Kiến giải mới về 'Giả vương nhập cận'

 

Trong bang giao Đại Việt và Đại Thanh thời Tây Sơn có một sự kiện độc đáo xảy ra năm Canh Tuất [1790], đó là sau cuộc chiến tranh cuối năm Mậu Thân, đầu năm Kỷ Dậu [1789] với đại thắng của Đại Việt. Hai phía đã giảng hòa; nhân đại lễ bát tuần đại khánh của vua Càn Long năm Canh Tuất[1790], Nguyễn Quang Bình (vua Quang Trung) cùng các bồi thần trên 150 người được phía Đại Thanh đón tiếp long trọng, chu đáo từ đầu chí cuối gần một năm. Các sử gia đã nghiên cứu và đã nêu hết ý nghĩa to lớn của nỗ lực ngoại giao gần hai năm của triều Quang Trung, mà đỉnh cao là sự kiện nổi bật nêu trên.Nhờ vậy Đai Việt tránh can qua, hóa giải "lửa hận" hừng hực của những đầu nóng, quen chiến thắng hơn là chiến bại của vua quan nhà Thanh. Tuy nhiên vẫn còn tồn nghi chưa giải quyết rốt ráo: Nguyễn Quang Bình nhập Thanh là vua Quang Trung thực hay giả? Nếu giả thì ai đã làm vai trò "giả vương" của Đại Việt, nghĩa là đóng giả vua Quang Trung, để được vua tôi Càn Long đón tiếp long trọng từ biên giới Lạng Sơn đến hành cung Nhiệt Hà suốt năm Canh Tuất [1790]?

Để tiện trình bày kiến giải vấn đề nêu trên,thiết tưởng cần tổng quan những ý kiến tiêu biểu của các sử gia, các nhà nghiên cứu, các nhà báo từ trước đến nay.

A. Tổng quan vấn đề:

Các tác giả trong Ngô gia văn phái khi soạn Hoàng Lê nhất thống chí đã viết "giả vương nhập cận" là võ quan Nguyễn Quang Trực, người làng Mặc Điền, huyện Nam Đường (Nam Đàn), trấn Nghệ An. Ngô Thì Chí (1753 - 1788) viết chính biên và Ngô Thì Du (1772-1840)viếttục biên. Các dữ kiện giúp các tác giả là do các vị trong họ Ngô cung cấp, trong đó có Ngô Thì Nhậm. Ngô Thì Nhậm từng tổ chức sứ bộ có giả vương Quang Trung nhập Thanh để viếng Càn Long năm Canh Tuất[1790], có chú ruột là Ngô Tưởng Đạo.Con của Ngô Tưởng Đạo làNgô Thì Du sống ở Nghệ An, người viết hồi 15(có sự kiện giả vương) nên dữ liệu do HLNTC cung cấp có độ tin nhất định, khó bỏ qua.

Các sử quan trong quốc sử quán triều Nguyễn khi viết về " Ngụy Tây" trong Chính biên liệt truyện sơ tập, sách viết từ 1821 đến 1851, đã cho biết hai "giả vương", một "giả vương" tiếp chiếu Càn Long phong An Nam quốc vương cho vua Quang Trung vào tháng 11 năm Kỷ Dậu [1789] tại cố đô Thăng Long, một "giả vương" được Càn Long tiếp kiến ở hành cung Nhiệt Hà năm Canh Tuất [1790], đều do người cháu gọi bằng cậu của vua Quang Trung là Đại đô đốc Trị An hầu Phạm Công Trị đảm trách.Vì chính sử cung cấp dữ liệu nên các nhà nghiên cứu khó bác bỏ.

Nguyễn Thế Long trong sách Đại Việt quốc thư, xuất bản năm 2005 đã dựa vào một đoạn trong tờ dụ của vua Càn Long gửi bầy tôi của ông, từng đặt vấn đề "giả vương nhập cận" không phải là Phạm Công Trị, đoạn trích: "Còn như con y là Nguyễn Quang Thùy còn tuổi trái đào cũng có lòng ân cần thiết tha muốn chiêm cận, trẫm khen là có bụng trung hiếu, gốc ở chí tình nên trước đây đã giáng chỉ phong làm thế tử. Nay vì trên đường đi chẳng may nhiễm bệnh nóng lạnh, quốc vương kia khẩn khoản xin cho về nước điều trị nên thuận cho lời xin đó.Nguyễn Quang Thùy tuổi nhỏ, sức yếu, đang bị bệnh mà đi đường xa vạn dặm, không khỏi thêm phần mệt nhọc. Nghe Phúc Khang An nói đã phái bồi thần Đặng Văn Chân cùng với cháu của quốc vương là Phạm Công Trị cùng đưa ra khỏi cửa quan về nước, dặn là chữa trị cho chu đáo, việc đó rất đúng." Cùng quan điểm với Nguyễn Thế Long, sử gia Tạ Chí Đại Trường trong cuốn "Việt Nam thời Tây Sơn, Lịch sử nội chiến" (Nxb CAND, 2007) cũng đặt vấn đề nghi vấn: "Theo Liệt truyện thì vua giả là Phạm Công Trị, người có mặt ở Gia Định năm 1783. Rắc rối là trong sứ bộ năm 1790 lại có tên Phạm Công Trị đã đến Quảng Tây mà vì Nguyễn Quang Thùy bị bệnh, phải hộ tống trở về".

