TTCT - ...Khắc khổ, rét mướt thì nói chung tết thời bao cấp là vậy, nhưng bất an, đấy là tâm trạng của chỉ tết 1979...
Minh họa: Sà Và Ná
Trong số anh em chúng tôi con dân khu phố Nguyễn Thái Học nhập ngũ đợt tháng 9-1969 còn thọ được đến sau Ba Mươi tháng Tư chỉ mỗi anh Dần ngõ Thanh Miến, tức Dần “lé”, tiếp tục đời bộ đội. Mãi tới đầu 1978 anh mới phục viên, ra Bắc, về nhà. Mất tay trái, mắt trái. Bị từ mùa mưa 1977, tại An Giang, mảnh DK của Khmer Đỏ.
Gặp lại anh, người bạn từ thuở thiếu thời, mừng vui mà bàng hoàng. Hòa bình đã hơn hai năm, nào ngờ một miền đất nước vẫn chiến trường ác liệt, anh em mình vẫn người hi sinh, người bị thương nặng đến thế này.
Mặc dù, ngay từ hồi 1972, 1973 lính ta đã chẳng còn lạ gì bọn Khmer Đỏ, vậy nhưng từ sau ngày chiến tranh kết thúc thì ngoài những đồn thổi mù mờ, ở Hà Nội chúng tôi hầu như không được biết một tí gì về những cuộc tấn công gây hấn điên cuồng, xâm chiếm và thảm sát mà bọn chúng đã liên tiếp gây ra suốt từ ngày đầu tháng 5-1975 cho đến tận bấy giờ.
Hồi đó, đầu năm 1978, cao đỉnh thời bao cấp, tin tức cũng như thể là bị ngăn sông cấm chợ, các đài báo thông tấn triệt để kín miệng chứ đâu có mở như thời nay, thành thử tôi lần đầu biết về những gì đã và đang thực sự xảy ra trên dọc vùng biên giới Tây Nam là qua những lời kể thẳng tưng của bạn tôi, thượng úy Dần “lé”, nguyên chính trị viên tiểu đoàn.
Thực ra thì Dần đã hết là Dần “lé”, “nhờ” bị đạn bọn Pol Pot khoét đi con mắt trái, là con mắt khiến anh có biệt danh ấy từ thuở học trò. Sức khỏe cũng đã khá lên. Nhưng vì tay trái không còn, không về lại được với nghề thợ tiện, Dần nhận chân bảo vệ tại Bảo tàng Mỹ thuật.
Anh bảo làm ở đấy lương tiền chả mấy nhưng được cái gần nhà, mẹ ới là nghe thấy. Nhà anh trong ngõ Thanh Miến. Nhà chỉ hai mẹ con. Mẹ anh là cô giáo tiểu học, từ lúc về hưu sinh kế là cái máy may, mạng vá và sang sợi quần áo cũ.
Cha anh mất từ hồi trước chiến tranh. Hai cô em gái đều lấy chồng xa. Còn cậu em út, tên là Tý, sinh năm 1960, cách Dần mười tuổi, thì đi nghĩa vụ quân sự khi Dần vừa phục viên về được có vài tháng. Thuộc diện được miễn, nhưng Tý xung phong, bà mẹ không cản được, Dần thì chẳng cản.
Đầu năm 1979, một hôm, buổi chiều, Dần qua nhà tôi rủ tôi cùng đi tiễn cậu em, vừa về phép sau khóa huấn luyện tân binh, bữa nay trả phép, đi tàu lên nhận nhiệm vụ ở đơn vị công an vũ trang mà cậu ta được điều động về, trên Lạng Sơn. Lười và ngại rét, nhưng tôi vẫn cùng Dần ra ga. Buổi chiều muộn, đoàn tàu Bắc, cửa vào ga phố Trần Quý Cáp.
