Biến đổi ngữ nghĩa với quá trình ngữ pháp hóa của một số từ làm thành tố phụ trong ngữ vị từ tiếng Việt

20180311 chuan chinh ta

          1. Dẫn nhập

          Ngữ vị từ (verb phrase), là một loại ngữ đoạn phụ kết (hypotactic phrase) có thành tố trung tâm (thành tố chính) là vị từ[1] và các thành tố phụ đứng trước trung tâm, sau trung tâm, được tổ chức theo những nguyên tắc nhất định, có chức năng mở rộng và góp phần điều biến quan hệ ngữ pháp (thời, thể, hướng, v.v..), điều biến thái độ ngữ pháp của vị từ trung tâm, biểu hiện hoặc gia tăng tình thái… để vị từ thực hiện những chức năng của chính nó, không gồm bổ tố trạng tố của nó. Ngữ vị từ thực hiện chức năng, vai trò ngữ pháp tương đương như vị từ và mang những đặc điểm ngữ nghĩa, ngữ pháp như vị từ. Trong một nghiên cứu gần đây (Vũ Đức Nghiệu: 2019), chúng tôi đã đề nghị lựa chọn một mô hình miêu tả ngữ vị từ mà theo đó, những thành tố trước nay vẫn thường được xử lý, miêu tả là bổ tố, trạng tố của vị từ trung tâm sẽ nằm ngoài khuôn khổ của cấu trúc ngữ vị từ. Vì vậy, trong tổ chức câu nói, một thành tố phụ nào đó của vị từ trung tâm, nhất là những thành tố phụ đứng ở phía sau, có thể bị đẩy ra xa trung tâm, bởi một thành phần phụ nào đó của câu có thể chen vào đứng giữa vị từ trung tâm với thành tố phụ đó của nó. Điều này được quy định và chi phối bởi rất nhiều nhân tố ngữ pháp, ngữ nghĩa và/hoặc ngữ dụng. Ngữ pháp tiếng Việt từ thời tiếng Việt cổ đến nay đều phản ánh thực tế này. Ví dụ: chửa có tra vào sách (LsAn. tr.164)[2], ứa nước mắt ra (Ttâm. tr.53).

          Trong nghiên cứu Việt ngữ học, các từ làm thành tố phụ trong ngữ vị từ từng được gọi tên bằng những thuật ngữ ít nhiều khác nhau; ví dụ: phó từ (Diệp Quang Ban 2005), tr động từ (Nguyễn Kim Thản 1975), quan hệ từ (Быстров và cộng sự 1975; Nguyễn Tài Cẩn 1975, Nguyễn Lai 1990), từ công cụ hoặc modificateur (Panfilov 1993), verbes auxiliares - trợ động từ (Cadier 1958)... và trong số đó, không ít từ vốn là thực từ chuyển hóa thành. (Theo thống kê sơ bộ của chúng tôi, ít nhất có tới khoảng 25 từ làm thành tố phụ trong ngữ vị từ của tiếng Việt hiện đại: không, một, đã, còn, ra, vào, lên, xuống, về, lại, sang, qua, lấy, tới, đến, được, phải, mất, rồi, xong, đã, đoạn, liên, lắm, thật).

          Vấn đề là, sự chuyển hóa, biến đổi về ngữ nghĩa ngữ pháp của những từ như thế, nếu có, thì xuất phát từ đâu và diễn ra như thế nào? Câu hỏi vẫn đang được những người nghiên cứu Việt ngữ học tiếp tục cố gắng tìm lời giải đáp. Thực tế là, từ trước đến nay, hiện tượng này đã được nhìn nhận và đánh giá trong khi thảo luận về các quá trình gọi là hư hóa, hay chuyển từ loại nói chung (Nguyễn Anh Quế 1988; Nguyễn Lai 1990; Nguyễn Kim Thản 1975, Hà Quang Năng 1998). Chúng tôi thấy hiện tượng và quá trình một thực từ (thường là vị từ) đảm nhiệm vai trò phó từ, làm thành tố phụ cho vị từ trung tâm, có thể được làm rõ hơn khi ta soi chiếu nó bằng lý thuyết về ngữ pháp hóa (grammaticalization), trong đó, sự biến đổi nghĩa là một trong những nhân tố bên trong quan trọng hàng đầu.

          Thuật ngữ ngữ pháp hóa và vấn đề ngữ pháp hóa vốn được Meillet A. đề xuất từ 1912. Thuật ngữ này chỉ quá trình biến đổi ngôn ngữ học của một đơn vị từ vựng tính, độc lập, để có được chức năng của một đơn vị biểu thị (những) ý nghĩa ngữ pháp (Bussmann 1996: 196). Còn Wischer (2006: 130) thì phát biểu cụ thể hơn: “Nói chungngữ pháp hóa được xem như một quá trình, mà theo đó, các yếu tố ngôn ngữ (từ vựng, ngữ dụng, hay thậm chí là ngữ âm) biến đổi thành những yếu tố của ngữ pháp, hoặc những yếu tố ngữ pháp trở nên có ngữ pháp tính hơn. Ví dụ, trợ động từ phát triển từ động từ, tiền giới từ phát triển từ danh từ, biến tố phát triển từ giới từ tự do, sự thay đổi trật tự từ để biểu thị các ý nghĩa dụng học, đề hoặc thuyết trong trật tự từ ngữ pháp biểu thị các cách cú pháp của chủ ngữ và tân ngữ”.

          Thực chất, ngữ pháp hóa là quá trình hình thành những yếu tố, những dạng thức ngữ pháp, như hư từ hay phụ tố chẳng hạn, từ (những) yếu tố, dạng thức từ vựng tính (lexical) vốn có từ trước. Đó là quá trình nhằm vào một hướng chung, trong đó, “sự phát triền từ nghĩa cụ thể hơn đến nghĩa trừu tượng hơn ở cấp độ ngữ nghĩa, song hành với sự phát triển từ mức hài hòa thấp hơn đến mức hài hòa cao hơn ở cấp độ hình thái cú pháp” (Bisang 2004:109).

          Từ những nhận thức như vừa trình bày vắn tắt trên đây, trong bài viết này, chúng tôi tập trung nghiên cứu về quá trình ngữ pháp hóa của một số phó từ làm thành tố phụ trong ngữ vị từ. Cụ thể là, chúng tôi sẽ thực hiện hai công việc, với nội dung cụ thể như sau:

          - Thứ nhất, khảo sát quá trình biến đổi nghĩa để có được (những) nghĩa ngữ pháp và chức năng ngữ pháp trong quá trình ngữ pháp hóa của từ (thông qua nghiên cứu trường hợp từ đã);

          - Thứ hai, thử nghiệm khảo sát theo định lượng về sự xuất hiện (được sử dụng) với cương vị là vị từ [+V] của các từ: ra, vào, lên, xuống, về, lại, sang, qua và sự xuất hiện (được sử dụng) không phải với cương vị là vị từ [-V] tương ứng, làm thành tố phụ sau vị từ trung tâm.

          Sau các khảo sát đó, sẽ là một số nhận xét và thảo luận có liên quan. Nguồn ngữ liệu được khảo sát là một số văn bản đại diện từ thời tiếng Việt cổ đến tiếng Việt hiện đại (xem danh sách cụ thể ở cuối bài).

 

          2. Khảo sát sự biến đổi ngữ nghĩa trong quá trình ngữ pháp hóa: Trường hợp từ đã

          Biến đổi ngữ nghĩa là bước khởi đầu quan trọng và phổ biến trong các quá trình ngữ pháp hóa. Để làm rõ hơn những điều vừa trình bày bên trên, chúng tôi sẽ bắt đầu bằng việc phân tích như một nghiên cứu trường hợp, về quá trình biến đổi ngữ nghĩa, ngữ pháp của từ đã - vốn là một vị từ - trong quá trình nó được ngữ pháp hóa để trở thành một chỉ tố ngữ pháp và ngữ dụng, làm thành tố phụ trong ngữ vị từ.  

          2.1. Đã - một vị từ

Từ đã ngày nay (như trong các ngữ đoạn: đã xem, nghỉ đã ...) là một từ ngữ pháp tính (grammatical word) - phó từ. Kết quả khảo sát các nguồn ngữ liệu thuộc giai đoạn tiếng Việt cổ, trung đại, cận đại, hiện đại, cho thấy rằng: phó từ đã này đã hình thành qua quá trình ngữ pháp hóa vị từ đã. Đã - thực từ - vị từ có nghĩa: “xong, kết thúc, hoàn tất, khỏi hẳn (bệnh tật)”. Từ này có một biến thể phát âm là đà. Các văn bản chữ Nôm, ngôn ngữ văn chương, thơ ca, v.v.. cho thấy rất rõ điều đó.

          Ta có thể kiểm chứng nghĩa “xong, kết thúc, hoàn tất, khỏi hẳn” của đã qua những ngữ liệu thời tiếng Việt cổ, trung đại như:

          a) Trong 30 lần đã/đà hiện diện ở văn bản Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh (gọi tắt là Phật thuyết - văn bản chữ Nôm cổ nhất còn lại đến nay, khoảng thế kỷ XII) , có 4 lần đích thực nó là vị từ:

          con nhược đà ốm [khỏi ốm hẳn rồi] (tr.18a),  

          việc gả đà đã [đã xong xuôi/hoàn tất rồi] (Pth. tr.22a)

          sám hối đà đã [xong xuôi/hoàn tất rồi] (Pth. tr.44b) 

          khuyến thỉnh đà đã [xong xuôi/hoàn tất rồi] (Pth. tr.44b)

          Cương vị vị từ của đã trong các ngữ cảnh đó được chứng thực qua hai điểm:  

          Thứ nhất, về ngữ pháp, nó có một phó từ đà/đã, là kết quả ngữ pháp hóa của chính đã - thực từ (chúng tôi sẽ trình bày dưới đây) đứng đằng trước làm thành tố phụ (việc gả đà đã, sám hối đà đã, khuyến thỉnh đà đã).    

          Thứ hai, về ngữ nghĩa, đã được dùng để giải âm (đối dịch nghĩa) từ (= hoàn tất, xong xuôi rồi) trong văn bản Hán văn gốc[3] (trừ ngữ cảnh “con nhược đà ốm (tr.18b), từ đã được thêm vào câu tiếng Việt để dịch câu bên Hán văn: Tử nhược bệnh trừ). Cụ thể là:

việc gả đà đã (tr.22a) Giá sự ngật
sám hối đà đã (tr.44b) Sám hối
khuyến thỉnh đà đã (tr.44b) Khuyến thỉnh
con nhược đà ốm (tr.18b) Tử nhược bệnh trừ

          b) Trong một số nguồn ngữ liệu khác, chúng tôi cũng thấy tình hình tương tự. Ví dụ:

          - Trong văn bản Đắc thú lâm tuyền (Đthú.): Ai hay cóc được, mới óc là đã (tr.30b)

          - Văn bản Truyền kỳ mạn lục (TkMl.) có 212 lần đã/đà xuất hiện (được sử dụng) thì có 3 lần đích thực là vị từ: đã tật chẳng chi bằng thuốc đắng (q4, tr.15a), sau vài ngày, nhà ngươi Lê Ngộ cùng được đã khỏi (q4, tr.67a), cái đàn cái nậm chẳng đã sự khó (q1, tr.22a).                  

          - Trong văn bản Lịch sử nước Annam (LsAn.): có thầy Không Lồ chữa mới đã (tr.155)

          - Trong Từ điển Việt - Bồ Đào Nha - La tinh (tđRhode.): Đã: Được khỏi bệnh. Đã đã: nó đã khỏe.

          Trên cơ sở khảo sát quá trình biến đổi ngữ nghĩa, quá trình biến đổi và phát triển các đặc điểm, chức năng ngữ pháp của từ đã qua các giai đoạn lịch sử khác nhau chúng tôi thấy nó có hai hướng biến đổi và phát triển chính.

          2.2. Hướng biến đổi và phát triển thứ nhất

          Hướng này đưa đến đặc điểm ngữ pháp: đã đứng trước vị từ trung tâm trong ngữ vị từ. Ở đây có ba kết quả được phân biệt:

          2.2.1. Từ nghĩa “xong, hoàn tất, khỏi hẳn”, đã thu hẹp nghĩa lại, biểu thị nghĩa quá khứ: (hành động, sự tình) diễn ra rồi (so với thời điểm mốc nào đó được xác định nhờ ngữ cảnh). Chính nhờ nghĩa này mà về mặt ngữ pháp, đã được phân bố ở vị trí trước một vị từ, kết hợp với vị từ và đưa vị từ vào làm vị ngữ để biểu thị cái hành động, sự tình diễn ra trước thời điểm phát ngôn hay một thời điểm nào đó được lấy làm mốc, nhiều khi có thêm hàm ý “sớm hơn dự tính”. Khi đó, về mặt ngữ nghĩa, đã khiến cho vị từ biểu thị trạng thái, tư thế, tính chất ... như là những kết quả của một quá trình biến chuyển, vận động. Ví dụ: nửa ngày đã tan (Pth. tr.9a).

