Chú thích ảnh: Trần Chánh Chiếu, chí sĩ Đông du Nam Kỳ tiêu biểu.
THAM LUẬN TẠI HỘI THẢO QUỐC TẾ “NHẬT BẢN VÀ TIỂU VÙNG MEKONG – MỐI QUAN HỆ LỊCH SỬ” (JAPAN AND MEKONG SUBREGION – HISTORICAL RELATIONS) DO TRƯỜNG ĐH KHXH & NV – ĐHQG TP.HCM TỔ CHỨC NGÀY 29-30/ 10/2010
ĐOÀN LÊ GIANG (*)
Nói đến “Đông du” người ta nghĩ ngay đến Phan Bội Châu và các đồng chí của ông ở vùng Thanh Nghệ và Bắc Bộ. Thế nhưng thực ra phong trào Đông du lại thu hút thanh niên và các chí sĩ Nam Kỳ đông đảo hơn nhiều so với Bắc Kỳ và Trung Kỳ. Các chí sĩ Nam Kỳ tham gia Đông du rất hăng hái, nhiều người bị tù đày, có người hy sinh trong tù ngục hay ở những đất nước xa xôi. Những trí thức như Trần Chánh Chiếu, Nguyễn Thần Hiến, Trương Duy Toản, Nguyễn Háo Vĩnh…rất nổi tiếng trong làng văn, làng báo Nam Kỳ, nhưng đồng thời cũng là những chí sĩ Đông du hàng đầu. Trong bài viết này chúng tôi thử tìm hiểu những chí sĩ Đông du Nam Kỳ nào đã từng đến Nhật Bản và những hoạt động của họ trước, trong và sau khi đến Nhật Bản, nhằm làm rõ hơn một vấn đề lịch sử còn ít được giới nghiên cứu quan tâm.
1. NAM KỲ TRONG PHONG TRÀO ĐÔNG DU
Vào đầu TK.XX lần lượt các nhà nho trẻ yêu nước đều gặp nhau ở Huế. Trong đó cuộc gặp gỡ giữa Phan Bội Châu và Tiểu La Nguyễn Thành có ý nghĩa quan trọng, có thể nói tạo ra những bước ngoặt tư tưởng của Phan Bội Châu.
Theo Phan Bội Châu niên biểu thì cụ Phan đã gặp cụ Tiểu La vào năm 1903 qua sự giới thiệu của ông Nguyễn Quýnh – dư đảng của phong trào Phan Đình Phùng. Tiểu La đã hướng Phan Bội Châu đến Nam Kỳ cũng như Hội Duy tân với minh chủ là người trong hoàng tộc nhà Nguyễn:
“Sắp tính việc lớn tất phải được một món kim tiền thật to, mà kho kim tiền nước ta thật chỉ là Nam Kỳ, mà khai thác Nam Kỳ là công đức triều Nguyễn, nhân tâm trong ấy còn yêu mến triều Nguyễn lắm. Vua Gia Long lấy lại nước ta rặt là nhờ tài lực ở trong ấy. Bây giờ nếu ta tìm được chính dòng Gia Long, đặt làm minh chủ, hiệu triệu Nam Kỳ, tất ảnh hưởng mau lắm” ([1])
Được sự kích thích bởi chiến thắng của Hải quân Nhật Bản trước hải quân Nga ở cảng Lữ Thuận thuộc thành phố Đại Liên năm 1904, các nhà yêu nước Việt Nam bắt đầu có xu hướng muốn học tập Nhật Bản. Cuộc gặp gỡ giữa hai nhà yêu nước Phan Bội Châu và Nguyễn Thành đã dẫn tới việc thành lập Duy tân hội, và chính Tiểu La Nguyễn Thành đã gợi ý cho Phan Bội Châu đến với Nhật Bản. Trong Tiểu sử cụ Tiểu La xuất bản năm 1934, Phan Bội Châu kể: cụ Tiểu La bàn rằng: “Hiện tình thế giới không một nước Âu Châu nào thực lòng yêu nước mình, ta hãy cầu người đồng văn đồng chủng hoặc có ích gì chăng? Gần đây Nhật mới thắng Nga, cái dã tâm đương hăng hái, ta sang cầu họ giúp thì dầu họ không có thực lực giúp mình, song đồ quân dụng phỏng họ có thể tiếp tế được, ông cố gắng làm Thân Bao Tư khóc ở sân Tần một độ chăng?”([2])
Vì thế Phan Bội Châu soạn Lưu Cầu huyết lệ tân thư (1903), Khuyến quốc dân tư trợ du học văn (1905), Kính cáo toàn quốc phụ lão (1907)([3]) đều có ý nhắm đến nhân dân Nam Kỳ. Bài Ai cáo Nam Kỳ (1907) thì rõ ràng viết riêng cho sĩ dân Nam Kỳ. Xin đọc một đoạn:
Than ôi! Lục tỉnh Nam Kỳ
Nghìn năm cơ nghiệp còn gì hay không?
