Trong hàng ngũ lãnh đạo quốc tế, hình như chỉ có một người đã nhận thấy tai họa của trái đất và nhân loại. Người đó là Josè "Pepe" Mujica tổng thống một nước rất nhỏ là Uruguay, nhưng ông đã can đảm phát biểu ý kiến của mình trước hội nghị G20 ở Brasile. Câu hỏi của ông “Mà con người quản lý thị trường hay thị trường quản lý con người?” chắc chắn sẽ đi vào lịch sử thế giới. Vì nó đơn giản, nhưng nói lên sự thật mà không ai có thể bắt bẻ. Và vì nó chạm đến trái tim của những ai quan tâm đến giá trị sống của loài người.
“ Trước hết tôi xin cám ơn nhân dân Brasile và bà tổng thống Dilma Rousseff.
Và xin chân thành cảm ơn các đại biểu đã hùng biện phát biểu trước tôi. Với tư cách là nhà lãnh đạo, tất cả các ngài đã biểu lộ ước muốn khích lệ các thỏa thuận để loài người tội nghiệp của chúng ta có thể đăng ký.
Nhưng xin các ngài cho phép tôi đặt mạn phép đặt lên vài câu hỏi.
Suốt ngày hôm nay chúng ta đã nói về sự phát triển bền vững và giải phóng loài người từ sự nghèo đói hiện nay. Thế thì ý tưởng chủ đạo nào nằm trong đầu chúng ta?
Chúng ta đang nghĩ về mô hình phát triển và tiêu thụ của những xã hội giàu có hiện tại?
Tôi xin hỏi : điều gì sẽ xảy ra đối với hành tinh của chúng ta nếu những người da đỏ cũng có cùng số lượng xe hơi giống như các gia đình người Đức?
Bao nhiêu dưỡng khí còn lại để chúng ta hít thở?
Thực tình mà nói: Hành tinh này hiện nay có đủ tài nguyên để có thể cung cấp cho 7, 8 tỷ người sống cùng mức sống tiêu thụ và lãng phí của những xả hội sung túc Tây phương?
Điều này có thể thực hiện hay không?
Hay là một ngày nào đó, chúng ta sẽ lại phải cùng nhau đối mặt để có một cuộc tranh luận khác?
Bởi vì chính chúng ta đã tạo nên một nền văn minh mà trong đó chúng ta đang sống : con đẻ của thị trường, con đẻ của cạnh tranh…và đã dẫn đến một sự phát triển vật chất phô trương và bùng nổ?
Nhưng nền kinh tế thị trường đã làm phát sinh một xã hội thị trường và mang đến cho chúng ta sự tòan cầu hóa này.
Nhưng chúng ta đang quản lý thị trường hay sự toàn cầu hóa đang quản lý chúng ta?
Chúng ta còn có thể nói về tình huynh đệ, về mọi người hãy hòa bình chung sống cùng nhau trong một nền kinh tế đặt trên sự cạnh tranh khốc liệt và tàn bạo?
Tình liên đới của chúng ta thực sự đang ở mức nào?
Tôi không nói những điều này để phủ nhận tầm quan trọng của sự kiện này, mà ngược lại.
Sư thách thức mà chúng ta đang có trước mặt có một tầm quan trọng khổng lồ và sự khủng hoảng vĩ đại không phải là sinh thái, mà là chính trị!
Loài người hiện nay không quản lý nổi sức mạnh mà mình đã phóng thích, mà chính những sức mạnh này đang chi phối loài người …và quản lý luôn cuộc đời chúng ta!
Bởi vì chúng ta sinh ra không phải để phát triển.
Chúng ta sinh ra để được hạnh phúc!
Bởi vì cuộc đời chúng ta ngắn ngủi và trôi qua rất nhanh.
Nhưng nếu cuộc đời mà ta không sống, chỉ làm và làm để tiêu thụ nhiều hơn thì động lực của cuộc sống là xã hội tiêu thụ vì rằng, nếu chúng ta ngừng tiêu thụ, nền kinh tế sẽ khựng lại và nếu nền kinh tế khựng lại thì con ma trì trệ liền xuất hiện trước mắt chúng ta.
Chính chủ nghĩa tiêu thụ đang tấn công trái đất.
Để kích thích chủ nghĩa tiêu thụ, chúng ta đang sản xuất ra những mặt hàng có tuổi thọ ngắn để có thể bán nhiều hơn.
