Truy cập mở có thể thay đổi ngành xuất bản học thuật

 

Tại thư viện quốc gia Thụy Điển, những nhà đàm phán mong muốn thúc đẩy truy cập mở để thoát khỏi cảnh trả phí thuê bao cho nhà xuất bản Elsevier. Nguồn: Nature

Những nỗ lực táo bạo thúc đẩy ngành xuất bản học thuật hướng về phía mô hình truy cập mở đang ngày càng gia tăng.

Những nhà đàm phán đại diện cho các thư viện và trường đại học trên khắp châu Âu đang chia sẻ chiến thuật về cách làm thế nào để có được những hợp đồng mới, qua đó đem lại khả năng đọc được nhiều công trình nghiên cứu mà không phải mất “tường phí” (paywall – chi phí người đọc phải chi trả để đọc được nội dung thông tin). Cuộc vận động truy cập mở này bắt nguồn từ Đức: nếu không thích những gì nhà xuất bản đề xuất, họ sẽ không trả tiền cho các tạp chí truy cập đóng. Vào ngày 16/5, một nhóm liên minh ở Thụy Điển cho biết họ sẽ không tái ký hợp đồng với “gã khổng lồ” xuất bản Elsevier nữa.

Loại hợp đồng mới này thực chất là các thỏa thuận “đọc và xuất bản”. Ký những thỏa thuận này, dù các thư viện vẫn sẽ phải trả phí thuê bao để có thể truy cập các bài báo nhưng các nhà nghiên cứu lại có thể xuất bản công trình của họ dưới dạng truy cập mở để bất kỳ ai quan tâm đến công trình cũng có quyền đọc nó miễn phí.

Những người ủng hộ cách làm này cho rằng những thỏa thuận như vậy sẽ thúc đẩy tiến trình của phong trào truy cập mở. Trong nhiều thập kỷ vận động để các công trình nghiên cứu được xuất bản công khai với lý do kết quả nghiên cứu của những công trình nghiên cứu được tài trợ cần đến với mọi người tuy nhiên mô hình kinh doanh đang thống trị thị trường của các nhà xuất bản vẫn chỉ công bố những bài báo đòi hỏi “tường phí” và thu các phí thuê bao từ các thư viện. Tuy nhiên nếu những nhóm liên kết thư viện lớn cố gắng đạt được thỏa thuận “đọc và xuất bản” thì tỷ lệ các bài báo truy cập mở có thể tăng lên.

“Một sự thay đổi trên khắp châu Âu đã tạo ra một nền tảng quan trọng [cho xuất bản học thuật]”, Koen Becking – nhà đàm phán chính của VSNU, một nhóm liên kết gồm 14 viện nghiên cứu ở Hà Lan. Vào năm 2014, VSNU là nhóm quốc gia đầu tiên đàm phán về thỏa thuận phí thuê bao, trong đó quy định về quyền của các tác giả công trình nghiên cứu. Từ đó, đã có nhiều thỏa thuận khác với nhiều cấp độ khác nhau về xuất bản mở được chấp thuận và sau Hà Lan, đến lượt nhiều tập đoàn ở Áo, Anh, Thụy Điển và Phần Lan cũng đạt được điều tương tự. Theo kết quả điều tra của Hiệp hội trường đại học châu Âu (EUA) - tổ chức có trụ sở Brussels, công bố vào tháng 4/2018 thì năm 2017, 11% nhóm liên kết ở châu Âu đã ký kết các thỏa thuận tính phí truy cập mở, tuy nhiên còn tới 63% nhóm liên minh mới dự kiến sẽ thực hiện điều đó trong tương lai.