Mịt mù một dải non sông
Hỏi ai ai có đau lòng chăng ai?
Từ khi lở đất long trời
Biển bơ vơ sóng, non rời rạc mây.
Mịt mù mấy áng cỏ cây
Thành Gia Định đó đã xây trại tù
Còn non Phú Quốc trơ trơ
Xa trông nào biết bây giờ là đâu.
Trước khi bắt đầu con đường Đông du xa xôi, năm 1903 Phan Bội Châu đã đến Nam Kỳ với mục đích tìm lại “dư đảng” của cụ Trương Công Định, Thủ Khoa Huân và tuyên bố về sự xuất hiện của Kỳ Ngoại Hầu Cường Để - cháu đích tôn đời thứ sáu của vua Gia Long, thuộc dòng Hoàng Tử Cảnh trong công cuộc chống Pháp giành độc lập cho dân tộc.
- Thượng tuần tháng Chạp năm Quý mão (1903) Phan Bội Châu đến Sài Gòn
- Hạ tuần ông đến Thất Sơn, Châu Đốc gặp Trần Thị - một nhà yêu nước “dư đảng” của phong trào chống Pháp đang giấu mình trong áo nhà tu ở chùa Bảy Núi.
- Sau đó đến Sa Đéc gặp ông Ký Liêm (tức Mộng Liêm Đặng Thúc Liêng) và được giới thiệu cho Nguyễn Thần Hiến (người Hà Tiên). Sau này Nguyễn Thần Hiến là một thành viên tích cực của phong trào Đông du.
- Cuối tháng Giêng năm Giáp thìn (1904), Phan Bội Châu rời Nam Kỳ về lại Huế
Đánh giá về ý nghĩa của chuyến đi Nam Kỳ này, Phan Bội Châu viết: “Trận đi này tuy không có công gì, nhưng mà sau khi tôi xuất dương được anh em Nam Kỳ giúp sức nhiều lắm mà có kết quả cũng nhờ lần đi ấy vậy”([4]).
Phan Bội Châu xuất dương sang Nhật năm 1905. Phong trào Đông du những ngày đầu rất gian nan, vất vả. Những học sinh qua đợt đầu đều là học sinh Bắc Kỳ, con em những người yêu nước như: Nguyễn Hải Thần và Lương Lập Nham, Lương Nghị Khanh – hai con trai cụ Lương Văn Can. Lúc ấy kinh phí rất eo hẹp, có đợt 7 du học sinh từ Trung, Bắc sang nhưng không có đồng nào, trong khi đó tiền ăn học một người cũng phải mất 250 đồng một năm. Cho nên mới có chuyện du học sinh Nguyễn Thái Bạt phải ra chợ thổi kèn ăn xin để lấy tiền ăn học. Sau đó xoay sở mãi, Phan Bội Châu mới được tổ chức trong nước ủng hộ cho 1000 đồng. Vì vậy Phan Bội Châu vẫn canh cánh kế hoạch làm sao bắt được liên lạc với sĩ phu Nam Kỳ.
May mắn Phan Bội Châu gặp được một người thiếu niên Nam Kỳ là Trần Chánh Tiết([5]) đang du học ở trường Cao đẳng tiểu học của Giáo hội Thiên chúa giáo đặt ở Hương Cảng. Trần Chánh Tiết là con trai của Trần Chánh Chiếu – tức Gilbert Chiếu, dân làng Tây, gia sản có hàng hàng mẫu ruộng, đồng thời cũng là nhà tư sản có tiếng tăm ở Sài Gòn, Mỹ Tho. Qua Trần Chánh Tiết mà một số sĩ phu Nam Kỳ đến Hương Cảng gặp Phan Bội Châu.