Tháng chạp, trời chiều rét căm căm, sân ga thì thông thống hút gió, nhưng nhóm lính trẻ đang đứng tụ lại trên ke chờ tàu chuyển bánh như là chẳng thấy lạnh lẽo gì, ồn ã vui vẻ cười nói, hút thuốc, tán dóc. Chỉ mỗi Tý, em trai Dần, là không thoải mái, bối rối và lúng túng thấy rõ. Có lẽ vì là lính Hà Nội duy nhất trong nhóm nên nhà gần ga, duy nhất được mẹ đưa tiễn, thành thử cậu ta ngượng.
Với lại, bởi vì, không hiểu sao, hôm ấy bà mẹ lại quá thể là ảo não. Bà cứ rấm rứt khóc, khóc lặng ngắt không thành tiếng, và vì nước mắt khôn cầm nên cũng chẳng nói được gì cả với con trai, bà chỉ cứ nghẹn ngào bám riết lấy khuỷu tay con không chịu rời, cả khi hành khách đã lên hết trên toa, còi tàu đã rúc lên giục giã.
Và, hồi lâu, trong bóng tối sân ga, bà cứ mãi ngóng vọng theo đoàn tàu đã khuất dạng, mặc cho Dần năn nỉ khuyên giải.
“Tao bực mẹ tao quá”. Dần bảo vậy. Tối ấy, đưa mẹ anh về nhà rồi, tôi và anh ra quán nước đầu ngõ Thanh Miến gọi cút rượu đĩa lạc, ngồi với nhau.
“Mẹ tao xót thằng Tý không được ở nhà ăn tết, với lại thương nó từ rày sẽ đời lính gian nguy, nhưng trước lúc ra ga, với lại cả suốt mấy hôm về phép Tý nó đã hết lời động viên, tao cũng tích cực động viên, nên mẹ tao nghe xuôi, trông có vẻ còn vui vui lên nữa là khác, ấy vậy mà ra ngoài ga lại thế, làm rối lòng thằng Tý, làm tao bực quá”. Dần nói vậy, nhưng vẻ mặt anh, giọng nói anh không phải sự bực bội mà là buồn bã, lo lắng.
Tôi bảo hay là do anh không biết cách nói, động viên mẹ nhưng lại làm mẹ thêm bất an. Anh bảo: “Tao không động viên an ủi lấy được, mà tao khuyên giải mẹ tao bằng sự thật, rằng Tý nó là lính biên phòng, nó đi lên mạn Bắc gác ải Hữu Nghị, tức là nó đi nhận nhiệm vụ ở một cái chốn tuyệt đối bình an vô sự chứ không có phải là xông pha vào nơi trận mạc, nên mẹ đừng có lo mẹ ơi, nghe tao phân tích thế mẹ tao còn gì nữa mà không an tâm, đúng không, rõ ràng là vậy, chứ mày tính tít trên Lạng Sơn thì có thể xảy ra cái sự gì đáng để không an tâm cơ chứ”.
Tuy nhiên tôi lại thấy là chính Dần đang chẳng chút an lòng, anh nói khẳng định, anh nói quả quyết như thế mà kỳ tình là đang tự trấn an. Không hiểu cái nỗi lo lắng đó, mà lúc đấy tôi cho là rất vô căn cứ, là do bị ảnh hưởng từ tâm trạng của bà mẹ, hay là do khi ấy trong thâm tâm Dần đã âm thầm nhói lên linh cảm của một người anh.
“Mà nghĩ cũng lạ thật đấy, chứ ngày trước, ra Hàng Cỏ tiễn tao lên tàu đi B, đi vào chốn biết rõ là một sống hai chết, nhưng mẹ tao rất vững, không khóc, còn động viên tao can trường mạnh bước, chân cứng đá mềm, ấy thế mà hôm nay, tiễn em tao, mẹ tao lại đuối hẳn đi như vậy, là tại sao chứ?”.