Vào ngày 2/5/2018 tại Berlin, các nhà đàm phán từ nhiều quốc gia châu Âu đã đồng ý sắp xếp chiến lược thương lượng tại một cuộc họp kín có sự tham gia của điều phối viên đặc biệt về truy cập mở của EU, Robert-Jan Smits. Theo Gerard Meijer, một trong những nhà đám phán Đức thì các nhóm liên minh đã “nản lòng” bởi không có tiến bộ trong đối thoại và cảm thấy những giới hạn trong cộng tác giữa viện nghiên cứu và các nhà xuất bản lớn. “Bây giờ chúng ta phải cùng hành động, mạnh dạn thoát khỏi các đàm phán nếu nó không đi đến đâu cả”, ông nói.

Cuộc họp này là một phần trong chuỗi các sự kiện mà các nhà đàm phán thay đổi chiến thuật. “Ngày càng có nhiều người muốn chia sẻ kinh nghiệm của mình”, Matthijs van Otegem, giám đốc Thư viện trường Đại học Erasmus ở Rotterdam, và là chủ tịch của nhóm liên kết về truy cập mở tại Hiệp hội các thư viện nghiên cứu châu Âu (LIBER) ở Hague, Hà Lan.

Vào tháng 9/2018, LIBER đã công bố một loạt nguyên tắc hướng dẫn các nhà đàm phán tìm cách thay đổi các thỏa thuận của họ với các nhà xuất bản, bao gồm việc khép lại những thỏa thuận không được phép tiết lộ mà các nhà xuất bản vẫn thường “đương nhiên” nêu trong hợp đồng (nó giúp các nhà đàm phán so sánh các thỏa thuận ở những quốc gia khác nhau), hay việc không đồng ý tăng giá mà không có thỏa thuận về truy cập mở. EUA cũng kịp thời mở một phiên họp quốc tế sau khi nghe được những lo ngại trong quá trình thúc đẩy những thỏa thuận mới, theo lời Lidia Borrell-Damian – giám đốc nghiên cứu của Hiệp hội.

Yếu tố quan trọng đằng sau hoạt động thúc đẩy thỏa thuận với các nhà xuất bản ở châu Âu là mục tiêu của EU: đến năm 2020, tất cả các nghiên cứu sẽ được truy cập miễn phí ngay sau khi chúng được xuất bản. Các nhà đàm phán Hà Lan đã được giao nhiệm vụ môi giới cho một thỏa thuận với giới xuất bản có thể đáp ứng tầm nhìn này. Còn tại Thụy Điển, các nhà đàm phán đã tự đặt mục tiêu cho truy cập mở hoàn toàn các nghiên cứu vào năm 2026, và Thụy Sĩ dự kiến ​​là năm 2024.

Thế giới cũng đang nỗ lực đấu tranh cho truy cập mở ngoài phạm vi châu Âu: tháng trước, các nhà đàm phán Đức đã tới Hàn Quốc để thảo luận với các tập đoàn tại đây và đại diện của hệ thống trường đại học California tới dự phiên họp kín ở Berlin. OA2020 - một liên minh toàn cầu được điều phối từ Đức, đã thu hút sự tham gia đăng ký của hơn 100 tổ chức học thuật trên khắp thế giới cho thấy họ muốn chuyển kinh phí từ phí thuê bao xuất bản sang trả cho truy cập mở. 

Thỏa thuận hay không thỏa thuận

Tình trạng này ở Đức đã chứng tỏ rằng “không thỏa thuận” là một sự lựa chọn, van Otegem cho biết. Kể từ năm 2016, một liên minh trường đại học đã từ chối hợp tác trong một thỏa thuận với nhà xuất bản Elsevier. Bất chấp tình trạng này, nhà xuất bản đã không ngăn các học giả Đức truy cập vào các bài báo của họ - cho thấy các trường đại học không cần phải e ngại sự phẫn nộ của các nhà nghiên cứu nếu các đàm phán thất bại. Kể từ đó, nhóm khác cũng loan báo “không thỏa thuận” với các nhà xuất bản.

