Con người Việt Nam với truyền thống văn hóa Nho giáo hóa

Khi lựa chọn phương hướng lấy con người làm mục tiêu và động lực phát triển, một nhiệm vụ đặt ra cấp thiết là tìm hiểu con người Việt Nam, con người của hiện tại và cả con người của quá khứ. Con người sáng tạo ra văn hóa và dùng vốn văn hóa tích lũy thành truyền thống tiến lên, từ quá khứ đến tương lai.Với tiến trình phát triển của con người và của lịch sử, văn hóa truyền thống có tính liên tục và có nhiều tác dụng định hướng cho sự nhận thức sự lựa chọn, sự sáng tạo trước những thay đổi. Trong quá khứ, Nho giáo có ảnh hưởng lớn ở Việt Nam. Chúng tôi không bàn về diện mạo Nho giáo của nền văn hóa đó mà muốn đề cập một vấn đề khác: phương hướng Nho giáo hóa, tức là một sự thích ứng, một sự lựa chọn của người Việt Nam trong lịch sử. Và chính sự lựa chọn đó cũng có tác dụng cải biến con người, làm rõ nét thêm những đặc sắc của con người Việt Nam. Bàn theo hướng đó, chúng tôi hi vọng góp thêm được một vài dữ kiện để suy xét vấn đề đổi mới, vấn đề chọn đường hiện đại hóa, đi từ truyền thống đến tương lai.

 
 I. CON NGƯỜI VIỆT NAM ĐÃ GẮN VỚI MỘT TRUYỀN THỐNG VĂN HÓA NHO GIÁO HÓA
 

      Khảo cổ học đã chứng minh Việt Nam có một nền văn hóa bản địa lâu đời trước khi Trung Quốc xâm lăng, biến Việt Nam thành một quận huyện nội thuộc. Các quận huyện nội thuộc không chỉ bị áp đặt một nền văn hóa mà còn được tổ chức lại theo một cơ chế chính trị - kinh tế - xã hội của thiên triều. Cũng có thể hình dung được cách cai trị Lĩnh Nam lúc đó còn là ràng buộc lỏng lẻo, nhưng văn hóa được thể hiện thành cơ chế, cùng với những biện pháp truyền bá khác trong mười thế kỉ, ngấm sâu vào đời sống không ít. Nho giáo cùng với Phật giáo và Đạo giáo được du nhập vào nước ta từ thời Bắc thuộc đó. Sau hàng ngàn năm Bắc thuộc, chúng ta đã dành lại độc lập, cũng không phải là làm ngược lại những cái đã hình thành từ trước. Chủ quyền của thiên triều được thay thế bằng bộ máy cai trị dân tộc. Nhưng cách tổ chức nhà nước, tổ chức xã hội, văn hóa, giáo dục…thì vẫn phải kế tục. Hơn thế, để thực hiện những nhu cầu của đất nước như chống ngoại xâm, đoàn kết để tương trợ và trước hết là để ổn định để tránh địch lợi dụng thừa cơ xâm lược, thì việc giữ gìn nền nếp sẵn có là thích hợp nhất. Cho nên Tam giáo, đặc biệt là Nho giáo phát triển mạnh dưới thời kì độc lập do các triều đại vừa chiến thắng giành được độc lập như nhà Lí, nhà Trần, nhà Lê suy tôn.

 

      Tuy Tam giáo đều từ Trung Quốcvào và hầu như là đồng thời, nhưng quá trình đi vào cuộc sống thì không phải đồng đều mà nhanh chậm khác nhau. Phật giáo từ thế kỉ VII đến thế kỉ VIII đã khá thịnh. Nho giáo phải đến thế kỉ XI, và còn chậm hơn nữa đến thế kỉ XIV-XV mới thật thịnh. Đạo giáo không thể nói là không có ảnh hưởng, nhưng cũng không có một bộ mặt thật rõ nét, dầu là theo kiểu Trung Quốc hay bản địa.

 

      Nếu trước khi bắc thuộc chúng ta có một nền văn hóa bản địa lâu đời và phong phú và nền văn hóa đó có bản sắc Đông Nam Á thì đến thời độc lập đã hoàn thành một quá trình chuyển vùng về văn hóa: từ Đông Nam Á sang Đông Á. Việt Nam lúc ấy đã giống với Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản hơn là giống các nước phía Nam. Chứng tích về việc chuyển vùng văn hóa như vậy có thể nhìn ở việc truyền bá rộng rãi của Nho giáo, của việc thờ thần (Đạo giáo hóa không trọn vẹn, nhà vua phong sắc và quản lí việc thờ thần, triệt bỏ dâm từ). Xu hướng phát triển của Phật giáo là một nét hết sức tiêu biểu. Ở Việt Nam, Phật giáo theo đường biển Nam Á có thể được truyền bá từ trước, nhưng từ khi phái Thiền Tống ra đời ở Trung Quốc thì các Phật phái được thịnh hành ở nước ta như phái Ti-ni-đa-lưu-chi, phái Vô Ngôn Thông, phái Thảo Đườngcho đến phái Trúc Lâm đều thuộc Nam Tông Thiền Tông, tức là theo khuynh hướng Trung Quốc, khác với Phật giáo Ấn Độ.

 

      Có thể nói đay là một sự lựa chọn, tức là chủ động có ý thức, tất nhiên là không nói đến sự qui định của thực tế. Và vào thời kì đầu – thế kỉ thứ VII đến thế kỉ XIII-XIV, tương đương với thời Đường – Tống của Trung Quốc – Phật giáo còn giữ vai trò hàng đầu chứ không phải là Nho giáo.

