Thi hào Nguyễn Du và nỗi cô đơn sâu thẳm của đời người

 (Đoàn Thị Thu Vân, Bình luận văn học, niên san 2015, tr.21-26)

Tóm tắt

Cảm giác cô đơn được nâng lên thành cái đẹp trong thơ ca có sức lay động trái tim không chỉ của người đọc cùng thời mà còn của biết bao thế hệ đi sau. Thơ ca, vì vậy, thường tràn ngập những hình ảnh, những biểu hiện của tâm trạng cô đơn. Chấp nhận cô đơn như một thiên mệnh dành cho người tài hoa, Nguyễn Du đã đi trọn con đường nghệ thuật, truyền cái đẹp nhân văn lại cho đời bằng những tuyệt tác thơ ca mà đỉnh cao là Truyện Kiều.

Từ khóa: cô đơn, tự ý thức, Nguyễn Du…

TruyenKieu ND

Mỗi con người là một tiểu vũ trụ trong đại vũ trụ bao la, một cá thể duy nhất không có sự lặp lại. Bởi thế, cảm giác cô đơn là một sự tự ý thức đã xuất hiện từ rất sớm, trải qua bao tháng năm, bao thời đại trở thành một thuộc tính tâm lý của con người. Cô đơn, hiểu một cách đơn giản, là cảm giác không có người hiểu, cảm thông, chia sẻ với mình, do đó riêng ôm nặng tâm tư, nỗi niềm chỉ mình mình hay biết. Cảm giác này, trong một đời người, không ai là không có lúc trải qua. Những con người càng tinh tế, nhạy cảm và đa cảm càng thường xuyên cảm thấy cô đơn, bởi những vi ba của tâm hồn ấy trên thế gian dễ có mấy ai đồng điệu. Đó cũng là lý do khiến những con người tài hoa, những nghệ sĩ, thi nhân thường mang nỗi cô đơn suốt cả đời người. Thơ ca, vì vậy, thường tràn ngập những hình ảnh, những biểu hiện của tâm trạng cô đơn. Cảm giác ấy, tâm trạng ấy đã được nâng lên thành cái đẹp, bởi nó có sức lay động trái tim không chỉ của người đọc cùng thời mà còn của biết bao thế hệ đi sau. Thơ Đường, một nền thơ lớn của nhân loại, cũng đã thể hiện sâu sắc mỹ cảm về sự cô đơn – không còn ở mức của những tâm trạng đời thường như thiếu bạn bè tri kỷ, tha hương lữ thứ, không người hiểu chí hướng của mình, có tài mà không ai hay biết – mà đã nâng lên thành những suy tư triết học. Không ai đọc thơ Đường mà không biết đến bài Đăng U Châu đài ca nổi tiếng của Trần Tử Ngang:

“Tiền bất kiến cổ nhân

Hậu bất kiến lai giả

Niệm thiên địa chi du du

Độc sảng nhiên nhi thế há” 

(Trước chẳng thấy người xưa

Sau chẳng thấy người đến

Ngẫm về trời đất mênh mông

Một mình thương tâm mà rơi lệ)

Giọt lệ rơi khi một mình đứng giữa trời đất bao la phải đâu là thương cảm cho đời mình, phận mình phải gánh chịu những nghịch cảnh, phong ba nào đó mà là cảm nhận sâu sắc về sự mong manh, hữu hạn của kiếp người trong vũ trụ. Anh hùng đã qua, tài hoa sắp tới, tất cả đều là phù du, chớp mắt tan nhanh giữa vĩnh hằng của đất trời. Khoảnh khắc ngộ ra điều này, không biết chia sẻ cùng ai, tự nhiên mà rơi nước mắt.

Trần Nhân Tông khi lên chơi núi Bảo Đài cũng có khoảnh khắc cảm xúc tương tự:

“Vạn sư thủy lưu thủy

Bách niên tâm ngữ tâm”

(Đăng Bảo Đài sơn)

(Vạn sự như nước trôi theo nước

Trăm năm chỉ lòng nói với lòng)

Chỉ có điều với một tâm thiền điềm đạm, khi tự ý thức về nỗi cô đơn sâu thẳm của mỗi cá thể con người đó, nhà thơ đã đối diện với nó, chấp nhận nó như một thuộc tính tất yếu của đời người và để nó tự nhiên, lan tỏa theo tiếng sáo, chan hòa trong ánh trăng.

