Diện mạo Phật giáo Đông Dương trog thể tài văn học du ký Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX

Nguyễn Hữu Sơn(*)

TÓM TẮT

Tập trung giới thiệu diện mạo Phật giáo ba nước Đông Dương (Campuchia, Lào, Việt Nam) thuộc hạ lưu tiểu vùng sông Mê Kông thông qua thể tài văn học du ký của người Việt Nam giai đoạn đầu thế kỷ XX. Xác định tác phẩm văn học du ký của các tác giả người Việt Nam đều in đậm dấu ấn chủ quan của người viết trong các chuyến đến thăm các ngôi chùa, tham dự lễ hội và nhận xét về tâm thức, lối sống, cảnh quan các ngôi chùa ở Campuchia, Lào và Việt Nam mà tác giả đã đi qua. Việc nhận diện Phật giáo ba nước qua thể tài du ký nửa đầu thế kỷ XX sẽ được mô tả, xem xét ở từng nước trên ba phương diện chủ yếu: Dấu ấn đời sống tâm linh Phật giáo truyền thống – Cảnh quan các ngôi chùa – Lời bình luận của tác giả.

 

            1. Trong giới hạn cụ thể, thông qua thể tài văn học du ký của người Việt Nam giai đoạn đầu thế kỷ XX, chúng tôi tập trung giới thiệu diện mạo Phật giáo ba nước Đông Dương (Campuchia, Lào, Việt Nam) thuộc miền hạ lưu tiểu vùng sông Mê Kông.

 

            2. Khác với các công trình khảo cứu chuyên sâu, tác phẩm văn học du ký của tác giả người Việt Nam đều in đậm dấu ấn chủ quan của người viết trong các chuyến đến thăm các ngôi chùa, tham dự lễ hội và nhận xét về tâm thức, lối sống, cảnh quan các ngôi chùa ở Campuchia, Lào và Việt Nam mà tác giả đã đi qua. Việc nhận diện Phật giáo ba nước qua thể tài du ký nửa đầu thế kỷ XX sẽ được mô tả, xem xét ở từng nước trên ba phương diện chủ yếu: Dấu ấn đời sống tâm linh Phật giáo truyền thống – Cảnh quan các ngôi chùa – Lời bình luận của tác giả.

 

            2.1. Lược qua các tác phẩm du ký của người Việt đến Campuchia giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX như V. Ng. Ch. với Võ Môn và Tam Cấp(1), Võ Nhan Cư với Trên mặt nước từ Tân Châu về Nam Vang(2), chúng tôi tập trung nhận diện lịch sử và đời sống văn hóa – xã hội Phật giáo Campuchia qua hai tác phẩm tiêu biểu của hai tác giả là X. với Đi Nam Vian chơi và J. Đ. với Đi chơi nơi Ruines D’angkor, cả hai đều in trên Nam Kỳ địa phận

 

            Trước hết, tác giả ẩn danh ký tên X. với du ký Đi Nam Vian chơi đã kể về chuyến du ngoạn cả bằng đường ô tô và tàu thủy: Vậy tảng sáng sáu giờ tôi đi xe hơi tại Saigon chạy thẳng lên Trảng Bàng, lại tới Gò Dầu Hạ, chở xe hơi qua đò rồi đi thẳng qua Soài Riêng, riết luôn tới Kompong - Trà Béc, sau hết thì tới Banam đúng mười hai giờ trưa. Đường được một trăm năm chục ngàn thước tây. Tới đó có tàu hãng Tây chực sẵn, xuống đi liền năm giờ chiều tới Nam Vian (cũng gọi Nam Vinh, nay là thủ đô Phnôm Pênh – NHS thêm). Cộng lại đi từ Saigon lên Nam Vian có mười một giờ mà thôi. Thực là mau quá; nghĩ lại ông bà khi trước đi cả tuần cả tháng thì hết sức ngán”(3)... Từ đây tác giả kể về hiện trạng du nhập, tồn tại mới cũ tất cả các giáo phái Thiên Chúa, Thánh Mẫu, Phật giáo và phác thảo sơ lược một vài nét đời sống tinh thần và thực hành Phật giáo nơi đây:      

 

            Thày sãi, bà vãi, thày chùa, thày pháp không biết là bao nhiêu, ra đường ngó thấy thầy sãi ăn mặc đồ thì ngó coi như kiến vàng, trong ổ mới ra đi tứ phía. Tại Nam Vian đi đường nào cũng gặp hoặc là chùa Cao Mên hoặc là chùa các chú, không biết bao nhiêu mà kể. Ngõ nào cũng thấy một chú thầy sãi đi bơ vơ, chỗ lại thấy thiêu đốt xác người chết...

 

            … Sẵn đây tôi sẽ nói sẵn về một hài sự dị đoan Cao Mên. Chùa ở tại đền vua Cao Mên lớn tốt lắm, có hai bụt thần quý trọng vô giá và dưới đất thì lót bạc từ miếng mỏng, song tôi không lấy làm lạ gì, vì vua giàu có muốn tốn hao cách nào cũng được. Tôi lấy làm lạ một sự nầy mà thôi, là xung quanh vách tường chùa thì có vẽ nhiều thù hình; có một cái hình vẽ chỗ gì không biết, mà có đủ hình phạt, ai tội gì thì phạt theo tội nấy. Người mê rượu chè thì có quỷ động vô họng một chai lửa, vân vân. Ấy vậy thì đạo Phật nầy cũng dạy ngày sau có chỗ để phạt kẻ có tội như đạo Thiên Chúa dạy vậy.

 

            Tôi thấy có người Cao Miên đang để xác một người chết trên một đống củi mà thiêu ra tro, mùi bay ra nghe muốn mửa, rồi hốt tro đó mà bỏ vô một cái lu để dành thì, tôi hỏi họ sao không chôn lại thiêu xác cho tiêu mất như vậy, thì họ trả lời bởi sợ ngày sau không ai lo đến xác người chết nữa; thì tôi nhớ đến phận người có đạo cũng vậy, ta chết rồi biết có ai nhớ đến phần linh hồn ta không, chớ chí ta biết lo trước như vậy cho linh hồn ta như người Cao Miên lo trước cho xác vậy, thì bây giờ ta lo cầu hồn gởi lễ cho thương hầu ngày sau các Đấng lo lại cho linh hồn ta, chớ trông gì con cháu, bà con quen lớn nhớ tới ta đâu”...

