Dấu ấn Hoàng Như Mai qua Trao cho nhau cuộc đời

(PGS.TS Nguyễn Thành Thi, Bình luận văn học  - niên san 2015, tr.51-58)

Tóm tắt

Bên cạnh sự nghiệp nghiên cứu giảng dạy của một giáo sư đại học, một nhà sư phạm, một kịch tác gia và nghệ sĩ hoạt động biểu diễn sân khấu…, Hoàng Như Mai còn để lại một dấu ấn nữa mà bài viết này muốn ghi nhận: dấu ấn Hoàng Như Mai trong lĩnh vực sáng tác thơ. Thơ ông gắn liền với cái tôi trữ tình nhân hậu, sống thẳng ngay, hăm hở, nhưng cũng không ít băn khoăn, ngậm ngùi trước quy luật của thời gian, cùng những buồn vui ấm lạnh của đời – dấu ấn toát ra từ tiếng nói dõng dạc với khát vọng Trao cho nhau cuộc đời.

Từ khóa: Hoàng Như Mai, trao cho nhau cuộc đời, dấu ấn…

1. Thêm một loại dấu ấn Hoàng Như Mai cần được ghi nhận – dấu ấn của một thi sĩ

Dấu ấn Hoàng Như Mai trên các lĩnh vực hoạt động tinh thần phong phú, đa dạng và hiệu quả của ông: Dấu ấn HNM trong nghiên cứu giảng dạy của một giáo sư đại học (công trình nghiên cứu VH, sớm có giáo trình riêng về LSVH VN); dấu ấn HNM như một nhà sư phạm hoạt động giáo dục (bộ sách giáo khoa của Hội, trường THDL Trương Vĩnh Kí); dấu ấn HNM trong tư cách một kịch tác gia và một nghệ sĩ hoạt động biểu diễn sân khấu; dấu ấn HNM trong hoạt động văn hóa xã hội (sáng lập và điều hành hoạt động của Hội NC&GDVH TP HCM);…

Thêm một dấu ấn nữa mà bài viết này muốn ghi nhận Dấu ấn HNM trong lĩnh vực sáng tác thơ trữ tình: Đó là dấu ấn của một cái tôi trữ tình nhân hậu, giàu tin yêu, sống thẳng ngay, hăm hở, nhưng cũng không ít băn khoăn, ngậm ngùi trước quy luật của thời gian, cùng những buồn vui ấm lạnh của đời – dấu ấn toát ra từ tiếng nói dõng dạc với khát vọng Trao cho nhau cuộc đời.

2. Những dấu ấn thơ

Dấu ấn thơ ấy là thế nào, đến từ đâu? Có thể điểm qua bốn nét tiêu biểu cho dấu ấn ấy trong thơ HNM như sau.

 2.1. Cảm thức về thời gian qua những bài thơ với chủ đề “tương lai đến chậm, tuổi đi mau”

2.1.1. Trong cảm thức của nhà thơ, thời gian, không trừu tượng mơ hồ, mà thường hiện hữu trên hành trình sống như những cột mốc, đôi khi, sừng sững. Cuộc đời con người có bao nhiêu là dấu mốc. Nhưng dĩ nhiên, không phải dấu mốc nào cũng vỗ cánh vào thơ.

Trong thơ HNM, có những mốc tuổi đời cụ thể của hiện hữu trong đời sống cá nhân, gia đình, thế hệ (“Năm mốt”, “Tết Quý Hợi”, “Bảy mươi ba”, “Bảy mươi tư”; “Bốn mươi lăm năm”); có những cái mốc của những chuyến ra đi trở về, tan hợp (Lần nữa, Sông Lô, Thác Huống, Giã từ Hà Nội, Trở về khoa Ngữ văn;…).

Song những dấu mốc này thường không tách rời những năm tháng hào hùng, gian lao của đất nước; những dấu mốc thời gian soi tỏa vào đời sống cá nhân những người trí thức trước sau gắn bó với dân tộc, trung kiên với thế hệ mình.

