Thế giới siêu thực trong thơ Ngô Kha

(Trần Thị Mỹ Hiền, Tạp chí KH Văn hoá và Du lịch, SỐ 14, THÁNG 11 NĂM 2013) 

TÓM TẮT

Ngô Kha là một nhà giáo, một trí thức yêu nước, có những hoạt động nổi bật trong các phong trào của học sinh sinh viên miền Nam trước 1975. Trước nay, nhiều người vẫn thường nhắc đến Ngô Kha trong vai trò một trí thức yêu nước, một liệt sĩ và là một nhà thơ dấn thân. Nhưng trong bài viết này, chúng tôi sẽ mở ra một khía cạnh khác trong thế giới nghệ thuật thơ Ngô Kha. Đó chính là thế giới siêu thực trong thơ của tác giả này.

***

Ngô Kha sinh năm 1935 ở Thế Lại Thượng (thuộc thành phố Huế ngày nay), ông tốt nghiệp thủ khoa khóa 1 Đại học Sư Phạm Huế (1958 - 1959), tốt nghiệp Cử nhân Luật khoa (1962), sau đó dạy văn và giáo dục công dân ở các trường Quốc Học, Hàm Nghi, Nguyễn Du, Hưng Đạo ở Huế từ 1960 cho đến khi bị thủ tiêu vào 1973.

Ngoài vai trò một thầy giáo, một người đấu tranh trong các phong trào yêu nước, Ngô Kha còn là nhà thơ có bút pháp độc đáo. Cho đến nay, khi nhìn lại toàn bộ sự nghiệp thơ ca, ta thấy Ngô Kha có một điểm vô cùng nổi bật, ông là một trong số ít những nhà thơ miền Nam lúc bấy giờ hòa nhập vào dòng thơ siêu thực. Các tác phẩm ấy tuy đương thời không được nói đến nhiều (vì lý do thời cuộc), nhưng có thể nói Hoa cô độc Ngụ ngôn của người đãng trí là hai tập thơ đáng nhớ nhất khi nhắc đến Ngô Kha. Ngoài ra, nhà thơ còn có Trường ca hòa bình và một số bài thơ khác in rải rác trên các tạp chí miền Nam.

Như đóa hoa nở giữa sa mạc, người trí thức Ngô Kha - thầy giáo dạy văn trường Quốc Học và các trường khác ở Huế ngày ấy đã tạo ra tiếng nói riêng trong các tập thơ của mình. Trong không khí ồn ào nóng bỏng của thời cuộc, năm 1961 Ngô Kha cho ra đời Hoa cô độc như bước đánh dấu cho sự nghiệp thơ ca. Hoa cô độc gồm các bài thơ như: Đêm 30, Có gì đẹp hơn yêu em, Người con trai, Tiễn em, Ưu tư, Khúc ca tình yêu [1]... Nó cho thấy trái tim tươi nguyên của chàng thanh niên còn nhiều hy vọng ở cuộc đời. Những vần thơ tuy có hơi hướng siêu thực nhưng vẫn còn đó cái trong sáng, nhẹ nhàng và hết lòng với cuộc sống. Như hạt giống ươm mầm, năm 1969 ông cho ra đời Ngụ ngôn của người đãng trí, dấu chấm lửng giữa cuộc đời. Tập thơ làm nên tên tuổi ông với tư cách nhà thơ ngoài vai trò người thầy giáo trong trường Quốc Học. Tìm đến thế giới siêu thực, Ngô Kha xem đó là cách thể nghiệm sự suy nghĩ, hòa trộn giữa thực và mộng, nhập vào thế giới mới hơn để tìm ra không gian riêng cho mình.

