn Văn Tố[6] - một học giả có uy tín ở Viễn Đông Bác Cổ, Hội trưởng Hội Trí tri tham gia.

Nguyễn Văn Tố - Hội trưởng đầu tiên của Hội truyền bá Quốc ngữ

Tại cuộc họp ở nhà Phan Thanh (số 165 đường Henri d’Orléans, nay là phố Phùng Hưng, Hà Nội) vào đầu năm 1938 do Trần Huy Liệu chủ trì, các nhân sĩ đã thống nhất cần thành lập một hội, ban đầu dự định là Hội chống nạn thất học, sau lấy tên là Hội Truyền bá học Quốc ngữ. Để Hội được công nhận và hoạt động dễ dàng, Hội đã cử Nguyễn Văn Tố lo việc xin phép chính quyền thực dân Pháp.

Theo đơn đề nghị của Nguyễn Văn Tố ngày 8-4-1938, ngày 29-7-1938, Hội Truyền bá học Quốc ngữ chính thức được thành lập theo Quyết định số 3622-A của Thống sứ Bắc Kỳ[7]. Hội hoạt động theo quy định tại Sắc lệnh ngày 21-2-1933 về các hội phi tôn giáo ở Đông Dương. Trụ sở đặt tại số 59 phố Hàng Quạt, Hà Nội. Hội được thành lập với mục đích dạy cho người Việt biết đọc, biết viết chữ Quốc ngữ để có thể tiếp cận những điều thường thức trong sinh hoạt hàng ngày.

Mọi hoạt động của Hội đều bị Sở Mật thám Bắc Kỳ theo dõi sát sao. Chính quyền Pháp nghi ngờ đây là một hội của những người theo chủ nghĩa Xta-lin không có lợi đối với chính sách của Pháp thời kì đó. Vì vậy, hầu hết các thành viên của Hội, đặc biệt là một số chí sĩ cách mạng, nhà yêu nước như Đặng Xuân Khu, Đặng Thai Mai, Chu Văn Tập, Võ Nguyên Giáp, Ngô Thúc Địch đều nằm trong danh sách theo dõi của mật thám Pháp… Tuy vậy, Hội vẫn tổ chức rất nhiều hoạt động rầm rộ để tuyên truyền cho việc học chữ Quốc ngữ, đồng thời tuyên truyền tư tưởng cách mạng.

Ngay sau khi Hội chính thức được thành lập, tháng 8-1938, thông qua Nghị quyết của toàn thể đại biểu hội nghị của Đảng bộ Bắc Kỳ, Đảng đã chủ trương: “Giao thiệp với các nhà trí thức và tai mắt đề nghị lập ra các chi nhánh của Hội TBQN, đi quyên tiền, cổ động hội viên, mượn các đình chùa, các trường học… để tổ chức các lớp dạy học và diễn thuyết… Chú ý nên dựa vào điều lệ của Hội đã được chuẩn y mà hoạt động, tránh để nhà cầm quyền can thiệp gây khó khăn cho Hội”.[8]

Về hoạt động, Hội chủ trương mở lớp học bao gồm hai cấp: Cấp sơ đẳng (dạy cho học viên biết đọc, viết chữ Quốc ngữ và làm được hai phép tính đơn giản là cộng và trừ); Cấp Cao đẳng (dạy cho học sinh đọc thông viết thạo chữ Quốc ngữ và biết làm 4 phép tính cộng, trừ, nhân, chia và một vài điều thường thức. Hội quy định, những người đã biết chữ có trách nhiệm dạy lại những người chưa biết.

Công việc nặng nề nhất của Hội là tổ chức các lớp học. Ngoài ra, Hội cũng tổ chức những buổi diễn thuyết với mục đích cổ động cho phong trào và phổ biến kiến thức trong đời sống sinh hoạt cho nhân dân.