          Điều này thể hiện liên tục và rộng rãi trên ngữ liệu từ thời văn bản Phật thuyết cho đến ngày nay. Ở vị trí liền đằng trước một vị từ khác và biểu thị ý nghĩa “(hành động/sự tình) xảy ra rồi”, đã đảm nhiệm vai trò của một chỉ tố ngữ pháp mà hiện nay thường được gọi là chỉ tố “thời quá khứ”. Ví dụ:

          tội bằng đã qua (Pth. tr.44a) 

          thầy tu trước đã nên Phật quả (HYên. tr.33b)

          hoa đà tàn, liễu đà xơ (KhL. tr.9a)

          đã điếc hai tai (Qâtt. Ngôn chí, b.5)

          ngươi Trọng Quỳ đã lớn (TkML.q1. tr.16a)

          đã rông thói tối tăm (TkML.q2, tr.16b)

          đã sinh nên trời đất (Phgi. tr.9)

          đã bỏ đạo cho đến rày (Thư18. vb.6)

          bóng chiều đã ngả (TK. c.114)

          tôi đã tìm đến (Sss. tr.2)

          coi đã vắng tiếng, thì đã biết họ đã đi rồi (Chđx. tr.100)

          có chữ đề mà đã mòn đã lu đi (ChđiBk.)

          đã sinh ra một đứa con trai (NHdn. tr.13)

          công việc nhà trường đã rỗi mà mọi chuyện cũng đã qua rồi (Ttâm. tr.3).

          Kết quả này phát triển mạnh mẽ nhất trong các biến đổi của đã; và điều này cũng phản ánh qua và tần suất sử dụng của nó.

          2.2.2. Không chỉ đứng trước làm thành tố phụ cho vị từ trung tâm trong ngữ vị từ, đã còn đứng trước cả những danh từ/danh ngữ, hoặc thậm chí trước một tiểu cú được tổ chức như những ngữ cố định. (Danh từ/danh ngữ hoặc ngữ cố định đó biểu thị hành động, hoặc đặc trưng, trạng thái, tư thế ..., có cương vị ngữ pháp như thành tố trung tâm trong ngữ đoạn). Lúc này, về mặt ngữ pháp, đã “tham gia vào việc tổ chức một thành tố cú pháp” (Nguyễn Tài Cẩn 1975: 263), đưa nó vào làm phần thuyết của câu (chứ không phải là sự lập thức đã kết hợp được với danh từ/danh ngữ). Về mặt ngữ nghĩa, đã giúp cho các danh từ/danh ngữ, ngữ cố định đó thể hiện thông tin: (những) vận động hoặc đặc trưng, trạng thái, tư thế ... đó, là kết quả của quá trình chuyển biến từ một sự tình, trạng thái ngược lại với trạng thái hiện hữu. Điều này đã có từ thời tiếng Việt cổ đến nay. Ví dụ:

          sẩm gióng mây tóc đà mai trắng (KhL. tr.37b)

          mặt trời đà nửa ngày mà lại hầu xế (KhL. tr.40b)

          bóng nguyệt đà nửa treo gương (KhL. tr.46b)

          mặt trời đỏ đã ba sào (TkMl.q3. tr.17b)

          đã mọt đục nhậy cắn (TkMl.q4, tr.54a)

          đã suối tuôn sóng hoa đào vậy (TkMl.q1. tr.62b).

          2.2.3. Từ nét nghĩa thời gian “(hành động, sự tình) diễn ra rồi, diễn ra trước thời điểm phát ngôn hay một thời điểm nào đó được lấy làm mốc”, đã tiếp tục chuyển nghĩa, hàm thêm ý tình thái đánh giá “sẵn rồi, lâu rồi (so với dự kiến hoặc so với điều kiện thông thường)”, biểu thị các nội dung ngữ nghĩa và ngữ dụng sau đây:

          a) “Đã có A rồi, lại còn thêm B nữa” (hai vế A và B hô ứng với nhau: đã A lại B, đã A còn B, đã A chưa B). Ví dụ:

          Đã hiếp nước Ngụy lại giết nước Yên (TkMl.q1. tr.9a),

          Đã chẳng lòng tiếc lại chẳng mặt khoe (TkMl.q2. tr.75b),

          chưng thuở sống người đã chẳng thấy hình chưng khi thác người lại chẳng hay (TkMl.q4. tr.25a),

          b) “Điều kiện/ trạng thái A nhưng diễn ra B” (hàm ý sớm hơn mong đợi, sớm hơn theo lẽ thường). Hai vế A và B hô ứng với nhau (vừa A đã B, chưa A đã B, mới A đã B, còn A đã B). Ví dụ:

          Song ngươi Lý đã thấy biết đấy lại theo mà rông đấy (TkMl.q4. tr.25a),

          nói chửa rồi đã thấy con gái ấy ở nhà bên tả bước ra (TkMl.q3, tr.6b),

          kẻ dâng lời ngay ấy chửa nói mà đã phải giết (TkMl.q3, tr.29b).

          c) “Điều kiện, nguyên nhân A, sẽ nhất định B” (đã A thì B, đã A ắt B, đã A tất B). Ví dụ:

          Đã trái lòng trời ắt phạm hình trời giết (TkMl.q4. tr.15b)

          sự đã dường ấy cắn rốn nào kịp (TkMl.q1. tr.27a).

          2.3. Hướng biến đổi và phát triển thứ hai

          Hướng này làm cho đã được phân bố ở vị trí sau một vị từ khác. Ở đây cũng có ba kết quả được phân biệt.

          2.3.1. Từ nghĩa “xong, kết thúc, hoàn tất, khỏi hẳn (bệnh tật)” đã thu hẹp phạm vi, biểu thị nghĩa “xong rồi hoàn tất”, làm thành tố phụ đứng sau vị từ trung tâm, biểu thị ý nghĩa ngữ pháp “hoàn tất” của hành động, sự tình do vị từ trung tâm biểu thị. Ví dụ, trong văn bản Phật thuyết có 7 ngữ đoạn như:

          kính lễ là Bụt đã [= xong/xong rồi] trả áng nạ ơn (tr.4b)

          kính lễ Bồ tát xưa đà [= xong/xong rồi] trả ơn cha mẹ (tr.5a)

          sinh đã [= xong/xong rồi] mắng con khỏe (tr.13a)   

          mừng đã [= xong/rồi] thương lại đến (tr.13a)

          tùy hỷ đã [= xong/rồi] (tr.45a)     

          hồi hướng đã [= xong/rồi] (tr.45b)

          phát nguyện đã [= xong/xong rồi] (tr.46a)

          Tuy nhiên, phải nói rằng, ở đây, bản chất ngữ pháp và ngữ nghĩa “vị từ” của đã chưa giải tỏa, bào mòn hoàn toàn. Có thể đây là những trường hợp “trung gian” của thực từ đã trong quá trình phát triển, bào mòn ngữ nghĩa, quá trình ngữ pháp hóa của nó. Ở bảy ngữ cảnh vừa nêu, nếu ta thêm đà/đã (phó từ) vào trước các từ đã có sẵn trong đó, thì bản chất vị từ của đã trong các ngữ cảnh đó sẽ hiện lên rất rõ ràng.

kính lễ là Bụt * đà đã [= xong/xong rồi]
kính lễ Bồ tát xưa * đà đà [= xong/xong rồi]
sinh * đà đã [= (đã) xong rồi]
mừng * đà đã [= xong/rồi]
tùy hỷ * đà đã [= xong/rồi] 
hồi hướng * đà đã [= (đã) xong/rồi]
phát nguyện * đà đã [= xong/xong rồi]  

          Trong các trường hợp này, đã có ngữ nghĩa và ngữ pháp cũng giống như các từ rồi, đoạn trong tiếng Việt cổ, trung đại, cận đại và xong, rồi trong tiếng Việt ngày nay. Ví dụ: hồi hướng đoạn rồi (KhL. tr.43a), khuyến thỉnh đà đoạn rồi (KhL. tr.49b), viết xong - viết chưa xong, (việc bé con con mà) làm mãi không rồi.

          Ngoài đã ra, ba từ xong, rồi, đoạn trong tiếng Việt vốn cũng là ba vị từ, được ngữ pháp hóa và đảm nhiệm vai trò của chỉ tố ngữ pháp biểu thị nghĩa “hoàn thành/ kết thúc”. Vì thế, các kết hợp ngữ pháp như: đã xong, xong rồi, đã xong rồi trong tiếng Việt là rất bình thường. Ta chỉ có thể nhận ra tư cách vị từ hay tư cách phó từ của các từ này trong từng ngữ cảnh cụ thể mà chúng tham gia trong đó.

          Chính các mức độ và chiều hướng biến chuyển ngữ nghĩa, ngữ pháp của đã đã khiến cho, trong văn bản Phật thuyết cũng như Khóa hư lụcTruyền kỳ mạn lục, nó thường được dùng để dịch từ , của Hán văn, nhưng cũng có khi được dùng tùy theo cách của ngữ pháp tiếng Việt (Nôm) chứ không phải chỉ để dịch , . Ví dụ:

          - Trong Phật thuyết có 27 ngữ vị từ dùng đã - phó từ hoặc vị từ, thì 10 trường hợp trong số đó, đã được dùng để giải âm từ . Chẳng hạn:

Sinh đã mắng con khỏe (tr.13a) Sinh văn nhi kiện
Tùy hỷ đã (tr.45a) Tùy hỷ
Hồi hướng đã (tr.45b) Hồi hướng
Phát nguyện đã (tr.46a) Phát nguyện
Mừng đã thương lại đến (tr.13a) Hỷ định # bi hoàn
Tuổi đã già mặt mũi đã suy (tr.37a) Niên # lão sắc # suy
Nửa ngày đã tan (tr.9a) Tảo thần phương tụ ngọ thời # tiêu tán

          - Chúng tôi kiểm kê trong Truyền kỳ mạn lục, có 212 lần xuất hiện từ đã/đà thì theo Washizawa (2018), có 80 lần đã được dùng để dịch từ và 68 lần đã được dùng để dịch từ ; còn lại là các khả năng khác.

          Hướng biến chuyển thứ hai này của đã đã đưa nó vào cùng hệ đối vị với các vị từ rồi, đoạn, xong từ thời tiếng Việt Cổ, trung đại.

          2.3.2.đã đi vào hệ đối vị cùng với rồi, đoạn (và xong về sau này), nên trong văn bản Khóa hư lụcTruyền kỳ mạn lục có một số cách dùng đã, rồi, đoạn khá đặc biệt, cần phải có những phân tích thêm.

          - Thứ nhất, rồi, đoạn vốn cũng là những vị từ, biểu hiện nghĩa “xong, kết thúc, hoàn tất”. Ví dụ: chịu cho rồi thửa tội nghiệp (KhL. tr.23a), biết ngày nào cho rồi (KhL. tr.22a), chờ chưng đến lúc việc rồi sớm mai bèn ăn chay trắng (KhL. tr.56b), Chỉn rốt trăm năm đến khi mệnh rồi mà bèn liền hết (KhL. tr.63a), nói chửa rồi (TkMl.q2. tr.10b).

          Trong quá trình phát triển của ngữ pháp tiếng Việt, hai từ: rồi, đoạn cũng có biến chuyển ngữ nghĩa, được ngữ pháp hóa, phân bố sau một vị từ khác, biểu thị ý nghĩa “xong, kết thúc, hoàn tất” của hành động, sự tình do vị từ đó biểu thị. Ví dụ: tanh ra hôi hám rồi (KhL. tr.15b), đến lúc lảu biết rồi (KhL. tr.17a), đọc rồi thấy người lại giục ngươi Hữu Chi rạp nằm dưới cửa (TkMl.q4. tr.22a), ca rồi giũ tay áo mà đi dài (TkMl.q3. tr.17b), nói rồi kẻ chiêu đăm chăng là chẳng sùi sụt khóc sa nước mắt (TkMl.q4. tr.3a).

