Ngày xưa có ngôi trường tư

TTO - Thèm bánh ướt, tôi chạy đến xe bánh ướt nằm trên đường Bà Huyện Thanh Quan vẫn còn được mang cái tên cũ mà thế hệ chúng tôi hay nhắc đến: bánh ướt Tân Văn. Tân Văn là tên của một trường trung học tư thục có xe bánh ướt bán trước cổng trường.

20190524 Tan Van

Ngôi biệt thự cổ góc đường Võ Văn Tần - Bà Huyện Thanh Quan đã một thời là Trường trung học tư thục Tân Văn - Ảnh: MAI THƯƠNG

Vâng, đó là Trường trung học tư thục Tân Văn, thuộc hệ thống trường trung học tư thục khắp Sài Gòn và miền Nam ngày trước. Và ngôi trường đó một thời nằm trong chính ngôi biệt thự Phương Nam ở góc đường Võ Văn Tần - Bà Huyện Thanh Quan đang được trùng tu.

Kỷ luật nghiêm minh

Trường trung học tư thục là trường do tư nhân bỏ tiền ra thuê mặt bằng, mướn giáo ban (thành phần giáo sư), phải đóng thuế và chưa bao giờ có cái tên mỹ miều là xã hội hóa, dân lập như ngày nay. Trường trung học tư xuất hiện là để đáp ứng nhu cầu cần học của nhiều học sinh không thi đậu vào trường công lập, cũng như dành cho những người đã qua tuổi thi vào trường công.

Khi cho con vào học trường tư, các bậc cha mẹ thường chọn cho con những ngôi trường danh tiếng. Nếu là gia đình Công giáo, họ sẽ cho chọn những trường như Lasan Taberd (nam), Lê Bảo Tịnh và Nguyễn Bá Tòng hay Thánh Linh, Couvent des Oiseaux, Regina Pacis, Regina Mundi (nữ). Tổng giáo hội Thiên Chúa giáo sở hữu 226 trường trung học và 1.030 trường tiểu học tư thục. 

Còn cha mẹ là Phật tử thường cho con theo học hệ thống trường Bồ Đề. Tính đến năm 1970, toàn miền Nam có 137 trường Bồ Đề (*).

Có những trường tư thục nổi tiếng do những cá nhân là nhà giáo tổ chức, như Trường Sơn (hiệu trưởng là nhà văn Nguyễn Sỹ Tế), Văn Học (hiệu trưởng là nhà thơ Nguyên Sa - Trần Bích Lan), Phan Sào Nam, Tân Văn - Tân Việt, Hưng Đạo, Huỳnh Khương Ninh, Văn Hiến... Những trường tư này ngoài có tiếng là kỷ luật nghiêm minh còn có một giáo ban hùng hậu. Thành phần giáo sư được chọn lọc từ những trường công uy tín, dạy tận tâm và có trách nhiệm.

Giáo sư Huỳnh Như Phương kể: "Tôi học trường công Trần Quốc Tuấn ngoài quê năm lớp 10, vô Sài Gòn thi bằng tú tài phần thứ nhất (không học lớp 11), nên lên 12 phải học Trường Trường Sơn. 

Không hiểu sao tôi học Trường Trường Sơn chỉ có một năm mà có nhiều ấn tượng và kỷ niệm đẹp. Có lẽ là nhờ quý thầy giáo: Nguyễn Sỹ Tế, Lê Trung Nhiên, Nguyễn Trọng Văn, Nguyễn Xuân Hoàng, Trịnh Chuyết, Lê Thế Thụ... 

Ngoài ra, một điều cần ghi nhận là "trường tư thục thu học phí để đảm bảo hoạt động, nhưng có sự cạnh tranh giữa các trường và có cả tư thục tôn giáo nên mức thu học phí thấp, tạo điều kiện cho học sinh con em lao động nghèo vẫn đi học được".(*)

Và cả... tà giáo

Tuy vậy, hệ thống trường tư lúc đó có một khiếm khuyết: chủ trường của một số trường tư thục nhỏ là những nhà kinh doanh, không có kinh nghiệm giáo dục nên chọn giáo ban rất là ý... ẹ. Họ thuê những sinh viên đang đi học năm thứ nhứt, thứ hai đi dạy cho lớp đệ thất, đệ lục... mà hoàn toàn không có một chút phương pháp sư phạm. 

Trong tác phẩm Ngôi trường đi xuống (in trước 1975 tại Sài Gòn), nhà văn Vũ Hạnh khái quát gương mặt các chủ trường này là những tay buôn chữ nghĩa như buôn hàng Mỹ. Chuyện học trò đánh thầy hoặc thầy "cua" nữ sinh không phải là chuyện không có.

Có nhà văn đã từng viết về tệ nạn này để lên án một nền giáo dục tư thục chạy theo đồng tiền mà bỏ quên những quy tắc đạo đức, những người mang danh nhà giáo nhưng rất... tà giáo. Những trường tư thục loại này không tồn tại được lâu dài vì phụ huynh thường chọn trường để gửi những tháng năm quý giá tuổi học trò cho con em mình.

Tuy nhiên nói gì thì nói, nhìn một cách tổng thể, hệ thống trường trung học tư thục hàng năm đã tạo điều kiện học hành cho đa số học sinh không thi đậu vào trường công. Số liệu năm 1971 cho biết hệ thống trường này đã giải quyết cho 77,6% học sinh toàn miền Nam không được trường công dạy dỗ.(*)

Bây giờ đi ngang khu vực Trường Tân Văn nhớ bạn Lê Hoàng, ngang Trường Trường Sơn nhớ Nguyễn Thanh Chính, giáo sư Huỳnh Như Phương, ngang Trường Huỳnh Khương Ninh nhớ nhà thơ Trương Chính Tâm... cùng những người bạn khác. Những ngôi trường tư ngày xưa đã mất đi nhưng những học sinh tuổi xanh ngày xưa cũng ít nhiều đóng góp sự nghiệp của mình cho mảnh đất Sài Gòn khi trưởng thành. Học sinh trường tư cũng đâu có thua gì học sinh trường công đâu há!

Theo quy chế trường tư thục được ban hành theo dụ số 57/4 ngày 23-10-1956, trường tư thục trung, tiểu và đại học chỉ cần được bộ trưởng Bộ Quốc gia giáo dục hay giám đốc Nha học chánh địa phương được bộ ủy quyền cấp phép. Học sinh chỉ cần đóng tiền là có thể vào học trường tư và sau một thời gian có thể chuyển trường theo ý thích, miễn là có học bạ chứng minh mình đã học xong lớp nào đó ở trường tư cũ. Học sinh giỏi trường tư có thể trở thành học sinh trường công.

(*) Giáo dục phổ thông miền Nam (1954-1975) do Ngô Minh Oanh chủ biên (NXB Tổng Hợp TP.HCM).

LÊ VĂN NGHĨA

Nguồn: Tuổi trẻ, ngày 19.05.2019.

Thông tin truy cập

60518355
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
9866
12997
60518355

Thành viên trực tuyến

Đang có 267 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website