Một giả thiết khác về hành trình đi sứ của Nguyễn Du năm 1813 - 1814

PGS.TS.Nohira Munehiro

Cái hại của học thuật tay ngang

(Lời phi lộ cho bài “Một giả thiết khác về hành trình đi sứ của Nguyễn Du năm 1813 - 1814” của TS.Nohira Munehiro)

Gần đây có loạt bài viết của tác giả tên là Phạm Trọng Chánh về việc Nguyễn Du từng đi Trung Quốc trước chuyến đi sứ 1813-1814. Ông ấy cho rằng Nguyễn Du đã "vân du" đến nhiều nơi khác ngoài con đường đi sứ ra. Ông nói khơi khơi vậy, cứ làm như ngày xưa muốn đi thì đi dễ dàng. Cụ Nguyễn không thèm biết tiếng Hoa, đường đi Trung Quốc xa xôi dặm thẳm, tiền không có, mà chẳng có "công ty du lịch" nào biết đến cụ để đưa cụ đi chơi miễn phí, thế thì cụ đi làm sao? Câu chuyện hoang đường ấy của Phạm Trọng Chánh thế mà được khối người tin, nhất là nghiên cứu sinh, học viên cao học. Có cả tờ báo giấy, báo mạng đăng nữa, làm cái hại càng thêm hại. Tìm thông tin tác giả Phạm Trọng Chánh trên mạng, tôi thấy ông ấy chẳng liên quan gì đến nghề nghiên cứu văn sử, ông làm nghề khác, có lẽ giờ về hưu đâm rảnh rỗi, nghiên cứu tay ngang. Văn bản Bắc hành tạp lục ông không tìm hiểu kỹ, hàng mấy chục luận văn, luận án, bài nghiên cứu của học giới Trung Quốc về con đường đi sứ của sứ bộ Việt Nam ông không tham khảo. Chữ Nôm chữ Hán ông không rành, không biết ông có tự học không và tự học tới cỡ nào mà nói toàn chuyện động trời. Tôi đang lo các nhà xuất bản thích sách giật gân sẽ in sách của ông thì cái hại còn nhân lên ghê gớm và cơ hồ không xoá được nữa (tương tự như câu chuyện hão về Quang Trung mặt choắt 80 tuổi đích thân vào chầu Càn Long mà có ông nào đấy tung lên hôm trước, được một NXB bập vào, in hàng chục đầu sách).

Để chứng minh con đường đi sứ Trung Quốc của Nguyễn Du không giống như cố học giả Đào Duy Anh nói, một nhà nghiên cứu người Nhật: PGS.TS. Nohira Munehiro, từng làm việc lâu năm ở Trung Quốc, đã phải tham bác bao sách địa chí, tra cứu bao bản đồ. Và kết quả nghiên cứu của anh thật bất ngờ: Nguyễn Du không hề đến mộ Nhạc Phi ở Hàng Châu, và con đường đi sứ của Nguyễn Du khá khác với con đường mà các học giả Việt Nam hình dung.

Xin trân trọng giới thiệu bài viết của anh ở đây, cũng là nhắc nhở các nhà nghiên cứu tay ngang, các nhà báo, nhà xuất bản tay ngang thích giật gân, in tạp!

 

(Facebook Đoàn Lê Giang)

1. Nguyễn Du có tạt xuống Lâm An hay không?

Khi nghĩ về cuộc hành trình của sứ bộ Nguyễn Du vào năm 1813-1814 và sắp xếp lại các bài thơtrongBắc hành tạp lụctheo hành trình đi sứ, theo chúng tôi, vấn đề lớn nhất là: Nguyễn Du có tạt xuống Lâm An (Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang hiện nay) hay không, bởi việc Nguyễn Du có ghé qua Lâm An hay không sẽ ảnh hưởng đến sự suy đoán các địa điểm Nguyễn Du làm thơ.Khi soạn lại tập thơ ấy, Đào Duy Anh và Mai Quốc Liên đềuđoán rằng Nguyễn Du đến Lâm An. Nhưng ở đây, chúng tôi đặt vấn đề: sự suy đoán ấy có đúng không?