Với cái nhìn xã hội học đơn giản, sẽ dễ dẫn đến sự lý giải giản đơn rằng các nhà thơ xưa thường cảm thấy cô đơn vì xã hội phong kiến bất công không dung chứa nổi tài hoa; hùng tâm tráng chí của những kẻ sĩ chân chính thường bị những thế lực xấu xa đố kỵ, dập vùi. Quan niệm như thế sẽ không lý giải được tâm trạng cô đơn của Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Trần Quang Khải, Trần Quang Triều…, những con người anh hùng của một thời đại huy hoàng, rực rỡ hào khí Đông A. Và cũng sẽ tầm thường hóa tầm vóc suy tư của Nguyễn Trãi, Nguyễn Du khi xem nỗi cô đơn của các vị ấy không ra ngoài việc đau buồn vì bị ghét ghen đố kị, sinh bất phùng thời, nổi trôi phiêu dạt, mâu thuẫn giữa sinh kế - hùng tâm… Đành rằng những chuyện ấy đều là thực tế và không thể phủ nhận đã mang đến những thương tâm sâu sắc cho các nhà thơ nhưng cái làm nên tầm vóc lớn lao cho các nhà thơ thiên cổ ấy lại không chỉ quẩn quanh ở những vấn đề của số phận cá nhân này. Điều làm người đọc đời sau khâm phục và cảm động dường như lớn lao hơn nhiều. Nó nằm ở những chiêm nghiệm sâu sắc mang tính triết học của nhà thơ về quy luật cuộc sống và bản chất con người. Nếu ở Nguyễn Trãi, sự tự ý thức về nỗi cô đơn đi đôi với niềm tự hào về phẩm chất người anh hùng có thể đối đầu với mọi thử thách, “dĩ bất biến ứng vạn biến”:

“Đại địa dày, Nam nhạc khỏe

Cửu tiêu vắng, Bắc thần cao”

(Thuật hứng XXI)

“Quy lai độc vững lan can tọa,

Nhất phiến băng thiềm quải bích tiêu”

(Vãn hứng)

(Trở về một mình ngồi tựa lan can,

Một mảnh trăng sáng như băng treo trên vòm trời biếc)

(Hứng buổi chiều)

Thì ở Nguyễn Du, cô đơn thường đi đôi với tự thương, không phải chỉ là tự thương cho thân mình nhiều trắc trở mà còn là thương mình và cả những kẻ tài hoa phải chịu chung một quy luật:

“Lại mang lấy một chữ tình,

Khư khư mình buộc lấy mình vào trong.

Vậy nên những chốn thong dong,

Ở không yên chỗ, ngồi không vững vàng.

Ma đưa lối, quỷ dẫn đường,

Lại tìm những chốn đoạn trường mà đi”

(Truyện Kiều)

Đi nhiều, kết giao nhiều, nhưng Nguyễn Du vẫn thấy cô đơn. Điều đáng nói là nhà thơ không bị động chịu nhận nỗi cô đơn do hoàn cảnh mang lại. Nguyễn Du cô đơn bởi đã quá mẫn cảm với cuộc đời. Ông tự ý thức mình đã tạo ra và phải mang lấy nỗi cô đơn này như trách nhiệm của một con người trót sinh ra có một tâm hồn đa cảm, đa mang – “Phong vận kỳ oan ngã tự cư”(1). Tự ý thức về tài năng, về tâm hồn, Nguyễn Du cũng tự nhận lấy cho mình trách nhiệm về những “cổ kim hận sự thiên nan vấn”(2), phải ghi lại “những điều trông thấy mà đau đớn lòng” để mong mỏi đời sau cùng thương cảm, cùng sẻ chia, hầu giữ cho ngọn lửa tâm không bao giờ nguội tắt. Khi khẳng định “Thiên tuế trường ưu vị tử tiền”(3) là nhà thơ đã tự mình vác cây thập tự giá nhân văn đi suốt đường trường để mang hộ nỗi đau của những kiếp người đau khổ. Và gánh vác trách nhiệm này cũng có nghĩa là phải chấp nhận nỗi cô đơn giống như Thúy Kiều khi khóc trước nấm mồ vô chủ của Đạm Tiên đã bị chính những người thân của mình cười là “Khéo dư nước mắt khóc người đời xưa”. Đó cũng là lý do vì sao Nguyễn Du thường hướng đến những người tài hoa đã khuất, thương cảm họ, tri âm, sẻ chia với họ, đặc biệt là thông cảm nỗi cô đơn của họ, bởi soi vào những tấm gương cuộc đời ấy nhà thơ như thấy hiện lên mai hậu của chính mình:

“Bất tri tam bách dư niên hậu,

Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?”

(Độc Tiểu Thanh ký)

(Không biết ba trăm năm lẻ nữa

Thiên hạ ai người khóc Tố Như?)

Đặc biệt nhạy cảm đối với số phận bất hạnh của những người phụ nữ đẹp và tài hoa như nàng Tiểu Thanh, người ca nữ ở La Thành, người gảy đàn ở Long Thành, Thúy Kiều, Đạm Tiên, Nguyễn Du không chỉ thương cho cuộc đời long đong của họ mà còn đồng cảm sâu sắc về nỗi cô đơn của họ:

“Thiên hạ hà nhân liên bạc mệnh?

Trủng trung ưng tự hối phù sinh.

(…)

Tưởng thị nhân gian vô thức thú,

Cửu tuyền khứ bạn Liễu Kỳ Khanh.”

(Điếu La Thành ca giả)

(Thiên hạ ai là kẻ thương người
bạc mệnh?

Dưới mồ chắc cũng hối hận cho kiếp
phù sinh.

(…)

Chắc nghĩ rằng trên đời không ai hiểu được mình,

Nên xuống suối vàng làm bạn với Liễu Kỳ Khanh)

Với người tài, Nguyễn Du đặc biệt đồng cảm với Đỗ Phủ - một thi tài vang danh thiên hạ nhưng lại ra đi trong hiu quạnh, lẻ loi:

“Cộng tiễn thi danh sư bách thế,

Độc bi dị vực ký cô phần.”

(Lỗi Dương Đỗ Thiếu Lăng mộ)

(Tất cả đều khen ngợi tên tuổi trong làng thơ đáng bậc thầy của trăm đời,

Riêng mình ta buồn thương cho nấm mồ cô đơn gửi nơi đất lạ)

Từ quan niệm của mình thể hiện qua thơ, Nguyễn Du dường như đã khái quát lên thành quy luật: Những người đẹp và người tài thường phải chịu cô đơn, vì họ là sản phẩm quá đặc biệt của tạo hóa hoặc vì sứ mệnh của họ trước cuộc đời quá lớn lao.

Suốt đời mình, Nguyễn Du luôn cảm thấy cô đơn. Không cứ khi lưu lạc nơi đất khách quê người mà cả khi đắc dụng, được các vua triều Nguyễn trọng vọng, cất nhắc. Lời Minh Mệnh trách ông vì sao ít góp lời bàn mà chỉ lặng lẽ làm nhiệm vụ của mình đã chứng minh điều đó. Ngay cả đến phút cuối đời, ông cũng không trăn trối lại điều gì, chỉ bảo người nhà sờ xem chân tay đã lạnh chưa và nói một tiếng “Được” rồi ra đi. Nỗi “thiên tuế trường ưu” của con người đa mang tình đời ấy chỉ gửi gắm trong thơ, bởi làm thơ trước hết là trò chuyện với chính mình. Tâm trạng cô đơn của Tố Như được truyền tải vào nhân vật mà ông yêu quý nhất – Vương Thúy Kiều – nơi người đọc cảm nhận được phảng phất hình bóng của ông – từ tài hoa, tâm hồn đến số phận.

