Vẫn biết rằng, cuộc đời là bể khổ, vấn đề đặt ra con người có đủ kiên nhẫn, vượt qua tự ti, sợ hãi, đủ năng lực, năng lượng để thoát khổ hay không, hay là cứ an tường thủ phận tin theo số phận. Thực tế, bất cứ ai hiện hữu ở đời cũng mong cầu cho mình đạt sự hạnh phúc, nhưng cuộc đời không bao giờ như ý muốn của con người! Có người sinh ra, lớn lên trưởng thành và sống trong môi trường hạnh phúc và ngược lại có người thì luôn sống trong môi trường khổ đau lầm than. Và như thế, con người luôn tự đặt ra câu hỏi có nên tin vào số mệnh hay không? Nếu có sự thay đổi số phận, thì bằng cách nào? Từ xưa đến nay có rất nhiều ý kiến này. Thế nên trong bầu không khí xuân về tết đến, hãy cùng nhau ngẫm về điều này dưới cái nhìn giáo lý nhà Phật.
Nguyễn Du từng nói trong Truyện Kiều: “Đã mang lấy nghiệp vào thân, Xin đừng trách lẫn trời gần, trời xa”. Không phải ngẫu nhiên mà con người hay than thân trách phận. Thế nên, thuyết túc mệnh luận thường lập luận số phận của con người là do quá khứ trước đây an bài, xếp đặt tất cả, mọi cố gắng hay nỗ lực của con người đều vô ích: “Con vua rồi lại làm vua, Con sãi ở chùa thì quét lá đa…”. Còn theo thuyết định mệnh luận cũng là túc mệnh luận, nhưng cường điệu tính chất bất khả kháng của số mệnh. Ý nói, số mệnh là quyết định, mọi cố gắng của con người đều vô ích. Riêng thuyết thiên mệnh luận thì có nhiều nghĩa, không phải nghĩa nào cũng sai. Nếu hiểu mệnh Trời là số mệnh mà ông trời quy định cho mình thì đó là số mệnh luận, hay đúng hơn là thiên mệnh luận, và tất nhiên nó cũng nằm ngoài giáo lý nhà Phật. Nhà Phật dùng thuyết nghiệp thay cho thuyết số mệnh để giải vấn đề số phận con người. Con người có thể chuyển hóa số phận.
Trước hết cần hiểu nghiệp là hành động có dụng tâm, hành động mà không có dụng tâm thì không phải là nghiệp theo đúng nghĩa của từ này. Thế nên, bình tâm mà suy nghiệm thì, trên đời này, không có gì xảy ra một cách ngẫu nhiên hết, mọi sự việc, quá trình xảy ra đều có nhân duyên của nó. Mọi sự việc xảy ra đều tương ứng với nhân duyên được tạo ra từ trước. Nhưng đây là nghiệp chứ không phải là số mệnh.
Nghiệp thì có nhiều loại, nhưng trong Phật giáo thường chú ý tới hai loại nghiệp chính là dẫn nghiệp và mãn nghiệp. Dẫn nghiệp là nghiệp dắt dẫn chúng sinh đi vào một trong sáu cõi, trong số này có ba cõi thiện là cõi loài Trời, cõi A tu la và cõi loài người. Và ba cõi ác là địa ngục, quỷ đói, súc sanh. Chúng sanh ở cõi ác khác cõi loài người rất nhiều. Mắt ta không nhìn thấy họ, nhưng không phải là họ không tồn tại. Chúng nó sống khổ thế nào chúng ta cũng đều biết. Nhưng có nhiều điều người không biết là nếu không sống thiện, không tu tập và sống lối sống ngu si thì sau khi chết, chúng ta có thể tái sanh vào làm súc sinh. Rất có khả năng đó, chúng ta không thể xem thường.
Cho nên ít nhất chúng ta cũng phải biết cơ chế vận hành của nghiệp, đặc biệt là loại nghiệp gọi là dẫn nghiệp. Mục đích là dùng cơ chế vận hành của nghiệp để cuộc sống của chúng ta có ý nghĩa hơn, nhằm chủ động tạo ra những nghiệp có cường độ mạnh để cho đời này cũng như ở các đời sống sau, khôngcòn bị đọa vào các cõi ác, khổ mà luôn tái sanh vào các cõi lành, cõi thiện, dẫn chúng ta đến mục đích cao nhất là giác ngộ và giải thoát.