Sau cuộc gặp gỡ đó, Phong trào Đông du từ Nam Kỳ khởi phát mạnh mẽ. Học sinh từ Nam Kỳ lục tục kéo đến với một nguồn kinh phí rất dồi dào. Từ Nam Kỳ gửi qua cho tổ chức Đông du Nhật Bản, có đợt gửi 12.000 đồng, nhiều nhất lên đến 200.000 đồng (đầu năm 1908). Số du học sinh đông nhất không phải là Bắc Kỳ hay Trung Kỳ mà là Nam Kỳ. Tỉ lệ học sinh Nam Kỳ đều hơn nửa, nửa còn lại chia đều cho Bắc Kỳ và Trung Kỳ. Năm 1907 số du học sinh Nam Kỳ là 40 người, Bắc Kỳ và Trung Kỳ là 60. Vào thời điểm cao nhất – tháng 5 năm 1908, số học sinh Đông du từ Nam Kỳ lên đến 100 người, bằng cả số du học sinh Trung kỳ và Bắc Kỳ cộng lại. Phan Bội Châu kể: “Thực số đến nay tôi chưa nhớ được chắc chắn, nhưng đại ước hơn 200 người, học sinh Nam Kỳ ước hơn 100, học sinh Trung Kỳ ước 50, học sinh Bắc Kỳ ước hơn 40 người, mà nghe hơi nối gót còn có nhiều người nữa”([6]). Có người cho rằng, con số thực tế du học sinh còn cao hơn thế nhiều: Theo Thomas E.Ennis, con số ấy lên đến 600 người, trong đó có đến 300 du học sinh Nam Kỳ([7]). Ở Nhật Bản, du học sinh chủ yếu ở Bính Ngọ Hiên (Tokyo) và được đưa vào học hai loại trường:
- Thứ nhất là trường võ bị: Chấn Võ học hiệu. Đây là trường tư thục vì phong trào Đông du không phải là du học chính thức ở cấp nhà nước mà là du học tự túc của một phong trào ái quốc. Học sinh học 3 năm thì hết giai đoạn sơ lược về quân sự, sau đó học thêm 2 năm nữa thì trở thành sĩ quan chỉ huy quân đội.
- Thứ hai là trường phổ thông gọi là Đồng Văn thư viện. Ở đấy học sinh học chương trình trung học của Nhật Bản, có đủ các môn khoa học cơ bản.
Những du học sinh Đông du từ Nam Kỳ đến, tên tuổi dần dần bị quên lãng hết, chỉ còn một số người ít nhiều được biết đến sau đây:
- Trần Văn An, Trần Văn Thư và Hoàng Vĩ Hùng do ông Trần Văn Định, cha của An, Thư ở Vĩnh Long đưa qua. Sau này Trần Văn An tốt nghiệp Đại học Waseda (Tảo Đạo Điền Đại Học); Trần Văn Thư lánh sang Xiêm sau khi Đông du tan rã, bị bệnh phổi mà mất; Hoàng Vĩ Hùng lánh sang Trung Hoa, vào học trường Sĩ quan Bắc Kinh, gần tốt nghiệp thì bị bệnh mất.
- Bùi Mộng Vũ tức Bùi Nhuận Chi([8]), người Tân An. Sau khi phong trào Đông du bị giải tán, anh lánh sang Xiêm, rồi bị bắt và kêu án khổ sai chung thân.
- Hoàng Công Đán, Trần Văn Huấn: chưa rõ tiểu sử.
- Huỳnh Hưng([9]) học ở Nhật, sau đến Hương Cảng, định chế tạo tạc đạn, không may tạc đạn nổ, ông bị cảnh sát Anh bắt được, dẫn độ cho Pháp. Pháp đày ra Côn Đảo, sau được tha về. Liên quan đến vụ chế tạc đạn với ông còn có Nguyễn Thần Hiến, Đặng Bỉnh Thành.
- Hoàng Quang Thành, Đặng Bỉnh Thành: Hai người thông chữ Pháp, hiểu chữ Hán. Năm 1908 được tổ chức phái về Nam Kỳ mang kinh phí 200.000 đồng qua. Hai ông từ Hương Cảng về đến Sài Gòn thì bị bắt, giam vào đồn Thuỷ thượng cảnh sát (cảnh sát đường thuỷ), sau bị kết án tù 3 năm. Đặng Bỉnh Thành ra tù còn tiếp tục hoạt động trong phong trào của Phan Bội Châu([10]).
- Nguyễn Xương Chi: khi phong trào bị giải thể, Nguyễn đi theo Cường Để qua Châu Âu([11])
- Nguyễn Như Bích, con trai duy nhất của Nguyễn Thần Hiến sang Nhật du học ở Đồng Văn Thư Viện([12]) năm 1908, sau bị trục xuất về nước.
- Lý Liễu tức Lý Phùng Xuân, còn gọi là Lý Joseph, quê Tam Bình, Vĩnh Long, du học Nhật Bản từ năm 14 tuổi, sau qua Trung Quốc, Anh, từng bị giam ở Côn Đảo, Hoả Lò. Sau 1945 có tham gia kháng chiến và mất ở quê([13]).