Phan Duy Kha trong bài viết "Bí ẩn sự kiện Quang Trung giả thời Tây Sơn" (blog Phan Duy Kha, 13/11/2012) đã nhắc lại quan điểm của Nguyễn Thế Long, Tạ Chí ÐạiTrường về sự kiện có Phạm Công Trị trong đoàn sứ bộ 1790, đã vào Quảng Tây nước Thanh nhưng đã hộ tống con trai Nguyễn Quang Thùy của vua QT trở về nước. Phan Duy Kha vẫn tin vào Đại Nam chính biên liệt truyện, ra sức lập luận logic nhằm chứng minh nhân vật hộ vệ Nguyễn Quang Thùy trở về là Phạm Công Trị giả, còn Phạm Công Trị thật vẫn tiếp tục là giả vương Quang Trung trong sứ trình.

Vào ngày 1-3- 2013, nhà báo Bùi Ngọc Long trong loạt bài "Theo dấu tích vương triều Tây Sơn" đăng trên báo Thanh Niên, đã dựa vào công bố của nhà nghiên cứu Lê Nguyễn Lưu khi đề cập "giả vương" Phạm Công Trị. Năm 1988, nhà nghiên cứu Lê Nguyên Lưu được cộng tác viên Đỗ Văn Tri thông báo, đã tiếp cận tấm bia cổ, ở Niêm Phò, Hương Điền, Thừa Thiên Huế, chủ nhân là bà Hoàng Thị Nghĩa, chánh thất của Phạm Công Hưng, em trai của bà Phạm Thị Liên (chánh cung hoàng hậu của vua Quang Trung).Nhờ văn khắc trên bia phát hiện, Lê Nguyễn Lưu xác định quả có Trị An hầu Phạm Công Trị, con của Thái úy quận công Phạm Văn Hưng. Ông Hưng là em trai của bà chánh cung hoàng hậu Phạm Thị Liên của vua Quang Trung. Như thế Phạm Công Trị là cháu gọi bằng cô của bà chánh cung, gọi vua Quang Trung là "bác" hoặc " dượng" chứ không là cháu gọi vua Quang Trung là "cậu" như chính sử đã chép.Phạm Công Trị từng đóng giả vua Quang Trung để tiếp kiến vua Càn Long năm 1790. Bùi Ngọc Long nhắc lại quan điểm của nhà nghiên cứu Lê Nguyễn Lưu về người đóng giả vua Quang Trung là Nguyễn Quang Trực, người Mặc Điền, Nam Đàn, Nghệ An.Theo Lê Nguyễn Lưu thì Nguyễn Quang Trực là giả vương tiếp chiếu sắc phong An Nam quốc vương ở Thăng Long vào tháng 11 năm Kỹ Dậu [1789]; lý do lúc bấy giờ Ngô Thì Nhậm được vua Quang Trung ủy quyền lo liệu việc bang giao vớí nước Thanh, việc tiếp chiếu ở Thăng Long không quan trọng bằng " giả vương triều cận," năm Canh Tuất [1790] nên họ Ngô đã chọn Nguyễn Quang Trực ở Nghệ An.

