Khỉ một biểu tượng đa văn hóa

 Khỉ thuộc loại động vật có vú, sinh con, thường ở trong rừng, ưa nhảy nhót chuyền cành, sống theo bầy đàn, thông minh hơn các loài vật khác và đặc biệt… giống con người. Có lẽ vì vậy, khỉ xuất hiện trong khá nhiều nền văn hóa khác nhau trên thế giới.

 xuan binh than
Từ xa xưa, khỉ đã có mặt trong đời sống văn hóa nhân loại. Trong Phật pháp, hình tượng khỉ (tiếng Phạn là markata, dịch âm là ca tra), mang nhiều hàm ý thâm sâu. Khỉ xuất hiện trong các câu chuyện kinh Phật: Vua khỉ lấy thân mình cứu chúng khỉ, Câu chuyện về vượn khỉ dâng mật ong, Con khỉ tự cho mình là thông minh, Vua khỉ trí tuệ… và những motif, từ vựng liên quan trong Phật giáo: “Khỉ bắt trăng”, “Sông Ma Các”, “Động đá cổ Ti Ô ở Trạch Dương”… Mặt khác, do tâm tính vội vàng, tùy tiện, khó điều khiển, thường bỏ một chọn một của khỉ, cho nên trong sách cổ thường lấy khỉ để so sánh với vọng tâm của người phàm trần. Quyển 43 của Tạp a hàm kinh đã dùng sáu loại động vật là chó, chim, rắn độc, dã can, thất thu ma la và khỉ để ví với lục căn của chúng sinh. Khỉ được ví với cái tâm xấu xa, không thể tĩnh tại của con người qua hình ảnh “lục song nhất viên” (sáu cửa sổ một con vượn)(1)

Từ nhân vật trong thần thoại Hindu, khỉ trở thành nhân vật trung tâm trong hai bộ sử thi vĩ đại của Ấn Độ - Ramayana và Mahabharata - giúp đỡ cho người anh hùng Rama trong cuộc chiến chống lại vua quỷ Ravana. Các đền thờ ở Ấn Độ đều có hình ảnh Hanuman, vị thần khỉ nổi tiếng với vũ khí là quả chùy (gada), biểu tượng cho lòng dũng cảm và sự trung thành. Thần rất sùng bái người bạn của mình là Rama (vị vua anh hùng, hóa thân của Vishnu - đấng bảo tồn trong quan niệm Trimurti của Ấn Độ giáo) và cũng được Rama tin tưởng, yêu thương nhất (trong nhiều bức vẽ về Hanuman có hình Rama xăm trên ngực). Hình tượng thần Hanuman cũng in bóng trong văn hóa Khmer. Chúng ta có thể bắt gặp hình ảnh Hanuman ở khắp nơi, trong sách vở, đền chùa, tranh tượng, tranh phù điêu chạm trổ, và trong tín ngưỡng cầu mưa của người Campuchia.

Truyền thuyết về Hanuman khi đến Trung Quốc thì diễn biến thành câu chuyện Tôn Ngộ Khôngnổi tiếng trong Tây du kí. Theo Phật giáo, Ngộ Không là sự giác ngộ từ những cái không: không cha mẹ, nhà cửa, gia đình, vợ con… Theo Lão giáo, Ngộ Không là con khỉ đá, sinh ra từ khoảng trống của trời và đất. Con khỉ này là người đồ đệ Đạo giáo phép thuật cao cường và bạn đường bông lơn của cao tăng Huyền Trang trong hành trình thỉnh kinh.

Trong quan niệm Á Đông, Thân (con khỉ) đứng hạng thứ 9 của 12 con vật trong Thập Nhị Địa Chi. Nó đi vào đời sống qua năm thân, tháng thân, ngày thân, giờ thân. Trong quan niệm của dân tộc Hán, khỉ được xem là con vật cát tường. Do chữ hầu (khỉ) và hầu (tước quan) có âm đọc giống nhau, nên trong nhiều bức tranh có vẽ hình con khỉ với ngụ ý phong tước quan hầu. Ngoài ra, khỉ còn xuất hiện trong các nghi thức cúng tế (dân tộc Cao Sơn ở Đài Loan), võ thuật truyền thống (võ hầu quyền), trong nghệ thuật biểu diễn (sân khấu Kinh kịch với những tích tuồng cổ: Động Thủy Liêm, Náo thiên cung, Kim đao trận, Mượn quạt, Động Vô đáy…), nghệ thuật tạo hình (hội họa, điêu khắc), nghệ thuật ngôn từ (tục ngữ, thành ngữ, truyền thuyết, văn học viết)…