Vì dẫn nghiệp quyết định hướng tái sanh, cho nên cũng gọi là tái sanh nghiệp. Tái sanh nghiệp hay dẫn nghiệp là những hành động tạo nghiệp có cường độ mạnh hoặc thiện hay bất thiện, quyết định hướng tái sanh của một chúng sanh cũng như các sự kiện chủ yếu ở đời sau của chúng sanh đó. Một người cố ý giết cha, mẹ, bậc thánh A La Hán, làm chảy máu Phật và phá vỡ sự hòa hợp của Tăng chúng, nếu phạm một trong năm nghiệp ác nói trên, thì nhất định phải tái sanh vào cõi sống ác, khổ. Còn nói chung, khi chúng ta sống buông thả, không giữ năm giới, không làm mười thiện thành thói quen, với tâm ác đều có nguy cơ sanh vào một trong ba cõi ác là địa ngục, quỷ đói, súc sanh, và dù có may mắn được tái sanh làm người thì sẽ làm người sống bất hạnh như chết yểu, tật nguyền hay đau ốm, bị người đời khinh rẻ…
Yếu tố gì tạo ra cường độ mạnh của nghiệp, khiến cho nghiệp đó quyết định hướng tái sanh của chúng sanh đó. Chủ yếu là dụng tâm khi tạo nghiệp. Thí dụ tạo nghiệp sát sanh với tâm tham, tâm sân. Đối với nghiệp thiện cũng vậy, cường độ của nghiệp thiện chủ yếu ở chổ dụng tâm chứ không phải ở quy mô và hình thức của sự việc. Trong đạo Phật, có câu: Làm việc đạo với cái tâm đời, tức là tâm danh lợi thì việc đạo biến thành việc đời, còn làm việc đời với cái tâm đạo, tức là cái tâm vì lợi ích của đạo và của chúng sanh thì việc đời cũng biến thành việc đạo. Quan điểm về nghiệp trên giải phóng người nghèo hèn về nỗi bức xúc của mình quá nghèo hèn, quá túng thiếu, muốn làm việc thiện, muốn giúp người đời nhưng không biết xoay sở cách nào.
Câu chuyện về một bà lão ăn mày sống trong thời Phật, muốn cúng dường Phật một ngọn đèn mà không đủ tiền mua dầu. Đi ăn xin, ky cóp mãi mới được một đồng, nhưng khi đến cửa tiệm thì chủ tiệm lại nói một đồng không đủ để mua dầu thắp đèn. Nhưng vì chủ tiệm cảm lòng thành của bà già nên vẫn bán. Cuối cùng bà già cũng có một ngọn đèn để cúng dường Phật, không phải đặt trong tịnh xá nơi Phật thuyết pháp mà chỉ được đặt ở ngoài vườn. Ấy thế mà sau buổi thuyết pháp của Phật, người ta đi dập tắt tất cả những ngọn đèn, chỉ riêng ngọn đèn của bà già ăn mày cúng Phật thì người ta thổi mãi, dập mãi mà không làm sao tắt được. Được hỏi về sự kiện lạ lùng này, Phật nói đó là do sức mạnh lớn lao của lòng chí thành cúng dường Phật của bà lão. Với tâm thành lớn như vậy, thì dù cúng dường một ngọn đèn nhỏ cũng đem lại cho bà ấy một công đức vô lượng, khiến cho Chư Thiên cũng phải cảm ứng, che chở ngọn đèn không bị dập tắt.
Rõ ràng, dụng tâm là yếu tố quyết định tính chất và cường độ của nghiệp. Dụng tâm trong kinh tạng Pali còn gọi là tác ý, cho nên Phật định nghĩa nghiệp là tác ý. Khi đã tác ý theo hướng thiện hay ác, thì tức là đã tạo ra nghiệp thiện hay nghiệp ác rồi. Người bình thường không hiểu cơ chế vận hành của nghiệp cho nên rất hay xem thường, thậm chí ngay đối với lời nói, họ cũng nói một cách vô tâm: “Lời nói bay đi, lời nói vô bằng”. Không biết rằng, ngay những ý nghĩ thoáng qua đầu chúng ta còn tạo nghiệp, huống hồ chi là lời nói. Có lẽ, vì để răn dạy người, Phật đã phân tích có tới bốn điều bất thiện nơi lời nói dối, nói ác, nói chia rẽ, và nói lời vô nghĩa, còn sự bất thiện nơi tâm cũng chỉ có ba là tham, sân, si hay tà kiến.
Tuy nhiên, cần chú ý là theo đạo Phật, dù là nghiệp nơi ý, nơi lời nói hay nơi thân, căn bản vẫn là ở chỗ dụng tâm, ở chỗ chúng ta tu tập tâm hằng ngày, khiến cho tâm ta trở thành thuần thiện, không bao giờ nghĩ ác, chỉ nghĩ toàn điều lành. Một người biết tu tập tâm như vậy, tuy rằng chưa đạt tới đích giác ngộ và giải thoát như các bậc Thánh, Phật hay A La Hán, nhưng có thể nói là đã trên con đường thẳng, dẫn tới đích giác ngộ và giải thoát tối hậu rồi. Hơn nữa trên bước đường dài dẫn tới mục đích tối hậu đó, con người thiện sẽ nhất định không bị đọa vào cõi ác.
