Từ lâu, nhiều người đã chú ý tới vấn đề tác giả của Gia huấn ca. Bản in xưa nhất của tác phẩm này hiện còn được biết là chữ Quốc ngữ, in năm 1894(1). Bản in bằng chữ Nôm sớm nhất còn giữ được xuất hiện sau đó hơn 10 năm, vào 1907(2). Mặc dù trong lời giới thiệu cho lần xuất bản năm 1894, Nordemann, một học giả người Pháp, lúc đó là Giám đốc Nha học chính Nam Kỳ, đã quả quyết Gia huấn ca là “của quan tướng công triều nhà Lê là Nguyễn Trãi”(3), mặc dù ở bản in chữ Nôm, Nhà xuất bản Quan văn đường đã gắn tên Nguyễn Trãi với tên tác phẩm, thành một cái tên sách dài dòng “Lê triều Nguyễn tướng công Gia huấn ca”(4), nhưng hình như không phải ai cũng tin hẳn điều đó.
Trong khi nhiều nhà nghiên cứu giảng dạy về Nguyễn Trãi và Gia huấn ca, thì cũng có không ít các học giả khác tỏ ra hoài nghi. Có thể lấy những lời nhận xét có tính chất “phê phán văn bản” của nhà nghiên cứu Hoàng Xuân Hãn làm tiêu biểu: “… Các chữ cổ thường thấy trong những bài chắc chắn soạn vào thời Lê ở đây thấy rất ít, vả trong một vài nơi có nói đến các thứ đánh bạc như tổ tôm, tam cúc, chắn, đố mười, không biết những trò chơi ấy đã có từ đời Nguyễn hay chưa? Nói tóm lại, ta không có chứng gì nhận chắc quyết lời lời tục truyền rằng tập gia huấn ca này là của Nguyễn Trãi”(5). Thi Nham Đinh Gia Thuyết, khi xuất bản Gia huấn ca, cũng nhận xét rằng Gia huấn ca “lời văn bình thường”, “khác hẳn với ngòi bút Bình Ngô đại cáo” sở dĩ ông xuất bản sách này vì nó “đã được truyền tụng, được liệt vào cổ văn Việt Nam”, mặc dù biết “không chắc là của cụ Nguyễn Trãi”(6)). Cái lối “bỏ vào một rọ” những tác phẩm “được liệt vào cổ văn Việt Nam” trên đây hẳn là không thích hợp khi cần phải tìm hiểu một tác gia, một thời kì lịch sử nhất định, nhất là khi tác gia ấy lại là nhân vật quan trọng như Nguyễn Trãi. Vì thế, 17 năm sau, trên Tập san Văn Sử Địa xuất hiện một chuyên luận đăng làm hai kì của Nguyễn Hồng Phong: Tìm hiểu Gia huấn ca(7). Trong bài nghiên cứu công phu này, tác giả đã để một phần quan trọng tìm hiểu tư tưởng, nội dung và hình thức ngôn ngữ của tác phẩm, đi tới “khẳng đinh dứt khoát Gia huấn ca không phải của Nguyễn Trãi”(8). Nhưng sau bài này, giới thiệu nghiên cứu và giảng dạy về Nguyễn Trãi vẫn có người ghi nhận bản quyền tác giả của Gia huấn ca cho Nguyễn Trãi(9). Cho đến mùa xuân 1982, trên Tạp chí Văn học vẫn còn nhà nghiên cứu phải đặt câu hỏi “Gia huấn ca có phải của Nguyễn Trãi không?”(10), dù kết luận của bài viết nghêng về phía phủ định của tác giả Gia huấn ca là Nguyễn Trãi.