 

      Tam giáo có ảnh hưởng lớn ở các nước Đông Nam Álà tôn giáo hay chỉ là học thuyết triết học thì còn là vấn đề tranh luận, và giữa ba phái đó cũng khác nhau nhiều. Nhưng khác với tư tưởng phương Tây cả ba đều quan tâm đến vấn đề con người, vẫn đề cõi người, vấn đề hiện thế hơn là các vấn đề siêu hình. Nho giáo và Đạo giáo là những “sản phẩm” Trung Quốc, đối lập nhau, còn Phật giáo là một “sản phẩm” Ấn Độ được du nhập vào Trung Quốc, thì đã trải qua một quá trình thích ứng với điều kiện bản địa, kể cả điều kiện kinh tế, chính trị xã hội và cả điều kiện văn hóa, tâm thức người Trung Quốc, vôn là khác Ấn Độ. Phật giáo phải đối diện với Nho giáo và Đạo giáo (và cả tư tưởng Lão-Trang). Sự đụng độ đi đến xung khắc rồi dung hợp và kéo dài từ thế kỉ I cho đến thế kỉ XIII, khi Tam giáo đã làm xong quá trình thấm quyện vào nhau, tự điều chỉnh, hình thành các xu hướng mới- chúng tôi muốn nói đến phái Thiền Tông trong Phật giáo và phái lí học và phái Tâm học trong Nho giáo – và ba phái đều xác định được vai trò xã hội của mình, phân công phân vùng với nhau trong đời sống văn hóa xã hội. Nho giáo độc quyền chi phối cách tổ chức nhà nước, tổ chức xã hội, giáo dục thi cử, và do đó chi phối chính trị, học thuật, có tác dụng quyết định đến luân lí. Phật giáo và Đạo giáo là những tôn giáo, có khi được triều đình hết sức tôn sùng, nhưng cũng chỉ có tác động nhất thời khi các hòa thượng và các đạo sĩ cụ thể được nhà vua tin cậy. Nhà vua có thể sùng tín, tiếp đãi long trọng, bỏ nhiều tiền của xây chùa, quán, đúc chuông, xây tượng. Và vua sùng tín thì các quan còn sùng tín hơn. Nhưng không phải vì vậy mà triều đình có thể thay đổi tổ chức, chế độ, chính sự, tức là những pháp điển theo Nho giáo. Đó là ở phía trên. Còn trong đời sống thôn xã, trong sinh hoạt kinh tế nông nghiệp, người ta vẫn tin ở Trời, kính sợ Thần linh và thờ cúng tổ tiên. Phật giáo hay Đạo giáo cũng chỉ đưa thêm vào những vị thần mới. Ngọc Hoàng Thượng Đế có bị sắp xếp theo cách khác mà thay đổi vị trí theo Phật và Thái Thượng Lão Quân, thì đối với nhân dân, tín ngưỡng đối với Trời cũng không theo đó mà thay đổi.

 

      Quá trình tồn tại song song của Tam giáo dẫn đến sự dung hợp. Nhưng không phải không có phương hướng mà là dung hợp với vị trí hàng đầu vị trí chi phối của Nho giáo. Phật giáo, sau việc phải dùng các khái niệm Đạo gia để dịch các thuật ngữ Phật học, sau khi tránh các vấn đề đụng chạm đến những quan hệ gia đình xã hội và nhà nước mà thực tế Trung Hoa và Ấn Độ không giống nhau, sau khi tìm tiếng nói chung giữa Huyền học với Phật học và tìm cách để được chấp nhận thì hình thành Thiền Tông. Thiền Tông truyền bá chủ trương “giáo ngoại biệt truyền, bất lập văn tự, minh tâm kiến tính”, tức là đã không câu nệ theo Phật giáo Ấn Độ trì giới, tụng kinh, thiền tọa, du hành qua nhiều kiếp thoát khỏi luân hồi mới thành Phật, mà chủ trương đốn ngộ, tức khắc thành Phật. Đạo giáo cũng không kiên trì chủ trương chống đối với nhà nước thi luân lí mà đi vào tu luyện hoặc là bằng phù chú hoặc là bằng luyện đơn, nhắm dưỡng sinh. Cả Phật giáo và Đạo giáo đều khuyến thiện, mà “thiện” thì tức là hiếu với cha mẹ, tôn kính bề trên và trung với vua, yêu thương, cứu giúp mà không làm điều tham lam độc ác với người khác. Nói cách khác, làm điều thiện cũng có nghĩa là tôn trọng thể chế và quy phạm đạo lí của Nho giáo.