Với công bố của Phan Duy Kha, Bùi Ngọc Long vào năm 2012,2013 thì có thể chấp nhận "giả vương nhập cận" là Trị An hầu Phạm Công Trị như chính sử đã công bố. Tuy nhiên, trên giatocnguyencuu.wordpress.com, ngày 22-1- 2014 ông Nguyễn Cửu Vịnh (đời 10, thủy tổ là Nguyễn Cửu Kiều) đã chuyển từ Vân Dương Kinh phổ (gia phả họ Nguyễn Cưủ 1999) sang word, có đoạn "2. *NGUYỄN CỬU TRỊ 5KP – 22BP:Nội đội Trị An hầu, con thứ 12 của Hoán Quận công, dung mạo cao lớn đẹp đẽ tánh lại khôn khéo. Thuở giặc Tây Sơn Nguyễn Quang Bình chiếm cứ, khiến ông cải trang làm giả vương sang triều kiến vua Cao Tông (Càn Long) nhà Thanh.Về sau ông sống tại Hà Nội, coi thuế hầm mỏ Tuyên Quang, không biết chết như thế nào". Công bố của tộc họ Nguyễn Cửu khiến giới nghiên cứu trở lại vấn đề "giả vương nhập cận". 
TS Nguyễn Duy Chính trong quyển "Giở lại một nghi án lịch sử Giả vương nhập cận - có thực người sang Trung Hoa là vua Quang Trung giả hay không" (NXB Văn hóa - Văn nghệ, 2016) đã dựa trên nhiều nguồn tư liệu xác thực đương thời của cả hai bên, đặc biệt là văn thư trao đổi của các đại thần hai triều, những chỉ dụ của Càn Long, biểu tấu của Quang Trung để bác bỏ quan điểm "giả vương nhập cận". Ông cho rằng chính vua Quang Trung, tức Nguyễn Quang Bình theo danh xưng của nhà Thanh, đã được vua Càn Long mời sang Bắc Kinh dự lễ bát tuần khánh thọ của vua Thanh. Nguyễn Duy Chính cho rằng cựu thần nhà Lê và các sử gia triều Nguyễn bịa đặt sự kiện "giả vương nhập cận" nhằm hạ thấp uy danh của Quang Trung cũng như triều đình Tây Sơn trong bang giao với triều Thanh.

Ngày 25-10-2016, tại phòng đọc Doanh nhân-Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM , nhà nghiên cứu, TS Nguyễn Duy Chính có cuộc giao lưu với bạn đọc về đề tài lịch sử, nổi bật là các ý kiến quanh triều Tây Sơn, trong đó nổi cộm sự kiện có hay không có "giả vương nhập cận".Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn đã bác bỏ lập luận của TS Nguyễn Duy Chính, bảo vệ quan điểm chính sử; rằng người sang Trung Hoa lúc bấy giờ là Quang Trung giả. Theo Trần Đình Sơn thì với tình hình lịch sử, xã hội khi đó, Quang Trung không thể rời quốc đô phú Xuân, dẫn theo phái đoàn văn võ hơn 150 người sang nước Thanh, trong thời gian dài gần một năm. Là người dẫn chuyện tại cuộc giao lưu, TS Trần Ðức Anh Sơn thông báo rằng khi ý kiến không có Quang Trung giả sang Trung Hoa được ông đưa lên Facebook cá nhân, liền có nhiều ý kiến cho rằng ý kiến của TS Nguyễn Duy Chính là không đúng với sự thật lâu nay sách sử Việt Nam công bố.

Hai nhà nghiên cứu Đình Đính và Võ Vinh Quang đã viết bài "Giả vương nhập cận-một nhân vật khác"(Tạp chí Sông Hương, 1-8-2017), sau quá trình tìm hiểu, đã tiếp cận "Vân Dương Kinh phổ" viết bằng chữ Hán, của họ Nguyễn Cửu, tầm danh gia vọng tộc của Đàng Trong. Hai tác giả đã xác nhận Vân Dương Kinh phổ, bản chữ Hán được viết năm 1850, có ghi chép Nguyễn Cửu Trị từng là "giả vương nhập cận". Vấn đề "giả vương nhập cận" được khơi lại, tiếc rằng hai nhà nghiên cứu Đình Đính và Võ Vinh Quang chỉ nêu vấn đề nhưng chưa kiến giải để khẳng định giả vương nào mới thực sự làm lễ "bảo kiến" với Càn Long.

B. Kiến giải mới về "giả vương nhập cận":

1/ Không có vua Quang Trung thật "nhập cận" :

Vua Quang Trung không thể qua nước Thanh để tiếp kiến Càn Long năm CanhTuất [1790] vì vua phải ở kinh đô Phú Xuân để lo đối phó "thù trong giặc ngoài" cả hai phía Bắc và Nam:

Phía Bắc "thù trong" là cựu thần nhà Lê, "giặc ngoài" là vua quan nhà Thanh còn "hậm hực" trận đại bại mùa xuân Kỷ Dậu [1789];mặt trận này vua Quang Trung tin tưởng Ngô Văn Sở, Ngô Thì Nhậm, Phan huy Ích khi giao trọng trách cho họ.

Phía Nam, vua Quang Trung ở kinh đô Phú xuân để đối phó "thù trong" là vua anh Nguyễn Nhạc cùng các triều thần, hoàng tộc Qui Nhơn chưa nguôi việc Nguyễn Huệ từng phát hịch, đưa đại quân vào "bức ép" trung ương hoàng đế...và "giặc ngoài" là Nguyễn vương Phúc Ánh đang đứng vững ở Gia Định, có sự giúp rập của phương Tây, thủy quân đang phát triển mạnh; từng đánh chiếm một phần lãnh thổ phía nam của vua anh.

Thật vậy, có thể qua những thư từ của một số giáo sĩ viết năm 1790 để thấy vua Quang Trung không bao giờ có mặt ở nước Thanh.