 

            Đặc biệt đến tác giả J. Đ. với du ký Đi chơi nơi Ruines D’angkor in liên tục 12 số trên Nam Kỳ địa phận đã mở đầu bằng việc kể về chuyến đi từ Sài Gòn qua Phnôm Pênh rồi tranh thủ đến thăm cố đô Uđông có tượng Phật bề thế: “Sẵn có xe hơi nên chúng tôi đi chỗ kia gọi là Ouđông xa Nam Vang được 34 ngàn thước. Nơi nầy là chỗ mồ mả chôn cất các vua Cao Mên khi trước. Ở đó có nhiều nóng ở gần nhau. Trên một nóng có một cái dinh Cao Mên lớn, cao được chừng mười thước tây, ở trong cột tròn lớn được thước tây bề trung, coi kịch cộm. Có một hình Phật bằng gạch, sơn nước vàng lớn cá thể, choán gần hết nửa bề dài cái dinh. Hình Phật nầy ngồi, thì ở dưới vuông vức ít nữa là mười hai thước, còn đầu thì đụng khít trên nóc đỉnh”(4)… Rồi từ Phnôm Pênh, tác giả theo đường thủy đến thăm Angkor và cảm nhận về miền đất Phật với sự pha tạp nhiều tôn giáo, tín ngưỡng:

 

            “Nội cả và miền nước ta bên nầy thì có một mình nước Cao Mên là đầy dẫy những cuộc nhà cửa đền đài cất cách lạ lùng và cả thể, nhiều xứ khác ở xa không dám bì. Thứ nhứt là ở Angkor đây thì là lạ quá trí, cho nên người phương Tây và các nước khác, Langsa, Hồng Mao, Huê Kỳ, Nhựt Bổn, vân vân, mỗi năm đều luôn tới đền Angkor mà coi cho được, như là một sự lạ kia ở dưới thế, không nệ công lao khó nhọc đường xa xôi, tốn của mà đi cho tới. Nghĩ như vậy mà mình ở gần kề một bên mà không đi tới thì là uổng quá.

 

            Angkor là nơi khi trước, hồi đời thứ năm sau Chúa giáng sinh, có một thứ dân Chà Và kia gọi là Hiudous đến mà lập đền đài về ở và lập thành lũy trọn hơn tám đời sau nữa. Ấy là theo sách nói như vậy, song nhiều sách không giống nhau, có khác trại nhau, vì truyện xứ Angkor nầy là lâu đời lắm, không biết dân Hiudous tới đây có ý gì mà làm công chuyện cả thể như vậy, rồi sau bỏ đi đâu mất, đến bây giờ người ta lên thì thấy nào những đền đài hư nát nên gọi là Ruines, còn dân ở thì đâu mất hết, kéo nhau đi đâu, hay là tuyệt nòi tuyệt giống đến đỗi không còn thấy ai ở hết, coi như xứ hoang, cây cối mọc cùng ngó như trong rừng vậy, vì là hoang không biết mấy đời nay”...

 

            Đến thăm khu đền, tác giả tỏ ra đặc biệt khâm phục tầm vóc kỳ vĩ và tài năng người xây dựng:

 

            Đi coi Angkor thì phải là dửng dưng, tới đâu thì phải lắc đầu chắc lưỡi, kêu trời kêu đất, kêu ông kêu cha, vì thật là cả thể lạ lùng quá, hèn chi lẻ ngoại bởi tín dị đoan, nên nói là tiên trên trời xuống mà làm việc nầy.

 

            Mà thật nghĩ lại mà coi: ở Angkor thì không có núi non chi hết, mà lấy đá ở đâu đặng đem lại đó mà cất đền đài cả thể minh mông, đi vô coi thì mỏi chơn mỏi giò mới hết một cuộc đền đài, lại cao hơn năm bảy chục thước tây. Sự lớn và sự cao nhà quan chánh soái hay là nhà thờ Đức Bà ở Saigon sánh lại với đền đài chùa miễu ở Angkor thì coi như không. Đá núi miếng nào miếng nấy bằng trương cái tủ, mà không biết khi trước họ làm sao mà đem lên trọn y nguy lên tới năm bảy chục thước cao, chẳng những vậy lại miếng đá nào cũng là trạm trổ đục cách khéo léo, rồi đem lại mà ráp lại với nhau vừa khít, không trật một mét, và chồng miếng nầy trên miếng kia, không hồ vôi, ciment gì hết, mà sao nó dính với nhau, không ngả. Sau nữa, nhà bằng đá như vậy thì biết là nặng nề bao nhiêu, mà sao còn có chỗ thì nhà còn đứng y nguy không lúng. Không hiểu hồi đó họ dùng cách nào mà làm nền chắc dữ tợn vậy. Mấy đời nay, dông gió cũng chẳng vừa gì đâu, mà sao có chỗ vẫn còn đứng sững?

 

            Thiệt là lạ lùng quá! Việc cả thể như vậy thì là công cán thợ thầy biết là mấy ngàn mấy muôn con người ta!

 

            Tôi đã có đi bên thành Rôma, bên nước Italia, cũng có thuật truyện trong Nam Kỳ địa phận rồi, song tôi tưởng cuộc đền đài đời xưa cất trong Rôma thì cũng sánh không được với cuộc Angkor nầy nữa”...

 

            Khi đến thăm các đền Ăng co Thom, Ăng co Vat, người viết chủ ý phân tích và nhấn mạnh hình thể, chiều sâu ý nghĩa tinh thần của các tượng Phật và vị thế tư tưởng Phật giáo:

 

            “Coi hình Phật thì biết đời trước trong Angkor thờ hai thứ đạo: Đạo Bouddha và đạo Brahma trộn với nhau, vì có chỗ thấy hai thứ bụt dựng hình gần nhau.

 

            Thứ nhứt ở Angkor Thom và Bayon, thì bấy nhiêu hình Phật Brahma, có bốn mặt, cả thể lắm. Phật nầy kêu là Caturmukha, nghĩa là bốn mặt. Phật nầy có bốn tay, cầm cái Véda, một xâu chuỗi lần, một cái bình đựng tiền bố thí, một cái muỗng để tế lễ, cỡi một con ngỗng sơn vàng gọi là Hamsa, hay là ngồi trên một cái bông sen ở trong rún Phật kia mọc lên gọi là Vishnou, nằm ngửa trên mặt nước.