Từ độ tuổi thanh xuân đẹp nhất của đời người, Thúy Kiều đã biết đến nỗi cô đơn trong một ngày xuân tưng bừng lễ hội “ngựa xe như nước áo quần như nêm”. Ấy là khi gặp nấm mộ Đạm Tiên, nghe kể về phận bạc của người ca kỹ tài hoa ấy, sự giao cảm đâu như từ trong vô thức đổ về khiến người thiếu nữ mười sáu tuổi chưa từng có kinh nghiệm cuộc đời ấy không ngăn được sự thổn thức tuôn trào. Ngay lập tức nàng liền bị hai em lôi trở về hiện thực – “Ở đây âm khí nặng nề / Bóng chiều đã ngả dặm về còn xa”.

Trong những rung động đầu đời với Kim Trọng, người thanh niên tài hoa tuấn tú làm xao xuyến trái tim non trẻ, những dự cảm bất tường cũng đồng thời có mặt – “Trông người lại ngẫm đến ta / Một dày một mỏng biết là có nên?”. Khi Kiều đánh đàn cho Kim nghe, chàng biểu hiện đích thực là một Tử Kỳ của Bá Nha – “Khi tựa gối, khi cúi đầu / Khi vò chín khúc, khi chau đôi mày” – nhưng sự tri âm, đồng điệu này cũng chưa thật trọn vẹn khi chàng nhận xét: “So chi những khúc tiêu tao / Dột lòng mình cũng nao nao lòng người”. Kim yêu quý Kiều nhưng không phải là người cùng khí chất tâm hồn, cùng tính cách đa sầu đa cảm như nàng. Tính cách đã làm nên số phận. Họ hiểu nhau, cảm nhau nhưng số phận khác nhau, không chung hội chung thuyền nên không thể bên nhau suốt đời. Bởi lẽ đó, trong tình yêu, Kiều cũng đã không tránh khỏi cảm giác cô đơn, không chỉ bởi khoảng cách về không gian, cảnh ngộ mà cả khoảng cách về tâm hồn.

Rơi vào nghịch cảnh ở lầu xanh, dĩ nhiên tâm hồn thanh cao của Kiều không thể nào hòa đồng cùng cuộc sống ô trọc – “Vui là vui gượng kẽo là / Ai tri âm đó, mặn mà với ai?”. Hoàn cảnh đẩy đưa Thúc Sinh đến với Kiều, song chàng thư sinh giàu đam mê nhưng nông cạn, hời hợt ấy cũng chẳng thể là chỗ dựa tin cậy cho một người phụ nữ tinh tế và sâu sắc như Kiều. Câu nói khoác lác trong phút bốc đồng của chàng ta – “Đường xa chớ ngại Ngô Lào / Trăm điều hãy cứ trông vào một ta” đủ cho người đọc hiểu Thúy Kiều sẽ cảm nhận thế nào. Nàng chỉ còn biết đánh bạc với số phận – “Một liều ba bảy cũng liều”.

Cho đến khi gặp gỡ Từ Hải, “trai anh hùng gái thuyền quyên”, thoạt nhìn những tưởng Từ sẽ là nửa kia đích thực của đời kiều nhưng hạnh phúc cũng chỉ thoáng qua nhanh như một ảo ảnh. Từ xuất hiện trong trang thơ của Nguyễn Du không giống với một con người thực tế, chàng như là hình bóng của ước mơ, không rõ nhân thân, lai lịch, hành tung, chỉ biết là một trang anh hùng, hào hiệp – “Đường đường một đấng anh hào / Côn quyền hơn sức, lược thao gồm tài / (…) Giang hồ quen thú vẫy vùng / Gươm đàn nửa gánh, non sông một chèo”. Chàng chợt đến và chợt đi qua cuộc đời Kiều như một giấc mộng đẹp không thể níu giữ, để lại cho nàng một nỗi cô đơn, hụt hẫng trong tuyệt vọng hơn bao giờ hết.

