Để góp phần, tôi xin phát biểu một vài vấn đề mới nghe qua có vẻ là xa vời, nhưng với tôi, lại thấy nó là cơ bản nhất, cần thiết nhất. Bởi tôi nghĩ, nói “Đổi mới phương pháp” mà không bắt đầu từ “Đổi mới tư duy”, mà tách khỏi đổi mới tư duy như đó đây từng thấy thì e rằng thiếu một cơ sở vững chắc. Có lẽ đã đến lúc, chúng ta không nên đặt vấn đề phương pháp sư phạm một cách biệt lập hoàn toàn mà vừa phải biệt lập, vừa phải đặt nó trong một hệ thốngphương pháp khép kín theo logic: phương pháp tư duy ->phương pháp khoa học cơ bản -> phương pháp sư phạm, vốn dựa trên một quan hệ chặt chẽ gồm tư duy – kiến thức – phương pháp. Tôi đặt nhan đề bài viết “Nâng cao phẩm chất tư duy: cái gốc của mọi vấn đề” chính là xuất phát từ quan niệm đó của mình để được trao đổi với đông đảo bạn đồng nghiệp.
Có thể nói ngay vấn đề tư duy là vấn đề đã cũ nhưng lại còn mới, đã quen nhưng lại còn lạ. Nói cũ, nói quen là bởi từ lâu, chúng ta chẳng đã có các khẩu hiệu: đề cao tinh thần độc lập suy nghĩ, phát huy trí óc thông minh..., đã có các phương châm: biến quá trình đào tạo thành qua trình tự dào tạo, học sinh là chủ thể ... cùng với bao nhiêu biện pháp thực hiện các khẩu hiệu và phương châm này, chẳng riêng gì ở bậc đại học mà còn ở các bậc học dưới. Ngay ở bậc tiểu học, các nhà khoa học sư phạm, các giáo viên khá giỏi chẳng đã có ý thức coi trọng việc rèn kuyện tư duy cho trẻ em trong mọi hoạt đọng học tập đó sao. Nhưng nói còn mới, còn lạ là bởi chung quanh vấn đề tư duy thuộc phạm vi giáo dục đại học, rộng ra là phạm vi giáo dục, kể cả phạm vi sự sống Việt nam nói chung thì quả còn tồn tại bao nhiêu điều lớn lao mà không dễ sớm có sự tường minh. Thí dụ: vấn đề trình độ tư duy của người Việt nam là như thế nào? Trong quá khứ? Ở hiện tại? Cái gì đã có? Cái gì cần bổ sung? Nói người Việt nam mạnh về tư duy cụ thể, yếu về tư duy trừu tượng, đúng không? Nói người Việt nam chưa có truyền thống tư duy triết học cho ra triết học là tự ti dân tộc chăng? Nói tư duy của người Việt nam nằm trong phong cách tư duy Phương Đông mang tính chất cầu tính (sphèrique, global) khác phong cách tư duy Phương Tây mang tính chất tuyến tính (linéaire) là thế nào? Mạnh yếu khác nhau thế nào một khi cần có một năng lực tư duy tối ưu để phát triển xã hội? Đối chiếu luận đề của Descartes “Tôi tư duy ấy là tôi tồn tại” (Je pense, donc que suis) với thực trạng tư duy của người Việt nam, của giới trí thức Việt nam nói chung,giới trí thức khoa học xã hội và nhân văn nói riêng, liệu có thể kết luận như thế nào là thực sự khoa học và có ích lợi cho sự phát triển của đất nước ... Đúng là có nhiều vấn đề lớn đang rất cần có sự tường minh nhưng không dễ tường minh, không dễ gì thống nhất nhận thức. Mà một khi những vấn đề đó chưa được tường minh thì phưưong hướng, con đường phát triển tư duy để phát triển sự sống làm sao mà không bị hạn chế. Trong phạm vi ngành văn (ở đây xin không nói về ngữ), chúng ta cũng đã có