Nhằm phục vụ cho chương trình hoạt động trên, Hội chủ trương biên soạn và cho xuất bản sách giáo khoa, tài liệu tham khảo về địa lý, lịch sử, vệ sinh, khoa học thường thức…. Ngoài ra, Hội cũng phải xúc tiến thành lập thư viện gồm hai loại thư viện cố định có thể mượn đọc tại chỗ và thư viện lưu động để phục vụ đọc ở các lớp học nơi đông người.

Về tổ chức: Theo điều lệ Hội, việc tổ chức các lớp học, các buổi hội thảo không chỉ ở Hà Nội mà còn ở các tỉnh. Thành viên của Hội gồm tất cả các cá nhân mọi quốc tịch, không phân biệt giới tính, không hạn chế số lượng. Mọi hoạt động của Hội đều do Ban Trị sự điều hành và chỉ đạo. Thành viên Ban Trị sự Hội năm 1938 gồm: Nguyễn Văn Tố (Hội trưởng); Bùi Kỷ và Tôn Thất Bình (Hội phó); Phan Thanh (thư ký), Phạm Hữu Chương và Quản Xuân Nam (phó thư ký), Đặng Thai Mai (thủ quỹ), Nguyễn Văn Lô và Võ Nguyên Giáp (phó thủ quỹ); các cố vấn Nguyễn Văn Huyên, Trần Trọng Kim, Hoàng Xuân Hãn và  Lê Thước[9]. Giúp việc cho Ban Trị sự có các ban chuyên môn: Cổ động, Khánh tiết, Tu thư, Dạy học và Thanh tra.

Hội TBQN không trông chờ vào sự trợ cấp của chính quyền thực dân mà dựa vào những đóng góp tự nguyện của hội viên. Đến năm 1942, số lượng hội viên đã lên đến 7.500, trong đó có khoảng 4.000 hội viên đóng hội phí đều. Tuy nhiên, số tiền hội phí thu được không thể đủ chi cho các hoạt động của Hội. Do đó, Hội phải dựa vào sự ủng hộ của các nhà hảo tâm và tiền thu được từ các buổi chiếu bóng, từ việc phát hành vé số,...

2. Hội truyền bá Quốc ngữ với công cuộc chống nạn mù chữ ở Việt Nam (1938-1945)

Trong suốt 7 năm hoạt động (1938-1945), dưới danh nghĩa là một hội văn hóa giáo dục nhưng thực chất là một tổ chức chính trị có sự tham gia của nhiều nhà chính trị, Hội TBQN đã đóng góp rất lớn cho công cuộc chống nạn mù chữ của Đảng và cách mạng ở Việt Nam, thông qua đó đã giúp tuyên truyền giáo dục, khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí đấu tranh trong toàn thể quần chúng nhân dân lao động.

Những đóng góp của Hội truyền bá Quốc ngữ đối với công cuộc chống nạn mù chữ chính là kết quả đạt được trong ba giai đoạn hoạt động của Hội:

a, Giai đoạn 1: 8/1938-9/1940

 Giai đoạn này, dù hoạt động bị kìm hãm trong phạm vi hẹp, song Hội TBQN vẫn đạt được những thành tựu quan trọng đối với công cuộc chống nạn mù chữ.

Hội đã biên soạn thành công sách giáo khoa“Vần Quốc ngữ ”, gồm hai phần: Phần một hướng dẫn cho giáo viên phương pháp dạy vỡ lòng chữ Quốc ngữ theo cách mới do Hội sáng tạo ra; phần hai dạy tập vần vỡ lòng dành cho học viên. Phương pháp mới của Hội được áp dụng là “phương pháp đọc lên thành tiếng” thay cho phương pháp cũ là “đánh vần từng chữ”. Với phương pháp mới dễ học, dễ nhớ, số lượng lớp học và các học viên không ngừng được mở rộng thêm về cả số lượng và chất lượng dạy và học.

