Khảo sát tên gọi Văn Lang trên cơ sở ngữ âm lịch sử

20200529

1. Giới thiệu chung

Đại Việt Sử Lược hay Việt Sử Lược, một cuốn sử thời Trần chưa rõ tác giả có đoạn viết: “Đến đời Trang Vương nhà Chu, ở bộ Gia Ninh có người lạ, dùng ảo thuật quy phục được các bộ lạc, dựng nước Văn Lang gồm 15 bộ (…), tự xưng là Hùng Vương, đóng đô ở Văn Lang,… truyền được 18 đời ”.

Về tên gọi Văn Lang, học giả Pháp Henry Maspero (1918) cho rằng: tên nước Văn Lang là đọc nhầm tên nước Dạ Lang, một nước cổ ở Quí Châu. Ông đưa ra các luận cứ sau:

- Hai chữ Văn 文và chữ Dạ 夜giống nhau, dễ nhầm khi đọc hay chép. Vì thế, một sách thời Tống viết: “Phong Châu là nước Văn Lang xưa, ở đó có sông Văn Lãng”. Một sách khác cùng thời lại viết: “Phong Châu là đất Dạ Lang xưa, ở đó có sông Dạ Lang”.

- Lãnh thổ Dạ Lang, thời Hán phân thành hai quận Kiển Vi và Thương Ngô, một bên giáp nước Ba, một bên giáp hồ Động Đình. Do nhầm Dạ Lang thành Văn Lang, sử Việt Nam viết lãnh thổ Văn Lang giống như lãnh thổ Dạ Lang là “Bắc đến Hồ Động Đình, Tây giáp Ba Thục”.

- Tên Văn Lang trước không có nhưng bỗng xuất hiện vào thời Đường lại là do một nhầm lẫn khác. Lâm Ấp ký viết: “Ở phía Nam Chu Ngô, Nhật Nam có người Văn Lang, và sông Văn Lang”. Người chép lại Lâm Ấp ký sau viết Chu Ngô thành Thương Ngô, các nhà địa lý thời Đường cũng chép sai theo. Do Thương Ngô ở phía Bắc Giao Chỉ, nên coi Văn Lang là Giao Chỉ.

Nếu giả thuyết của Maspero đúng thì phải tìm hiểu ý nghĩa tên Văn Lang theo ý nghĩa của tên Dạ Lang, chúng tôi sẽ có một bài viết riêng về tên Dạ Lang sau.

Tác giả Tạ Đức trong “Nguồn Gốc Người Việt - Người Mường” (NXB Tri thức, 2013) dẫn ý kiến giải thích tên Văn Lang của nhiều học giả như sau:

- Steine (1947) đặt Văn Lang vào trong một hệ thống tộc danh, địa danh có từ Lang như Bạch Lang ở Tứ Xuyên, Việt Lang ở Quảng Đông, Dạ Lang ở Quí Châu. Ông cũng khẳng định: Hậu Hán Thư nói đến người Dạ Lang ở biên giới Cửu Chân; truyền thuyết Việt Nam kể về một nước nhỏ Dạ Lang bên bờ sông Mã; thời Hán có sông Dạ Lang thực sự ở Quảng Trị, sau là sông Hằng Giang. Điều đó có nghĩa, tên gọi Dạ Lang cũng xuất hiện ở những nơi không thể nhầm lẫn với Văn Lang.

- Hoàng Thị Châu (1969), ủng hộ quan điểm của Stein, so sánh Văn Lang với Lang, Chàng, hai phiên âm Hán - Việt của tên gọi Choang cũng như với orang, arang các từ chỉ người trong tiếng Nam Đảo. Bà kết luận: các tên Lang, Văn Lang, Dạ Lang... “bắt nguồn từ một danh từ có nghĩa là “người” “đàn ông”, với những hình thái biến đổi khác nhau tùy theo ngôn ngữ, phương ngữ và tùy theo từng giai đoạn lịch sử ”.

- Bình Nguyên Lộc (1971) lại coi từ gốc của Văn Lang trong tiếng Mã Lai là pinang, phiên âm Hán - Việt là tân lang hay binh lang để chứng minh lang chỉ cây cau sọc, vật tổ của người Văn Lang và người Chăm.

- Trần Quốc Vượng (1973) lại coi từ gốc của cả Văn Lang và Mê Linh - kinh đô của nước Văn Lang thời Hai Bà Trưng là Mlang, từ chỉ chim ưng, đại bàng, vật tổ của người Lạc Việt.

- Theo Tạ Đức thì hai cách lý giải của Stein và Hoàng Thị Châu đã đi đúng hướng và có cơ sở ngôn ngữ học, và cuối cùng Tạ Đức đưa ra ý kiến: “cách lý giải thật sự thỏa đáng phải là: tên nước Văn Lang và Dạ Lang có gốc từ tên tộc người Văn Lang và Dạ Lang. Tên tộc người Văn Lang và Dạ Lang lại có gốc từ các từ chỉ Người tương ứng với lang/orang/yang”. Tiếp sau đó Tạ Đức có đưa ra nhiều lập luận về ngữ âm ví dụ: “Lạc Việt có gốc Ya Ya, Ya Ya lại tương ứng với Ya Yang và Ya Yang có thể phiên âm thành Văn Lang” hoặc “... tên nước Dạ Lang cũng được xác định có gốc Jialang, một biến thể của Zina - tên tự gọi của người Lô Lô, trong đó Jialang tương ứng với Ya Yang, còn Zina tương ứng với Lô Lô = Lava = Ya Ya = Lạc Việt (Phụ lục 6 D). Về mặt ngữ âm, đúng là Văn Lang có thể có gốc Blang. Hiện Blang vẫn là tên một tộc người ở Vân Nam có quan hệ ngôn ngữ - tộc người gần gũi với người Va, tức Lava = Lạc Việt”.