2. CÁC CHÍ SĨ ĐÔNG DU NAM KỲ
Trên đây là các học sinh Nam Kỳ tham gia Đông du với tư cách là du học sinh Nhật Bản, họ không phải là các sĩ phu hoạt động cho phong trào Duy tân hội hay Đông du. Có vai trò lịch sử quan trọng hơn, đó là một số nhà yêu nước của Nam Kỳ tham gia phong trào Đông du, họ cũng từng đặt chân đến Nhật hoạt động. Xin nêu vắn tắt sự nghiệp cách mạng của họ, trong đó đặc biệt chú ý đến những hoạt động của họ ở Nhật Bản: thời gian, mục đích, nội dung hoạt động.
Nguyễn Thần Hiến (1857 - 1914)
Nguyễn Thần Hiến là một trong những sĩ phu Nam Kỳ tiên phong tham gia phong trào Đông du và phong trào yêu nước Cách mạng đầu thế kỷ XX, một tấm gương anh dũng, hy sinh vì cách mạng.
Nguyễn Thần Hiến, tự là Phác Đình, hiệu Chương Chu, sinh năm 1857 tại làng Mỹ Đức tỉnh Hà Tiên. Hồi nhỏ tên là Nguyễn Như Khuê, năm 18 tuổi ông dổi tên là Nguyễn Thần Hiến. Tổ tông ông gốc Quảng Trị, sau vào Nam định cư ở Vĩnh Long. Thân phụ ông được điều đến Hà Tiên làm chức quan nhỏ thời Tự Đức, nhờ thế mà kết duyên với thân mẫu ông là người Hà Tiên. Nguyễn Thần Hiến lúc nhỏ được học chữ Hán ở Hà Tiên và Châu Đốc, do chơi với các bạn người Hoa nên nói năng trôi chảy tiếng Triều Châu, Hải Nam, Phúc Kiến. Năm 1904 ông qua Sa Đéc chơi với người bạn thân là Đặng Thúc Liêng([14]) mà tình cờ gặp Phan Bội Châu mới từ Thất Sơn tới. Sau cuộc gặp gỡ ấy, Nguyễn Thần Hiến lập Khuyến Du Học Hội để vận động và giúp đỡ học sinh Đông du. Ông đem phần lớn gia tài của mình góp cho phong trào, tổng số tiền đến 20.000 đồng (tương đương với hàng trăm lượng vàng).
Nguyễn Thần Hiến đến Nhật vào tháng 3 năm 1908 để đưa người con trai độc nhất của mình là Nguyễn Như Bích sang du học. Như nhiều nhà giàu có xứ Nam Kỳ bấy giờ, ông mượn cớ cho con đi Hương Cảng du học, để rồi đưa đi Nhật. Nguyễn Như Bích được đưa vào học chương trình phổ thông ở Đồng Văn Thư viện. Thế nhưng Nguyễn Như Bích chỉ học được ở Nhật có mấy tháng. Tháng 9 năm 1908 chính phủ Nhật ký với Pháp một hiệp ước giải tán phong trào Đông du để đổi lại một số quyền lợi kinh tế. Nguyễn Như Bích phải trở về nước.
Nguyễn Thần Hiến cùng với Võ Văn Thơm hoạt động tích cực trong phong trào Đông du ở Cần Thơ. Năm 1908 trước tin báo ông sẽ bị cảnh sát bắt, Nguyễn Thần Hiến bí mật trốn sang Xiêm. Ông tìm đến tổ chức yêu nước của Phan Bội Châu ở Băng cốc, lấy nghề bốc thuốc làm kế sinh nhai. Ở đó ông gặp Kỳ Ngoại Hầu Cường Để rồi Phan Bội Châu, được phân công làm Tổng uỷ viên sự vụ. Cuối năm 1910 ông cải trang làm người Hoa đáp tàu sang Hương Cảng. Phan Bội Châu cải tổ Duy tân hội, thành lập Việt Nam Quang phục hội. Nguyễn Thần Hiến được phân công phụ trách bộ Bình Nghị ở Nam Kỳ([15]). Sau đó do ông đến Hương Cảng và bị Pháp bắt ở đó do có mặt trong vụ Huỳnh Hưng làm nổ tạc đạn tự chế, ông bị đưa về giam ở Hoả Lò. Nguyễn Thần Hiến bị kết án tù 10 năm, đày đi xứ Cayenne thuộc Pháp ở Nam Mỹ. Phản kháng bản án đó, ông tuyệt thực nhiều ngày và trút hơi thở cuối cùng ở trại giam vào ngày 26 tháng Giêng năm 1914([16]).