Xem ra vấn đề cũng không đơn giản. Bởi vì, dù về tư tưởng tác phẩm, nội dung hiện thực mà nó phản ánh hay hình thức ngôn ngữ văn chương mà nó biểu hiện có mâu thuẫn với con người Nguyễn Trãi hay thời đại Nguyễn Trãi, thì người ta vẫn có thể quan niệm như tác giả của Thi văn Việt Nam cách đây hơn 30 năm: “Nếu thật {Gia huấn ca} là của ông {Nguyễn Trãi} soạn thì sự sao đi chép lại bởi người đời sau và nhất là đời Nguyễn đã làm cho phần văn cổ đã bị sửa chữa nhiều rồi”(11). Và mặc dù trong các thư tịch cũ, không thấy đâu nói tới một Gia huấn ca nào của Nguyễn Trãi, nhưng Dương Bá Cung có nói Nguyễn Trãi viết Ngọc đường di phạm(12) thì người ta vẫn có quyền đặt câu hỏi: phải chăng có thể tìm thấy một chút bóng dáng của nó trong Gia huấn ca hay một phần của Gia huấn ca.
Như vậy, việc tìm tác giả “đích thực” cho sách này quả là có sự cần thiết nhất định. Nhưng, như các nhà nghiên cứu đã chỉ rõ: Gia huấn ca là một tập hợp 6 bài ca theo chủ điểm giáo dục gia đình mà bất luận về nội dung tư tưởng hay hình thức ngôn ngữ văn chương đều chứng tỏ chúng không phải do một tác giả soạn ra. Chúng tôi tán thành “dự đoán”khoa học này, Nhân tiện, xin nói thêm: hai bài cuối, bài ca thứ 5 Dạy học trò ở cho phải đạo và bài thứ sáu Khuyên học trò phải chăm học, đều là những “lời thầy dạy” đối với “những kẻ học trò” ở “trước của khổng” thì đã vượt ra ngoài phạm vi “gia huấn ca” rồi.
Chúng tôi đi tìm lời giải đáp cho câu hỏi được nêu từ kho thư tịch và tư liệu Hán Nôm. Bài đầu tiên trong số 6 bài của Gia huấn ca được chép trong một văn bản chép tay, ký hiệu AB.532 thuộc kho sách của Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Sách này có tên ghi ở ngoài bìa là Khuyết hiến ca, gồm 44 trang, khổ 20x13, sách đã cũ, chữ viết có chỗ đã mờ. Trong sách chép ba tác phẩm Nôm: Khuyết hiếu ca, Trường hận ca (bản dịch Nôm) và Cảnh Phụ Châm. Cảnh phụ châm gồm 26 bài trang cuối là toàn bộ bài ca thứ nhất của Gia huấn ca mà trong Lê triều Nguyễn tướng công Gia huấn ca có tên là Bài ca dạy vợ dạy con. Điều đáng chú ý là bản này còn giữ lại được lời chú, một Nguyên tự của tác giả và một bài Bạt ở cuối sách. Lời ghi chú viết rằng: “đoạn nói về đạo Phật trong Phụ châm (tức cảnh phụ châm) thì những tu thiền chưa chắc đều đã thế cả, độc giả cũng đừng vì thế mà chê cười họ”. Nhận thấy bài Nguyên tự có thể soi sáng rất nhiều về lai lịch văn bản và về tác giả, chúng tôi xin dịch giới thiệu toàn bộ dưới đây:
“Việc giáo dục là không thể thiếu được. Người không phải dạy mà hiểu biết mọi điều là nhất rồi. Nhưng trong thiên hạ thì những người tài năng vào loại trung bình là nhiều hơn cả. Cho nên không thể không có giáo dục. Đến như bọn học trò, từ tuổi nhi đồng lên bảy, đều được theo học, mà những phương pháp dạy bảo bọn chúng thì cũng chứa đầy trong sách vở cả rồi, chẳng cần ta phải thừa lời nói nhàm. Còn như khách quần thoa son phấn, mà chịu để sức xem xét, ra công trước thuật như nàng Thái, ả Tạ thì thực là hiếm lắm. Đối với bọn họ lại càng không thể không giáo dục. Nhưng nếu như chữ nghĩa trúc trắc, giọng văn cao