 

            Phật Vishnou nầy họ kêu là một vị Phật lo cho cả và trái đất đặng bình an luôn. Phật nầy cũng có bốn tay, cầm đĩa, búa và cái gì nữa đó, ngó không ra. Thường thấy chạm hình Vishnou nằm ngửa trên mặt nước như mới nói trên đây, hay là cưỡi con Garouda là một con chim lạ kì: đầu chim, hay là có khi đầu cọp, mình và tay người, có cánh, thân dưới thì như cọp, còn bắp đuôi thì có vảy như cá.

 

            Còn nhiều thứ Phật trong đạo Brahma nữa.

 

            Phật Civa, mình đeo một con rắn và một sợi dây chuyền bằng sọ người; cỡi một con trâu rừng trắng gọi là Nandin, cầm chĩa ba, da cọp. Có khi chạm hình Phật nầy trần truồng, tóc thắc đuôi, ngồi dạy dỗ dân trong rừng. Có lẽ hình ông vua Cuối ở tại Angkor Thom là hình Civa nữa chăng?

 

            Phật Cakti hình đờn bà, thường vẽ ngồi gần bên chồng.

 

            Có Phật khác nữa là Indra, Ganeca, Kama, Skanda, Kubéra, Gaudharva, Ápsaras, Kinnaras, Cânaras, Siddhas và Vidyadharas.

 

            Tôi kể ra cho hết, không có ý biểu ai thờ, song cho ai đặng đi Angkor, nghe tới mấy tên đó thì mới hiểu là gì.

 

            Còn đạo Bouddha thì thờ Phật Bouddha, là một người kia sanh ra năm 560 trước Chúa giáng sinh. Tên thiệt Siddhata, hay là Gautama, ăn học giỏi và cũng là quan võ giỏi. Có vợ và một đứa con tên là Rahula.

 

            Đó là nhắc lại một chút chuyện đạo Bouddha mà thôi, và cho đặng nhiều kẻ dị đoan đừng còn tin rằng là tiên trên trời nào đâu xuống đất mà cất đám Angkor nầy, vì kẻ cất đó cũng là người ta, như tôi đã nói rồi lúc trước, và thật là người ta, chớ không phải tiên gì đâu, vì người ấy cũng là thờ Phật khác là Brahma và Bouddha, cũng là người ta nữa mà thôi”...

 

            Thực tế trên cho thấy ký giả người Việt đặc biệt khâm phục truyền thống văn hóa Phật giáo Campuchia qua việc đến thăm các di tích đền đài, chùa tháp. Qua các trang viết, tác giả thể hiện khả năng quan sát và bộc lộ tiếng nói của chủ thể, lời bình luận, đánh giá, ngợi ca khi được đến tận nơi chiêm bái dấu tích một nền văn minh cổ, rực rỡ và huy hoàng.

 

            2.2. Trong bối cảnh ba nước Đông Dương đều cùng chịu sự chiếm đóng, áp đặt của chế độ thực dân Pháp, các tác phẩm du ký của người Việt Nam đến Lào cũng in đậm tâm thế thời đại. Nói riêng về Phật giáo Lào, các ký giả người Việt cũng đã quan sát, tường thuật và nêu được những cảm nhận, suy tư về con người và cuộc sống in đậm chất khoan hòa, nhân văn, bình dị.

 

            Trong đoạn mở đầu tác phẩm bề thế Du lịch xứ Lào, học giả Phạm Quỳnh phác thảo những tương đồng và khác biệt giữa hai nước Việt – Lào từ điểm nhìn tổng thể Địa – văn hóa xứ Đông Dương,/ tiểu vùng hạ lưu sông Mê Kông và từ truyền thống đến hiện đại: “Dải Trường Sơn chạy suốt cõi Đông Dương từ Nam chí Bắc, thật là chia bán đảo này thành hai thế giới khác nhau, khác nào như một cái Vạn Lý Trường Thành của thiên tạo, làm bằng rừng rậm núi cao, sức người không thể vượt được. Bên này ngoảnh mặt ra bể Đông hải, khí hậu thấp nhiệt, người dân đông đúc, đồng điền phì nhiêu, sơn lâm lam chướng, chủng tộc thuần một giống An Nam, văn hóa truyền thụ tự nước Tàu, nghiễm nhiên thuộc về thế giới Chi Na. Bên kia nhìn xa về cõi Tây Vực, khí hậu táo nhiệt, người dân thuần một giống Xiêm Lào, văn hóa hấp thụ tự Thiên Trúc, nghiễm nhiên thuộc về thế giới Ấn Độ. Một bên Chi Na, một bên Ấn Độ, đất Đông Dương này mà đặt tên là Ấn Độ Chi Na thì phải lắm”(5)

 

            Từ đây Phạm Quỳnh nhấn mạnh lý do của chuyến đi:

 

            “Đã lâu nay tôi vẫn có ý muốn đi Lào một chuyến, để trước là biết qua phong thổ đất Lào, sau là thăm đồng bào ta ngụ cư bên đó…

 

            … Đi Lào hiện có hai đường chính: đường Vinh – Thakhek và đường Đông Hà – Savannakhet. Chúng tôi định đi một đường, về một đường, cho biết cả hai. Vậy bữa đi đi đường Quảng Trị, bữa về về đường Nghệ An”...

 

            Đến Savannakhet, Phạm Quỳnh cảm nhận về đời sống cư dân miền sông nước và bày tỏ niềm mến mộ:

 

            “Savannakhet là một tỉnh lỵ lớn, ở trên bờ sông Cửu Long, dân số được 3000 người, phần nhiều là người An Nam cả. Buôn bán đường thủy đường bộ cũng to. Đường bộ thì các rừng các bạn (bạn, tiếng Lào là làng xóm) chung quanh đem những nông sản lâm sản đến đấy bán; đường thủy thì tầu ghe ở miền dưới lên, miền trên xuống tất đỗ ở đó rồi mới đi. Sông Cửu Long không phải suốt tự đầu đến cuối có thể chở tầu bè được; chia ra từng triền (biefs), triền nào bình thản mới đi được, còn triền nào có ghềnh có thác nhiều thì không thể qua lại được. Tự Savannakhet cho đến Vientiane là triền bằng phẳng hơn cả, cho nên có phiên tầu của công ty Messageries fluviales chạy đều đặn mỗi tuần lễ hai lần, chở hàng hóa cùng hành khách cả hai bên bờ Xiêm và Lào.

 

            Tối hôm đến Savannakhet, vừa có chuyến tàu ở miền dưới lên, sáng mai thì nhổ neo chạy Vientiane sớm. Nhưng nếu khuya xuống tầu ngay thì thành ra không được biết Savannakhet. Vậy định ở lại đấy nửa buổi ngày mai, rồi trưa đi ô tô lên Thakhek đón tầu ở đấy, sáng hôm sau đáp lên Vientiane thì tiện lắm”...