Trần Chánh Chiếu (1867 - 1919)Trần Chánh Chiếu sinh năm 1867 (cùng tuổi với Phan Bội Châu), hiệu Đông Sơ, Quang Huy, quê ở làng Vân Tập (nay là Vĩnh Thanh Vân), thị xã Rạch Giá, Kiên Giang. Xuất thân trong một gia đình giàu có, Trần Chánh Chiếu được đưa lên Sài Gòn học ở Collège d’Adran (trường Tabert sau này), tốt nghiệp được bổ nhiệm làm giáo học, rồi thông ngôn cho Tham biện chủ tỉnh Rạch Giá. Nhờ thế ông xin khẩn hoang được hàng nghìn mẫu ở vùng Tràm Chẹt Nhỏ, trở nên rất giàu có, rồi được vào quốc tịch Pháp, lấy tên là Gilbert Chiếu. Thế nhưng tất cả những điều ấy vẫn không ngăn Trần Chánh Chiếu trở thành một người yêu nước chống Pháp. Năm 1900 ông bán một phần gia tài, lên Sài Gòn làm báo với các bút danh: Kỳ Lân Các, Nhựt Thăng (Trần Nhựt Thăng), Thiên Trung (Trần Thiên Trung), Gilbert Chiếu, Lâm Mai Danh...Năm 1906-1907 làm chủ bút Nông cổ mín đàm, Lục tỉnh tân văn, biến tờ báo này thành cơ quan tuyên truyền, vận động duy tân ở Nam Kỳ.Thông qua người con là Trần Chánh Tiết đang du học ở trường Cao đẳng Tiểu học do Giáo hội Thiên chúa giáo lập ra mà Trần Chánh Chiếu được đọc thơ văn yêu nước của Phan Bội Châu. Ông quyết định sang Hương Cảng lấy cớ thăm con và du lịch, nhưng thực chất là để gặp Phan Bội Châu. Cuộc gặp gỡ này diễn ra vào thượng tuần tháng Tám năm 1907. Trong hồi ký cách mạng của mình, Phan Bội Châu kể: ông từ Yokmohama (Hoành Tân) mang sách vận động cách mạng đến Hương Cảng thì gặp các nhân sĩ từ Nam Kỳ qua: “Đến nơi thì ông Hội đồng Mỹ Tho, ông Chánh Tổng ở Cần Thơ, ông Hương chức ở Long Hồ đều đã chờ tôi hơn một tuần”([17]). Ông Hội đồng Mỹ Tho chính là Trần Chánh Chiếu. Trở về ông viết Hương Cảng nhân vật và Quảng Đông tỉnh thành phong cảnh đăng trên Lục tỉnh tân văn số 32 năm 1908. Sau cuộc gặp gỡ ấy, Trần Chánh Chiếu lập Minh Tân Công nghệ xã (1/6/1908), rồi lập Minh Tân khách sạn ở trước nhà ga xe lửa Mỹ Tho, Nam Trung khách sạn ở trước nhà ga xe lửa Sài Gòn để kinh doanh và góp tài chính cho phong trào Đông du. Ông biến tờ Lục tỉnh tân văn thành một tờ báo vận động duy tân có khuynh hướng Cách mạng. Qua các cơ sở Minh Tân của ông mà các tác phẩm yêu nước của Phan Bội Châu như Lưu Cầu huyết lệ tân thư, Khuyến quiốc dân tư trợ du học văn, Ai cáo Nam Kỳ, Hải ngoại huyết thư…được phổ biến rộng rãi ở Nam Kỳ. Trần Chánh Chiếu có sang Nhật không? Một số tài liệu khẳng định là ông có đến Nhật để gặp Cường Để, Phan Bội Châu([18]). Có tư liệu còn cho rằng: Trần Chánh Chiếu cho con là Jules Tuyết sang Nhật học tập, có lần vợ chồng Trần Chánh Chiếu mượn cớ sang thăm con để gặp Cường Để, Phan Bội Châu. Ông được Nhật hoàng tiếp kiến, ban cho chiếc áo đỏ và nhiều tặng vật([19]). Chúng tôi cho rằng đây có lẽ là giai thoại để gây thanh thế cho phong trào Minh Tân và Duy tân hội, nhưng cũng xin ghi lại đây để chờ dịp xác minh.
Tháng 8 năm 1908 Trần Chánh Chiếu bị thực dân Pháp bắt, bị giam đến ngày 21/4/1909 thì được thả vì không đủ chứng cứ kết tội. Ra tù Trần Chánh Chiếu vẫn tiếp tục hoạt động. Ông trở thành một nhà văn nổi tiếng, tiên phong về văn học quốc ngữ ở Nam Kỳ. Ông dịch Le Comte de Monte Christo (Bá tước Monte Christo) của Alexandre Dumas với nhan đề Tiền Căn Báo Hậu (lúc đầu đăng trên Lục tỉnh tân văn, 1907, sau được Nhà l’Union xuất bản ở Sài Gòn, 1914-1915), Les trois mousquetaires (Ba người ngự lâm pháo thủ) đăng trên Lục tỉnh tân văn 1913). Ông sáng tác tiểu thuyết Hoàng Tố Anh hàm oan (Phát Toán xuất bản, Sài Gòn, 1910), Lâm Kim Liên (F.H.Schneider xuất bản, Sài Gòn, 1910), được coi là nhà văn quốc ngữ sớm thứ hai sau Nguyễn Trọng Quản.
