Vẻ đẹp người nữ, ái tình khổ đau và hạnh phúc trong thơ Lưu Quang Vũ

Lưu Quang Vũ được biết đến nhiều nhất là một kịch tác gia. Các vở kịch của anh gần như độc chiếm đời sống sân khấu một thời. Mặc dù kịch là nơi đã đưa anh đến đỉnh vinh quang nhưng với anh thì thơ mới là niềm đam mê lớn nhất, kéo dài nhất và đó là nơi anh ký thác tâm sự nhiều nhất. Trong di sản thơ ca phong phú đó của Lưu Quang Vũ, thơ tình chiếm vị trí rất quan trọng. Trong số 121 bài (trong quyển Lưu Quang Vũ thơ và đời), có đến 46 bài đề cập đến tình yêu nam nữ. Qua thời gian thơ tình của anh càng ngày càng được người đọc yêu thích. Ở đó người ta thấy rõ hơn tình yêu của anh với những cung bậc khác nhau: đắm say, ghen tuông, được mất, đắng cay và hạnh phúc...

Trong thơ trước 1975 và mươi năm sau đó, tình yêu ít được đề cập đến, nếu có thì nó có màu sắc rất riêng. Đó là một thứ tình yêu có tính lý tưởng, tình yêu cao cả gắn với những sứ mệnh lớn lao. Đôi khi nó là khoảng lặng, là phút nghỉ ngơi của tâm hồn. Thơ tình Lưu Quang Vũ bên cạnh những nét chung của một thế hệ, một thời đại, vẫn có những nét riêng. Nhiều bài trong số đó rất khác lạ, vượt ra khỏi thời đại của nó, để đạt đến những giá trị trường tồn.  

  1. 1. Vẻ đẹp người nữ

Lưu Quang Vũ làm thơ về tình yêu chính là tình yêu của anh trong cuộc đời thực: từ những cảm xúc rạo rực của buổi yêu đầu, đến những đổ vỡ cay đắng và cả sự hồi sinh của tình yêu mạnh mẽ trong anh… Cảm hứng tình yêu trong thơ Lưu Quang Vũ gắn với từng chặng đường đời anh, với từng mối tình cụ thể. Tình yêu trong thơ mình trong thơ thật nồng nàn, mãnh liệt.

Đó là những rung động trong trẻo của tình yêu đầu đời:

Dưa hấu bổ ra thơm suốt ngày dài

Em cũng mát lành như trái cây mùa hạ

Nước da nâu và nụ cười bỡ ngỡ

Em như cầu vồng bảy sắc hiện sau mưa.

                                   (Vườn trong phố)

Nhưng cầu vồng bảy sắc và những âm thanh trong trẻo, hình ảnh mát lành ấy nhanh chóng tan vỡ để lại trong lòng anh những vết cắt đau đớn, những thất vọng ê chề và sự cam chịu. Anh đã có những dòng thơ về “những bức tranh nổi gió ở trên tường” với mảng khối màu sắc dành cho một nữ họa sĩ trong cuộc tình thứ hai:

 

Đã xa vắng trên mặt đường ướt lạnh

Tóc em rối và áo em đỏ thắm

Những bức tranh nổi gió ở trên tường

Hoa cúc vàng - nỗi nhớ của hoàng hôn

(Lá thu)

Nhiều hơn cả là những bài thơ anh dành tặng cho người phụ nữ sau cùng của đời anh - nữ sĩ Xuân Quỳnh - người đã cùng anh tạo nên những bài thơ tình tuyệt đẹp trong thơ ca hiện đại Việt Nam.

Nhiều người con gái xuất hiện trong đời, trong thơ Lưu Quang Vũ, nhưng dẫu là ai thì người nữ trong thơ anh đều rất đẹp.