 

            Rồi Phạm Quỳnh tranh thủ đi thăm cảnh chùa và cảm nhận về những ngôi chùa bình dị nơi đây: “Ở Savannakhet, xem qua phố phường rồi, lại xem một cái chùa Lào nữa. Nhưng chùa ở đây tầm thường lắm, phải lên Vientiane mới có chùa đẹp. Chùa nào cũng có một nơi chính điện thờ Phật, xây bằng gạch, hình chữ nhật, chạy dọc, hai mái thật dốc như cái dấu mũ vậy. Còn ở ngoài là các tịnh xá của sư, cũng lối nhà sàn như trong dân gian. Chùa nào cũng có một cái nhà sàn lớn bỏ không, như cái quán, gọi là sala, để cho khách thập phương đến trọ. Sư toàn khoác áo cà sa sắc vàng, để trần một cánh tay, chùa nào cũng đông lắm. Nhưng muốn xem cái cảnh chùa chiền sư mô thì phải lên Louang Prabang, hay Vientiane, là những nơi cổ đô xứ lạ, danh thắng nhiều, chứ ở đây không có gì lạ”...

 

            Đến thăm Viên Chăn, Phạm Quỳnh nêu khái quát lịch sử, truyền thống văn hóa Phật giáo gắn với cảnh quan thành phố miền sông nước:

 

            “Thành Vientiane là thủ phủ xứ Ai Lao, chính tiếng Lào gọi là Vieng Chan, dân số được 12.000 người. Ngày xưa là kinh đô nước Ai Lao, nhưng năm 1827 bị người Xiêm tràn sang tàn phá hết cả. Đến năm 1899, nước Pháp đến chiếm lĩnh xứ Lào, mới đặt Vientiane làm thủ phủ xứ Ai Lao thuộc Pháp.

 

            Ngày xưa hồi thịnh thời, vua Lào đóng đô ở đây, đã có vẻ trang nghiêm rực rỡ lắm. Năm 1644, có một nhà du lịch Hòa Lan tên là Van Wuysthoff đã đi ngược sông Cửu Long lên đến đây, được vua Lào sai đem thuyền rồng ra đón, tiếp rước một cách long trọng lắm. Sau ông có làm quyển nhật ký, thuật lại tường cách vua quan tiếp rước cùng cái cảnh tượng Vientiane trong triều ngoài dã đời bấy giờ, xem đó thì biết rằng người Lào về thế kỷ thứ XVI, XVII, kể cũng đã văn minh lắm vậy. Xem ngày nay những cổ tích các đền chùa, những tượng Phật đồng cổ lớn hơn người thật, chạm đục rất khéo, cũng đủ làm chứng cớ.

 

            Thành Vientiane từ khi bị người Xiêm tàn phá, cung điện của nhà vua, đền chùa trong dân gian bị đốt sạch, châu báu thu lấy hết, người dân bắt về Xiêm, từ đó thì chỉ còn lèo tèo mấy cái xóm lơ thơ, mấy ngôi chùa đổ nát, tượng đồng lăn lóc cả trong đám cỏ bãi cát, cảnh tượng điêu tàn quá đỗi.

 

            Nhờ có nước Pháp đến cai trị trong 30 năm trời đã thay đổi đi hẳn; đường phố sạch sẽ, nhà Tây san sát, nhà nào cũng vườn rộng cây cao như lối biệt thự cả, chung quanh thì có những xóm đông đúc, người Lào và người Nam ở. Trước mặt là con sông Cửu Long, chỗ ấy rộng đến 1.500 thước, mùa nước lên mênh mông như bể, mùa cạn như bây giờ thì có bãi cát rộng 800 thước, bề dài ba cây lô mét, chia khúc sông làm đôi”...

 

            Ông chủ bút Nam phong Phạm Quỳnh cũng xác nhận việc nhà nước bảo hộ Pháp thực sự quan tâm đến việc phát triển Phật giáo: “Chúng tôi định ở Vientiane cho đến kỳ tầu xuống, nghĩa là đến thứ sáu, vừa được ba ngày rưỡi. Trong mấy ngày đó được quan Khâm sứ Bosch, quan Chánh tòa Thượng thẩm Tbidon và cô Karpelès là thư ký viện Phật học ở Cao Miên lên đây để sắp khánh thành viện Phật học ở Vientiane tuần lễ sau này, dẫn chúng tôi đi xem các nơi chùa chiền làng bạn, cắt nghĩa cho nghe được nhiều điều hay lắm”...

 

            Từ đây Phạm Quỳnh nhấn mạnh cảnh quan, kiến trúc và đời sống dân chúng theo đạo Phật:

 

            “Vientiane ngày nay đã thành như một phần thành phố tân thời, không còn cái phong vị Lào như ngày xưa nữa. Muốn biết cái phong vị ấy thì phải lên Louang Prabang là kinh đô nước Vạn Tượng, còn có vua quan, và còn giữ được nhiều đền chùa cổ cùng phong tục xưa…

 

            … Vientiane xưa có đến trăm cái chùa, ngày nay chỉ còn vài chục cái cũng đủ dung được một số thầy tu khá đông. Thầy tu đây là sư, lớn nhỏ đủ các hạng, toàn mặc áo cà sa vàng, chỉ có một việc phụng sự Phật, coi nhàn hạ lắm; sáng sớm các chùa đánh chuông đánh trống râm ran cả lên để lễ Phật buổi sáng, rồi các sư chú, tiểu lớn tiểu con, xách giỏ ra phố để lĩnh của “cung dưỡng” của các thiện nam tín nữ. Vì cái tục ở Xiêm, ở Lào, ở Cao Miên là dân gian phải nuôi các nhà sư, có bố thí cho nhà chùa thì mới có phúc.

 

            Chùa có tiếng nhất ở Vientiane là Vat Pra Keo, xưa kia có thờ một vị Phật bằng bích ngọc quí lắm, coi như một vật quốc bảo của xứ Lào, năm 1827 bị người Xiêm cướp mất, nghe đâu họ đem về Bangkok dựng riêng hẳn một ngôi chùa ở trong cung vua để thờ. Chùa Pra Keo bây giờ chỉ còn trơ trọi có mấy mảnh tường đổ với mấy pho tượng mốc mà thôi. Nhưng xem kỹ những mảnh tường chạm, những pho tượng đồng lực lưỡng, đã mấy mươi năm chịu nắng mưa mà vẫn trơ ở giữa đám cây cao cỏ rậm thì cũng khá tưởng tượng chùa này khi xưa trang nghiêm tráng lệ là dường nào. Ngày nay vẫn giữ được cổ tích, ở giữa thành phố, cạnh ngay tòa sứ, khách du lịch đến đấy, đứng trong đám gạch đổ tường xiêu, cây trùm rễ quấn đó, không khỏi chạnh lòng kim tích mà ngán cho cái cuộc thịnh suy ở đời.