Ở Nhật Bản, do ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa, motif “khỉ bắt bóng trăng trong nước” rất phổ biến trong nghệ thuật hội họa. Tại vùng Nikko (cách Tokyo chừng 140 cây số về hướng Bắc), trong đền Toshogu còn lưu giữ một bức điêu khắc cổ bằng gỗ rất nổi tiếng của nghệ nhân Hidari Jingoro (thế kỉ XVII), có tượng ba con khỉ tên Mizadu (bịt mắt), Kikazadu (bịt tai), Iwazadu(bịt miệng). Hình tượng ba con khỉ vừa là sáng tạo nghệ thuật, đồng thời vừa ẩn chứa nhiều ý nghĩa sâu xa người Nhật muốn gửi gắm: bịt mắt để dùng tâm mà nhìn, bịt tai để dùng tâm mà nghe, bịt miệng để dùng tâm mà nói. Khi tâm ở trạng thái “tĩnh”, không bị quấy rầy, phân tán bởi điều xấu, thì tâm mới “ngộ” ra điều thiện. Lúc này, hãy dùng cái tâm thiện, tâm đẹp… mà nghĩ/ nói/ làm.
Trong tín ngưỡng của người Ai Cập cổ đại, hình ảnh thần Thoth (vị thần mặt trăng, bảo trợ của các nhà thông thái và những người có học thức, “vị thần của Thánh thư” chuyên ghi lại lời của Ptah - thần tạo thế, cũng như những phán quyết của Anubis khi thần này cân linh hồn của người chết) được tạo dựng dưới dạng một con khỉ đầu chó trắng to lớn(2). Thần Thoth đồng thời là nghệ sĩ, bạn của hoa, của vườn tược và của hội hè. Biểu tượng người đo lường, dẫn linh hồn cũng xuất hiện trong quan niệm của người Tây Tạng qua vị thần Shinje có đầu khỉ(3).

 
doi 1

Trong nền văn hóa phương Tây, hình ảnh con khỉ xuất hiện khá mờ nhạt bên cạnh các con vật thần thoại như nhân mã, nhân sư, mĩ nhân ngư… Con khỉ, tên cướp đường, kẻ liều lĩnh vui tính, chọc tức gây nổi cáu nhưng lại làm nguôi bằng những sự đùa cợt của nó, được minh họa trong thần thoại Hi Lạp về những Cercopes (Kercrốp - giống quỷ lùn chuyên sống bằng nghề cướp đường). Khỉ trở nên gần gũi hơn trong nền văn hóa đại chúng phương Tây qua hình tượng King Kong - con khỉ đột khổng lồ trong bộ phim khoa học giả tưởng cùng tên của đạo diễn Mĩ Ernest B. Schoedsack (1933, sau đó tiếp tục được làm lại vào 1976 và 2005). Mặc dù xuất hiện muộn hơn rất nhiều so với tổ tiên của nó, nhưng King Kong lại có sức lan tỏa vô cùng nhanh trên khắp thế giới nhờ những ưu thế tuyệt vời mà nghệ thuật điện ảnh hiện đại đem lại.

Như vậy, từ Đông sang Tây, tự cổ chí kim, dù có đậm nhạt khác nhau ở các nền văn hóa, khỉ trở thành một biểu tượng xuyên văn hóa, có sức mạnh biểu trưng phong phú, đa dạng cho những ý niệm đa chiều, đa diện và thâm sâu về nhân dạng, nhân sinh. Biểu tượng này làm nên độ sâu, sức nén, tiếng vang ngân trong sự tri nhận của mỗi tộc người gắn với mỗi đặc tính tư duy, mỗi nền văn hóa khác nhau.
Người Việt vốn thoát thai từ nền văn hóa lúa nước. Bên cạnh hình ảnh con trâu, con cò vốn rất gần gũi, thân thuộc, trong tâm thức mỗi người dân Việt, con khỉ hiện diện như một loài vật mang lại nỗi lo lắng, bất an. Bởi ngày xưa, khi ruộng đồng còn gần rừng núi, khỉ hay đến phá hoại hoa màu, ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống con người. Mặc dù vậy, người Việt không sợ và không ghét khỉ. Trong mười hai con giáp, đối với người Việt, nếu như rồng là biểu tượng gần nhất về mặt tâm linh, tinh thần thì khỉ lại gần nhất về mặt vật chất, thể xác. Người Việt nghĩ đến rồng với tâm thế “kính nhi viễn chi” bởi sự linh thiêng, linh ứng của nó, còn với khỉ người Việt lại tỏ ra thân thiện, suồng sã, thậm chí còn bông lơn, đùa cợt.