          - Thứ hai, trong Phật thuyết có:

          7 lần dùng kết cấu V + đã: Kính lễ là Bụt đã trả áng nạ ơn (tr.4b), Kính lễ Bồ tát xưa đà/đã trả ơn cha mẹ (tr.5a), Sinh đã mắng con khỏe (tr.13a), Mừng đã thương lại đến (tr.13a), Tùy hỷ đã (tr.45a), Hồi hướng đã (tr.45b), Phát nguyện đã (tr.46a);

          2 lần dùng kết cấu V + đà đã (đã = vị từ, biểu thị nghĩa “xong, kết thúc, hoàn tất”): Sám hối đà đã  (tr. 44b), Khuyến thỉnh đà đã (tr.44b);

          1 lần dùng kết cấu Danh ngữ + đà đã: Việc gả đà đã (tr.22a); nhưng trong văn bản Khóa hư lụcTruyền kỳ mạn lục không thấy dùng kết cấu này. Thay vào đó, Khóa hư lục có 7 lần dùng tổ hợp đoạn rồi, 9 lần dùng đà đoạn rồi, 1 lần dùng đoạn. Đối chiếu với bản Khóa hư lục Hán văn, chúng tôi thấy cả đoạn rồi lẫn đà đoạn rồi đều ứng với (dùng để dịch) từ Hán Việt [4]. Ví dụ: hồi hướng đoạn rồi (KhL. tr.43a), là phát nguyện đoạn rồi (KhL. tr.44a), khuyến xin đà đoạn rồi (KhL. tr.36a), là theo mừng đà đoạn rồi  (KhL. tr.rồi 36a).

          Trong các ngữ cảnh này, đoạnrồi đều vẫn biểu thị nghĩa “xong, kết thúc, hoàn tất” nhưng đoạn là vị từ - thành tố chính, còn rồi thì đảm nhiệm vai trò thành tố phụ biểu thị ý nghĩa “hoàn tất” cho đoạn.

          Trong Truyền kỳ mạn lục có 7 lần sử dụng tổ hợp đã rồi. (Khóa hư lục cũng có một lần dùng đã rồi: phát nguyện đà/đã rồi - tr.37a). Dưới đây là 7 lần xuất hiện của đã rồi trong Truyền kỳ mạn lục:

          (1) Táng tế lễ đã rồi  (q1. tr.17b)            

          (2) Nghe đoán đã rồi (q2. tr.16b)           

          (3) Đốt đã rồi về nhà mình biết chẳng vui (q2. tr.39b) 

          (4) Ngươi Thiên Tích uống đã rồi (q1. tr.54b)                       

          (5) Ta chưng noi trải đã rồi mắng biết (q1. tr.55a)                 

          (6) Đã rồi về nhà dắt hai con, vỗ thửa cật rằng (q1. tr.27b)         

          (7) Đã rồi bèn lên gác tấu nhạc (q2. tr.55b).                          

          Đối chiếu với văn bản Hán văn, chúng tôi thấy:

          Xét các ngữ cảnh (1), (2), (3): tổ hợp đã rồi gồm hai từ, được dùng đối dịch từ tất (悉) bên Hán văn, có nghĩa “xong, hoàn tất”. Vì vậy, có thể hiểu cả tổ hợp đã rồi, không riêng một thành tố nào, biểu thị nghĩa “xong, hoàn tất” như từ tất của Hán văn. 

          Trong ngữ cảnh (4), đã rồi lại được dùng để giải âm tổ hợp ký tất (既 悉). Ở đây, một tổ hợp hai từ được dùng để đối dịch một tổ hợp hai từ bên Hán văn. Xét thấy bên văn bản Nôm (tiếng Việt), đã rồi trong bốn ngữ cảnh (1), (2), (3), (4) đều có cùng mô hình kết hợp là V + đã rồi, biểu thị nghĩa “V [đã] xong”, “V [đã] hoàn tất”, cho nên đã rồi trong cả bốn ngữ cảnh này có ba cách hiểu:

          a) Cách thứ nhất: tổ hợp đã rồi gồm hai thành tố đẳng lập, đều biểu thị nghĩa “xong, hoàn tất”. Tổ hợp đã rồi trong ngữ đoạn: phát nguyện đà/đã rồi (tr.37a) của Khóa hư lục, được dùng để dịch từ . Văn bản Phật thuyết dùng từ đã cũng để dịch từ . Ví dụ: tùy hỷ đã (tr.45a), hồi hướng đã (tr.45b), phát nguyện đã (tr.46a)... Điều này cho thấy nghĩa “hoàn tất” (nghĩa cổ) của đã tương đương với đã rồi. Cách hiểu thứ nhất này là có cơ sở.

          Hiện tượng ngữ nghĩa, ngữ pháp của tổ hợp đã rồi tương đương với đã là sản phẩm có tính quá độ trong quá trình ngữ pháp hóa của đãrồi khi mức độ ngữ pháp hóa của chúng chưa đạt đến mức tuyệt đối/ tối đa. Việc dùng tổ hợp đã rồi gồm hai thành tố đều có nét nghĩa “hoàn tất” để biểu thị nghĩa “hoàn thành”, không có gì quá đặc biệt. Trước nay tiếng Việt vẫn có lối kết hợp hai đơn vị gần nghĩa, đồng nghĩa, thậm chí trái nghĩa nhau để biểu thị nghĩa tổng hợp hơn, khái quát hơn: hơn nữa, mua bán, đổi chác, đầu đuôi, già trẻ, xe cộ, thuyền bè...

          b) Cách thứ hai: tổ hợp đã rồi là tổ hợp gồm rồi là thành tố chính - vị từ (= xong), đã là thành tố phụ - phó từ, đứng trước rồi, điều biến, khẳng định thêm ý nghĩa hoàn tất cho rồi, vì quá trình ngữ pháp hóa của đã diễn ra sớm hơn rồi [5]. Cách hiểu này có lẽ gần với thực tế lịch sử và xu thế diễn biến ngữ pháp hóa của hai từ này hơn.

          c) Cách thứ ba: tổ hợp đã rồi gồm đã là thành tố chính - vị từ (= xong); còn rồi là thành tố phụ - phó từ, đứng sau đã, điều biến, khẳng định thêm ý nghĩa hoàn tất cho đã.

Với cách cả ba hiểu về ngữ pháp như vừa trình bày, về mặt ngữ nghĩa, trong các ngữ cảnh (1), (2), (3), (4) trên đây ta có thể xác định:

(1) táng tế lễ đã rồi = táng tế lễ đã xong/ xong hẳn rồi
(2) nghe đoán đã rồi  = nghe đoán đã xong/ xong hết rồi
(3) đốt đã rồi           = đốt đã xong/ xong hết rồi
(4) uống đã rồi  = uống đã xong/ xong rồi.

         

          Xét ngữ cảnh (5): Ta chưng noi trải đã rồi mắng biết (q1. tr.55a). Tổ hợp đã rồi được dùng để dịch tổ hợp "ký dĩ" trong kết cấu “ký dĩ + V”. Nghĩa của cả ngữ đoạn là: “lý lịch của tôi ngài đã biết hoàn toàn rồi”. Vậy, đã rồi = rồi. Ảnh hưởng của lối giải âm Hán - Việt trước đây chắc chắn đã ảnh hưởng tới trật tự từ của ngữ đoạn này. Vì vậy, ngữ nghĩa, ngữ pháp của tổ hợp đã rồi trong ngữ cảnh (5) cũng như đã rồi trong các ngữ cảnh (1), (2), (3), (4).

          Quá trình ngữ pháp hóa và lập thức về mặt ngữ pháp, ngữ nghĩa của những từ hữu quan nêu trên đây diễn ra trong tiến trình lịch sử lâu dài, dẫn đến tình trạng những tổ hợp/kết cấu ngữ pháp mà chúng ta ngày nay có thể có hơn một cách hiểu như thế, mãi đến cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX vẫn còn thấy xuất hiện. Ví dụ, trong Truyện Kiều: Thổ quan theo vớt vội vàng, thì đà đắm ngọc chìm hương đã rồi (c. 2637), ăn năn thì sự đã rồi (c. 3195)[6]

          Xét hai ngữ cảnh: (6), (7). Ở đây, đã rồi đứng ở đầu câu, dùng để dịch tổ hợp ký tất của Hán văn (có nghĩa: P. Rồi/ Xong rồi [bèn] Q). Vì vậy có thể hiểu nghĩa của đã rồi ở đây là “ P. Rồi/ Xong rồi/ Thế rồi, [bèn] Q”. Đã rồi được dùng như một liên từ nối câu sau với câu trước đó, liên kết sự tình nêu trong câu sau với sự tình nêu trong câu trước. Điều này hoàn toàn có thể kiểm chứng được qua ngữ cảnh rộng hơn như:

          Ngươi Đỗ cả mừng, khiến rót chén ốc tử loa cho uống đấy. Đã rồi [= Xong/ Xong rồi/ Thế rồi] về nhà dắt hai con, vỗ thửa cật rằng (TkMl.q1. tr.27b).

Ngồi đã yên, có kẻ truyền bảo bà Kim Tiên đến vậy. Đều xuống rước mời. Đã rồi [= xong/ xong rồi/ thế rồi] bèn lên gác tấu nhạc (TkMl.q2. tr.55b).

          Tổ hợp đã rồi với những đặc điểm ngữ pháp, ngữ nghĩa thể hiện trong hai ngữ cảnh này đã tham gia vào hệ đối vị với tổ hợp đã mà được Truyền kỳ mạn lục sử dụng. Các tổ hợp này đã có những biến đổi ngữ nghĩa, dẫn đến biến đổi đặc điểm, chức năng ngữ pháp, được ngữ pháp hóa, dùng như liên từ, nối câu sau với câu trước đó, liên kết sự tình nêu trong câu sau với sự tình nêu trong câu trước. Trong Truyền kỳ mạn lục, chúng tôi gặp đã mà xuất hiện tới 9 lần[7]. Ví dụ: Đã mà [= thế rồi/ rồi] canh tàn trà hết (TkMl.q1. tr.13b). Đã mà [=thế rồi/ rồi] tiếng nhạc dấy (TkMl.q3. tr.44b).   

          2.3.3. Bên cạnh những biến chuyển ngữ nghĩa, ngữ pháp như vừa trình bày trên đây, nghĩa “xong, hoàn tất” của đã tiếp tục biến chuyển, khiến cho đã được sử dụng như một yếu tố ngữ pháp, trở thành một yếu tố ngữ pháp, vừa biểu thị ngữ nghĩa vừa biểu thị cả nội dung dụng học: “hoàn tất (một hành động) (như một điều kiện) trước khi thực hiện hành động khác”. Ví dụ: Làm việc này đã (rồi mới đi nghỉ). Tắm cho mát cái đã (rồi đi đâu thì đi). Hút điếu thuốc đã (rồi làm gì thì làm)...

          Thêm nữa, chính các nội dung ngữ nghĩa và đặc điểm ngữ pháp này đã khiến cho đã có thêm tư cách, chức năng của một tiểu từ đánh dấu điểm dứt câu hay mệnh đề; đồng thời, tham gia tạo cấu trúc thức “khuyến lệnh/ đề nghị” của vị từ trong phát ngôn khuyến lệnh, đề nghị. Cách dùng này của đã rất ít gặp trong các nguồn ngữ liệu được khảo sát thời tiếng Việt cổ, trung đại và cận đại. Ví dụ:

          song le cũng phải nộp cheo làng đã mới nên làm phép cưới (Thư18. vb.12)

          dẽ cho thưa hết một lời đã nao (TK. c.502)

          nghỉ cho bớt mệt đã (ChđiBk)

          Anh rùa ra cầm lại: khoan đã nào (Chđx. tr.93).

          Ngữ nghĩa, ngữ pháp, ngữ dụng của đã trong những cách dùng như vừa nêu ở đây, vẫn được duy trì trong tiếng Việt hiện đại trong mô hình kết cấu cú pháp V1 đã [rồi mới] (V2). Ví dụ: Viết cho xong đoạn này đã (rồi mới nghỉ).

          2.4. Như vậy, quá trình ngữ pháp hóa của đã - một thực từ, khiến nó trở thành một yếu tố ngữ pháp, được phân bố ở vị trí trước hoặc sau một vị từ khác, hoặc ở vị trí dứt câu, biểu thị tình thái ... đã diễn ra và phát triển dựa trên nền tảng của sự biến đổi và phát triển ngữ nghĩa của nó. Có thể tóm tắt quá trình biến đổi này như sau.

          2.4.1. Từ gốc đã vốn là một vị từ, có nghĩa “xong, kết thúc, hoàn tất, khỏi hẳn(bệnh tật)”. Ví dụ: việc gả đà đã (Pth. tr.22a), ai hay cóc được mới óc là đã (Đthú. tr.30b), có thầy Không Lồ chữa mới đã (LsAn. tr.155).