 

      Không phải chỉ Phật và Đạo tự cải biến mà Nho giáo cũng tự cải biến. Học thuyết Nho gia vốn không phát triển về mặt bản thể, siêu hình. Từ Mạnh Tử, Nho gia đã phải vay mượn nhiều ở Đạo giáo để hoàn chỉnh học thuyết của mình. Cho đến khi gặp Phật giáo và Đạo giáo thì cũng tự thấy cơ sở triết học của việc tu dưỡng đạo đức thiếu hẳn phần bản thể luận, mà việc tu dưỡng cũng thiếu trình tự. Cũng phải nói thêm là Đạo giáo đã học được ở Phật giáo cách tu luyện và tổ chức từ trước. Cho nên việc Hàn Dũ đề cao đạo thống, việc các nhà Lí học bàn về Tâm tính, Lí khí, các nhà Tâm học đề cao Tâm đều chịu ảnh hưởng của Phật giáo. Nhưng nếu nói Tống Nho đã Phật giáo hóa Nho giáo thì cũng chỉ đúng một nửa. Thực ra trong xu thế dung hợp, Phật giáo và Đạo giáo phải thích ứng với chính trị với luân lí Nho giáo và Nho giáo vay mượn phần triết học của Phật để phát triển học thuyết tu thân của mình, và hơn thế, khi học theo Phật giáo thì Nho giáo vẫn bảo vệ những cơ sở lí thuyết chính trị - đạo đức vốn có và giữ vai trò xã hội của “đạo thánh”và coi Phật giáo và Đạo giáo là dị đoan. Sau sự thay đổi đó, ảnh hưởng Nho giáo trong xã hội lớn hơn trước.

 

      Tam giáo được truyền bá vào Việt Nam có thể là sớm, trong thời đầu Bắc thuộc từ đầu đời Hán. Nhưng quá trình tiếp nhận chậm chạp. Phật giáo có mặt từ trước, khi ra đời Thiền Tông thì các chùa chiền đều ngả theo Thiền Tông (thực tế là kết hợp với Mật Tôngvà Tịnh Độ Tông). Nho giáo chậm hơn Chu Văn An, người được coi là học tổ thứ hai sau Sĩ Nhiếp, viết “Tứ thư thuyết ước”, tức là truyền bá Lí học Tống Nho. Việt Nam không tham gia vào quá trình dung hợp Tam giáo như Trung Quốc, nhưng tiếp thu cái đương đại ở Trung Quốc phù hợp với nhu cầu bản địa: dùng Nho giáo để xây dựng nhà nước tập trung, xã hội thống nhất. Văn hóa truyền thống Việt Nam từ thời Lí đã đi theo hướng nho giáo hóa như vậy. Tam giáo phát triển trong xu hướng chung đó mà con người cũng bị điều kiện hóa trong truyền thống văn hóa Nho giáo hóa như vậy.

 

 

 

II. CON NGƯỜI – VẤN ĐỀ HÀNG ĐẦU CỦA NHO GIÁO. SỰ ĐỔI THAY QUA QUÁ TRÌNH DUNG HỢP

 

 

 

1.                     Nho giáo là học thuyết đặc biệt coi trọng con người, coi con người cùng với Trời và Đất là “Tam tài”(Dịch. Hệ từ hạ). Con người có vai trò tham phối với Trời Đất, góp phần vào sự hóa dục (vạn vật) của Trời Đất (Trung dung). Vì vậy từ Khổng Tử, Nho giáo đã coi trọng cõi người, quan hệ giữa người và người, việc tu dưỡng thành người. Con người là linh thiêng, khác với cầm thú và các vật vô tri. Học thuyết chính trị - đạo đức mà trung tâm là tư tưởng  nhân nghĩa của họ, được xây dựng trên cơ sở khuynh hướng nhân bản đó.

 

        Nhưng chúng ta muốn hiểu thực chất tư tưởng Nho giáo về con người thì phải nghe cả những lời công kích của các học phái đối địch: Mặc gia, Đạo gia và Pháp gia. Mặc Tử tán thành “nhân” với nội dung yêu thương con người của Khổng Tử, nhưng cho nhân như Khổng Tử chủ trương là “biệt ái”, yêu lấy người của mình (cha mình, vua mình theo sự phân chia họ hàng, đẳng cấp và chế độ vua quan)chứ không phải “kiêm ái”, yêu thương con người, yêu thương mọi người như nhau. Cũng giống Nho gia, Mặc Tử coi trọng con người, cõi người, từ đó mà nói nhân tức là lòng yêu thương lẫn nhau. Chỗ khác là Mặc Tử nhấn mạnh con người là con của Trời nên đồng đẳng, bình đẳng, không thể phân biệt theo họ hàng, đẳng cấp và thể chế chính trị - xã hội. Hơn thế, con người sống nhờ vào sức mình chứ không chờ “mệnh”, giàu nghèo là tại mình chứ không tại mệnh, áp bức bóc lột, sống dựa vào gia thế, thân phận che dấu dưới vỏ bọc là mệnh Trời, mệnh vua là bất công. Mạnh Tử người chống Mặc Tử dữ dội, bảo vệ quan điểm có phân biệt (sai đẳng) đó của Nho giáo. Khổng Tử, Mặc Tử và Mạnh Tử đều nói đến con người của xã hội. Chỗ khác nhau là cách nhìn con người trong quan hệ với Trời và với tổ chức xã hội.

 