 

            Chùa đẹp nhất bây giờ là chùa Sisaket, mới trùng tu lại gần đây, đó là chỗ ở của vị sư trưởng làm đầu cả các chùa trong hạt Vientiane này. Ở Sisaket có một cái chùa lớn ở giữa, chung quanh là tăng xá cho các sư ở. Bao nhiêu tượng Phật bằng đồng, bằng đá, bằng gỗ, lớn nhỏ các hạng, sưu tập ở các nơi chùa cổ am xưa đã đổ nát, đều đem họp cả lại đây. Tượng đủ các kiểu các hình, nào Phật ngồi tòa sen, nào Phật thề với đất, Phật nguyện chúng sinh, Phật dẹp sóng dục, toàn là những kiểu phổ thông bên Lào bên Xiêm, các tượng Phật bên ta không có đủ được như thế. Ở một chùa Sisaket này tượng Phật tính cả thảy được ba bốn nghìn pho, vừa lớn vừa nhỏ, có pho lớn hơn người thật mà toàn bằng đồng đen cả, còn những tượng nhỏ thì đục vào tường thành ô mà để. Chùa này thật là một nhà bảo tàng các tượng Phật. Còn chính nhà bảo tàng thì hiện đương chữa lại. Nay chưa có chỗ để, những tượng tìm được ở các nơi gửi về, còn để tạm ở một cái hiên trong dinh Khâm sứ cũ. Có một pho tượng Phật nhập Nát Bàn, hình nằm, toàn bằng đồng đen, lớn hơn người thật, đúc chạm tinh tế lắm, thật là một vật mỹ thuật hiếm có.

 

            Trường Bác Cổ hiện nay đương chữa lại cái gác để kinh ở bên chùa Sisaket, theo đúng như kiểu cũ, coi cũng có vẻ mỹ thuật lắm”...

 

            Vốn là người có tầm kiến văn rộng lớn nên Phạm Quỳnh chú ý quan tâm đến lễ hội, đặc biệt lễ hội nơi chùa làng gắn với đặc điểm tâm tính người Lào:

 

            “Bữa ở Vientiane, chúng tôi có đến một làng cách đấy hai cây số xem họ làm bun. Bấy giờ là buổi tối vào tám chín giờ. Nơi ấy là một nơi chùa làng, chung quanh có sân rộng, ngoài sân làm mấy dẫy quán bằng tre bằng lá, trong quán trải chiếu xuống đất, các phu sao tức là con gái vùng ấy mặc xiêm mặc yếm sặc sỡ, coi vui mắt lắm, đến ngồi cả từng dẫy dài, ăn trầu nói chuyện với nhau… Ở giữa sân thì các nhà hàng chong đèn lên bán những quà bánh cho khách đi xem. Trong đám hội đó kể có nghìn người, mà không có cái cảnh ồn ào náo nhiệt như ở bên ta. Đó cũng là do cái tính người Lào hiếu tĩnh, dù khi hội hè cũng không có huyên náo.   

 

            Có một điều lạ, là ở trong quán có đặt giường để các vị sư ngồi hình như chứng kiến cho cuộc vui. Hỏi ra thì lệ thường ở đây phàm khi mở hội như thế này, trước có hát đúm, rồi sau thì lễ Phật, cho nên các nhà sư đến đây là túc trực để sớm mai tụng kinh làm lễ. Lễ này là lễ dâng hoa, con trai con gái trong làng đem hoa đến dâng sư và cúng Phật”.

 

            Cuối cùng Phạm Quỳnh đi đến nêu nhận xét khái quát về đặc trưng ngôi chùa và tông phái Phật giáo Lào, nhấn mạnh tâm thế hướng về Phật giáo của người Lào: “Làng nào cũng có chùa, chung quanh chùa có tháp, tiếng Lào gọi là that. Người Lào theo đạo Phật thuộc về Nam tôn Tiểu thừa, như Cao Miên, Xiêm La vậy. Sư ở đây là hạng thượng lưu học thức, nên được dân gian tôn trọng lắm. Nhà tử tế ai cũng cho con đi ở chùa để học chữ học đạo, người nào phát nguyện đi tu thì ở luôn, còn thì ở một vài năm rồi lại về nhà”...

 

            Một tác giả khác ký bút danh C.L. có bài Đi thăm xứ Lèo (theo cách phát âm của người viết), in liền tám kỳ trên báo Công luận (Sài Gòn). Mở đầu tác giả nhấn mạnh niềm hứng thú của chuyến du ngoạn đến nước Lào: “Ngày xưa, hễ nói tới xứ Lèo chắc bạn đọc sợ, vì trong óc các bạn sẽ có nhiều sự tưởng tượng gớm ghiếc: nào thác nước trắng phau, nào gành đá cheo leo, nào rừng rú bao la, nào đèo sâu vực thẳm, nói tóm lại, muôn ngàn cảnh hãi hùng, nguy hiểm. Nhưng ngày nay thì không thế, các bạn hãy vững tâm theo tôi đi cho biết đó biết đây, thăm xứ Vạn tượng (le pays des milions d’éléphants) để mở rộng tầm mắt”(6)...

 

            Sau khi đi qua các tỉnh Savannakhet, Thakhek, ký giả theo đường tàu thủy đến Viêng Chăn và qua thăm chùa Sisaket: “Sáng dậy, ta nên đi thăm chùa Sisaket, một nơi cổ tích ở ngay giữa châu thành, cách phủ Khâm sứ không bao xa. Ngôi chùa này tuy gọi là cổ, chớ nếu so với những cổ tích khác thì chùa có lẽ cũng chỉ là một cái “vết” còn trẻ măng của thời gian. Chùa này mới có được hơn trăm năm. Nóc chùa dốc hết sức, các đầu nóc đều cong vút lên, theo một kiểu kiến trúc riêng ở Xiêm và ở Lèo. Chùa rộng lắm.  Trong có hằng hà sa số  Phật. Cái  bảo vật mà người ta chú ý nhất ở trong chùa này , là một cái thư viện, sách là những lá trên viết bằng chữ Pa-li (Latin Lèo) ghi chép những sự tích của xứ Vạn tượng. Chính ở nơi đây, hằng năm Chính phủ Lèo làm lễ “Ăn thề” trung thành với Chính phủ bảo hộ”...