Và cuộc tái ngộ với gia đình, với cố nhân thực sự đã đóng đinh vào tâm hồn Kiều một nỗi cô đơn tới cuối đời không bao giờ gỡ ra được nữa, bởi từ giây phút ấy, nàng không còn chờ đợi gì, cũng không còn niềm hy vọng gì ở phía trước. Thực tế đã an bài. Người đang hiện hữu trước mặt đã là người của ngày xưa – “Nọ chàng Kim đó là người ngày xưa…”. Sao mà xa xăm và ngậm ngùi đến vậy. Xa cả khoảng cách thời gian và khoảng cách tâm hồn. Trong đêm tái hợp, khi Thúy Kiều lại đàn cho Kim Trọng nghe và chàng nhận xét “… phổ ấy tay nào? / Xưa sao sầu thảm nay sao vui vầy? / Tẻ vui bởi tại lòng này / Hay là khổ tận đến ngày cam lai?” thì mãi mãi họ đã là hai đường thẳng song song không bao giờ gặp gỡ. Chàng Kim chẳng thể bước vào thế giới tâm tư của Kiều để cùng vui buồn được nữa bởi hai ngã rẽ cuộc đời đã đẩy họ đi quá xa nhau trong mười lăm năm và những trải nghiệm của Kiều chàng chưa bao giờ trải nghiệm được. Phạm Quý Thích đã rất tinh tế khi nói thay lời Nguyễn Du về khúc đàn sau cuối ấy: “Bạc mệnh cầm chung oán hận trường” (Đoạn trường tân thanh đề từ).

Sở dĩ Nguyễn Du chọn Kim Vân Kiều truyện để viết lại và viết tuyệt hay là vì Vương Thúy Kiều, người con gái có sắc, có tài lại có tình ấy có biết bao đồng điệu với Tố Như. Ông viết về người mà cũng là viết về mình nên “lời văn tả ra dường như có máu chảy ở đầu ngọn bút, nước mắt thấm trên tờ giấy” (Bài tựa Đoạn trường tân thanh – Mộng Liên Đường chủ nhân). Những bất hạnh của đời Kiều có nguyên nhân xã hội nhưng đồng thời cũng vượt lên khỏi những vấn đề của xã hội. Sống, trải nghiệm việc mình và chiêm nghiệm việc người, Nguyễn Du đã đúc kết thành quy luật: “Lạ gì bỉ sắc tư phong”. Xét cho cùng, đây không phải là một quan niệm duy tâm, thiếu cơ sở. Đây là luật bù trừ của tạo hóa, nói theo cách nói xưa. Đây cũng là quy luật cân bằng của tự nhiên, đúng theo Lý học của ngày xưa và khoa học Vật lý của ngày nay.

Trong cùng một hoàn cảnh, nhưng nếu con người không có sự tự ý thức thì cũng sẽ không cảm thấy cô đơn. Cô đơn, do đó, nói lên ý thức của con người và tự ý thức chính là một phẩm chất của tâm hồn mang tính nhân văn sâu sắc. Nó giúp xác định sự tồn tại có ý nghĩa của một con người, nói như Descartes: “Tôi tư duy, vậy tôi tồn tại”. Chấp nhận “cô đơn” như một thiên mệnh dành cho con người đa tài và đa tình, Nguyễn Du đã đi trọn con đường nghệ thuật, hoàn tất sứ mệnh vẻ vang của mình – truyền cái đẹp nhân văn lại cho đời – bằng những tuyệt tác thơ ca mà đỉnh cao là Truyện Kiều. Phạm Quý Thích đã tỏ ra là một người bạn tri kỷ của Nguyễn Du khi ông kết lại những nhận xét về Đoạn trường tân thanh với hai câu thơ:

“Nhất phiến tài tình thiên cổ lụy

Tân thanh đáo để vị thùy thương?”

(Đoạn trường tân thanh đề từ)

(Một mảnh tài tình để lụy ngàn đời

Tân thanh rốt cuộc lại là thương cảm vì ai?)

Nhưng Nguyễn Du không mãi cô đơn. Tiếng kêu đứt ruột của nhà thơ đã có biết bao thế hệ đi sau đồng vọng.

Chú thích

(1) Độc Tiểu Thanh ký

(2) Độc Tiểu Thanh ký

(3) Mộ xuân mạn hứng

Thông tin truy cập

63670754
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
14472
17595
63670754

Thành viên trực tuyến

Đang có 659 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website