Anh dành cho người mình yêu những hình ảnh đẹp đẽ, đáng yêu nhất trong thiên nhiên: Em là một nhành mai xanh biếc, là trái cây mùa hạ, là cầu vồng bảy sắc sau mưa, là con sóc hiền, là chùm dẻ mùa đông, là sông êm ả một dòng, là lụa, là lửa, là bóng cây, là âm nhạc của đời anh… Anh yêu đến quên mình và luôn ngỡ ngàng bởi vẻ đẹp bí ẩn của người con gái. “Em” xuất hiện với vẻ đẹp đời thường, nhưng vẫn rực rỡ, làm bừng sáng cả không gian:

Chân bước vội em về từ phố rộng

Mang mùa hè xanh biếc trên vai

Chiều mênh mông gió lớn thổi từ trời

Em bỏ nón tóc lòa xòa trên má

(Chiều chuyển gió)

Vẻ đẹp của người nữ thường xuất hiện trong thiên nhiên, giao hòa cùng với thiên nhiên:

Nhớ vai em chập chờn hoa gạo đỏ

Nhớ vầng trăng xẻ nửa lúc xa xôi

(Từ biệt)

Trở đi trở lại trong thơ anh những hình ảnh người nữ với một vẻ đẹp trần thế : đôi mắt, bàn tay, ngón tay, bờ vai, mái tóc. Vẻ đẹp thuần khiết của người phụ nữ Á Đông hiện lên qua những dòng thơ tình của anh. Bắt đầu từ “cô bé con có đôi mắt mở to” mộng mơ, trong trẻo của tuổi học trò:

- Sau cửa gương là đôi mắt yêu thương

(Chiều chuyển gió)

- Mắt em mở với chân trời xa vợi

(Em - tình yêu những năm tháng đau xót và hi vọng)

đến đôi mắt buồn của người phụ nữ từng trải :

- Năm tháng và tuổi trẻ đi qua

Mắt em buồn hoang vắng

(Mưa dữ dội trên đường phố)

Có lúc chân dung người nữ xuất hiện với đôi vai : Nhớ vai em chập chờn hoa gạo đỏ (Từ biệt). Ám ảnh nhất là bờ vai mềm ấm, nữ tính và gợi cảm :

Sau cửa gương là đôi mắt thương yêu

Ôi vai em mềm ấm biết bao nhiêu

(Chiều chuyển gió)

- Em của anh, đôi vai ấm dịu dàng

Người nhóm bếp mỗi chiều, người thức dậy lúc ban mai

                                                 (Và anh tồn tại)

Qua năm tháng, đôi vai ấy hiện lên tượng trưng cho sự chịu đựng, sẻ chia những vất vả trong đời :

Em gầy đi đấy đôi vai nhỏ

Lẫn với bờ cây, lẫn với thuyền

(Thu)

Hình ảnh mái tóc người nữ xuất hiện với tần số cao trong thơ tình Lưu Quang Vũ. Có khi là mái tóc đen huyền diệu, bí ẩn:

Mái tóc em là xứ sở của anh

Mái tóc đen như nỗi kinh hoàng

Phủ xuống hồn anh hoang dại mà ấm áp

(Những ngày chưa có em)

Có khi lại là mái tóc quen thuộc, mái tóc của đời thường với những lo toan :

- Hơi thở em từ lâu anh đã thuộc

Tóc em đây lời nói của em đây

(Em - tình yêu những năm tháng đau xót và hi vọng)

- Tóc em dài như một ngày mệt mỏi

(Bầy ong trong đêm sâu)

- Em ngẩng đầu, mái tóc đen cắt ngắn

(Em II)

Mái tóc ấy có khi không còn là suối tóc mềm mại mà là “tóc rối” rất thực mà cũng rất gợi cảm: Tóc em rối và áo em đỏ thắm (Lá thu), “Và gió thổi quanh em tóc rối/ Những bông hoa đã mất vụt bay về ” (Hoa tầm xuân)…

Nhưng có lẽ hình ảnh trở đi trở lại nhiều nhất trong thơ Lưu Quang Vũ chính là hình ảnh “ngực em”. Hình ảnh này quả là rất hiếm gặp trong các sáng tác của các nhà thơ cùng thời.