Chẳng hạn Kháng chiến, Lần nữa đã ghi lại sinh động những mốc sự kiện hệ trọng như thế. Đó là những dấu son đánh dấu những lựa chọn dấn bước trong cuộc đời tham gia cách mạng, thực hiện lí tưởng của trí thức Việt Nam thế hệ Hoàng Như Mai. Nhưng đôi khi, ngay cả những chuyến ra đi (như Giã từ Hà Nội, 1980), trở về (như Trở về khoa Ngữ văn, 1986), dù gắn với số phận cuộc đời riêng của cá nhân, song suy cho cùng, cũng phải chịu tác động, những cú hích của lịch sử, không tách rời những biến chuyển chung của cộng đồng.

2.1.2. Thời gian sẽ trở nên có hình thù, nhịp điệu riêng, qua trải nghiệm của chính tác giả

Đúng là không ai có thể sống, tồn tại ở ngoài thời gian. Cảm thức về thời gian thành một nỗi vấn vương, ám ảnh. Từ cái tuổi “tri thiên mệnh”, nhất là từ tuổi lục tuần trở đi, nỗi vấn vương, ám ảnh đó càng nặng nề, riết róng.

Tâm lí của con người từ đây có những khác biệt, đột biến: nhà thơ như một lữ khách thích đi giật lùi để chiêm ngắm quãng đời tuổi trẻ của mình với bao nhiêu lưu luyến, nhiều khi như chìm đắm vào trạng thái bâng khuâng, ngậm ngùi.

Khi ấy, thời gian được cảm nhận trong sự tương phản gay gắt giữa sức trai và tuổi hạc, khiến cuộc sống bộc lộ khoảng cách xa vời đến trớ trêu giữa lý tưởng và trạng thái hiện thời. Nhà thơ phát hiện từ cuộc sống của mình và thân hữu, không ít nghịch lí, nghịch cảnh làm vỡ ra nhiều duyên cớ ám ảnh để vấn vương, ngậm ngùi. Sự tương phản ấy trở đi trở lại như một sự vỡ lẽ hay như một sự nhận thức lại trong nhiều bài thơ ông.

Theo đó, tiếng nói trữ tình trong “Trao cho nhau cuộc đời” đã thay đổi sắc điệu từ hăm hở - nồng nhiệt sang băn khoăn - truy vấn và, từ băn khoăn - truy vấn đến cảm khái - ngậm ngùi.

Chẳng hạn, trước 1948 ta thường gặp tâm trạng hăm hở - nồng nhiệt, kiểu như:

Các anh lên đường. Gió sớm thu// phơi phới thổi hồn các anh sống lại/. Các anh đi dưới bàn chân êm ái// chạy thênh thang một dải đất tự do…/ Gió reo!/ Gió reo!/ Bão sắp nổi to./ Các anh phải lên đường tìm nhân loại.” (1947)

Từ 1948 đến 1980 thấy nhiều giọng băn khoăn - truy vấn: khởi đi từ Sân khấu, Galilée, qua Năm mốt, Gặp nhau,… cho đến trước khi Giã từ Hà Nội. Kiểu:

Năm mốt xuân rồi! Đã hết xuân/ việc đời bối rối nghĩ phân vân/ hầu cằn mái tóc con còn bé/ lầm chọn nghề văn nước chửa cần/ tai những ù tai tài với đức/ mắt thêm loạn mắt giả cùng chân/ ,muốn đem dịch lý soi nguyên lý/ bom dội nơi đâu tiếng nổ gần. (Năm mốt,1969); hoặc:

Người đi nghìn dặm còn xanh tóc/ nước loạn ba phen sớm bạc đầu/ hiện tại đã đành như thế đó/ tương lai ai biết sẽ về đâu/ nhắc chi ảo vọng thời niên thiếu/ sóng cuốn bèo trôi dưới gậm cầu… (Gặp nhau).

Và, sau 1980 – đặc biệt trong các bài thơ viết mỗi khi thêm một tuổi mới, hay trong các bài thơ viết để viếng bạn, hoài nhớ thời trai tráng oanh liệt – lại thấy nhiều nỗi cảm khái - ngậm ngùi. Kể từ bài Giã từ Hà Nội 1-1980 trở đi.