Lúc đấy, tôi nhớ, chừng 7 giờ tối. Loa phóng thanh trên cột điện ở góc phố Văn Miếu đang ọ ẹ hát hò, chợt ngưng. Đoạn, lên tiếng trở lại, tiếp âm Đài Phát thanh tiếng nói Việt Nam. Mời đồng bào và chiến sĩ đón nghe thông cáo đặc biệt.
Bấy giờ, kể từ mùa thu năm 1978 tình hình vùng biên giới Tây Nam đã không còn trong vòng bảo mật, đài báo đã chính thức đưa tin, nhất là từ cuối tháng 12, đã thành là tin chiến sự hằng ngày. Tuy vậy thông cáo tối ngày 7-1-1979 vẫn tạo nên một mừng vui đột ngột. Ấy là bản tin đầu tiên thông báo thủ đô của Campuchia đã hoàn toàn được giải phóng.
Hồi đó suốt trong mấy năm hậu chiến bao cấp, mòn mỏi đi vì nghèo túng và trì trệ, khu phố của chúng tôi lúc nào trông cũng có vẻ xạm xịt, mờ tối, cau có, mà tối hôm ấy như bừng rạng lên. Trong nhà ngoài đường, vang vọng tiếng reo mừng. Dọc phố Văn Miếu và trong ngõ Thanh Miến bọn trẻ con cho nổ ran lên hàng dây dài pháo tép, cả pháo đùng nữa, y như thể là đã giao thừa xuân sang.
Nhưng trong cái quán nước lụp xụp ở đầu ngõ, Dần và tôi chẳng nói rằng, thầm lặng đón tin.
“Mắt đền mắt, tay đền tay, bọn Pol Pot hôm nay chết rấp cả lũ coi như là trước nhất bọn chúng phải đền tội trước anh đấy, Dần ạ”. Chỉ tay chủ quán, nguyên lính Đoàn 559 và cũng là thương binh, bình luận như vậy, một câu. Rồi cũng ngồi im.
Ba chúng tôi, ba người lính đã về vườn, cứ vậy ngồi thần ra với nhau trong quán, lẳng lặng nghe và lẳng lặng đợi để ở bên ngoài thiên hạ tiếng pháo dứt đi, hân hoan lắng xuống. Hồi lâu, như sực tỉnh, Dần vội chia tay. Anh bảo phải về nhà với mẹ ngay, hẳn là bà đang rất lo.
Đêm đấy, cả đêm tôi chẳng sao chợp mắt, nằm nghe gió mùa đông bắc tăng cường, từng đợt hú lên dồn dập tràn về. Gió bấc giật trụi lá của hai hàng cây long não vốn xanh lá quanh năm ở dọc hai bên vỉa hè phố Nguyễn Thái Học. Cuối đêm, lại thêm mưa xuống. Mưa phùn mùa đông giá buốt mà nặng hạt như mưa rào. Sáng ra, đất trời thâm tái, nhà cửa phố xá ướt át, lạnh cóng.
Đợt rét đó xuyên suốt tháng chạp, mà đến tết vẫn rét đậm, vẫn mưa phùn gió bấc. Một cái tết rét mướt, khắc khổ, và nhất là, âm thầm cảm giác bất an. Khắc khổ, rét mướt thì nói chung tết thời bao cấp là vậy, nhưng bất an, đấy là tâm trạng của chỉ tết 1979. Chẳng vì một can cớ cụ thể nào mà lòng dạ không yên, đón giao thừa mà thấy nóng ruột, thấy bồn chồn như thể là phấp phỏng đợi một điều gì đấy, không rõ là cái điều gì, bất tường, vô hình nhưng lừng lững đang kề tới nơi chân trời năm mới.
Có thể nói không khí tết ở Hà Nội trong Nguyên đán Kỷ Mùi 1979 là bầu không khí trước một cơn bão. Hay, chính xác hơn, bầu không khí giữa hai cơn bão. Bởi sự thật là thế, ấy là một mùa đông nặng nề dông tố.