Năm 1917 vì ủng hộ phong trào Phan Xích Long, Trần Chánh Chiếu lại bị Toà án quân sự bắt giam một thời gian, sau đó được thả ra. Đến năm 1919 ông bị bệnh mất tại Sài Gòn (52 tuổi), an táng tại đất thánh nhà thờ họ Tân Định (nay thuộc Quận Bình Thạnh, TP.HCM).Trương Duy Toản (1885-1957)
Trương Duy Toản tự là Mạnh Tự, hiệu là Đổng Hồ, sinh năm 1885, sinh ở huyện Tam Bình tỉnh Vĩnh Long. Thủa nhỏ học tại Sài Gòn, giỏi chữ Hán và tiếng Pháp. Năm 1905 làm Thư ký văn phòng Tòa Khâm sứ Nam Vang. Năm 1907 đổi về Sài Gòn. Từng đọc nhiều thơ văn duy tân của Phan Bội Châu lưu hành bí mật trong Nam, nên Trương Duy Toản sớm có tinh thần yêu nước chống Pháp. Năm 1908 ông tham gia Hội Minh Tân của Trần Chánh Chiếu, tham gia thành lập “Chiêu Nam lầu” của Nguyễn An Khương ở Mỹ Tho.
Sau đó ông sang Nhật hoạt động trong phong trào Đông du, làm thư ký cho Cường Để. Phong trào Đông du bị chính phủ Nhật giải tán, Trương Duy Toản về nước.
Năm 1913 Cường Để bí mật về nước, đến Sài Gòn. Lúc đi mang theo 3 người: Trương Duy Toản (giỏi tiếng Pháp), Đỗ Văn Y (giỏi tiếng Đức), Lâm Tỷ (giỏi tiếng Anh). Trương Duy Toản đến bắt liên lạc với Phan Chu Trinh nhưng cụ Phan không nhận lời. Vừa ra khỏi nhà cụ Phan, Trương Duy Toản bị mật thám bắt, giải về Sài Gòn, bị tù đến năm 1917 mới được thả ra.
Thấy tình hình Pháp theo dõi mình đã lắng dịu, nhờ sự giúp đỡ của Gilbert Chiếu, một nhà cách mạng có thế lực và Nguyễn Văn Của, một ông chủ nhà in được Pháp nể trọng, Trương Duy Toản lại ra hoạt động văn hóa. Năm 1923 làm chủ bút tờ Trung lập (1924-1933), ông giữ mục “Thiên hạ đồn” rất ăn khách.
Năm 1926 làm chủ bút tờ Sài Thành, bị Pháp để ý kiểm duyệt gắt gao. Sài Thành bị đóng cửa, ông chủ trương tờ Dân quyền (1936 do Cendsieux đứng tên), tham gia vận động cho Đông Dương đại hội, tờ báo cũng bị đóng cửa luôn.
Về hoạt động văn học, Trương Duy Toản cùng với Trần Chánh Chiếu được coi là nhà tiểu thuyết sớm thứ hai sau sau Nguyễn Trọng Quản, nhờ tiểu thuyết lịch sử Phan Yên ngoại sử tiết phụ gian truân (F.H.Schneider xuất bản, Sài Gòn, 1910). Trong cuốn tiểu thuyết này Trương Duy Toản đã gửi gắm lòng yêu nước, ý chí khôi phục lại độc lập đất nước của mình. Trương Duy Toản còn được yêu thích với truyện ngắn Tình hải nhất trích (Một giỏi bể tình, do F.H.Schneider xb, Sài Gòn, 1916), và nhất là truyện về tướng cướp Truyện Đơn Hùng Tính An Nam tục kêu Ba Tính, (Nhà in Xưa Nay, Sài Gòn, 1925).