Người nghệ sĩ trí thức hào hoa, gắn bó nhiều với Hà Nội như chàng trai Hoàng Như Mai, phải chia tay với Hà Nội tới ba lần. Một lần tình nguyện đi kháng chiến (1946), một lần đưa trường lớp đại học đi sơ tán (1966) Lần thứ ba (1980), không chỉ là tạm chia tay mà là một cuộc “giã từ” đầy “xáo động”. Giã từ… không phải để đi kháng chiến hay đi công vụ (như trong Kháng chiến, Lần nữa), mà là để làm cả một cuộc “di cư” (ngoài ý muốn, bởi “Tạo Hóa cơ cầu”). Ba bài bát cú chắp nối làm một. Ngoại - nội quan, lúc giã từ đều se sắt, ngậm ngùi: “Một sớm tàn đông rời đất Bắc/ sương mù bao phủ khắp non sông”; “Vẫn tưởng nhân tình đen có hạn/ ngờ đâu thế thái bạc vô chừng”. Đã thế, lại phải tự làm phu cho mình: “Năm mươi cân sách vác còng lưng/ gánh nặng đường xa bước bước dừng”. Điểm sáng duy nhất song thật đáng trân trọng trong mạch cảm khái - ngậm ngùi là ở liên thơ này: “Ấy lo vận nước lòng xao xuyến/chứ những thân mình dạ dửng dưng”. Lập trường dân tộc – nỗi “lo vận nước” trở thành bệ đỡ rất khỏe cho cảm xúc thăng hoa trong bài thơ này.

2.1.3. Đối diện với thời gian, thấy một nghịch lí buồn: “tương lai đến chậm, tuổi đi mau”, thơ, trở thành niềm cảm khái da diết, ngậm ngùi. “Tuổi hai mươi”,“Năm mốt”, “Tết Quý Hợi”, “Bảy mươi ba”, “Bảy mươi tư”; hoặc “Bốn mươi lăm năm”, Bao giờ,… là những bài như thế. Rất da diết ngậm ngùi, chẳng hạn:

Ngán nỗi hoàng hôn đà chạng vạng/mà đường lí tưởng vẫn xa xăm/ ngày đi đêm đến rồi qua tháng/xuân hạ thu đông lại hết năm (Tết Quý Hợi).

Mỗi bài thơ là một cái giật mình, tiếc nuối, trào dâng thương cảm với người, với mình trước quy luật không cưỡng lại được của thời gian.

Cho dầu vậy, vẫn khắc khoải da diết trong tâm can nhà thơ một niềm mong đợi tương lai: Bao giờ thì ước vọng thành hiện thực? Bao giờ mới hết những chuyện trớ trêu đáng buồn? Bao giờ,…? Biết bao giờ! Khi mà trong đời sống Cái thực nhiều khi là cái mộng/ tầm thường là kẻ rất cao siêu/ kìa trong cái tốt đang hư hỏng/cái xấu đang khoe vẻ mĩ miều (Thư không gửi)

Cho nên, càng sống trải nghiệm sâu, suy cảm, nghiền ngẫm nhiều, thì càng nặng lòng ưu tư.

2.2. Những bài thơ hiện chứng - suy nghiệm về đời sống thăng trầm của người trí thức - nghệ sĩ thời đất nước gian lao

Văn học hiện chứng đòi hỏi tác giả - chủ thể sáng tạo phải sống trải trong cái hiện thực sống động mà mình chọn đề cập đến trong tác phẩm.

Nghiệm sinh về tâm nguyện, cốt cách, cũng như số phận của người trí thức nghệ sĩ chân chính trước quy luật của thời gian, lịch sử thăng trầm của đất nước gian lao.

Loạt bài thơ viếng, thơ tiếc, thơ khóc: trên 20 bài.

Trong mạch ngầm cảm xúc ngậm ngùi suy cảm về thiên chức-bi kịch của người nghệ sĩ, rất đáng chú ý là một chùm các bài thơ Sân khấu, Nụ cười, Viếng Nguyễn Ngọc Bạch,…

Sân khấu (1948. Tứ tuyệt)

Buông bức màn rồi… danh vọng hết/ người về lòng rũ sạch sầu thương/ người vào cởi áo lau son phấn/ trả cả vinh hoa luống đoạn trường.