xa, thì lại không thể nhớ mà ngâm nga được. {Cho nên}, nhân lúc dạy học rỗi rãi. {ta} nhặt nhạnh những câu cách ngôn cổ và những câu ca dao, tục ngữ bằng quốc ngữ có thể làm lời khuyên răn được, sắp thành hơn 40 điều diễn ra quốc âm để làm chân ngôn cho bọn đàn bà con gái. Nhân thế mới đặt tên là “Phụ châm”. Ta nghĩ rằng: bản thân mình đúng đắn thì không bắt buộc mà người ta vẫn theo, nếu bản thân mình không chính đáng thì làm sao mà sửa lỗi cho người khác? Quá trình tự tu dưỡng của ta rất thiếu sót. Đã định sửa bỏ lỗi lầm mà vẫn chưa xong thì lấy gì mà dạy người khác? Nhưng rồi lại tự nghĩ rằng: có đạo làm cha mẹ là có trách nhiệm với cả gia đình, {như thế} thì {ta} lại là tấm gương mà cả nhà trông vào, phải làm cho cả nhà kính phục mà hiểu đạo tôi con, chứ đâu chỉ là việc dạy dỗ? Cho nên, ta quên mình gàn dở, hủ lậu, viết ra thành lời để dạy những người trong nhà, chỉ là lời châm riêng cho một gia đình ta truyền nhau học tập thôi” (Phụ châm nguyên tự: “Thậm hĩ. Thiên hạ duy trung tài tối đa. Thị dĩ bất khả vô giáo. Thả như tử đệ bối trung tự nhất tuế thành đồng mạc bất hữu học. Sở dĩ giáo tri chi đạo ư thư vô dư uẩn hĩ, hựu phi dư chi sở tất nhuế dã. Nhược phù nghiệp quần thoa sụ phấn đại nhi năng cù ư quan lãm công ư trước thuật như Thái, Tạ giả thành tiễn yên. Thị vưu bất khả dĩ vô giáo dã. Cố kỳ văn tự chi cật khúc, từ điệu chi thanh tao, tắc hựu bất đắc nhi thành tung giả. Khoá chi hạ nhân xuyết thập cổ chi cách ngôn dữ quốc ngữ, lý ngữ khả vi giám giới giả liệt vi tứ thập dư điều, diễn chi Quốc âm, dĩ vi phụ châm, nhân nhan yên. Duy kì thân chính bất lệnh nhi tòng, kỳ thân bất chính như chính nhân hà? Dư ư tự trị công thậm sơ, thường dục cải quá nhi vị thành giả, nhi hà dĩ giáo nhân tai? ức hựu tự niệm viết: hữu phụ mẫu chi đạo, tư hữu nhất gia chi trách, tắc hựu nhất gia chi sở chiêm thị giả. Sử chi tụng nhi tri chi, độc bất hựu ngôn giáo hồ? Toại vong kỳ cố lâu, thư dĩ giáo chi, tư vi nhất gia chi truyền tập yên nhĩ, châm vân hồ tai. Thị vi tự”).
Ngoài động cơ, mục đích khi viết Phụ châm và đôi nét rất kín đáo về tác giả, bài Nguyên tự còn cho chúng ta biết:
1. Tên của tác phẩm này (tức bài thứ nhất trong Gia huấn ca) là Phụ châm.
2. Phụ châm được tác giả sáng tác dựa trên những cách ngôn cổ và những câu ca dao, tục ngữ bằng quốc ngữ.
Vậy ai viết Phụ châm? Tiếc rằng bài Nguyên tự này không kí tên tác giả. Nhưng bài Bạt viết (dịch): “Người đàn bà có ngoan hay không là do ở gia đình và có quan hệ tới sự thịnh suy của đạo nội trợ. Như vậy thì việc răn dạy không thể bỏ qua được. Xưa nay, những khuôn mẫu trong chốn buồng the được diễn thành quốc ngữ, phổ vào luật như Nữ tắc của Trần Thị thì cũng thường có đấy. Nhưng chỉ có Phụ Châm là sáng tác của Yên (An)(13) Thái Tôn sư. Trong đó các điều về thờ phụng tổ tông, hiếu kính cha mẹ, theo chồng nuôi con… so với các bài huấn khác thì gọn gàng, sáng sủa và dễ hiểu hơn cả. Sách này phải để cho chốn khuê môn thuộc lòng mà thấu hiểu, thì rồi mới có thể giữ được những điều tốt lành cho các nhà phú gia. Vì thế, ghi vào cuối sách”(14).