 

            Qua lời nhà sư, ký giả thuật lại chi tiết nghi thức đọc lời thề trong ngày lễ Phật:

 

           “Tới ngày thề, thì sáng sớm các sư  phải tụ họp cả ở chùa. Ngồi trên các sập gỗ để tận phía trong cùng, các sư một tay để trước ngực, một tay cầm một thứ quạt che mặt. Ở phía trước các sư, có để ba cái chậu đựng đầy nước. Chung quanh có hoa, và nhiều ngọn đèn làm bằng sáp ong.

 

            Ở sập dưới, các quan lại người Pháp ngồi sấp hàng, rồi tới các ông Chao - mương quỳ trên những tấm khảm, sau rốt mới đến dân chúng quỳ ở dưới đất.

 

            Thoạt kỳ thủy, những sư ở phía trong đọc kinh, mọi người đến lẳng lặng nghe. Khi đọc xong hoặc đương đọc, thì họ bắt đầu thắp những cây đèn cầy để chung quanh ba chậu nước. 

 

            Cầu kinh xong, một ông Chao - mương thay mặt cho các ông Chao -mương khác và dân chúng cất giọng đọc lớn một bài như sau này (phụ chép nguyên văn cả bài thề)”…

 

            Từ đây ký giả xác định tục lệ đi tu, học trong chùa và liên tưởng, giả định về đám cưới cưới của nhà sư đã qua lớp chú tiểu, hoàn tục và lấy vợ so với lối lấy vợ của người Việt Nam:

 

            “Độc giả là một thiếu niên Lèo ư? Trước khi độc giả được ngồi lên cái “địa vị chồng” độc giả phải làm sư đã. Đã làm con trai Lèo thì ít nhất cũng phải đi ở chùa trong vòng 7 ngày. Đó là cái tục lệ không ai có quyền thay đổi, bằng không thế thì suốt đời không vợ.

 

            Sau khi ở chùa ra, muốn gây dựng gia đình thì cưới vợ đi, những kẻ làm chồng phải theo vợ, chớ người vợ không bao giờ theo mình về nhà mình cả. Cách cưới xin cũng tương tự như ở An Nam. Đầu tiên, phải có mối lái để hai bên cha mẹ định đạt xem món tiền nhà trai phải dẫn cưới là bao nhiêu. Món tiền đó kêu là “kha dong”, không nhất định, hoặc ít nhiều tùy theo nhan sắc và gia thế nhà gái. Tới ngày cưới, “người mai” phải đem món tiền cưới tới trao cho nhà gái trước đã, rồi chú rể cùng họ hàng mới tới”...

 

            Qua các tác phẩm du ký của người Việt giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX viết về Lào và Phật giáo Lào cho thấy các tác giả đã dụng công khảo cứu các nguồn sách vở, kết hợp du lịch với điều tra thực địa, mô tả cảnh quan và ghi chép lời kể của người dân địa phương. Người viết thể hiện tầm hiểu biết sâu rộng, nắm bắt từ truyền thống đến thực tại, những điều tai nghe mắt thấy và đi đến những nhận xét về hệ giá trị và vị thế tinh thần lịch sử - văn hóa Phật giáo Lào trong xã hội đương thời.

 

            2.3. Đặt trong tương quan chung, do điều kiện viết về miền đất bản địa, đương nhiên du ký của người Việt Nam giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX đề cập đến đến Phật giáo vùng Tây Nam Bộ - Cửu Long thuộc ba nước Đông Dương (hạ lưu tiểu vùng sông Mê Kông) chiếm số lượng vượt trội. Có thể kể đến một số du ký tiêu biểu: Một tháng ở Nam kỳ của Phạm Quỳnh, Thăm đảo Phú Quốc của Đông Hồ, Cảnh vật Hà Tiên của Đông Hồ và Nguyễn Văn Kiểm, Chơi Phú Quốc của Mộng Tuyết, Chơi xuân ở Hà Tiên của Bạch Liên, Một ngày ở xứ Chàm của Tam Lang, Hai tháng ở gò Óc Eo hay là câu chuyện đi đào vàng của Biệt Lam Trần Huy Bá...

 

            Trong giới hạn cụ thể, chúng tôi chỉ điểm danh và phân tích một số tác phẩm tiêu biểu đề cập đến Phật giáo vùng sông nước Cửu Long - Nam Bộ. Trong du ký Một tháng ở Nam Kỳ, học giả Phạm Quỳnh đã ở Sài Gòn, Gia Định, Chợ Lớn rồi qua thăm khắp vùng Lục tỉnh (Mỹ Tho, Long Xuyên, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Sa Đéc…). Khi ở Vĩnh Long, Phạm Quỳnh giới thiệu khái lược việc bà Đốc phủ chăm việc lễ chùa và nhận xét hiện trạng đời sống tâm linh nơi miền quê đan xen lối thờ Phật với đền miếu: “Phu nhân lại chăm việc lễ bái, hay tu bổ các đền chùa. Hiện ngài đương hưng công dựng một cái miếu Công thần ở gần tỉnh, miếu thờ một vị công thần đời Lê, không rõ danh hiệu là gì, đằng sau phối hưởng những cai đội binh lính người hàng tỉnh đi tùng chinh bên Đại Pháp chẳng may bị tử trận. Miếu cất đã xong, trong vài ba bữa nữa sắp làm lễ khánh thành, phu nhân cố giữ lại xem, nhưng đi chơi đã lâu quá, phải kịp về Sài Gòn để sửa soạn ra Bắc, nên không thể ở lại cho đến ngày làm lễ được. Phu nhân sai người đưa đi xem miếu và xem các đình chùa trong tỉnh. Tỉnh Vĩnh Long này là một tỉnh cũ, nến sánh với các tỉnh khác còn có một vài nơi cổ tích. Cái khí vị trong tỉnh thành cũng ra cái khí vị cũ, hơi giống như các tỉnh ngoài ta [… ]. Đại để các đình chùa miếu vũ ở đây có cái vẻ bỏ hoang cả, coi như người dân không thường tới lui lễ bái”(7)

 