          2.4.2. Quá trình ngữ pháp hóa của đã diễn ra theo hai hướng chính.

          a) Sự biến chuyển bên trong của đã, từ nghĩa “xong, hoàn tất, khỏi hẳn” sang nghĩa “(thời gian) quá khứ” (bằng cách thu hẹp nghĩa), được đánh dấu, được biểu thị về mặt ngữ pháp bằng dấu hiệu phân bố ở vị trí trước một vị từ khác trong ngữ đoạn. Hướng biến chuyển này làm cho đã được ngữ pháp hóa, trở thành một yếu tố ngữ pháp có ba khả năng chính:

          - Đảm nhiệm vai trò của chỉ tố biểu thị thời gian, biểu thị sự hoàn tất của hành động, trạng thái. Ví dụ: nửa ngày đã tan (Pth. tr.9a), năm đà trăm, tháng đà no (Pth. tr.33b), hoa đà tàn, liễu đà xơ (KhL. tr.9a), chửa nói mà đã phải giết (q3, tr.29b).

          - Phân bố trước một thành tố cú pháp có thể là danh từ/danh ngữ, thậm chí một tiểu cú, để đưa thành tố đó vào làm phần thuyết của câu. Ví dụ: Sẩm gióng mây tóc đà mai trắng (KhL. tr.37b), đã mọt đục nhậy cắn (TkMl.q4, tr.54a), đã suối tuôn sóng hoa đào vậy (TkMl.q1. tr.62b).

          - Tham gia cấu tạo tạo những “khuôn ngữ pháp” mà thực chất đó là những khung kết cấu cú pháp, trong đó, đã là chỉ tố đánh dấu nghĩa thời gian “đã xảy ra” và “hoàn tất”, như:

đã A lại B. đã A còn B. đã A chưa B.
đã A thì A. đã A ắt B. đã A tất B.
vừa A đã B.  chưa A đã B.   mới A đã B. còn A đã B.

         

          Hướng ngữ pháp hóa này là hướng mạnh nhất của đã, làm cho nó đạt mức độ có thể coi như được ngữ pháp hóa hoàn toàn.

          b) Sự biến chuyển bên trong của đã, từ nghĩa “xong, kết thúc, hoàn tất, khỏi hẳn(bệnh tật)” sang nghĩa “xong/hoàn tất” (bằng cách thu hẹp nghĩa), được đánh dấu, biểu thị về mặt ngữ pháp bằng dấu hiệu phân bố ở vị trí sau một vị từ khác trong ngữ đoạn. Hướng biến chuyển này làm cho đã được ngữ pháp hóa, trở thành một yếu tố ngữ pháp có ba khả năng chính nữa:

          b1. Biểu thị ý nghĩa (thể) “xong, kết thúc, hoàn tất”. Ví dụ: sinh đã mắng con khỏe (Pth. tr.13a). Điều này làm cho đã tham gia vào hệ đối vị với đoạn, rồi, (và xong về sau này). Đến lượt mình, đoạnrồi, xong lại cũng được ngữ pháp hóa. Chính vì vậy, từ sau thời văn bản Phật thuyết, trong các nguồn ngữ liệu khác được khảo sát, vai trò của đã - thực từ bị giảm thiểu đi nhiều, dẫn đến hệ quả là nó ít/hoặc rất ít được sử dụng như trước.

          b2. Tham gia vào tổ hợp/ kết cấu đã mà, đã rồi có đặc tính ngữ nghĩa ngữ pháp như một liên từ đứng ở đầu câu để kết nối với câu trước đó. Riêng tổ hợp đã rồi, nhiều khi phải phân tích kỹ mới nhận chân được: trong hai thành tố của nó, từ nào (đã hay rồi), trong ngữ cảnh nào, là vị từ, và từ nào (đã hay rồi) là phó từ, làm thành tố phụ.

          b3. Trở thành yếu tố ngữ pháp (tiểu từ) đánh dấu điểm dứt câu hay mệnh đề; đồng thời, tham gia tạo cấu trúc thức “khuyến lệnh/ đề nghị” của vị từ trong phát ngôn khuyến lệnh, đề nghị. Ví dụ: nghỉ cho bớt mệt đã (ChđiBk.).

          2.5. Những phân tích được trình bày bên trên cho thấy rõ ràng: sự biến đổi, phát triển ngữ nghĩa là điều kiện, và là nền tảng quan trọng trong quá trình ngữ pháp hóa. Nhưng không phải sự biến đổi và phát triển nào về nghĩa cũng có thể là điều kiện cho ngữ pháp hóa; mà phải là sự phái sinh, sự phát triển của nghĩa “ngữ pháp tính - grammatical”. Sự phái sinh, phát triển nghĩa “từ vựng tính - lexical” thì đưa đến kết quả là hiện tượng đa nghĩa (từ vựng) của từ.

          Đối với tiếng Việt, các phương thức chuyển nghĩa giúp cho một từ có thể phát triển nghĩa của nó theo những chiều hướng và biên độ khác nhau, nhưng chiều hướng chung là càng ngày càng làm phong phú, đa dạng hơn nội dung ngữ nghĩa, mở rộng hơn khả năng ngữ pháp của từ. Nhưng, như thế vẫn chưa đủ các nhân tố, điều kiện của một quá trình ngữ pháp hóa, mà đó mới chỉ là bước khởi đầu, dù là rất quan trọng, của toàn bộ quá trình. Quá trình ngữ pháp hóa không phải chỉ dừng ở chỗ biến đổi và/hoặc phát triển nghĩa. Chỉ khi nào sự phát triển, biến đổi khiến cho ngữ nghĩa của từ trở nên trừu tượng và khái quát hơn, có ngữ pháp tính, hoặc ngữ pháp tính hơn, nhờ đó mà từ có được (những) đặc điểm và năng lực ngữ pháp mới, thể hiện ra bằng (những) hình thức vật chất ngữ pháp nào đó, thì lúc ấy ta mới có một quá trình ngữ pháp hóa đầy đủ được thực hiện. Như vậy, quá trình ngữ pháp hóa có thể thấy được rõ ràng nhất theo cách tiếp cận lịch đại qua những trạng thái đồng đại, những khoảng thời gian lịch sử khác nhau của ngôn ngữ. Những biến đổi ngữ nghĩa trong quá trình ngữ pháp hóa một đơn vị ngôn ngữ luôn luôn gắn liền với những phát triển về mặt ngữ pháp của nó.

 

          3. Thử nghiệm khảo sát định lượng về ngữ pháp hóa qua tiêu chí [+V], [-V] của nhóm từ vận động có hướng

          Để thuận tiện cho việc trình bày, chúng tôi ký hiệu:

          +V       : vị từ

          -V        : không phải là vị từ

          [+V]: số lần xuất hiện với tư cách vị từ

          [-V] : số lần xuất hiện với tư cách không phải là vị từ

          [V] : tổng số lần xuất hiện của +V và -V

          3.1. Sau khi khảo sát và phân tích những biến đổi ngữ nghĩa, ngữ pháp trong quá trình ngữ pháp hóa qua một từ cụ thể (đã), chúng tôi thử nghiệm khảo sát theo hướng tiếp cận định lượng về quá trình ngữ pháp hóa ở một nhóm từ làm thành tố phụ sau thành tố trung tâm của ngữ vị từ nhằm tìm kiếm thêm thông tin để có thể hình dung rõ hơn quá trình ngữ pháp hóa của nhóm từ này. Đó là tám từ ra, vào, lên, xuống, về, lại, sang, qua vốn là tám vị từ vận động có hướng[8] nhưng đã được ngữ pháp hóa, làm thành tố phụ trong ngữ vị từ, không biểu thị sự vận động, mà biểu thị hướng của vận động. Bản thân các vận động thì được biểu thị bằng vị từ trung tâm.

          Muốn kiểm chứng một từ đã ngữ pháp hóa để trở thành một yếu tố ngữ pháp tính hay chưa, chúng tôi phân tích ngữ nghĩa, ngữ pháp của nó để xem ở đó đã có những biến đổi gì, biến đổi thế nào và thái độ ngữ pháp của từ đã có những biến đổi gì, biến đổi thế nào, bởi vì, khi một từ biến chuyển thành một chỉ tố ngữ pháp tính thì tính độc lập cú pháp của nó giảm thiểu đi rất nhiều, đến mức lý tưởng là bằng zero. Mức độ độc lập cú pháp zero là một trong những biểu hiện để ta đánh giá mức độ ngữ pháp hóa cao nhất của nó.

          Các từ ra, vào, lên, xuống, về, lại, sang, qua đều có nét nghĩa “hướng không gian” nên khi được ngữ pháp hóa thành những yếu tố ngữ pháp, chúng được phân bố ở vị trí thành tố phụ chỉ hướng cho những vị từ vận động khi chúng (các vị từ đó) có đòi hỏi biểu thị nét nghĩa “hướng không gian”, chẳng hạn như: đi, bò, bay, chạy... hoặc: dẫn, dắt, đẩy, quăng... Mặt khác, khi làm thành tố phụ cho các vị từ trung tâm biểu thị tư thế như: đứng, ngồi, cầm, giữ, đẹp, tươi... các từ chỉ hướng đó điều biến ngữ nghĩa và ngữ pháp của các vị từ, làm cho chúng có nét nghĩa “vận động, quá trình” (ví dụ: đứng lên, ngồi xuống, cầm vào, giữ lại, đẹp ra, tươi lên...).

          Như chúng tôi vừa nêu bên trên, khi nhóm vị từ (ký hiệu là +V) vận động có hướng này đảm nhiệm vai trò làm thành tố phụ, đứng sau vị từ trung tâm trong ngữ vị từ thì ngữ nghĩa, ngữ pháp, tư cách từ loại của chúng đã thay đổi, không còn là vị từ nữa (ký hiệu -V), biểu thị và điều biến ngữ nghĩa, ngữ pháp của vị từ trung tâm. Nhiều nhà nghiên cứu Việt ngữ học (trong số đó, chẳng hạn, Hà Quang Năng 1998; và một số nhà nghiên cứu khác) quan niệm và xử lý đây là phương thức chuyển từ loại, tạo thành từ mới; và dường như hàm ý rằng: có thể xử lý chúng như những cặp từ đồng âm, ví dụ: ra1 [+V] (vị từ) và ra2 [-V] (không phải là vị từ).

          3.2. Ngữ liệu khảo sát

          a) Chúng tôi chọn ngẫu nhiên 10 nguồn ngữ liệu làm mẫu khảo sát, nhưng có định hướng là chọn trong bốn giai đoạn lịch sử: tiếng Việt cổ, tiếng Việt trung đại, tiếng Việt cận đại, tiếng Việt hiện đại. Theo đó, các nguồn ngữ liệu cụ thể gồm các văn bản: Phật thuyết (Pth.), Khóa hư lục (KhL.), Quốc âm thi tập (Qâtt.), Lịch sử nước Annam (LsAn.), Thư thế kỉ 18 (Thư18.), Truyện Kiều (TK.), Chuyện đời xưa (Chđx.), Thầy Lazarô Phiền (LPhiền.), Tố Tâm (Ttâm.), Dictionnaire de fréquence du Vietnamien (Từ điển tần số tiếng Việt: TĐts.).   

          Trong các nguồn ngữ liệu này, Từ điển tần số tiếng Việt là một đại diện cho tiếng Việt hiện đại, vì nó được xây dựng trên cơ sở các loại văn bản trong thời gian từ 1956 đến 1972, bao gồm: văn chương, báo chí, thơ, kịch, văn học thiếu nhi, tác phẩm của Hồ chí Minh. Danh sách từ ngữ của từ điển này gồm 17.781 đơn vị, với tổng tần số - độ dài văn bản, là 494.715 lượt từ (Nguyễn Đức Dân 1980).

          b) Chúng tôi sẽ thống kê số lần xuất hiện với tư cách vị từ ([+V]) và số lần xuất hiện với tư cách không phải vị từ ([-V]) của ra, vào, lên, xuống, về, lại, sang, qua trong các nguồn ngữ liệu và xem xét tương quan giữa tỷ lệ giữa [-V] với [V], giữa [+V] với [V], giữa [-V] với [+V] của từng từ trong từng nguồn và các nguồn ngữ liệu ở từng giai đoạn lịch sử được khảo sát để đánh giá về chiều hướng và mức độ ngữ pháp hóa của các từ trong nhóm.

          3.3. Kết quả khảo sát 9

          3.3.1. Khảo sát ba nguồn ngữ liệu thời tiếng Việt cổ, gồm: I. Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh, II. Khóa hư lục,III. Quốc âm thi tập. Kết quả cụ thể là như sau:

Bảng 1: [+V], [-V] trong các nguồn ngữ liệu I., II., III và tỷ lệ [+V] : V, [-V] : [V]  

 

I[9]

 

II

 

III

 

I + II +III

 

Tỷ lệ

 

ra +V 17 11 1 29 28 %
-V 9 64 0 73 72%
vào +V 6 17 1 24 43 %
-V 1 31 0 32 57 %
lên +V 0 10 2 12 41 %
-V 0 17 0 17 59 %
xuống +V 0 3 0 3 20 %
-V 0 12 0 12 80 %
về +V 6 34 22 62 65 %
-V 9 21 3 33 35 %
lại +V 8 8 3 19 10,5 %
-V 23 100 39 162 89,5 %
sang +V 0 2 2 4 80 %
-V 0 1 0 1 20 %
qua +V 18 7 43 68 86 %
-V 0 5 6 11 14 %

          Về nguyên tắc, tỷ lệ [-V] càng cao hơn [+V] thì mức độ ngữ pháp hóa +V để thành -V càng cao; ngược lại, nếu tỷ lệ [-V] càng thấp hơn [+V] thì mức độ ngữ pháp hóa +V để trở thành -V càng thấp.