Phù Lang Trương Bá Phát trên Tập-san Sử-Địa, số 21, 1-3-1971, có bài "Cuộc khởi dấy và chiến tranh của Tây Sơn", với đoạn dịch: "Cha Ginestar viết rằng: "Tây Sơn không ngờ Nhà Vua tới Bình Định hồi bấy giờ....Nhà vua ngó thấy gió mùa còn thuận tiện cho Ngài thật-hiện ý muốn của Ngài nên Ngài xuất hiện trước cảng của Tây Sơn, nơi đây Tây Sơn gom lại nào là tam bản, nào là thuyền chiến và những tàu khác. Tàu buồm thứ nhất của Nhà Vua là "chiếc tàu vỏ bằng đồng" (vật chưa từng thấy ở Quảng Nam quốc) vô trong cảng dưới quyền chỉ huy của ông Dayot....Song le, Tây Sơn liên-tiếp sử dụng đại bác để bắn, nhưng, hồi chiếc tàu vỏ đồng mới day qua để bắn, quân bảo vệ hải- cảng đều bỏ chỗ chạy trốn và trong hai ngày ở lại hải cảng,Nhà Vua xuống lịnh hỏa thiêu tất cả các tàu bè…

Nhà vua hoàn về Đồng- Nai lấy tư cách người chiến-thắng,với thâu-thập được tin mừng rằng hai anh em Tây Sơn đánh nhau vào 1790 đến 1792, mối bất- hòa ấy tồn-tại luôn luôn giữa hai anh em. Nhà vua lãnh-hội viễn-ảnh chiến thắng thuận lợi cho ngài…"(tr.90). Dẫn liệu này cho thấy giữa Phú Xuân và Qui Nhơn lục đục dai dẵng, không những Nguyễn Huệ Nguyễn Nhạc đánh nhau lớn trước năm 1789 mà còn giằng co đất đai, của cải, thứ vị,…kéo dài qua hai năm 1790, 1791. Vì vậy vua Quang Trung phải "hổ phục" ở Phú Xuân trong những năm cuối đời, để lo đối phó những thế lực phía Nam trong đó có năm 1790 vậy.

Đặng Phương Nghi trong bài "Triều đại Tây Sơn dưới mắt các nhà truyền giáo Tây phương", đăng ở Tập-san Sử-Địa, số 13, 1-3-1969, có dịch giới thiệu:

13-6-1790: Thư của ông Le Roy gửi ông Letondal [tr.1401-1403]

[tr. 1402] Theo như ông nói, thì chúng tôi không hay biết gì về cựu vương Nam Hà ở Dôúng Nai (Đồng Nai). Quân Nam Hà. Tiếm vương đã toàn thắng chúng tôi và để một người con khoảng 10, 11 tuổi cai trị chúng tôi.Bắc Hà đã thái bình nhưng người ta sợ sự yên ổn này không kéo dài. Quân Trung Hoa bị bại trận năm ngoái có thể sẽ trở lại tấn công nay mai. Mọi người tin tưởng rằng mùa tháng 5âm lịch sẽ phong phú nhưng gió không thuận mà mùa quá kém. Các giáo sĩ của ta ở Nam Hà nói rằng họ đã mất mùa này và nạn đói kém đang phá hoại xứ họ.Có người đề nghị với Tiếm Vương Quang Trung nên ngược đãi giáo đồ Gia Tô nhưng khi đình nghị, các quan đại thần tâu với ông rằng dân Công giáo rất đông, có nhiều trong các binh đội, nộp thuế đầy đủ và không hại ai cả.Nghe vậy, Tiếm Vương liền cả cười và nói rằng ông hy vọng đến tháng 6 dân Công giáo sẽ nộp đồng cho ông..."(tr.169). Dẫn liêụ này chứng tỏ năm 1790, xứ sở vua Quang Trung đang mất mùa, lại xảy ra vấn đề Công giáo ở Gia Định, Đồng Nai đang ủng hộ tích cực Nguyễn vương Phúc Ánh khiến một số triều thần tâu vua cấm đạo nên vua Quang Trung đã đình nghị ở triều đình Phú Xuân. Đây là bằng chứng vua Quang Trung thật đang ở kinh đô Phú Xuân vào tháng 5 Canh Tuất [1790].

Cũng trong bài đã dẫn, Đặng Phương Nghi dịch giới thiệu: "28-5-1790: Thư của ông La Mothe gửi ông Blandin[tr.216].

Tiếm Vương Quang Trung đang yên hưởng kết quả của sự tiếm ngôi dầu lời đồn [ngược lại]...ông vẫn đắm chìm trong niềm hoan lạc và bình thản hưởng cái kết qủa của những chiến thắng của ông ở Phú Xuân, và như chúa Sơn Lâm, tuy ra vẻ nằm ngủ nhưng sẵng sàng vồ mồi nếu kẻ nào chọc tới nó.