Khóa học đầu tiên khai giảng ngày 9-9-1938 tại trường Thăng Long và Trí tri đã thu hút hơn 800 học viên với 30 giáo viên. Khóa thứ hai khai giảng ngày 10-3-1939 ở 4 khu trường là Thăng Long, Trí tri, trường tư thục Nguyễn Vạn Tòng và 1 khu ở bãi Phúc Xá với số học viên tăng lên 1.000 người và 45 giáo viên. Khóa ba khai giảng 10-9-1939 tại 9 khu trường với 1.200 học viên, 60 giáo viên. Khóa bốn khai giảng ngày 4-3-1940 với số học viên xấp xỉ khóa trước[10].

Như vậy, giai đoạn này, Hội đã tổ chức được 4 khóa học, bước đầu xóa mù chữ cho hơn 4.000 học viên, bước đầu tạo được ảnh hưởng tốt về Hội trong nhân dân, góp phần thúc đẩy tinh thần say mê cống hiến của các hội viên cho các hoạt động truyên truyền, mở rộng Hội TBQN. Số hội viên tham gia Hội ngày càng đông. Số hội viên tham gia trực tiếp các ban chuyên môn cũng ngày càng nhiều, đặc biệt là Ban Dạy học. Sau các khóa, một số học viên đọc thông, viết thạo đã tình nguyện xung phong đi dạy cho Hội.

Với những đóng góp và sức ảnh hưởng của phong trào chống nạn mù chữ do Hội TBQN tạo ra, ngày 5-01-1939, Hội TBQN Trung Kỳ đã chính thức được thành lập tại Huế.

b, Giai đoạn 2: 10/1940-7/1944

 Hội đưa yêu sách đòi chính quyền thực dân nới rộng phạm vi hoạt động, cho phép mở thêm trường, lớp ở ngoại thành Hà Nội và các tỉnh lân cận. Đến khóa học thứ năm (11/1940), Hội đã mở thêm nhiều khu trường, lớp học mới. Năm 1942, Hội còn thành lập được chi nhánh tại các tỉnh: Hà Đông, Bắc Ninh, Sơn Tây, Hưng Yên…

Ở giai đoạn này, Hội đã được củng cố về cả tổ chức lẫn hoạt động, đặc biệt là việc biên soạn sách giáo khoa, xây dựng chương trình học cụ thể hơn. Ngoài sách “Vần Quốc ngữ” và “Tập đọc”, Ban Dạy học còn biên soạn thêm chương trình cho lớp Cao đẳng, biên soạn một số cuốn sách thường thức: “Truyện bác Hai Bền”, “Vệ sinh thường thức”.

Đặc biệt, một sự kiện quan trọng đánh dấu bước tiến mới của Hội Truyền bá Quốc ngữ là Hội nghị Giáo khoa toàn quốc diễn ra trong hai ngày 29 và 30-7-1944. Hội nghị diễn ra nhằm mục đích trao đổi kinh nghiệm và sáng kiến về tổ chức và chuyên môn, đồng thời bồi dưỡng, nâng cao tinh thần phấn đấu và thắt chặt tinh thần đoàn kết giữa các hội viên của Hội Truyền bá Quốc ngữ. Hội nghị Giáo khoa toàn quốc của Hội đã đánh dấu bước nhảy vọt về cả chất lượng giảng dạy, tinh thần dạy học cho quần chúng nhân dân mù chữ nghèo khó cũng như kinh nghiệm trong công tác tổ chức trường lớp, vận động học viên đi học, giáo viên đi dạy.

Trong giai đoạn 2, Hội TBQN đã đẩy mạnh hoạt động trên nhiều mặt, mở rộng phạm vi ra nhiều tỉnh lân cận Hà Nội, mở rộng chi nhánh tại Trung Kỳ và ảnh hưởng đến các tỉnh Nam Kỳ. Tại Hà Nội, tính đến tháng 9-1943, số người theo học các lớp đã lên đến con số 23.000 người. So với khóa 4, số khu trường tăng từ 9 lên 35 khu, số giáo viên tăng từ 70 lên 245 người; số học viên tăng từ 1.100 lên 3.000 người[11]. Từ khóa 5, Hội đã mở được một số lớp cao đẳng, bổ túc thêm cho những người đã biết chữ. Hội đã thành lập thêm được 11 chi hội mới ngoài Hà Nội, Hải Phòng và Việt Trì.