        Đạo gia là một phái triết học chống truyền thống Ân Chu, cũng tức là chống Nho giáo, và là phái có ảnh hưởng lớn nhất trong thời Tiên Tần. Nhưng hệ thống kế thừa trong học phái đang có nhiều chỗ nghi vấn, trước hết là lai lịch vị tổ sư Lão Tử, quan hệ giữa Lão Tử với Dương Chu, với sách Đạo Đức Kinh. Chống lại học thuyết “nhân” của Khổng Tử và “kiêm ái”của Mặc Tử là Dương Chu. Dương Chu đưa ra thuyết “vị ngã”. Ông nói đến một con người sinh vật, một con người tự nhiên có giác quan, có dục vọng, có những đòi hỏi của giác quan, dục vọng, tìm sự vui sướng. Con người, và là mỗi một người, theo ông đều có cái “ngã” (tôi) và chỉ nên vì cái tôi đó (vị ngã). Cho nên quan tâm của con người nên là giữ gìn sinh mệnh, giữ đúng bản tính (toàn tính, bản chân) không để cho ngoại vật chi phối. Ngoại vật mà Dương Chu nói đến trước hết phải kể đến là những qui chế về chính trị, xã hội, những qui phạm về đạo đức. Tác giả Đạo Đức Kinh (cũng gọi là Lão Tử) và Tông Kiên, Doãn Văn đặt con người trong cả vũ trụ, nói đến sự ra đời của nó từ Đạo, từ Âm Dương, từ Tinh khí, sự hình thành trí tuệ - chỗ phân biệt người với các vật khác – tóm lại là quan tâm đến một con người tự nhiên, coi nó là một sản phẩm của tự nhiên, một bộ phận của tự nhiên, những quan hệ trong xã hội chỉ là cái có sau, không tất yếu, mà thế giới linh thiêng ( kể cả Trời và Thần linh), nếu có, thì cũng chỉ là những sản vật của tự nhiên. Con người chỉ là một dạng biến hóa của muôn vật – không có ý vị linh thiêng nào – sống tự nhiên (đói thì ăn, khát thì uống) trong tự nhiên. Không nên kiêu ngạo và có ảo tưởng bày đặt thêm những cái nhân vị mong làm cho tự nhiên tốt hơn, đẹp hơn, mà chỉ nên sống hòa vào tự nhiên, thuận với tự nhiên. Những cái nhân vi, trái tự nhiên chỉ làm hại tự nhiên, làm hại con người. Những cái nhân vi mà họ phản đối chính là đạo đức và chính trị của Nho gia.  

 

        “Mất Đạo rồi mới có Đức; mất Đức rồi mới có Nhân; mất Nhân rồi mới có Nghĩa; mất Nghĩa rồi mới có Lễ. Lễ chỉ là cái vỏ mỏng của lòng trung tín mà cũng là đầu mối của hỗn loạn”.

 

                                                           (Đạo Đức Kinh, chương XXXVIII)

 

Pháp gia ra đời sau Nho, Mặc và Đạo gia và là học thuyết chống Nho gia kịch liệt nhất, kịch liệt đến mức khi được nhà Tần trọng dụng thì chủ trương “Đốt sách, chôn Nho sĩ”. Chỗ đối lập giữa hai học phái tập trung ở vấn đề chính trị: đường lối trị nước. Một bên cai trị bằng Đức, bằng Lễ, bằng Văn; một bên cai trị bằng Pháp, bằng Thế, bằng Thuật. Nhưng đằng sau đó có vấn đề con người. Về tư tưởng triết học thì Pháp gia mà người đại biểu trọn vẹn nhất là Hàn Phi, tiếp nhận ảnh hưởng của Lão Tử và Tuân Tử, có quan điểm duy vậtvà biện chứng rất sâu sắc về tự nhiên và qui luật. Nhưng họ là những nhà chính trị thực hành, những người nhìn con người là dân, thuộc về vua. Pháp gia phát triển thuyết “Tính ác” của Tuân Tử thành “tính tự vị”, tức là ích kỉ, tham sống, sợ chết, ham thưởng, ghét phạt, lấy đó làm cơ sở cho cách cai trị “thưởng hậu, phạt nặng”. Với dân như vậy không thể kiêm ái; dùng đức, dùng nhân nghĩa để cai trị cũng vô hiệu, phải thể chế hóa quyền lực (Thế), đặt pháp luật (Pháp) thống nhất, đầy đủ và công khai, bắt mọi người tuân theo và dùng biện pháp, thủ đoạn (Thuật) để kiểm tra. Pháp gia đã có một quan niệm sâu sắc về chính quyền, tách chính quyền với người cầm quyền. Trước chính quyền, mà tiêu biểu là vua, là pháp luật, mọi người là bình đẳng, nhưng đều là nô lệ, là súc vật giành thưởng, tránh phạt, làm theo ý người cầm quyền. Nho gia công kích Pháp gia là độc ác, thiếu tình nghĩa.

 

Từ những sự khác nhau trên ta có thể thấy tinh thần nhân bản, dân bản của Nho gia và cách Nho gia hiểu con người. Nho gia chú ý đến con người xã hội hơn con người tự nhiên, chú ý đến con người đạo đức hơn con người trí tuệ. Con người do Trời sinh ra và nhận được từ Trời “tính” và “mệnh”. Tính con người vốn thiện, mang sẵn mầm mống nhân, nghĩa, lễ, trí. Con người sống trong các cộng đồng xã hội: nhà, họ, làng, nước, những cộng đồng giống như gia đình, có thân sơ, có trên dưới. Đạo đức con người, cái tính thiện của con người chính là biết ứng xử trong các mối quan hệ khác nhau (có phân biệt) giữa người và người trong các cộng đồng mà mình tham gia. Qui tắc ứng xử là lễ, nghĩa. Tính con người vốn thiện, nhưng trong thực tế con người có ác. Sở dĩ như vậy là do “tập” (tính tương cận. Tập tương viễn). Tập là thói quen, là cái học được trong đời sống chung, là cái mình thực hành. Vì vậy, cần phải cải thiện tập: từng người phải học, phải tu dưỡng và cả xã hội, mà vai trò hàng đầu là người gia trưởng, người cầm quyền, phải lo giáo hóa, phải làm cho phong tục thuần hậu.

