Vài nét về tờ Tiến hóa

Chúng ta biết rằng, năm 1945 – 1946, Hội Văn hóa Cứu quốc Việt Nam gắn liền với tạp chí Tiên phong (24 số từ 10.11.1945 đến 1.12.1946) còn Hội Văn hóa Cứu quốc Quảng Ngãi có bán nguyệt san Tiến hóa (số 1, 15.11.1946). Cũng như Tiên phong, Tiến hóa là chứng từ bước đầu hình thành không gian văn nghệ của thời vận mới.

Thông tin về tờ Tiến hoa khá lờ mờ. Từ điển thư tịch báo chí Việt Nam của Nguyễn Thành (2001) miêu thuật vài chi tiết, nơi xuất bản, cơ quan chủ quản, chủ nhiệm và năm xuất bản. Chỉ vậy thôi. May mắn tôi được nhà sưu tập Tạ Thu Phong (Hà Nội) chụp giúp ấn ảnh tờ Tiến hóa số 2 (1.12.1946). Từ một số báo duy nhất không đủ để khảo tả trọn vẹn diện mạo tờ báo nhưng tạm thời có thể hình dung dáng nét của tờ báo tuổi đời khá ngắn ngủi, chỉ chừng hai ba số là cùng. 

Hình: Tiến hóa số 2 (1.12.1946).

Trước hết là kể đến trang bìa. Măng-sét gồm quốc hiệu “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm thứ 2” bên trên, tên tờ báo “TIẾN HÓA” chính giữa, tên cơ quan chủ quản “Cơ quan Vận động Văn hóa mới” bên dưới. Giữa trang, mục lục nội dung bài vở bên trái, số “2” đi cùng ngày tháng phát hành “1.12.1946” bên phải. Phần dưới cùng chạy dòng chữ “Văn hóa Cứu quốc Quảng Ngãi xuất bản”.

Và ở trang 2 chi tiết hơn: “(...) ra ngày ngày 1 và 16 mỗi tháng. Nguyễn Tấn Đức chủ nhiệm, Nguyễn Hóa thư ký tòa soạn [và kiêm quản lý]”. Ban biên tập gồm: Nguyễn Viết Lãm (Hạnh Đàn), Nguyễn Hoằng (Vĩnh Mai), Nguyễn Văn Châu, Võ Thủ Tịnh, Hoàng Vinh, Trực Ngôn, Mai Xuân Cảnh, Xuân Lộc, Trần Mai Ninh, Lê Văn Nhiễu, Lao Tùng, Tuệ Bình, Hồ Văn Điềm, Hoàng Phúc và cô Võ Thị Như Lệ. Trình bày Lao Tùng và Dương Đức Sơn. Và đường lối cũng như tôn chỉ tờ báo: “Là nơi gặp gỡ của tất cả của những cây bút thiết tha với công cuộc giải phóng dân tộc – Xây dựng một nền văn hóa mới – TIẾN HÓA chờ đợi sự cộng tác của tất cả các nhà văn hóa xa gần”.

Hình: Trang 2 Tiến hóa số 2 (1.12.1946), 16 trang, tương đương khổ A4, In tại Nhà in Ngô Tử Hạ, Huế.

Thứ nữa là đến ”Thể lệ cuộc thi văn hóa 1947” do Hội Văn hóa Cứu quốc Quảng Ngãi tổ chức. Giải văn học dành cho tác phẩm thuộc lĩnh vực trước tác, dịch thuật, khảo cứu và Giải học sinh với các thể loại truyện ngắn, thơ, kịch.

Nơi đề mục “Sau ngày ký thỏa hiệp 14.9”, Nguyễn Viết Lãm dừng kỹ hơn ở Nhiệm vụ cấp thiết của văn hóa.

Ở c huyên mục“Sinh hoạt văn hóa ở Quảng Ngãi” là bài tường thuật Một đêm văn nghệ của Sóng Biển (Sẽ trở lại chi tiết hơn ở phần sau).

Và đến hai bài thơ Giòng thiêng của Văn Diễn(1)Anh, ngày mai của Lý Hoàng Phúc. Xin dẫn bài thứ hai để thấy nhịp điệu và mẫu người thời đại trong quỹ đạo chung của văn nghệ kháng chiến: Nỗi cơm áo đâu mòn mỏi lòng trẻ/Tay nắm chặt! anh dồn thêm sức khỏe/Của người anh giục lửa sống bùng lên/Anh vui chăng? No ấm vững lòng tin .Mấy câu xếp vần chắp chữ hướng về quần chúng, tô vẽ niềm tin phấp phới và cuộc sống màu nhiệm quanh đây. Giọng điệu kêu vang mà không chút sâu lắng ấy tẻ nhạt hay rung động thực sự?

Trong chủ đề “Nhân vấn đề sáng tác tại Đại hội Văn hóa Toàn quốc lần thứ 2” là bài Sáng tác cho ai của Nguyễn Hóa(2) thiết lập lằn ranh tuyệt đối giữa nhân sinh và nghệ thuật. Bài viết mở đầu: (...) chỉ có thể có một quan niệm nghệ thuật: “Nghệ thuật vị nhân sinh”. Và kết thúc: “(...) nhà văn nghệ phải sáng tác cho người xung quanh chứ không thể công nhiên nói rằng “sáng tác vì mình”.