Trong bài “Giới thiệu một số tư liệu về Nguyễn Du mới sưu tầm được ở Trung Quốc” đăng trên Tạp chí Văn học số 11, năm 1964, Nguyễn Văn Hoàn giới thiệu nội dung tờ bẩm của sứ bộ Nguyễn Du gửi vua nhà Nguyễn tâu trình về công việc của sứ bộ. Xem nội dung ấy, chúng ta xác nhận được rằng khi về nước, Nguyễn Du đi qua các tỉnh Sơn Đông, An Huy, Hồ Bắc và Quảng Tây, chứ không nói là ghé qua Lâm An[1]. Trong khi đó, Nguyễn Văn Hoàn lại nói rằng “một số bài thơ chứng tỏ rằng Nguyễn Du có đến Hàng-châu”. Một trong “một số bài thơ” ấy chắc là bài “Nhạc Vũ Mục huỳnh” tức là Mộ Nhạc Vũ Mục, Mộ Nhạc Phi.

Bây giờ chúng ta hãy xem bản chép tay Bắc hành tạp lục, ký hiệu A.1494 bảo tồn ở Viện nghiên cứu Hán Nôm. Trong phần “Lời giới thiệu” của sách Thơ chữ Hán Nguyễn Du, Trương Chính khẳng định rằng cách sắp xếp các bài trong bản chép tay này đã ổn[2]. Chúng tôi cũng đồng ý với nhận xét này, nhưng theo chúng tôi, nói chính xác hơn thì các bài thơ trên đường đi Bắc Kinh khá ổn, song các bài thơ làm khi về nước thì bị mất trật tự sắp xếp. Theo đó, xem thử bài “Nhạc Vũ Mục huỳnh” nằm ở đâu, nằm giữa những bài nào trong bản chép tay A.1494 thì có thể trình bày như bảng dưới đây:

 
Số thứ tự các bài theo bản chép tay A.1494

北行雑録
BẮC HÀNH TẠP LỤC

bản chép tay A.1494

Nơi viết (suy đoán)

62 比干墓
TỈ CAN MỘ
河南, 衛輝府 
phủ Vệ Huy, Hà Nam
63 阻兵行
TRỞ BINH HÀNH
河南 
Hà Nam
64 嵇侍中祠
KÊ THỊ TRUNG TỪ
河南, 湯隂縣
huyện Thang Âm, Hà Nam
65 岳武穆塋
NHẠC VŨ MỤC HUỲNH
 
66 秦檜像
TẦN CỐI TƯỢNG
 
67 王氏像
VƯƠNG THỊ TƯỢNG
 
68 銅雀臺
ĐỒNG TƯỚC ĐÀI
河北, 鄴
Nghiệp, Hà Bắc
69 七十二疑冢
THẤT THẬP NHỊ NGHI TRỦNG
河北,  鄴錦城
thành Nghiệp Cẩm, Hà Bắc

Dựa vào thứ tự các bài trong bản chép tay này, chúng ta xác nhận được rằng bài “Nhạc Vũ Mục huỳnh” (và các bài “Tần Cối tượng”, “Vương thị tượng”) nằm giữa những bài viết ở miền bắc Hà Nam và những bài viết ở miền nam Hà Bắc, trên đường đi Bắc Kinh, chứ không phải trên đường về như Đào Duy Anh đã suy đoán. Nếu theo dõi cuộc hành trình đi sứ của Nguyễn Du thì chúng tôi có thể đoán rằng mộ của Nhạc Phi ở Hà Nam hoặc Hà Bắc, và Nguyễn Du ghé qua mộ ấy trên đường đi Bắc Kinh.

Sách Minh nhất thống chí, địa chí Trung Quốc, xác nhậnrằng ở Thang Âm, tỉnh Hà Nam, tức là nơi sinh của Nhạc Phi, có ngôi miếu của Nhạc Phi: 「岳飛廟 在湯隂縣治西南飛宋將本朝建賜額精忠勅有司春秋致祭」(『明一統志』巻二十八)[3].Nơi đấy cũng gần ngôi miếu của Kê Thị Trung(「嵇紹廟 在湯隂縣西南」(『明一統志』巻二十八)、「嵇紹墓 在湯隂縣境内」), gần chỗ mà Nguyễn Du viết bài thơ “Kê Thị Trung từ”đặt trước bài “Nhạc Vũ Mục huỳnh”trong bản chép taynày.

Tôi chưa bao giờ đếnđó,nhưng trên mạng Internet có những trang giới thiệu miếu Nhạc Phi ở Thang Âm, tỉnh Hà Nam và cũng xác nhận rằngở miếu đó có tượng Tần Cối và tượng Vương thị[4]. Có điều, chỗ ấy là ngôi miếu chứ không phải là ngôi mộ. Nhưng điều quan trọng là Nguyễn Du coi ngôi miếu ấy là ngôi mộ của Nhạc Phi. Việc miếu ấy có phải là mộ thật sự của Nhạc Phi hay không, ở đây không quan trọng.