 

Con người nhận ở Trời không chỉ có tính mà còn có mệnh. “ Chết sống là có mệnh, giàu sang là tại Trời” (Luận Ngữ). Con người không thể tự quyết định, không có tự do. Nhưng cũng có một chỗ không phải là Trời mà chính là con người, từng người, tự quyết định và tự mình chịu trách nhiệm: trí và ngu do học và không học, có đức và không có đức do chịu tu dưỡng hay không tu dưỡng. Ở hai chỗ ấy không phải là sự tiền định của Trời (mệnh) mà lại là sự lựa chọn, sự nỗ lực của người, của từng người (lực) quyết định. Đó là cơ sở để Nho gia chủ trương “Từ thiên tử cho đến thứ dân ai cũng phải lấy tu thân làm gốc” (Đại học).

 

Trong xã hội có hai hạng người: quân tử và tiểu nhân. Đầu tiên đó là một sự phân chia theo thân phận, đẳng cấp. Nhưng đi theo đó cũng là phân chia theo có học và ngu dốt, có đức và không có đức. Nhưng thực tế có người quân tử (ở đẳng cấp trên) mà vô học, vô đạo đức và ngược lại. Cho nên Khổng Tử chọn học trò không xét xuất thân và chủ trương ai cũng phải học và tu dưỡng. Đích của học là làm theo lí tưởng. “Người quân tử mà bỏ điều nhân thì sao còn gọi được là quân tử?”(Quân tử khứ nhân ô hồ thành danh?) (Luận ngữ). Người quân tử lí tưởng không coi tự do và hạnh phúc của bản thân là đích tìm kiếm trong cuộc đời. Đó là con người sống theo lí tưởng nhân nghĩa, yêu thương người khác và sống đúng đắn, sống có trách nhiệm đối với người khác, cái quan tâm không phải là lợi lộc, giàu sang mà là có học, có đạo đức, có ơn nghĩa với người khác. Cho nên trong cuộc đời họ sống an mệnh, an phận, an bần lạc đạo, theo lễ chứ không đòi hỏi, đấu tranh gì cho mình. Người quân tử bao giờ cũng khiêm tốn và nhường nhịn, bằng lòng với cái mình có. Đó là quan niệm đối lập Đạo lí với Nhân dục, đối lập Nghĩa với Lợi.

 

Con người không tự coi là cá nhân quan tâm đến lợi ích, hạnh phúc, cái vui riêng của mình, nhưng lại có ý thức về bản thân để có trách nhiệm với mọi người, để nỗ lực học tập và tu dưỡng và để nhìn nhận giá trị của bản thân mình.

 

2.Cho đến khi tiếp xúc với Phật giáo, trong hàng ngũ Nho gia có nhiều ý kiến khác về vấn đề “tính thiện”, như thuyết “tính ác” của Tuân Tử, thuyết “tính Tam phẩm”của Đổng Trọng Thư, thuyết ‘tính vô thiện vô ác”, “tính thiện ác hỗn”…, tuy rất khác nhau nhưng đều để bàn vấn đề tu dưỡng, để đạt đến cái thiện theo Nho giáo.

 

Nho giáo đến đời Hán được đưa lên vị trí độc tôn, thành một thứ quan học, một thứ tôn giáo củ nhà nước. Trong thực tế như vậy, một mặt nó thành thứ thần học mà hệ thống kinh điển được giải thích theo ý nhà vua. Đồng thời với việc thờ cúng Tiên thánh, Tiên hiền, Nho giáo cùng với thờ Trời, thờ tổ tiên, thờ bách thần, nó cũng tồn tại như một tôn giáo. Với hai mặt như vậy nó đối diện với Phật giáo và Đạo giáo. Phật giáo và Đạo giáo là hai tôn giáo rất khác Nho giáo trong cách hiểu con người, nhưng có điểm giống với Nho giáo là rất coi trọng việc tu dưỡng , tu luyện.

 

Phật giáo coi cuộc đời là bể khổ. Con người không tránh khỏi cảnh sinh lão, bệnh, tử mà vì vô minh nên cứ chấp trước về cái “ngã”, tham muốn nên tạo ra duyên nghiệp, không thoát khỏi vòng luẩn quẩn luân hồi. Phật giáo đề xướng chủ trương giải thoát khỏi vô minh, thoát khỏi ngã chấp, thoát khỏi khỏi duyên nghiệp để được đến cõi Niết Bàn, cực lạc. Để đạt được mục đích giải thoát, các tín đồ Phật tử phải trải qua một quá trình tu hành lâu dài, vừa hướng nội tu tâm dưỡng tính, vừa hướng ngoại bố thí cầu thiện nghiệp. Để hướng dẫn việc tu hành của tín đồ, Phật giáo có kinh kệ để tụng niệm, có những tranh tượng, bàn thờ trang nghiêm, những giới luật chặt chẽ, những hình thức sinh hoạt trong tự viện. Ngoài những cái đó, Phật giáo cũng nghiên cứu kĩ về hoạt động tinh thần của con người, mô tả cõi Niết Bàn, tâm trạng cực lạc được giải thoát và cả cảnh địa ngục rùng rợn dành cho người làm điều ác, những người không thoát được ngã chấp, tham dục. Việc tu hành của Phật giáo có lí luận, có trình thức và có sức mạnh hấp dẫn, gây lòng tin.