Tính đến tháng 7-1944, riêng Hội TBQN Bắc Kỳ đã mở được 820 lớp học, có 2.908 giáo viên và 41.118 học viên biết đọc và biết viết chữ Quốc ngữ; tại Trung Kỳ, tính đến tháng 9-1944, số học viên biết đọc, biết viết là 9458 người[12]. Tại Nam Kỳ, tuy Hội TBQN chưa được thành lập nhưng trên thực tế đã có một số lớp học dạy chữ cho nhân dân lao động theo phương pháp của Hội TBQN.

c, Giai đoạn 3: 8/1944 - 8/1945

Đây là thời kỳ cao trào của Hội TBQN. Hội đã tiếp tục mở thêm nhiều trường lớp tại các vùng nông thôn, tăng cường liên hệ với các tỉnh để lập thêm nhiều chi nhánh mới, góp phần đẩy mạnh công cuộc chống nạn mù chữ, đồng thời phục vụ sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc.

Cụ Nguyễn Văn Tố (áo dài trắng, thứ hai từ trái sang) dự lễ khai mạc lớp huấn luyện cán bộ bình dân học vụ tại Hà Nội, ngày 8/10/1945. Ảnh: TL

Bên cạnh việc dạy học, Hội còn tổ chức các cuộc tuyên truyền, nói chuyện về ý nghĩa của việc thành lập Hội cho đông đảo quần chúng nhân dân hiểu rõ và nhận thức sâu sắc về việc cần thiết phải tham gia công cuộc chống nạn mù chữ.

Ngày 18-8-1944, Hội TBQN Nam Kỳ đã được thành lập. Như vậy, phong trào TBQN đã phát triển mạnh mẽ, rộng khắp trên khắp ba kỳ, từ thành thị đến các vùng nông thôn[13].

Như vậy, sau hơn 7 năm hoạt động, Hội TBQN đã mở được 14 khóa học, giúp cho hơn 7 vạn người biết đọc, biết viết chữ Quốc ngữ (trong đó, hơn 1 vạn người đọc thông, viết thạo và biết làm bốn phép tính phổ thông là cộng, trừ, nhân, chia), nắm được những tri thức phổ thông tối thiểu. Hội đã góp phần khơi dậy, hun đúc tinh thần hiếu học của toàn thể nhân dân, làm dấy lên phong trào truyền bá chữ Quốc ngữ sâu, rộng nhất trong lịch sử cận đại Việt Nam.

Hội TBQN cũng đặt cơ sở và làm nền tảng cho phong trào diệt giặc dốt, bình dân học vụ do Đảng Cộng sản Việt Nam phát động sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Những đóng góp của Hội đã thực sự tạo nên một cuộc cải cách về văn hóa giáo dục ở Việt Nam trước năm 1945 và chính phong trào do Hội phát động là điểm kết thúc của cuộc cách mạng chữ viết ở Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX.

Kết luận

Có thể nói Hội TBQNlà tổ chức truyền bá chữ Quốc ngữ rộng rãi, quy củ và có tổ chức nhất trong thời kỳ cận đại với mục đích dạy cho quần chúng nhân dân biết đọc, biết viết chữ Quốc ngữ.

Trong suốt 7 năm hoạt động, Hội TBQN đã có những đóng góp quan trọng đối với công cuộc chống nạn mù chữ ở Việt Nam trước năm 1945. Hội TBQNđã tổ chức được một phong trào học tập sôi nổi, rộng khắp trong nhân dân. Hội biết cách khơi dậy lòng nhiệt huyết của quần chúng, nhất là lòng yêu nước, sự tự hào dân tộc về truyền thống hiếu học vốn đã có trong mỗi con ng­ười Việt Nam; khơi dậy truyền thống hiếu học của nhân dângắn liền với lòng nhiệt huyết, sự hy sinh của các nhà trí thức.