Hơn nữa, khi xem kĩ nội dung bài thơ, chúng tôi có thể khẳng định rằng chính lúc ở cách xa Lâm An, Nguyễn Du mới viết được bài này. Ở cuối bài “Nhạc Vũ Mục huỳnh” có câu: “悵望臨安舊陵廟” (Trướng vọng Lâm An cựu lăng miếu - Buồn trông về lăng miếu cũ ở Lâm An). Ở đây, chúng ta hãy chú ý đến 2 chữ “trướng vọng 悵望”. Ở phần chú thích bài ấy, Lê Thước và Trương Chính viết rằng: “Có người dựa vào câu bảy: ‘Trướng vọng Lâm An cựu lăng miếu’ mà nói Nguyễn Du không đi đến Lâm An. Đứng xa nhìn nên mới nói ‘vọng’”[5]. Chúng tôi cũng hoàn toàn đồng ý với chú thích này. Ở ngay Lâm An thì không thể nói “trướng vọng Lâm An” được, không tự nhiên. Chữ Hán “vọng” có nghĩa: từ xa mà nhìn, nên có lẽ phải ở cách xa Lâm An, theo bài thơ này thì là ở Hà Nam, tác giả mới nói là “trướng vọng Lâm An” được.

Như vậy, chúng tôi tạm kết luận rằng Nguyễn Du viết bài “Nhạc Vũ Mục huỳnh” ở Hà Nam chứ không ở Lâm An. Cũng có thể suy đoán rằng hai bài thơ “Tần Cối tượng” và “Vương thị tượng” được Nguyễn Du viết tại miếu Nhạc Phi ở Hà Nam.

2. Xem xét lại một số địa điểm Nguyễn Du làm thơ trên đường về

Nếu giả thuyết nói trên của chúng tôi đúng thì các nơi Đào Duy Anh và Mai Quốc Liên đã suy đoán cũng phải xem xét lại, bởi vì ngoài bài “Nhạc Vũ Mục huỳnh”, hai giáo sư còn cho rằng một số bài thơ khác được Nguyễn Du viết ở Lâm An, hoặc những nơi gần Lâm An, nhưng theo giả thuyết của chúng tôi thì Nguyễn Du không đến Lâm An. Vì hạn chế nên chúng tôi chỉ xem xét lại địa điểm viết các bài: “Chu Lang mộ”, “Lương Chiêu Minh Thái tử phân kinh thạch đài” và “Tổ Sơn đạo trung”.

2.1. Mộ Chu Lang

Đào Duy Anh nghĩ rằng mộ Chu Lang ở Nam Kinh[6]. Nhưng xem sách địa chí Trung Quốc thì có 2 địa điểm mộ Chu Lang ở tỉnh An Huy:

1) Tại huyện Lư Giang, phủ Lư Châu (tỉnh An Huy):「周瑜墓 在廬江縣東一十里安豐郷瑜三國時呉將又見安慶府」(『明一統志』巻十四). 

2) Tại huyện Túc Tòng, phủ An Khánh (tỉnh An Huy):「周瑜墓 在宿松縣北三十五里」(『明一統志』巻十四). 

2.2. Núi [Ngũ] Tổ Sơn

Đào Duy Anh cho rằng Tổ Sơn ở tỉnh Chiết Giang[7]. Nhưng khi xem kỹ bản chép tay A.1494, chúng tôi nhận thấy bản chép tay ghi tên bài thơ là “Ngũ Tổ Sơn đạo trung” chứ không phải là “Tổ Sơn đạo trung”. Núi Tổ Sơn nằm ở phía bắc Hàng Châu như Đào Duy Anh viết, nhưng núi Ngũ Tổ Sơn lại nằm ở nơi khác, đó là huyện Hoàng Mai, tỉnh Hồ Bắc: 「五祖山 在黄梅縣東北三十里」(『明一統志』巻六十一).

2.3. Thạch đài của Chiêu Minh Thái tử

Đào Duy Anh suy đoán thạch đài nằm ở hoặc giữa Nam Kinh và Hàng Châu. Nhưng theo sách địa chí Trung Quốc thì ngoài Lâm An, ở huyện Túc Tòng, tỉnh An Huy cũng có một địa điểm được tương truyền là thạch đài:

「分經臺在宿松縣北五十里有石高百餘丈梁昭明太子金剛經於此宋嘉泰間建法華亭」(『江南通志』巻三十四). 「法華寺〔宿松〕縣五十里北全舉禪師道塲有昭明太子分經臺」(『江南通志』巻四十七)「分經臺在宿松縣北五十里有石臺相傳梁昭明太子嘗於此金剛經為三十二分」(『大清一統志』巻七十六).