Mở đầu hành trình thơ ca với Hoa cô độc, tác giả đưa chúng ta vào một miền âm u, chật chội nhưng có khi cũng rộng đến vô cùng. Thế giới siêu thực dường như chỉ tồn tại hai miền sáng tối, nhưng nếu siêu thực của Hàn Mặc Tử là một thế giới toàn năng bởi ánh trăng, cái trăng sáng ngời, cái trăng nhập nhoạng và mờ ảo thì thế giới của Ngô Kha lại bao trùm bởi bóng tối, bóng tối của hư vô, trường cửu như cái đại lộ thăm thẳm của cuộc đời. Đại lộ ấy giống như một dòng sông đêm trải dài muôn nẻo, mang đến bao nhiêu đau thương cuồng nộ, tăm tối, hoang rợ. Dòng sông đêm rồi sẽ mang ta về đâu - một bến bờ vô định không tìm ra nẻo tới trong chuyến hành trình? Thế giới mà Hoa cô độc mang đến chất đầy những bóng đêm, một loại chất đậm đặc không tách chiết ra được như từng hạt sát na của vũ trụ - một vũ trụ nguyên sơ mới tạo hình! Ở đó bóng tối bao trùm như chúa tể vạn năng làm vầng mặt trời cũng méo mó, đớn đau, tan vỡ:

đại lộ dòng sông đêm/ mặt trời vô hình tan vỡ/ suối đau thương đường phố/ nhớ nhung bơ vơ… (Đêm 30).

mưa điên cuồng gió loạn/ bóng đen làm mặt trời (Bài thơ hôm nay).

Bản thảo cuộc đời, bản thảo địa đàng vẫn mãi hoang vu, nguyên sơ, trinh bạch. Ở đó cũng có cuộc sống nhưng thấp thoáng bóng hình của con người thuộc hai thế giới đối lập nhau: hoặc rất ngây thơ trong trẻo, hoặc rất khổ đau, tang thương và hoang dã… Thế giới ấy có những mảng đối lập vô cùng lạ lẫm, mọi vật như có linh hồn và thức tỉnh rất tinh khôi. Thực và mộng, thiên đàng và hạ giới, lịch sử và tương lai trong phút chốc nhập thành một:

“Ta đã từ quê hương xa lắm/ Như vị thần lạc nẻo trời cao/ Quay về đây tinh tú hôm nào/ Từ vô cực trở về hạ giới/ …/ Trời thủy tinh đổ vỡ tan tành/ Muôn ánh mắt tìm về vực thẳm” (Ưu tư).

Giữa ánh sáng và bóng tối vẫn còn có chỗ cho những khoảng âm u, mờ nhạt, nhưng chút ánh sáng le lói không đủ sức để thắp sáng một linh hồn, không thể làm tan hết bóng đêm nặng trịch và tàn nhẫn kia. Người con trai thấy mình lạc vào một cõi nào xa lắm, anh chìm vào giấc ngủ vạn kỷ để rồi khi tỉnh dậy cũng chỉ thấy hoang liêu, ngơ ngác trước cuộc đời. Và trong cuộc hành trình ấy, anh vẫn đi tìm em như khát khao tìm thấy chút ánh sáng mong xua đuổi bóng đêm trong tâm hồn. Còn gì cô đơn hơn sự hoang liêu của chính tâm hồn mình? Cái hồn của cảnh nhập vào cái tình của người càng làm cho nỗi hoang liêu càng thêm xa vắng:

“Bàn tay tâm sự bỗng thấy hoang liêu/ Rừng cây sâu thêm đau niềm căm tức/ Lưng trời phiêu bạt thơ thẩn về đâu/ Sương rơi trên đầu ướt triền má em/ Tâm tình dứt, khúc nhạc cũng buồn nôn/ Bâng khuâng ga nhỏ tàu cũng đi luôn/ Bầu trời cô đơn buồn dâng kín lối” (Tiễn em).

Thế giới ấy thẳm sâu vô cùng, khó ai nhìn thấy nếu không co thắt hết biên độ của sự nhạy cảm. Ngô Kha là người đã làm được điều đó. Với một con người khi sinh ra trên đời vốn dĩ đã rất cô đơn, thì còn gì cô đơn hơn là cái chết - tận cùng của niềm đơn độc. Thế nên tìm đến với cô đơn là tìm về với bản thể của chính mình. Bởi tự mệnh danh là Hoa cô độc nên trong thơ ông xuất hiện rất nhiều nỗi ám ảnh về cái chết và sự cô độc. Người đọc sẽ không khỏi ám ảnh khi bắt gặp những từ như mồ bia, điếu văn, linh hồn, vành khăn tang, mồ rêu cỏ mọc, băng hà, mồ hoang, chết, hỏa ngục… Phải chăng chính tâm thức đặc biệt đó mà đôi khi trong các bài thơ tác giả đã nhìn thấy được trước cái chết của mình?