- Chúng tôi tán thành quan điểm của Tạ Đức cũng là của Stein, Hoàng Thị Châu và nhiều học giả khác dựa trên một thực tế trong ngôn ngữ học là tên các tộc người thường chính là từ chỉ khái niệm “người” trong ngôn ngữ gốc của tộc người đó. Nhưng tên vùng cư trú (bản/mường, cổ/kẻ, làng/nước, ...) là khái niệm hình thành muộn hơn, khi các nhóm tộc đã bỏ đời sống du cư hoang dã, có vùng cư trú tương đối ổn định, có tổ chức xã hội phát triển ... thì không nhất thiết phải gắn chặt với tên gọi tộc người, có thể là một từ phái sinh từ tên gọi tộc người (Chăm=>Chiêm=>Chiêm Thành), hoặc một từ khác hẳn. Còn với các quy nạp kiểu như Lô Lô=Lava=Ya Ya=Lạc Việt thì người viết thấy có vẻ khá tùy tiện.

2. Khái quát về ngữ âm lịch sử:

Các tên Văn Lang, Dạ Lang, Lạc Việt ... là những tên gọi được ghi chép bằng chữ Hán, và ứng với giai đoạn lịch sử trước thời Tần, để tìm hiểu ý nghĩa của chúng trước hết cần phải khôi phục đúng ngữ âm các chữ Hán đó trước thời Tần sau đó đối chiếu với các ngôn ngữ bản địa là Nam Á, Thái-Kadai hay Nam Đảo để tìm ý nghĩa các tên gọi cổ đó... Chứ không thể dựa vào âm đọc hiện đại mà suy đoán quy nạp tùy tiện được, chẳng hạn Tạ Đức cho rằng nước La (羅) tức là Lạc (洛/雒/駱) là dựa vào âm cận hiện đại của các chữ này đều là “luo”, nhưng theo Vương Lực thì âm Thượng cổ Hán ngữ của La là *lai còn của Lạc là *lak, âm cuối rất khác nhau chứ không phải đồng âm “lo” như trong Quan Thoại hiện nay, vì vậy ý kiến la = lạc có vẻ thiếu cơ sở ngữ âm lịch sử.

Hiện nay giới ngôn ngữ học phân định âm Thượng cổ Hán ngữ là âm Hán ngữ khoảng đời Hán về trước, còn Trung cổ Hán ngữ là ngữ âm khoảng đời Tùy - Đường - Tống, nói một cách đại khái thì âm Thượng cổ Hán ngữ là âm thời Chu, còn Trung cổ Hán ngữ là âm thời Đường. Âm Trung cổ Hán ngữ hiện được bảo lưu tương đối trọn vẹn trong hệ thống âm Hán Việt của người Việt (theo GS Nguyễn Tài Cẩn) nên việc phục nguyên âm này có thể là khó với người Trung Quốc nhưng đối với người Việt lại không phải là vấn đề cần đặt ra, còn âm Thượng cổ Hán ngữ là âm mà chúng ta cần vận dụng thì hiện nay đã có nhiều công trình phục nguyên của các tác giả như Karlgren, Lí Phương Quế, Vương Lực, Baxter, Trịnh Trương Thượng Phương, Phan Ngộ Vân, Schuessler ,v.v… Thực ra các dữ liệu âm phục nguyên cũng không hẳn là chính xác, vì ngay trong nội bộ Hán ngữ cũng có nhiều phương ngữ âm đọc của các chữ Hán khác nhau đến mức không hiểu được nhau như tiếng Quảng Đông so với tiếng Bắc Kinh, mà trong từng phương ngữ thì cùng một chữ một nghĩa cũng có thể có nhiều âm đọc (ví dụ âm Hán Việt có thể đọc chính hay chánh, nhất ngay nhứt đều được), chưa kể sự biến đổi ngữ âm nội tại theo thời gian cũng khó phân định chính xác, sai số có thể đến vài thế kỷ hay thậm chí hơn 500 năm. Đối với giai đoạn giao thời giữa Thượng cổ Hán ngữ và Trung cổ Hán ngữ, là khoảng cuối đời Hán qua đời Tấn, thì việc khôi phục sẽ phải cân nhắc chọn giữa âm Thượng cổ hay âm Trung cổ.

So sánh âm Trung cổ với âm Thượng cổ Hán ngữ thì có một số biến đổi ngữ âm khá cơ bản mà những người mới tìm hiểu về ngữ âm lịch sử nên nhớ để tiện áp dụng, các biến đổi này đôi khi có thể nhận thấy khá rõ dựa vào lớp từ cổ Hán Việt (đúng ra là cổ Việt Hán, ký hiệu CVH) của tiếng Việt:

- Các tổ hợp  phụ âm đầu phức có -r- đến cuối thời Hán đã rụng hết -r-  hoặc chuyển hết thành l - (theo GS Nguyễn Tài Cẩn, như long<=rồng, ly<=rời CVH).