không ít lý thuyết về tư duy văn làm cơ sở cho phương pháp nghiên cứu văn, dạy văn, học văn. Nhưng nói đến tư duy văn theo hướng biệt lập như thường thấy mà không gắn nó với trình độ tư duy của người Việt nam nói chung thì hẳn là điều hạn chế cần đươc cảnh báo. Cứ chịu khó quan sát sẽ thấy, từ việc làm lớn như viết một công trình khoa học văn chương, áp dụng phương pháp này, áp dụng phương pháp nọ vào việc khám phá văn chương, đến việc làm nhỏ nhất là giải thích một từ ngữ, một chi tiết nghệ thuật văn chương ... vẫn đã thể hiện trình độ phẩm chất tư duy cao thấp khác nhau rõ rệt. Ngay cái gọi là tư duy văn, muốn hiểu thật đúng về nó, cũng phải có phẩm chất tư duy chung để hiểu. Ma tư duy văn cũng không chỉ thuộc phạm vi của người nghiên cứu, giảng dạy, học tập. Nó còn là của người sáng tác trong từng thể loại mà ở đấy cũng có sự cao thấp khác nhau về phẩm chất tư duy nghệ thuật. Chúng ta cần đánh giá thành quả nghệ thuật của họ từ việc đánh giá trình độ tư duy nghệ thuật của họ.
Những điều được nêu trên đây dĩ nhiên đang thuộc phạm vi lý thuyết, cần được nhận thức tường minh. Nhưng điều cần nhấn mạnh là: dù đã có sự tường minh thì từ nhận thức đến thực tiễn vẫn là một khoảng cách rất lớn bởi một khi mà nếp tư duy truyền thống trong đó có mặt hạn chế đã được định hình lâu đời. Dầu vậy, muốn thay đổi thực tiễn, trước hết dứt khoát phải thay đổi nhận thức, phải nâng cao phẩm chất tư duy. Tôi muốn nói thế này được không: các nhà quản lý giáo dục, các nhà khoa học sư phạm đã và đang hô hào “Cách mạng phương pháp”. Riêng tôi lại xin phép đề nghị thêm một cuộc “Cách mạng tư duy”, ít ra trong chuyên ngành văn thuộc phạm vi giáo dục đại học để từ đó mà toả dần ra cả nền giáo dục nói chung.
*
* *
Vậy nâng cao phẩm chất tư duy là thế nào? là:
-
- Nâng cao trình độ tư duy trừu tượng khoa học
- Nâng cao trình độ tư duy triết học
Đây là năng lực, phẩm chất tư duy có liên quan mật thiết với nhau nhưng không phải là một. Hai phẩm chất tư duy đó không chỉ cần có cho việc nghiên cứu giảng dạy văn mà còn cho mọi hoạt động tư tưởng của con người, cho mọi ngành khoa học. Với văn, nếu không quan tâm phấn đáu để có hai phẩm chất tư duy đó một cách dồi dào nhằm hỗ trợ cho cái mà ta quen gọi, quen dùng là năng lực phân tích cảm thụ văn thì dứt khoát sẽ bị hạn chế như đang tồn tại hiện nay với không ít người. Năng lực tư duy trìu tượng khoa học xét về bản chất là đối lập với cái thường bị lên án và rất cần lên án là tư biện (spéculatif). Bởi cùng là tư duy trìu tượng nhưng mốt bên dựa trên sự nhận thức khách quan về bản chất sự vật của cuộc sống. Còn một bên là thứ trừu tượng mang tính chất chủ quan, phi hiện thực. Đáng tiếc là ở nước ta, xem ra không ít người đã lầm lẫn đi đến đồng nhất hai trạng thái tư duy trừu tượng nói chung. Điều này đã gây bất lợi không nhỏ cho yêu cầu nâng cao trình độ tư duy của xã hội trong đó có người nghiên cứu giảng dạy văn học. Năng lực tư duy trừu tượng