 

Đạo giáo không coi đời là bể khổ mà cũng không coi con người là ngu xuẩn. Họ quan niệm có một thế giới tốt đẹp hơn thế giới trước mắt: tiên cảnh. Và trong con người tiềm ẩn khả năng tìm đến được thế giới đó ngay trong hiện thế, không thoát li cuộc đời mà cũng không phải chờ đến sau khi chết. Hướng tu luyện của Đạo giáo là rèn luyện, phát huy những khả năng đó của con người để đến tiên cảnh. Cách tu dưỡng là tập trung “tinh”, “khí”, “thần” làm cho nó không hư hao mà tăng trưởng, tạo thành sức mạnh có thể sai khiến được thần linh, có thể làm cho xương thịt không già, sống hàng trăm tuổi vẫn trẻ như trẻ thơ. Cách tu luyện của Đạo giáo rất phong phú, hoặc là luyện khí, tập thở khí công, tập võ thuật, luyện phù chú, luyện kim, luyện đơn tìm phương thuốc, hoặc chọn cách ăn uống, tịch cốc, cho đến cả phòng trung thuật, cho đến luyện nội đơn biến thân thể, phân tự nhiên của con người (kể cả tinh, khí, thần phụ thuộc vào thân thể), phát hiện và rèn luyện, phát huy nó để đạt đến trường sinh bất tử, vượt ra ngoài sự chi phối của ngoại cảnh. Ưu thế của Đạo giáo là hiểu biết con người tự nhiên, thân thể và những khả năng vật chất và tinh thần của nó dựa vào sự tích lũy của y học và các phương kĩ vệ sinh và võ thuật. Khi tiếp xúc với Phật giáo, Đạo giáo cũng học tập được ở Phật giáo phương pháp tu hành và cách tổ chức chùa chiền và giáo đoàn.

 

Sự tiếp xúc Phật – Đạo cũng tăng cường sự cọ xát về tư tưởng, kích thích cả hai phía đi sâu vào các vấn đề của bản thể luận, siêu hình học, nhận thức luận…

 

Trước hai luận địch như vậy – thực ra không chỉ là tranh luận học thuật mà là cạnh tranh giữa ba lực lượng trí thức và tôn giáo giành ưu thế trước chính quyền – Nho giáo cũng phải tự xét lại mình. Hàn Dũ xướng đạo thống đối trí với thần phổ Phật giáo và Đạo giáo, khẳng định lại nội dung nhân nghĩa của Nho gia. Nhưng vẫn cong những mặt yếu kém. Từ thế kỉ thứ IX đến thế kỉ XIII, các nhà Nho ra sức hoàn chỉnh mặt bản thể luận, phần nhận thức luận, cung cấp cho Nho giáo hình thức của của một hệ tư tưởng triết học hoàn chỉnh. Cống hiến của Chu Hi là hoàn chỉnh hệ tư tưởng Lí học, làm cho Nho gia có những kiến giải tương ứng để đối thoại với luận địch. Con người, với Tống Nho, ngoài phần là con người xã hội đã được chú ý đi sâu hơn về tâm tính, quan hệ giữa Lí va Dục…, và việc tu thân cũng được bàn có cơ sở triết học. Tuy Nho gia không đặt thêm các nghi thức tôn giáo, giới luật như cách tu hành của Phật giáo, nhưng những tư tưởng chủ kính – so với Phật, Đạo là chủ tĩnh – những chủ trương tự kiểm điểm thì cũng đã chịu ảnh hưởng của Phật, Đạo, phức tạp hơn nhiều so với chủ trương học tập, nghe và làm, suy nghĩ…, trong kinh điển Khổng Mạnh. Tuy là chịu ảnh hưởng nhiều như vậy, nhưng Nho gia vẫn bảo vệ không thay đổi phần nền tảng, tức là tinh thần nhập thế, chủ trương con người coi giá trị đạo đức hàng đầu, sống có trách nhiệm với gia đình, bà con họ hàng, với vua với nước, với cha ông và con cháu. Cho nên khi đã vay mượn nhiều ở Phật giáo, Nho giáo vẫn phản đối tinh thần giải thoát và coi Phật, Đạo là huyền hư. Con người thiết thực, sống bám chắc vào hiện thế chính là cái mà Nho giáo để lại ảnh hưởng sâu trong các nước Nho giáo hóa.

 

Về con người chịu ảnh hưởng Nho giáo cũng nên nói thêm một điểm biểu hiện rõ ở đây: thái độ đối với cái dị kỉ. Một mặt đó là sự dung hòa, thỏa hiệp theo tinh thần trung dung, học theo những chỗ mình thấy yếu kém; nhưng mặt khác lại rất ngoan cường kiên trì những chỗ cốt lõi, không bao giờ nhân nhượng, đúng như Khổng Tử nói: “ Chẳng nói cứng là sao! Mài chẳng mòn. Chẳng nói là trắng sao? Nhuộm mà chẳng đen”.

 

 

 

III. CON NGƯỜI THEO TRUYỀN THỐNG NHO GIÁO VỚI VẤN ĐỀ HIỆN ĐẠI HÓA

 

 

 

1. Quá trình cận-hiện đại hóa ở các nước chịu ảnh hưởng của Nho giáo đã gặp nhiều cản trở to lớn. Các thế hệ những nhà yêu nước lớp trước đã nói nhiều tác động tiêu cực của Nho giáo. Những cuộc vận động duy tân, Âu hóa giữa hai thế kỉ và phong trào cách mạng hơn nửa thế kỉ qua đã đưa vùng Đông Á gia nhập vào thế giới hiện đại. Ngày nay, với những thay đổi lớn lao trên thế giới, vấn đề hiện đại hóa lại đang được đặt ra. Nhưng vấn đề xem xét con đường hiện đại hóa lần này được đặt ra với một nhận thức, với những dữ kiện khác về vùng văn minh Nho giáo. Cồn cuộc đổi mới và hiện đại hóa của ta ngày nay nằm trong thực tế mới đó. Không những càng ngày người ta càng thấy sự phát triển gắn liền với truyền thống văn hóa, với nhân tố quyết định hàng đầu là con người, mà truyền thống văn hóa Đông Á – với nét đặc trưng là văn minh Nho giáo – có những mặt mạnh trước đây không nhìn ra.