          Bảng này cho thấy số liệu khá phân tán. Nếu nhìn riêng biệt từng nguồn ngữ liệu, ta thấy:

          - Trong Phật thuyết, số liệu về ba từ lên, xuống, sang, không nói được điều gì. Số lần [-V] của về, lại cao hơn [+V] tương ứng của chúng. [-V] của ra, vào, qua đều thấp hơn nhiều/rất nhiều so với [+V] tương ứng của chúng.

          - Trong Khóa hư lục, [-V] của ra, vào, lên, xuống, lại đều cao hơn hoặc cao hơn rất nhiều so với [+V] tương ứng của chúng. Ba từ: về, sang, qua đều có [-V] thấp hơn nhiều so với [+V] tương ứng của chúng.

          - Quốc âm thi tập cho thấy một quang cảnh rất đặc biệt. Hai từ: vềqua có [-V] rất thấp so với [+V], lần lượt là: 3/22 và 6/43; trong khi đó, ở từ lại, tương quan này là 39/3. Năm từ ra, vào, lên, xuống, sang có [V] (tổng số lần xuất hiện [+V] và [-V]) trong văn bản này rất thấp (hoặc không xuất hiện: xuống) so với [V] của về, lại, qua. Rất có thể vì lý do thể loại của văn bản này là thơ.

          - Trong cả ba nguồn ngữ liệu được khảo sát, tương quan giữa [-V] với [+V] của từ lại đều nhất quán là rất cao. - Tương quan giữa [-V] với [+V] của sang, của qua trong cả ba nguồn ngữ liệu đều nhất quán là thấp hoặc rất thấp.

Tuy nhìn riêng từng từ ở từng nguồn ngữ liệu thì thấy số liệu phân tán như vậy, nhưng nếu gộp lại thành một nguồn chung lớn hơn (I + II + III) để xem xét, thì các số liệu và tương quan lại khá tập trung.

          Các từ: ra, vào, lên, xuống, lại đều có tổng [-V] cao hơn hoặc cao hơn rất nhiều so với tổng [+V]. Ba từ về, sang, qua đều có tổng [-V] thấp hơn nhiều so với tổng [+V].

Nếu tạm ước tương quan [-V] với [+V] đạt 50% ~ 50% là tương quan tới hạn, thể hiện mức độ ngữ pháp hóa 100% (vì hai bên đã có tần số sử dụng bằng nhau), thì trong các nguồn ngữ liệu thời tiếng Việt cổ được khảo sát, ta có thể thấy:

          - Từ lại có mức độ được ngữ pháp hóa cao nhất; tương quan giữa [-V] với [+V] của nó là 89,5% ~ 10,5%. Tiếp theo, lần lượt là xuống, ra, lên, vào.

          - Mức độ được ngữ pháp hóa thấp nhất là qua, tiếp theo lần lượt là sang, về.

          - Mức độ ngữ pháp hóa của ba từ: về, sang, qua là chưa tới hạn.

          3.3.2. Khảo sát ba nguồn ngữ liệu thời tiếng Việt trung đại, gồm: IV. Lịch sử nước Annam, V. Thư thế kỉ 18, VI. Truyện Kiều. Kết quả cụ thể là như sau:

Bảng 2: [+V], [-V] trong các nguồn ngữ liệu IV., V., VI. và tỷ lệ [+V] : V, [-V] : [V] 

 

IV

 

V

 

VI

 

IV + V + VI

 

Tỷ lệ

ra +V 17 107 74 198 58 %
-V 23 49 69 141 42 %
vào +V 15 48 23 86 48 %
-V 11 18 64 93 52 %
lên +V 24 14 18 56 63 %
-V 22 2 9 33 37 %
xuống +V 1 9 3 13 31 %
-V 4 7 18 29 69 %
về +V 22 14 51 87 37 %
-V 21 111 18 150 63 %
lại +V 0 0 9 9 2 %
-V 86 152 138 376 98 %
sang +V 10 21 10 41 72 %
-V 0 7 9 16 28 %
qua +V 1 9 9 19 65,5 %
-V 2 4 4 10 34,5 %

          Tương tự như trong các nguồn ngữ liệu thời tiếng Việt cổ được khảo sát, số liệu về mức độ ngữ pháp hóa của ra, vào, lên, xuống, về, lại, sang, qua trong các nguồn ngữ liệu thời tiếng Việt trung đại cũng khá tản mạn.

          Nhưng nếu gộp cả ba nguồn lại thành một nguồn chung lớn hơn (IV + V + VI) để khảo sát và đánh giá thì các số liệu và tương quan cũng khá tập trung. Các từ: vào, xuống, về, lại đều có [-V] cao hơn hoặc cao hơn rất nhiều so với [+V] (từ lại). Bốn từ: ra, lên, sang, qua đều có [-V] thấp hơn so với [+V] của chúng (nhưng ở ra, mức độ chênh lệch không nhiều). Cũng như khi phân tích số liệu bảng 1, nếu tạm ước tương quan giữa [-V] với [+V] đạt 50% ~ 50% là tương quan tới hạn, thể hiện mức độ ngữ pháp hóa 100%, thì trong các nguồn ngữ liệu thời tiếng Việt trung đại được khảo sát, ta có thể thấy:

          - Chỉ có 4 từ: vào, xuống, về, lại có [-V] cao hơn [+V]; 4 từ có [-V] thấp hơn [+V] là: ra, lên, sang, qua.

          - Từ lại có mức độ được ngữ pháp hóa cao nhất; tương quan giữa [-V] với [+V] của nó là: 98% ~ 2%. Tiếp theo, lần lượt là xuống, về, vào.

          - Mức độ được ngữ pháp hóa của ra, lên, sang, qua là chưa tới hạn; trong đó mức thấp nhất là sang; tiếp theo lần lượt là qua, lên, ra.

          3.3.3. Khảo sát ba nguồn ngữ liệu thời tiếng Việt cận đại

Ba nguồn ngữ liệu này gồm: VII. Chuyện đời xưa, VIII. Thầy Lazarô Phiền, IX. Tố Tâm. Kết quả cụ thể là như sau:

Bảng 3: [+V], [-V] trong các nguồn ngữ liệu VII., VIII., IX. và tỷ lệ [+V] : V, [-V] : [V] 

VII VIII IX VII + VIII + IX Tỷ lệ
ra +V 96 17 73 186 33 %
-V 156 52 165 373 67 %
Vào10 +V 59 10 23 92 31 %
-V 84 17 105 206 69 %
lên +V 22 15 13 50 30 %
-V 67 12 40 119 70 %
xuống +V 25 20 16 61 44 %
-V 27 18 32 77 56 %
về +V 81 19 55 155 47,5 %
-V 76 13 82 171 52,5 %
lại +V 24 6 9 39 8,5 %
-V 141 92 189 422 91,5 %
sang +V 0 0 7 7 70 %
-V 1 0 2 3 30 %
qua +V 16 15 9 40 45 %
-V 27 5 17 49 55 %

          Số liệu về mức độ ngữ pháp hóa của các từ đang xét trong bảng 3 tuy vẫn tản mạn, nhưng ít tản mạn hơn khá nhiều so với bảng 2 và bảng 1. Khi gộp ba nguồn riêng biệt thành một nguồn chung (VII + VIII + IX) thì các số liệu và các tương quan khá tập trung. 

          Trong bảng 3 các từ có [-V] cao hơn [+V] là: ra, vào, lên, xuống, về, lại, qua. Từ sang vẫn duy trì tình trạng có [-V] thấp hơn [+V].

          Theo cách đánh giá đã thực hiện khi phân tích số liệu ở bảng 1 và bảng 2, nếu tạm ước tương quan giữa [-V] với [+V] đạt 50% ~ 50% là tương quan tới hạn, thể hiện mức độ ngữ pháp hóa 100%, thì trong các nguồn ngữ liệu thời tiếng Việt cận đại được khảo sát, chúng tôi thấy:

          - Từ lại có mức độ được ngữ pháp hóa cao nhất; tương quan giữa [-V] với [+V] của nó là 91,5% ~ 8,5%. Tiếp theo, lần lượt là: lên, vào, ra, xuống, qua, về, sang

          - Mức độ được ngữ pháp hóa thấp nhất là sang; và duy nhất từ này có mức độ ngữ pháp hóa chưa tới hạn.

          3.3.4. Khảo sát nguồn ngữ liệu thời tiếng Việt hiện đại

          Nguồn ngữ liệu này, như trên chúng tôi đã trình bày, là Từ điển tần số tiếng Việt được xây dựng trên cơ sở dữ liệu gồm nhiều văn bản trong thời gian từ 1956 đến 1972 của các thể loại văn chương, báo chí, thơ, kịch, văn học thiếu nhi, tác phẩm của Hồ chí Minh. Kết quả khảo sát cụ thể là như sau:

Bảng 4: [+V], [-V] trong nguồn ngữ liệu X. Dictionnaire de fréquence  du Vietnamien                                       (Từ điển tần số tiếng Việt) và tỷ lệ [+V] : V, [-V] : [V]  

X Tỷ lệ
ra +V 863 28 %
-V 2228 72 %
vào +V 956 45 %
-V 1167 55 %
lên +V 627 24 %
-V 1954 76 %
xuống +V 319 30 %
-V 756 70 %
về +V 1105 46 %
-V 1314 54 %
lại +V 89 5 %
-V 1712 95 %
sang +V 186 63 %
-V 108 37 %
qua +V 12 2 %
-V 658 98 %

          Số liệu về mức độ ngữ pháp hóa của các từ đang xét trong bảng 4 thể hiện tình trạng tập trung và đồng hướng hơn nhiều so với bảng 1, 2, và 3. Trong bảng 4 các từ có [-V] cao hơn [+V] là: ra, vào, lên, xuống, về, lại, qua. Từ sang vẫn có [-V] thấp hơn [+V].

          Theo cách đánh giá đã thực hiện bên trên, tạm ước tương quan giữa [-V] với [+V] đạt 50% ~ 50% là tương quan tới hạn, chúng tôi thấy:

          - Trong nguồn ngữ liệu thời tiếng Việt hiện đại được khảo sát, từ qua có mức độ ngữ pháp hóa cao nhất; tương quan giữa [-V] với [+V] của từ này là: 98% ~ 2%. Tiếp theo, lần lượt là các từ: lại, lên, ra, xuống, vào, về, sang.       

          - Mức độ ngữ pháp hóa thấp nhất là sang. Đây cũng là từ duy nhất trong bảng 4 có mức độ ngữ pháp hóa chưa tới hạn.

          3.3.5. Tổng hợp số liệu [+V] và [-V] của các nguồn ngữ liệu trong từng giai đoạn: tiếng Việt cổ (ký hiệu A), tiếng việt trung đại (ký hiệu B), tiếng Việt cận đại (ký hiệu C), tiếng Việt hiện đại (ký hiệu D), chúng tôi lập được bảng 5 sau đây.

Bảng 5: Tỷ lệ trung bình [+V] : [V] và [-V] : [V] của các nguồn ngữ liệu  trong từng giai đoạn

Tỷ lệ trung bình [+V] : [V] và [-V] : [V]                               trong từng giai đoạn
  A B C D
ra +V 28 % 58 % 33 % 28 %
-V 72 % 42 % 67 % 72 %
vào +V 43 % 48 % 31 % 45 %
-V 57 % 52 % 69 % 55 %
lên +V 41 % 63 % 30 % 24 %
-V 59 % 37 % 70 % 76 %
xuống +V 20 % 31 % 44 % 30 %
-V 80 % 69 % 56 % 70 %
về +V 65 % 37 % 47,5 % 46 %
-V 35 % 63 % 52,5 % 54 %
lại +V 10,5 % 2 % 8,5 % 5 %
-V 89,5 % 98 % 91,5 % 95 %
sang +V 80 % 72 % 70 % 63 %
-V 20 % 28 % 30 % 37 %
qua +V 86 % 65,5 % 45 % 2 %
-V 14 % 34,5 % 55 % 98 %

          Số liệu của bảng 5 cho thấy:

          a. Về tỷ lệ [-V] thấp hơn [+V]:

          Ngữ liệu thuộc giai đoạn tiếng Việt cổ có ba từ: về, sang, qua.

