Tình, Thép và Lửa trong cấu trúc thẩm mỹ thơ Huỳnh Văn Nghệ

 

Hoàng Trọng Quyền[*]

Thơ Huỳnh Văn Nghệ tuy số lượng sáng tác không nhiều, nhưng khá nổi bật trên nền thơ hiện đại Việt Nam. Cái làm nên nét đặc thù với sức hấp dẫn đặc biệt của thơ Huỳnh Văn Nghệ chính là hiệu ứng nghệ thuật của cấu trúc thẩm mỹ. Trong đó, các yếu tố Tình – ThépLửa với các sắc thái độc đáo và đa dạng, hài phối tự nhiên, nhuần nhị và luôn thống nhất từ cách biểu lộ xúc cảm, xây dựng và triển khai hình tượng, cách lựa chọn các điểm nhìn nghệ thuật và diễn trình đối tượng thẩm mỹ trong những hình tượng không gian và thời gian nghệ thuật giàu ấn tượng, biểu cảm và mới lạ. Tình là gốc của Thép, Thép hướng về Tình. Tình hài kết với Thép làm nên Lửa yêu thương con người; Lửa tự hào về giòng giống, Tổ quốc; Lửa của khát vọng đấu tranh vì độc lập tự do. Những đặc điểm đó làm cho thơ Huỳnh Văn Nghệ thực sự là một thế giới nghệ thuật có những sắc thái, vẻ đẹp và sức hấp dẫn đặc thù trên nền thơ yêu nước và cách mạng Việt Nam.

1. TÌNH

Bất luận viết về đề tài gì, Thơ Huỳnh Văn Nghệ cũng luôn thấm đẫm tình cảm chân thành và tha thiết, bởi như ông thổ lộ rằng Những bài thơ tôi làm đều từ trái tim thôi thúc(1). Tình trong thơ ông nồng đượm; biểu hiện đa dạng, phong phú nhưng cũng luôn thống nhất, từ những xúc cảm, nỗi niềm về mái nhà, người mẹ; với dòng sông xanh, ngọn núi, cánh rừng…, cho tới đồng chí, quê hương, đất nước. Nổi bật lên trong thế giới nghệ thuật thơ Huỳnh Văn Nghệ là hai tình điệu chính luôn quan hệ gắn bó, mật thiết: Cảm thức giống nòi, Tổ quốc và gia đình, quê hương, đồng chí.

Tình điệu thứ nhất - cảm thức giống nòi và Tổ quốc thiêng liêng - với ý nghĩa như là căn cốt, huyết mạch chủ đạo luôn tuôn chảy trong thơ ông, gắn kết mọi bài thơ, tứ thơ lại với nhau tạo nên hồn thơ, thần thái thơ rất riêng của Huỳnh Văn Nghệ. Tình điệu này xuất phát từ một quan niệm nghệ thuật vừa mang tính truyền thống, vừa rất mới mẻ. Tính truyền thống thể hiện ở chỗ, thơ Huỳnh Văn Nghệ là sự tiếp nối dòng thơ văn yêu nước vốn luôn hiện hữu theo lộ trình của lịch sử đất nước, mà trong đó tình cảm về Tổ quốc, giang san luôn hằng thường. Còn cái mới lạ trong thơ ông chính là cách nói mới, cách diễn trình và bày tỏ xúc cảm trong những hình tượng mới ở những hoàn cảnh đặc thù. Tình điệu về giòng giống Lạc Hồng, về Tổ quốc luôn chi phối cái nhìn nghệ thuật của ông về các đối tượng thẩm mỹ được ông gọi về trong những tứ thơ và hình ảnh thơ một cách tự nhiên như chính hiện thực văn hóa và tâm linh luôn hằng thường ở dạng tiềm thức và vô thức của người Việt, một dạng thái cao đẹp của hồn Việt.

Với tình cảm và quan niệm như thế, con người trong thơ Huỳnh Văn Nghệ luôn được đặt trong sự tham chiếu của nền tảng tâm thức tự hào, trân trọng về lịch sử và văn hóa Việt Nam từ hàng nghìn năm nay. Nghĩa là, con người luôn sống, hành động, chiến đấu và yêu thương trong sự nối kết nhuần nhị và tự nhiên với nguồn cội, với hồn Việt - mà theo cảm quan và diễn trình của tác giả thì vẫn hằng thường tuôn chảy. Theo đó, trong nhiều thi phẩm của ông, hình tượng được nhìn ở điểm gặp gỡ của trục đồng đại và trục lịch đại, hiện thực và văn hóa. Nghĩa là con người của hiện tại nhưng luôn có sự kết nối tâm thức với truyền thống, thể hiện trong nhiều bài thơ tiêu biểu như Nhớ Bắc, Bà mẹ Việt Nam, Lịch sử quê hương, Dân quân...

Chẳng hạn trong Nhớ Bắc, con người hiện tại (ta) luôn đằm mình trong hồn Việt, đau đáu hướng về nguồn cội (non sông giống Lạc Hồng, đất Thăng Long):

Ai đi về Bắc, ta đi với

Thăm lại non sông giống Lạc Hồng

Từ độ mang gươm đi mở cõi

Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long ! (2)

Hoặc như ở thi phẩm Bà Mẹ Việt Nam, trong cái nhìn nghệ thuật của nhà thơ, hình tượng Mẹ Việt Nam hiển hiện xuyên thời gian, không gian trong lịch sử văn hóa Việt Nam. Theo đó, những chiến sĩ cách mạng hiện tại đang chống giặc Pháp cũng vẫn là con của Mẹ trong tình Tổ Quốc thiêng liêng:

Mẹ Việt Nam tuổi bốn mươi thế kỉ

Gót Cà Mau đầu tận ải Nam Quan

Cửu Long Giang buông dài làn sóng tóc

Dựa Trường Sơn đứng gác Thái Bình Dương (…)

Nay giặc Pháp lại mang đầu trở lại

Dù tầm vông phải chọi với xe tăng

Mẹ vững tin nơi bầy con trung hiếu

Ngày mai đây diệt chúng cứu giang sơn.

Ở một bình diện khác, cảm thức giống nòi, Tổ quốc như một nguồn sáng, rọi các tia sáng thẩm mỹ lên nhiều đối tượng trong cái nhìn nghệ thuật của nhà thơ, tiêu biểu như tình Nam - Bắc, tình cảm người dân Nam Bộ đối với Bác Hồ kính yêu.