Em đến cùng tôi như chùm vải đầu mùa

Tóc hoang dại lòa xòa trên ngực nắng

Ngực em sáng như mặt trời sắp lặn

Tôi đầm đìa sương lạnh của bờ đê

(Đất nước đàn bầu)

Dưới những nét nhấn và lướt của người nghệ sĩ, chân dung “em” hiện lên tràn căng sức thanh xuân. Có lúc vẻ đẹp ấy lại rất huyền hoặc trong sự tưởng tượng của anh:

Ngực đồi trăng ướt đẫm

Tay chập chờn lửa sáng

(Bây giờ)

Có thể nói vẻ đẹp nữ tính trong thơ của Lưu Quang Vũ gắn với mỹ cảm Á Đông, nó gợi lên cái đẹp trinh trắng, thuần khiết:

Cô giáo cười, áo dài trắng tung bay

Hoa phượng đỏ lòa xòa nghiêng trước ngực

(Giấc mộng đêm)

 Nhưng ấn tượng hơn, là cái đẹp nữ tính, đầy đặn, căng tràn nhựa sống: “ngực tròn”, “ngực nắng”, “ngực mềm”, “ngực sáng”:

Con người trao lửa cho nhau

Từ những lồng ngực tròn căng

(Mấy đoạn thơ về lửa)

Tình yêu tôi như một tiếng chuông dài

Làm run rẩy hoa hồng trên ngực nắng

(Có những lúc)

“Ngực nắng” vừa cụ thể lại hàm ẩn nghĩa khái quát, khiến người ta liên tưởng về một cuộc sống chan hòa, ấm áp, lại vửa trong trẻo, tươi lành.

Lưu Quang Vũ tìm thấy ở “em”, ở tình yêu niềm hạnh phúc vô tận, như là nguồn cội của sự sống, là “sức lực của đời anh”.

Những cảm xúc tình yêu đã tạo nên một mảng thơ tình đặc sắc của Lưu Quang Vũ. Lưu Quang Vũ yêu nhiều, và hạnh phúc thay, người yêu, vợ anh đều là những người đẹp có tiếng đương thời. Đành rằng người nữ nào, người nữ trong thơ nào cũng đẹp, nhưng cũng phải thừa nhận rằng: chính nhờ những người nữ đẹp thật ở ngoài đời, đã tạo ra vẻ đẹp rất riêng trong thơ tình Lưu Quang Vũ. Dù cuộc sống kháng chiến và hậu chiến gian khổ, vất vả, thiếu thốn, nhưng không vì thế mà vẻ đẹp của người nữ bị che khuất đi. Vẻ đẹp của người nữ trong thơ Lưu Quang Vũ là vẻ đẹp cảm nhận từ người nam, vẻ đẹp từ sự ngắm nhìn, cảm xúc, vuốt ve của người nam nên không chỉ tâm hồn mà thân thể còn hiện lên rất rõ: “mắt em”, “bàn tay em”, “ngón tay em”, “vai em”, “tóc em”, “ngực em”… Vẻ đẹp ấy tạo nên nét chất đời, chất lãng mạn – rất độc đáo, táo bạo trong thơ tình Lưu Quang Vũ.

 

  1. 2. Ái tình khổ đau

Nhạy cảm và tài hoa, Lưu Quang Vũ sống đã hết mình, làm việc hết mình và cũng yêu hết mình. Anh đã có những giây phút ngọt ngào bay bổng, đồng thời cũng đã gánh chịu những giây phút vỡ nát, u buồn, chát đắng… Những bài thơ tình của anh được viết bằng chính sự thể nghiệm của cuộc đời anh: chua xót và cay đắng của cuộc tình tan vỡ:

Thôi nhé, em đi

Như một cánh chim bay mất

Phòng anh chẳng có gì ăn được

Chim bay về những mái nhà vui

(Từ biệt)

Có lúc tình yêu đổ vỡ ấy trong anh đưa anh đến tột cùng của nỗi cô đơn:

Tôi khát khao yêu người

Mà không sao yêu được

(Có những lúc)

Hay:

Em sập cửa lại rồi

Tôi nhận bao cái tát

Của đời của bạn thân

Em sập cửa lại rồi

Tôi còn gì mà đau khổ nữa

(Mấy đoạn thơ)

Có thể tìm trong thơ tình của anh những nuối tiếc, thất vọng, những mong ước được sẻ chia:

Điều tôi nói phải chăng là quá muộn

Em u buồn có nhận hay không?

