Doãn Thị Thúy(*)
TÓM TẮT
Vita (1910 - 1956) là nhà văn, nhà giáo ở miền Nam nổi tiếng một thời. Ông viết khá thành công ở cả thể loại tiểu thuyết lẫn truyện ngắn. Tuy không tạo nên một gia tài văn chương bề thế nhưng văn nghiệp của ông đã có những đóng góp nhất định vào nền văn học Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX. Việc nghiên cứu sự nghiệp văn học của Vita nhằm giới thiệu đầy đủ hơn về cuộc đời, tác phẩm của ông, thiết nghĩ là một việc cần thiết.
- Cuộc đời
Nhà văn Vita tên thật là Lê Văn Vị, sinh ngày 22/5/1910 tại làng Tân Kim, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An. Cha ông là Lê Văn Phong, mẹ là Trần Thị Đẩu. Ông xuất thân trong một gia đình khá giả làm nghề kinh doanh, buôn bán. Vita là con thứ bảy trong gia đình có chín anh chị em và cũng là người có ý chí, ham học hơn cả. Thửa nhỏ Vita học trung học ở Sài Gòn. Trong những tháng năm ngồi trên ghế nhà trường, Vita đã sớm bộc lộ niềm yêu thích văn chương. Đặc biệt cậu học trò nhỏ Lê Văn Vị luôn ấp ủ những khát khao, hoài bão được ra nước ngoài để học hỏi, tiêu biểu là nước Pháp. Tuy nhiên ước mơ đó đã gặp phải sự phản đối từ phía gia đình. Cha của Vita không muốn con mình đi du học mà chỉ muốn con ở lại trong nước kế thừa công việc buôn bán.
Khi Vita đến tuổi trưởng thành, ông Lê Văn Phong muốn con trai kết hôn với con gái của một người bạn là chủ tiệm vàng. Thế nhưng Vita lại kiên quyết từ chối. Với tinh thần ham học cộng thêm sự hăng say, nhiệt huyết của tuổi trẻ, Vita đã quyết định rời gia đình và lén sang Pháp học. Cuối năm 1929, được sự giúp đỡ của một người bạn làm nghề bồi tàu, Vita từ giã quê hương thân yêu để sang Pháp thực hiện mơ ước của mình. Trong những ngày lênh đênh trên biển, con tàu chở Vita ghé ngang qua Châu Phi. Chứng kiến cuộc sống khổ cực, tối tăm của những con người nơi đây, ông xúc động sáng tác truyện ngắn Djibouti di hận(1) (nói về cuộc sống một cô gái Châu Phi).
Thời gian đầu khi tới Pháp tuy gặp khó khăn nhưng nhờ sự giúp đỡ âm thầm của mẹ, Vita vẫn đủ kinh phí trang trải cho việc học tập và sinh hoạt. Tại Pháp, ông say mê nghiên cứu văn chương và ôm ấp thực hiện những mộng đẹp mà bản thân từng theo đuổi. Nhưng rồi bất hạnh bất ngờ ập đến với Vita, năm 1931, mẹ của ông qua đời. Cuộc sống của Vita dường như rơi vào bế tắc khi nguồn tài chính bị cắt đứt. Cũng từ đây ông bắt đầu cuộc sống bôn ba với muôn vàn khó khăn.
Pháp là một nước phồn vinh, nhưng trong những năm khủng hoảng khinh tế 1929 - 1933, đời sống người dân trở nên khó khăn, nạn thất nghiệp tràn lan. Trong thời gian này, Vita làm đủ thứ nghề để mưu sinh, chật vật chạy từng miếng cơm manh áo. Mọi trải nghiệm trên đất Pháp đã giúp ông có cái nhìn thấu suốt, cảm thông với cảnh khổ của những người dân lao động, của những học sinh, sinh viên nghèo du học trong thời khủng hoảng kinh tế. Những tháng năm sống lận đận bên trời Tây trở thành nguồn cảm hứng cho sự sáng tạo văn chương. Có thể nói, Vita đã đến với văn chương bằng chính đường đời, bằng vốn sống của những nỗi khổ đau, tủi buồn riêng và những cảnh ngộ nhức nhối ngoài xã hội. Ông tâm sự “Trong những phút tĩnh tâm, chạnh nhớ bạn nghèo khốn đốn, chết vì đói, lạnh, tác giả cảm thấy bùi ngùi vô hạn. Bỗng nhiên, những cảnh tượng đau thương, những mảnh đời vất vả, từ trong ký vãng xa xăm, vụt hiện về ám ảnh”(2). Bạn đọc khi tìm đến tác phẩm của Vita có thể bắt gặp hình ảnh những con người nghèo khổ xuất hiện với số lượng lớn.
