Về giáo trình văn học hiện đại Việt Nam

1/- Khái niệm hiện đại gắn liền với một thời đại mà nền văn minh công nghiệp đã, đang và sẽ thay thế hoàn toàn nên văn minh nông nghiệp. Đó là một xã hội của nền kinh tế hàng hóa với sự phát triển mạnh mẻ của đô thị, của cơ khí hóa, cơ giới hóa cùng sự hình thành của các giai cấp tầng lớp mới như: vô sản, tư sản, tiểu tư sản, tri thức tiểu thị dân… Xã hội đó đã thật sự từ buổi đầu thế kỉ XX. Nó gắn liền với cảm hứng khẳng định con người cá nhân và sự phát triển của chữ quốc ngữ trong nền văn hóa dân tộc.

 

Như vậy vào đầu thế kỉ XX, văn học Việt Nam đã chuyển mình từ quỹ đạo trung đại sang hiện đại. Và từ đó, dần dần hiện lên bộ mặt của nền văn học hiện đại Việt Nam.

2/- Để đáp ứng nhu cầu hiểu biết văn học nói chung và đặc biệt là để phục vụ nhu cầu giảng dạy và học tập của các dối tượng ở bậc cao đẳng, đại học, các nhà giáo, các nhà nghiên cứu lí luận phê bình văn học đã biên soạn các bộ giáo trình văn học hiện đại Việt Nam như Việt Nam văn học giản ước tân biên (1), Bảng lược đồ văn học Việt Nam (2), Văn học Việt Nam 1900 – 1930 (3), Văn học Việt Nam 1930 - 1945 (4), Văn học Việt Nam 1945 – 1954 (5), Văn học Việt Nam 1945 – 1975 (6), Văn học Việt Nam 1954 – 1975 (7) .v.v. Nhìn chung, trong số các công trình nói trên có hai bộ sách được chú ý nhất cùng có tên là Văn học Việt Nam của Trường đại học sư phạm Hà Nội và Văn học Việt Nam của Trường đại học tổng hợp Hà Nội với tập thể các tác giả như: Nguyễn Đăng Mạnh, Nguyễn Trác, Nguyễn Hoành Khung, Hoàng Dung, Trần Hữu Tá, Trần Đình Hượu, Phan Cự Đệm Lê Chí Dũng, Mã Giang Lân, Bùi Việt Thắng v.v… Các bộ giáo trình của các trường cao đẳng, trường đại học khác ở một mức độ nào đấy đều là sự khúc xạ từ hai bộ giáo trình này. Gần đây, nhà xuất bản Giáo dục đã cho ấn hành các công trình Văn học Việt Nam (1900 – 1945) (8), Văn học Việt Nam (1945 – 1975) (9), Văn học Việt Nam thế kỉ XX (10).

 

Có thể nói đây là những cuốn sách có ảnh hưởng rộng rãi đến việc học tập nghiên cứu văn học hiện đại Việt Nam ở bậc đại học. Đóng góp của các cuốn sách này rõ ràng là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, ở nhiều góc độ khác nhau người ta vẫn phát hiện ra những điều chưa ổn. Bao quát nhất là sự lạc hậu của chính nó so với sự vận động của lịch sử xã hội và lịch sử văn học. Chúng tôi sẽ lần lượt chỉ ra vấn đề này theo từng con đường tiếp cận văn học của một chặng đường đã qua.

 

3/- Việc cắm mốc phân kỳ, chia giai đoạn phát triển của văn học là cần thiết. Trước đây, cái mốc đầu tiên của văn học hiện đại được các tác giả ở Miền Nam xác định là vào năm 1862 và các tác giả ở Miền Bắc là vào năm 1930. Hiện nay đã có sự thống nhất cao độ khi cho rằng văn học hiện đại Việt Nam thật sự xuất hiện ngay từ buổi đầu của thế kỉ XX. Vấn đề mà chúng tôi muốn nói là cái mốc 1930. Rõ ràng đây là cái mốc vô cùng quan trọng về lịch sử, chính trị, xã hội. Thế nhưng về văn chương lại chẳng nổi lên điều gì. Phải đưa sự phát triển của văn học về với năm 1932 vì đây là thời điểm xuất hiện của phong trào thơ mới và cũng là của Tự lực văn đoàn. Y nghĩa của nó là ở chỗ đó. Từ đây chúng ta dễ dàng hình dung ra bộ mặt văn học hiện đại qua các chặng đường phát triển là văn học 1900 – 1932; Văn học 1932 – 1945; Văn học 1945 – 1975; Văn học 1975 – 2000.

