Đôi dòng tản mạn về Trò chuyện với thiên thần của nhà văn Trương Văn Dân

20200706

Nikos Kazantzakis có lần nói rằng “Nếu trọn tâm hồn tôi là tiếng thét thì tác phẩm của tôi là lời chú giải cho tiếng thét ấy.” Với Trương Văn Dân, ta như bắt gặp lại điều ấy. Gần 400 trang sách viết về cuộc trò chuyện với một đứa bé sắp chào đời và Trương Văn Dân đã nói với nó về mọi vấn đề, như là một Bách khoa thư, với 75 đề mục, khởi đi từ tình yêu và thiên chức của cha và mẹ, sợi dây liên kết thiêng liêng với con cái, hôn nhân và tình yêu cho đến những vấn nạn xã hội như ly dị, chủ nghĩa mackeno, cho đến những chủ đề bát ngát bao la như thân phận người Việt Nam hôm nay, trong một thế giới phẳng, tình trạng toàn cầu hóa, những vấn đề gai góc như ô nhiễm môi trường, phân biệt giàu nghèo, giới tính, chủng tộc, chiến tranh… Những câu hỏi vĩ mô: Thế giới sẽ về đâu? Nhân loại sẽ ra sao? Chúng ta sẽ bắt gặp trong tập sách này với những lời chú giải.

Tác giả nói với “thiên thần” về mục đích của sự chào đời rằng “ …vấn đề là chúng ta sinh ra để làm gì? Có phải chúng ta sinh ra để yêu nhau? Hay không được sinh ra để hiểu nhau?.. Tìm được câu trả lời về đời thật không dễ dàng… Bất trắc tai ương, chiến tranh, dịch bệnh, cô đơn luôn làm con người hãi sợ. Thế nên trong đời sống ai cũng cần được ở bên một người có thể giúp mình chịu đựng…. Ba mong là trong cuộc đời con sẽ gặp được một người biết biến những thứ vô vị trở nên ý nghĩa… Ba may mắn vì gặp mẹ và những người bạn quý…” Nhưng sau đó, Trương Văn Dân đi xa hơn với những chủ đề rộng lớn hơn. Anh để cho kiến thức của mình tuôn chảy trên những con chữ ngồn ngộn, tràn đầy số liệu và ví dụ, minh chứng cho một thế giới bất trắc mà thiên thần sắp bước vào. Ở đó có những vấn đề xã hội như thân phận phụ nữ lấy chồng xa xứ, thân phận người nghèo, tình trạng ly dị và phá thai… rồi đến thân phận người Việt Nam, rồi đến những vấn đề lớn lao như sự tha hóa quyền lực, cho đến chủ nghĩa toàn cầu hóa đang bế tắc vì bản chất thật sự của toàn cầu hóa bị xem là tàn ác một cách thông minhthông minh một cách tàn ác vượt mọi thời đại, sự chênh lệch quyền lợi giữa những thành phần kinh tế đến nỗi một học giả phương Tây đã cảnh báo “Tất cả chúng ta đều là những kẻ bóc lột, phồn vinh của chúng ta chính là nỗi khổ của kẻ khác.” Trương Văn Dân khi nói về chính trị đặc biệt cảnh báo “Chủ nghĩa dân túy (populism) nhân danh người dân nhưng lại phớt lờ nhân quyền, không nhận di dân, ngoại giao dựa trên sức mạnh quân sự,… phát triển kinh tế bất chấp nợ công, dẫn đến “Thời đại bất định toàn cầu”. Tác giả lên án tình trạng khai thác cạn kiệt tài nguyên, phá hủy môi trường, giết hại sinh vật biến hành tinh này thành nơi không thể sống…

Về chiến tranh trên thế giới, anh viết “Bên dưới lớp áo hoa hòe, chính nghĩa, bản chất chiến tranh vẫn luôn là một sự áp đặt, giành giật và cướp bóc trá hình.”

Trong Trò chuyện với thiên thần, câu hỏi “Thế giới rồi sẽ về đâu?” hay “Nhân loại sẽ ra sao?” được tác giả đưa ra nghiêm túc. Có lúc chúng ta thấy bi quan vì Trương Văn Dân nói đến những cuộc khủng hoảng văn hóa, khủng hoảng sinh thái, khủng hoảng xã hội và tài chính, kinh tế đang trộn lẫn vào nhau và tóm lại chúng ta đứng trước cuộc khủng hoảng văn minh, nhân chủng học… Anh kết luận “Nó tự hủy diệt trong hoang tưởng vì nó đặt nền tảng trên hoang tưởng.”

Thế nhưng khi được hỏi về mục đích khi viết tác phẩm này, nhà văn nói: “Tôi viết vì tôi yêu quý cuộc đời và trong lòng có những điều không thể không nói, dù ý nghĩ có khi mâu thuẫn và những con người khác nhau trong tôi luôn tranh cãi với nhau. Tôi xem những dòng tự sự này như một cách trò chuyện, tâm sự cùng độc giả và cuộc đời”. Cuộc đời mà như anh trích dẫn, thi sĩ Tản Đả định nghĩa “Đời là cõi bắt người ta phải sống” và “Cuộc đời không bao giờ có một hình thù cố định. Nó như giọt nước. Khi tròn lúc vuông. Khi dài như sợi khi ngắn và mỏng như tờ giấy… hình thù nó tùy vào vật chứa. Mỗi hình dạng là một trạng thái tâm hồn.” Thế nên tác giả cũng trải qua nhiều tâm trạng: khổ đau - hạnh phúc - giận dữ - buồn phiền - mừng vui và bị tác động do những ngoại lực xung quanh: các yếu tố môi trường, xã hội, văn hóa, gia đình và bạn bè ảnh hưởng mạnh mẽ đến tâm hồn. Anh vẫn yêu đất nước nồng nàn:

“Tôi yêu đất nước này rau cháo

Bốn ngàn năm cuốc bẫm cày sâu” (Trần Vàng Sao )

và khi anh nhắc thơ Lưu Trọng Lư, anh nhắc cả những người trên ngôi cao chín bệ

“Mỗi ngày anh phải trả lời câu hỏi
Những việc làm nào là có ích cho dân?”

Chúng ta thấy tác phẩm không chỉ đem lại những suy nghĩ tiêu cực vì Trương Văn Dân cũng viết: “… theo ba chỉ có tôn giáo mới có thể giúp mình vượt thoát khỏi những khổ đau và sống bình an…” Anh nhấn mạnh “Việc thờ phượng đức Phật là do người đời sau bày vẽ, thậm chí mọi người còn mải mê thờ (tượng) Phật mà quên mất việc chính là thực hành con đường hạnh phúc ngài đã chỉ dạy.”

Như vậy Trò chuyện với thiên thần vẫn có những âm ba vọng lại từ tiếng thét của Trương Văn Dân, đồng cảm, chia sẻ, xa hay gần tùy vào người đọc vì ở đó vẫn có những điểm sáng như lòng yêu thương cuộc đời, như con đường của hạnh phúc nếu người ta biết sống mà yêu nhau dù trên mảnh đất còn nhiều thiếu thốn vì như anh viết: “Cõi thiên đường không liên quan gì đến sự bất tử mà là một thế giới trong đó con người biết tôn trọng và sống tử tế với nhau.” Trong tâm thế khai phóng ấy, hãy đọc và ngồi xuống cùng Trò chuyện với thiên thần.

Sài Gòn 7.7.2020  

Nguyên Cẩn

Thông tin truy cập

63693604
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
13896
23426
63693604

Thành viên trực tuyến

Đang có 354 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website