Lòng đạo xin tròn một tấm gương

(Dương Trọng Dật, In trong "Những vấn đề ngữ văn" (Tuyển tập 40 năm nghiên cứu khoa học của Khoa VH&NN)

Trong bài viết nhân dịp kỷ niệm ngày mất của Nguyễn Đình Chiểu, tháng 7 năm 1967, nhà văn hoá Phạm Văn Đồng có viết: “ Trên trời có những vì sao ánh sáng khác thường, nhưng con mắt của chúng ta phải chăm chú nhìn mới thấy, và càng nhìn càng thấy sáng. Văn thơ Nguyễn Đình Chiểu cũng vậy”.

Lê Thánh Tôn khi đánh giá về Nguyễn Trãi cũng để lại một câu thơ nổi tiếng như thế này: Ức Trai tâm thượng quang khuê tảo.

Phải chăng cũng như Nguyễn Trãi, ngôi sao Nguyễn Đình Chiểu rực lên trên bầu trời dân tộc, trước hết ở cái “tâm như nhật nguyệt” của ông, ở đôi mắt – trái tim.  Chính cái tâm rực sáng ấy đã đem lại cho đôi mắt mù của nhà thơ một sự sáng suốt, diệu kỳ. Cái tâm của ông không chỉ là lòng ưu ái lớn lao mà còn kết tinh chí khí của hàng chục triệu dân, của cả dân tộc – cái chí khí của trời đất:

Trời còn hơi chính gởi đôi mắt thầy

(Ngư Tiều vấn đáp y thuật)

Cái tâm của Nguyễn Đình Chiểu mang cốt cách của người Nam Bộ, cái khí tiết của các nghĩa sĩ Cần Giuộc, các nghĩa sĩ  Lục tỉnh, rạch ròi như dao chém đá, giản dị mà cứng cỏi lạ thường:

Dẫu rằng: mấy mặt  như sen

Chân bùn tay lấm mà bèn sạch trơn

(Ngư Tiều vấn đáp y thuật)

Trái tim ấy toả ra một sức sống mãnh liệt về tinh thần bộc lộ ngay cả trong lòng căm thù giặc, tựa hồ cũng có cái chất nồng nhiệt, sôi nổi dễ thấy của người Nam Bộ đến mức: “muốn tới ăn gan, muốn ra cắn cổ” kẻ thù. Nó tích thành nhiệt huyết, thành sức mạnh, tạo nên niềm tin ở chính nghĩa của dân tộc, ở lẽ tất thắng. Chính vì thế mà trong những năm tháng đen tối của dân tộc, cái nhìn của nhà thơ mù loà đó vẫn rất sáng:

Ngày nào trời đất an ngôi cũ

Mừng thấy non sông bặt gió Tây

Tâm lòng yêu nước thương dân của ông, nỗi niềm đau đời và thương đời khôn nguôi của ông đã cho ông cái trí. Ông đã đốt cháy trái tim thành trí tuệ. Muốn sáng mắt thì phải sáng lòng. Kỳ Nhân Sư nói: “Ta đi thấy cả muôn việc ở cõi trần, Giữa cái thay đổi ấy ta chỉ giữ cái không thay đổi, đó là cái tâm của ta”. Không bị lung lạc bởi hoàn cảnh, Nguyễn Đình Chiểu luôn giữ được cho mình cái lực hướng tâm,cái nội lực. Đó là tấm lòng tận tuỵ với nước, với dân:

Kén tơ kéo hết ra thân nhộng.

Khát vọng cao cả ấy khiến ông vượt qua giáo điều cứng nhắc của đạo lý thánh hiền để đến với đời, tiếp cận chân lý đời sống mà nhiều người sáng mắt đương thời không tiếp cận được, không nhìn thấy được. Trí tuệ của ông đã đạt đến sự thấu thị hiếm có. Đó là cái trí tuệ lọc ra từ máu của dân tộc:

   Muốn cho thần sáng, tinh ròng

   Giữ cho khí huyết ngăn dòng đục sâu.