Tiếng Việt có 11 từ được dùng để chỉ khỉ: hầu, khỉ, khởi, khẹc, khọn, tườu, nỡm, bù dù, đười ươi, vượn và nghề, gợi lên ấn tượng về thói láu táu, nghịch ngợm, phá phách và phét lác của chúng. Trong cuộc sống hằng ngày, những lời mắng liên quan đến khỉ xuất hiện khá nhiều, nhưng hầu hết mang một sắc thái nhẹ nhàng - mắng yêu, cùng một chút bỡn cợt: “Đồ khỉ!”, “Đồ khỉ gió!”, “Đồ con tườu!”, “Đồ con khẹc!”, “Đồ nỡm!”, “Đồ bú dù!”, “Này, làm trò khỉ gì đấy!”, “Đồ khỉ đột, thấy mà ghét!”, “Khỉ mốc, đừng tưởng bở!”… Gặp phải chuyện chẳng vừa ý, thì “Khỉ thật!”, “Khỉ họ!”, “Bố khỉ”…; thất vọng, bực bội khi việc chưa xong: “Chẳng được việc khỉ gì cả”, “Chẳng ra cái khỉ khô gì cả!”. Ba bảy năm đi thi với tám khoa thi đều hỏng, Tú Xương đã giễu mình, rủa đời, tung hê những cái nhố nhăng, bất công, phi lí của xã hội bằng lời than thở sâu cay: “Cử nhân: cậu ấm Kỉ/Tú tài: con đô Mĩ/ Thi thế mà cũng thi!/ Ới khỉ ơi là khỉ!” (Than sự thi - Tú Xương).

Dân gian ta đã tạo dựng kho kinh nghiệm sống (túi khôn), quan niệm sống, triết lí nhân sinh sâu sắc liên quan đến con khỉ. Đó là lời nhắn nhủ thận trọng, cân nhắc khi ứng xử với khuyết điểm của người khác: “Con chó chê khỉ lắm lông/ Khỉ lại chê chó ăn dông ăn dài”; “Chuột chù chê khỉ rằng hôi/ Khỉ lại trả lời: “Cả họ mày thơm”; khi nhìn người và dùng người: “Nuôi ong tay áo, nuôi khỉ dòm nhà”, “Nuôi khỉ giữ nhà, nuôi nai cái dái dọc già”. Đó còn là lời chê bai những việc làm không hiệu quả, chẳng đi đến đâu, chỉ làm mọi việc trở nên rối rắm: “Giết gà dọa khỉ”, “Rung cây nhát khỉ”, “Đồ dạy khỉ leo cây”; những lời hứa suông, hứa để mà có, cho qua chuyện: “Hứa hươu hứa vượn”; nhắc khéo về thái độ cau có, khó chịu: “Đồ khỉ dính mắm tôm”, “Nhăn nhó khi khỉ dính mắm tôm”, “Mặt nhăn như khỉ/tườu”, “Nhăn nhó như khỉ ăn gừng”, “Khó tính như con nỡm”,...

Dân gian còn gửi gắm những bài học mang triết lí nhân sinh sâu sắc như phải biết bằng lòng với những gì đang có, chê bai thứ này lại gặp thứ khác tồi tệ hơn: “Khinh khỉ (lại) mắc độc già”; gọi tên đúng sự vật với bản chất của nó, vật nào chỗ ấy, đều có vị trí của mình, đứng đúng vị trí của mình là thuận, ngược lại là nghịch: “Khỉ lại là khỉ, mèo lại hoàn mèo”.
Ngôn ngữ là linh hồn của dân tộc, là hình ảnh trực tiếp của tư duy. Hình tượng khỉ ánh xạ trong lời ăn tiếng nói hằng ngày của người Việt phần nào đã thể hiện nét văn hóa cũng như tâm hồn Việt qua cách nói, cách nghĩ, cách làm. Lắng nghe từ những lối, điệu nói ấy, chúng ta sẽ nhận ra gương mặt, tiếng nói của dân tộc. Gần gũi, bình dị, có khi thông tục nhưng mỗi câu từ lại mang một chiều sâu của thứ triết học văn hóa - nhân sinh sâu sắc
N.V.H
Nguồn: http://vannghequandoi.com.vn/Binh-luan-van-nghe/khi-mot-bieu-tuong-da-van-hoa-8553.html 

 

Thông tin truy cập

60517657
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
9168
12997
60517657

Thành viên trực tuyến

Đang có 261 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website