 

4/- Trong giáo trình Văn học Việt Nam 1900 - 1945, phần 1900 - 1930 (đúng ra phải là 1932) là của các tác giả Trần Đình Hượu, Lê Chí Dũng. Có thể nói phần này được thực hiện bởi ngòi bút rất uyên bác. Có điều cách viết khá nặng nề. Nếu học trò của các giáo sư Trần Đình Hượu, Lê Chí Dũng có điều kiện viết lại thì chỉ cần làm cho nhẹ nhàng hơn. Điều chúng tôi muốn nói ở đây là sự chú ý chưa đúng mức về văn xuôi quốc ngữ, đặc biệt là văn xuôi quốc ngữ Nam bộ. Nó xứng đáng được xem là một bộ phận quan trọng của văn học hiện đại trong buổi đầu của sự phát triển.

 

5/- Phần văn học 1930 (đúng ra là phải 1932) - 1945 của giáo trình trên là rất phức tạp. Quan điểm nhìn nhận đánh giá của các tác giả chủ yếu vẫn là quan điểm nhìn nhận đánh giá từ những năm sáu mươi của thế kỉ trước. Sự đổi mới chưa được bao nhiêu và nhìn chung là chưa thể hiện được quan điểm hiện nay. Việc chia văn học 1030 - 1945 thành ba dòng như thói quen trước đây là không hợp lý vì không cùng tiêu chí. Nên chăng chia ra thành hai bộ phận (công khai hợp pháp và bí mật bất hợp pháp) thì sẽ thuyết phục hơn.

 

Việc tiếp cận văn học lãng mạn và văn học hiện thực của các tác giả thiếu sự công bằng. Dường như lúc nào văn học hiện thực cũng được ưu ái, còn văn học lãng mạn tự nó không tránh khỏi tính trạng ngậm ngùi tủi thân. Ngay trong cái gọi là lãng mạn lại chia ra thành lãng mạn tích cực và lãng mạn tiêu cực để rồi đề cao lãng mạn tích cực và phủ nhận lãng mạn tiêu cực. Thật ra nếu hiểu lãng mạn như một phương thức chiếm lĩnh hiện thực thì làm gì có cái gọi là tích cực và tiêu cực. Cũng như vậy lãng mạn và hiện thực chỉ là những cách thức khác nhau trong việc tái tạo cuộc sống. Nó đòi hỏi phải được đối xử một cách bình đẳng. Việc tạo ra giá trị cho tác phẩm văn chương không phụ thuộc vào “công cụ” mà phụ thuộc chủ yếu vào tài năng của người sử dụng công cụ.

 

Xoay xung quanh cái buồn của văn học lãng mạn, cần có sự đánh giá thỏa đáng hơn. Nếu cứ phủ định nó như các giáo trình hiện nay thì e không thuyết phục. Cần thấy rằng cái buồn trong văn học lãng mạn cũng là một sắc mày thẩm mĩ. Phủ định nó là phủ định tính chân thực sinh động của hình tượng nghệ thuật.

 

6/- Sự xuất hiện của Tự lực văn đoàn phải được xem là niềm tự hào của văn học dân tộc. Tổ chức này đã làm được rất nhiều việc cho sự phát triển của văn học hiện đại. Anh hưởng của nó lúc bấy giờ là vô cùng lớn lao. Đành rằng các thủ lĩnh của tổ chức này như Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo không chỉ là con người nghệ sĩ mà còn là con người chính trị. Đừng vì việc phê phán con nguời chính trị mà vùi dập con người nghệ sĩ của họ. Không có Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo văn học sử Việt Nam sẽ trống một mảng không bao giờ bù đắp nổi.

 

Trong việc đánh giá các tác phẩm của các nhà văn nói trên, có ít nhất là hai tác phẩm cần phải được thẩm định lại. Đó là Bướm trắng (Nhất Linh) và Băn khoăn (Khái Hưng) các nhà nghiên cứu ở miền Nam trước 1975 cũng như dư luận hiện nay đều cho rằng đâu là đỉnh cao nhất trong sáng tác của Tự lực văn đoàn nói chung và của Nhất Linh, Khái Hưng nói riêng. Cũng như vậy nhân vật Dũng trong các tiểu thuyết của Nhất Linh cần được đặt vào một vị trí xứng đáng với bản chất nghệ thuật của nó.