 

Để đổi mới, chúng ta cần hiểu con người Việt Nam, hay con người Việt Nam thuộc truyền thống văn hóa Đông Á đó. Chúng tôi nghĩ có một số vấn đề cần làm sáng tỏ:

 

-                            Cách hiểu con người. Bản thân con người và những quan hệ của nó, đặc biệt là những quan hệ xã hội.

 

-                            Sự lưu tâm đặc biệt đến đạo đức, luân lí, nhất là đòi hỏi sống có trách nhiệm.

 

-                            Vị trí hàng đầu của tu dưỡng và giáo dục.

 

Đó là những nhân tố có ảnh hưởng rất quyết định đào luyện nên con người trong truyền thống.

 

2.     Có những thực tế làm chúng ta suy nghĩ.

 

a) Trong văn hóa truyền thống của ta, cá nhân không được coi trọng, thậm chí còn bị vùi dập, phủ nhận. Con người không được chú ý quá nhiều đến hạnh phúc và tự do của bản thân. Trước hết nó phải tự coi là thành viên của cộng đồng (quan trọng nhất là gia đình, họ), giá trị của mỗi người là hoàn thành chức năng của mình trong cộng đồng (làm cha, làm con, làm vua, làm tôi). Thế nhưng lại đào tạo được những nhân cách cao thượng, bất khuất, có lòng nhân ái cao, hi sinh vì nghĩa, điều chỉ có thể đạt được khi có ý thức cao về bản thân. Chúng ta nên rút ra bài học gì về bồi dưỡng nhân cách?

 

b) Nói Nho giáo rất coi trọng việc giáo dục và nhà nước Nho giáo đặt ra việc giáo hóa còn cao hơn cả việc cai trị, nhưng trong thực tế thì tổ chức công việc đó lại khá sơ sài. Trường học nhà nước chỉ có đến phủ huyện và cũng không được trang bị gì (kể cả sách giáo khoa). Nội dung học lại càng có nhiều thiếu sót, hầu như chỉ được học đạo đức và văn chương. Con người chủ yếu được đào tạo trong gia đình và sự chăm chút của các ông thầy. Thế nhưng kết quả đào tạo được thành được một xã hội có nhiều người biết chữ, một tâm lí hiếu học, một phong tục coi trọng văn hóa. Những cái đó bồi dưỡng nên những người say mê học hỏi suốt đời. Tổ chức sơ sài và nội dung nghèo nàn của nền giáo dục đã làm chậm sự tiến bộ, sự phát triển của xã hội. Nhưng giáo dục trong gia đình và sự mẫu mực của các ông thầy, mà xã hội Nho giáo rất tôn trọng, phải chăng là chỗ chúng ta ngày nay cần bổ sung cho nền giáo dục do nhà nước đảm nhận? Phải chăng đó là một khâu quan trọng trong việc bồi dưỡng nhân cách?

 

3. Nho giáo rất coi trọng gia đình, thậm chí hình dung cả xã hội, cả vũ trụ theo mẫu gia đình. Cả quan hệ nhà nước đối với dân cũng được coi là một quan hệ giữa cha với con (vua quan là cha mẹ dân). Cách hình dung đó dẫn đến hai kết quả:

 

a) Hình thành một quan hệ tình nghĩa gia đình phổ biến, làm mất ý nghĩa của tổ chức nhà nước. Dân nghe theo người có đức, người trên (nhân trị, đức trị, lễ trị) chứ không chấp hành pháp luật.

 

b) Làm mất vai trò xã hội, tức là quan hệ bình đẳng và sự kết hợp tự do giữa người với người. Thiều điều đó không thể nói đến người công dân, pháp luật chung cho mọi người, sự hợp tác tự nguyện.

 

Cả hai hạn chế ý thức về bình đẳng xã hội, tinh thần đấu tranh cho công bằng, hạn chế dân chủ.

 

Với cách suy rộng từ gia đình ra, Nho giáo hình dung thế giới thành các tổ chức nhà - nước – thiên hạ và cả trời đất, vũ trụ đồng dạng với gia đình, với gia trưởng đứng đầu: trong nhà có cha, trong nước có vua, trong thiên hạ có thiên tử, trong toàn thế giới có Trời. Trời là cha của muôn vật. Cũng với cách suy nghĩ như vậy mà Khổng Tử nói: “Bốn biển là anh em”(“Tứ hải giai huynh đệ”). Coi vua quan là cha mẹ, dẫn đến những hậu quả như thế nào thì nhiều người đã biết và trên đây chúng tôi đã nói. Chúng tôi muốn nói thêm về vấn đề Trời là cha và bốn biển đều là anh em.

 

Vấn đề thứ nhất: Trời là cha chung, và ảnh hưởng đến tâm linh.