Có thể tóm tắt các địa điểm Nguyễn Du đến để làm 3 bài thơ trên như sau: Sau khi qua tỉnh Sơn Đông, chắc Nguyễn Du chỉ đi qua miền Bắc tỉnh Giang Tô như Từ Châu thôi, sau đó đi vào tỉnh An Huy như tờ bẩm và viết 2 bài “Chu Lang mộ và “Lương Chiêu Minh Thái tử phân kinh thạch đài”, sau đó đi vào tỉnh Hồ Bắc, viết bài “Ngũ Tổ Sơn đạo trung”, chứ không đi xuống Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, hay Lâm An, tỉnh Chiết Giang.

3. Xem xét lại một số địa điểm khác

Ngoài 3 địa điểm vừa bàn ra, cũng có một số địa điểm hình như chưa chính xác, nên chúng tôi muốn xem xét lại ở đây.

3.1. “Vinh Khải Kỳ thập tuệ xứ” (nơi Vinh Khải Kỳ mót lúa)

Lê Thước, Trương Chính và Mai Quốc Liên cho rằng núi Đông Sơn được nhắc đến trong bài “Vinh Khải Kỳ thập tuệ xứ” nằm ở Chiết Giang[8]. Tuy nhiên, chúng tôi đoán núi Đông Sơn được nói tới trong bài thơ này là núi Thái Sơn hoặc núi Đông Mộng Sơn ở tỉnh Sơn Đông, vì câu chuyện giữa Khổng Tử và Vinh Khải Kỳ diễn ra ở tỉnh Sơn Đông nên như vậy sẽ hợp lý hơn.

3.2. “Tây Hà dịch” (Trạm Tây Hà)

Ngoài ra, chúng tôi cũng muốn xem xét lại trạm Tây Hà ở đâu, bởi vì trong 2 bài thơ “Tây Hà dịch” và “Sở kiến hành”, Nguyễn Du có nhắc đến địa điểm Tây Hà, nhưng việc nó nằm ở đâu vẫn chưa được làm sáng tỏ.

Đào Duy Anh viết rằng “Tây Hà: không rõ trạm ở chỗ nào. Có lẽ là trên đường An Huy đi Hồ Bắc”[9]. Lê Thước, Trương Chính và Mai Quốc Liên nghĩ “Tây Hà ở tỉnh Sơn Tây[10]”, tuy nhiên, nếu đối chiếu với cuộc hành trình của Nguyễn Du thì thấy nơi ấy không hợp lý. Sách địa lý Trung Quốc cho biết trạm Tây Hà nằm ở Kỳ Châu (蘄州):

「西河驛 在蘄州北五十里」(『大清一統志』巻二百六十四)

Chỗ ấy cũng gần Quảng Tế mà Nguyễn Du đã nói đến trong bài thơ “Quảng Tế ký thắng”. Cho nên, chúng tôi đồng ý với Đào Duy Anh và có thể đoán rằng trạm Tây Hà nằm ở Kỳ Châu, miền Nam Hồ Bắc.

4. Tạm kết

Chúng tôi đã xem xét lại một số địa điểm mà Nguyễn Du làm thơ trên đường đi sứ về. Dĩ nhiên, điều quan trọng nhất là nội dung các bài thơ mà Nguyễn Du để lại cho thế hệ sau. Ví dụ, đọc bài “Lương Chiêu Minh Thái tử phân kinh thạch đài”, bản thân tôi rất xúc động và kinh ngạc trước tư tưởng sâu sắc của Nguyễn Du. Nhưng trước khi tìm hiểu nội dung, chúng ta cũng cần nghiên cứu thêm về phần cơ sở một cách khách quan, một cách khoa học một lần nữa, cần phải đối chiếu lại với sách địa chí Trung Quốc một lần nữa, ít nhất cá nhân tôi nghĩ như vậy. Bởi vì việc suy đoán Nguyễn Du làm thơ ở đâu sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến cách giải thích thơ như chúng tôi đã bàn về bài “Nhạc Vũ Mục huỳnh”. Ngoài ra, giả thuyết của chúng tôi có lẽ sẽ đóng góp một phần nào đó để bác bỏ giả thuyết quá nhiều tưởng tượng[11].