- Nhóm phụ âm đầu đ-, d- trung cổ nhiều trường hợp phục nguyên về l- thượng cổ (như đạo<=lúa, đà<=lái CVH).

- Phụ âm đầu ph- trung cổ ứng với -b thượng cổ (như phật<=bụt, phủ<=búa CVH).

- Nguyên âm -a đơn (vận mẫu ca 歌) thời trung cổ thì thời thượng cổ là âm phức có âm cuối -r, -j, -i, -l  (như la<=lải, lưới, cá<=cái CVH)

- Nguyên âm -u (vận mẫu ngu 虞) thời trung cổ thì thời thượng cổ là âm phức có âm cuối “o” hay “a” (như phủ<=búa, vụ<=mùa CVH)

v.v…

3. Phục nguyên tên Văn Lang

1. Chữ Hán Văn: 文, thanh mẫu vi: 微, vận mẫu văn: 文, bình thanh: 平, hợp khẩu: 合, nhiếp trăn: 臻,  tam đẳng: 三等, thiết âm vô phân: 無分

Phục nguyên âm thượng cổ:
Karlgren: *mi ̯wən
Lí Phương Quế: *mjən
Vương Lực: *miən
Baxter: *mjən
Trịnh Trương Thượng Phương: *mɯn
Phan Ngộ Vân: *mɯn

Điểm cần lưu ý là thanh mẫu vi 微thời cổ là *m- (dấu * hàm ý  chỉ đây là âm phục nguyên), dựa vào phục nguyên của Trịnh Trương Thượng Phương và Phan Ngộ Vân *mɯn chúng tôi cho rằng đây là từ chỉ người trong nhóm ngữ hệ Nam Á (Mon-Khmer) “mun”, các tên như người Môn (Mun), người Mon (người Mường tự gọi là “con Mon”) đều có nghĩa là “người”, cả từ “man 蠻” mà người Hán dùng gọi các nhóm tộc phi Hán ở phương Nam vốn cũng có nghĩa là “người”, xét phục nguyên âm Hán thượng cổ của chữ man 蠻theo Karlgren: *mwan, Lí Phương Quế: *mruan,Vương Lực: *moan, Baxter: *mron, Trịnh Trương Thượng Phương: *mroon, Phan Ngộ Vân: *mroon  đều khá gần “mun/mon” trong ngữ hệ Môn-Khmer (lưu ý âm cuốn -r thường chuyển thành -n ở tiếng Việt và Hán, nên khi bỏ âm đầu Kh- thì Mer=>Men=>Miên).

“Văn” cũng là chữ đệm cực kỳ phổ thông trong tên họ đàn ông người Việt, nó chính ra có nghĩa là “ông”, là “ngài”, mà “ngài” là cổ âm của “người” (mun/mon) chứ không phải là “văn chương” hay “văn vẻ” gì cả, nhưng có lẽ do cái nghĩa đồng âm này cũng hay nên nó thành phổ biến chăng ?

Phục nguyên Văn 文là “mun/mon” khớp với ý kiến Tạ Đức đã nêu rằng tên nước thường dẫn xuất từ các từ chỉ “người” trong bản ngữ của dân tộc chủ thể nước đó .

2. Chữ Hán Lang: 郎, thanh mẫu lai: 來, vận mẫu đường: 唐, bình thanh: 平, khai khẩu: 开, nhiếp đãng: 宕, nhất đẳng: 一等, thiết âm lỗ đang: 魯當

Phục nguyên âm thượng cổ:

Karlgren: *lɑŋ

Lí Phương Quế: *laŋ

Vương Lực: *laŋ

Baxter: *c-raŋ

Trịnh Trương Thượng Phương: *raaŋ

Phan Ngộ Vân: *raaŋ

Như vậy từ này là một từ ít biến đổi, vẫn giữ âm “lang” từ hàng nghìn năm nay vì từ r- sang l- chỉ là một biến đổi nhỏ và là quy luật phổ thông ở Hán Ngữ. Chúng tôi cũng thống nhất ý kiến như Tạ Đức, Hoàng Thị Châu phục nguyên từ này trong ngôn ngữ Việt-Mường là “lang/chàng” tức cũng là từ chỉ người, nhưng nghĩa hẹp hơn từ mun/mon một chút, dùng chỉ riêng đàn ông hoặc kẻ quý tộc, hay vua quan (các nghĩa sau có lẽ phát sinh rất muộn, khi xã hội đã phát triển, có sự phân chia giai cấp).

Có mối liên hệ giữa lang và yang (giàng, trời trong một số ngôn ngữ Nam Á cổ) và cả từ dương chỉ mặt trời trong Hán ngữ, thật vậy phục nguyên âm thượng cổ Hán ngữ của các chữ dương 陽và 楊:

Karlgren: *di ̯aŋ
Lí Phương Quế: *raŋ
Vương Lực: *ʎiaŋ
Baxter: *ljaŋ
Trịnh Trương Thượng Phương: *laŋ
Phan Ngộ Vân: *laŋ    

(Lưu ý phục nguyên của Trịnh Trương Thượng Phương và Phan Ngộ Vân trùng chính xác với âm “lang” của chữ “lang 郎”).