            Trong tác phẩm Cảnh vật Hà Tiên do Đông Hồ và Nguyễn Văn Kiểm sao lục đã phác vẽ vị trí chùa Tô Châu: “Hàng dừa gáo mọc liên tiếp nhau cả vài trăm thước là lề đường lộ đi Hòn Chông, Rạch Đùng. Đi lần thêm về mé tay trái là bến đò xe hơi và xóm Tô Châu. Sau xóm có núi Tiểu Tô Châu. Eo núi có ngọn dương ngọn dừa một ngày một cao thêm. Chỗ đó là sân chùa. Canh khuya đêm gió nghe nhà sư gõ mõ vang râm để thức tỉnh lòng người đắm chìm bể khổ”(8); xác định ngôi chùa thường được dựng giữa nơi non cao, cây cảnh, hòa nhập trong thiên nhiên: “Quanh theo Hà Tiên, núi nho nhỏ thì nhiều. Núi nào cũng có vườn tiêu, hoa cỏ, hay là danh mộc, lắm cây tốt đẹp. Trên chót núi có nơi có chùa, có nơi lập vườn chuối, vườn thơm, có trồng xoài mít, có cây sơn chà, có bông huỳnh mai”; thêm nữa là sự kết hợp Nho – Phật – Đạo trong một quần thể kiến trúc và cảnh quan phù hợp với đời sống con người: “Chiêu Anh Các cất ở lối trước chùa Tiêu Tự. Đền đài và cung điện của quan Tổng binh đại Đô đốc ở về phía tả chùa ông Quan Đế, nhưng không được chắc là chỗ nào. Sau chùa còn dấu vết bờ tường ngày xưa, chỗ cao một thước, chỗ sát mặt đất, chỗ cao bảy, tám thước, chỗ dày gần một thước và đúc toàn đá trứng rất kiên cố. Tường rong đóng đen mà các cạnh hãy còn bén lắm”…

 

            Về sau này, trong lữ ký Hai tháng ở gò Óc Eo (hay là câu chuyện đi đào vàng) in liền 6 kỳ trên Tri tân tạp chí, nhà khảo cổ học Biệt Lam Trần Huy Bá đã đến di chỉ go Óc Eo: “Gò Óc Eo thuộc địa phận làng Mỹ Lâm, tỉnh Rạch Giá, giáp giới làng Vọng Thê, tỉnh Long Xuyên, ở về phía đông nam núi Ba Thê độ hai cây số. Một cánh đồng bát ngát nhấp nhô có mấy cái gò cao, nhất là gò Cây Thị, vì có bóng cây, lại cao hơn cả nên được người ta đem trâu bò lại cột để ở đó trong vụ nước lớn hăng năm. Đã vài ba năm nay có một người thợ cầy ở Vọng Thê, nhân khi cầy ruộng, lúc lưỡi cầy chạm vào một vật cứng, người ấy bới ra xem, thì là một pho tượng ở trong một cái khung dài độ 20 phân; khi rửa sạch đất thì ra bằng vàng, người đó đem về nhà để thờ được ít lâu thì bị kẻ trộm lấy mất. Từ đó người ta đồn đại xôn xao, rồi kẻ kiếm được vật này, người lượm được đồ kia, thứ thì bằng vàng, thứ thì bằng ngọc thạch”(9)

 

            Đến đoạn cuối, Biệt Lam Trần Huy Bá kể chuyện đến thăm chùa Linh Sơn:

 

            “Chùa Linh Sơn ở cách nhà làng độ hơn cây số. Ngay ở sườn núi Ba Thê. Ngày thường hai buổi đi về vẫn qua cổng chùa, mà chưa có dịp lại thăm, nhân nay có ông bạn N.Đ. chỉ đường, nên chúng tôi cùng tới. Ngõ chùa toàn xếp những phiến đá to thành bậc, hai bên cây cỏ tốt tươi. Chùa này nhỏ hẹp, nhưng xem cũng có vẻ phong quang, phía sau có nhà tổ và phòng sư cụ ở trụ trì. Sư cụ đã ngoài sáu mươi, người chất phác, thấy chúng tôi vào vãn cảnh, người rất vui mừng, pha trà tiếp đãi, rồi dẫn đi thăm chùa. Chùa xây vuông, ở giữa chỉ có một pho tượng đá cao chừng 6 thước, có 4 tay, phía sau có rắn chín đầu nhô lên che như cái tán. Ngoài ra không có một pho tượng nào khác nữa.

 

            Sư cụ kể chuyện rằng: hồi thượng cổ pho tượng Phật đây chính là ở chùa tháp ngay nền nhà làng bây giờ, tháp đổ, tượng nằm trơ, người thổ bảo nhau khiêng đi chỗ khác để thờ nhưng bao nhiêu người khiêng cũng không sao nổi. Về sau, bọn người Việt Nam kéo đến khấn lễ rồi họ khiêng được Phật về đây, dựng nên chùa này. Vì thế, ở đây, các dân thổ họ đã có chùa của họ; còn chùa đây chỉ riêng người Nam phụng sự; tuy ở một làng, nhưng thành hai phái. Tôi hỏi cụ có biết chùa dựng từ bao giờ. Cụ giả nhời: đã lâu lắm, kể ra cũng đã mấy đời rồi. Ấy câu chuyện truyền thuyết như thế, chả biết có thực hay không. Tiện dịp tôi có vịnh một bài Đăng Linh Sơn tự cảm tác bằng Đường luật… Vịnh xong, ông bạn N.Đ. cũng ứng khẩu họa liền”…

 

            Rồi đến thăm chùa Tiên Sơn ở ngay trên núi:

 

            “Ngoạn xong cảnh chùa Linh Sơn chúng tôi mới trèo lên đỉnh núi để thăm chùa Sơn Tiên. Đường lên chùa toàn đi dốc ngược như trèo thang, hai bên cây mọc xen nhau cao chót vót, thỉnh thoảng lại có một phiến đá trồi ra như cái mái hiên, chúng tôi dừng chân một chút rồi lại leo hoài. Cứ thế đi mãi, coi bộ đã mỏi gối chồn chân, mà chưa đến đỉnh! Chúng tôi nghỉ lại rồi lấy viễn kính nhòm ra tứ phương: Phía đông nam thì kìa, tỉnh thành Rạch Giá và bể rộng bao la. Còn ba phía khác thì bát ngát mênh mông, nhất là về phía gò Óc Eo những nơi mà chúng tôi mới đào tìm, thực là rõ rệt. Được những cơn gió ào ào từ phương nam kéo lại, chúng tôi mát mẻ khoan khoái lạ thường!