Một cái bóng đèn không thể được sử dụng nhiều hơn 1000 giờ, nhưng chúng ta có thể sản xuất những bóng đèn có thể sử dụng 100 ngàn hay thậm chí 200 ngàn giờ.
Nhưng những bóng đèn này chúng ta không thể sản xuất do vấn đề thị trường, vì chúng ta phải làm việc và chúng ta phải bảo vệ cái xã hội dùng rồi vứt. Và cứ thế chúng ta bị cầm tù trong cái vòng lẩn quẩn.
Đây chính là những vấn đề thực của chính trị đang hối thúc chúng ta phải bắt đầu tạo dựng lên một nền văn hóa khác.
Không phải là chúng ta kêu gọi con người phải trở về sống trong hang động hoặc xây dựng một tượng đài cổ võ cho sự lạc hậu.
Nhưng chúng ta không thể tiếp tục để thị trường quản lý chúng ta vô hạn định. Chúng ta phải bắt đầu là người quản lý thị trường.
Vì thế mà tôi xin nói bằng những ý tưởng khiêm tốn của mình, là vấn đề mà chúng ta đang có trước mặt là thuộc về chính trị.
Các nhà tư tưởng cổ đại Epicuro, Seneca hay người dân Aymara[1] đều đã từng nói: “Người nghèo không phải là người có ít của cải nhưng là kẻ cần nhiều thứ và luôn muốn có thêm”.
Đây chủ yếu là vấn đề văn hóa.
Vì thế tôi xin hân hoan chào đón những nỗ lực và những thỏa thuận mà chúng ta sẽ bàn và với tư cách là lãnh đạo tôi xin ủng hộ.
Tôi cũng hiểu là một vài điều tôi vừa nói có thể sẽ va chạm
Nhưng chúng ta cần phải hiểu là sự khủng hoảng nguồn nước hay khí hậu không phải là nguyên nhân.
Nguyên nhân chính là mô thức văn minh mà chúng ta đã tạo nên.
Điều mà chúng ta cần thay đổi là cách sống của chúng ta.
Tôi, thuộc về một dân tộc rất bé, nhưng có rất nhiều tài nguyên
Trong đất nước chúng tôi chỉ có 3 triệu dân. Nhưng chúng tôi có 13 triệu bò sữa, một trong những giống tốt nhất thế giới, và từ 8 đến 10 con cừu loại thượng hạng.
Nước chúng tôi xuất khẩu thức ăn, sữa và thịt.
Là một bình nguyên và có gần như 90% diện tích có thể khai thác.
Các bạn của tôi đều đã tranh đấu cật lực để có thể chỉ làm 8 giờ mỗi ngày.
Và bây giờ họ đã đạt được mỗi ngày làm việc 6 giờ.
Nhưng cũng có những người làm việc 6 giờ, nhưng sau đó làm thêm một công việc khác, vì vậy họ còn làm nhiều hơn trước.
Tại sao? Bởi vì họ cần phải trả chi phí cho một số lớn nhu cầu: xe máy, xe hơi..vừa trả tiền cho cái này lại trả cho cái kia, rồi cái kia nữa...cho đến khi họ quyết định nghỉ ngơi thì ...chỉ còn là một lão già xương khớp đau nhức, như tôi hiện giờ, và cuộc sống của họ đã bay đi đâu mất.
Vì thế mà chúng ta phải tự đặt một câu hỏi: mà đây là mục đích của đời người?
Những điều mà tôi đang nói thật là sơ đẳng: sự phát triển không thể đi ngược lại hạnh phúc.
Sự phát triển phải trợ giúp cho niềm hạnh phúc của con người, tình yêu với trái đất,quan hệ giữa con người, sự chăm sóc con cái, có quan hệ bạn bè, có đầy đủ những điều chính đáng và cơ bản.
Bởi vì cái kho tàng quan trọng nhất của chúng ta là hạnh phúc!
Trong khi chúng ta phấn đấu để hòan thiện điều kiện xã hội, chúng ta phải nhớ là yếu tố đầu tiên của điều kiện xã hội có tên gọi là hạnh phúc của loài người!
Xin chân thành cảm ơn quý vị ! ”
Nguồn : http://www.youtube.com/watch?v=3SxkMKTn7aQ
Trương Văn Dân dịch từ nguyên tác tiếng Ý
( il discorso di Josè “Pepe” Mujica al G20 tenutosi in Brasile)
[1] Tập hợp dân chúng sống trong vùng nằm giữa Perù, Bolivia, Bắc Chile và Đông Bắc Argentina.