Tình Nam - Bắc sâu đậm, vững bền được thể hiện ở nhiều thi phẩm. Trong bài Trăng lên, nhà thơ thể hiện rõ một khát vọng hòa bình nối liền Nam - Bắc: Bỗng anh giật mình tỉnh giấc mơ màng/ Đưa tay chỉ trên trời cao trong vắt/ Hai ngôi sao trong hai chòm sao Nam, Bắc. Rồi âu sầu anh sẽ bảo tôi rằng:/ “Muốn làm sao ta có sợi dây đàn/ Đem giăng thẳng nối Nam, Bắc. Cái mục tiêu mà chàng thi sĩ muốn nối liền Nam - Bắc với sợi dây đàn khát vọng là rất cao cả vì nó nhắm tới sự tỉnh thức, sự đồng lòng của tất cả đồng bào trên dải đất thiêng Tổ quốc Việt Nam: Chờ tiếng xôn xao ban ngày đã tắt/ Ta trỗi lên khúc “hận ngàn thu”./ Nghe đàn ta hai mươi lăm triệu đồng bào/ Bỗng nhớ rằng mình cùng chung mối hận/ Như bầy chim cùng chung số phận/ Trong một lồng sắt cứng, cánh còn non… Hoặc như trong bài Mẹ Nam con Bắc, nhà thơ diễn trình tình cảm Nam - Bắc thiêng liêng qua câu chuyện về người mẹ miền Nam và người con miền Bắc Anh tên Nguyễn Văn Đối/ Quê quán ở hưng yên…/ Nhập ngũ cướp chính quyền. Tình cảm gắn bó giữa hai mẹ con được đặt trên cái nền của tình kháng chiến, tình dân tộc. Do vậy, những tình tiết như người mẹ làm gà, hái bưởi, vá áo chăm con; vào đồn giặc đấu tranh cứu con, và đặc biệt, người mẹ cao quí này hi sinh vì mảnh đạn ca - nông, mà Chết không chịu nhắm mắt/ Vì mãi đợi đứa con, cũng như người con Ba ngày anh Đối khóc/ Đầu quấn chiếc khăn tang đã thực sự làm xúc động sâu sắc tấm lòng người đọc. Tình mẹ Nam con Bắc đã làm Rào rạt lòng trung đoàn, bởi đã vinh danh cho tình đoàn kết, gắn bó máu thịt Nam - Bắc vốn là tình cốt nhục chung một dòng máu Lạc Hồng cao quí trong cảm thức của Huỳnh Văn Nghệ.

Nổi bật trong dòng cảm thức ấy là thi phẩm Hình ảnh Bác Hồ trong lòng Nam Bộ. Ở đây có sự gặp gỡ giữa cảm nghĩ của nhà thơ về dòng giống Lạc Hồng, về Nam - Bắc một nhà với hiện thực đẹp đẽ của lịch sử: Nhân dân Nam Bộ kính yêu Bác Hồ, hình ảnh Bác Trong lòng người Nam Bộ/ Như máu thắm lòng tim; nhân dân Nam Bộ tiếp nhận từ hình ảnh Người niềm tin, sức mạnh: Hình ảnh Bác khắp nơi/ Theo dân đi kháng chiến () / Sao mắt Bác sáng ngời/ Truyền niềm tin dũng khí…

Không chỉ con người được tham chiếu từ lịch sử mới gắn với tiên tổ, với dòng máu Lạc Hồng chảy trong tiềm thức và vô thức, với văn hóa Việt Nam ngàn đời bất tử, mà ngay cả khi bày tỏ nỗi niềm với tình riêng, con người nghệ thuật cũng gắn kết với cái dòng chảy chung của lịch sử - văn hóa Việt Nam. Nghĩa là, những con người cá biệt, sự việc cụ thể luôn được tham chiếu trong những tia sáng thẩm mỹ chung của truyền thống, của lòng tự hào và ý thức gìn giữ truyền thống cao đẹp của dân tộc. Chẳng hạn, trong thi phẩm Trả lời thư Lan, sau những tâm tình thiết tha Nguồn máu đỏ trong tim còn dào dạt/ Hình ảnh em đượm mát góc trời quê/ Đã bao đêm anh mộng thấy anh về…/ Nhưng tỉnh dậy… trăng thề đành lỗi hẹn, là những âm vang giục giã của tiếng non sông hướng chủ thể trữ tình và đối tượng thẩm mỹ về phía nghĩa lớn thiêng liêng và cao cả: Em vẫn rõ: anh là thân chiến mã/ Nợ kiếm cung oằn oại gánh biên cương/ Tiếng non sông giục bước ra sa trường

Cũng với quan niệm nghệ thuật như thế, con người trong thơ Huỳnh Văn Nghệ luôn chịu sức hút, sức hấp dẫn từ đất tổ Việt Nam thiêng liêng. Trong những năm tháng ở nước ngoài, tiếng gọi nơi đất Mẹ luôn vang lên trong trái tim thi sĩ tha hương, như gọi nhắc nhà thơ hướng về nguồn sáng. Đó là những khi đón cái tết ở quê người (Băng Cốc), nhà thơ vọng về quê Mẹ trong nỗi niềm nhức nhối: Đêm hôm nay nơi tha hương lữ thứ/ Khách chinh phu dừng bước lại bên đường/ Ánh sao mờ phía chân trời xứ sở/ Như mũi gươm xoi, nhức nhối đoạn trường! (Tết quê người). Rung cảm của nhà thơ trở thành tiếng gọi chung thiết tha đối với những người con Việt xa xứ, với mong ước trở về đất Mẹ: Về đây thôi, hỡi những thuyền hy vọng!/ Chở về đây những mộng đẹp xa xôi/ Lưu luyến chi bến lạ chốn quê người/ Để bến tưởng thuyền xưa đà lạc bến (Bến cũ).

Tình Tổ quốc, giống nòi Lạc Hồng được thể hiện trong những không gian và thời gian nghệ thuật vừa mang tính lịch sử, cụ thể, vừa mang tính tâm thức không giới hạn.

Về không gian nghệ thuật, có khi là những địa chỉ định danh cụ thể mang tính địa lý - lịch sử như Tân Uyên, Là Ngà, Đồng Nai, Xuân Lộc, Bưng Còng, Bến Sắn, Trảng Bom…, có khi là những không gian rộng lớn mang tính biểu trưng như Bạch Đằng, Đông Hải, Hoành Sơn, Nam, Bắc; có khi là những không gian vũ trụ với trời, sao, mây, gió…, nhưng luôn thể hiện khát vọng thống nhất, độc lập, tự do trong giọng điệu vừa hùng tráng vừa thiết tha. Tuy nhiên, không gian tâm thức mới là không gian nghệ thuật chủ đạo của hồn thơ Huỳnh Văn Nghệ. Hầu hết các hình tượng thơ, từ những con người cụ thể, các sự kiện lịch sử cho tới ngọn núi, dòng sông đều nằm trong không gian tâm thức của thi nhân, nơi ấy luôn hằng thường những nỗi niềm, trăn trở, thao thức của khát vọng về độc lập tự do, về sự dâng hiến cho độc lập tự do trong ý thức và hành xử của một hậu duệ tiên tổ Lạc Hồng.