          Ngữ liệu thuộc giai đoạn tiếng Việt trung đại có bốn từ: ra, lên, sang, qua

          Ngữ liệu thuộc giai đoạn tiếng Việt cận đại, hiện đại, chỉ có từ sang

          b. Nếu so sánh ngữ liệu thuộc các giai đoạn khác nhau của từng từ một theo bảng tổng hợp này, thì quang cảnh toàn cục lại không tản mạn như khi ta nhìn một cách biệt lập vào từng bộ phận ngữ liệu trong từng giai đoạn lịch sử riêng (từng bảng 1, 2, 3, 4. bên trên). Cụ thể là:

          Những từ có [-V] luôn luôn cao hơn nhiều so với [+V] tương ứng qua cả 4 giai đoạn lịch sử là: vào, xuống, lại.           

          Hai từ ra, lên có [-V] cao hơn nhiều so với [+V] trong ngữ liệu giai đoạn tiếng Việt cổ, tiếng Việt cận đại, hiện đại, nhưng trong ngữ liệu tiếng Việt trung đại, hai từ này lại đều có [-V] thấp hơn so với [+V].

          Từ về có [-V] thấp hơn so với [+V] trong ngữ liệu giai đoạn tiếng Việt cổ, nhưng ở ngữ liệu tiếng Việt trung đại, cận đại, hiện đại thì luôn luôn cao hơn [+V].

          Từ qua có [-V] thấp hơn nhiều so với [+V] trong ngữ liệu giai đoạn tiếng Việt cổ, trung đại, nhưng trong ngữ liệu tiếng Việt cận đại, đã tăng cao hơn [+V]. Trong ngữ liệu tiếng Việt hiện đại, tỷ lệ đó tăng cao đến mức tuyệt đối áp đảo, khiến tương quan giữa [-V] với [+V] là 98% ~ 2%.

          Riêng từ sang có [-V] tăng dần từ ngữ liệu giai đoạn tiếng Việt cổ đến ngữ liệu tiếng Việt trung đại, cận đại và hiện đại nhưng vẫn luôn luôn thấp hơn rất nhiều so với [+V] tương ứng.  

          c. Trong ngữ liệu giai đoạn tiếng Việt hiện đại, trừ từ sang vẫn có [-V] thấp hơn [+V], còn lại các từ khác đều có [-V] cao hơn nhiều hoặc rất nhiều so với [+V]. Điều này hàm chứa một ý: trong tiếng Việt hiện đại, trừ từ sang, tất cả các từ khác còn lại đều có mức độ ngữ pháp hóa tới hạn, trong tương quan giữa [-V] với [+V] của chúng thì [-V] đều từ 50% trở lên, thể hiện mức độ ngữ pháp hóa 100%.

          d. Ta có thể sắp xếp thứ tự các từ theo tỷ lệ [-V] của chúng từ cao xuống thấp trong ngữ liệu giai đoạn tiếng Việt hiện đại như sau:

-V +V Tổng
qua 98% 2% 100%
lại 95% 5% 100%
lên 76% 24% 100%
ra 72% 28% 100%
xuống 70% 30% 100%
vào 55% 45% 100%
về 54% 46% 100%
sang 37% 63% 100%

          Như vậy, có thể nói rằng, quá trình ngữ pháp hóa của tất cả các từ trong nhóm được khảo sát đã diễn ra từ lâu, được ghi nhận rõ ràng trong ngữ liệu thành văn từ thời tiếng Việt cổ đến nay. Tuy nhiên quá trình đó diễn ra không đồng đều giữa các từ và giữa các giai đoạn lịch sử của Việt ngữ. Xu thế chung là mức độ ngữ pháp hóa của của các từ trong nhóm càng ngày càng tăng (theo chiều lịch đại từ thời tiếng Việt cổ đến Việt hiện đại). Từ sang là từ duy nhất có mức độ ngữ pháp hóa chưa tới hạn, xét trong ngữ liệu của từng giai đoạn lịch sử cũng vậy, mà xét trong ngữ liệu tổng hợp tất cả các giai đoạn cũng vậy.

          Từ giai đoạn tiếng Việt cận đại (cột C, bảng 5), [-V] của từ qua tăng cao, tới hạn; và đến ngữ liệu giai đoạn tiếng Việt hiện đại (cột D, bảng 5), tỷ lệ [-V] của nó đạt mức tuyệt đối áp đảo so với tỷ lệ [+V], là 98% ~ 2%.

          3.3.6. Bên trên, trong các bảng 1, 2, 3, 4, 5, chúng tôi mới chỉ phân biệt các vị từ [+V] hữu quan và quá trình ngữ pháp hóa thành [-V] tương ứng của chúng để đánh giá theo định lượng các mức độ ngữ pháp hóa đó qua những giai đoạn lịch sử khác nhau. Trong mỗi đơn vị [+V] được ngữ pháp hóa thành đơn vị có cương vị [-V] đó, có thể chứa nhiều nội dung ngữ nghĩa, ngữ pháp, ngữ dụng khác nữa, chứ không phải chỉ có nghĩa ngữ pháp “chỉ hướng” cho vị từ trung tâm, điều biến các thái độ ngữ pháp cho vị từ trung tâm.

          Xét từ lại chẳng hạn, ta có thể thấy:

          - Trong ngữ liệu giai đoạn tiếng Việt cổ (bảng 1), tương quan giữa [-V] với [+V] của nó ở ba nguồn ngữ liệu Phật thuyết, Khóa hư lục, Quốc âm thi tập lần lượt là 23/8, 100/8, 39/3.

          Nhưng nếu tính [-V] là thành tố phụ đứng sau vị từ trung tâm, biểu thị nét nghĩa“hướng” của vị từ trung tâm, thì số lần xuất hiện của nó chỉ lần lượt là:

          0/23 (trong 23 lần là [-V], không có lần nào là thành tố phụ đứng sau vị từ trung tâm)

          37/100 (trong 100 lần là [-V], chỉ có 37 lần là thành tố phụ đứng sau vị từ trung tâm)

          5/39 (trong 39 lần là [-V], chỉ có 5 lần là thành tố phụ đứng sau vị từ trung tâm).

          - Trong ngữ liệu giai đoạn tiếng Việt trung đại (bảng 2), tương quan giữa [-V] với [+V] của từ lạiLịch sử nước Annam, Thư thế kỉ 18, Truyện Kiều lần lượt là 86/0, 152/0, 138/9. Nếu tính [-V] là thành tố phụ sau vị từ trung tâm, biểu thị nét nghĩa “hướng” của vị từ trung tâm, thì số lần xuất hiện của nó chỉ lần lượt là 7/86, 44/152 và 17/138.

          - Trong ngữ liệu giai đoạn tiếng Việt cận đại (bảng 3), tương quan giữa [-V] với [+V] của nó ở Chuyện đời xưa, Thầy Lazarô Phiền, Tố Tâm lần lượt là 141/24, 92/6, 189/9. Nếu tính [-V] là thành tố phụ sau vị từ trung tâm, biểu thị nét nghĩa “hướng” của vị từ trung tâm, thì số lần xuất hiện của nó lần lượt là 116/141, 48/92 và 16/189.

          Điều này cần được lưu ý phân biệt khi phân tích về quá trình ngữ pháp hóa các từ hữu quan khi chúng trở thành thành tố phụ biểu thị nét nghĩa “hướng” cho vị từ trung tâm.

 

          4. Nhận xét, thảo luận 

          Từ nhận thức về lý thuyết ngữ pháp hóa và một số phân tích cụ thể trình bày trên đây, bước đầu, chúng tôi thấy có thể rút ra mấy nhận xét sau đây.

          4.1. Ngữ pháp hóa là hiện tượng thực tế trong lịch sử biến đổi và phát triển của tiếng Việt. Cả lý thuyết ngữ pháp hóa lẫn thực tế ngôn ngữ được khảo sát đều thể hiện rằng, trong quá trình ngữ pháp hóa một đơn vị ngôn ngữ, biến đổi về ngữ nghĩa của nó luôn luôn có vai trò quan trọng hàng đầu.

          Bằng bất kỳ một phương thức nào đó thích hợp, các diễn biến ngữ nghĩa của một đơn vị ngôn ngữ vốn là đơn vị tự nghĩa (autosemantic) đi đến chỗ làm cho một nghĩa ngữ pháp (grammatical meaning) được xây dựng, phát triển (từ nghĩa từ vựng - lexical meaning của chính nó). Về vấn đề này, Lehmann C. (1995: 121-122) cho rằng trong quá trình ngữ pháp hóa, tính độc lập (autonomy) của ký hiệu ngôn ngữ (cũng có thể hiểu là tính thực từ của nó) được chuyển sang tính ngữ pháp của nó. Vì thế, cái đặc trưng của ngữ pháp hóa là quá trình giải tỏa ngữ nghĩa (desemanticization), hay cũng còn gọi là quá trình tẩy trắng ngữ nghĩa (bleaching), quá trình hư hóa (emptying), quá trình rụng nghĩa (loss). Nói cụ thể hơn, thì diễn biến quan trọng nhất về mặt ngữ nghĩa của đơn vị được ngữ pháp hóa là các quá trình mở rộng, hay thu hẹp nghĩa, và/hoặc giải tỏa, bào mòn ngữ nghĩa. Ngữ pháp hóa làm cho tính độc lập của ký hiệu ngôn ngữ giảm thiểu đi. Vì vậy, muốn lượng định mức độ ngữ pháp hóa của một ký hiệu ngôn ngữ, ta phải xác định được mức độ độc lập cú pháp của nó. Nghiên cứu trường hợp về một từ đã như trình bày bên trên là một ví dụ.

          Tuy nhiên, biến đổi ngữ nghĩa của đơn vị ngôn ngữ dù rất quan trọng, vẫn chưa phải là tất cả. Chỉ khi nào những biến đổi ngữ nghĩa (xem như mặt bên trong của đơn vị ngôn ngữ) được “vật chất hóa” bằng chất liệu ngôn ngữ trên bình diện ngữ pháp, tức là được biểu hiện ra “một cách ngữ pháp” thì lúc đó ta mới có một quá trình ngữ pháp hóa đầy đủ, hoàn chỉnh. Ngữ pháp hóa một đơn vị ngôn ngữ là quá trình phức hợp, không phải là sự chuyển đổi các thuộc tính ngữ nghĩa, ngữ pháp của nó một cách ngẫu nhiên, không dựa trên nguyên tắc hoặc cơ sở nào. Bên cạnh đó, các nhân tố ngữ dụng, tình thái cũng có đóng góp vào các quá trình ngữ pháp hóa.

          4.2. Từ đầu thế kỷ XX với công trình của Meillet A. “L’evolution des formes grammaticales (1912, theo Bussmann 1996) đến nay, lý thuyết ngữ pháp hóa từng được ứng dụng trong các nghiên cứu như: sự đánh dấu về giới/giống (gender), về đại từ, về dấu hiệu [± chuyển sở chỉ] (switch reference), cấu trúc động từ chuỗi (serial verb constructions), sự biểu đạt tình thái và nhận thức, liên từ biểu thị nghĩa nhân nhượng và điều kiện, liên từ chỉ nguyên nhân, thái trung tính (middle voice) và tính phản chỉ (reflexivity) (Bussmann 1996: 196-197). Vào những năm 1980 - 1990 cho đến những năm đầu tiên của thế kỷ XXI, những người quan tâm đến lý thuyết ngữ pháp hóa đều đã biết đến các công trình của khá nhiều nhà nghiên cứu ở nước ngoài như: Sweetser E. (1988), Hopper P.J. (1991), Traugott E.C., Heine B. (1991), Rubba J. (1994), Lehmann C. (1995), Joseph B. (2001), Bisang  W. (1996, 2004), Hopper P.J., Traugott E.C. (2003), Bjorn Wiemer and Walter Bisang W. (2004), Lehmann V. (2004)... Nhưng rõ ràng, trong các vấn đề được nghiên cứu đó, có những cái mang tính phổ quát, có những cái chỉ mang tính bộ phận; và thực ra, thì phần lớn trong lý thuyết ngữ pháp hóa đã được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu các ngôn ngữ biến hình. 