Kế đó, chuyển sang lĩnh vực ”Nhân đời sống mới” có bài Đám ma ông Xã của Võ Tuệ Bình cổ vũ dân chúng xây dựng cuộc sống mới. Tác giả phàn nàn ma chay thật phiền phức và lôi thôi, nếu không muốn nói là ti tiện. Cảnh tượng nhộn nhịp. “Bao nhiêu màu sắc pha lẫn vào nhau thành một bức tranh hổ lốn, buồn cười”. Thông điệp gởi tới người đọc là cải cách hình thức ma chay trì trệ, phản tiến hóa.

Ngoài ra còn có Thanh niên trước thời đại của Hoàng Vinh và Dựng nước của Thủ Tịnh(3).

Cuối cùng, chuyên mục Tin văn hóa đưa tin triển lãm giáo dục, đêm văn nghệ tại Quảng Ngãi, Hội nghị của Ban Văn hóa Tỉnh đoàn Văn hóa Cứu quốc Quảng Ngãi và Văn hóa Cứu quốc Quảng Ngãi góp một phần ngân quỹ và sách vở để thiết lập thư viện cho tỉnh.

Chưa hết, cũng cần nhắc đến dòng chữ chạy dưới chân trang là hai câu khẩu hiệu “HOAN HÔ CHÍNH PHỦ MỚI” (trang 15) và “HỒ CHỦ TỊCH MUÔN NĂM” (trang 16).

Tôi muốn dừng lại bài “Một đêm nghệ thuật” của Sóng Biển ghi chép cuộc gặp gỡ các văn nghệ sĩ tại nhà Nguyễn Viết Lãm vào đêm 8.11.1946: Nguyễn Sơn, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến miền Nam Việt Nam, Chánh án Nguyễn Duy Bình, Chủ tịch Tỉnh đoàn Văn hóa Nguyễn Tấn Đức cùng các văn nghệ sĩ từ Hà Nội vào Nguyễn Tuân, Nguyễn Hồng (Nguyên Hồng (?), tác giả Bỉ vỏ, Những ngày thơ ấu), Nguyễn Đình Lạp, Nguyễn Văn Tý, Nguyễn Sỹ Ngọc...

Những nào Nguyễn Tuân trình diễn đích đến trên con đường sáng tạo: Đại chúng hóa nghệ thuật. Nhà văn thành tâm lột xác và minh định lập trường, từ ”vị nghệ thuật” nghiễm nhiên tiến thẳng vào ”vị nhân sinh” không một chút e dè: (...) đại chúng như một tảng ngọc lớn. Nghệ sĩ phải đến gần tảng ngọc ấy, phải tự tay mình mân mê nó để tìm những đường gân vết mạch có ở chỗ nào, rồi mới có thể dùng tảng ngọc làm tài liệu tạo thành những vật quý.

Rồi thì Nguyễn Hồng phá cách và đi ngược tôn chỉ “vị nhân sinh” mà hầu hết mọi người đều thấu suốt, kể cả tướng Nguyễn Sơn. Ông ngóng theo nỗi niềm “vị nghệ thuật” và tin tưởng vào khuynh hướng “sáng tác cho mình”. Sóng Biển lặng nghe chất dư ba: “Người gây được nhiều cảm tình nhất là anh Nguyễn Hồng (...) đã thành thật đã khiến cho tôi tưởng anh là một hiện thân của niềm thống khổ, của một lớp người mà xã hội từ trước hắc hủi”.

Ngay từ năm 1946, Nguyễn Tuân đã dứt khoát ”nhận đường” còn Nguyễn Hồng đang loay hoay trên khúc quanh hướng đến chân trời văn hóa mới. Tiếc là bài tường thuật đặc sắc ấy không ghi nhận tâm thế của các văn nghệ sĩ còn lại. Họ ý nhị im lặng? Lửng lửng lơ lơ rất khó xét đoán? Bến bờ này đã đoạn tuyệt với bến bờ kia? Tán thành hay phản đối trước tuyên ngôn nghệ thuật là tuyên truyền và tuyên truyền là nghệ thuật?

Bẵng đi những 71 năm, ngần ấy tư liệu phảng phất là cái thời khí trên khung nền văn hóa xã hội những năm tháng ấy, đồng thời cũng thành cứ liệu thêm vào khoảng trống văn học sử chứ không còn của riêng ai nữa.   

                                                                                 3.2017

-----------------------------

(1) Giáo sư Pháp văn Nguyễn Văn Diễn (thường ghi là Nguyễn Diễn, 1921 – 1995), tác giả tập thơ Đường về làng Thi (1971) ký tên Nhan Thùy Diên. Bài Giòng thiêng đăng Tiến hóa này cũng được in lại trong tập thơ vừa kể.

(2) Tác giả Tìm hiểu triết học luân lý (1957), Trái đất kiến thức phổ thông (1999), Triết học cổ Hy Lạp giản yếu (2004)... với bút danh Hào Nguyên Nguyễn Hóa.

(3) Tức nhà nghiên cứu Võ Thu Tịnh (1920 – 2010), tác giả Văn học Việt Nam thế kỷ 19 – phần cổ văn (cùng với Lê Kim Ngân, Nguyễn Tường Minh, 1962), Tình tự dân tộc: Qua thơ văn truyền khẩu và chữ Nôm (1999)...

---------------------

      Nguyễn Duy Long

(Cẩm Thành. 2017. 96: 104 – 7)

Thông tin truy cập

63701373
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
21665
23426
63701373

Thành viên trực tuyến

Đang có 190 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website