3. Xét nghĩa toàn bộ từ “Văn Lang” :

Từ phục nguyên trên chúng ta có tên “Mun Lang” trong đó cả hai chữ đều có gốc là từ chỉ người tuy nhiên như vậy thì ý nghĩa trùng lặp không hay lắm, cách hiểu phù hợp hơn và thuận cú pháp tiếng Việt - Mường là: Mun là từ chỉ vùng đất cư trú tức “nước”, cũng tức là “Mường”, chữ sau mới là từ chỉ tộc danh và tên nước. Vậy nghĩa chốt lại là “Mường Lang”, từ này lại có thể hiểu theo hai nghĩa không phủ định nhau:

- Một là “mường của Lang” tức mường của vua, của nhóm tộc lãnh đạo một liên minh bộ lạc (quan điểm của giới khoa học hiện đại vẫn chỉ coi Văn Lang là một nhà nước sơ khai, một hình thức liên minh bộ lạc). Nghĩa này khớp với Đại Việt Sử Lược viết Hùng Vương đóng đô ở Văn Lang dẫn ở trên.

- Hai là “mường của người Lang”, người Lang là giống người gì thì xin đọc tiếp phần dưới.

3. Phục nguyên chữ Kinh trong tên “người Kinh”

Luận điểm ưa thích của rất nhiều nhà nghiên cứu coi chữ “Kinh” trong tên người Kinh vốn xuất phát từ tên đất “Kinh 荊” tức vùng Hồ Bắc là vùng đất chính của nước Sở 楚thời Chu nên cũng gọi là “Kinh Sở” (thực ra nước Sở sau này mở rộng khỏi phạm vi đất Kinh rất nhiều). Đất Kinh bao gồm cả vùng hồ Động Đình ở Hồ Nam là đất cội nguồn của người Việt (người Kinh) trong truyền thuyết, nên giả thuyết trên quả thực rất hấp dẫn. Cả tên họ của vua Sở là họ “Hùng” và họ “Mị” cũng phù hợp với các danh xưng Hùng Vương (Vua Hùng), Mị Nương (Mệ Nàng, con gái vua Hùng) trong truyền thuyết của người Việt.

Tuy nghiên bám sát mặt chữ Hán thì chữ Kinh trong tên người Kinh (nghĩa là kinh đô) lại khác với chữ Kinh trong tên đất Kinh 荊(nghĩa là gai góc), cổ âm của chúng không thực sự đồng nhất như cách đọc hiện tại “kinh” ở tiếng Việt hay “jing” ở tiếng Hoa.

Phục nguyên chữ kinh (gai)

Karlgren: *ki ̯e ̆ŋ
Lí Phương Quế: *kjiŋ
Vương Lực: *kieŋ
Baxter: *krjeŋ
Trịnh Trương Thượng Phương: *keŋ
Phan Ngộ Vân: *keŋ

Phục nguyên chữ kinh (kinh đô)

Karlgren: *ki ̯a ̆ŋ
Lí Phương Quế: *kjiaŋ
Vương Lực: *kyaŋ
Baxter: *krjaŋ
Trịnh Trương Thượng Phương: *kraŋ
Phan Ngộ Vân: *kraŋ

Hãy chú ý đến phục nguyên của hai tác giả Trịnh Trương Thượng Phương và Phan Ngộ Vân, một chữ có âm đầu đơn k-, một chữ có âm đầu là tổ hợp có -r- (kr-), mà các tổ hợp có -r- thì nhiều trường hợp chuyển thành l- sau đời Hán như vậy chữ 京trong tên người Kinh có thể đọc ra “laŋ” tức Lang.

Một chứng cứ nữa nằm ngay trong hệ thống cấu tạo chữ Hán, đó là chữ kinh 京được dùng làm bộ phận biểu âm cho chữ lương 涼(nghĩa là mát lạnh), chú ý vần ang/ương rất dễ chuyển hóa cho nhau như ở các cặp từ đàng/đường, đang/đương, nàng/nường, tràng/trường .v.v.

Trong từ điển Việt Bồ La của A.D.Rhodes (1651) cũng có tên “người Lương”, ban đầu có lẽ dùng chỉ những người Kinh không theo đạo Gia Tô, về sau chỉ chung những người không theo tôn giáo nào, chỉ thờ cúng tổ tiên như thời thượng cổ. Khả năng tên “Lương” này vốn đã có từ rất xa xưa chứ không phải do các giáo sĩ phương Tây tùy tiện đặt ra, vì cho đến thời cận đại khi khai lý lịch người ta vẫn dùng chữ “Lương” để khai là không theo tôn giáo nào, mà “người Lương” vốn rất kỳ thị bên Công giáo, khó có chuyện mượn từ của bên Công giáo đặt ra.

Như vậy “người Kinh” cũng là “người Lang” hay “người Lương”, còn tên “Văn Lang” có cả nghĩa “Người Kinh” hay “Mường Kinh” ? Nếu lập luận của người viết đúng thì đây quả thực là một phát hiện rất thú vị.

4. Tên Văn Lang trong thư tịch cổ Trung Quốc.

Không phải Đại Việt Sử Lược đời Trần là sách đầu tiên đề cập tên Văn Lang, mà tên này đã có trong các thư tịch sớm hơn của Trung Quốc.