Bài Bạt này khẳng định rằng tên tác phẩm là Phụ châm, rằng trước Phụ châm có nhiều bài ca răn dạy phụ nữ được “diễn thành quốc ngữ, phổ vào âm luật” như Nữ tắc của Trần Thị…, nhưng chỉ có Phụ châm của Yên Thái Tôn sư là gọnn gàng, sáng sủa và dễ hiểu hơn cả. Vậy Yên Thái Tôn sư là ai? Một vị thầy tôn kính ở Yên Thái. Yên Thái là ở đâu? Hà Nội có phường Yên Thái, nhưng Nghệ An cũ, Thanh Hoá, Sơn Tây cũ, Nam Định cũ cũng có những địa danh An Thái hoặc Yên Thái…
Xuyết thập tạp ký. Lược truyện các tác gia và Thư mục Hán Nôm - Mục lục tác gia đều ghi nhận là Lý Văn Phức có viết sách Xuyết thập tạp ký(15). Nhưng thực ra, nhà sáng tác hoặc nghiên cứu nào chẳng có trong tay một tâp “Nhặt nhạnh ghi chép”( tức “Xuyết thập tạp ký”)? Hiện nay kho sách Hán Nôm của Viện Nghiên cứu Hán Nôm có ít nhất 2 tập sách mang tên là Xuyết thập tạp ký. Một sách có kí hiệu là A.1792 gồm vài câu đối, còn toàn bộ là một tập thơ, chủ yếu thơ chữ Hán, chưa rõ tác giả là ai, vì nội dung của sách không phù hợp với bài tự của Lý Văn Phức ghi trong tập Xuyết thập tạp ký của ông(16). Một sách khác có kí hiệu là AB.132. Sách này ngay ở trang đầu có bài tự của tác giả, ký tên: Vĩnh Thuận Khắc Trai Lý Văn Phức Lân Chi. Sách này có hai phần rõ rệt: phần đầu là sưu tập những truyền thuyết và giai đoạn “chưa thấy ghi trong dã sử”, đúng như nội dung mà bài tự của tác giả đã ghi rõ: phần sau là tập hợp các sáng tác bằng chữ Nôm của Lý Văn Phức. Phần thứ hai này hẳn là do người khác biên tập, vì một dấu vết khá rõ là: dưới mỗi tác phẩm đều có ghi những dòng chữ kiểu như “Lý Hồ Khẩu tiên sinh soạn…”. Về mức độ tin cậy của bản Xuyết thập tạp ký có ký hiệu AB. 132 này, có thể dẫn lời nhận xét về văn bản này được ghi lại bằng bút sắt (chưa rõ tên người ghi) trong trang đầu của Nhị thập tứ hiếu diễn ca: “Hiệu đính (Nhị thập tứ hiếu diễn ca) căn cứ theo bản AB.132. Bản AB.132 này có thể là bản sao của các bản thảo cũ của Lý Văn Phức”(17).
Phụ châm được chép ở phần cuối sách này, từ 137 đến trang 154, có tên là Phụ châm tiện lãm. Ngay dưới đầu đề, có dòng chữ “Lý Hồ Khẩu tiên sinh soạn…”.
Tới đây, Phụ châm (hay Cảnh phụ châm, hay Phụ châm tiện lãm) đã được ghi nhận trong một văn bản đáng tin cậy, là do Lý Văn Phức người làng Hồ Khẩu huyện Vĩnh Thuận, Hà Nôi, soạn thảo. Điều này hoàn toàn phù hợp với lời bài Bạt trong Cảnh phụ châm, kí hiệu AB.532, nói rằng Phụ châm là tác phẩm của Yên Thái Tôn sư(18).