Chúng tôi đã lập luận giả thuyết của mình căn cứ vào 2 tài liệu chính: (1) bản chép tay Bắc hành tạp lục A.1494, (2) tờ bẩm của sứ bộ Nguyễn Du được giới thiệu trong bài “Giới thiệu một số tư liệu về Nguyễn Du mới sưu tầm được ở Trung Quốc” của Nguyễn Văn Hoàn. Chúng tôi phải thú thật rằng nếu 2 tài liệu này có vấn đề gì thì giả thuyết của chúng tôi cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Nếu có bằng chứng chứng minh một cách khách quan rằng Nguyễn Du đã đến Lâm An thì chúng tôi sẵn sàng từ bỏ giả thuyết của mình. Nhưng khi chưa có bằng chứng khách quan nào phản bác lại điều đó thì phải chăng vẫn có quyền bàn luận thêm về giả thuyết của chúng tôi?

Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Văn Hoàn. “Giới thiệu một số tư liệu về Nguyễn Du mới sưu tầm được ở Trung Quốc”. Tạp chí Văn học, số 11. 1964.

2. Lê Thước, Trương Chính (biên soạn). Thơ chữ Hán Nguyễn Du. In lại theo bản 1965. Nxb Văn học và Công ty Sách Thời đại. Hà Nội. 2012.

3. Đào Duy Anh (sắp xếp, dịch nghĩa, chú thích). Thơ chữ Hán Nguyễn Du. Nxb Văn học. Hà Nội. 1988.

4. Mai Quốc Liên (biên soạn). Nguyễn Du toàn tập, tập I. Nxb Văn học. 1996.

5. Viện nghiên cứu Văn Sử - Đại học Phúc Đán, Trung Quốc & Viện nghiên cứu Hán Nôm, Việt Nam (hợp biên). Việt Nam Hán văn Yên hành văn hiến tập thành, tập 10. Nxb Đại học Phúc Đán. Thượng Hải. 2010.

(中国・復旦大学文史研究院、越南・漢喃研究院(合編)『越南漢文燕行文献集成』(越南所蔵編)第十冊. 復旦大学出版社. 上海. 2010)

6.『文淵閣四庫全書』原文電子版、武漢大学.

(Nguồn: kỷ yếu Di sản văn chương đại thi hào Nguyễn Du 250 năm nhìn lại, Viện Văn học, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 2015, tr.283 - 290) 


*PGS.TS., ĐH Ngoại ngữ Tokyo, Nhật Bản


[1]Tờ bẩm chép: “Ngày 22 lại nhận được công văn thay đổi đường đi, theo một dãy các tỉnh Trực-lệ, Sơn-đông, An-Huy, Hồ-bắc mà về Quảng Tây” (Nguyễn Văn Hoàn.“Giới thiệu một số tư liệu về Nguyễn Du mới sưu tầm được ở Trung Quốc”. Tạp chí Văn học, số 11. 1964. Tr.46).

[2]Lê Thước, Trương Chính (biên soạn). Thơ chữ Hán Nguyễn Du. In lại theo bản 1965. Nxb Văn học & Công ty Sách Thời đại. Hà Nội. 2012. Tr.15.

[3]Tôi tra cứu sách địa lý Trung Quốc và trích dẫn nguyên văn, có tham khảo bản điện tử Tứ khố toàn thư 電子版『四庫全書』.

[4]Ví dụ: http://www.keyunzhan.com/knews-99919.

[5]Lê Thước, Trương Chính. Sđd.Tr.308.

[6]Đào Duy Anh (sắp xếp, dịch nghĩa, chú thích). Chú thích 107. Thơ chữ Hán Nguyễn Du. Nxb Văn học. Hà Nội. 1988. Tr.435.

[7]Đào Duy Anh. Chú thích 109. Sđd. Tr.437.

[8]Mai Quốc Liên (biên soạn). Chú thích 3. Nguyễn Du toàn tập (tập I). Nxb Văn học. Hà Nội. 1996. Tr.508.

Lê Thước, Trương Chính. Chú thích 4. Sđd. Tr.367.

[9]Đào Duy Anh. Chú thích 121. Sđd. Tr.440.

[10]Mai Quốc Liên. Chú thích 1. Sđd. Tr.564.

Lê Thước, Trương Chính. Chú thích. Sđd. Tr.381.

[11]Xem Phạm Trọng Chánh. Nguyễn Du, từ Thái Nguyên sang Vân Nam cuối năm 1787. Truy cập tại: http://chimviet.free.fr/vanhoc/phamtrongchanh/PhamTrongChanh_ND_01SangVanNam.html

Thông tin truy cập

63688228
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
8520
23426
63688228

Thành viên trực tuyến

Đang có 956 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website