Nguyễn Vỹ - từ "thơ thị giác" đến bài báo bênh vực người nghèo

Ngày 30-10, tại TP Quảng Ngãi, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh phối hợp Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Ngãi tổ chức Hội thảo “Nguyễn Vỹ - Cuộc đời và sự nghiệp” nhân kỷ niệm 105 năm Ngày sinh nhà văn, nhà thơ, nhà báo Nguyễn Vỹ (1912-2017).

Quang cảnh hội thảo.

Dự Hội thảo có nhiều học giả, nhà nghiên cứu văn hóa, nhà thơ, nhà báo... từ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, các tỉnh bạn và đại diện gia tộc của nhà văn, nhà báo Nguyễn Vỹ...

Hội thảo đã trình bày những nghiên cứu mới nhất của các nhà nghiên cứu về những đóng góp của Nguyễn Vỹ - một trong những gương mặt trí thức tiêu biểu của tỉnh Quảng Ngãi, cũng là của nước ta 70 năm từ đầu thế kỷ XX vào sự nghiệp văn hóa, văn học và báo chí.

Hội thảo đã nhận được tất cả 36 tham luận của 35 nhà nghiên cứu, trong đó có 29 nhà nghiên cứu ngoài tỉnh Quảng Ngãi, sáu nhà nghiên cứu trong tỉnh và chín người có báo cáo là thân nhân gia đình Nguyễn Vỹ.

Các tham luận tập trung nghiên cứu sự nghiệp thơ ca của Nguyễn Vỹ, kiểm kê lại các tác phẩm thơ của ông, giá trị nội dung nghệ thuật, cá tính sáng tạo, đặc điểm thi pháp trong thơ ông.

Tại hội thảo, trong báo cáo đề dẫn, PGS, TS Đoàn Lê Giang, Trưởng khoa Văn học và Ngôn ngữ, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh cho rằng, một trong những cách tân quan trọng về thơ của Nguyễn Vỹ là chú ý đến hình thức sắp đặt bài thơ, bài thì ziczac, bài thì hình thoi,… điều mà sau này người ta gọi là “Thơ thị giác”. Thơ thị giác khá phát triển gần đây, được coi là một trong những cách tân quan trọng của thơ ca đương đại. Nhưng ít ai ngờ là người đưa thơ thị giác theo kiểu phương Tây vào thơ ca Việt Nam là Nguyễn Vỹ với trường phái thơ Bạch Nga...

Tại hội thảo, các nhà nghiên cứu cũng đặt ra những vấn đề là cần phải xác lập một tiểu sử đầy đủ, chính xác về cuộc đời Nguyễn Vỹ; sưu tầm, ghi chép chính xác các tác phẩm của ông, tìm hiểu giá trị, đặc điểm thi pháp thơ, văn xuôi nghệ thuật, thảo luận về những cách thức đưa các giá trị của sự nghiệp văn học của Nguyễn Vỹ đối với hậu thế…

Về sự nghiệp báo chí, TS Trần Hoài Anh cho rằng, trong quan điểm của Nguyễn Vỹ, một tờ báo có căn bản nghề nghiệp, dù là nhật báo hay tuần báo luôn được tổ chức theo một hệ thống chặt chẽ; nó là một cơ quan dù là của tư nhân, nhưng vẫn có tính cách công cộng vì ảnh hưởng của nó trong quần chúng rất rộng lớn. “Ông lập tòa báo, viết báo bênh vực người nghèo, công kích nhà cầm quyền đương thời. Các tờ báo Tổ Quốc số đầu tiên xuất bản năm 1946, tờ Dân chủ xuất bản ở Đà Lạt sau đó, tờ Dân ta (1952), sau này là Phổ Thông bán nguyệt san (1958), tuần báo Bông lúa... đều thể hiện khuynh hướng đó”, TS Trần Hoài Anh nhấn mạnh.

Chính Vũ Bằng, một nhà văn, nhà báo, nhà thơ, cũng xác quyết: Người làm báo chân chính không sợ uy vũ, không bị mê hoặc vì lợi danh, không chịu để cho ngòi bút mình tủi hổ, vì thế nhà báo cũng thuộc những người đáng kính nể nhất.

TS Trần Hoài Anh nhấn mạnh: Một phẩm tính khác trong cái nhìn của các nhà nghiên cứu ở miền nam trước năm 1975 về tính cách một người viết văn, làm báo dấn thân Nguyễn Vỹ, theo tinh thần của một nhà văn dấn thân mà Sartre đã từng nói, đó là việc thành lập Thi văn đoàn Thằng Bờm ở hầu hết trên các tỉnh lãnh thổ miền nam Việt Nam lúc bấy giờ… Mà như tác giả Tú Xe đề cập đến Nguyễn Vỹ, bởi cái lối viết “hì hục”, viết suốt một đời người, viết đến toát mồ hôi của ông.

Thông qua hội thảo, sự nghiệp của Nguyễn Vỹ được đánh giá đúng mức, tác phẩm của ông được định vị trong lịch sử văn học dân tộc, tên tuổi của ông được vinh danh tại quê nhà, tiếp nối truyền thống Núi Ấn Sông Trà với những danh nhân văn học khác Trương Đăng Quế, Bích Khê…

Hội thảo cũng dẫn đề nghị cần vinh danh Nguyễn Vỹ, lập nhà lưu niệm cũng như đặt tên đường ở Quảng Ngãi...

Nguyễn Vỹ, sinh năm 1910 tại làng Tân Hội (sau đó đổi thành Tân Phong, sau năm 1945 đổi là Phổ Phong), huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, trong một gia đình nhà nho, có truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm.

Bản thân ông là một học sinh yêu nước, có tinh thần chống Pháp. Khi còn là học sinh trung học ở Trường Quốc học Quy Nhơn, Nguyễn Vỹ tham gia phong trào chống thực dân nên bị đuổi học, sau đó, ông ra Hà Nội tiếp tục học tú tài.

Nguyễn Vỹ là một nhà văn có khuynh hướng dân chủ, ông lập tờ báo, viết báo bênh vực người nghèo, công kích nhà cầm quyền đương thời. Các tờ báo Tổ Quốc số đầu tiên xuất bản năm 1949, tờ Dân chủ xuất bản ở Đà Lạt, sau đó tờ Dân ta (1952), sau này là tờ Phổ thông bán nguyệt san (1958) tuần báo Bông lúa… đều thể hiện khuynh hướng đó.

Ngày 4-2-1971, ông qua đời bởi tai nạn giao thông trên đường đi từ Tân An về Sài Gòn, thọ 61 tuổi.

Ngoài tên gọi Nguyễn Vỹ, ông còn có nhiều bút danh khác như: Tân Phong, Tân Trí, Lệ Chi, Cô Diệu Huyền.

Với khoảng 40 năm hoạt động báo chí, văn học, ông đã để lại một sự nghiệp đồ sộ, chỉ riêng về sách, ông đã xuất bản hơn 20 đầu sách, gồm nhiều thể loại thơ, ký, truyện ngắn,… Sau năm 1975, nhiều sách của ông được tái bản.

Nguồn: http://www.nhandan.com.vn/nation_news/item/34553602-nguyen-vy-tu-tho-thi-giac-den-bai-bao-benh-vuc-nguoi-ngheo.html

Thông tin truy cập

63700186
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
20478
23426
63700186

Thành viên trực tuyến

Đang có 159 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website