Ngoài cảm thức đặc biệt về thế giới, nguyên nhân thứ hai khiến hồn thơ thi sĩ phát tiết tinh hoa phải chăng là vết thương không bao giờ liền sẹo. Nó có tác động rất lớn tới tâm hồn, là mạch dẫn vô tận đến suối nguồn của vô thức, trong cái thẳm sâu của con người. Ai đó đã nói rằng, khi yêu người ta như được trở về với cội nguồn của mình. Bởi nhìn đâu họ cũng thấy đẹp, thấy yêu thương và gắn bó với mọi người, sẽ không có cảm giác cô độc. Có lẽ vì thế mà khi thất tình con người có cảm giác mình đang bị bứt ra khỏi nguồn cội chăng? Họ luôn thấy bơ vơ, lạc vào một cõi vô hình nào xa xôi lắm. Đó phải chăng là thế giới thẳm sâu trong mỗi chúng ta?

phượng cầu hoàng/ héo hắt chờ đợi/ dù phượng hoàng chúa tể chim trời/ yêu tiếng nói tuyệt vời/ anh còn yêu em mãi… (Có gì đẹp hơn yêu em).

Thế giới tình yêu trong thơ ông mới đẹp đẽ, thanh khiết làm sao, như huyền thoại, tình yêu vốn gắn liền với thế giới tuyệt đẹp mang sắc thái thượng giới. Đó là đỉnh cao của mơ ước nhưng rồi ngay sau đó lại phải đối mặt với một thực tế phũ phàng. Kẻ thất tình như lạc vào mê cung tình yêu không tìm thấy lối ra bởi bóng tối của hoang liêu và ngờ vực:

“em bỏ ra đi/ những ngọn đèn tím đỏ/ viễn phương còn là thành phố…/ nếu được gần em/ chỉ cần một âm giai/ thì chúng ta đâu còn đơn lẻ” (Người con trai).

Con đường yêu đương giờ biến thành bức họa đồ quanh co, không còn tìm thấy lối ra. Người con trai ấy chếnh choáng, cô đơn, khô gầy không còn chút niềm tin. Anh với tay hái lấy vầng trăng ngày ấy, vầng trăng anh từng tôn vinh và thèm khát ném xuống giữa cuộc đời. Khi choàng tỉnh khỏi cơn mơ, tất cả chỉ còn là niềm cô độc. Phải chăng đó chính là tâm thức chung vốn tồn tại trong mỗi chúng ta khi đến với cuộc đời này?

Cuộc hành trình trong miền tâm thức ấy tuy chưa thật sự về đến đích nhưng cũng để lại sức lay động rất lớn, tạo ra nhiều ám ảnh, dư ba. Về thế giới thơ trong Hoa cô độc, Hoàng Phủ Ngọc Tường từng có nhận xét: Những năm đầu thập kỷ 60 ấy, ngày tháng sao như dài hơn và Ngô Kha đã rong chơi khắp miền để kết bạn phong trần với loài phù du để rồi trở về ngồi nhìn cái bóng đơn chiếc của mình đổ dài trên đất rừng trơ hốc đá, nơi một sườn đồi hoàng hôn trên sông Hương… Cái nhìn chính mình, Ngô Kha đã bắt gặp trên cánh đồng hắt hiu của linh hồn chàng một loài ác hoa mọc lên từ bao giờ. Chàng âu yếm gọi nó là “Hoa cô độc”. Hành trình của chàng khởi đầu với niềm kiêu hãnh thầm kín của bông hoa ấy” [2].

