Năm 2015 tại Hội thảo Quốc tế kỷ niệm 250 năm ngày sinh Nguyễn Du tại Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, TS.Nohira Munehiro đã trình bày bài viết rất công phu “Một giả thiết khác về hành trình đi sứ của Nguyễn Du năm 1813 - 1814”. Nhan đề bài viết rất khiêm tốn, nhưng ý nghĩa của nó rất lớn: Nó chứng minh rằng Nguyễn Du không hề đi qua Hàng Châu trên đường đi sứ từ Bắc Kinh về nước như các nhà nghiên cứu lão thành Việt Nam: Đào Duy Anh, Lê Thước, Trương Chính, Nguyễn Văn Hoàn… hình dung. Và như vậy cụm bài viết về miếu Nhạc Phi trong Thơ chữ Hán Nguyễn Du mà chú thích ở Hàng Châu đều sai cả, vì Nguyễn Du đến viếng miếu Nhạc Phi ở Thang Âm, Hà Nam trên đường đi sứ của mình vào tháng 8 năm Quý Dậu (tức tháng 9 năm 1813). Mọi chuyện tưởng đã rõ ràng, nhưng ông Phạm Trọng Chánh vẫn không tin vào chuyện ấy, tiếp tục trình bày trên mạng (Chim Việt cành Nam) thuyết huyễn tưởng là Nguyễn Du đi vân du Trung Quốc trước chuyến đi sứ 1813, trong đó từng cưỡi ngựa đến Hàng Châu. Thuyết ấy vô lý với ai hiểu lịch sử, văn hóa và văn bản Bắc hành tạp lục, nhưng vẫn được nhiều người không có chuyên môn sâu, không có thái độ nghiên cứu nghiêm túc tin vào và truyền bá. Cái di họa của “ngụy học thuật” thật nguy hiểm!
Năm 2019, nhân Hội thảo Quốc tế Việt Nam học lần thứ IV do Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐHQG TP.HCM tổ chức, PGS.TS. Nohira Munehiro tiếp tục trở lại vấn đề này bằng bài viết “Khảo sát lại lộ trình đi sứ của Nguyễn Du và thứ tự các thơ bài chữ Hán trong Bắc hành tạp lục 北行雑録” để chứng minh các bài trong Bắc hành tạp lục của Nguyễn Du đã sắp xếp trật tự đúng như lộ trình đi sứ của Nguyễn Du.
Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu dưới đây.
Đoàn Lê Giang, PGS.TS.