Nhà thơ Đơn Phương – Người viết tiếp "Quần tiên hội" của Hàn Mặc Tử đã qua đời

Nhà thơ Đơn Phương      

 “Hồn từ giã xác thân ra khỏi thế

Bay về trời hay bay mãi về đâu?

Dưới không gian lướt thướt ánh nhiệm màu

Xác bất động nằm im trong tê dại…

Đọc đoạn thơ trên, nếu không biết tên tác giả có lẽ sẽ gợi lên cho chúng ta nhớ về những vần thơ rướm máu của nhà thơ Hàn Mặc Tử. Mấy ai biết rằng đó lại là dấu vết tâm hồn của một thi nhân cùng chịu chung một trong “tứ chứng nan y” với thi sĩ họ Hàn và cũng vô cùng có duyên với thi sĩ này, nhà thơ Đơn Phương.

Đơn Phương tên thật là Trần Hồng Phương, sinh năm 1940 (đúng năm mất của nhà thơ Hàn Mặc Tử) đã từ giã cõi đời vào ngày 15/11/2012 tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương, sau đó đưa về an táng tại nghĩa trang bệnh viện phong Bến Sắn, xã Khánh Bình, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương.

Theo Võ Long Tê viết trong lời tựa Quần tiên hội, Đơn Phương sinh ra tại An Nhơn Tây – Hóc Môn (nay thuộc huyện Củ Chi, TP. Hồ Chi Minh), cha mẹ sớm thất lạc nên 4 tuổi Đơn Phương đã vào cô nhi viện. Đến năm 1961, vì mắc bệnh phong, ông nhập trại phong Bến Sắn, cùng một ngày với ông Nguyễn Văn Xê – một người bạn của Hàn Mặc Tử ở Quy Nhơn.([1])

Sáng tác rất nhiều thơ (từ lúc 18 tuổi) nhưng chỉ khi tác phẩm kịch thơ Quần tiên hội (viết tiếp kịch thơ theo ý tưởng của Hàn Mặc Tử, hoàn chỉnh năm 1988, xuất bản năm 1991) nhà thơ Đơn Phương mới được giới thi đàn biết đến.

Năm 1972, một cơn bệnh ập đến tàn phá thể xác nhà thơ dữ dội. Trong thời gian dưỡng bệnh, ông dành thời gian đọc và nghiền ngẫm tác phẩm Quần tiên hội của Hàn Mặc Tử cùng những ý tưởng về ba chương còn lại mà Hàn Mặc Tử ghi lại trước khi qua đời. Ông đã lấy hết tinh lực của tâm hồn triển khai tiếp ba hồi Quần tiên hội Hàn Mặc Tử bỏ dở. Đến năm 1988, Quần tiên hội hoàn chỉnh gồm 5 hồi do Hàn Mặc Tử khởi thảo và Đơn Phương hoàn thành gồm 700 câu thơ (trong đó có 41 câu thơ của Hàn Mặc Tử).

Nhiều người hoạt động trong lĩnh vực văn chương, báo chí, văn nghệ, đặc biệt là những nhà nghiên cứu sâu sắc về thơ Hàn Mặc Tử cũng đã có những lời khen ngợi ấn tượng về bút lực nhà thơ này. Võ Long Tê – một người chuyên nghiên cứu thơ Hàn Mặc Tử từng nhận xét về nhà thơ Đơn Phương như sau: “Đơn Phương có đủ thiện chí và tài năng hóa thân, nhập thần thành một Hàn Mặc Tử… Đơn Phương tỏ ra sở đắc nhất thơ Hàn Mặc Tử… Nồng độ chất thơ Hàn Mặc Tử chúng ta thường gặp trong những lúc Đơn Phương lập lại những từ ngữ và phong cách của Hàn và ngay cả trong những lúc Đơn Phương hứng bút sáng tạo” (1991).

Nhạc sĩ Tô Kiều Ngân từng mạnh dạn góp ý với nhà thơ Đơn Phương về việc cho ra mắt Quần tiên hội rằng: “Tiếp nối công trình của Hàn Mặc Tử nên lời thơ và phong cách của Đơn Phương rất ăn ý nhịp nhàng với không khí của Quần tiên hội của người xướng xuất, điều đó tưởng cũng là một điểm son, không có tài dễ gì thực hiện được… Giá như được phép có một lời khuyên, xin khuyên Đơn Phương rằng: Trên đầu sách cứ mạnh dạn đề một tên Đơn Phương mà thôi, bên dưới chú thích thêm là Viết tiếp kịch thơ Quần tiên hội theo đề cương của Hàn Mặc Tử là được. Khỏi cần đề hai tên Hàn Mặc Tử - Đơn Phương như đã làm. Sợ có người hiểu lầm chăng?” (1991).

Đài truyền hình Việt Nam trong một chương trình giới thiệu về nhà thơ Đơn Phương có đoạn: “Người ta nói, từ câu thơ số 42 trở đi là do Đơn Phương chấp bút. Nhưng đọc Quần tiên hội hầu như không nghe vết cắt, cũng không thấy bước ngoặt. Tất cả như được sinh ra do cùng một phong cách. Hình như thi sĩ họ Hàn không chịu yên lặng cõi vĩnh hằng, muốn mượn hồn thơ Đơn Phương để một lần nữa hát lời tình yêu từ trái tim đau đớn. Phài nói là kỳ lạ, Đơn Phương không trở thành cái bóng của Hàn Mặc Tử. Nhà thơ đã mượn tâm hồn anh để cất lên những lời xé lòng, đứt ruột nhưng khát sống, khát yêu đến tận cùng, đến cháy bỏng. Một tâm hồn lành lặn trong veo, một hồn thơ diết da đầy xúc cảm, đó là tất cả những điều vô giá ẩn chứa trong hình hài một con người bị bệnh tật hủy hoại này”.

Thi phẩm nhà thơ Đơn Phương để lại cho đời gồm có:

- 19 tập thơ: Thương quê (1958-1964), Gái tu (1964-1967), Gọi hồn (1968), Huyết thơ (1969), Xuân thiêng ra đời (1967-1971), Bạch Ngọc (1971), Tình Mạ Ngọc (1972), Tình Uổng Tử (1972), Hồn Bay Cao (1972), Hành Khất Ca (1983-1989), Nguồn Như Như (1992), Lưu Luyến (1995), Vu Vơ 1,2,3,4,5,6 (1980 - 2008), Giọt nắng hoàng hôn (2008).

- Bốn kịch thơ: Lệ Trăng (1965), Quần tiên hội (1988), Vườn xuân Thánh (1990), Hồn rụng non tiên (1993).

- Tám truyện thơ: Hận Trường Ca (1989), Giao Châu Trường Hận (1990), Ngọc Đàn Thanh (1991), Khói Cuộn Rừng Hương (1995), Máu nhuộm vườn trăng (1997), Lời ca hoang (1997), Thiên tình đất Thủ (2000).

- Ba tuyển ký gồm những bài văn xuôi tổng hợp.

Tuy tác giả chưa có điều kiện công bố hết các tác phẩm cũng như đọc giả chưa thể tiếp cận hết các tác phẩm của ông, nhưng với số lượng tác phẩm đồ sộ như trên cũng phần nào thấy được tài năng và bút lực của nhà thơ có số phận đặc biệt này.

 



[1] Theo Nguyễn Đắc Thắng – Những dòng tơ, NXB Văn Nghệ, 2009.

Thông tin truy cập

63695483
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
15775
23426
63695483

Thành viên trực tuyến

Đang có 879 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website