Sang Ngụ ngôn của người đãng trí tác giả lại đưa chúng ta vào một miền siêu thực khác. Đó không còn là thế giới âm u tăm tối mà là cái mơ hồ, vô định trong thế giới tâm thức của một người đãng trí. Không thực sự âm u nhưng cũng không hoàn toàn sáng sủa, nó mang mang một cái gì khó tả như sự hòa trộn giữa thực và mộng. Tập thơ cho thấy sự vượt bậc về bút pháp siêu thực của Ngô Kha trong toàn bộ các sáng tác của mình. Nếu Hoa cô độc tạo nên một thế giới siêu thực trong tâm trạng, “bản tốc ký tâm trạng trên bản thảo cuộc đời” không có dấu vết của sự bôi xóa thì đến Ngụ ngôn của người đãng trí, thế giới siêu thực không đơn giản chỉ tồn tại trong nội tâm mà tuôn chảy từ dòng ý thức của một kẻ đãng trí. Nếu Hoa cô độc siêu thực bằng những hình ảnh nhẹ nhàng, những cung bậc cảm xúc trải đều trong tâm thức thì Ngụ ngôn của người đãng trí là bản phối lạ với những hình ảnh, những mảng màu bất chợt rời rã nhưng lại được liên kết với nhau một cách tự nhiên trong cùng một mạch liên tưởng. Ta như lạc vào một miền đất lạ, một thế giới hoang sơ với những con người vô tư, say rượu, những kẻ hành khất… Phải chăng đó là chốn trú ngụ bình yên, sẽ không có lý trí nào có thể điều khiển được họ, tất cả đều là ngẫu nhiên. Nếu ai đó nói rằng thơ Ngô Kha là một nỗi cô đơn trên cuộc hành trình dằng dặc đi tìm chính mình [3] thì Ngụ ngôn của người đãng trí là một chặng dài trên nẻo đường thiên lý ấy.

Vì là thế giới trong tâm thức của người đãng trí nên không có gì là cố định và cụ thể. Ta có cảm giác đang xem một thước phim bị mắc lỗi kỹ thuật không liền mạch, luôn có những chắp nối, chồng chéo lên nhau. Các hình ảnh liên tục chạy ra theo dòng tâm thức của người đãng trí. Chỉ với chương một của trường ca mà có tới hai mươi lần cụm từ “kẻ đãng trí” xuất hiện. Những khoảng lặp rất tình cờ nhưng rất đúng với dòng ký ức ấy. Nó loạn nhịp, lộn xộn không theo một trật tự nào. Người đọc như đang đọc một bài diễn văn dài được viết bởi một nhân vật “đặc biệt” có tâm tư “không mạch lạc”. Thế giới tinh thần của “người đãng trí” thật tinh khôi, hoang sơ và hồn nhiên đến vậy. Ta như lạc vào một thế giới xa xăm của loài người thuở hồng hoang nguyên thủy - thiên nhiên cảnh vật đều hoang sơ như chưa từng có bàn tay tạo dựng của con người:

“khúc hát ngu ngơ của bông lau/ tháng giêng giã từ thuốc đắng đi tìm cỏ may/ tôi không thấy nàng mặc áo chim/ chỉ có người hư vô và mặt trời/ tôi đếm dấu chân nai trên bản chúc thư tình yêu/ có những con đường mang tên em chưa ra đời/ những con đường mọc đầy cây ma túy…” (Ngụ ngôn của người đãng trí).

Thế giới ngụ ngôn là thế giới siêu thực bắt đầu bằng chiêm cảm. Điều khiến ta chú ý trong thế giới này là dường như tất cả mọi vật, từ cỏ cây đến vũ trụ, đến những sinh thể nhỏ bé nhất đều có linh hồn, đều mang theo hơi thở hồn nhiên nguyên sơ nhất của vũ trụ. Khúc hát ngu ngơ của cây bông lau, rồi tháng giêng giã từ… đi tìm cỏ may”… nghe sao mà thân thương, trong trẻo và bình yên đến lạ.

“người say rượu quỳ bên gốc cây già/ uống ánh mặt trời và dòng phù sinh vô tận” (Ngụ ngôn của người đãng trí).