(Lá thu)

Hay những phấp phỏng lo âu:

Anh sợ rồi trời sẽ mưa

Xóa nhòa hết những điều em hứa

Mây đen tới trời chẳng còn xanh nữa

Nắng không trong như nắng buổi ban đầu

(Anh sợ rồi trời sẽ mưa)

Trong thơ tình Lưu Quang Vũ chúng ta sẽ rất nhiều lần bắt gặp hình ảnh mưa: mưa xám, mưa rào, mưa dầm, mưa trên đường xa, mưa trên sông, mưa trên cửa sổ tâm hồn, mưa mùa hạ, mưa chiều… Phải chăng vì mưa là bối cảnh phù hợp nhất để người ta giãi bày tâm trạng, đặc biệt là tâm trạng cô đơn, buồn bã, nhiều trăn trở.

Mưa bao giờ cũng mênh mông, ngập tràn, bao trùm không gian đối lập với hình ảnh con người nhỏ bé, cô đơn. Trong cơn mưa con người càng thấy mình lẻ loi, mất mát, bơ vơ. Mưa trong thơ Lưu Quang Vũ gắn liền với ý nghĩa “xóa tan”, “xóa nhòa” mọi kí ức, mọi lời hứa, tình yêu hạnh phúc từng tồn tại:

Cơn mưa rào nối trận mưa ngâu

Xóa cả dấu chân em về buổi ấy

(Mưa)

Hay:

Em đi, phố ngày mưa

Suốt đường dài không nói

Cánh cửa chiều khép lại

Hoa đầm đìa mưa ướt chói trên cao

(Em - Tình yêu những năm đau xót và hi vọng)

Mưa cho thấy cái mong manh, hữu hạn của hạnh phúc đời người “Hạnh phúc con người mong manh mưa sa”. Mang trong mình dự cảm bất an về tương lai xa xôi, Lưu Quang Vũ luôn phập phồng lo âu, hoài nghi hết thảy, không biết nương tựa vào đâu. Anh khát khao yêu người nhưng không sao yêu được, anh muốn nương tựa vào tình yêu thì tình yêu tan vỡ:

Mưa cướp đi ánh sáng của ban ngày

Đường chập choạng trăm mối lo khó gỡ

Thức chẳng yên dở dang giấc ngủ

Hạnh phúc con người mong manh mưa sa

(Anh chỉ sợ rồi trời sẽ mưa)

Tình yêu đổ vỡ, u uất, đắng cay khiến anh cảm thấy mọi thứ đã trôi theo mưa và trôi xa mãi:

Anh đã mất cả mây qua lòng giếng

Cả tiếng gà, hẻm núi, cả cơn mưa

(Anh đã mất chi, anh đã được gì)

Bên cạnh hình ảnh mưa thì hình ảnh gió chiếm tỉ lệ rất cao trong thơ anh. Khi mới yêu hay khi tình yêu tan vỡ đều có “gió” làm nhân chứng. Gió trong thơ anh rất đa dạng và đều có nét chung là dữ dội và khắc nghiệt: gió dữ, gió nóng, gió hú, gió lốc, gió độc, gió điên, gió thổi lồng, gió ầm ào…

Những ngày chưa có em “Anh như một toa tàu bỏ vắng/Rất nhiều gió thổi qua cửa lạnh”. Và khi có em rồi “Em đã tới diệu kỳ như âm nhạc/ Đất mênh mông chuyển gió tới chân trời”. Cũng như bao nhiêu chàng trai đang yêu, anh mong được sẻ chia, thông cảm nhưng anh đã thất bại và thất vọng, anh đành ôm lấy nỗi buồn lặng lẽ: “Những chùm hoa nở bừng trong gió/ Những chùm hoa ngày cũ chết lâu rồi” (Hoa tầm xuân)

Và rồi điều gì đến cũng đã đến, mọi thứ đã đổ vỡ, anh hụt hẫng, anh đau khổ và anh buồn bã ẩn mình trong ngọn gió:

Bây giờ anh trong suốt như không khí

Như gió hoang không hình không giới hạn

Không gương mặt nụ cười thể hiện trước em (…)

Chỉ có gió em làm sao thấy được

(Anh chẳng còn gì nữa)