Trải qua những năm tháng cơ cực, gian khổ nơi đất khách quê người, Vita học xong cử nhân văn chương. Cuối năm 1933 trở về nước, ông chọn Sài Gòn là nơi định cư. Cuối năm 1934 ông lập gia đình với bà Hà Thị Tâm và sinh được năm người con. Với sự ủng hộ của người vợ hiền thục đảm đang, cuộc đời Vita có những thay đổi quan trọng. Ông đem những kiến thức tích lũy được để phục vụ cho tổ quốc.
Ngay sau khi trở về nước, Vita chọn cho mình con đường dạy học và viết văn. Ông nhận thấy người dân Việt Nam phải chịu o ép đủ bề, cuộc sống không khác gì thân phận của những kẻ nô lệ từ những chính sách thâm độc của thực dân Pháp. Được sự giới thiệu của nhà giáo yêu nước Huỳnh Khương Ninh, ông theo nghề dạy học. Vita luôn chú ý tạo điều kiện, giúp đỡ và tiếp thêm nghị lực cho những học sinh nghèo hiếu học. Trong đời dạy học, Vita đều chọn dạy ở những trường tư thục vì ông muốn phát huy tính chủ động, sáng tạo cũng như khả năng của mình. Ông từng dạy ở một số trường trung học tư thục như Huỳnh Khương Ninh, Lê Bá Cang, Vương Gia Cần, Les Lauriers, Tiên Long, Tân Dân, Nguyễn Văn Khuê, Huỳnh Thị Ngà,… Trong gia đình, ông là người cha mẫu mực. Ngoài xã hội, ông là người thầy hết lòng vì học trò và cũng là người hết lòng thương yêu, giúp đỡ những kẻ nghèo khó. Đời dạy học của ông đã để lại những hình ảnh đẹp trong lòng đồng nghiệp và học trò.
Bên cạnh sự nghiệp giáo dục, Vita luôn chuyên tâm đến việc sáng tác văn chương. Ngoài bút danh Vita, ông còn có bút danh khác là Viên Đình (kí dưới bài thơ Đêm thu của Tản Đà dịch sang tiếng Pháp). Bút danh Vita bắt đầu xuất hiện khi ông làm báo, viết văn, và hầu như ông chỉ dùng bút danh này kí dưới tất cả những gì mình viết cho đến khi qua đời. Đây chính là bút danh do ông đặt để bày tỏ sự yêu thương, trân quý đối với người vợ của mình (ghép chữ Vị + Tâm tạo thành).
Vita còn cộng tác với nhiều tờ báo ở Sài Gòn như: Đuốc nhà Nam, Sài Thành, Asi Nouvelle, Prese Indochinoise… Vừa viết báo để cật lực kiếm sống, ông còn chuẩn bị viết những tác phẩm văn học thuộc thể loại truyện ngắn, tiểu thuyết để thỏa mãn niềm đam mê của mình. Sáng tác của ông được giới trí thức, văn nghệ cùng thời đánh giá cao.
Đương thời, ông còn giao lưu, kết bạn với những nhà văn như Sơn Nam, Phi Vân, Dương Tử Giang… Duyên gặp gỡ với những bạn văn cùng có chung hoài bão, lý tưởng đã thôi thúc ông có thêm động lực để sáng tác. Vita cũng chính là bạn thân, là người có mối thâm tình với nhà phê bình Thiếu Sơn. Sau này, khi nhớ về hình ảnh văn sĩ Vita, Thiếu Sơn ngậm ngùi “Đọc lại Mây ngàn tôi tha thiết nhớ tới anh, nhớ anh là một con người nhiều tình cảm, lúc nào cũng lo nghĩ tới gia đình, tận tụy với vợ con, trung thành với bè bạn và luôn luôn về phe với những người nghèo khổ, đói rách là nạn nhân của một xã hội vô tổ chức hay tổ chức theo đường lối người bóc lột người” (lời tựa Mây ngàn, 1995).
Cuộc đời Vita tài hoa mà bạc mệnh. Ông mắc bệnh ung thư gan và ra đi khi tuổi đời còn rất trẻ. Ngày 30/6/1956, Vita qua đời trong sự ngậm ngùi thương tiếc của mọi người. Hình ảnh người thầy với dáng người mảnh khảnh nhưng chứa một trái tim nhân hậu luôn khắc sâu vào tâm trí bao thế hệ học trò và những người yêu văn học.