Người nghệ sĩ sân khấu như cùng lúc, sống hai cuộc đời, hai thế giới. Trong cõi hiện sinh, nghệ sĩ luôn phải sắm vai kép - vai diễn trong nghệ thuật và vai lụy tục ngoài đời - hai vai này chuyển hóa, tiếp nối tự nhiên. Xong cuộc sống của người khác, cho người khác, lau son phấn, nghệ sĩ được trở về cuộc sống của mình. Nhưng chưa biết cuộc sống nào hạnh phúc hơn, thật hơn cuộc sống nào. Bài thơ có cái tứ giàu suy cảm. Nhưng giàu suy cảm hơn nữa là bài Nụ cười. Nghịch lí là người quá cố có mặt cười, người viếng biết rõ mặt cười ấy thực ra là mặt khóc.

Nụ cười (7 khổ 7 chữ, 1982) trong bài thơ đang nói đến là của nghệ sĩ sân khấu Sĩ Tiến, bạn nghề tri kỉ của nghệ sĩ sân khấu Hoàng Như Mai. Sĩ Tiến hằng mong cải cách nghệ thuật sân khấu, để khi nhắm mắt xuôi tay có thể mỉm miệng cười. Nhưng chẳng may ông đã bị bại liệt năm năm rồi qua đời. Hoàng Như Mai viết Nụ cười để viếng bạn.

Theo như bài thơ, đời như là sân khấu - nhưng là một sân khấu bi-hài (biểu tượng mặt nạ của sân khấu chả thế mà có mặt cười đi kèm mặt khóc). Sinh thời, Sĩ Tiến, người nghệ sĩ tài năng làm ra nhân vật, vở diễn sân khấu, nhập thân vai diễn bi hài. Lúc qua đời, trang điểm cho gương mặt “anh”, một người bác sĩ khéo tay đã thiện ý vẽ lên thi hài anh nụ cười có tính cách trang trí. Vậy đâu mới là gương mặt đích thực của nghệ sĩ cả trên sấu cả trong cuộc đời? Bi hài ở chỗ: Sống chưa được/ chưa phải là mình. Chết cũng không được/không phải là mình; ước mơ và hiện thực bị đánh tráo. Cái thi hài được/bị giả trang! Bài thơ lập tứ rất sâu sắc, công phu và đầy trớ trêu, kịch tính.

Những tưởng Trên gương mặt hóa trang/nụ cười vô thức với nhân gian/ chẳng bao giờ nữa lên sân khấu/ anh đã nằm im trong áo quan. Nụ cười vô thức trên môi nghệ sĩ tưởng đã tắt mãi mãi. Thế mà, gương mặt “anh” trong áo quan giờ đây lại bỗng hiện lên với một nụ cười, cười, cơ hồ mãn nguyện: con người tàn liệt năm năm ấy/ vĩnh biệt người thân miệng mỉm cười.

Sự trớ trêu của cảnh huống này có thể đã mang lại ngộ nhận tai hại với người đang sống, rằng cuộc đời chung đã tốt đẹp, người quá cố đã có thể mỉm cười mãn nguyện rồi! Nhưng thi sĩ Hoàng Như Mai không ngộ nhận, cũng không muốn ai ngộ nhận. Ông cất lên tiếng nói bi cảm tự đáy lòng: một tiếng nói đầy bất an, mang ý nghĩa phản tỉnh, thấm đượm một tình thương xót ngậm ngùi:

Tôi ngắm anh cười mà bật khóc/ Ôi đắng cay thay một kiếp người/ suốt đời trát phấn bôi son mãi/ phấn trát son bôi chết chửa thôi”.

Vậy là, từng người, từng người bạn quý “bỏ dở hành trình” mà vào cõi thiên thu. Sĩ Tiến, ra đi 1982, chưa kịp đoạn tang, lại đến nghệ sĩ Phan Ninh, 1984, để lại làm thơ viếng. Rằng:

Cuộc đời son phấn sao vui thế/ mà cuộc đời chung lắm nỗi đau/cái nghề son phấn là công lệ/bán vui thiên hạ để mua sầu/

Sân khấu đời anh đã hạ màn/ lần này màn chót: bức màn tang/ thay tiếng vỗ tay là tiếng khóc/ anh vẫn cười tươi trước
khán quan/

Nghệ sĩ hơn ai ở điểm này/ đời nhiều thống khổ lắm chua cay/ cùng đời đóng trọn bi hài kịch/ nhắm mắt không trau một nét mày (Viếng bạn Phan Ninh, 1984).