Nghiệp là sức mạnh lớn, khi nó là cộng nghiệp của một số đông người, vì không phải là một mà là số đông người tạo ra nó, và số đông ấy có thể là cả cộng đồng người đan xen với biệt nghiệp của từng cá nhân, khiến cho cơ chế vận hành của nghiệp khá phức tạp, mà chỉ có bậc Thánh như Phật mới có thể hiểu hết ngọn ngành, chi tiết: “Với thiên nhãn thuần tịnh, vượt xa tầm nhìn của loài người, Ta thấy các chúng sanh chết và tái sanh như thế nào, Ta thấy những người cao quý và kẻ nghèo hèn, kẻ xuất sắc và người bần tiện, mỗi người đều theo nghiệp của mình tạo ra mà có được thân phận hạnh phúc hay bất hạnh. Chúng ta không có được thiên nhãn thanh tịnh, để có thể được như Phật nắm bắt được tất cả những cơ chế vận hạnh phức tạp của nghiệp, nhưng tối thiểu chúng ta cũng biết được đại khái nhưng cũng rất là đúng đắn:“Ở hiền gặp lành, gieo gió gặp bão”. Đó là sự minh triết của nhân dân Việt Nam, mà tổ tiên, cha ông đã tin theo đạo Phật gần hai mươi lăm thế kỷ nay rồi, khiến cho một thuyết quan trọng và phức tạp như thuyết nghiệp ảnh hưởng đến tâm lý của dân ta đến nỗi, mỗi lần có sự cố bất hạnh xảy ra cho một người, một gia đình hay thậm chí cả một vùng chúng ta buột mồm nói :Tội nghiệp. Đó là tội của nghiệp, nghiệp báo của từng người và nghiệp báo chung, gọi là cộng nghiệp của số đông…
Nghiệp chính là quy luật nhân quả tác động trong phạm vi của nhân sinh. Đạo Phật nói quả nào nhân ấy. Một khi quả chín mùi và xảy ra, thì chúng ta biết đó không phải là ngẫu nhiên mà là kết quả hợp thành của những nhân duyên đã được tạo ra và nay chín mùi.
Nhưng Đạo Phật không nói một cách máy móc: nhân nào quả ấy. Vì sao? Vì hằng ngày chúng ta không ngừng tạo nghiệp bằng ý nghĩ, lời và thân vận động. Nghiệp này nối tiếp nghiệp kia, nghiệp sau tác động trở lại nghiệp trước.v..v… Chính vì vậy mà đạo Phật không nói số phận hay số mệnh, mà nói bất định nghiệp và chuyển nghiệp. Kinh Tiểu nghiệp phân biệt thuộc Trung Bộ III khẳng định: “Người là chủ nhân của nghiệp, cũng là thừa tự của nghiệp…”. Nghiệp do chính mình tạo ra và nghiệp trở lại chi phối mình.
Xem ra con người tự quyết định về cuộc đời của chính mình, chứ không phụ thuộc vào một Thần linh nào khác. Con người quyết định số phận mình bằng hoạt động hàng ngày, hàng giờ, phút trong cuộc sống. Nếu tâm chúng ta hướng thiện thì chúng ta tạo ra nghiệp thiện, hưởng quả báo thiện trong đời này và đời sau. Quy luật nghiệp báo là quy luật nhân quả, giản dị, không có gì khó hiểu, không cần phải mượn tới sức mạnh của Thần linh để giải thích. Thuyết nghiệp của đạo Phật không những khoa học và công bằng, mà nó còn tôn vinh trách nhiệm và giá trị con người. Nó thúc đẩy con người luôn hoàn thiện mình, sống đạo đức, có lý trí và theo lẽ phải. Nó nâng cao giá trị con người chứ không hạ thấp giá trị con người. Nó khích lệ con người hành động và vươn lên, nó không dạy con người sống tiêu cực và yếm thế. Thuyết nghiệp của đạo Phật, nếu được lý giải đúng đắn và mọi người hiểu thấu và thực hành sẽ đem lại bao nhiêu điều tốt đẹp cho mỗi cá nhân, gia đình và xã hội.
Cho nên, với niềm tin thực thi thiện nghiệp, bất cứ ai đã mang nghiệp vào thân rồi, cũng có khả năng tháo gỡ và chuyển hóa nghiệp, nếu chúng ta biết ăn năn sửa lỗi lầm, từ nay tránh mọi điều ác, làm mọi điều lành, giữ tâm, ý luôn luôn trong sạch, hướng thiện. Chúng ta hãy mang trên thân mình toàn là nghiệp lành, hãy dệt đời chúng ta toàn bằng nghiệp lành, nghiệp thiện, trong mỗi ý nghĩ, lời nói và việc làm hàng ngày. Và nhất định, hạnh phúc sẽ đến với chúng ta trong mỗi ý nghĩ, lời nói và việc làm hằng ngày. Có như vậy hạnh phúc sẽ đến với chúng ta trong cả đời này và đời sau. Như mùa đông lạnh giá trôi qua, mùa xuân ấm áp tươi sáng của hạnh phúc Di Lặc tràn về bằng hạnh lành: “Bụng lớn năng dung, dung những điều khó dung trong thiên hạ, Lòng từ thường xả, xả các việc không xã của thế gian”