Tôi sẽ mãi mãi nhớ ngày hôm đó. Làm sao mà có thể quên được.
Lịch ta là 22 tháng giêng. Chủ nhật, 7 giờ sáng. Trời nặng mây, phố xá là là sương mù. Tôi đang đợi tàu điện ở bến đầu Hàng Đẫy. Tàu điện tới, vừa khi cái loa phóng thanh cỡ lớn nơi vườn hoa Bách Việt phát bản tin Thông tấn xã. Phát thanh viên đọc chậm, bản tin từng từ một vang động màn sương. Tôi điếng người, như là bị một làn roi vút thẳng vào tim. “Vào rạng sáng ngày hôm qua, 17-2-1979...”.
Tin tức đầu tiên về cuộc tấn công của hàng trăm ngàn quân bành trướng Trung Quốc cùng xe tăng và đại pháo trên dọc toàn tuyến biên giới nước ta mặc dù sau một ngày đêm mới đến với người dân Hà Nội, nhưng vẫn là một cái tin hết sức bất ngờ. Phút chốc không gian và cả thời gian nữa dừng đứng.
Không, không phải do bây giờ hồi tưởng lại mường tượng thế mà thực sự khi ấy tôi thấy thế, cả một quãng phố dài đang ồn ào tấp nập bỗng chốc người và xe tất thảy sững lại, lặng đi.
Thực ra, can qua giặc giã thì người Việt Nam mình, trong thế kỷ 20, đâu có còn lạ lùng gì và vì thế đâu có ngán gì. Nhưng một trận giặc nổ ra thình lình như trận này thì có lẽ là chưa từng. Kể cả vào hồi giữa thế kỷ 19, với sức mạnh lấn át mà đánh chiếm nước ta, thực dân Pháp cũng phải hơn ba chục năm ăn cướp dần từng thước đất.
Đến lần thứ hai Việt Nam bị Pháp xâm lăng, chiến sự diễn biến qua hơn một năm cho tới cuối 1946 mới bùng lên thành Kháng chiến toàn quốc. Ngay như trong cuộc đối đầu sống mái hai chục năm trường chống Mỹ, chiến tranh trên hai miền đất nước cũng leo thang, sau vài năm qua nhiều nấc cao dần lên cho đến trước khi bọn xâm lược tổng lực đổ quân dốc bom đẩy chiến cuộc tới tột đỉnh tàn khốc.
Nhưng, vào tháng 2-1979, thì không những bất thình lình, mà ngay lập tức phút đầu tiên ngày đầu tiên quân bành trướng đã tổng lực tấn công, đã ồ ạt những đạo binh khổng lồ tiền pháo hậu xung tấn công biển người trên toàn khắp 1.200 cây số đường biên giới. Những ngày ấy, tôi và có lẽ chẳng riêng tôi hình dung rằng, về tầm mức cuồng bạo và gây nguy cấp sát kề từng ngày từng giờ cho sự tồn vong của nước Việt thì trong suốt ngàn năm qua chỉ cuộc tấn công xâm lược lần thứ hai vào đầu năm Ất Dậu (1285) của 50 vạn quân Mông Cổ là sánh tày cuộc tấn công lần này của 60 vạn quân bành trướng Trung Quốc.
Ngày hôm ấy, ngay sau ngày chiến tranh bùng nổ, phía trước nhà tôi, Phòng thông tin dựng một tấm pano rất lớn bản đồ Việt Nam; trên đó, quân bành trướng Trung Quốc là tua tủa những mũi tên đen nhọn hoắt đang tiến vào, mũi tên đỏ là quân và dân ta đang chặn chúng.