Trương Duy Toản còn là soạn giả tuồng cải lương và làm thầy tuồng (đạo diễn) nổi tiếng cùng với Nguyễn Trọng Quyền với các vở: Lục Vân Tiên, Kim Vân Kiều, Trang Châu mộng hồ điệp, Lưu Yến Ngọc cứu cha đại hiếu…
Cuối đời Trương Duy Toản về an dưỡng ở Thanh Đa, ông mất năm 1957. Sau đó được cải táng đưa về quê ở Long Hồ, Vĩnh Long. Theo Nguyễn Bá Thế: do phong tục Cao đài, nên di hài ông được liệm ngồi trong cỗ quan tài hình bát giác dựng đứng([20]).
a) Nguyễn Háo Vĩnh (1893 – 1941)Nguyễn Háo Vĩnh sinh ngày 19 tháng 12 năm 1893 tại làng Bình Đức, Long Xuyên. Thân phụ ông là Nguyễn Háo Văn, thành viên sáng lập Minh Tân khách sạn ở Mỹ Tho. Thời trẻ học trường Chasseloup Laubat (Trường trung học Lê Quý Đôn hiện nay), đã tốt nghiệp trung học. Theo Phan Lương Minh trong bài Nguyễn Háo Vĩnh – chiến sĩ phong trào Đông du: “Phong trào Đại Đông du bắt đầu ở miền Nam, người đầu tiên được hội Minh Tân cử đi học là Nguyễn Háo Vĩnh – một thanh niên nhanh nhẹn, hoạt bát, lại có óc tiến bộ luôn tỏ ra bất khuất trước thực dân. Vào năm 1905 Nguyễn Háo Vĩnh cầm đầu phái đoàn sinh viên của Minh Tân công nghệ sang Nhật du học. Ra đi suôn sẻ, đến Nhật họ học nghề trong các xưởng công nghiệp của Nhật, tại đấy họ tiếp xúc với các bậc chí sĩ lão thành nơi hải ngoại”([21])Năm 1908 phong trào Đông du bị đàn áp, Nguyễn Háo Vĩnh được thân phụ rút về Hương Cảng học ở trường Saint Joseph English Hongkong. Tốt nghiệp xong ông về nước. Thân phụ đưa ông lên trình diện Toàn quyền Klobukowski để nói rõ mục đích du học là sang Nhật bằng học bổng của Minh Tân công nghệ xã để học nghề sản xuất hộp quẹt, nhờ thế ông được giao quyền diều hành xưởng hộp quẹt của Minh Tân công nghệ xã. Năm 1916 Nguyễn Háo Vĩnh bị bắt tại Hương Cảng, rồi bị giao lại cho chính quyền thực dân Pháp ở Nam Kỳ. Ông bị toà án thực dân ở Nam Kỳ kết án tử hình, nhưng được Tổng thống Pháp ân xá. Ông về ở với thân phụ ở Cần Thơ. Vào năm 1922, 1923 nhờ Thanh tra chính trị sự vụ tại phủ toàn quyền là Louis Marty đỡ đầu, Nguyễn Háo Vĩnh về Sài Gòn làm báo và chủ nhà in Xưa Nay. Ông làm chủ bút 2 tờ Hoàn cầu tân báo và Nam Kỳ kinh tế báo. Với bút danh Hốt Tất Liệt, ông từng bút chiến với Phạm Quỳnh về việc Phạm Quỳnh lạm dụng chữ Nho, đả kích Lê Hoằng Mưu vì tội viết Hà Hương phong nguyệt là “dâm thư” trên Nam Kỳ kinh tế báo. Về văn học, ông được coi là dịch giả văn học Anh sớm nhất với việc dịch hàng loạt các bi kịch của W.Shakespeare: Chú lái buôn thành Venise, Thái tử Hamlet, Romeo Juliet, Vậy thì vậy (Asyon like)…và truyện về các anh hùng trong lịch sử phương Tây: Chuyện vạn quốc, Anh hùng hào kiệt Rôma…Ông mất năm 1941 tại Gia Định, an táng tại Thủ Thiêm (Quận 2, TP.HCM hiện nay). 3. ĐẶC ĐIỂM CỦA PHONG TRÀO ĐÔNG DU NAM KỲ Từ những hoạt động của phong trào Đông du Nam Kỳ có thể rút ra một số đặc điểm sau đây:
1) Về thành phần tham gia, nếu như người tham gia Đông du của Bắc Kỳ và Trung kỳ phần nhiều là những người con nhà “cừu gia để tử”, những nhà yêu nước lớp trước còn lại, thì người tham gia Đông du ở Nam Kỳ chủ yếu là điền chủ, nhà kinh doanh, học sinh con em nhà giàu có
2) Về đóng góp sức người sức của, có thể nói xứ Nam Kỳ đóng góp nhiều hơn hẳn so với Bắc Kỳ và Trung Kỳ (đã dẫn ở (1) ở trên). Điều ấy là do truyền thống yêu nước, trọng nghĩa khinh tài đồng thời cũng do điều kiện kinh tế: Nam Kỳ là xứ sở giàu có nhất Đông Đương. Theo thống kê, lúc bấy giờ toàn Đông Dương có khoảng 8.000 gia đình giàu có thì Nam Kỳ có 7.000, còn lại 1000 chia cho Trung Kỳ, Bắc Kỳ , Ai Lao và Cao Miên.