Khi tận cùng của khổ đau anh lại dùng hình ảnh “ngọn gió” để ví những gì anh có, anh muốn dâng cho người anh yêu nhưng em đã “không màng”:

Hai ta không chung một ngả đường dài

Không chung khổ đau không cùng nhịp thở

Những gì em cần anh chẳng có

Em không màng những ngọn gió anh trao

(Từ biệt)

Gió trong thơ Lưu Quang Vũ là là gió lòng, gió tâm hồn, là những yêu thương khao khát của đời anh:

Đã có lần tôi muốn nguôi yên

Khép cánh cửa lòng mình cho gió lặng

Nhưng vô ích làm sao quên được

Những yêu thương khao khát của đời tôi

(Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi)

Dù cay đắng, khổ đau hay ngay cả trong những lúc tuyệt vọng nhất “Anh bỏ nhà ra đi như ngọn gió”, thì người đàn ông trong thơ Lưu Quang Vũ vẫn luôn giữ được sự bao dung nồng ấm của trái tim, vẫn muốn bộc bạch hết nỗi lòng, tâm sự, tình yêu của mình:

Anh như sông cứ muốn chảy ngược dòng

Khi tuyệt vọng không muốn làm em khổ

Anh bỏ nhà ra đi như ngọn gió

Ngọn gió âm thầm quằn quại vẫn yêu em

(Không đề)

Anh luôn luôn mong muốn làm điều gì đó có ích cho người anh thương mến, dù chỉ là những điều nhỏ nhoi nhất: làm cốc nước, làm con đường, làm cánh cửa, làm ngọn gió…, và xem em là tất cả của cuộc đời mình:

 

Anh muốn làm cánh cửa để em quên

Ngọn gió nhỏ trên trán em kiêu hãnh

Làm cốc nước em cầm trưa nắng gắt

Làm con đường quen thuộc để em qua (…)

Chỉ tin nơi nào có em đến ở

Chỉ sống bằng hơi thở của em thôi
                                                       
(Mắt của trời xanh)

Và dù đã từng thất vọng, từng đau khổ nhưng cuối cùng vẫn là trái tim yêu người tha thiết:

Dẫu bao lần người làm tôi thất vọng

Tôi vẫn yêu người lắm lắm người ơi

(Có những lúc)

Lưu Quang Vũ yêu nhiều, nhưng khổ đau cũng nhiều. Khổ đau vì những hiểu lầm, những nghịch cảnh, những chia lìa, tan vỡ - khổ đau như một bản chất của ái tình. Nhưng dù cuộc tình có đến đâu thì người đàn ông đang yêu trong thơ Lưu Quang Vũ vẫn một mực bao dung, độ lượng, vẫn yêu chân thành và mãnh liệt. Ngưng kết từ nỗi đau của riêng mình, thơ Lưu Quang Vũ lại tìm được sự đồng điệu trong trái tim người đọc, hết thế hệ này đến thế hệ khác.

  1. Tình yêu đắm say và ước vọng hạnh phúc 

Tài hoa, nhạy cảm và sâu sắc có lẽ là những từ phù hợp với Lưu Quang Vũ. Anh đến với tình yêu một cách chân thành, trong sáng cũng như đó là cách anh đến với thơ. Có đôi khi tìm đến thơ như cách giãi bày cảm xúc, nỗi lòng, những suy tư trăn trở của mình:

Một tình yêu không biết nói cùng ai

Đến điên dại đến nghẹn ngào đau đớn

Mặt anh vỡ trong tấm gương thất vọng

Em ơi ngày ấy em đâu?

(Em - tình yêu những năm đau xót và hi vọng)

Trong ký ức của anh luôn hiện lên hình ảnh, hương vị ngọt ngào của mối tình đầu, dẫu hiện tại đã là xa ngái:

Em vẫn như sông rộng tốt lành

Em mà ngọn gió chiều nức nở

Em mà ngày xưa run rẩy cả lòng anh

(Anh đã mất chi, anh đã được gì)

Đến với tình yêu, Lưu Quang Vũ tìm thấy ở đó ý nghĩa của cuộc đời dù không ít lần tình yêu mang đến cho anh nhiều đau khổ. Trong suốt những ngày tháng cô đơn, thất vọng, khổ đau, lận đận anh vẫn không tắt ngọn lửa của ước vọng, đắm say. Nếu như hình ảnh mưa đã từng gắn với sự chia xa, đổ vỡ thì mưa cũng biểu trưng cho nguồn sống dạt dạo, những ước vọng và khát khao hạnh phúc trong thơ anh. Đó là mưa mát lành, mưa mát mẻ, mưa rộng dài… Từ buổi đầu tiên gặp gỡ đã có cơn mưa xuất hiện: “Chưa kịp lời tự tình/Trời đã òa cơn mưa” (Mưa).