Trên bước đường đời có thể Vita là người tài hoa vắn số nhưng trên đường văn ông đã làm tròn thiên chức của một người nghệ sĩ luôn ý thức được sứ mệnh của người cầm bút. Trong quãng đời viết văn, ông thử qua rất nhiều lĩnh vực như dịch thuật, biên soạn, sáng tác. Sự nghiệp sáng tác của nhà văn tập trung chủ yếu trong khoảng thời gian 1936 - 1956. Các tác phẩm của Vita hầu hết được nhà xuất bản Nhân Loại in trong nội thành Sài Gòn, một số do ông tự xuất bản.
Trải qua một chặng thời gian khá dài, cho đến hôm nay có lẽ những tác phẩm của Vita vẫn còn khá xa lạ với nhiều bạn đọc. Ở thể loại tiểu thuyết, Vita sáng tác không nhiều chỉ với Mây ngàn (1936), Suối tình (1940) và Duyên phù sinh (1942). Nhưng với một ngòi bút chân thật Vita đã để lại dấu ấn đặc biệt trong lòng độc giả.
Mây ngàn là cuốn tiểu thuyết tiêu biểu cho sự nghiệp viết văn của Vita. Ngay từ khi xuất hiện trên văn đàn, Mây ngàn gây khá nhiều dư luận tốt. Nhiều đoạn văn trong Mây ngàn đã được trích trong sách giáo khoa Việt văn lúc bấy giờ. Bằng những trải nghiệm của chính bản thân tác giả, Mây ngàn ra đời đã nêu lên một vấn đề mà ít người đề cập tới – “đó là đời sống đau khổ của kiều bào, của sinh viên nghèo qua du học bên Pháp”(3). Truyện viết về cuộc đời đói khổ của một lớp thanh niên trí thức vừa đi học để tìm kiếm công danh sự nghiệp, vừa phải bon chen kiếm sống. Do số phận xô đẩy, Thu và Nguyên – hai sinh viên nghèo cùng lưu lạc trên đất Pháp, họ gặp nhau và trở thành đôi bạn tri kỉ. Làm đủ thứ nghề từ bồi bàn cho đến bán hàng rong, giặt đồ thuê… họ cùng nhau mưu cầu sự học với mơ ước sau này sẽ giúp ích cho đời. Nhưng bất hạnh thay, nghịch cảnh cuộc đời đã khiến Nguyên vùi xương trong nắm đất quê người, Thu trở về cố hương đoàn tụ với gia đình nhưng trong lòng luôn nhớ về người bạn đã mất. Với Mây ngàn, Vita đã đặt ra nhiều vấn đề bức thiết trong xã hội. Người đọc sẽ phải trăn trở, suy tư về những số phận, nỗi đau của những kiếp người cùng khổ. Đan xen giữa câu chuyện của Thu và Nguyên là những mảnh đời bất hạnh khác: cô gái bồi phòng bị tình nhân phụ bạc, để lại đứa con thơ dại, sau vì miếng cơm manh áo mà trở thành khách giang hồ dật dờ giữa trời mưa tuyết; đó còn là cô gái Margot mồ côi, bị ông chủ sa thải phải lang thang tìm việc;… Tất cả tạo nên một bức tranh sinh động trong xã hội, mà ở đó chế độ bất công đã “làm cho kẻ có người không, đâm ra thù hiềm, hãm hại lẫn nhau vì ba lợi danh phù ảo”(4). Nhìn chung với Mây ngàn, Vita đã có sự tìm tòi sáng tạo trong cả đề tài lẫn kĩ thuật viết văn. Việc chú ý đào sâu đời sống nội tâm nhân vật tạo ra những trạng thái mâu thuẫn, giằng xé, những niềm trăn trở trong chính mỗi bản thể con người. Lối văn nhẹ nhàng, gợi cảm, xen kẽ thực tại là những dòng hồi tưởng, không gian được mở ra càng tô đậm tâm lí nhân vật. Đôi chỗ truyện rơi vào những triết lí khô khan, nhưng đó cũng chỉ là xuất phát từ quan niệm sống của tác giả.