 

Nho giáo cũng coi Trời là thần chí thượng, rất coi trọng mệnh Trời và lòng kính Trời, sợ Trời. Nhưng Trời là cha chung, là tổ tiên chứ không phải đấng sáng thế. Việc tạo lập thế giới còn do một “đạo”, một “lí” nào đó. Cho nên với Trời con người thấy gần gũi như con với cha, không tự thấy yếu đuối, nhỏ bé, tội lỗi, có thể hình dung con người ngang hàng với Trời Đất mà không thấy phạm tội bất kính. Trời cũng theo dõi hành vi con người, thi hành sự thưởng phạt, nhưng bản tính của Trời là chí đức, là hiếu sinh, không đe dọa bằng thiên đường hay địa ngục. Nho giáo không có quan niệm về ngày tận thế, ngày phán xét cuối cùng, làm con người thắc thỏm lo âu.

 

Thế giới vận động có qui luật (đạo) và Trời cũng không thể làm khác. Thế giới là vô cùng vô tận. Kinh dịch không kết thúc ở quẻ Kí tế (đã xong) mà ở quẻ Vị tế (chưa hoàn thành). Trong chuỗi sống vô cùng ấy, mỗi người là một khâu giữa tổ tiên và con cháu – cách hình dung theo kiểu huyết thống gia đình – vì vậy sống có trách nhiệm, hiếu với tổ tiên (cao nhất là Trời) và để phúc cho con cháu. Trong dòng giống lâu dài giữa nhân quần, con người sống với bà con, chết về với tổ tiên và linh hồn vẫn quẩn quanh với con cháu. Cho nên chết không gây ra cảm giác chấm dứt, gây sợ hãi, tuyệt vọng. Cũng là với quan điểm cội nguồn, dòng giống như vậy, đối với thiên nhiên – tức là vạn vật do Trời sinh ra – con người không có thái độ kì thị, thù địch tìm cách khuất phục, mà tìm cách hòa đồng.

 

Quan niệm Trời là cha chung, là tổ tiên như vậy không phải là nguyên nhân dẫn đến sự phát triển chậm của khoa học và triết học, nhưng cái yên, cái vui do quan niệm đó gây ra thì lại là một đời sống tâm linh nhẹ nhõm.

 

Vấn đề thứ hai: bốn biển đều là anh em.

 

Trong cách quan niệm của nhà Nho, con người gắn với nhà, với họ, với nước (người nước Lỗ, người nước Tề…). Trên nước là thiên hạ. Thiên hạ là dưới gầm trời. Tuy vậy thiên hạ vẫn là lãnh thổ. Lãnh thổ tuy không có biên giới xác định lắm nhưng vẫn thuộc thiên tử. (Đất đai dưới gầm trời, đâu chằng là của vua. Người trên đất ấy ai chẳng là thần dân của vua). Nhưng tứ hải còn rộng hơn, không chỉ gắn bó với quyền vua nữa. Cho nên, bốn biển là anh em tức mọi người là anh em. Ngày trước, khi quan hệ thực tế phụ thuộc vào biên giới nhà, họ, làng, nước – tức là quốc gia dân tộc – thì có tình máu mủ, tình đồng tông, đồng hương, đồng bào; còn tình anh em giữa người trong bốn biển không có nội dung thực tế. Nhưng ngày nay - hay trong tương lai – trước xu thế thế giới hóa, trước tình hình tiếp xúc, giao lưu quốc tế làm biên cương của quốc gia dân tộc trở thành mờ nhạt thì quan hệ giữa người trong bốn biển quả thật thành vấn đề. Người với người là bạn? Bạn học, bạn chơi, bạn hàng hay bạn làm ăn? Kinh tế thị trường dễ làm người ta nghĩ đến hai quan hệ cuối. Tất nhiên cũng không nên có thái độ khinh miệt kiểu nhà Nho đối với việc kiếm lợi và làm giàu. Vả lại quan hệ giữa bè bạn theo kinh điển Nho gia thì phải đạt đến chữ “tín” thua tình thân anh em. Người trong bốn biển là anh em, tức là có tình thân yêu. Có thể ta quen sống theo kiểu tình nghĩa cho nên mong ước như vậy, hơn là chỉ có sự sòng phẳng. Nhưng rõ ràng trong sự tiếp xúc mở rộng, sự phân chia con người theo dân tộc, theo tôn giáo cũng dễ làm bùng nổ những mối chia rẽ, những đối phó thù địch. Phải chăng cũng nên hình dung một quan hệ thân tình hơn giữa những con người?

 

Nho giáo có ảnh hưởng lớn đến con người Việt Nam. Ảnh hưởng đó đã trở thành truyền thống văn hóa, ngày nay về căn bản vẫn còn khá mạnh. Ảnh hưởng đó có mặt tích cực có mặt tiêu cực. Tích cực hay tiêu cực là nhìn vào việc tạo thuận lợi hay gây khó khăn cho nhận thức, thích ứng, lựa chọn, sáng tạo trong sự phát triển hòa nhập với thời đại.Khi nhận ra ý nghĩa quan trọng của con người, của văn hóa, cưa truyền thống, việc tìm hiểu Nho giáo và ảnh hưởng của nó – đúng ra phải nói là Tam giáo với khuynh hướng dung hợp thích ứng với Nho giáo – đến hiện tại và tương lai sẽ là một việc làm không thể thiếu.

 

Tháng 7 năm 1993

Nguồn: Đến hiện đại từ truyền thống, Nxb Văn hóa, Hà Nội, 1996  

Thông tin truy cập

60532036
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
13529
10018
60532036

Thành viên trực tuyến

Đang có 334 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website