3) Về phương diện tư tưởng: Trong khi các phong trào yêu nước ở Bắc Kỳ, khuynh hướng bạo động là khuynh hướng áp đảo, thì ở Nam Kỳ khuynh hướng duy tân về kinh tế là khuynh hướng chính. Tuy nhiên do ảnh hưởng của phong trào Đông du của Phan Bội Châu mà phong trào yêu nước của Nam Kỳ lại xuất hiện một khuynh hướng quyết liệt, bạo động.
4) Về mục đích du học: Trong khi việc du học của trí thức Đông du Bắc Kỳ chủ yếu là “cầu viện” và sau nữa là học về kỹ thuật quân sự, nước họ đến học tập là: Nhật Bản, Trung Quốc và Pháp, thì việc Đông du của Nam Kỳ trước hết là “cầu học” để bồi dưỡng nhân tài, tính kế duy tân lâu dài. Điều ấy nằm trong xu thế chung du học nước ngoài khá rộng rãi ở Nam Kỳ bấy giờ: Hongkong, Malaysia, Anh, Đức, Pháp….
5) Về lãnh tụ, đối với trí thức Trung Bắc, nói đến phong trào Đông du, người ta nghĩ ngay đến Phan Bội Châu, lãnh tụ của phong trào, mà ít ai chú ý đến Kỳ Ngoại Hầu Cường Để. Trong khi đó ở Nam Kỳ, vai trò, vị trí của Kỳ Ngoại Hầu Cường Để hết sức quan trọng. Lý do là dân Nam Kỳ còn rất có thiện cảm và trung thành với Nguyễn Ánh, chúa Nguyễn, triều Nguyễn.
6) Về “Hậu Đông du”, các trí thức Đông du Bắc Kỳ và Trung kỳ sau này đa số có khuynh hướng ủng hộ phong trào Việt Minh do Hồ Chí Minh lãnh đạo, một số ít đi theo hướng thân với chính phủ quân phiệt Nhật. Tình hình “hậu Đông du” của Nam Kỳ phức tạp hơn do có sự phân hoá thành nhiều khuynh hướng, trong đó khuynh hướng ủng hộ, tham gia đạo Cao Đài là khuynh hướng nổi bật.
KẾT LUẬN
Phong trào Đông du do Phan Bội Châu lãnh đạo đã để lại dấu ấn mạnh mẽ trong lịch sử cũng như trong đời sống tinh thần nhân dân Nam Kỳ. Tập hợp xung quanh ngọn cờ Kỳ Ngoại Hầu Cường Để, nhân dân Nam Kỳ đã thể hiện lòng yêu nước cháy bỏng, thiết tha của mình. Từ những điền chủ giàu có ức vạn, theo đạo Thiên chúa, gia nhập làng Tây đến những chỉ biết có Nho học với ruộng vườn; từ những sĩ phu lớp trước đến những trí thức Tây học, đều hồ hởi tham gia phong trào Đông du với ước mơ “Khai dân trí, Chấn dân khí”, làm cường thịnh đất nước, giành độc lập cho dân tộc. Biết bao nhiêu người bị giam cầm, tra tấn ở ngục tù Sài Gòn, Hoả Lò (Hà Nội), Côn Lôn…, không ít trong số họ đã ngã xuống trong tù ngục, trên bước đường bôn ba cứu nước ở Trung Quốc, Hương Cảng, Xiêm La…Tất cả đã tạo nên truyền thống hào hùng, bất khuất của nhân dân Nam Kỳ Lục tỉnh mà lịch sử không bao giờ quên.
Tháng 10 năm 2010 Đ.L.G
TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH
- Phan Bội toàn tập, NXB. Thuận Hoá, Huế, 1990
- Nhiều tác giả: Phong trào Đông du ở miền Nam, NXB. Văn hoá Sài Gòn và tạp chí Xưa và Nay xuất bản, TP.HCM, 2007
- Thiếu Sơn, Những văn nhân chính khách một thời, NXB. Công an nhân dân tái bản, 2006
- Trương Duy Toản, Lịch sử cách mạng Việt Nam cận đại, Tuần báo Tiến thủ, xuất bản ở SG, khởi đăng từ 24 tháng 12 năm 1955
- Trương Minh Đạt, Nguyễn Thần Hiến, nhà cách mạng tiền phong, trong “Nghiên cứu Hà Tiên”, NXB. Trẻ và tạp chí Xưa và Nay xuất bản, TP.HCM, 2008