Về thời gian nghệ thuật, tình tiết, sự kiện, con người thường được nhà thơ đặt trong dòng chảy của thời gian nối liền xưa - nay, có khi là hàng nghìn năm: Vẫn nghe trong máu sầu xa xứ/ Non nước Rồng Tiên nặng nhớ thương (Nhớ Bắc); Mẹ Việt Nam tuổi bốn mươi thế kỷ/ Gót Cà Mau, đầu tận ải Nam Quan (…)/ Ngàn thuở trước làm dân nhà Hồng Lạc/ Một dòng con: hăm lăm triệu Tiên, Rồng ( Mẹ Việt Nam). Có khi là hình ảnh hiện tại xác thực được nhìn trong thế vĩnh hằng: Anh du kích đã chết rồi/ Đồng bào thương tiếc cúng xôi mỗi mùa (Giữ bí mật); Mộ bia anh không ghi giữ được lâu/ Tinh thần anh, chim hóa mãi ngàn thu (Nấm mộ giữa rừng); Gần xa từ đó truyền nhau/ Chuyện em bé xóm Cây Dâu anh hùng (Em bé liên lạc); Máu anh đỏ mãi ruộng vườn/ Núi rừng Xuân Lộc nhớ thương đời đời (Cái chết của anh Xiểng). Ở những không gian và thời gian nghệ thuật như thế, cái nhìn nghệ thuật của tác giả luôn di chuyển linh hoạt giữa các điểm nhìn khác nhau nhưng có tính gắn kết mật thiết. Trong đó, các điểm nhìn hiện tại nối liền truyền thống, nhất thời bao hàm vĩnh hằng, khoảnh khắc đi cùng bất tử, cụ thể làm nên phổ quát.

Tình điệu thứ hai nổi bật trong thơ Huỳnh Văn Nghệ là tình cảm với gia đình, quê hương, đồng chí. Song hành và giao thoa với cảm thức về giang san, Tổ quốc và lòng trân quí, tự hào về dòng giống Lạc Hồng là tình yêu thương quê hương, gia đình, đồng chí cũng khá đậm nét trong thơ Huỳnh Văn Nghệ. Cảm thức này xuất phát từ những tình huống sống và cảnh ngộ thương cảm, xa xót vừa trong đời thực của chính tác giả vừa của bà con nơi quê hương và với những vùng đất nơi tác giả cùng các chiến hữu của mình trải qua chinh chiến. Tình điệu này tương tác, bổ sung cho tình điệu về giống nòi, Tổ quốc. Hai nét lớn của tình cảm đó tạo nên hai mảng sắc màu đậm nét trong sự tương tác và hài phối với nhau làm nên sự phong phú và sâu sắc của tình thơ Huỳnh Văn Nghệ.

Nhà thơ viết về người mẹ thân yêu của mình, về gia cảnh của chính mình trong những hình tượng chân thực và xúc động ở các thi phẩm Trốn học, Bà bán cau, Mộ bia; Mẹ buồn, Thú tội, Đám ma nghèo. Hoàn cảnh sống trong cơ cực, vất vả và gian khó bởi chiến tranh cùng đức hy sinh lớn lao, cao thượng của người mẹ nhà thơ đã làm bật lên những xúc cảm thiết tha, thấm đậm nghĩa tình và cũng thảng thốt, xa xót. Trong bài Trốn học, hình ảnh người mẹ giàu tình thương con xuất hiện trong một tình huống cụ thể, trực cảm: Mẹ bắt được con trốn học, tính Đánh mười roi trên lưng con, nhưng khi hiểu ra lý do trốn học của con là vì con mặc quần áo rách, khi đến lớp thì bị thầy giáo kỳ thị Mỗi bữa mỗi đánh đòn, vì không có quần áo mới thay theo yêu cầu của thầy giáo nên phải trốn học, thì người mẹ không những không đánh phạt con mà còn nức nở khóc: Cành roi rơi khỏi tay/ Mẹ tôi nức nở khóc/ Ôm tôi vào trong ngực/ Chim rừng ngơ ngác bay. Đến thi phẩm Bà bán cau, tác giả đặt hình tượng người mẹ đi bán cau để kiếm tiền nuôi đàn con thơ dại giữa muôn bề gian khó, vất vả trong không gian nghệ thuật không chỉ xác thực mà rất đậm tính biểu trưng. Trong đó, áp lực như dồn đổ mọi sự khắc nghiệt của nắng hạn, đường xa, trời mưa lửa…, lên đôi vai gầy yếu và đôi chân trần chông chênh của người mẹ. Trong cái nhìn của tác giả, sự khắc nghiệt và khốc liệt của không gian dồn từ trời xuống, đùn từ đất lên và trải dài theo mỗi bước chân của bà bán cau. Từ trời xuống là mưa lửa, nguồn lửa đổ, là gió bốc khói tuôn lên cuồn bụi trắng; từ đất lên là dưới chân cát cháy - cái nóng từ hiệu ứng của mưa lửa trên hành trình đường xa nối chân mây, đường cát xa thăm thẳm. Giữa trời và đất ấy là bà bán cau gánh nặng oằn trên vai, vẫn lẹ làng đi trong hành trang đầu không ô, nắng đốt chiếc khăn rằn. Người đàn bà ấy lấy sức mạnh từ đức hi sinh cao cả trong nỗi niềm nhớ chiều nay, trước ngõ, đám con chờ. Chính cách phối kết không gian và thời gian nghệ thuật như thế đã làm bật lên đức hi sinh cao cả của người mẹ. Vì thế nên, không chỉ khi người mẹ còn sống, tác giả đã khắc ghi rằng, Người ơi! Cảnh ấy dẫu trăm năm,/ Ngàn năm hay muôn vạn ngàn năm,/ Một phút sau này con còn sống/ Cảnh kia còn đốt mãi lòng con, mà khi người đã xa khuất về nơi vĩnh hằng, nhà thơ không ngại ngần khẳng định: Khi mẹ chết, con đề thơ bằng máu/ Trên mộ bia chữ sẽ khắc bằng xương:/ Đây là nơi an ngủ/ Nữ anh hùng ngang bực với Trưng Vương (Mộ bia). Chân dung người mẹ vĩ đại ấy được nhà thơ chạm trên mộ bia cẩm thạch bằng những đường nét, hình khối với dáng hình oằn oại gánh cau khô, bằng trang phục áo khăn tơi tả rách, mà cao cả vô cùng, bởi dù cả một đời đau khổ, nhưng chỉ biết hi sinh cho nheo nhóc đám con khờ, với mong mỏi lo no ấm cho gia đình. Lối biểu đạt của nhà thơ trong cách miêu tả, kết cấu hình tượng và trong giọng điệu thống thiết, khẩn nài Khách qua đường ơi, khóc giùm tôi với về người mẹ của mình trong hai thi phẩm trên đã nâng những phẩm chất cụ thể, xác thực nơi hình tượng người mẹ chỉ của cá nhân nhà thơ thành những phẩm tính có tầm phổ quát sâu rộng, bởi cái đẹp của người mẹ nhà thơ đã hiển hiện lung linh những giá trị bất tử, gọi về trong lòng người đọc hình ảnh người mẹ của chính mình ở những thời gian, không gian và hành trạng khác nhau nhưng có chung tính thẩm mỹ thể hiện trong tình thương và đức hi sinh.