Rồi lại đến lượt Nguyễn Ngọc Bạch… Cứ thế, “ngã xuống bao nhiêu người đáng sống/ bước chân để dở cuộc hành trình” (Viếng bạn Nguyễn Ngọc Bạch, 1985). Thơ viếng bạn của Hoàng Như Mai, cứ thế chồng mãi, dày mãi lên.

Thương bạn cũng là tự thương mình, nhưng thơ thương bạn không thay được thơ thương mình. Đọc các bài thơ đếm tuổi, tự thương, viết ở độ bảy mươi mốt (1989, Tuổi hai mươi), bảy mươi ba (1991, Bảy mươi ba), bảy mươi tư (1992, Bảy mươi tư), rồi bảy mươi tám (1996, Cảm tác) của GS, thấy càng thương càng trọng, càng trọng càng thương. Thơ đếm tuổi là tiếng nói của cái tôi tự nghệm, tự thương. Một mặt, ta thấy rõ kiểu áp lực tâm lí của tuổi già không còn vấn đề riêng tư cá nhân mà là vấn đề chung rất con người, rất nhân loại; mặt khác cũng thấy rõ đó còn là gánh nặng tâm lý của một người cao tuổi rất cụ thể đang đặt trên đôi vai mình cái gánh “lo vận nước”. Vậy nên người cao tuổi ấy “hai mùa chinh chiến hai màu tóc”; hoặc: “Giấc mơ đến cuối lộ trình/ tỉnh ra đã thấy trắng tinh mái đầu”… và “trên cành trái chín tuổi mình/một cơn gió thoảng vô tình cũng rơi/ cuộc đời còn được mấy mươi”; Người cao tuổi ấy đã nếm trải đủ mùi vị, cung bậc hiện sinh: “Có hiểu tình đời đầy phản trắc/có qua sinh tử bốn năm phen/có trải những niềm đau mất mát/mới biết thương yêu tuổi thiếu niên”. Tóm lại, phải trải nghiệm sâu đến thế nào mới đủ thâm trầm để biết kính sợ thời gian, biết yêu quý tuổi trẻ, biết ái ngại tuổi già của bản thân và người cùng trang lứa với mình, qua những vần thơ viết chỉ để “trao cho nhau cuộc đời”. Tuy vậy, tiếng lòng của nhà thơ bao giờ cũng dõng dạc, thiết tha.

Đếm tuổi ở năm 1992 (Bảy mươi tư)

Qua bảy ba rồi sang bảy tư/ mắt mờ răng rụng sức đà hư// Ngựa dù nghìn dặm còn khi mỏi/ Đời hết xuân hè phải đến thu//Muốn mọi ước mơ thành hiện thực/ thì muôn năm sống vẫn phù du// Huống chi tuổi đã xưa nay hiếm/thế sự coi như chuyện tạc thù (2.1992)

Đếm tuổi ở năm 1996 (Cảm tác, bảy mươi tám)

Tuổi cổ lai hi sắp đến nơi/ sổ đời tính thử khóc hay cười/ sức trai thác đổ buồm dong ngược/ đầu bạc chiều tà nước chảy xuôi// hoài bão mênh mông bằng vỗ cánh/thời gian vùn vụt én đưa thoi//Mới hay nhân thế phù du quá/thua được cờ chơi một ván thôi. (8-1996)

2.3. Phẩm chất của người nghệ sĩ và những băn khoăn trước lằn ranh thật - giả, tốt - xấu ở đời

Có một sự cộng hưởng đầy dụng ý giữa tiếc bạn (Chu Thiên) và viếng bạn (Đặng Huy Vận) trong bài Tiếc bạn Chu Thiên, viếng bạn Đặng Huy Vận. Với giọng tâm tình chậm rãi, nhịp điệu khoan thai, hơi dàn trải, bài thơ viếng này đọng lại những lời dõng dạc như tuyên ngôn của cả một thế hệ:

Chúng ta trí thức đi theo Đảng/ nào có khi nào tính thiệt hơn/ việc làm ngay thẳng lòng trong sáng/ sống giản đơn và chết giản đơn.”.