Sách 太平御覽Thái Bình Ngự Lãm, Bắc Tống (977 - 984). Chương Châu quận bộ thập bát 州郡部十八. Đoạn Lĩnh Nam Đạo 嶺南道. Nguyên văn:
《方輿志》曰:峰州,承化郡。古文郎國,有文郎水。亦陸梁地。秦屬象郡。二漢屬交趾郡。吳分置新興郡。晉改為新昌。陳置興州。隋平陳,改為峰州;煬帝初,廢。唐復置峰州。林邑記:蒼梧以南有文郎野人,居無室宅,依樹止宿,食生肉,采香為業,與人交易,若上皇之人。

Tạm dịch: Phương Dư chí viết: Phong Châu tức quận Thừa Hóa. Xưa là nước Văn Lang, có sông Văn Lang. Cũng là đất Lục Lương. Thời Tần thuộc Tượng quận. Tây Hán và Đông Hán thuộc quận Giao Chỉ. Nhà Ngô chia ra xếp vào quận Tân Hưng. Tấn đổi thành Tân Xương. Nhà Trần (557-589) gọi là Hưng Châu. Tùy thay Trần, cải ra Phong Châu; từ những năm đầu Tùy Dạng Đế (604-618) thì bãi bỏ. Đường triều khôi phục đặt là Phong Châu. Lâm Ấp Ký viết: Phía nam Thương Ngô có người Văn Lang hoang dã, sống không cần nhà cửa, dựa vào cây cổ thụ làm chỗ nghỉ ngơi, ăn thịt sống, lấy việc tìm hái hương liệu mưu sinh, trao đổi với người dưới xuôi, giống như thời tối cổ.

Xưa nay cụm từ 亦陸梁地(diệc Lục Lương địa) thường được diễn dịch là “cũng là xứ sở phóng túng hoành hành”, dựa theo nghĩa từ lục lương 陸梁là “hung cường”,  thường để chỉ  “giặc cỏ”. Sử ký của Tư Mã Thiên phần Tần Thủy Hoàng bản kỷ viết :

“略取陆梁地为桂林、象郡、南海”。司马贞史记索隐》:“谓南方之人,其性陆梁,故曰陆梁

Lược thủ Lục Lương địa vi Quế Lâm, Tượng Quận, Nam Hải. Tư Mã Trinh trong “Sử Ký Sách ẩn” viết vị nam phương chi nhân, kì tính lục lương, cố viết lục lương.

... Chiếm đất  Lục Lương đặt làm các quận Quế Lâm, Tượng Quận, Nam Hải. Tư Mã Trinh trong “Sử Ký sách ẩn” chú giải rằng lục lương là chỉ giống người  phương nam, do tính “hung cường”, nên gọi là Lục Lương) .

Theo người viết thì cách giải thích của sách vở Trung Quốc là xuyên tạc đầy ác ý. Nếu xét ngữ âm lịch sử thì chữ lục 陸có phục nguyên âm thượng cổ như sau

Karlgren: *li ̯ʊk
Lí Phương Quế: *ljəkw

Vương Lực: *liuk
Baxter: *c-rjuk
Trịnh Trương Thượng Phương: *m·rug
Phan Ngộ Vân: *mrug

Hãy chú ý phục nguyên của Trịnh Trương Thượng Phương và Phan Ngộ Vân *mrug có âm đầu là mr- còn âm cuối -g nếu đọc vang thì sẽ chuyển ra -ng tức là có thể ghi âm mrung. Trong quá trình tiêu biến của giới âm rung -r-, diễn ra khoảng đầu thời Hán tức thời Tư Mã Thiên viết Sử Ký, nó có thể chuyển hóa ra -i- hay -j- tức âm là mjung, khả năng mjung cũng là một dạng ghi âm chữ “mường”.

Vậy Lục Lương tức Mường Lương, cũng chính là Văn Lang như chúng tôi đã phục nguyên ở đoạn trên. Câu văn của Tư Mã Thiên như vậy phải dịch là Chiếm đất Văn Lang đặt làm quận Quế Lâm, Tượng Quận, Nam Hải.

Nếu đúng Lục Lương là một dạng ghi âm sớm của “Văn Lang” thì sách cổ nhất đề cập đến “Văn Lang” chính là Sử Ký của Tư Mã Thiên, một tài liệu rất có uy tín, cách không xa thời Văn Lang lắm (Tư Mã Thiên sinh năm 145 TCN cách năm nước Văn Lang mất 257TCN - theo Toàn Thư khoảng hơn 1 thế  kỷ, còn nếu tính lại năm nước Văn Lang mất là 210TCN - theo các học giả hiện nay thì chỉ cách 65 năm)