Cùng với chân dung về người mẹ vĩ đại ấy, còn có cả những nét vẽ, tuy không nhiều, về gia cảnh nhà thơ đầy thương cảm. Trong Đám ma nghèo, bài thơ được tác giả viết về chính đám ma người ba của mình diễn ra trong không gian mưa dầm gió lạnh, buồn thảm, hắt hiu. Các điểm nhìn nghệ thuật tiêu biểu về người đưa đám, người vợ góa, những đứa con trẻ dại hướng đến diễn tả nỗi đau thương, bi thiết tột cùng của đám ma côi. Đó là, đám ma chỉ Bốn ngưới khiêng lắt lẻo chiếc quan tài, người thân thì Người vợ góa kêu trời khan cả giọng/ Ẵm con thơ lần bước dưới mưa rơi/ Sau góa phụ còn hai con trẻ dại/ Dắt dìu nhau, nheo nhóc khóc không thôi. Cảnh tang thương, buồn thảm còn được khắc họa đậm nét thêm trong giọng điệu nấc nghẹn, tủi buồn: Và sau nữa… không còn ai nữa hết/ Bầy chó theo sủa mãi đám ma côi. Đám ma ấy là hệ quả tất yếu của gia cảnh người dân Việt đang sống trong nô lệ, lầm than như gia đình nhà thơ lúc bấy giờ. Do vậy, theo qui luật hình thành, phát triển của tình cảm và tư tưởng, có thể khẳng định rằng tình cảm về Tổ quốc, Đất nước với khát vọng chiến đấu, hiến dâng cho độc lập tự do trong thơ Huỳnh Văn Nghệ chắc chắn có cơ sở từ những tình cảm sâu sắc về gia đình, đặc biệt là về người mẹ của mình ngay từ thuở ấu thơ.

Với quê hương, thơ Huỳnh Văn Nghệ là những bông hoa bung sắc từ chính vẻ đẹp và sức mạnh, vừa hiển lộ, vừa tiềm ẩn của quê hương ông. Tiếng lòng ông luôn gắn bó, tha thiết và tự hào về quê hương của mình. Trong Lịch sử quê hương, nhà thơ nhìn vẻ đẹp muôn vàn của quê hương Tân Uyên với Đồng lúa thơm, vườn bưởi đường cam mật./ Tiếng trẻ thơ cười hát sân trường,/ Hồi chuông chùa êm gõ sườn non/ Mái tranh vàng khói cơm chiều quyến luyến…, trong cách tiếp cận của ý thức về những sức mạnh của nguồn cội vốn từ Ngày xưa những đoàn người từ miền Bắc/ Chán ghét vua quan áp bức/ Họ đạp núi rừng vượt sóng bể khơi/ Đi vào Nam làm lại cuộc đời đã đến Tân Uyên và khởi nguồn gầy dựng nên.

Viết về gia đình, quê hương, giọng chủ là ngợi ca, trân trọng, tự hào với các sắc thái đa dạng. Nếu như sắc thái biểu cảm về gia đình là thương cảm, xa xót, thì giọng về quê hương lại hùng tráng. Chẳng hạn, khúc tráng ca về quê hương qua thi phẩm tiêu biểu Đồng Nai đã dựng lên chân dung vùng miền Đông xinh đẹp, anh dũng, kiên cường, với các nét vẽ mạnh mẽ, khoáng đạt như sông nước anh hùng, núi rừng hoang vu, lên thác xuống gành. Bên cạnh đó là khúc bi tráng trong Về làng đã diễn tả những nét điêu tàn của quê hương với vườn cam lửa nám, bến đò không đưa, đồng hoang phơi trắng xương trâu, nhà tan chùa đổ, làng sầu mênh mông…, bởi bàn tay tàn độc của thực dân cướp nước.

Có khi, vẻ đẹp xưa được đặt bên cạnh nét hoang tàn ngày nay như một sự tương phản, vừa thể hiện tấm lòng tiếc xót cho những giá trị tươi đẹp và thơ mộng, mến yêu của quê xưa, vừa thể hiện lòng căm hận đối với quân cướp nước, tiêu biểu như trong các bài Tân Uyên, Là Ngà. Với Tân Uyên, nét đẹp xưa với thanh bình yêu mến, gái nhà quê họp chợ má hồng tươi, với cảnh trữ tình, nên thơ của dòng sông xanh êm thắm, thuyền bốn phương tụ hội…, thì nay trong cơn binh lửa chuyển rung trời đất Việt, còn lại cảnh tro tàn gạch nát, ôi tang thương. Với Là Ngà, đó là cảnh sông nước ngàn xưa êm đền xinh đẹp, Rừng tre nghiêng bóng mây mờ gương soi, nhưng trong cơn binh lửa, Lòng xanh quyện mối u buồn,/ Thác gầm rền khúc căm hờn đêm đêm. Tuy nhiên điều quan trọng là, núi cũng như sông, quê hương cùng với con người miền Đông dũng cảm, quật cường đã đứng lên chiến đấu chống kẻ thù, giành lại vẻ đẹp cho giang san: Trăm năm một phút rửa hờn/ Rừng vang tiếng thác cười giòn đêm thâu (Là Ngà); Quyết kháng chiến cho đến ngày toàn thắng,/ Bóng cờ son in lại bóng sông xanh (Tân Uyên).

Trong không gian địa linh vừa đẹp đẽ, thơ mộng, vừa thấm đẫm chất sử thi như thế của quê hương, nhân dân miền Đông đã đứng lên cùng nhân dân cả nước đánh đuổi kẻ thù ngoại xâm, bảo vệ Mẹ Việt Nam. Theo đó, với những người đồng chí - những người con ưu tú đã anh dũng đứng lên chiến đấu và hi sinh vì quê hương, đất nước - bao giờ nhà thơ cũng dành cho họ những tình cảm khâm phục, trân trọng, tôn vinh. Đó là những tình mến thương, lòng tin tưởng nhà thơ dành tặng những Chiến sĩ Lạc An trong không khí Chiến khu Đ của tiểu đội ngày xưa/ Bỗng lớn lên như Phù Đổng (Ngày hội Lạc An); là lòng kính thương vị tướng huyền thoại Nguyễn Bình, đến mức Rừng xanh thương nhớ như chinh phụChim lắng, nước ngừng không hát nữa (Rừng nhớ người đi) khi nhà thơ chia tay vị tướng này; là tình thương đồng đội hi sinh: Lòng đồng chí xót đau từng nhịp cuốc/ Chôn anh chiếu rách bó thân gầy (Nấm mộ giữa rừng)… Nhìn chung, sức hấp dẫn của tình cảm mà nhà thơ dành cho những con người dũng cảm, kiên trung và bất khuất trong cuộc chiến chống thực dân Pháp không chỉ thể hiện ở sự chân thành trong cảm xúc, sự trân quí và ngưỡng mộ trong tư tưởng của mình, mà còn ở chỗ, nhà thơ đã chuyển hóa những sự kiện, con người cụ thể, nhất thời ấy thành những con người bất tử. Chẳng hạn, việc em bé liên lạc xóm Cây Dâu khi bị giặc bắt đã kiên gan chịu đựng sự tra tấn dã man của chúng, kiên quyết không khai báo nên đã bị chặt đầu bỏ xác trôi sông. Tuy nhiên, trong cách cảm và quan niệm của nhà thơ, con người đó, sự kiện đó đi vào huyền thoại: Hôm sau dòng nước Đồng Nai,/ Vật vờ một xác người trôi không đầu./ (…) Gần xa từ đó truyền nhau/ Chuyện em bé xóm Cây Dâu anh hùng.