 

            Một ông già nhà ở trên sườn núi nhân buổi trước đã đi thăm gò Óc Eo, gặp tôi, ông nhận ra ngay. Chúng tôi mời ông ấy cùng leo lên đỉnh. Tới nơi, thấy một cảnh chùa mới mẻ, và vài ba ngọn tháp mới xây, cảnh tượng không lấy gì làm cổ kính. Nhà sư trụ trì độ tuổi bốn mươi, người trông thanh tú, cũng tiếp đãi chúng tôi ân cần và nói cho hay cảnh này cũng mới lập ra, chừng độ 40 năm trở lại. Ấy thế mà cũng được ba vị sư tịch ở chốn này rồi, nên đã dựng được 3 ngọn tháp. Chùa đây nhỏ hẹp hơn chùa Linh Sơn, sự đi lại khó khăn nên khách vãn cảnh cũng không được đông vui cho lắm. Tôi thăm hỏi hồi lâu, rồi cũng cảm tác một bài quốc ngữ”...

 

            Có thể thấy các trang du ký của người Việt viết về Phật giáo, các ngôi chùa, đời sống tu hành và tín ngưỡng của người dân thường hướng đến những chi tiết xác thực, cụ thể. Điều này có thể lý giải bởi vùng đất Cửu Long – Nam Bộ là đồng bằng, không nhiều núi non, địa hình không phù hợp với việc xây dựng những ngôi chùa nguy nga, bền vững, tạo nên truyền thống lâu dài. Nói khác đi, văn hóa Phật giáo vùng Cửu Long – Nam Bộ thiên về chùa làng, chùa sông nước và sự lan tỏa của đời sống tâm linh Phật giáo bình dân, bình dị.

 

            3. Kết luận

 

            Trong khoảng nửa đầu thế kỷ XX đã xuất hiện một số tác phẩm du ký của người Việt Nam viết về Phật giáo ba nước Đông Dương thuộc hạ lưu tiểu vùng sông Mê Kông. Những điều họ được xem, nghe, đọc, trải nghiệm đã phác họa được phần nào dấu ấn lịch sử và đời sống tâm linh mỗi vùng miền địa - văn hóa Phật giáo cụ thể. Nói một cách khái quát nhất, có thể hình dung về Phật giáo ba nước đều có cội nguồn lịch sử và truyền thống lâu đời; trong đó thể hiện rõ tầm vóc kỳ vĩ của hệ thống đền - chùa Campuchia, niềm lạc quan vui sống bằng tâm thế chùa - lễ hội của người Lào và hình ảnh những ngôi chùa làng - chùa sông nước bình dị ở Việt Nam. Nói riêng thể tài du ký giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX đã góp phần quan trọng vào quá trình hiện đại hóa nền văn học dân tộc và giúp cho người Việt Nam hiểu biết nhiều hơn về lịch sử - văn hóa Phật giáo cũng như đất nước và con người hai nước láng giềng Lào, Campuchia. Từ đề tài này chúng tôi hy vọng hướng tới sưu tập, xuất bản được công trình Du ký những ngôi chùa Đông Dương nửa đầu thế kỷ XX, góp phần vào việc nhận diện đặc điểm Phật giáo ba nước Đông Dương trong tổng thể truyền thống, lịch sử và quá trình phát triển Phật giáo vùng Mê Kông.

 

 

 

Chú thích:

 

(1) V. Ng. Ch: Võ Môn và Tam Cấp. Công luận, số 6606, ra ngày 3-8-1934, tr.3 + số 6607, ra ngày 7-8-1934, tr.3 + số 6608, ra ngày 11-9-1934, tr.3.

 

(2) Võ Nhan Cư: Trên mặt nước từ Tân Châu về Nam Vang. Công luận, số 7277, ra ngày 16-11-1936, tr.5.

 

(3) Đi Nam Vian chơi. Nam Kỳ địa phận, số 444 năm 1917, tr.491-493; số 445 năm 1917, tr.509-519; số 447 năm 1917, tr.540-542; số 448 năm 1917, tr.553-555. Các trích dẫn tác phẩm đều theo tài liệu này.

 

(4) J. Đ: Đi chơi nơi Ruines D’angkor. In 12 kỳ. Nam Kỳ địa phận, từ số 658 (ra ngày 13-10-1921, tr.636-638) đến số 670 (ra tháng 1-1922, tr.13). Các trích dẫn tác phẩm đều theo tài liệu này.

 

(5) Phạm Quỳnh: Du lịch xứ Lào. Nam phong tạp chí, số 158+159, tháng 1+2-1931… Các trích dẫn tác phẩm đều theo tài liệu này.

 

(6) C. L: Đi thăm xứ Lào. In 8 kỳ. Công luận, từ số 6913 (ra ngày 20-8-1935, tr.1) đến số 6920 (ra ngày 28-8-1935, tr.7). Các trích dẫn tác phẩm đều theo tài liệu này.

 

(7) Phạm Quỳnh: Một tháng ở Nam Kỳ. Nam phong tạp chí, số 17, tháng 11-1918; số 19+20, tháng 1+2-1919… In lại trong sách Phạm Quỳnh – Tuyển tập du ký (Nguyễn Hữu Sơn sưu tầm, giới thiệu). Nxb. Tri Thức, Hà Nội, 2013,  tr.143-144.

 

(8) Đông Hồ và Nguyễn Văn Kiểm: Cảnh vật Hà Tiên. Nam phong tạp chí, số 150-154, tháng 5-1930 đến tháng 9-1930… Tuyển in trong Du ký Việt Nam - Nam phong tạp chí (1917-1934), Tập III (Nguyễn Hữu Sơn sưu tầm, giới thiệu). Nxb Trẻ, TP Hồ Chí Minh, 2007, tr.518-639. Các trích dẫn tác phẩm đều theo sách này.

 

(9) Biệt Lam Trần Huy Bá: Hai tháng ở gò Óc Eo (hay là câu chuyện đi đào vàng). Tri tân tạp chí (số 168, (tháng 11-1944, tr.19-20 đến số 174, tháng 1-1945, tr.12-13+16)… Các trích dẫn tác phẩm đều theo tài liệu này.

 

 Nguồn: Tạp chí Văn hóa & Du lịch, số 26 (80), tháng 11.2015

 



(*) PGS.TS., Viện Văn học.

 

 

Thông tin truy cập

63694588
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
14880
23426
63694588

Thành viên trực tuyến

Đang có 636 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website