Về tên sông Văn Lang mà Thái Bình Ngự Lãm viết ở trên, đối chiếu trên bản đồ thì vùng Phong Châu phía trên Việt Trì chỉ có sông Hồng, cũng còn gọi là sông Phú Lương. Khả năng Phú Lương chính là cách gọi về sau của sông Văn Lang hay Lục Lương. Vì cổ âm của âm đầu ph- của chữ phú vốn là b- cũng có khả năng chuyển đổi từ m- (như ở từ mồ hôi/bồ hôi hay con bò tiếng Mường là con mò) còn âm cuối -g ở mrug đã phục nguyên ở trên cũng có thể tiêu biến đi ví dụ như ở các cặp từ cùng nghĩa như chăng/chẳng/chả, mộng/mơ, kỵ/cúng, chi/chưng, vị/vựng ... cả trong Hán ngữ cũng vậy, chữ 疑vốn có âm cuối thượng cổ là –g  (Karlgren phục nguyên là *ŋi ̯əg) đã tiêu biến ở âm trung cổ “nghi” nhưng lại biến ra –ng ở chữ ngưng 凝. Tóm lại quá trình diến biến từ âm Lục Lương thời thượng cổ ra âm Phú Lương thời trung cổ có thể là mrug=>mru=>bu=>phú. Tác giả Tạ Đức cũng có đề cập đến tên tộc người Blang (Bố Lang) ở Vân Nam đầu nguồn sông Hồng và cũng cho rằng đây là một dạng biến chuyển của tên Văn Lang [1], Bố Lang dẫn đến tên Phú Lương cũng phù hợp về ngữ âm lịch sử.

Chú ý Lâm Ấp ký đã được dẫn trong Thủy Kinh Chú của Lịch Đạo Nguyên  郦道元(?-527) thời Nam Bắc Triều, nên có lẽ nó phải có từ thời Tấn tức là tên Văn Lang xuất hiện khá sớm chứ không phải đến thời Tống mới có, chưa kể khả năng chữ tên Văn Lang vốn được lưu truyền trong sách vở của người Việt từ trước đó nữa... độc lập với chữ Lục Lương do người Hán phiên âm.

5. Dương Việt cũng là Văn Lang.

Trong phần phục nguyên chữ Lang ở trên đã dẫn tư liệu phục nguyên của Trịnh Trương Thượng Phương và Phan Ngộ Vân cho các chữ dương 陽và 楊là giống nhau và trùng chính xác với âm “lang”,  có tác giả như Vương Lực thì còn phục nguyên có giới âm -i- tức đọc gần như “lương”. Như vậy tên nước Dương Việt 楊越trong thư tịch cổ của Trung Quốc cũng đọc là Lang Việt, các tư liệu dưới đây chứng minh nước “Lang Việt” đó cũng chính là Văn Lang.

Chiến Quốc sách viết về Ngô Khởi (440TCN-381TCN):

 南攻楊越,北並陳、蔡V ...  (Nam đánh Dương Việt , bắc thôn tính Trần,  Sái ...). Do các nước Ngô - Việt ở vùng hạ lưu cửa sông Trường Giang là ở phía đông nước Sở nên Dương Việt không thể là vùng Ngô - Việt,  mà phía Nam của Sở phải hiểu là vùng Hồ Nam thuộc cương vực nước Văn Lang theo sử Việt, chính người Trung Quốc cũng thừa nhận vùng này là đất Lạc Việt cổ. Chú ý Chiến Quốc Sách chỉ viết “công” (đánh) Dương Việt chứ không dùng chữ “tính” (thôn tính) như với hai nước Trần, Sái, phù hợp thực tế là Văn Lang tuy đã bị mất vùng Hồ Nam nhưng vẫn còn rất rộng, chưa bị tiêu diệt. Từ thời Ngô Khởi nước Sở đã trở nên rất hùng mạnh, sau thời Ngô Khởi gần 50 năm đã diệt nước Việt (khi đó đã gồm cả Ngô) vào năm 334TCN, mở rộng bờ cõi ra tận bờ biển. Chú ý khi đó nước Sở đã chiếm hết vùng lưu vực Trường Giang rộng lớn nhưng vẫn không thôn tính được Dương (Lang) Việt, như vậy dân Văn Lang xem ra cũng “lục lương” và hùng mạnh chứ không phải là một nước nhỏ và yếu.     

Sử Ký của Tư Mã Thiên viết 秦時已并天下,略定楊越,置桂林、南海、象郡(thời Tần thôn tính thiên hạ, lược định Dương Việt đặt làm các quận Quế Lâm, Nam Hải, Tượng quận) . Theo nội dung câu văn thì Quế Lâm, Nam Hải, Tượng quận là đất Dương Việt tức Lang Việt hay Văn Lang. Các thư tịch Trung Quốc về sau chú giải Tượng Quận thời Tần là gồm cả Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam, tức cho là Tần đã chiếm được hết đất Văn Lang khi đó (không kể vùng Hồ Nam tức quận Trường Sa đã mất từ trước vào tay Sở). Nhưng đây là kiểu nói nhận vơ, thực tế Tần chưa chiếm được vùng trung tâm Văn Lang, khi đó đã đổi tên là Âu Lạc, tức  là đồng bằng Bắc Bộ Việt Nam, nơi có kinh đô Cổ Loa của An Dương Vương, mà ngược lại 30 vạn quân Tần cùng với chủ tướng Đồ Thư đã bị tiêu diệt khi đánh vào đất Tượng quận... chữ “lược định” mà Tư Mã Thiên dùng, có thể dịch gọn là “bình định”, nhưng thực ra “lược” còn có thể hiểu là “sơ lược” tức mới bình định sơ qua chứ chưa phải là đã thôn tính được hết đất Dương/Lang Việt. Nhiều sử sách sau thời Sử Ký cũng lặp lại thông tin trên.