Như vậy, Tình trong thơ Huỳnh Văn Nghệ đa dạng, phong phú nhưng luôn thống nhất trong cách cảm quan và diễn trình của tác giả. Trong đó, sức hút mãnh liệt từ ý thức về giòng giống Lạc Hồng, về hồn thiêng sông núi Việt Nam cùng với tình yêu gia đình, quê hương, đồng chí đã hài kết làm nền tảng tư tưởng nghệ thuật trong sáng tạo của Huỳnh Văn Nghệ. Điều đó không chỉ tạo nên sức mạnh tinh thần, tình yêu thương, trân quí con người và quê hương miền Đông anh dũng, lòng quả cảm và tinh thần chiến đấu kiên cường của người lính Huỳnh Văn Nghệ, mà còn tạo nên sự gắn kết hài hòa và thống nhất giữa phong cách đời và phong cách thơ; giữa triết lý sống và quan niệm nghệ thuật của Huỳnh Văn Nghệ.

Tình trong thơ Huỳnh Văn Nghệ không phải nhất thành bất biến, mà diễn tiến và phát triển theo một lộ trình với sự tương tác của những trải nghiệm, những nhận thức theo dòng năm tháng trong cuộc đời binh nghiệp và sáng tác thơ của mình. Ban đầu là những xúc cảm kính trọng và buồn thương trực tiếp về mẹ, về gia đình ở những cảnh ngộ và biến cố bi thương của người dân mất nước; là khát vọng tuổi trẻ khát khao chiến đấu giải phóng quê hương; và trưởng thành lên là lòng tự hào, là ý thức về bổn phận và nghĩa vụ của một người con giòng giống Lạc Hồng cao quí. Cách thức thể hiện cũng đi từ miêu tả trực cảm cho tới những hình tượng giàu tính biểu tượng, triết luận. Do vậy, không gian và biên độ của tình cảm cũng theo đó mà được mở rộng, nâng cao và đi vào chiều sâu.

2. THÉP

Thép trong thơ Huỳnh Văn Nghệ thể hiện đa dạng, phong phú trong nhiều dạng thái, sắc màu. Tuy nhiên, tất cả đều nằm trong sự tham chiếu và vận hành theo một lộ trình, một xu hướng thống nhất: Đối mặt và vượt lên gian khó, hiểm nguy; tận hiến cho quê hương, đất nước, Tổ quốc; vững tin vào ngày chiến thắng. Xu hướng vận hành này của hình tượng thơ thể hiện trong các miền hiện thực mà tác giả phản ánh, trong cái nhìn nghệ thuật và chiều hướng phát triển của hình tượng, của tư tưởng cũng như trong khát vọng mãnh liệt và nhiệt thành của chủ thể thẩm mỹ Huỳnh Văn Nghệ. Đồng thời, cũng thể hiện trong hệ thống các nhân vật được phản ánh, qua hành trạng dũng cảm, can trường và lẽ sống cao đẹp của họ luôn hướng về ánh sáng của truyền thống anh dũng, bất khuất, tự cường của dân tộc, để sống và chiến đấu giải phóng quê hương, bảo tồn và phát huy những giá trị của dòng giống Tiên Rồng. Với cách tiếp cận bao quát nhất, có thể hình dung Thép trong thơ Huỳnh Văn Nghệ toát lên từ lộ trình và chiều hướng vận hành của hình tượng và tư tưởng theo hướng bay lên của một mũi tên. Theo đó, tiếp cận toàn bộ sáng tác thơ của Huỳnh Văn Nghệ trong tính tổng thể của hệ thống thẩm mỹ, người đọc cảm nhận được và như đang sống trong một thế giới nghệ thuật thơ giàu tính chiến đấu với hồn thơ, khí thơ mạnh mẽ, hào sảng. Trong đó nổi bật một số phương diện cơ bản như sau:

Một là, Thép trong chân dung tinh thần của hình tượng tác giả luôn lấp lánh, lúc tiềm ẩn, lúc hiển lộ những đặc điểm và sức hấp dẫn của ý chí, bản lĩnh và khí phách tráng sỹ, trượng phu của người con chí hiếu với gia đình, quê hương và Tổ quốc. Đặc sắc này bắt nguồn từ hai lẽ: Một là, chính hình ảnh người chiến sỹ kiên trung, dũng cảm, tài trí và mưu lược Huỳnh Văn Nghệ trong đời thực đã phả bóng hình của mình vào từng tứ thơ, hình tượng, ngôn từ và giọng điệu thơ. Con người và thơ ca Huỳnh Văn Nghệ gắn bó chặt chẽ, mật thiết, tương tác với nhau như hai mặt của một vấn đề: Thơ là phần hồn, phần tư tưởng; con người là phần hành động, hành xử văn hóa; người phổ hồn vào thơ, thơ làm đẹp thêm con người. Hai là, hồn thiêng sông núi, con người miền Đông Nam Bộ cùng hiện thực lịch sử anh hùng, bất khuất của vùng đất này trong chiến tranh chống thực dân trên nền dòng chảy vĩ đại của lịch sử - văn hóa chống kẻ thù ngoại xâm của dân tộc Việt Nam đã vọng vào, phổ hồn vào thơ Huỳnh Văn Nghệ trong cách cảm quan và diễn trình của tác giả. Một góc nhìn khác, cuộc đời huyền thoại, nhân cách sống cao đẹp của con người cũng như tư tưởng và nghệ thuật thơ Huỳnh Văn Nghệ là sự thể hiện tinh thần tự chịu trách nhiệm trước lịch sử - một sự phát huy, tiếp nối khí phách tự cường, dấn thân, hào sảng, lẫm liệt với đức hy sinh cao cả của những bậc anh hùng tiền bối như Trương Định, Phan Công Tòng, Nguyễn Trung Trực…, cũng như của những người nghĩa sỹ nông dân khởi nghĩa trong hồn thơ Đồ Chiểu.

Do vậy, hình tượng tác giả xuất hiện trong những bài thơ khác nhau nhưng luôn thống nhất trong quan niệm nghệ thuật, cái nhìn nghệ thuật, tư tưởng và thẩm mỹ. Ngay từ những tháng năm bắt đầu cầm bút, quan điểm nghệ thuật của ông đã thể hiện rõ xu hướng tư tưởng, không chỉ với thơ mà ngay cả trong hành động, sống và chiến đấu vì nghĩa lớn suốt cả cuộc đời mình:

Chàng chỉ muốn làm thơ bằng máu

Trên mây hồng cho gió rải cùng trời

Để những người đau khổ khắp nơi nơi

Ngừng than thở

Và thương nhau

Khi thấy hàng chữ máu!

(Mộng làm thơ)

Quan điểm thơ phục vụ con người, giúp nhân sinh xóa tan đau khổ ấy thêm một lần nữa được thể hiện trong hình tượng sợi dây đàn kỳ vĩ nối hai chòm Nam Bắc với khát vọng mạnh mẽ, cao đẹp: Nghe tiếng đàn hăm lăm triệu đồng bào/ Bỗng nhớ rằng mình cùng chung mối hận (Trăng lên).