Qua từng ngày, những quyết chiến điểm hình ngọn lửa trải dài suốt từ cực tây Lai Châu tới mép biển Quảng Ninh cứ tràn rộng ra, rực lên kín hết cả một mảng lớn phía Bắc của bản đồ. Sìn Hồ, Phong Thổ, Mường Tè... Cam Đường, Mường Khương, Bát Xát... Mèo Vạc, Đồng Văn, Vị Xuyên... Trùng Khánh, Thông Nông, Phục Hòa, Trà Lĩnh... Đồng Đăng, Tràng Định, Na Dương, Tam Lung, Đình Lập... Bình Liêu, Hoành Mô, Móng Cái... Khôn xiết kể tên tuổi những địa phương đang ngập chìm dưới lửa đạn, hằng ngày hằng đêm, từng giờ vang dội trong lòng Hà Nội.
Thành phố tuy vẫn nếp sống thường nhật thời bình, nhưng ý chí và khí giới đã sẵn sàng. Dẫu gì thì lúc bấy giờ những tháng năm quyết liệt của thời đại chống Mỹ cứu nước chưa phải là đã lùi quá xa vào dĩ vãng.
Sáng ngày 5-3-1979, lệnh tổng động viên. Ở khu phố chúng tôi, hôm trước hôm sau, hầu hết các thượng sĩ, trung sĩ, hạ sĩ của thời chống Mỹ đã nhận giấy gọi tái ngũ. Tờ giấy khổ chỉ bằng lòng bàn tay, giấy xấu, đánh máy vội, ngắn gọn và nghiêm khắc triệu tập công dân cựu chiến binh, họ tên, ngày sinh, cấp bậc, đúng 7 giờ ngày 8-3 có mặt tại Khu đội Ba Đình, lên đường chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Chữ ký của đại úy Khu đội trưởng.
Dạo đó tôi còn giữ được tương đối đầy đủ quân tư trang. Cái balô cóc, cái võng dù, cái bọc võng, cái bình tông, cái cóng nhôm, cất kỹ trong tủ, nay lấy ra. Quân phục tô châu vẫn còn một bộ, vận vào. Thắt lưng bộ đội, mũ cối, dép đúc thì hồi ấy vẫn đang là vật dụng thường ngày của tôi. Nhìn tôi đầu tới chân, Dần khen rằng đã trở về được với gần nguyên trạng tư thế và nhuệ khí của một người lính quân giải phóng. Thêm khẩu AK với vài trái u-ét ngày mai sẽ nhận, là vào trận được rồi. Anh bảo vậy.
Chiều đấy anh đến nhà tôi gặp gỡ chia tay, cho tôi một bịch nửa ký thuốc lào với mấy phong lương khô 702 nội hóa để ăn đường, anh còn tặng tôi một cái la bàn KM và một con dao găm Kabar của biệt kích Hải cẩu anh thu được từ thời chống Mỹ để tôi mang theo vào trận chiến này. Chia tay tôi, Dần cố vui mà không cố được. Anh nói rằng bây giờ mới thật thấm thía tiếc cái tay, mất nó, không trở lại được với quân ngũ, không thể cầm súng lên đường chiến đấu tiếp ứng được cho em trai.
Tý, em trai anh, tuần trước tết biên thư về cho biết hiện đang làm nhiệm vụ tại đồn công an vũ trang thị trấn Đồng Đăng. Được thư, mẹ anh giục anh mau mau đưa bà đi tàu hỏa lên thăm, thế mà anh lại cản, bảo rằng Tý nó vừa chân ướt chân ráo nhập đơn vị mới mà chưa gì đã người thân lịch kịch quà cáp thăm nom này nọ là không có nên đâu, vậy mẹ hãy để thư thư, đợi cuối xuân ấm trời lên đã. Nào ngờ...
“Hồi bảy nhăm giải phóng xong Sài Gòn điều mừng vui nhất trong lòng là ý nghĩ từ rày đất nước được yên hưởng hòa bình, bao nhiêu gian khổ hi sinh thời kháng chiến lứa cha chú bọn mình với lứa bọn mình gánh trọn cả rồi, nào ngờ, giờ đây, trách nhiệm đánh giặc giữ nước giữ nhà lại tiếp tục nặng trên vai lứa đàn em bọn mình...”.