Con người trong thế giới ấy bỗng chốc trở nên thật kỳ vĩ, hòa nhập vào thiên nhiên, vũ trụ một cách tuyệt đối. Nó gợi cho ta sự hình dung về một thế giới siêu nhiên, ở đó con người giống như những thiên thần, thật lung linh huyền ảo. Dấu ấn đó còn hiện lên rõ ràng hơn qua những câu thơ:

“sau tàng cây khổ hạnh người say rượu lõa thể như một chiếc lá sen/ đứa con trai thì mọc đầy lông vũ…”.

Đây đúng là thời hồng hoang nguyên thủy của loài người, tất cả mang màu sắc tự nhiên, thanh khiết. Nhưng thế giới ấy vẫn tiềm ẩn sự đối lập. Đó là sự đối lập giữa thực và mộng, giữa cái thanh khiết và cái dữ dội. Có những hình ảnh gợi lên cho ta sự rùng rợn không thành cụ thể nhưng khó thể nào quên:

“mùa hè có tuyết đen thật đẹp/…/ tôi một mình với cơn cuồng nộ của mùa hè/ đà điểu cắp cánh tay người yêu tôi đi/ chiếc nhẫn cưới bay mất/ tôi không còn cuộc hôn nhân kỳ dị/ người con gái đâm mù mắt tôi/ bằng hai quả trứng vàng…”

Tác giả như đang dẫn ta vào trong một giấc mơ dài, đi hết miền đất này qua vùng sa mạc khác, càng đi càng rùng rợn, càng rời xa thế giới của hư vô nguyên sơ ngày nào.

Ngụ ngôn của người đãng trí mang đậm dấu ấn của chủ nghĩa siêu thực, như tiếng thét dữ dội, mãnh liệt của con người trước khi từ bỏ một cái gì đó, giống như tiếng hót cuối cùng của con chim sắp từ giã cõi đời. Nó vươn cổ, trút hết sinh lực và để lại tiếng ca cho đời thêm tươi đẹp. Cùng cảm nhận đó, ta thấy Ngô Kha đã đạt được thành công nhất định khi ra mắt tập thơ này. Có lúc ta thấy tác giả thoát ra khỏi vùng trời siêu thực trở lại thực tế đớn đau của tâm hồn, một tâm hồn rách nát bởi vết thương tình chưa liền sẹo, cộng thêm hiện thực đau khổ khốc liệt của cuộc chiến bên ngoài. Điều đó tạo nên một sự thôi thúc vượt thoát khỏi lý trí, giống như những chiếc đập nhỏ ngăn cản dòng nước đang êm đềm, tạo nên sự mãnh liệt cho dòng thác nội tâm tuôn chảy. Người đọc có thể thấy rõ điều đó trong suốt các chương của cuộc hành trình đi trong vô thức. Cứ sau mỗi chương đoạn có sự xen kẽ những dấu hiệu của thực tại thì ngay sau đó những cung bậc của nội tâm ngày càng thêm dữ dội - một thủ pháp tâm lý hết sức tự nhiên và mang lại hiệu quả nghệ thuật đặc sắc.

Thế giới trong Ngụ ngôn của người đãng trí là thế giới của mộng, của chiêm bao, và hơn cả, nó được khúc xạ qua tầng vô thức của một kẻ đãng trí nên hư vô càng tiếp hư vô, siêu thực lại càng trở về siêu thực. Đó là một giấc mơ dài đi từ ngày này qua ngày khác, dẫn ta từ cõi trời này đến cõi trời khác. Và nói như Freud, giấc mơ luôn bị điều phối bởi vô thức, nó là tầng lớp sâu nhất trong tâm thức mỗi chúng ta. Với Ngụ ngôn của người đãng trí, Ngô Kha bị điều khiển bởi phần vô thức ấy nên mạch cảm xúc cứ tuôn trào. Tất cả những gì của thực tại đều mang bóng dáng của giấc mơ và chìm sâu vào ký ức. Đến lúc tuôn ra giống như suối nguồn vô tận không có mãnh lực nào có thể ngăn cản nổi. Về ý này ta thấy Ngô Kha có một ý thơ giống Hàn Mặc Tử: “tôi hay nói chuyện về những dòng chữ ngụ ngôn/ những dòng chữ chảy từng hàng não sống/ trên chiếc máy in hùng hồn của thác nước/ những dòng chữ khai sinh..” Các nhà thơ siêu thực thường hay nói về những con chữ của mình như thế. Hàn từng viết: Ta muốn hồn trào ra đầu ngọn bút/ Mỗi lời thơ đều dính não cân ta/ Bao nét chữ quay cuồng như máu vọt/ Như mê man chết điếng cả làn da” (Rướm máu).