Bên cạnh Mây ngàn thì Suối tình là cuốn tiểu thuyết đầy cảm động viết về đề tài tình yêu. Tác phẩm làm sống lại cả một xã hội hà khắc với những phong tục lễ giáo, quan niệm khắt khe đã kìm kẹp quyền sống, quyền tự do hôn nhân của con người. Suối tình kể về cuộc tình duyên đầy trắc trở của Chương và Hạnh. Trong một lần du ngoạn ở Vũng Tàu, Chương - chàng công tử hào hoa đất Sài thành đem lòng yêu Hạnh, là một cô gái xinh đẹp nhưng gia cảnh nghèo khó. Dù ái ngại thân phận bèo bọt của mình, nhưng trước tấm chân tình của Chương, Hạnh đã đem lòng yêu mến. Sau kì nghỉ hè, Chương trở về Sài Gòn thưa chuyện cùng cha mẹ để xin được cưới người con gái mình yêu. Cha của Chương đã không đồng ý vì cho rằng gia cảnh hai bên không “môn đăng hộ đối”, ông tìm cách chia rẽ đôi uyên ương. Quá đau khổ, Chương tìm cách trở lại chốn cũ và sống cùng gia đình Hạnh. Kết thúc câu chuyện là hình ảnh đau thương: Hạnh biệt tích trong lòng biển cả, Chương bế đứa con nhỏ nhìn về vùng biển xa xăm.
Với nghệ thuật tiểu thuyết khá điêu luyện, Vita dẫn dắt câu chuyện trở nên linh hoạt, sống động qua đó đi vào chiều sâu tâm lí nhân vật. Mối tình giữa Chương và Hạnh được thể hiện theo kiểu tiểu thuyết tình cảm lãng mạn của các nhà văn Tự lực văn đoàn. Suối tình cũng đã khơi dậy tiếng nói đấu tranh để giải phóng cá nhân trong việc kiếm tìm tình yêu tự do. Tuy nhiên, khác với Nửa chừng xuân của Khái Hưng hay Đoạn tuyệt của Nhất Linh giải quyết vấn đề cá nhân xoay quanh cuộc xung đột nặng nề và quyết liệt giữa cái mới và cái cũ, thì với Suối tình, Vita lại để cho nhân vật giải quyết vấn đề trong sự dung hòa giữa cái mới và cũ. Chương – một trí thức mang nhiều tư tưởng mới, quyết bảo vệ tình yêu tới cùng, dầu đã có cuộc sống êm đẹp với Hạnh nhưng chàng vẫn mong muốn một ngày kia gia đình sẽ chấp nhận người con dâu như Hạnh. Suối tình với một kết thúc buồn, câu chuyện tình giữa Chương và Hạnh rơi vào trạng thái dang dở, phải chăng những trở lực vẫn còn đó. Mặc dù còn một số hạn chế, Suối tình vẫn là tác phẩm có giá trị, góp tiếng nói chung trong việc bảo vệ và đề cao vấn đề tự do trong hôn nhân gia đình.
Song song với thể loại tiểu thuyết thì truyện ngắn cũng chiếm số lượng đáng kể trong sáng tác của Vita. Với gần 20 truyện ngắn được in trong hai tập: Nhớ thương (1942), Những cái bóng (1949) cùng một số truyện như Tình xưa, Bâng khuâng… đăng trên Nam kỳ tuần báo, Vita đã truyền đến người đọc những cảm giác thương cảm. Dù chỉ là những mẩu chuyện nhỏ nhặt, giản đơn giữa đời thường nhưng cũng đủ khiến người ta phải nghẹn ngào, xót thương. Với những đề tài sống và thật của cuộc đời, văn Vita đã chạm đến nỗi đau, những góc tối trong mỗi con người. Thế giới nhân vật trong Những cái bóng, Nhớ thương không phải là những kẻ cao sang quyền quý mà chỉ là những phận người nhỏ bé sống cơ cực trong vòng luẩn quẩn của “cơm, áo, gạo tiền”. Đó chính là ông giáo Ba “ngày hao hơi tổn tiếng, đêm thao thức khuya khoắt chấm bài, đổi bát cơm bằng máu và mồ hôi” nhưng vẫn không thoát khỏi cái đói (Trâu