Hai là, Thép không chỉ là tuyên ngôn triết lý trực tiếp đơn thuần về nghệ thuật và toát lên từ hình tượng tác giả mà còn thể hiện ở hệ thống hình tượng khách thể thẩm mỹ trong thơ Huỳnh Văn Nghệ. Đó là những người chiến binh anh dũng, kiên trung, bất khuất ngay trên chính quê hương miền Đông bước vào thơ ông một cách tự nhiên trong lẽ sống súng giặc đất rền, lòng dân trời tỏ (Văn tế nghĩa sỹ Cần Giuộc – Nguyễn Đình Chiểu). Những con người ấy thực như ngoài đời: bình dị mà cao cả, dân dã nhưng vĩ đại. Đó chính là lý do có một phân hệ gồm những con người đẹp đẽ, cao thượng, hi sinh vì Tổ quốc trong hệ thống hình tượng thẩm mỹ của Huỳnh Văn Nghệ. Trong quá trình tìm kiếm tứ thơ với nỗi niềm của một người có duyên nợ với thơ (…), yêu thơ tới mức say đắm, một ngày không ngâm thơ, không làm thơ, đúng như người xưa nói “soi gương thẹn bóng(3), nhà thơ bắt gặp những vẻ đẹp sáng lên từ những con người cụ thể, chân xác như danh tướng Nguyễn Bình, vị đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Xiểng, những anh chị du kích, các em liên lạc... Ở họ, luôn có sự kết nối giữa cá nhân với Tổ quốc, đất nước. Nghĩa là hành vi, giá trị thẩm mỹ của những con người cá nhân ấy vinh danh cho cộng đồng, cho dân tộc. Cái nhìn nghệ thuật của nhà thơ về những cá nhân ấy là từ góc tham chiếu của tiêu chí vì quê hương, đất nước… Những thi phẩm tiêu biểu viết về những con người cụ thể, chân xác như Rừng nhớ người đi, Tiếng hát Quốc ca, Mẹ buồn, Nhờ bà Cơ, Em bé liên lạc, Nấm mộ giữa rừng, Giữ bí mật, Du kích Đồng Nai… không chỉ thể hiện tấm chân tình thương cảm, trân quí và tự hào của nhà thơ, mà còn toát lên chất thép kiên trung, bất khuất, hào sảng từ những con người của quê hương miền Đông anh dũng.

Chẳng hạn, trong Rừng nhớ người đi, viết về tướng Nguyễn Bình - người chỉ huy, người bạn chiến đấu mà Huỳnh Văn nghệ hết lòng khâm phúc, ngưỡng mộ - nhà thơ đã làm bật lên khí phách hào sảng trong chân dung của vị tướng huyền thoại: Từ độ anh đi vung kiếm thép/ Mịt mù khói lửa khuất binh nhung. Nhà thơ thể hiện cái nhìn đối với hình tượng trong không gian nghệ thuật của chiến chinh vì nghĩa lớn tương xứng tầm vóc của nhân vật anh hùng: Bốn phương khói lửa tuôn mờ mịt/ Rừng vẫn trông theo cánh phượng hoàng. Hay như trong Tiếng hát Quốc ca, Thép hiển lộ trong âm vang tiếng hát Quốc ca đầy sắc điệu quả cảm và hy vọng của người lính trong cảnh ngộ bị thương và buộc phải cưa bỏ chân bằng cây cưa dùng để cưa gỗ thường ngày. Thép sáng ngời bản lĩnh trong hình tượng anh Nguyễn Văn Xiểng (trong Cái chết của anh Xiểng) chấp nhận cái chết trong đớn đau, nhưng vinh quang, bất tử: Trong thái độ Mở mắt tròn xoe/ Trừng trừng nhìn lũ giặc/ Đang trói vòng anh, sau xe Jíp/ cho tới dáng vẻ Anh vẫn đứng lặng im/ Hiên ngang như ngọn núi kiên trung không chịu cúi đầu trước yêu cầu của lũ giặc, và trong tiếng thét vang rừng bất khuất Không/ Không đầu Tây./ Tao thà chết tại đây. Đặc biệt, Thép tỏa rạng từ bản lĩnh người chiến sĩ thể hiện trước lúc hi sinh tại Sài Gòn, đã Lấy máu mình đang chảy/ Tô lên tường năm chữ/ “Thành phố Hồ Chí Minh”/ Rồi mới đành lòng tắt thở (Hình ảnh Bác Hồ trong lòng Nam Bộ) như một sự khẳng định Bác Hồ trong lòng người Nam Bộ là niềm tin tất thắng, mãi mãi bất tử.    

Thép trong thơ Huỳnh Văn Nghệ bung khởi không chỉ từ những đề tài lịch sử, thế sự với những hình tượng nghệ thuật được ông miêu tả nơi chiến trận, khi đối mặt với kẻ thù dù có phải chấp nhận hy sinh đi chăng nữa, mà còn được thể hiện ngay cả trong những tình huống của những con người bình dị trong cảnh đời thường dân thuở chiến tranh nơi quê hương tác giả. Tiêu biểu như ánh Thép trong hình tượng người đàn bà bán cau đã mạnh mẽ vô cùng, vượt lên muôn vàn gian khó, thử thách với nội lực sức mạnh phi thường nơi bà chính là cội rễ của tình thương con. Thép ánh lên nơi câu trả lời hóm hỉnh, đầy chất thơ của người mẹ chấp nhận đốt ngôi nhà thân yêu mình đang ở - ngôi nhà mà cả gia đình mẹ chắt chiu dành dụm một đời mới dựng lên được – theo lệnh tiêu thổ kháng chiến của Chính phủ: Khi người con an ủi (vì sợ mẹ mình buồn, tiếc ngôi nhà) rằng, Má tiếc gì má ơi… thì Mẹ nhìn con âu yếm/ Vuốt tóc con mỉm cười, trả lời con rằng Nhà má có ra tro/ Con càng lo đánh giặc (…)/ Nhưng mà má chỉ tiếc/ Cái ống ngoáy trầu thôi

Thép trong thơ Huỳnh Văn Nghệ toát lên trong từng hình tượng con người với những vẻ đẹp riêng, nhưng giữa họ luôn có sự thống nhất vừa trong triết lý và hành động chiến đấu dũng cảm, ngoan cường, hi sinh cao đẹp, vừa trong góc độ cảm quan và triết luận của chủ thể thẩm mỹ Huỳnh Văn Nghệ. Con người trong thơ Huỳnh Văn Nghệ luôn hướng về nghĩa lớn tình thiêng, họ kết lại cùng nhau thể hiện rõ bản lĩnh và khí phách Việt Nam.

Thép trong thơ Huỳnh Văn Nghệ bật lên từ chính hiện thực đau thương mà anh dũng của nhân dân miền Đông đấu tranh chống thực dân Pháp, và có nguồn cội trong văn học yêu nước và cách mạng vốn luôn hằng thường như một khuynh hướng song hành với lịch sử chống kẻ thù ngoại xâm của dân tộc suốt mấy nghìn năm dựng nước và giữa nước. Đó là sự tiếp nối, phát huy truyền thống cao đẹp về tư tưởng yêu nước, tự cường và bất khuất vẫn luôn chói sáng trong sáng tác của Lý Thường Kiệt, Nguyễn Trãi, Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Đình Chiểu, Phan Bội Châu, Hồ Chí Minh… Thơ Huỳnh Văn Nghệ bung nở trên cái nền tư tưởng vĩ đại đó của dân tộc, mang đến những vẻ đẹp hào sảng, mạnh mẽ của khát vọng chiến đấu giải phóng quê hương, đất nước trong ý thức luôn tự hào về truyền thống và dòng dõi Tiên Rồng, Hồng Lạc.