          Trong nghiên cứu Việt ngữ, vấn đề ngữ pháp hóa đã được đề cập hoặc nhắc đến trong một số công trình, nhưng còn rất ít (ví dụ, Nguyễn Lai 1990, Trần Thị Nhàn 2009). Nếu như trong các ngôn ngữ biến hình, tiến trình ngữ pháp hóa một yếu tố ngôn ngữ có thể trải qua các giai đoạn (xếp theo mức độ tăng dần của tính ngữ pháp): Đơn vị từ vựng tự do Hư từ Phụ tố zero (Wischer 2006: 129), thì tiếng Việt, một ngôn ngữ đơn lập, không biến hình, có những nétriêng, do chính những đặc điểm loại hình của nó quyết định. Việt ngữ không có một phương tiện hình thái nào (hiểu theo đúng nghĩa nghiêm nhặt của thuật ngữ này) để biểu thị các quan hệ ngữ pháp, ý nghĩa ngữ pháp, phạm trù ngữ pháp. Để biểu thị những thứ đó, về căn bản, nó dựa vào phương tiện hư từ, trật tự từ. Trật tự từ, hiểu một cách rộng ra, còn là các khả năng kết hợp, là sự đối đãi giữa các từ/ngữ với nhau trên ngữ đoạn. Thành thử, các biến chuyển của từ/ngữ trong quá trình ngữ pháp hóa của chúng được thực hiện, được diễn ra trong quá trình lập thức về mặt cú pháp, thể hiện các khả năng kết hợp từ vựng và kết hợp ngữ pháp của chúng. Đây là những biểu hiện căn bản nhất của ngữ pháp hóa trong tiếng Việt.

          Các quá trình ngữ pháp hóa của tiếng Việt và kết quả của các quá trình ngữ pháp hóa đó không cho ta các phụ tố, mà cho ta những thay đổi về bản chất, thuộc tính ngữ pháp của từ, về thái độ ngữ pháp của từ (đơn vị được ngữ pháp hóa) cùng những kết quả ngữ nghĩa và/hoặc tình thái và/hoặc ngữ dụng. Những danh từ, vị từ được ngữ pháp hóa trở thành yếu tố ngữ pháp tính, có thuộc tính ngữ nghĩa và ngữ pháp của từ công cụ (hư từ) như: cho, của, không, hết, ra, vào ... đều là những ví dụ tiêu biểu của hiện tượng ngữ pháp hóa trong Việt ngữ.       

Cũng như trong các ngôn ngữ khác, nội dung ngữ pháp hóa trong tiếng Việt khá phong phú. Trật tự từ, các đánh dấu dụng học về tính thái, hàm ngôn, tiền giả định, chuyển nghĩa và “chuyển từ loại” (trong giới hạn trở thành yếu tố ngữ pháp tính biểu thị nghĩa ngữ pháp)... đều là những nội dung cần được quan tâm trong lý luận về ngữ pháp hóa.

          4.3. Quá trình ngữ pháp hóa các vị từ: đã, ra, vào, lên, xuống, về, lại, sang, qua thành các phó từ làm thành tố phụ sau vị từ trung tâm trong ngữ vị từ, có thể thấy rõ được qua các phân tích theo chiều lịch đại, qua các diễn biến ngữ nghĩa, ngữ pháp, ngữ dụng của chúng. Quá trình hình thành, biến chuyển của các phó từ này, một mặt có thể làm rõ được bằng lý thuyết ngữ pháp hóa, mặt khác, chính nó có thể làm rõ thêm cho lý thuyết về ngữ pháp hóa, một vấn đề vừa có những nét chung bản chất trong mọi ngôn ngữ, vừa có những nét riêng trong mỗi ngôn ngữ.

          Như bên trên chúng tôi đã trình bày, ngữ pháp hóa trong tiếng Việt dựa trên nền tảng của của các biến đổi ngữ nghĩa. Các phương thức ẩn dụ, hoán dụ, sự mở rộng hay thu hẹp ngữ nghĩa... vừa là công cụ dẫn đường, vừa là phương thức thực hiện cho các quá trình biến đổi đó. Nói cách khác, ở đây, biến đổi về ngữ pháp dựa trên nền tảng và bắt đầu từ biến đổi ngữ nghĩa, bởi vì phương tiện quan trọng hàng đầu để thể hiện các ý nghĩa ngữ pháp, quan hệ ngữ pháp, thể hiện tình thái và ngữ dụng của tiếng Việt, chủ yếu là nhờ các phương tiện từ vựng.

          Điều này có thể thấy rất rõ khi ta nghiên cứu ngữ pháp hóa qua các giai đoạn lịch sử ngôn ngữ khác nhau, bởi vì nhìn theo chiều thời gian lịch sử, tính quá trình của vấn đề dễ bộc lộ hơn. Tại một lát cắt đồng đại nào đó, thì sẽ khó thấy được tính quá trình của của ngữ pháp hóa hơn.

          4.4. Các phân tích về quá trình biến đổi ngữ nghĩa và những tương quan định lượng giữa [-V] với [+V] của một nhóm phó từ làm thành tố phụ sau vị từ trung tâm trong ngữ vị từ cho phép đánh giá rằng: trong tiến trình lịch sử từ thời tiếng Việt cổ đến tiếng Việt hiện đại, mức độ ngữ pháp hóa của mỗi từ trong nhóm 8 từ: ra, vào, lên, xuống, về, lại, sang, qua, tuy có lúc, có chỗ không đồng đều, nhưng xu hướng chung là mức độ ấy càng ngày tăng. Trong 8 từ này, sang là từ duy nhất luôn luôn có tương quan giữa [-V] với [+V] không đạt tới hạn (50% ~50%) trong tất cả các giai đoạn lịch sử, từ tiếng Việt cổ đến tiếng Việt hiện đại.

          Thành tố phụ của các ngữ vị từ trong tiếng Việt, là vấn đề rất phức tạp. Các nghiên cứu về ngữ vị từ đều cho thấy điều đó. Các thành tố phụ đó gồm những gì ? Những từ ngữ nào có thể tham gia làm thành tố phụ ở đó ? Có điều chắc chắn rằng trong ngữ vị từ, khi một thực từ được “điều động” vào làm thành tố phụ cho vị từ trung tâm thì các từ đó đã được ngữ pháp hóa (với những mức độ, những điểm tới hạn khác nhau). Tuy nhiên, khi một đơn vị làm thành tố phụ trong ngữ vị từ, đã được ngữ pháp hóa, mà các loại nghĩa, nội dung tình thái, ngữ dụng của nó vẫn còn liên hệ với nhau, đan xen vào nhau rất khó tách bạch, thì xử lý như thế nào, là việc không đơn giản. Nếu nhìn nhận vấn đề thuần túy từ góc độ cấu trúc ngữ đoạn thì có thể ưu tiên dựa vào các tiêu chí hình thức, tiêu chí phân bố trên trục kết hợp, các khả năng kết hợp ngữ pháp. Nhưng các vấn đề “bên trong cấu trúc”, vấn đề nội dung ngữ nghĩa, tình thái, dụng học vẫn là những thành phần không thể bỏ qua hoặc xem nhẹ. Mối liên hệ về nghĩa giữa [+V] với [-V] ở những trường hợp như chúng tôi khảo sát và phân tích bên trên chưa hoàn toàn chấm dứt; mà câu hỏi “liệu bao giờ có thể chấm dứt” thì không ai có thể lượng định trước được, mặc dù mức độ ngữ pháp hóa, mức độ “ngữ pháp tính” của chúng rõ ràng là càng ngày càng tăng.

          Những phân tích về một vài hiện tượng ngữ pháp hóa trình bày trong bài này, hy vọng có thể là một thử nghiệm hữu ích, giải thích cho việc “phó từ hóa” một số từ khi chúng làm thành tố phụ trong ngữ vị từ; và cũng có thể có thêm một vài hàm ý về các quá trình ngữ pháp hóa trong tiếng Việt nói chung./.

Vũ Đức Nghiệu

(Tác giả gửi Web Khoa Văn học)

Bài đã đăng tạp chí Khoa học Xã hội và Nhân văn; Tập 5, Số 6 (2019), tr.660-684.

 

Danh sách các nguồn ngữ liệu được khảo sát 

VIẾT TẮT TÊN ĐẦY ĐỦ VÀ NGUỒN CỦA NGỮ LIỆU
1. Chđx. Chuyện đời xưa. Trương Vĩnh Ký (1866); Nhà sách Khai trí, Sài gòn, 1962.
2. ChđiBk Chuyến đi Bắc Kỳ năm Ất Hợi 1876. Trương Vĩnh Ký. “http://vi.wikisource.org/w/index.php?title=Chuyến_đi_Bắc_Kỳ_năm_Ất_Hợi_1876&          oldid=29918
3. Cưtrần. Cư trần lạc đạo phú. Trong sách Thiền tông bản hạnh. (Hoàng Thị Ngọ khảo cứu, phiên âm, chú giải). Nxb Văn học; Hà Nội, 2009. Sách Chữ Nôm: nguồn gốc - cấu tạo - diễn biến; Đào Duy Anh Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1975.
4. Đthú. Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca. Trong sách Thiền tông bản hạnh. (Hoàng Thị Ngọ khảo cứu, phiên âm, chú giải); Nxb Văn học; Hà Nội, 2009; và sách Chữ Nôm: nguồn gốc - cấu tạo - diễn biến; Đào Duy Anh Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1975.
5. HYên. Vịnh Hoa yên tự phú. Trong sách Thiền tông bản hạnh. (Hoàng Thị Ngọ khảo cứu, phiên âm, chú giải); Nxb Văn học; Hà Nội, 2009.
6. KhL. Khoá hư lục (Thiền tông khóa hư ngữ lục). Trần Trọng Dương khảo cứu, phiên chú; Nxb Văn học, Hà Nội, 2009.
7. LPhiền. Thầy Lazaro Phiền. Nguyễn Trọng Quản. (1887). (Bản PDF của Nguyễn Văn Trung, Montréal, tháng1, 1999). https://cvdvn.files.wordpress.com/2017/10/thay-lazaro-phien.pdf
8. LsAn. Lịch sử nước Annam (Bentô Thiện). Trong sách Lịch sử chữ quốc ngữ 1620 -1659; Đỗ Quang Chính, Nxb Tôn giáo, 2008; và Tủ sách Ra khơi, Sài gòn,1972.
9. NHdn. Nam hải dị nhân. 1912; Phan Kế Bính;Nxb Trẻ, Hà Nội, 1988.
10. Phgi. Phép giảng tám ngày cho kẻ muấn chịu phép rửa tội mà vào đạo thánh đức chúa blời. A. de Rhodes.  Tủ sách Đại kết, 1993.
11. Pth. Phật thuyết phụ mẫu đại báo ân trọng kinh. (Hoàng Thị Ngọ phiên âm, chú giải; Trong sách:  Chữ Nôm và tiếng Việt qua bản giải âm Phật thuyết phụ mẫu đại báo ân trọng kinh. Nxb Khoa học Xã hội. Hà Nội, 2002).
12. Qâtt. Quốc âm thi tập. Nguyễn Trãi. Trong sách Nguyễn Trãi: Quốc âm từ điển. Trần Trọng Dương; Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 2014.
13. Sss. Sách sổ sang chép các việc. Philiphê Bỉnh. Viện Đại học Đà Lạt, 1968.
14. tđRhode. Từ điển Annam - Lusitan - Latinh. (Từ điển Việt - Bồ đào nha - Latinh. Dictionarivm Annnamiticvm Lvsitanvm, et Lainvm ope) A.de. Rhodes. Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1991.
15. TĐts. Dictionnaire de fréquence du Vietnamien (Từ điển tần số tiếng Việt). Nguyễn Đức Dân. Université de Paris VII, 1980.
16. Thư18. Thư thế kỷ XVIII.                                                                                                               Gồm các văn bản (vb.) thư số 6 đến thư số 40; trong sách Chữ quốc ngữ thế kỷ XVIII. Đoàn Thiện Thuật sưu tầm và chủ biên. Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2008.
17. TK. Truyện Kiều. Trong sách Tư liệu Truyện Kiều: Thử tìm hiểu bản sơ thảo Đoạn trường tân thanh. Nguyễn Tài Cẩn. Nxb Giáo Dục, Hà Nội, 2008.
18 Ttâm. Tố Tâm. Hoàng Ngọc Phách (1922), (kể cả lời nói đầu của tác giả); Nxb Văn nghệ, Thành phố Hồ Chí Minh, 1988.
19 TkMl. Truyền kỳ mạn lục giải âm. Nguyễn Quang Hồng phiên âm, chú giải; Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2001.                       

 

Tài liệu trích dẫn

Bisang W. 1996. "Areal typology and grammaticalization: Processes of grammaticalization based on Noun and Verb in East and mainland South East Asian languages." pp. 519-597 in Studies in Language 20: 3. University of Mainz.

     2004. “Grammaticalization without coevolution of form and meaning: The case of tense-aspect-modality in East and mainland Southeast Asia.” pp. 109-129 in What makes Grammaticalization? A look from its Fringes and its Components. Walter Bisang, Nikolaus P. Himmelmann, Bjorn Wiemer (Editors). Mouton de Gruyter. Berlin. NewYork.