Viết Phụ châm, Lý Văn Phức đã thể hiện một khuynh hướng sáng tác khá rõ nét trong cuộc đời trước thuật của mình. Vị “Yên Thái Tôn sư” này, trong thời gian ngồi dạy trẻ ở Hồ Khẩu, hay Yên Thái, đều rất quan tâm đến vấn đề giáo dục nói chung và vấn đề đạo đức nói riêng. Nhị thập tứ hiếu diễn ca, Phụ châm và một số tác phẩm Hán, Nôm khác của ông đã được sáng tác theo xu hướng đó. Mặt khác Phụ Châm cũng mang những đặc điểm trong sở trường và cả sở đoản của ngòi bút Lý Văn Phức. ở mặt này, Phụ châm có một bước tiến so với Nhị thập tứ hiếu diễn ca cả về tư tưởng lẫn hình thức ngôn ngữ văn chương. Lý do của bước tiến này là chính ở cái cội nguồn “ca dao tục ngữ bằng quốc ngữ” mà tác giả rất có ý thức sưu tầm, chắt lọc như bài Nguyên tự đã nói. Nhưng có được sự trau dồi về “quốc ngữ” đến mức độ này cũng không thể một sớm, một chiều. Phải sau chặng đường đời hẳn là không ít sóng gió, ngẫm nghĩ lại cả một “quá trình tự tu dưỡng… rất thiếu xót” của bản thân, thì mới có được những “ý tình đôn hậu đáng làm khuôn phép cho việc giáo huấn gia đình”(19) qua những câu thơ Nôm khá tự nhiên, thanh thoát. Vì thế, chúng tôi cho rằng Phụ châm được tác giả viết vào cuối đời mình, những năm 40 của thế kỷ trước, sau ngày mất của vị anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi bốn thế kỷ!
Như vậy, bài ca thứ nhất trong Gia huấn ca được Edmond Nordemann, Quan văn đường và nhiều người khác gắn với tên tuổi của Nguyễn Trãi, có các tên gọi “Bài ca dạy vợ dạy con” (bản in của Quan văn đường năm 1907), “Cảnh phụ châm” (Khuyến hiến ca, sách chép tay, ký hiệu AB.132) là một tác phẩm của Lý Văn Phức, được tác giả chính thức đặt cho cái tên ban đầu là Phụ châm, gồm 308 câu thơ Nôm trong tổng số 796 câu của cả sáu bài ca trong Gia huấn ca.
Vấn đề đặt ra là: vào thời điểm Edmond Nordemann, in Gia huấn ca, các bản Phụ châm được lưu hành hẳn có Nguyên tự, Bạt và nhất là những kí ức về tác giả của nó (Lý Văn Phức) hẳn còn rõ nét trong tầng lớp sỹ phu đương thời, nhưng vì sao Phụ châm lại “nhảy vào”chiếm vị trí thứ nhất trong Gia huấn ca của Nguyễn Trãi? Con đường truyền bản của Phụ châm có phải như một nhà nghiên cứu đã nói: “Đương thời có lưu hành trong nhân dân một số bài thơ với đầu đề và tính cách luân lý… của những tác giả vô danh. Rồi trong sách cũ lại có nói Nguyễn Trãi làm một tập thơ Nôm nhan đề là Gia huấn ca, thì một nhà văn nào đó tưởng rằng những bài thơ kia là tập Gia huấn ca của Nguyễn Trãi, nên đã sưu tầm lại, sắp xếp lại cho vào tập rồi đặt cái tên chung Gia huấn ca”(20) không? Hay rốt cục, toàn bộ Gia huấn ca” cũng chỉ là nguỵ thư như kiểu Lĩnh Nam dật sử của Trần Nhật Duật(21)? Đây đúng là hiện tượng “râu ông cằm bà” thường thấy trong các tác phẩm Hán Nôm, nhưng muốn lý giải đầy đủ và chính xác nguyên nhân của sự “nhầm lẫn tai hại” này đối với Gia huấn ca nói chung và Phụ châm nói riêng, hẳn còn cần các dữ kiện mà bài viết này còn chưa đủ. Trong điều kiện tư liệu nắm được, dù chưa trả lời đầy đủ câu hỏi được nêu, chúng tôi cũng xin cung cấp những cứ liệu ban đầu để những ai quan tâm tới vấn đề có thêm bằng chứng để giải quyết, hoặc dự đoán các khả năng “có thể” là của ai đối với những bài còn lại.