Về phần dân Bắc Hà chúng tôi, chúng tôi chỉ có một cậu bé 6,7 tuổi là con cả của Tiếm Vương, làm vua hay đúng hơn làm chúa, nhưng cậu bé đó có đại tướng và đại thần biết kiềm chế chúng tôi và bắt chúng tôi vâng lời."(tr.149).

Dẫn liệu này cho biết vua Quang Trung ở Phú Xuân trong năm 1790, ít xuất hiện trước ba quân, dân chúng; chỉ ẩn trong cung cấm kiểu "hổ phục" nhưng đang ra sức đối phó với hai thế lực Qui Nhơn và Đồng Nai.

Đến đây có thể khẳng định chính sử chép sự kiện "giả vương nhập cận" là chính xác và yên tâm kiến giải ai là "giả vương nhậpcận" ?

2/ Ai là "giả vương nhập cận"?

a/Giả vương tiếp chiếu ở Thăng Long:

Vì sự kiện "giả vương nhập cận" vô cùng quan trọng trong bang giao giữa hai nước "cựu thù" nên những người đương thời có liên quan, tham gia việc ấy sẽ giữ bí mật tối đa là điều tất nhiên. Đó là lý do từ năm 1790 đến nay, người đóng "giả vương" vẫn còn bí ẩn. Những sử gia đương thời hoặc đời kế tục cũng hạn chế thông tin nên ghi chép không sai nhưng chưa đủ.

Đoàn ngự đạo với giả vương Phạm Công Trị từ kinh đô Phú Xuân ra Thăng Long tiếp chiếu phong An Nam quốc vương vào tháng 11 năm Kỷ Dậu [1789] thì nhiều người biết, trong đó có tình báo của Nguyễn vương Phúc Ánh đang ở Phú Xuân và tai mắt dày đặc của cựu thần nhà Lê ở Thăng Long. Chưa kể các võ tướng cao cấp của Tây Sơn về hàng Nguyễn vương Phúc Ánh là những nhân chứng sống.Vì thế các sử quan của Quốc sử quán triều Nguyễn về sau khi viết về "giả vương" Phạm Công Trị ra Thăng Long tiếp chiếu là khả tín. Tất nhiên bồi thần giúp "giả vương" dâng biểu tạ ơn và hứa sẽ "nhập cận" vào đầu năm sau. Giả vương tiếp chiếu ở Thăng Long, không diện kiến Càn Long cùng các thân vương đại thần triều Thanh nên triều Tây Sơn không cần chuẩn bị kỹ lưỡng lắm, chỉ cần chọn người hao hao dáng vóc vua Quang Trung là được. Vả lại, chọn người thân ruột cũng không lo tình huống xấu như bị giữ lại làm con tin.Vì thế người cháu Phạm Công Trị của vua Quang Trung dễ dàng được triều đình Phú Xuân chọn để đảm trách việc trên.

b/ Tại sao Ngô Thời Nhậm, Phúc Khang An phải chuẩn bị "giả vương" Nguyễn Quang Trực ?

Những người liệu việc như Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích,...của Đại Việt rất chỉnh chu. Ngay Phúc Khang An, tổng đốc Lưỡng Quảng của nước Thanh, đã cho người thân tín qua gặp Ngô Thì Nhậm để bàn bạc, dặn dò kỹ lưỡng việc tổ chức phái đoàn. Thật vậy "giả vương nhập cận" phải ở suốt năm trời bên nước Thanh, không những tiếp kiến vua Càn Long mà còn thù tiếp biết bao người từ cửa ải biên giới Lạng Sơn, qua những dịch quán đến cung đình vua Thanh. Vì thế "giả vương nhập cận" phải được chọn kỹ lưỡng, hội đủ nhiều tiêu chí như dáng vóc, độ tuổi phải trung niên như vua Quang Trung, biết phép tắc cung đình phong kiến Đại Việt, Đại Thanh và phải có văn học để thù tiếp, ứng xử không chỉ đối với vua Càn Long mà còn đối với các thân vương, đại thần, các sứ thần các lân bang trong đại lễ "bát tuần đại khánh" của hoàng đế Càn Long.Người trẻ tuổi như Phạm Công Trị khó đảm trách. Hơn nữa, những người trải đời như Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích, không thể đề phòng bất trắc xảy ra, lỡ có hại đến sinh mạng con cháu của Chánh cung hoàng hậu Phạm Thị Liên, ắt mang trọng tội. Cho nên phương án chọn võ quan Nguyễn Quang Trực làm "giả vương nhập cận", như Ngô Thì Du đã biết và chép ở hồi 15 của Hoàng Lê nhất thống chí, là tối ưu.

c/Tại sao phái đoàn Đại Việt vào Quảng Tây mới hoán đổi "giả vương nhập cận"?