Trong phần Hóa thực liệt truyện, Tư Mã Thiên còn viết:

“九疑、蒼梧以南至儋耳者,與江南大同俗,而楊越多焉。”  (Từ Cửu Nghi, Thương Ngô về phía nam tới Đam Nhĩ, phong tục đại để giống vùng Giang Nam, mà đa số là dân “Lang Việt”). Thông tin này rất quan trọng xác định dân vùng ven biển Lưỡng Quảng đa số là người “Lang Việt”, có truyền thống văn hóa không thua kém chi vùng Hoa Nam.

Phần“Tự tự” của Thái Sử Công (Tư  mã Thiên tự viết bài tựa sách Sử Ký)  viết như sau:

“漢既平中國,而佗能集楊越以保南藩,納貢職。作南越列傳第五十三” (Nhà Hán đã bình được Trung quốc, mà Triệu Đà biết chiêu tập được bọn Dương Việt để bảo vệ bờ cõi phía Nam, chịu nạp cống lễ. Nên ta viết thành quyển thứ 53 “Nam Việt Liệt Truyện”). Theo nội dung này thì phải hiểu nước Nam Việt của Triệu Đà là thu gộp các vùng đất Lang Việt, tức Văn Lang theo sử Việt.

Trong sách Phương Ngôn của Dương Hùng đời Tây Hán cũng có hai lần đề cập tên Dương Việt,  nhưng dùng chữ dương bộ thủ  揚,  điều này cho thấy đây là tên phiên âm, chỉ lấy âm chứ không lấy nghĩa, trích một ví dụ: 癡,騃也。揚越之郊凡人相侮以為無知謂之眲。眲,耳目不相信也。或謂之斫   (si, ngãi dã, Dương Việt chi Giao phàm nhân tương vũ dĩ vi vô tri vị chi nạch, nạch: nhĩ mục bất tương tín dã hoặc vị chi chước- Si là lẩn thẩn, người Dương Việt ở đất Giao gọi những kẻ lơ ngơ chả biết gì là “nạch”, ý là tai mắt chả biết nhìn nhận chi, hoặc còn gọi là “chước”), ở đây hãy chú ý thông tin nói Dương(Lang) Việt là ở đất Giao (tức Giao Chỉ hay Giao Châu, là tên của vùng đất Văn Lang khi nhà Hán đã đặt thành châu quận), thông tin này tái khẳng định “Lang Việt” cũng là Văn Lang, là Giao Châu.

Các dữ liệu trên gần như là tất cả các trường hợp có đề cập đến tên Dương Việt trong thư tịch Trung Quốc từ đời Hán về trước mà người viết đã tìm được, và tất cả đều có liên quan đến vùng đất Văn Lang cổ  hay Giao Châu thời Hán.

Chú ý thêm là họ của Thi Sách, chồng của bà Trưng Trắc theo nhiều tư liệu thần tích là họ Dương 楊, mà Thi Sách là dòng dõi Lạc Tướng huyện Chu Diên nên khả năng họ đó chính ra phải đọc là Lang theo tiếng Việt Mường, Lang tức là chủ của một vùng đất (mường) của người Việt Mường. Các hoàng tử con vua Hùng đều gọi là Lang như Lang Liêu, Linh Lang … Việc lấy chức tước hay tên đất phong làm họ là khá thông thường thời xưa…

 6. Tên Việt Thường có liên hệ với tên Văn Lang.

Sách Thái Bình Ngự Lãm còn dẫn Phương Dư Chí như sau:

嶺南道:《方輿志》曰:安南府,今理宋平縣。古越地,《禹貢》揚州之地,號為百越。在周為越裳重譯之地。秦屬象郡。漢為交趾、日南二郡界,后漢因之。唐為交州。
Lĩnh Nam đạo : 《Phương dư chí 》viết :An Nam phủ, kim lí Tống Bình huyện. Cổ Việt địa, 《Vũ cống 》Dương Châu chi địa, hiệu vi Bách Việt. Tại Chu vi Việt Thường trùng dịch chi địa. Tần thuộc Tượng quận. Hán vi Giao Chỉ, Nhật Nam nhị quận giới, hậu Hán nhân chi. Đường vi Giao châu.

Lược dịch: Đạo Lĩnh Nam: Sách Phương dư chí viết: Phủ An Nam, kiêm quản huyện Tống Bình là đất Việt cổ, Sách Vũ cống nói đất Dương châu gọi là Bách Việt. Thời Chu là đất Việt Thường phải qua mấy lần phiên dịch. Đời Tần thuộc Tượng quận. Hán  nằm trong địa giới hai quận Giao Chỉ, Nhật Nam, hậu Hán cũng thế. Đường đặt làm Giao châu ...

Theo nội dung trên thì trước thời Chu vùng đất từ Giao Chỉ đến Nhật Nam cũng được người Trung Quốc coi là đất Việt Thường, nhưng đó chỉ là một phần nhỏ ở phía Nam của nước Văn Lang theo sử Việt, đến trước đời Tần thì Văn Lang đã bị mất phần phía bắc dãy Ngũ Lĩnh nên “bộ Việt Thường” cũng co lại, chỉ còn là một phần nhỏ ở phía Nam Cửu Chân, khoảng Hà Tĩnh ngày nay.

* Vậy tên Việt Thường nghĩa là gì?