Cái hàng não sống ấy chính là máu, là hồn, là tinh lực của thi nhân truyền vào mỗi vần thơ của mình. Họ sáng tác trong những trạng thái xuất thần, hoàn toàn vượt thoát khỏi lý trí và sự kiểm soát của cảm xúc. Đến đây ta lại nhớ đến Tinh huyết của Bích Khê, cũng là một trong những cây bút siêu thực xuất hiện trong thi đàn Thơ Mới lúc bấy giờ. Cả Bích Khê, Chế Lan Viên và Hàn Mặc Tử cùng nằm trong Trường thơ Loạn. “Loạn” ở đây không giống như sự nổi loạn thông thường mà “loạn” trong chính cái thế giới của họ, thế giới của tâm thức và tiềm thức. Thơ xưa nay sáng tác dựa trên các kỹ thuật câu cú thì đến bây giờ cái “loạn” ấy lại đề cao yếu tố tự động, viết như dòng thác ký ức đang tuôn chảy dạt dào. Đó giống như một quá trình thoát thai đau đớn và dữ dội những hình ảnh vốn nằm sâu trong vô thức của mình. Chính vì thế nếu Hàn Mặc Tử ngày xưa thoát lên “thượng tầng thanh khí” thì Ngô Kha không nói ông đang ở chỗ nào, chỉ biết thế giới trong thơ ông đã “nằm ngoài vùng phán xét của con người”, nghĩa là không ai có thể lấy kinh nghiệm bản thân để hiểu và phán xét nó. Xưa kia Hàn Mặc Tử có Thơ điên thì Ngô Kha ngày nay có Ngụ ngôn của người đãng trí. Tuy cùng nằm trong cùng một trường nghĩa là đánh mất lý trí nhưng chính cái đãng trí đó mới thật sự là Ngô Kha. Nghĩa là ông không hoàn toàn mất trí, không “điên”, mà đãng trí là một trạng thái của tinh thần trong một giai đoạn nào đó của con người. Đãng trí nên có sự nhập nhằng giữa mơ và thực, giữa thiên đàng và hạ giới… Và đó chính là nguyên nhân và cũng là bước đệm cho những chuyển biến trong thơ Ngô Kha trong những tập sau này.

Tài liệu tham khảo

1. Nhiều tác giả (sưu tầm), Ngô Kha - ngụ ngôn của một thế hệ, tập thơ gồm 18 bài.
2. Võ Quê(2005), Thi sĩ Ngô Kha - trung thực một đời thơ, trong Ngô Kha - Ngụ ngôn của một thế hệ, Nxb Thuận Hóa, tr 243.

3. Ngô Minh, Ngô Kha - một cõi tang bồng, trong Ngô Kha - Ngụ ngôn của một thế hệ (2005), Nxb Thuận Hóa, tr 285.

4. Bửu Nam, Phạm Thị Nga (chủ biên) (2013), Ngô Kha hành trình thơ, hành trình dấn thân & ngôi nhà vĩnh cửu, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội.

THE SURREALISTIC WORLD IN POEMS BY NGO KHA

Abstract

Ngo Kha was a teacher and scholar who contributed greatly to patriotic activities of students in South Vietnam before 1975. He has always been remembered as a patriotic scholar, a martyr and a poet engaging to dear life. However, this article opens another door to his poetic world, which is the surrealistic space in his poems.

Thông tin truy cập

63695871
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
16163
23426
63695871

Thành viên trực tuyến

Đang có 388 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website