Đôi mắt cho ông sự rạch ròi trong quan điểm bạn thù: “Hay ghét cũng là hay thương”. Ngay cái ghét của ông cũng mang khẩu khí của người Nam Bộ, ghét “hết mình”, “ghét cay, ghét đắng, ghét vào tận tâm”. Ghét đến độ thấy “cục cứt” của lũ chuột cũng nhọn hai đầu, cũng nham hiểm thì quả là độc đáo hết chỗ nói.

Hãy xem nhà thơ vạch mặt Tôn Thọ Tường:

Lổm xổm giường cao thấy chó ngồi

Và đây là cái bộ mặt xã hội Việt Nam phong kiến trong buổi đầu của chủ nghĩa tư bản:

Người ngay ăn ở khác bề

Rượu dầm trong bục sắc kề bên thân

No say rồi lửa dục hừng

Đố trong khí huyết tinh thần còn chi

Xem thế việc Nguyễn Đình Chiểu không để con học chữ Tây, không chịu giặt áo bằng xà bông phải đặt vào con người ông, thời đại ông mới thấy hết ý nghĩa: Đã quay lưng là quay hẳn lại. Đó là sự bất hợp tác cao độ, sự vững vàng trước thế sự đảo điên. Kỳ Nhân Sự xông hai con mắt cho đui để khỏi nhìn thấy kẻ thù trước hết cũng là bắt nguồn từ cái sáng của trái tim, của trí tuệ.

Thà đui mà giữ đạo nhà

Còn hơn có mắt ông cha không thờ

Dầu đui mà khỏi danh nhơ

Còn hơn có mắt ăn dơ tanh rình

Dầu đui mà đặng trọn tình

Còn hơn có mắt đổi hình tóc râu

Đó cũng là một kiểu dứt khoát của người yêu nước, trong tình thế ngặt nghèo. Bởi vì ngay trong khoảnh khắc đó, Nguyễn Đình Chiểu vẫn đứng vững với tinh thần cứng cỏi và tấm lòng son sắt của ông. Thái độ ấy ít nhiều gần gũi với thái độ của dân gian trong câu ca dao:

Trời sinh con mắt là gương

Người ghét ngó ít, người thương ngó nhiều

Giặc đến không chịu sống chung, điều ấy xưa nay đã có. Nhưng xông mắt cho đui để “ khỏi gai con mắt  lại nuôi được lòng” thì không dễ có. Hành động hy sinh đôi mắt là phi thường nhưng lại phù hợp với tính cương cường ngay thẳng, khí khái, thái độ rạch ròi dứt khoát của nhân dân, cái hào khí của những con người Bến Nghé, Đồng Nai. Nó được chỉ đạo bởi nhịp đập ngang tàng, bất khuất của một trái tim thương nước. Cái dũng ở đây là được cái trí và cái nhân soi sáng:

Sự đời thà khuất đôi tròng thịt

Lòng đạo xin tròn một tấm gương

“Đạo tâm” ở Nguyễn Đình Chiểu không gì khác hơn là cái đạo đời rất mực tươi xanh của cuộc sống. Nó khiến cho sự nghiệp ông nẩy lộc đâm hoa. Ánh sáng ngôi sao Nguyễn Đình Chiểu như một tấm kính chiếu yêu làm lộ rõ nguyên hình những “trái tim đui mù” trong cơn biến động của lịch sử:

Sáng chi đắm sắc, tham tài

Lung lòng nhân dục, chuốc tai hoạ trời

Sáng chi dua nịnh theo đời

Nay vinh, mai nhục mang lời thị phi

Sáng chi nhân nghĩa bỏ đi

Thảo ngay chẳng biết, lỗi nghì thiên luân

Vượt qua khỏi cái vũ trụ riêng chật hẹp, cái “mê cung” của những đạo lý thánh hiền, vượt qua bãi lầy mênh mông ghê sợ của tư tưởng Nho giáo, Nguyễn Đình Chiểu đã bước vào đại lộ của nhân dân. Có thể nói ông đã thực hiện một cuộc “vượt ngục tinh thần” vĩ đại. Ở đây ông đã “thấy ra mình”, khám phá ra mình – con Người viết hoa. Ông là hiện thân của nhân cách Việt Nam, khí phách Việt Nam. Cách chim đại bàng ấy đã dang rộng đôi cánh sáng tạo trong bão táp. Làn sóng kháng chiến của dân tộc cuồn cuồn dâng lên như nước triều Đông vỗ vào ông và hồi âm trở lại bằng những tác phẩm tiêu biểu mà thiếu nó, văn học Việt Nam sẽ có một chỗ trống đáng tiếc. Thơ văn ông vang vọng cái thực trạng bi hùng đầy máu và nước mắt của dân tộc, sức sống mãnh liệt của một thời đại. Ông cung cấp cho người đọc hình ảnh vật chất và tinh thần của những con người hoạt động nhất, hữu dụng nhất những vấn đề cốt tử của dân tộc trước hiểm hoạ ngoại xâm. Con mắt của nhân dân đã trang bị cho ông một cách nhìn đúng. Đó là một phẩm chất đặc biệt quan trọng ở người nghệ sĩ vĩ đại. Nhà dân chủ cách mạng Nga Séc-nư-sép-xki đã từng nói: “ Phẩm chất duy nhất ở tôi – nhưng quan trọng hơn bất cứ một kỹ xảo nào của nhà văn – là ở chỗ tôi hiểu đúng cái sự vật hơn những người khác”. Để tạo ra AQ, Lỗ Tấn phải hiểu rất rõ căn bệnh của AQ. Trong khi phê phán văn nghệ Trung Quốc thời Ngũ Tứ (1919 -1927) ông viết: “Người Trung Quốc lâu nay, vì không dám nhìn thẳng vào cuộc sống, đành chỉ lừa dối và che giấu, do đó cũng sính thứ văn nghệ che giấu và lừa dối. Thứ văn nghệ đó càng khiến người Trung Quốc chìm sâu vào vũng lầy che giấu và lừa dối, thậm chí chính mình không cảm thấy nữa. Thế giới ngày nay đã thay đổi, đã đến lúc nhà văn chúng ta cất cái bộ mặt giả dối: hãy chân thành, sâu sắc, can đảm nhìn vào cuộc sống và miêu tả máu thịt của nó”. Đó là điều gần gũi giữa Nguyễn Đình Chiểu và Lỗ Tấn. Ông làm văn chương cũng như bốc thuốc cho đời, nhưng trước khi kê đơn, bốc thuốc, phải “bắt mạch” cho đúng, cho trúng căn bệnh của thời đại và tìm cho được vị thuốc “chủ công”. Nguyễn Đình Chiểu đã làm được điều đó. Ông bước đầu giải được bài toán hóc búa mà lịch sử đặt ra. Chính tấm “lòng gương soi khắp núi sông” đã tạo ra cho đôi mắt mù của nhà thơ cái nhãn lực vô biên, nhìn ra sự chấm hết của một thời đại, một giai cấp và lực lượng sẽ thay thế nó. Bởi vậy không phải là một niềm tin vô cớ, là ước mơ viển vông khi ông viết như thế này:

Sau trời Thúc Quý tan mây

Sông trong biển lặng, mắt thầy sáng ra

Gió thời đại đã nổi thành cơn bão lớn. Tấm lòng như đống than vùi của cụ Đồ hôm nay lại cháy rực lên. Bài học của nhà thơ lớn Nguyễn Đình Chiểu trước hết là bài học về sự thống hợp giữa cái trí và cái tâm, là vấn đề đôi mắt của nhà trí thức. Muốn sáng trước hết phải hiểu, phải yêu. Vấn đề đôi mắt đã từng day dứt bao nhiêu thế hệ trí thức, dằn vặt bao nhiêu thế hệ nghệ sĩ cũng chưa hẳn là đã cũ đối với chúng ta hôm nay.

Quả tim ông lọc trăm dòng máu trong huyết quản của dân tộc, của truyền thống, bởi vậy mà sáng rõ lạ thường. Nó chung đúc được khí huyết của trời đất và vọt lên những vần thơ mặt trời. Kỳ diệu hay đôi mắt của người tri thức, đôi mắt – trái tim, đôi mắt của một tư tưởng vĩ đại không bao giờ tắt:

Lòng đạo xin tròn một tấm gương

Đó là trái tim Đan-cô của thời đại ông.

 

Thông tin truy cập

63701413
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
21705
23426
63701413

Thành viên trực tuyến

Đang có 170 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website