Một vấn đề cần xử lý là Ngô Thì Nhậm dù đã chuẩn bị "giả vương" Nguyễn Quang Trực nhưng vẫn để "giả vương" Phạm Công Trị nhập Thanh trước. Từ khi tiếp chiếu ở Thăng Long vào tháng 11năm Kỷ Dậu đến đầu xuân Canh Tuất, vài tháng đủ cho kẻ thù nắm bắt tin tức về giả vương Phạm Công Trị, có thể dâng sớ "tố cáo" lên thiên triều. Vì thế, triều Tây Sơn vẫn để "giả vương" Phạm Công Trị dẫn đầu đoàn, khởi hành từ Phú Xuân, ra Thăng Long, có thêm hoàng trưởng tử Nguyễn Quang Thùy. Ngô Thì Nhậm vẫn chỉ đạo lập danh sách các thành viên của đoàn, có tên Phạm Công Trị, Nguyễn Quang Thùy để báo cáo vua Thanh. Khi từ Thăng Long đến biên ải Lạng Sơn, có thể "giả vương" là Phạm Công Trị, còn Nguyễn Quang Trực tạm đóng vai Đai đô đốc Trị An hầu Phạm Công Trị. Như thế "tình báo viên" của cựu thần nhà Lê vẫn nắm tin Phạm Công Trị là "giả vương". Nhưng khi đến Quảng Tây, việc hoán đổi "giả vương" được bí mật tiến hành. Phái đoàn dâng biểu lên vua Càn Long rằng Nguyễn Quang Thùy bị ốm, nên cử Phạm Công Trị và Đặng Văn Chân hộ vệ Nguyễn Quang Thùy về nước. Vua Thanh chấp thuận. Khi ấy Nguyễn Quang Trực trở thành "giả vương nhập cận" vậy. Nguyễn Quang Thùy và Phạm Công Trị vì anh em cô cậu nên ít nhiều giống nhau, chứ giả vương Nguyễn Quang Trực khó giống Nguyễn Quang Thùy, nghĩa là để Nguyễn Quang Thùy cùng Nguyễn Quang Thực đóng vai phụ tử dễ bị lộ. Sự kiện này được giữ kín, đến nổi hơn ba mươi năm sau các sử quan triều Nguyễn viết Chính biên liệt truyện sơ tập cũng không hề biết bí mật hoán đổi nêu trên. Do vậy chính sử chép Phạm Công Trị là "giả vương nhập cận". Sau này nhờ tiếp cận dụ do Càn Long ban cho đại thần mới biết sự kiện Phạm Công Trị hộ tống Nguyễn Quang Thùy quay về như Nguyễn Thế Long, Tạ Chí Đại Trường từng thông báo.

d/ Điều bí ẩn đến lúc hé lộ .

Vậy Nguyên Quang Thực là ai ? Ngô Thì Du chỉ biết Nguyễn Quang Trực là võ quan Tây Sơn, người làng Mặc Điền, huyện Nam Đàn, trấn Nghệ An. Do giữ bí mật nên hành trạng của Nguyễn Quang Trực hoàn toàn bí ẩn.

Nêú sự kiện hoán đổi giả vương ở Quảng Tây đươc giữ kín thì Nguyễn Quang Trực cũng được Tây Sơn giấu tông tích, sau khi về nước. Có chăng người đóng giả vương Nguyễn Quang Trực sẽ giữ mãi trong lòng "kỷ niêm sâu sắc" trong đời và tất nhiên sẽ kể cho người thân tín kỷ niệm ấy. Thời Tây Sơn phải giữ kín, qua thời vua Nguyễn lại càng giữ kín vì đã lập đại công cho "Ngụy Tây". Tuy nhiên, con cháu sẽ truyền khẩu không dứt sự kiện cha ông làm "giả vương nhập cận" có một không hai này. Con cháu sẽ chép vào gia phả khi tình hình "triệt bỏ Ngụy Tây" đã hạ nhiệt. Nhờ vậy tông tích nhân vật đóng "giả vương nhập cận" Nguyễn Cửu Trị đã được Nguyễn Cửu Trường, cháu gọi Nguyễn Cửu Trị bằng chú, chép vào giả phổ của họ Nguyễn Cửu năm 1850 và họ Nguyễn Cửu công bố trên thông tin đại chúng năm 2014, được Đình Đính, Võ Vinh Quang xác nhận năm 2017.