già); là chị Bảy khốn khổ tìm cách mưu sinh để nuôi con nhỏ khi chồng bị máy ép đè chết (Tội vạ); là gia đình anh Bảy Đức bị thầy cai Ngữ bóc lột đến tận xương tủy (Bức tranh Sen-le). Không chỉ gặp bế tắc trong cuộc sống mà ngay cả tình yêu, là chút hi vọng sưởi ấm tâm hồn những con người khốn khổ cũng gặp đầy trái ngang. Là Đào - thân gái lẻ loi sau bao nhiêu năm chờ Nguyên về để vui hạnh phúc đoàn viên, nhưng cuối cùng vẫn cô đơn trên con đường đời hiu quạnh (Bâng khuâng), là cuộc nhân duyên đầy trắc trở của vợ chồng Liễu - Ngọc (Tâm hồn nghệ sĩ), là sự xa lìa của Ngỡi và Thảo vì sự cấm đoán của gia đình (Tiếng chin cú). Những mảnh đời đau khổ, những số phận bất hạnh ở thời nào, ở đâu cũng có, nhưng qua trang viết của Vita ta thấy được cái nhìn đầy cảm thông, đầy nhân ái. Những kiếp người nhỏ bé đó sẽ không sinh ra và mất đi một cách thầm lặng mà “những cái bóng của họ vẫn còn vang mãi trong lòng kẻ đến mai sau” (Những cái bóng). Tấm lòng cao thượng của những con người như ông giáo Nhạc (Những cái bóng), ông Ba (Con trâu già), ông B (Một tâm hồn tiến hóa) hay anh Bonna-Fous (Tình xưa)… đánh thức đạo lý làm người trong mỗi con người. Tình yêu, lòng vị tha, lòng nhân ái, lối sống trọng tình nghĩa của họ chính là những nét đẹp tồn tại mãi theo thời gian.
Ngoài sáng tác văn xuôi, thơ, Vita còn biện soạn sách giáo khoa, gồm Nghị luận luân lý (1953), Mỹ từ pháp (1956). Trong giai đoạn bấy giờ, tiếng Việt là thứ tiếng chưa được coi trọng, bị rẻ rúng thì Vita lại khuyến khích học sinh của mình trau dồi quốc ngữ, rèn luyện Việt văn. Ông tuy dạy Pháp văn nhưng đều soạn sách giáo khoa bằng Việt ngữ để biểu thị sự trong sáng của tiếng Việt. Trong Mỹ từ pháp, ông viết “Sống trong thế hệ giao thời, nhận thấy văn chương Việt Nam bị mai một gần một thế kỷ thêm nỗi tiếng nói chưa hoàn toàn thống nhất, chúng tôi hằng mong mỏi sao đàn em, cháu đến sau, một khi có được Hàn lâm viện, cùng nhau trau dồi văn chương Việt Nam thêm cho được phong phú, làm cho nó có một nền tảng vững chắc”(5).
Trong lĩnh vực dịch thuật, Vita dịch không nhiều. Ngoài tác phẩm văn xuôi Nghĩa và Trinh (nguyên văn: Paul & Virginie), chúng tôi sưu tầm được sáu bài thơ dịch chủ yếu in trong hai sách Nghị luận luân lý và Mỹ từ pháp. Cụ thể, trong sáu bài thì có bốn bài được dịch từ tiếng Việt sang tiếng Pháp là các bài: Tiếng thu của Lưu Trong Lư (dịch là Chant d’automne), Đêm thu của Tản Đà (dịch là Nuit d’automne), Ông đồ của Vũ Đình Liên (dịch là L’ecrivain pubic), Tình quê của Hàn Mặc Tử (dịch là Bucolique). Đây đều là những bài thơ nổi tiếng chủ yếu thuộc phong trào Thơ mới. Chắc hẳn khi dịch những bài thơ này, Vita muốn giới thiệu nền văn chương Việt Nam với bạn đọc toàn thế giới và mong văn chương Việt Nam “được liệt ngang hàng với văn chương đắc dụng trên thế giới”(6). Ông cũng bày tỏ sự yên mến, trân trọng với các tác giả, trong bài dịch Tình Quê, Vita đề “Tặng vong linh Hàn Mặc Tử đã cho tôi xem tạp ký Tình quê chưa ráo mực khi còn làm chung nhau trong tòa soạn một tờ báo”(7).