khoa học là năng lực nhận thức sự vật không chỉ ở cấp độ hiện tượng mà quan trọng hơn với nó là nhận thứcvề mối quan hệ vốn dĩ trừu tượng và cũng rất phức tạp, chằng chịt của hiện tượng. Nó khác năng lực tư duy cụ thể thông thường của mọi ngưòi là sự nhận thức chủ yếu ở cấp độ hiện tượng. Nếu là quan hệ thì cũng chỉ là quan hệ đơn giản, trực tiếp. Xét phẩm chất tư duy của người Việt nam ta, tôi muốn nói: cái mạnh là tư duy cụ thể, cái chưa mạnh là tư duy trừu tượng. Hiện tượng trong trong tiếng Việt rất giàu từ ngữ cụ thể nhưng lại nghèo từ ngữ trừu tượng đã nói lên điều đó. Chúng ta có thể giải thích hiện tượng đó từ nguyên nhân kinh tế lịch sử của đất nước vốn thuộc nền văn minh nông nghiệp. Tất nhiên, khi nói đến hiện tượng đó, không thể quên chiều hướng vận động, khả năng khắc phục dần hạn chế của nó trong thời đại ngày nay, một sự hội nhập quốc tế đã trở thành quy luật phát triển của đất nước. Trở lại chuyện nghiên cứu giảng dạy học tập văn, với tinh thần khách quan, thực sự cầu thị, không thể khôngnói đến sự yếu kém về tư duy trừu tượng khoa học. Trong việc phân tích một nền văn học, một giai đoạn văn học, một dòng văn học, một tác gia văn học, một tác phẩm văn học... không ít có hiện tượng cái chính thì cho là phụ, cái phụ lại nói là chính, thích gì nói đấy, nói chưa đúng điều đáng nói nhất, nói thiếu hệ thống chặt chẽ... Xét đến cùng, chính là do thiếu một năng lực tư duy trừu tượng khoa học cần có để nắm bắt được cơ chế chung của đối tượng nhận thức trong đó các bộ phận, các thành tố, các chi tiết vốn được hình thành theo một logic nội tại, hữu cơ với nhau.
Tiếp theo vấn đề trừu tượng khoa học là vấn đề tư duy triết học. Để có một định nghĩa đầy đủ thế nào là tư duy triết học, tôi xin nhờ các nhà triết học. Ở đây nói đơn giản thì chính nó là năng lực nhận thứcvề những vấn đề phức tạp nhất, sâu kín nhất, thậm chí còn bí hiểm trong sự sống con người đượcphản ánhbằng vô thức, trực giác trong văn chương mà năng lực phân tích cảm thụ văn chương thông thường và phổ biến hiện naychưa thể chiếm lĩnh được ở độ cần có. Với những ngưòi chỉ quen nhận thức văn chương theo phươngpháp xã hội học dung tục thì lại càng bất cập. Trình độ tư duy triết học đối với người nghiên cứu và giảng dạy văn học là hết sức cần thiết. Rất tiếc là những người có năng lực này hiện nay không nhiều. Hạn chế này có liên quan đến hạn chế về tư duy trừu tượng khoa học như đã nói. Lại phải nói đây cũng không chỉ là hạn chế riêng của giới nghiên cứu giảng dạy văn chương mà còn là hạn chế chung của trí thức. Cứ tỉnh táo, khách quannhìn lại cái gọi là khả năng triết học của người Việt nam xưa nay, có thể chấp nhận điều vừa nói đó. Người nghiên cứu giảng dạy văn chương nếu không nhận chân, không có ý thức khắc phục hạn chế, quyết tâm rèn luyện tư duy triết học để hỗ trợ cho năng lực phân tích cảm thụ văn chương thì khó bề nâng cao chất lượng công việc dù có sử dụng đến phương pháp gì đi nữa.