Rất nhiều năm sau, giáp Tết Ất Dậu 2005, tôi mới lần đầu lên đến thị trấn Đồng Đăng. Quý, con trai anh Dần, đi cùng tôi. Hai chú cháu men lối mòn đi lên một quả đồi ở phía nam thị trấn. Pháo đài Đồng Đăng trên đồi ấy. Mưa phùn mùa đông, triền đồi hoang vắng, pháo đài đổ nát.
Không khí lạnh và ướt mà bó nhang hai chú cháu thắp nơi cửa hầm đã vỡ sập xuống của pháo đài vẫn phừng phực bùng lửa. Quý đứng bên tôi một lát, rồi quỳ xuống, lặng lẽ thổn thức. Năm ấy 2005, Quý mười chín tuổi, vừa đúng bằng tuổi của Tý, người chú của cậu hồi đầu năm 1979. Tôi không khóc, mà nước mắt nhói đau như kim châm trong tròng mắt.
Tý tuổi nhâm tý, sinh nhật vào tháng 2. Và hi sinh cũng trong tháng 2. Giấy báo tử ghi, ngày hi sinh: 17-2-1979. Mặt trận biên giới phía Bắc.
Không hiểu là lý do thế nào, mãi cuối năm 1983 tờ giấy báo tử ấy mới tới tay Dần. Mẹ anh đã qua đời trước đấy nửa năm. Nhưng, vì báo tử muộn thế mà phần nào lại thành ra là may, Dần bảo vậy, bởi mẹ anh trước khi nhắm mắt đã không phải chịu nỗi đau mất người con trai út. Từ sau ngày cuộc chiến bùng nổ, không được tin gì của Tý, mẹ anh đuối dần đi từng ngày, nhưng bà vẫn mòn mỏi hi vọng, vẫn cứ mong Dần làm cách nào đó lên được Đồng Đăng tìm em.
Dần cũng đã từng âm thầm nuôi hi vọng. Sau ngày quân bành trướng Trung Quốc thất trận phải tháo lui (cũng do đó mà Bộ Quốc phòng đã hoãn lệnh tái ngũ các cựu chiến binh như tôi), suốt một thời gian dài anh âm thầm mong tin em trai.
Mặc dù không được đài báo chính thức đưa tin, thậm chí cho đến tận bây giờ, nhưng cuộc chiến đấu bi hùng của các quyết tử quân bảo vệ pháo đài Đồng Đăng thì ngay hồi đó, ngay lập tức, đã loan truyền trong dân gian. Không cần phải từng là bộ đội người ta cũng có thể hình dung ra được phần nào diễn biến và cảm thấu được kết cục không thể tránh khỏi của cuộc tử chiến hoàn toàn không cân sức ấy.
Nhưng mà, biết đâu chừng, biết đâu, vẫn có một số anh em mình rút ra được... Hồi đó, gặp tôi là Dần bảo vậy, bất chấp niềm vô vọng. Anh rủ tôi cùng đi một chuyến lên cửa khẩu. Song làm sao mà đi được. Cuộc chiến vẫn đang tiếp diễn, lúc tạm lắng, lúc bùng lên dữ dội. Thị xã Lạng Sơn vẫn trong tầm pháo kích, nói gì Đồng Đăng. Dần phải dằn ước muốn ấy xuống, mà sống.
Hơn mười năm ấy, 1979-1990, người dân Hà Nội như thể là đã phải gồng mình lên mà sống cuộc sống thời bình. Đất nước bị bao vây cấm vận, mạn Bắc mạn Nam hai cuộc chiến song hành. Miền biên ải địa đầu, như Lạng Sơn, cách hồ Gươm chỉ non hai trăm cây số vẫn vùng chiến sự nóng bỏng. Nền kinh tế chủ đạo thì cứ nặng nề trì đọng lại trong cung cách bao cấp.