Ba phẩm chất trí thức cùng được tôn vinh trong mấy dòng thơ trên: 1) chẳng phân bì thiệt hơn về quyền lợi, đãi ngộ - nào có khi nào tính thiệt hơn; 2) tâm hồn trong sáng, hành động chính đại quang minh - việc làm ngay thẳng lòng trong sáng; 3) sống/ chết thanh bạch,“giản đơn” (với nghĩa đẹp đẽ tích cực của tính từ này) - sống giản đơn và chết giản đơn.

Thật đáng ngưỡng mộ bởi nhân cách của trí thức nghệ sĩ thế hệ Hoàng Như Mai (dù biết rằng giờ đây không phải ai cũng có thể và cũng muốn noi theo cái chuẩn nhân cách ấy).

Đó là phương châm sống được đúc kết khi nhà thơ và bạn bè cùng trang lứa đang ở độ tuổi trung niên sung sức. Sau này, trong bối cảnh, cục diện mới của đất nước, Hoàng Như Mai và thế hệ ông vẫn trung thành với phương châm sống và “đường lí tưởng” của mình. Tuy thế, cái tôi trí thức nghệ sĩ của một người cao tuổi, khi nhìn lại chặng đường cống hiến, tranh đấu của thế hệ mình, không khỏi có lúc băn khoăn về giá trị đích thực của những gì mà mình đã đem cả “gia tài” tuổi trẻ “ở thế gian ra” để đánh đổi, gìn giữ, nâng niu.

Quá vui cả triệu đời trai tráng/ nốc cạn men say gục xuống bàn/một cuộc phiêu lưu mà trả giá/ bằng cả gia tài ở thế gian.

Và,

Ta cũng một phường du tử ấy/ ra đi từ độ cứu gian san/cỏ bồng điên đảo theo chiều lốc/ bèo dạt hoa trôi mấy hợp tan/ hai mùa chinh chiến hai màu tóc/ muôn nỗi tâm tình đắng ruột gan/ Tỉnh giấc mộng hùng trời bóng xế/ ngũ thập niên tiền nhị thập tam. (Bảy mươi ba, Tân mùi 1991).

Hoặc:

Cho người chữ nghĩa bao nhiêu/ riêng mình chỉ một chữ “nghèo” mà thôi. (Trở về khoa Ngữ văn, 1986).

2.4. Những thử nghiệm, đóng góp về hình thức và kĩ thuật thơ theo kiểu sử dụng truyền thống, ít nhiều có cải biên

2.4.1. Làm mới hình thức trữ tình truyền thống: thơ viếng, thơ đếm tuổi. Đây vốn là thơ thù tạc, thơ chức năng. Hoàng Như Mai đã nâng thành hai thể tài có tính nghệ thuật trong Trao cho nhau cuộc đời.

2.4.2. Sử dụng khéo léo các thể thơ truyền thống (thơ lục bát, tứ tuyệt, bát cú, bảy chữ, tám chữ,…); gia tăng yếu tố đối thoại, phản biện (Viếng bạn Nguyễn Ngọc Bạch, Hôm qua, Bạn trách không đến chơi,…), yếu tố bất ngờ kịch tính (Nụ cười, Đến thăm bạn).

Tính chất đăng đối, tương phản đầy dụng ý có tính nghệ thuật trong cấu trúc câu thơ. Chẳng hạn:

đầu óc đã đen vì chữ nghĩa/ áo cơm chưa trắng nợ hình hài

Hoặc:

“sức trai thác đổ buồm dong ngược/ đầu bạc chiều tà nước chảy xuôi

hoài bão mênh mông bằng vỗ cánh/ thời gian vùn vụt én đưa thoi”

Kĩ thuật ghép nối các bài bát cú, mở rộng chiều kích văn bản và diễn ngôn thơ. Ví dụ: Giã từ Hà Nội (3x8); Tương lai tới chậm, tuổi đi mau (5x8).