Ngoài các bài thơ dịch sang tiếng Pháp kể trên, Vita còn có hai bài dịch từ tiếng Pháp sang tiếng Việt là Cái hồ (dịch theo Le Lac của Lamartin) và Chôn khối u tình (dịch theo Sonnet d’arvers của Feslix Arvers). Riêng bài thơ Cái hồ (nguyên văn Le Lac) được đăng trên tạp chí Giáo Dục Phổ thông số 36 ra ngày 15/04/1959 với tên người dịch là Quảng Tuân, sau được nhà báo Vũ Anh Tuấn đính chính lại. Chịu ảnh hưởng của làn gió thơ ca lãng mạn Pháp, nên việc Vita dịch những bài thơ này cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên khi dịch thơ Vita đều chọn các thể thơ truyền thống của dân tộc như lục bát, song thất lục bát. Le Lac của Lamartin được Vita dịch thành Cái hồ với thể song thất lục bát, Chôn khối u tình với hình thức thơ lục bát. Đây đều là những bài thơ tình nổi tiếng, Vita dường như đã cảm hết cả ý lẫn tình cũng như cả nỗi lòng của các tác giả. Việc bám sát nguyên tác là điều cần thiết, nhưng qua bản dịch thơ ta thấy được tính sáng tạo của dịch giả, các câu thơ dịch không hề thấy sự khiên cưỡng, gò ép mà ngược lại rất tự nhiên, nhiều câu không thấy vết tích của việc chuyển ngữ mà vẫn đủ ý.
3. Kết luận
Trong bức tranh toàn cảnh của văn học Nam Bộ nói riêng và văn học Việt Nam hiện đại nói chung, Vita có thể chưa phải là cây bút gây những ảnh hưởng to lớn nhưng văn nghiệp của ông đã góp phần vào sự phát triển chung cũng như làm giàu cho vườn hoa văn học Việt Nam. Trọn cuộc đời sống vì lí tưởng, Vita luôn dùng ngòi bút để khơi dậy ở mỗi con người sự tự ý thức sâu xa về đạo đức. Ngòi bút đó vẫn vọng đến hiện tại như để đánh thức những con người còn ngủ quên trong vòng danh lợi vật chất tầm thường.
Kể từ ngày nhà văn từ giã cõi đời, thời gian đi qua đã gần 60 năm, những tài liệu về cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của Vita vẫn chưa thể nào tìm kiếm thật đầy đủ. Nhưng qua những tài liệu được tìm thấy, thiết nghĩ Vita cần được xem xét, đánh giá một cách trân trọng trong các công trình văn học sử. Đồng thời, việc tìm hiểu, giới thiệu những sáng tác của nhà văn đối với độc giả cũng là điều hết sức cần thiết – đó cũng chính là thể hiện niềm tri ân đối với những người đã làm nên giá trị văn hóa của dân tộc.
Chú thích:
(1) Truyện ngắn Djibouti di hận được Nxb Bảo Tồn xuất bản 1935, hiện dưới dạng Microfilm ở thư viện Quốc gia Pháp, chúng tôi chưa có điều kiện để tiếp cận tác phẩm. Ngoài ra còn một số tác phẩm như: Ký ức giang hồ, Vang bóng thời xuân, Hy sinh, Nhật ký Việt Nam, Cổ tích Việt Nam hiện đã bị thất lạc. Chúng tôi đã tìm kiếm nhưng vẫn chưa có được, không biết những tác phẩm này có được xuất bản không.
(2), (4) Trích từ Lời nói đầu trong tiểu thuyết Mây ngàn của Vita, Nxb Văn Nghệ (tái bản), 1995, tr.7; 8.
(3) Sơn Nam: “Mây ngàn của Vita được tái bản lần thứ tư”.
(5), (6) Trích từ Lời nói đầu trong Mỹ từ pháp của Vita, Nhân loại xuất bản, 1956, tr.14.
(7) Vita (1956), Mỹ từ pháp, Nhân loại xuất bản, Sài Gòn, tr.60.
Tài liệu tham khảo
- Đông Giang (1943), “Vita với Mây ngàn và Nhớ thương”, Đông Phong, tạp chí văn học và nghệ thuật, (17).
- Thẩm Thệ Hà (1974), Giảng văn lớp bảy (tái bản), Nxb. Sống mới.
- Phan Mạnh Hùng (2013), “Vita - nhà văn Nam Bộ còn ít được biết đến”, Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh, (246).
- Nguyễn Q Thắng, Nguyễn Bá Thế (2006), Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam (bộ mới), Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh.
- Vita (1942), Duyên phù sinh, Tố Tâm xuất bản, Sài Gòn.
- Vita (1956), Mỹ từ pháp, Nhân loại xuất bản, Sài Gòn.
- Vita (1995), Mây ngàn (tái bản), Nxb. Văn Nghệ, TP. Hồ Chí Minh.
Nguồn: Tạp chí Văn hóa và Du lịch, số 22 (76) tháng 3.2015
(*) HVCH., Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.