Trên nền thơ văn Việt Nam giai đoạn 1930 – 1945, Thép trong sáng tác của Huỳnh Văn Nghệ làm cho thơ ông có hơi thơ, kết cấu hình tượng và đặc điểm tư tưởng với những vẻ đẹp và sức hấp dẫn riêng. Ở giai đoạn này, trong khi có không ít nhà thơ mất phương hướng, thậm chí lạc lối, hoang mang về tư tưởng thì Huỳnh Văn Nghệ vững chãi, không hoa mỹ, màu mè nhưng chói sáng, dõng dạc và đường hoàng trên con đường đời và thơ như triết lý và lối sống của người dân Nam Bộ anh hùng.

3. LỬA

Lửa trong thơ Huỳnh Văn Nghệ là hệ quả, hiệu ứng thẩm mỹ bật lên, tỏa sáng từ sự hài kết, tương tác của TìnhThép, vì với thơ Huỳnh Văn Nghệ, TìnhThép có mối quan hệ khăng khít, mật thiết, tương hỗ với nhau. Tình là gốc của Thép. Thứ tình thiêng liêng, cao cả vì gia đình, quê hương, giống nòi và Tổ quốc là căn nguyên của tính chiến đấu anh dũng, kiên cường, bất khuất để giải phóng quê hương, đất nước. Thép nảy sinh từ Tình, và hướng về Tình, vì Tình. Tình thiết tha sâu đậm hòa quyện với Thép mạnh mẽ, phóng khoáng, hào sảng làm nên lửa trong thơ Huỳnh Văn Nghệ, một thứ lửa ấm áp, nồng đượm và làm sáng bừng lên vẻ đẹp lung linh trong lý tưởng sống và chiến đấu hi sinh vì nghĩa lớn.

Lửa trong thơ Huỳnh Văn Nghệ sáng lên từ nội tại thế giới nghệ thuật thơ của ông. Trong hệ thống hình tượng thơ, Lửa tiềm ẩn ngay trong từng đối tượng, từng đề tài mà nhà thơ lựa chọn xây dựng triển khai thành hình tượng thơ. Điều đó thể hiện ở tên các bài thơ vốn là những sự kiện giàu ý nghĩa trong cuộc sống kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược: Hành quân, Tình súng, Mẹ Nam con Bắc, Hình ảnh Bác Hồ trong lòng Nam Bộ, Ngày hội, Hội nghị bình công, Mất Tân Uyên, Bờ sông bị chiếm, Tiếng hát giữa rừng, Giữ bí mật, Chiến khu Đ chống bão… Nghĩa là, trong quá trình sống, chiến đấu và tìm tứ thơ, nhà thơ chọn những sự việc, con người mà bản thân những đối tượng thẩm mỹ ấy vốn có Lửa, chứa Lửa. Tuy nhiên, điều quan trọng là chính tác giả đã khơi Lửa, làm cho Lửa sáng bừng lên từ những đối tượng thẩm mỹ ấy. Theo đó, từ sự tương hợp giữa tư tưởng nghệ thuật của chủ thể thẩm mỹ và đặc trưng của đối tượng thẩm mỹ, nhà thơ dùng bút pháp, tài nghệ của mình một cách thành công trong việc khơi Lửa từ đối tượng thẩm mỹ ấy, chuyển sự việc và con người trong đời sống thành hình tượng nghệ thuật. Để làm được điều đó, một là, về ngôn từ, Huỳnh Văn Nghệ đã lựa chọn thứ ngôn ngữ thơ dân dã, mộc mạc, không hoa lá, không cầu kỳ như chính tiếng nói con người quê hương mình. Hai là, cái nhìn nghệ thuật bao giờ cũng mang tính chân xác xuất phát từ chính đặc trưng của đối tượng được thể hiện qua những điểm nhìn tiêu biểu nhất. Ba là giọng điệu lúc hùng hồn, lúc bi tráng nhưng bao giờ cũng thể hiện sự ngợi ca, trân trọng, tôn vinh kháng chiến và những con người ưu tú hi hinh cho kháng chiến. Bốn là xu hướng kết cấu hình tượng bao gồm miêu tả với bình giá, trực cảm với triết luận. Năm là, thời gian và không gian có sự kết hợp của thời điểm với muôn đời, địa danh xác định với không gian lịch sử. Trong đó, có hai mảng chính được thể hiện trong hai kiểu điểm nhìn: Với điểm nhìn lịch đại, không gian và thời gian nghệ thuật trải dài hàng nghìn năm trong lịch sử và văn hiến Việt Nam; với điểm nhìn đồng đại, không gian và thời gian nghệ thuật là những hình tượng cụ thể về đất và người, chinh chiến và yêu thương ngay trên mảnh đất miền đông Nam Bộ đẹp đẽ và kiên trung. Do vậy, lửa từ những hình tượng nghệ thuật trong thơ Huỳnh Văn Nghệ vượt lên tầm đơn lẻ của một nhân vật nhất thời, cá biệt mà trở thành hình tượng có những giá trị biểu trưng, phổ quát. Nhà thơ đã chuyển Lửa từ hình tượng nghệ thuật vào lòng độc giả, sống mãi cùng độc giả một cách tự nhiên, thuyết phục.

Thơ Huỳnh Văn Nghệ là một quầng Lửa bừng tỏa nơi vùng đất Đông Nam Bộ. Lửa trong thơ ông ấm áp, lấp lánh trong từng bài thơ, tứ thơ và hình ảnh thơ. Đó là thứ Lửa bắt nguồn vừa từ Lửa của thơ ca yêu nước của dân tộc, Lửa trong những ánh sáng tự hào con Hồng cháu Lạc, vừa là thứ Lửa của vẻ đẹp trong lối sống mộc mạc, chân chất nhưng trung thực và hào sảng của đất và người Nam Bộ, trong đó, có Lửa từ những tia sáng cao đẹp trong hành trạng, nhân cách, phẩm chất con người thực Huỳnh Văn Nghệ. Điều quan trọng là ở chỗ, dường như bất cứ ai đến với thơ Huỳnh Văn Nghệ, ra đi cũng mang theo ít nhiều Lửa từ thơ ông. Lửa ấy có cốt lõi là lòng yêu nước, tự cường dân tộc, yêu thương con người thiết tha luôn rừng rực trong trái tim nhà thơ phối kết với nền tảng và nguồn cội tinh thần dân tộc, bản lĩnh dân tộc Việt Nam như dòng chảy luôn dạt dào trong cảm nhận và cái nhìn nghệ thuật của Huỳnh Văn Nghệ. Nói cách khác, Lửa thơ ông bừng sáng từ trái tim ông trên nền Lửa yêu nước và tự cường dân tộc luôn hằng thường suốt hàng nhìn năm. Thơ Huỳnh Văn Nghệ thành Lửa trong lòng người đọc, vì ông đã kết tinh Lửa của đất và người miền Đông, hòa chung với Lửa của Mẹ Việt Nam, của giòng giống Lạc Hồng trong những hình tượng thơ đẹp đẽ, và chuyển Lửa đó tới tâm hồn người tiếp nhận.