Phục nguyên âm chữ thường 裳:

Karlgren: ȡi ̯aŋ
Lí Phương Quế: djaŋ
Vương Lực: ʑiaŋ
Baxter: djaŋ
Trịnh Trương Thượng Phương: djaŋ
Phan Ngộ Vân: gljaŋ

So sánh thấy khá giống phục nguyên âm  chữ tượng象:

Karlgren: dzi ̯aŋ
Lí Phương Quế: rjaŋx
Vương Lực: ziaŋ
Baxter: zjaŋʔ
Trịnh Trương Thượng Phương: ljaŋʔ
Phan Ngộ Vân: ljaŋʔ

Tiếng Việt có từ “to tổ chảng”, chảng tức là con voi, âm chảng khá gần âm phục nguyên của chữ Tượng 象theo Baxter là *zjaŋ. Vì vậy Việt Thường có thể là “Việt Tượng”, “Việt Chảng” (Việt Voi), đây là tên đặt thuận theo cú pháp tiếng Việt chứ không theo cú pháp Hán là “Thường Việt” hay “Tượng Việt”. Tên này phù hợp với truyền thống sử dụng voi trong chiến đấu, trong sản xuất và cả trong các lễ hội của người Việt. Vùng có nhiều voi là vùng từ  Giao Chỉ kéo dài xuống tận Nhật Nam, tức Tượng Quận thời Tần mà Thái Bình Ngự Lãm đã viết, vì vậy việc vùng đất này có tên “Việt Chảng” , “Việt Voi” theo tiếng Việt hay Tượng Quận theo Hán ngữ xem ra cũng có lý.

Một hướng giải thích khác: vì “chang” cũng có thể là “chàng” là dạng biến âm của lang (có khả năng là âm cổ hơn) vậy Việt Thường cũng là Việt Lang, nếu đảo lại theo cú pháp Hán là Lang Việt và ký âm “lang” bằng chữ dương 楊  hay 揚thì cũng là Dương Việt. Tác giả Tạ Đức cũng có nhận định về liên quan giữa nước Việt Thường và nước Việt Chương ở vùng Giang Tây, có lẽ chỉ qua âm đọc hiện đại (chang so với zhang) nhưng trường hợp này xem ra Tạ Đức lại có lý, Tạ Đức (có lẽ) không biết chữ dương từng có âm đọc là “lang” nhưng lại có những nhận định khá chính xác, xin trích dẫn một đoạn sau:

 “Theo Meacham (1996:93): tên Dương Việt vào cuối thời Tây Chu (thế kỷ 8 TCN) còn thấy ở vùng trung lưu Dương Tử (vùng hồ Động Đình), nhưng đến cuối thời Chiến Quốc (thế kỷ 3 TCN) lại thấy ở Nam nước Sở (Nam Hồ Nam), đến thời Tần- Hán thì thấy ở Quảng Đông và tận Quế Lâm, Quảng Tây. Sự di chuyển của tên gọi Dương Việt đó đã phản ánh sự thiên di liên tục về phía Nam của người Việt Thường dưới sức ép bành trướng của Sở xuống Hồ Nam, mạnh nhất vào thế kỷ 5 TCN. Dương Việt chính là một tên gọi khác của Việt Thường cũng như của các tên gọi Thương Ngô và Tường Kha...”. Nhận định này phù hợp với việc lãnh thổ Văn Lang (Dương Việt, Lang Việt) bị Sở xâm lấn, biên giới dịch chuyển dần về phía Nam.

Phan Anh Dũng

Nguồn: Văn hóa Nghệ An, ngày 23.2.2020.

 

TÓM TẮT

Bài viết này đề xuất cách giải thích tên “Văn Lang” là “Mường Lang”, cũng là “Mường Kinh” và nghĩa gốc là “Người Kinh”, lập luận dựa vào các cứ liệu ngữ âm lịch sử và các dữ liệu ở thư tịch cổ. Ngoài ra có khảo chú mở rộng các tên liên quan đến tên Văn Lang là Lục Lương, Dương Việt, Việt Thường.

Tài liệu tham khảo:

1. Phục nguyên âm thượng cổ Hán ngữ ở trang web của Đại học Thượng Hải http://www.eastling.org/oc/oldage.aspx có bản sao ở trang http://fanzung.com/?page_id=445

2.中上古汉语音的纲要, 高本汉, 齐鲁书社, 济南. 1987.

3. A Handbook of Old Chinese PhonologyGS William Baxter (1992, New York, Berlin).

4. 古漢語字典, Vương Lực, Cổ Hán ngữ tự điển.

5. Etymological_Dictionaryof old Chinese, Axel Schuessler, 2007 University of Hawai’i Press.

6. Từ điển Mường Việt .  Nguyễn Văn Khang (chủ biên), Bùi Chỉ, Hoàng Văn Hành, NXB Văn hóa dân tộc. 2002

7. Giáo trình Lịch sử ngữ âm tiếng Việt. Nguyễn Tài Cẩn, NXB Giáo Dục, Hà Nội. 1995

8. Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán Việt. Nguyễn Tài Cẩn. NXB Đại học Quốc gia, Hà Nội. 2000

9. Nguồn gốc người Việt - người Mường.  Tạ Đức . NXB Tri Thức 2013.


[1] Người Bố Lãng (chữ Hán: 布朗族- Bố Lãng tộc), một vài từ điển phiên thành người Bu-răng, còn gọi là Bulong hay Blang.

Thông tin truy cập

60530909
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
12402
10018
60530909

Thành viên trực tuyến

Đang có 288 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website