Lưu Quang Vũ nhiều lần gắn hình ảnh mưa với hình ảnh “em” trong thơ của mình. “Em” trong thơ anh đẹp mong manh, hư ảo, xa xăm. Em đẹp hơn trong cơn mưa “Em về mưa ướt vai”. Em tưới mát cuộc đời anh, em mang đến cho anh những giây phút êm đềm say đắm nhất:

Nơi vòm lá rì rào xao động cơn mưa

Quả ngọt chín khi mùa ve lại đến (…)

Em như cầu vồng bảy sắc hiện sau mưa

(Vườn trong phố)

Mưa là dấu hiệu thời gian đồng thời cũng là dấu hiệu không gian, xóa tan hết mọi cách trở xa xôi đưa hai người vượt khoảng cách tìm đến nhau. Mưa không chỉ nối liền những lằn ranh khoảng cách xa xôi mà hơn hết là mưa xóa nhòa mọi muộn phiền, lo lắng “Mưa rộng dài xóa những nỗi lo riêng”. Mưa còn thắp sáng niềm tin, tái sinh sức sống mới, khát khao hạnh phúc:

Bông lúa vàng hạt mẩy quẩy trong mưa (…)

Như nhãn thơm thấm mát giọt mưa đầu

(Thức với quê hương)

Hay:

Anh hãy nghe tiếng mưa, tiếng mưa

Trên những cánh đồng đất nâu tơi tả (…)

Chùm vải sẽ sai, quả mận sẽ hồng

Cửa kính ướt sẽ thành gương trong trẻo

(Mưa)

Mưa còn là khúc hát ngọt ngào, tha thiết của tình yêu:

Em đưa tay hứng những hàng mưa

Bàn tay như đài hoa, như búp lá…

Em hiểu điều gì đã gắn bó đôi ta

Em hiểu điều gì… Ôi, tiếng mưa, tiếng mưa

(Mưa)

Cũng như hình ảnh mưa, gió xuất hiện trong thơ Lưu Quang Vũ không chỉ là những chia ly, mất mát, khổ đau, u buồn, gió trong thơ anh còn là gió mát, gió mới, gió tâm hồn, ngọn gió đầu tiên, lộng gió chiều… Gió là những ngày yêu thương hạnh phúc “Nằm bên em nghe gió suốt đêm dài… Mùa gió mới nhờ em tôi có lại”. Gió nhắc những kỉ niệm đẹp đã có trong đời “Vẫn nguyên vẹn những hoa rừng thơ dại… Ngọn gió rừng vẫn thổi giữa hồn tôi”. Gió gợi nhớ cảm xúc rạo rực buổi ban đầu “Anh mở gió tâm hồn cho buồm thắm kéo lên”…

Với Lưu Quang Vũ, yêu và được yêu là cách vượt lên những đau khổ, vượt lên những hoàn cảnh bất hạnh xung quanh, vượt lên sự hữu hạn của đời người. Anh yêu và tôn vinh, hàm ơn người phụ nữ anh yêu. Đây là nét nổi trội của anh so với tình yêu của dòng thơ thời ấy. Những lời thơ đẹp dành cho em thì “gió” vẫn luôn có mặt:

Em là sớm mai là tuổi trẻ của anh

Khi những điều giả dối vây quanh

Bàn tay ấy chở che và gìn giữ

Biết ơn em, em từ miền gió cát

Về với anh, bông cúc nhỏ hoa vàng

(Và anh tồn tại)

Hay:

Gió bồn chồn nhắc gọi bước chân quen

Em như thời khắc của anh như dáng hình như trí nhớ

(Em vắng)