Chiều hướng thẩm mỹ của Lửa trong thơ Huỳnh Văn Nghệ là vượt lên, vươn tới, tỏa sáng. Từ những sự việc và con người dình dị, tưởng chìm khuất giữa áo cơm đời thường nhưng luôn vượt lên, hướng tới trong mục tiêu sống là cho người khác, vì tha nhân, cho tới những em giao liên, anh du kích, vị tướng, nhà thơ cũng luôn hướng về lý tưởng sống vì quê hương, vì giống nòi, vì Tổ quốc… Đặc điểm và hiệu quả thẩm mỹ đó của thơ Huỳnh Văn Nghệ tạo nên tính đặc thù và sức hấp dẫn riêng. Đó cũng là lý do vì sao thơ Huỳnh Văn Nghệ không có sự đứt gãy, đột biến về hình tượng và xu hướng tư tưởng, thẩm mỹ như ở nhiều nhà thơ khác trong hai giai đoạn trước và sau 1945.

TÓM LẠI:

Tình - ThépLửa - ba thành tố quan trọng, tiêu biểu trong cấu trúc hình tượng nghệ thuật - trong mối quan hệ tương tác đã tạo nên đặc điểm tư tưởng, thẩm mỹ và sức hấp dẫn đặc biệt của thơ Huỳnh Văn Nghệ. Trong quan niệm nghệ thuật cũng như triết lý sống và hành động, yêu thương và chiến đấu, Huỳnh Văn Nghệ luôn đặt cá nhân mình trong dòng chảy yêu nước và tự cường của hồn Việt như một thứ hiện thực văn hóa hằng thường, tuôn chảy trong huyết quản con người thuộc dòng giống Lạc Hồng. Ông quan niệm bản thân mình là một phân hệ, một yếu tố trong cái hệ thống vĩ đại và linh thiêng của hồn Việt luôn thao thiết trong ông, có sức hút mãnh liệt đối với ông. Cảm thức của Huỳnh Văn Nghệ cũng là của hàng triệu con người Việt Nam xa Thăng Long, nhớ Lạc Hồng. Phẩm tính đó luôn tiềm ẩn, thao thức trong tinh huyết mỗi con người Việt Nam, và được truyền nối trong vô thức và tiềm thức từ đời này qua đời khác suốt hàng nghìn năm trong lịch sử văn hóa dựng nước và giữ nước. Do vậy, thơ Huỳnh Văn Nghệ là những đóa hoa lửa bung nở từ chính hiện thực lịch sử thế sự của đất và người miền Đông Nam Bộ trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, vinh danh những con người Nam Bộ yêu nước mãnh liệt, nghĩa tình sâu đậm, thủy chung, tính cách phóng khoáng, hào sảng, kiên trung. Nhưng những đóa hoa ấy luôn được đặt trong sự tham chiếu của ánh sáng thẩm mỹ tư tưởng con Hồng cháu Lạc… Những đặc điểm và giá trị ấy thể hiện ở mọi đối tượng thẩm mỹ và cách thức phản ánh trong sáng tạo nghệ thuật của nhà thơ. Điều đó làm cho thơ Huỳnh Văn Nghệ thực sự là một thế giới nghệ thuật có những sắc thái, vẻ đẹp và sức hấp dẫn đặc thù trên nền thơ yêu nước và cách mạng Việt Nam.

………………………………………………………………………………

CHÚ THÍCH:

(1) : Dẫn theo Hoàng Tấn: Thi tướng Huỳnh Văn Nghệ (Huỳnh Văn Nghệ, tác giả và tác phẩm, huyền thoại một con người, NXB Đồng Nai, 2008, Bùi Quang Huy biên soạn và giới thiệu), tr. 234.

(2): Khổ thơ này có nhiều dị bản:

- Ai đi về Bắc, ta đi với/ Thăm lại non sông giống Lạc Hồng/ Từ độ mang gươm đi mở cõi/ Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long ! (Nhớ Bắc) Thơ Đồng Nai (tái bản), NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2014.

- Ai về Bắc, ta đi với/ Thăm lại non sông giống Lạc Hồng/ Từ thuở mang gươm đi giữ cõi/ Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long ! (Nhớ Bắc) Bên bờ sông xanh, NXB Tổng hợp Sông Bé, 1984.

Trong văn bản này, có chú thích (tại tr. 36) rằng: “Đầu tiên tác giả viết: Từ độ mang gươm đi mở cõi/ Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long.

- Ai về Bắc, ta đi với/ Thăm lại non sông giống Lạc Hồng/ Từ độ mang gươm đi mở cõi/ Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long ! (Nhớ Bắc) Thơ văn Huỳnh Văn Nghệ, Sở Văn hóa Thông tin – Thể thao Đồng Nai, NXB Đồng Nai, 1998.

- Theo Hoàng Tấn (Sđd, tr. 242), trong khi Huỳnh Văn Nghệ trao đổi, bàn thảo về thơ cùng Hoàng Tấn và Hoàng Phố, Huỳnh Văn Nghệ nói với Hoàng Tấn rằng: “Tôi viết Từ độ mang gươm đi mở cõi là rất đúng với lịch sử. Vậy mà có người không chịu, suy diễn và phê phán này nọ, và tự ý sửa thành Từ độ mang gươm đi giữ cõi. Nếu anh cho diễn ngâm – anh Tám bảo tôi – thì xin anh giữ nguyên “mở cõi” cho. Ngoài ra trong bốn câu tôi viết: Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long thì không biết do đâu lại thành Ngàn năm thương nhớ… Xét cho cùng thì Trời Nam có ý đẹp hơn, phảng phất địa phương chủ nghĩa, ý không bay bổng và mở rộng bằng Ngàn năm…”.

- Trong cuốn Thơ Đồng Nai, NXB Quân đội nhân dân, 2014 (xuất bản: 1949, tái bản: 2014): Ở bài Về Bắc (1943) có 3 khổ thơ; Ở bài Nhớ Bắc (1948) có 4 khổ thơ, giữa hai bài này có khổ thơ thứ nhất giống nhau, khổ thứ 2 trong bài Nhớ Bắc không có trong bài Về Bắc, khổ thứ 3 trong bài Về Bắc không có trong bài Nhớ Bắc, khổ thứ 2 trong bài Về Bắc và khổ thứ 4 trong bài Nhớ Bắc có câu thơ đầu giống nhau.

(3): Dẫn theo Hoàng Tấn: Thi tướng Huỳnh Văn Nghệ…, Sđd, tr. 234.

Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu văn học, số 12 năm 2016.

 


[*] PGS.TS, Trường Đại học Thủ Dầu Một

Thông tin truy cập

60534510
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
16003
10018
60534510

Thành viên trực tuyến

Đang có 325 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website