Ông Trị An hầu Nguyễn Cửu Trị là người huân cựu của triều chúa Nguyễn, lại cộng tác với triều Tây Sơn, làm một việc "tày trời" nên họ Nguyễn Cửu chỉ truyền ức chứ không ghi vào gia phổ, nên phổ không ghi chép năm sinh, năm mất. Người soạn Vân Dương Kinh phổ là Lãm quận công Nguyễn Cửu Lãm, chung ông nội với Nguyễn Cửu Trị. Cuốn phổ được soạn vào những năm đầu triều Gia Long. Ông Lãm biết ông Trị đã theo "ngụy Tây’’ làm "giả vương nhập cận" năm 1790 là một việc "tày trời" trong lịch sử, nên có khả năng ông Lãm chưa chép kỹ về ông Trị. Nhưng "họ Nguyễn Cửu" có tự hào ngầm, đã truyền ức cho con cháu về ông Trị. Đến thời Tự Đức , khoảng năm 1850, ông Nguyễn Cửu Trường, Hữu thị lang sung biện nội các, hàng cháu gọi Nguyễn Cửu Trị là chú trong họ, đã mạnh dạn chép sự kiện "giả vương nhập cận" của chú Nguyễn Cửu Trị khi tu bổ Vân Dương Kinh phổ nhưng không biết năm sinh năm mất của Nguyễn Cửu Trị.

Còn tuổi Nguyễn Cửu Trị như thế nào?Vân Dương Kinh phổ không chép tuổi Nguyễn Cửu Trị nhưng cho biết năm sinh, năm mất của cha, ông nội, ông cố của ông Trị và cho biết ông Trị là con thứ 12 nên có thể đoán độ tuổi của Nguyễn Cửu Trị vào năm 1790 như sau: Cha của ông là Phò mã Hoán quận công Nguyễn Cửu Pháp [1703-1775](con thứ 4), ông nội của ông là Phò mã đô đốc Thiếu phó Trung quốc công Nguyễn Cửu Thế [1666-1734](con thứ 3), cố của ông là Trấn quận công Nguyễn Cửu Ứng [1634-1705]. Hoán quận công Nguyễn Cửu Pháp lập gia đình khoảng năm 1720, đã có 11 người con trai mới sinh con trai thứ 12 là Nguyễn Cửu Trị. Như thế Nguyễn Cửu Trị có năm sinh trong khoảng từ 1742 đến 1752, do đó khoảng năm 1790 thì Nguyễn Cửu Trị tuổi trên dưới 50, nghĩa là ông có tuổi xấp xỉ tuổi vua Quang Trung. Lúc quân Lê Trịnh chiếm Phú Xuân thì ông đã là võ quan Nội đội trưởng tước Trị An hầu.Vì ông là cháu ngoại của chúa Nguyễn Phúc Chu nên so với thanh niên Phạm Công Trị ông đã chính chắn, có văn học, quen lễ nghi cung đình và tướng mạo tuấn tú, đủ tiêu chí để làm "giả vương nhập cận". Một yếu tố để Ngô Thì Nhậm chọn Nguyễn Cửu Trị hơn chọn Phạm Công Trị là vì ông không phải con cháu vua Quang Trung.

e/ Nguyên do ông Nguyễn Cửu Trị cộng tác với Tây Sơn:

Vì dòng họ Nguyễn Cửu là thân tộc với họ Nguyễn Phúc Đàng Trong, nhiều người là đại công thần của triều chúa Nguyễn nên khi quân Lê Trịnh chiếm Phú Xuân, rồi Tây Sơn từng về hàng Lê Trịnh, đánh giết con cháu họ Nguyễn và con cháu các đại công thần, nên gia đình Nguyễn Cửu ly tán, người theo chúa Nguyễn xuôi Nam, lớp tử trận, lớp mai danh ẩn tích. Có khả năng Nội đội trưởng Trị An hầu Nguyễn Cửu Trị khoảng năm 1774 đã mai danh ẩn tích, từ dinh Quảng Bình chạy ra Nghệ An, trốn ở làng Mặc Điền, Nam Đàn, Nghệ An dưới vỏ bọc là một nông dân có tên Nguyễn Quang Trực. Khi vua Quang Trung kéo quân ra Bắc đánh Thanh, có khả năng Nguyễn Quang Trực (Nguyễn Cửu Trị) "vì nước quên thù nhà" đã tòng quân đánh quân Thanh. Vì ông có dung mạo tốt và có tài cầm quân nên sớm thành võ quan Tây Sơn dưới trướng của Đại tư mã Ngô Văn Sở, dễ "lọt mắt xanh" của Ngô Thì Nhậm khi đang tìm người làm "giả vương nhập cận". Ngô Thì Du (1772-1840), năm 19 tuổi, thường trú ở Nghệ An, biết việc ông bác Ngô Thì Nhậm chọn võ quan Nguyễn Quang Trực làm "giả vương" nên về sau viết hồi thứ 15, HLNTC, không biết lai lịch thật của Nguyễn Quang Trực nên viết theo tên họ quê quán thời Nguyễn Cửu Trị mai danh ẩn tích, trước 1789. 
Sau khi về nước, tất nhiên triều Tây Sơn phải bố trí Nguyễn Quang Trực (Nguyễn Cửu Trị) ở Thăng Long để tiện bề "quản lý" nhằm giữ bí mật. Mười hai năm sau vua Gia Long ra Bắc thanh toán triều Bảo Hưng Nguyễn Quang Toản [1802], võ quan nhỏ như Nguyễn Quang Thực ra hàng, sớm được bố trí làm viên quan thu thuế mỏ ở tận Tuyên Quang. Biết phận đời éo le, ông Nguyễn Cửu Trị giấu tông tích của mình, chỉ có một số người thân thích biết mà thôi. Nhờ vậy đến năm 1850, ông mới được cháu Nguyễn Cửu Trường bổ sung vào Vân Dương Kinh phổ (lưu hành nội bộ).