Trong việc nhận thức chiếm lĩnh giá trị văn chương, rèn luyên tư duy triết học cũng như tư duy trừu tượng khoa học lại phải đi kèm theo khả năng tạo ra những khái niệm công cụ hữu hiệu tối ưu trong đó không thể thiếu cách tiếp cận triết học. Nghiên cứu giảng dạy văn học Việt nam, cũng như văn học thế giới, hầu như không ai không sử dụng khái niệm công cụ: nhân đạo chủ nghĩa (hoặc giá trị nhân đạo, hoặc nội dung nhân đạo...). Nhưng với khái niệm công cụ này,thực tế đã có hai cách tiếp cận dẫn đến hiệu quả cao thấp, nông sâu khác nhau trong nhận thức văn chương. Một là cách tiếp cận đạo đức học. Với cách này, khi nói đến nội dung nhân đạo trong văn chương thường chỉ nói đến những tình cảm, thái độ, hành vi mang ý nghĩa đạo đức của con người thuộc các quan hệ xã hội của nó đươc văn chương phản ánh, thể hiện. Nếu có đụng đến những điều gì có ý nghĩa triết học thì cũng không tự giác. Cách tiếp cận đó dĩ nhiên là đưa đến nhiều kết quả bổ ích, nhưng quả thật chưa đủ. Bằng việc bổ sung vào đó cách tiếp cận triết học, chắc chắn sẽ có nhiều điều bổ ích hơn, sâu sắc hơn, cũng có thể nói là bản chất hơn. Bởi nhân đạo chủ nghĩa không chỉ là những giá trị đạo đức mà còn bao gồm tất cả những gì làm nên giá trị người (trong đó có giá trị dạo đức) với tư cách là một động vật cao cấp nhất trong muôn loài. Nó bao gồm cả hai phương diện tự nhiên sinh học và xã hội của con người mà với cách tiếp cận đạo đức học (kể cả xã hội học), nhiều giá trị lớn đã bị bỏ quên. Ví dụ như cái đẹp cơ thể sinh học của con người (nhất là phụ nữ) mà ở Phương Tây đã trở thành nguồn cảm hứng nhân văn-thẩm mỹ lớn để từ đó có một nền nghệ thuật khoả thân tuyệt diệu trong hội hoạ, điêu khắc, nặn tượng, đuợc nhân lạoi bao đời nay chiêm ngưỡng, sùng bái. Trong khi ở Việt nam ta thì ngày trước là né tránh, còn gần đây bắt đàu làm quen lại trong trạng thái có phần lộn xộn vì thiếu một cơ sở nhận thức triết học tường minh. Ví như sắc đẹp con gái mà nhân loại từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây, từ cụ Khổng cho đến mọi người, chỉ trừ ai mất trí, quen thói đạo đức giả, bị cơm áo đè quá nặng, còn lại không ai không thích thú, thèm thuồng. Rồi nữa là trí tuệ tài năng, là năng lực này năng lực khác... mà không ít trường hợp đã trở thành đối lập với đạo đức nhưng trong bản chất vẫn thuộc giá trị người rất quý mà chỉ với một khái niệm công cụ nhân đạo chủ nghĩa đã được xác lập vừa có nội hàm đạo đức, vừa có nội hàm triết học, mới thu gom hết được để từ đó hiểu văn chương sâu sắc hơn, triệt để hơn.
*
* *
Những nội dung trình bày trên đây mới là phần lý thuyết quan niệm. Chúng tôi đã có những bài viết cụ thể với ý thức ứng dụng sự kết hợp giữa năng lực phân tích cảm thụ văn với năng lực tư duy trừu tượng khoa học, tư duy triết học cùng với năng lực tạo dựng khái niệm công cụ khoa học như đã nói. Chỉ tiếc là khuôn khổ bài viết nhỏ này đã không cho phép đưa vào đây những kết quả ứng dụng cụ thể đó để minh hoạ cho lý thuyết. Chúng tôi chỉ xin kèm theo đây một ví dụ nhỏ, đó là bài: “Nói thêm về truyện Người con giá Nam Xương” của Nguyễn Dữ trong Truyền kỳ mạn lục, đã đăng trên “Văn học và tuổi trẻ” gần đây để mong được các bạn đồng nghiệp chứng nghiệm thêm cho vấn đề mà tôi muốn nêu lên trong bài viết này.