Những tranh chấp hợp đồng

Ít nhất bốn nhóm châu Âu, đại diện cho các thư viện và các trường đại học, cho biết họ đã thất bại trong thỏa thuận các hợp đồng với giới xuất bản hàn lâm để tính phí thuê bao. Các thỏa thuận này bao gồm các yếu tố truy cập mở đã được môi giới với một số nhà xuất bản của Hà Lan, Thụy Điển, Áo, Anh và Phần Lan.

Một nguyên nhân khiến các thư viện không còn quá e ngại một cái kết cho hợp đồng của họ với các nhà xuất bản là ngày càng nhiều những bài báo vốn phải đóng phí để đọc nay đã có thể truy cập miễn phí theo nhiều phiên bản như bản in hoặc bản gốc do tác giả cung cấp, Heather Joseph – giám đốc điều hành Liên minh Các nguồn lực nghiên cứu và xuất bản học thuật (SPARC), một nhóm tư vấn ở Washington DC nói. Sci-Hub, một trang web không hợp pháp dẫn đầy đủ bản sao các bài báo và được các nhà nghiên cứu trên khắp thế giới sử dụng, là một thực tế, Joseph Esposito – một cố vấn xuất bản ở  New York nhận xét. Anh cho biết thêm: “Không có Sci-Hub, các nhà nghiên cứu có thể sẽ kêu trời trong các thư viện vì không thể truy cập được các bài báo. Ảnh hưởng của Sci-Hub lớn đến nỗi ngay cả các cơ quan chính phủ cũng không thể làm gì được nó”.

Chi phí là một điểm gắn bó chính của “cuộc chiến” này. Một phát ngôn viên của Hội Hóa học hoàng gia Anh cho biết, tranh chấp hiện tại của nó với VSNU là một phần của việc đạt tới “một thỏa thuận để quá trình chuyển đổi sang truy cập mở bền vững” (Khi Nature liên hệ, các nhà xuất bản khác đã từ chối bình luận một cách chi tiết về các đàm phán).

Các nhóm liên minh thường không muốn thảo luận về việc liệu khi có hiệu lực, các hợp đồng “đọc và xuất bản” có trở nên tốn kém hơn không nhưng một số nhóm cho biết họ không muốn thỏa thuận bất kỳ hợp đồng đòi hỏi sự gia tăng chi phí nào. Tại Mỹ, nơi truy cập mở ít bị các động lực chính trị thúc đẩy hơn châu Âu, các thư viện đang cố gắng tiết kiệm tiền bằng việc hủy các hợp đồng “giá trị lớn” – toàn diện nhưng đắt đỏ, các hợp đồng cho phép truy cập một số lượng lớn tạp chí khoa học – một kiểu riêng để truy cập các tạp chí mà các cơ quan nghiên cứu của họ vẫn thường sử dụng nhất. Trước đây người ta từng áp dụng theo cách này và hiện tại thì tần suất ngày càng tăng lên.

Theo quan điểm của Steven Inchcoombe – giám đốc nhà xuất bản Springer Nature, một số thỏa thuận kết hợp cả chi phí đọc và xuất bản đã được môi giới ở Bắc Âu với sự ủng hộ truy cập mở mạnh mẽ từ các quỹ, các viện nghiên cứu và các chính phủ, nhưng trừ phi có nhiều tiền trả cho các thỏa thuận như vậy, chúng không thích hợp để trở nên phổ biến trong tương lai.

Nếu tình trạng này tiếp tục, Becking của VSNU cho rằng các nhà đàm phán có thể kết thúc các giao dịch nhưng có thể ngưng thương lượng với các nhà xuất bản riêng biệt. trong trường hợp này, các trường đại học có thể khuyến khích các nhà nghiên cứu phổ biến nghiên cứu của họ trên các nền tảng thay thế.

Anh Vũ dịch từ https://www.nature.com/articles/d41586-018-05191-0

Nguồn: Tạp chí Tia sáng, ngày 12.7.2018.

Thông tin truy cập

60423595
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
4570
6820
60423595

Thành viên trực tuyến

Đang có 144 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website