Thế nên, phải tự cứu lấy mình, câu ấy người bình dân Hà Nội đã nói với nhau từ lâu trước thời Đổi Mới. Không phải là người cầm súng thì phải là người làm lụng, lao động, góp phần bảo vệ đất nước bằng trước nhất là nỗ lực nuôi sống bản thân mình và gia đình mình, không được để cho ngôi nhà của mình, ngõ xóm của mình và rộng ra là thành phố quê hương mình suy tàn đi trong bi ai và nghèo đói.
Sống thức thời chính là sống như vậy, Dần bảo với tôi thế. Là thương binh loại hai, đã gần như là mất sức lao động, nhưng anh đã thực sự thức thời sống vượt trội lên. Anh thôi việc ở bảo tàng, và mặc dù Đổi Mới chưa bắt đầu mà bằng cách nào đó anh đã mở được một hiệu sửa chữa đồ điện gia dụng. Sau ngày đoạn tang mẹ, anh lập gia đình. Vợ anh trẻ trung, đảm đang tháo vát, khiến sự làm ăn của anh mau phát đạt. Hai vợ chồng rời ngõ nghèo Thanh Miến ra nhà mặt phố.
Tuy nhiên, mức sống lên mà sức khỏe của Dần lại xuống. Thương tích ngày xưa, cánh tay, hốc mắt, thường tái phát, đau dội lên. Anh bảo là còn đau hơn cả hồi mới bị thương. Nhất là vào mùa đông. Cái lạnh mùa đông chẳng những khía sâu các vết thương trên thân mình mà còn day dứt khơi dậy nỗi đau đớn trong lòng. Niềm thương nhớ người em, anh tưởng sẽ cố để có thể nguôi ngoai theo thời gian, mà không thể nào.
Ban ngày mải mốt làm ăn thì tạm quên đi được, nhưng đêm đêm, nhất là những đêm gió mưa mùa đông, thường bất chợt thức giấc lặng nghe tiếng những đoàn tàu hỏa mải miết ngang qua thành phố chở quân chở pháo chở đạn lên tiếp ứng cho phòng tuyến phía Bắc.
Năm 1991 chiến tranh biên giới chấm dứt, nhưng Dần đã trọng bệnh liệt giường từ trước đấy. Từ khi anh rời bệnh viện về hẳn nhà, ngày nào tôi cũng tới với anh. Lúc tỉnh lúc thiếp đi, nhưng lúc tỉnh trò chuyện được với nhau thì bao giờ cũng vậy lời cuối là anh dặn tôi một ngày nào đó, khi con trai anh đã lớn đưa nó lên pháo đài Đồng Đăng để nó có thể thay mặt anh thắp hương tưởng nhớ hương hồn người chú của nó.
Và vì biết tôi khi đó đã bắt đầu viết văn nên anh cũng yêu cầu tôi không được quên những người chiến sĩ thế hệ em trai anh. Hãy viết về năm bảy chín. Anh bảo vậy. Với tôi, ấy là lời trăng trối thiêng liêng của người bạn chiến đấu thân yêu ruột thịt của đời tôi.
Vậy mà cho đến bây giờ, đã chừng bấy năm rồi, cả trong lời lẽ cả trên trang giấy tôi vẫn hoàn toàn lặng thinh về năm 1979, như thể tôi là một kẻ hoàn toàn vô cảm, nhẫn tâm dửng dưng, nhẫn tâm bỏ qua, bẵng quên đi máu xương của biết bao đồng đội đồng bào đã ngã xuống trong mùa đông bão tố ấy và trong suốt những năm trường gian nguy đầy đau thương ấy của Tổ quốc. ■
Bảo Ninh
Nguồn: Tuổi trẻ cuối tuần, ngày 23.02.2019.