 

            Tài liệu tham khảo

  1. Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng, Văn kiện Đảng từ 10-8-1935 đến 1939, Nxb Hà Nội, 1964
  2. Nguyễn Ái Quốc, Bản án chế độ thực dân Pháp, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1976
  3. Báo Đông Pháp số ra ngày 9-10-1944
  4. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập tập 2 (1930), Nxb Chính trị Quốc gia, 1999
  5. Kỷ yếu Nha học chính Đông Dương, tháng 4/1938
  6. Hồ Chí Minh, Nguyễn Lương Bằng, Phạm Hùng, Lê Văn Lương, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Quốc Việt, Văn Tiến Dũng, Nhân dân ta rất anh hùng, Nxb Văn học, Hà Nội, 1960.
  7. Võ Thuần Nho, 35 năm phát triển sự nghiệp giáo dục phổ thông, Nxb Giáo dục Hà Nội, Hà Nội, 1996
  8. Lê Văn Phong, Hoạt động của Hội truyền bá Quốc ngữ (1938-1945), Tạp chí Lịch sử Đảng, số 5 năm 2014
  9. Phạm Như Thơm, Tầng lớp trí thức tân học với việc phổ biến chữ Quốc ngữ thời cận đại, Đề tài cấp cơ sở năm 2017, Viện Sử học
  10. Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, Phông MHN-2865, MHN-2865-02
  11. Tuần báo Đông Dương, số 77 ra ngày 19 tháng 2 năm 1942
  12.  Xô Viết Nghệ Tĩnh diễn ca, Nxb Phổ thông

 

Trương Thị Phương

*ThS. Viện Sử học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

Nguồn: Văn hóa Nghệ An, ngày 05.04.2020.


 

[1]Võ Thuần Nho, 35 năm phát triển sự nghiệp giáo dục phổ thông, Nxb Giáo dục Hà Nội, Hà Nội, 1996, tr,8

[2]Kỷ yếu Nha học chính Đông Dương, tháng 4/1938, tr.267

[3]Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập tập 2 (1930), Nxb Chính trị Quốc gia, 1999, tr.05

[4]Xô Viết Nghệ Tĩnh diễn ca, Nxb Phổ thông, tr.17

[5]Phan Thanh (1908-1939) quê ở làng Bảo An, Huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Ông là một trong những người sáng lập Hội TBQN. Ông cũng là người hoạt động tích cực trong phong trào Mặt trận Dân chủ Đông Dương.

[6]Nguyễn Văn Tố, hiệu Ứng Hòe (1889-1947), sinh ra trong một gia đình nhà Nho ở Hà Nội. Tốt nghiệp trường Thông ngôn và làm việc tại Viện Viễn Đông Bác Cổ, chuyên nghiên cứu và viết các vấn đề văn học, lịch sử. Ông cũng tham gia dạy ở các trường tư thục. Năm 1938, tham gia sang lập Hội TBQN.

[7]Tuần báo Đông Dương, số 77 ra ngày 19 tháng 2 năm 1942

[8]Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng, Văn kiện Đảng từ 10-8-1935 đến 1939, Nxb Hà Nội, 1964, tr.306

[9]Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, Phông MHN-2865

[10]Phạm Như Thơm, Tầng lớp trí thức tân học với việc phổ biến chữ Quốc ngữ thời cận đại, Đề tài cấp cơ sở năm 2017, Viện Sử học, tr.73-74

[11]Lê Văn Phong, Hoạt động của Hội truyền bá Quốc ngữ (1938-1945), Tạp chí Lịch sử Đảng, số 5 năm 2014, tr.93

[12]Báo Đông Pháp số ra ngày 9-10-1944

[13]Lê Văn Phong, Hoạt động của Hội truyền bá Quốc ngữ (1938-1945), Tạp chí Lịch sử Đảng, số 5 năm 2014, tr.94

 

 

Thông tin truy cập

63693902
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
14194
23426
63693902

Thành viên trực tuyến

Đang có 472 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website