2.4.3. Kiến tạo, tái kiến tạo hình ảnh, biểu tượng:

Về thời gian, có: Nước chảy qua cầu; tóc xanh, tóc bạc,…; về thế sự - đời người, có sân khấu, ván cờ, tiệc vui, cuộc chơi, chuyện tạc thù, sóng gió, bãi biển nương dâu, Mầm loạn, đen bạc; ban mai, hoàng hôn, xế chiều, sương rơi, vườn khuya…; về tinh hoa dân tộc, có nghệ sĩ, trí thức, bàn viết-bục giảng,…; về mong ước nội tâm con người, có nụ cười,…

VD [tiệc vui] - ẩn dụ mang một sắc thái phản tỉnh (Bảy mươi ba)

“Ngũ thập niên tiền nhị thập tam”/ nào ai buộc cánh được thời gian/ năm mươi năm trước hăm ba tuổi/ có tiệc nào vui chẳng lúc tàn?

Tiệc vui? Cứ tạm cho là vậy/ bom đạn tơi bời, pháo nổ ran/ hải vị sơn hào ăn đã chán/ngô nương ốc suối với măng ngàn

Quá vui cả triệu đời trai tráng/ nốc cạn men say gục xuống bàn/một cuộc phiêu lưu mà trả giá/ bằng cả gia tài ở thế gian.

3. Kết luận – những dấu ấn Hoàng Như Mai

Có một dấu ấn Hoàng Như Mai trong thơ ông và trong thơ Việt hiện đại. Cá tính sáng tạo Hoàng Như Mai đã ghi những dấu son đáng quý sau:

3.1.1. Cảm thức về thời gian: tiếng nói của cái tôi càng sống trải, càng ưa chiêm ngắm, và càng da diết thương tiếc ngày xanh tuổi trẻ đã thành dĩ vãng. Thương tiếc tuổi trẻ (trong sự tương phản với ái ngại lo sợ, mặc cảm về tuổi già) là một trong mấy mạch ngầm xúc cảm dạt dào, ám ảnh trong thơ Hoàng Như Mai.

3.1.2. Tiếng nói trữ tình trong thơ HNM vừa thuộc về cái tôi cá nhân vừa thuộc về cái tôi thế hệ. Trong đó, mảng thơ viết về bạn/ cho bạn (thực chất cũng là về mình/cho mình), nhất là thơ tiếc bạn, viếng bạn, tạo được một dấu ấn sâu sắc – dấu ấn Hoàng Như Mai trong thơ ông và trong thơ Việt hiện đại. Thơ viếng bạn, thơ đếm tuổi, theo đó, đã hiện hữu trong thơ ông như những thể tài văn học.

3.1.3. Nhà thơ, một mặt đã đúc kết được một cách thật giản dị, tâm đắc cái cốt cách, tâm nguyện đẹp của người trí thức nghệ sĩ chân chính – những người dâng trọn tuổi xanh của mình cho đất nước, nhân dân – bằng những dòng thơ mang tính châm ngôn: “nào có khi nào tính thiệt hơn/ việc làm ngay thẳng lòng trong sáng/ sống giản đơn và chết giản đơn”. Mặt khác cũng gợi lên trong thơ mình không ít băn khoăn suy cảm về bản thể và số phận của người nghệ sĩ trí thức thuộc thế hệ “hai mùa chinh chiến hai màu tóc” – thế hệ Hoàng Như Mai.

3.1.4. Thơ Hoàng Như Mai có những thử nhiệm riêng rất đáng ghi nhận về hình thức, phương tiện trữ tình (như: góp phần làm mới hình thức trữ tình truyền thống, nâng thơ viếng bạn thành thể tài; gia tăng yếu tố phản biện, ít nhiều kịch tính trong thơ; tận dụng sức biểu đạt của phép đối; mở rộng chiều kích của thơ bát cú; kiến tạo lại hình ảnh biểu tượng quen thuộc của thơ truyền thống; v.v.).

Tất cả cho ta thấy, thêm một lần nữa, chất tài hoa nghệ sĩ Hoàng Như Mai.

Thông tin truy cập

60782314
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
1815
24669
60782314

Thành viên trực tuyến

Đang có 535 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website