Bjorn Wiemer and Walter Bisang. 2004. “What makes grammaticalization? An appaisal of its component and its fringes.” in What makes Grammaticalization? A Look from its Components. Ed. by W.Bisang, N.P. Himmelmann, B. Wiemer. Mouton de Gruyter Berlin, New York.

Bussmann H.1996. Routledge Dictionary of Language and Linguistics. (Translated and edited by G. P. Trauth, Kerstin Kazzazi). Foreign Language Teaching and Research Press.

Cadiere L. 1958. Syntaxe de la langue Vietnamiene. EFEO, vol. XLII. Paris: Ecole Française d’ Extrême Orient.

Cao Xuân Hạo. 1986.Một số biểu hiện của cách nhìn Âu châu đối với cấu trúc tiếng Việt.” Trang 225-264 trong sách Tiếng Việt - mấy vấn đề ngữ âm, ngữ pháp, ngữ nghĩa. Hà Nội: Nhà xuất bản Giáo Dục.

Dik Simon C. 2005. Functional Grammar -Ngữ pháp chức năng. Thành phố Hồ Chí Minh: Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Diệp Quang Ban. 2005. Ngữ pháp tiếng Việt. Hà Nội: Nhà xuất bản Giáo Dục.

Hà Quang Năng.1998. "Chuyển loại, một phương thức cấu tạo từ". Trang 143-195 trong sách Từ tiếng Việt hình thái - cấu trúc - từ láy - từ ghép - chuyển loại (Hoàng Văn hành chủ biên). Hà Nội: Nhà xuất bản Khoa học Xã hội.

Hopper P.J. 1991. "On some principles of grammaticalization."Vol.I; Amsterdam/Philadenphia, pp. 17-35 in Traugott E.C. & Heime B. (eds). Approaches to grammaticalization. John Benjamins.

Hopper P.J. Traugott E.C. 2003. Grammaticalization. 2nd editiuon. Cambridge: Cambridge University Press.

Joseph B. 2001. "Is there such a thing as “grammaticalization”?" Language Sciences 23:163-186.

Lehmann C., 1995. 1995. Thoughts on Grammaticalization. (Lincom Studies in Theoretical Linguistics 1). Mununich/Newcastle: Lincom Europa.

Lehmann V. 2004. "Grammaticalization via extending derivation". pp. 169-186. In:  What makes Grammaticalization ? A look from its Fringes and its Components. (Walter Bisang, Nikolaus P. Himmelmann, Bjorn Wiemer - Editors). Mouton de Gruyter. Berlin. NewYork.

Nguyễn Anh Quế. 1988. Hư từ trong tiếng việt hiện đại. Hà Nội: Nhà xuất bản Khoa học xã hội.

Nguyễn Đức Dân. 1980. Dictionnaire de fréquence du Vietnamien (Từ điển tần số tiếng Việt). Université de Paris VII.

Nguyễn Kim Thản. 1975. Động từ trong tiếng Việt. Hà Nội: Nhà xuất bản Khoa học xã hội.

Nguyễn Lai. 1990. Nhóm từ chỉ hướng vận động tiếng Việt hiện đại. Hà Nội: Nhà xuất bản Khoa học xã hội.

Nguyễn Tài Cẩn. 1975. Ngữ pháp tiếng Việt (Tiếng - từ ghép - đoản ngữ). Hà Nội: Nhà xuất bản Đại học và Trung học chuyên nghiệp.

     2008. Tư liệu Truyện Kiều: Thử tìm hiểu bản sơ thảo Đoạn trường tân thanh. Hà Nội: Nhà xuất bản Giáo Dục.     

Panfilov V.S. 1993 (2008). Cơ cấu ngữ pháp tiếng Việt. Hà Nội: Nhà xuất bản Giáo dục.

Rubba J. 1994. Grammaticalization as semantic change: A case study of preposition development. Bejamins.

Sweetser E. 1988. Grammaticalization and semantic bleaching. Proceeding of Annual Meeting of the Berkeley Linguistic Society. pp.389-405.

Traugott E.C., Heine B. 1991. Approaches to Grammaticalization. Benjamins. Amsterdam, Philadenphia.

Trần Thị Nhàn. 2009. Lý thuyết ngữ pháp hóa và thực trạng ngữ pháp hóa một số từ trong tiếng Việt. Hà Nội: Nhà xuất bản Khoa học Xã hội.

Vũ Đức nghiệu. 2019.  "Góp thêm ý kiến về ngữ vị từ và động ngữ tiếng Việt". Tạp chí Ngôn ngữ 4: 27 - 42.

Washizawa Takuya. 2018. "Nghiên cứu đối chiếu các hư từ Hán văn chuyển dịch sang các hư từ văn Nôm trong tác phẩm song ngữ Hán Nôm Truyền kỳ mạn lục". Luận án Tiến sĩ Ngôn ngữ học. Đại học Quốc gia Hà Nội.

Wischer, I. 2006. Grammaticalization. Encyclopedia of Language &Linguistics; second edition. Keith Brown (Editor in chief)

Быстров И.С. Нгуен Тай Кан Станкевич Н.В. 1975. Грамматика Вьетнамского языка. Лениград.

 


[1] Trong bài này tôi dùng thuật ngữ ngữ vị từ chứ không dùng động ngữ, vì dùng thuật ngữ vị từ thay cho động từ và tính từ. Động từtính từ như quen gọi trước nay, là hai tiểu loại của vị từ. Xin xem: Dik, Simon C. 2005; Cao Xuân Hạo 1986 .

[2] Trong bài này, tên các nguồn ngữ liệu được khảo sát đều được ghi chỉ dẫn bằng chữ viết tắt. Xin xem danh sách các nguồn ngữ liệu đó cùng với quy ước viết tắt ở cuối bài.

[3] PGS.TS. Hoàng Thị Ngọ đã giúp tôi kiểm tra đối chiếu giữa văn bản Nôm với văn bản Hán văn về các tương ứng đã - này. Xin trân trọng cảm ơn Chị.

[4] TS. Trần Trọng Dương đã giúp tôi kiểm tra đối chiếu các tương ứng Nôm - Hán của Khóa hư lụcTruyền kỳ mạn lục được phân tích trong đoạn này. Xin trân trọng cảm ơn Anh.

[5] Sở dĩ có thể nói như vậy được là vì so sánh văn bản Phật thuyết với Khóa hư lụcTruyền kỳ mạn lục ta thấy, trong Phật thuyết có kết cấu V + đã (= V xong) nhưng không có: V + rồi, V + đà/đã rồi, V + đoạn rồiV + đã đoạn rồi như trong Khóa hư lục và/hoặc Truyền kỳ mạn lục. Ngược lại, trong Khóa hư lục và/hoặc Truyền kỳ mạn lục có các kết cấu V + rồi, V + đà/đã rồi, V + đoạn rồiV + đã đoạn rồi, mà trong Phật thuyết lại hoàn toàn chưa thấy xuất hiện các kết cấu này.  

[6] Trong lời chú giải văn bản, Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn (2008: 494) cho rằng trong câu: Thổ quan theo vớt vội vàng, thì đà đắm ngọc chìm hương đã rồi “Chắc chữ mất viết tắt đã bị mờ và bị tưởng nhầm là đã. Hay là phải hiểu cách như sau: - Đà là “cái sức lao ra phía trước”; - Và cái việc lao ra trước đó đã rồi, nghĩa là “đã xong hẳn”. Phải nghĩ đến cách hiểu đó cũng là để cho hết nhẽ, chứ có phần chắc là mất đã nhầm thành đã. Trương Vĩnh Ký, người đồng thời và chịu nhiều ảnh hưởng của Duy Minh Thị cũng đọc mất”.

Với chú giải này, Nguyễn Tài Cẩn giải thuyết đã rồi có nghĩa là kết thúc rồi, đã xong hẳn, nhưng ông chưa xác quyết và vẫn nghiêng về phía cho rằng từ đã ở đây là do tưởng nhầm từ mất bị mờ trên văn bản mà ra. Chúng tôi nghĩ rằng, nếu thuyết giải theo cách hiểu thứ nhất vừa nêu trên (cả tổ hợp đã rồi đóng vai trò của phó từ đứng sau thành tố trung tâm đắm ngọc chìm hương”, sẽ là hữu lý, vì cấu trúc của ngữ đoạn ở đây là đà (đã) + V + đã rồi (= rồi/ đã xong hẳn). Theo đó, câu này được hiểu là: “Thổ quan vội vàng ra vớt thì [nàng Kiều] đã đắm ngọc chìm hương đã rồi (hẳn rồi, không còn thấy gì nữa). Tổ hợp đã rồi này cũng như đã rồi trong ngữ cảnh (1), (2), (3), (4), (5) trong Truyền kỳ mạn lục đã nêu trên. 

Hơn trăm năm trước, Trương Vĩnh Ký, Duy Minh Thị đều xử lý và hiểu là “đã đắm ngọc chìm hương mất rồi” thì chứng tỏ: vào thời đó, nghĩa thực từ của đã đã rất mờ, quá trình ngữ pháp hóa của đã đã đến giới hạn của nó.

Đối với ngữ đoạn đã rồi trong câu “ăn năn thì sự đã rồi”, không có khả năng hiểu theo cách thứ nhất nêu bên trên (cả tổ hợp đã rồi thực hiện vai trò của phó từ, làm thành tố phụ cho vị từ trung tâm; trong khi, trước đã rồi ở đây thì không có vị từ nào), mà có thể hiểu theo cách thứ hai hoặc thứ ba đều được. Sự đã rồi là một tiểu cú, cho nên đã rồi phải là một ngữ vị từ, trong đó, nếu đã là vị từ (= xong hẳn, kết thúc rồi), thì rồi là phó từ đứng sau vị từ đã; nếu rồi là vị từ (= đã xong, đã hết sạch rồi) thì đã là phó từ đứng trước vị từ rồi (so sánh với ngữ liệu trong văn bản Cư trần lạc đạo: “Miễn cóc một lòng, thì rồi mọi hoặc”[= hết, không còn mọi điều sai trái]). Căn cứ vào ngữ cảnh rộng trong văn bản Truyện Kiều và mức ngữ pháp hóa của đã như vừa nêu trên đây, chúng tôi thiên về cách hiểu: sự đã rồi = (mọi việc, chuyện, sự biến) đã hết rồi, qua đi rồi, không còn nữa. Từ rồi ở đây là vị từ.

[7] Cụ thể là: Đã mà, canh tàn trà hết (TkMl.q1. tr.13b). Đã mà gió tạnh sông lặng (TkMl.q1. tr.59a). Đã mà bớt đèn tới nằm (TkMl.q1. tr.61a). Đã mà bèn để quan trở về (TkMl.q2. tr.3a). Đã mà con trẻ đội Lăng Ba phân hàng mà múa (TkMl.q2. tr.56b). Đã mà tiếng nhạc dấy (TkMl.q3. tr.44b). Đã mà tiệc ghẽ nhau bèn thôi (TkMl.q4. tr.3a). Đã mà họ Nguyễn ắt sinh con gái (TkMl.q4. tr.26b). Đã mà nhà bếp dâng cỗ, phô bày đài nậm (TkMl.q1. tr.57b).

[8] Các thuật ngữ để gọi nhóm vị từ này có thể khác nhau giữa các nhà nghiên cứu khi phân loại vị từ/động từ và miêu tả cấu trúc của ngữ vị từ/động ngữ. Ví dụ: Cadiere (1958) gọi là động từ chuyển động (verbes de mouvements); Nguyễn Kim Thản (1975) gọi nhóm này là các động từ phương hướng vận động; nhóm tác giả Быстров, Нгуен Тай Кан, Станкевич (1975) gọi đây là các động từ phương hướng chuyển động; Nguyễn Tài Cẩn (1975: 282) gọi là các động từ chỉ sự chuyển động có phương hướng; Nguyễn Lai (1990) gọi là các từ chỉ hướng vận động...

[9] Năm 2017, Mai Thùy Linh bảo vệ một luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Ngữ pháp hóa các phụ từ đứng sau trung tâm động ngữ tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc Gia Hà Nội. Luận văn này nghiên cứu cùng hướng với chúng tôi và có khảo sát nhóm từ ra, vào, lên, xuống, về, lại, sang, qua trong 9 văn bản, trong đó có 6 văn bản (Phật thuyết, Khóa hư lục, Quốc âm thi tập, Lịch sử nước Annam, Truyện Kiều, Thầy Lazarô Phiền) chúng tôi cũng khảo sát. Tuy nhiên, số liệu thống kê của Mai Thùy Linh không trùng với số liệu của chúng tôi, vì tiêu chí thống kê có phần không đồng nhất.

Thông tin truy cập

63693606
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
13898
23426
63693606

Thành viên trực tuyến

Đang có 356 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website