 

Nói tóm lại, sự vướng mắc khi đánh giá văn học lãng mạn cũng như tự lực văn đoàn chủ yếu vẫn là vấn đề quan điểm. Tháo gỡ được vấn đề này xem như mọi việc được khai thông.

 

Trong giáo trình văn học 1930 - 1945 cần thiết phải có một chương về sự phát triển của nghiên cứu lí luận phê bình văn học. Thật ra nội dung của chương này đã có trong giáo trình văn học Việt Nam (1930 - 1945) của Phan Cự Đệ xuất bản vào năm 1961. Không hiểu vì sao khi hợp nhất giáo trình giai đoạn này với giáo trình văn học Việt Nam giai đoạn giao thời của Trần Đình Hượu, Lê Chí Dũng thành cuốn văn học Việt Nam 1900 - 1945 các tác giả lại lược bỏ nội dung của chương nói trên.

 

7/- Văn học Việt Nam 1945 - 1975 bản chất của nó là mang tính sử thi. Điều này các tác giả của các giáo trình đã giải quyết rất thỏa đáng. Tuy nhiên bên cạnh vần đề chỉ đạo này vẫn còn một loạt hiện tượng văn học không bình thường như vấn đề Nhân văn giai phẩm, Vào đời (Hà Minh Tuân), Đóng rác cũ (Nguyễn Công Hoan), Con nai đen (Nguyễn Đình Thi), Cửa mở (Việt Phương), Vòng trắng (Phạm Tiến Duật), Sẹo đất (Ngô Văn Phú), Cây táo ông Lành (Hoàng Cát) v.v… Giáo trình văn học 1945 - 1975 bên cạnh tính sử thi như  một đặc điểm chủ đạo của văn học dân tộc lúc này cũng cần trình bày chính kiến của mình về hiện tượng nói trên thì mới thật sự bao quát được một cách toàn diện đời sống văn học.

 

Lẽ dĩ nhiên, nói tới văn học 1945 - 1975 không thể không nói tới dòng văn học yêu nước và tiến bộ trong các đô thị bị tạm chiếm. Yêu cầu nầy dường như bị bỏ trống trong các giáo trình của giai đoạn này.

 

8/- Văn học việt nam 1975 - 2000 cũng đã có một độ lùi cần thiết để đi vào lịch sử văn học hiện đại. Một cuốn giáo trình về văn học trong chặng đường này là điều mà các nhà giáo nhà nghiêm cứu lí luận phê bình phải quan tâm.

 

9/- Tất cả những điều nói trên cho thấy quan điểm nhìn nhận đánh giá một số vấn đề của văn học hiện đại trong các bộ giáo trình hiện nay đã không còn thích hợp. Sự thay đổi cách nhìn nhận là điều kiện cần thiết có như vậy mới đáp ứng được nhu cầu học tập giảng dạy trong các trường cao đẳng đại học hiện nay.

 

Trần Ngọc Hồng

 

----------------------------------

 

(1)              Phạm Thế Ngũ; Quốc học tùng thư xuất bản; Sài Gòn 1960

 

(2)               Thang Lãng; Sài Gòn xuất bản, 1967

 

(3)               Trần Đình Hượu, Lê Chí Dũng, NXB Đại học và GDCN, 1986

 

(4)               Phan Cự Đệ, Bạch Năng Thi, NXB Giáo dục 1961

 

(5)               Hoàng Như Mai, NXB Giáo dục 1961

 

(6)               Nguyễn Đăng Mạnh, Nguyễn Trác, Trần Hữu Tá; NXB Giáo dục 1988

 

(7)               Bùi Việt Thắng - Mã Giang Lân; Trường ĐHTN Hà Nội 1990

 

(8)               Phan Cự Đệ (chủ biên); NXB Giáo dục 1998

 

(9)               Mã Giang Lân - Bùi Việt Thắng, NXB Giáo dục 199

 

(10) Phan Cự Đệ (chủ biên), NXB Giáo dục 2004

Thông tin truy cập

63669163
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
12881
17595
63669163

Thành viên trực tuyến

Đang có 1145 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website