Anh dành nhiều hình ảnh đẹp, trong lành, mát mẻ của gió để dành cho em:

- Có em anh bắt đầu tất cả

Bắt đầu con đường, bắt đầu nhịp thở

Mùa hạ đầu tiên ngọn gió đầu tiên (…)

Em ngoảnh lại nhìn buổi chiều lộng gió

(Chiều chuyển gió)

- Em làm thay đổi đời anh

Như màu trời đổi thay sắc nước

Như gió bấc, gió nồm đổi mùa nóng lạnh

Như phù sa đằm thắm tạo đồng bằng

(Em I)

- Nắng chiều trên ngọn lá

Gió cồn bụi trắng bay

(Ru em ngủ)

Gió luôn mạnh mẽ, khoáng đạt, luôn khát khao những chân trời rộng lớn “Luôn luôn ra đi luôn luôn mới đến” như chính tính cách, tâm hồn và ước mơ của Lưu Quang Vũ. Khát vọng tinh thần lớn nhất của anh là hóa mình thành ngọn gió lành, dù anh đã “lớn lên trong ngọn gió nhà ga, ngọn gió dữ của rừng già khắc nghiệt”, nó như sức mạnh kì diệu của sự hồi sinh về niềm tin, tình yêu, hạnh phúc:

Gió mang đến sự tươi mát, hồi sinh

Ước chi được hóa thành ngọn gió

Để sưởi ấm những đỉnh đèo buốt giá

Để mái rượi những mái nhà nắng lửa

Để luôn luôn được trở lại với đời…

(Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi)

Ngoài mưa, gió thì lửa cũng là hình ảnh thường thấy trong thơ Lưu Quang Vũ. Lửa là biểu tượng của sự sống mãnh liệt, bền bỉ, soi ngọn lửa đó vào nhân dân, anh thấy “Nhân dân có gì giống lửa phải không anh/ Gió bão ngàn đời vẫn nối nhau chẳng tắt”. Lưu Quang Vũ đã đúc kết trong mấy câu thơ: “Sự sống là lửa/ Thiêu hủy và sinh nở/ Bình minh là lửa/ Mở ngày mới và xé toang ngày cũ…”. Lửa còn là biểu hiện của những khát vọng tinh thần, của nhiệt huyết với cuộc đời. Lưu Quang Vũ quan niệm thơ phải “mang lửa đến cho đời”, thơ “thắp lửa”, thơ “là bó đuốc”. Có lúc anh muốn “cho ta làm ngọn lửa”, ngọn lửa với những hàm nghĩa tốt đẹp nhất của nó. Và gần gũi nhất, thân thương nhất khi lửa là biểu tượng của tình yêu, của hạnh phúc gia đình. Nồng nàn, ấm áp hình ảnh người vợ hiền bên ngọn lửa hồng - nơi sưởi ấm tâm hồn đã từng cô đơn, giá lạnh của anh:

- Đánh mất niềm tin tìm về bếp lửa

(Không đề III)

- Anh yên lòng bên lửa ấm yêu thương (…)

- Em của anh, đôi vai ấm dịu dàng

Người nhóm bếp mỗi chiều, người thức dậy lúc tinh sương

(Và anh tồn tại)

- Em là bóng cây, em là bếp lửa

Che mát và sưởi ấm lòng anh (…)

- Mọi tên tuổi vinh dự chỉ là hư danh

Chẳng nghĩa lý bằng chiều nay em nhóm bếp

(Không đề II)

Lưu Quang Vũ đã yêu đến tận tụy, đến cháy lòng, dù có cả vui sướng lẫn khổ đau trong tình yêu nhưng điều vượt lên tất cả đó chính là những ước vọng, say mê của anh. Và cuối cùng, anh đã có được tình yêu như anh mong đợi:

Phút cuối cùng tay vẫn ở trong tay

Ta đã có những ngày vui sướng nhất

Đã uống cả men nồng và rượu chát

Đã đi qua cùng tận của con đường

Sau vô biên dẫu chỉ có vô biên:

Buồm đã tới và lúa đồng đã gặt

(Bài hát ấy vẫn còn dang dở)