C- Hướng kiểm chứng :

Với tình hình tư liệu chính sử, dã sử hiện có, chúng tôi đã trình bày kiến giải như một giả thuyết công tác. Cần phải có kiểm chứng khoa học. Hiện nay, nhờ phương tiện truyền thông hiện đại, các tộc họ có những trang web nối kết, liên lạc các họ, phái, chi...trên toàn quốc, kể luôn hải ngoại, trong đó có tộc họ Nguyễn Cửu ở Thừa Thiên Huế và ở huyện Quảng Ninh thuộc Quảng Bình. Nguyễn Cửu Lãm chấp bút Vân Dương Kinh phổ vào những năm đầu triêù Gia Long, trú tại Quảng Bình. Nội đội trưởng Trị An hầu Nguyễn Cửu Trị trước khi làm giả vương nhập cận từng trú ở Quảng Bình, sau đó lại thường trú ở Thăng Long, làm việc thu thuế mỏ ở Tuyên Quang. Trong Vân Dương Kinh phổ có chép ông có con trai là Nguyễn Cửu Lễ.

Ngày 4-9-2017, chúng tôi cùng hai cộng tác viên là Nguyễn Văn Tuấn và Trần Viết Hòa đã về An Cựu Đông tìm trưởng tộc họ Nguyễn Cửu. May mắn chúng tôi gặp được ông Nguyễn Cửu Lợi, sinh năm 1956, em ruột của ông tộc trưởng. Ông Lợi sốt sắng mời chúng tôi vào phủ thờ (nhánh), nguyên ngaỳ xưa bà Ni cô Vân Dương (húy Nguyễn Ngọc Tuyên) từng ở.Ông lợi cho biết di vật thời bà còn lại là pho tượng Phật bằng đồng đang tôn trí án giữa, phía trước trong phủ thờ.Sau đó ông Lợi đưa chúng tôi gặp tộc trưởng Nguyễn Cửu là ông Nguyễn Cửu Dãnh, sinh năm 1946, phái III, trú tại 94 kiệt 1/1đường Tôn Thất Cảnh. Ông tộc trưởng sốt sắng mang toàn bộ thư tịch của tộc họ trong đó có Bắc phổ và V ân Dương Kinh phổ (ngài Nguyễn Cửu Trường, đời VI, chấp bút), không có bản do ngài Nguyễn Cửu Lãm viết những năm đầu triều Gia Long. Đặc biệt ông tộc trưởng cho biệt đã liên lạc chi Nguyễn Cửu ở Hà Nội, hậu duệ ngài Nguyễn Cửu Trị (giả vương nhập cận). Theo ông tộc trưởng chi Nguyễn Cửu Hà Nội đã có vài trăm hậu duệ. Ông tộc trưởng cung cấp số điện thoại của ông Nguyễn Cửu Thược,một vị hậu duệ Nguyễn Cửu Trị.

Chúng tôi bằng điện thoại liên lạc với ông Nguyễn Cửu Thược, biết ông Thược là hậu duệ đời thứ 9. Ngài tổ của ông là vị võ quan Tây Sơn, trong đạo quân do vua Quang Trung chỉ huy đại phá quân Thanh. Sau thắng trận, ngài tổ mới lập gia đình và lập nghiệp ở làng Trường Yên, Hà Đông, nay là xã Ngọc Sơn, huyện Chúc Sơn, Chương Mỹ, Hà Nội. Mộ ngài tổ vừa được trùng tu, có bia nhưng không khắc danh tính của ngài. Đây là một tín hiệu cho thấy hy vọng kiến giải của chúng tôi đúng hướng.

Ảnh: Tác giả và cộng tác viên Nguyễn Thanh Tuấn tại phủ thờ 
Sư cô Vân Dương (dâu của họ Nguyễn Cửu)

Huế, tháng 9-2917 
Trần Viết Điền

Thông tin truy cập

60536758
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
18251
10018
60536758

Thành viên trực tuyến

Đang có 360 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website