CHÚ THÍCH
(1) (3) Edmond Nordemann: Nguyễn Chai Da huấn ca. Bản in lần thứ hai, Huế, 1907.
(2) (4) Lê triều Nguyễn tướng công Gia huấn ca; Quan văn đường tàng bản, Thánh Thái Đinh Mùi (1907). Bản của Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm có ký hiệu AB. 406.
(5) Hoàng Xuân Hãn: Thi văn Việt Nam, Sông Nhị, Hà Nội, 1951.
(5) Thi Nham Đinh Gia Thuyết: Gia huấn ca, Tân Việt, Sài Gòn, 1953.
(7) (8) Nguyễn Hồng Phong: Tìm hiểu Gia huấn ca , Tập san Văn Sử Địa số 27 và 29, tháng 4 và tháng 6 năm 1957.
(9) Đinh Gia Khánh, Bùi Duy Tân, Mai Cao Cương: Văn học Việt Nam tập I, Nxb, Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1978; Thư mục Hán Nôm - Mục lục tác gia, bản in rô-nê-ô, 1977.
(10) Đoàn Khoách: Gia huấn ca có phải của Nguyễn Trãi không? Tạp chí Văn học số 1, năm 1982, tr. 56.
(11) Hoàng Xuân Hãn: Sách đã dẫn.
(12) Dương Bá Cung: ức Trai tập tự, Phúc Khê nguyên bản, bản in năm Tự Đức Mậu Thìn, ký hiệu A. 139.
(13) Chữ 安 có hai âm đọc: an hoặc yên.
(14) Nguyên văn: “Phụ chi hiền phổ, gia chi sở do, nhi thịnh suy nội trợ chi hệ. Như thử tắc huấn chi bất khả hốt dã. Cổ lai khổn thức, diễn chi Quốc ngữ, hiệp chi âm luật như Trần Thị chi Nữ tắc giả vãng vãng hữu chi. Duy phụ châm nãi An Thái Tôn sư sở trước. Tựu trung phụng tổ tông, hiếu công cô dữ phù tòng phu dưỡng tử chư điều tỷ chư huấn vưu vi giản minh dị hiểu. Tất sử khuê vi trung tụng nhi tri chi, nhiên hậu khả dĩ bảo kỳ phú gia chi cát. Nhân lục chi vu tập hậu”.
(15) Xem Trần Văn Giáp: Lược truyện các tác gia Việt Nam, tập I, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1971, tr. 390, và Thư mục Hán Nôm-Mục lục tác gia, tr. 146.
(16) Thư mục Hán Nôm-Mục lục tác gia ghi nhận bản Xuyết thập tạp ký A. 1792 là của Lý Văn Phức.
(17) Nhị thập tứ hiếu diễn ca đóng trong một tập sách có tên là Dương Tiết diễn nghĩa, ký hiệu VHv. 1259, kho sách Hán Nôm, Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
(18) Hồ Khẩu và Yên Thái là hai làng liền nhau thuộc tổng Trung, huyện Vĩnh Thuận của Hà Nội cũ. Làng Hồ Khẩu, nơi hiện còn đền thờ Lý Văn Phức, vẫn được gọi là phố Yên Thái (xem Đương phố Hà Nội của Nguyễn Vĩnh Phúc - Trần Huy Bá, Nxb. Hà Nội, 1979, tr. 442).
(19) Đoàn Khoách: Bài đã dẫn.
(20) Nguyễn Hồng Phong: Bài đã dẫn.
(21) Trên tờ tạp chí Nam phong từ số 48 năm 1921, xuất hiện thiên tiểu thuyết lịch sử dài, đăng làm nhiều kỳ, tên là Lĩnh Nam dật sử, đề là tác phẩm của Trần Nhật Duật. Đây là một cuốn nguỵ thư mà ít lâu sau khi cho đăng, Nguyễn Bá Trác, đồng chủ bút tờ Nam phong, đã phải viết bài cải chính (xem Lĩnh Nam dật sử nghi án, Nam phong số 53, 1921).
Nguồn: Tập san Hán Nôm số 1-1984.