Và:

Dù sao cuộc đời đã dành em lại cho anh

Điều mong ước đầu tiên điều ở lại sau cùng

Chúng ta đi bên nhau trên mặt đất

Dẫu chỉ riêng điều đó là có thật

Đủ cho anh mãi mãi biết ơn đời

(Em II)

Có “em” là anh như có tất cả, có “sớm mai và tuổi trẻ”, anh biết “sống vững vàng không sợ hãi”… và quan trọng nhất là nguồn cảm hứng bất tận trong những lời thơ bởi “Và thương mến có nghĩa là hi vọng/ Anh tin đời theo nghĩa lứa đôi”…

Kết luận

Với những hình ảnh đa nghĩa như mưa, gió, lửa giàu sức ám ảnh cùng giọng điệu riêng mang âm hưởng buồn thương, da diết pha lẫn nồng nàn, đắm đuối, say mê, thơ tình Lưu Quang Vũ đã thật sự hấp dẫn người đọc. Nó gợi lên trong lòng người đọc những cảm xúc yêu thương thiết tha đến lạ! Trong những sáng tác của mình, Lưu Quang Vũ luôn dành những ngôn từ, hình ảnh đẹp nhất cho những người nữ trong đời anh. Thơ anh có lúc viễn vông, cay đắng, u buồn nhưng không vì thế mà bi lụy, buông xuôi. Ngược lại, sau những đau khổ, tuyệt vọng, hoài nghi, chán nản là sự hồi sinh mạnh mẽ, căng tràn nhựa sống, khát khao hạnh phúc vô biên…

Thơ tình Việt Nam trước 1975 và mươi năm sau đó dù không phải là dòng chính nhưng không phải là không phong phú. Có thơ tình đam mê của Xuân Diệu, có thơ tình mơ hồ, sang trọng của Chế Lan Viên, có thơ tình tận hiến tuổi trẻ cho cuộc kháng chiến bi hùng của đất nước của cả một thế hệ: Nguyễn Mỹ, Dương Hương Ly, Nguyễn Thị Xuân Quý, Lê Anh Xuân, Phan Thị Thanh Nhàn… mỗi người một vẻ riêng. Trong một cuộc hoà nhạc vĩ đại đó, thơ tình Lưu Quang Vũ cũng định vị cho mình một chỗ đứng riêng. Chất đời và chất thơ, hiện thực và lãng mạn, nhục cảm và lý tưởng… hoà quyện trong anh với nhiều cung bậc của tình yêu: những rụt rè, ngất ngây của tình đầu, những say mê, nồng nhiệt của người đang yêu, những chia lìa, tan vỡ của chặng cuối đường tình…, thông qua những hình ảnh riêng đầy sức ám ảnh: gió, mưa, lửa…đã tạo cho thơ tình một chỗ đứng riêng trong thơ tình đương đại. Và Lưu Quang Vũ còn được nhiều thế hệ nhắc đến như một trong những thi sĩ của tình yêu tiêu biểu nhất của thơ ca hiện đại nửa sau thế kỷ XX.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Nguyễn Đăng Điệp (2002), Giọng điệu trong thơ trữ tình, NXB Văn học
  2. Vũ Hà, Ngô Thảo (1988), Lưu Quang Vũ - một tài năng, một đời người, NXB Văn hóa thông tin
  3. Lưu Khánh Thơ (1994), Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ tình yêu và sự nghiệp, NXB Hội nhà văn
  4. Lưu Khánh Thơ (1997), Lưu Quang Vũ - thơ và đời, NXB Văn hóa thông tin
  5. Lưu Khánh Thơ (2001), Lưu Quang Vũ - tài năng và lao động nghệ thuật, NXB Văn hóa thông tin
  6. Lưu Quang Vũ (1983), Bầy ong trong đêm sâu, NXB Hội nhà văn
  7. Lưu Quang Vũ (1989), Mây trắng của đời tôi, NXB Tác phẩm mới

Nguồn: Lưu Quang Vũ - Những đối thoại nghệ thuật, Nxb Đà Nẵng, 2018.

Thông tin truy cập

63611301
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
18623
10905
63611301

Thành viên trực tuyến

Đang có 636 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website