Kho tàng Chăm huyền bí trên sơn nguyên

Người ta lần đầu biết tường tận về những “kho tàng bảo vật của các vua Chàm” ở trên miền sơn nguyên Dran và tỏ tường về hành trình nổi trôi của một dân tộc qua câu chuyện có màu sắc huyền bí và có sức hấp dẫn đặc biệt đối với giới nghiên cứu văn hóa Chăm. Đây là kết quả cuộc khảo cổ ngắn ngày do GS. Nghiêm Thẩm thực hiện đầu năm 1958 ở vùng Dran (tỉnh Đồng Nai Thượng cũ; nay là huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng).

Từ những công trình của người Pháp

GS. Nghiêm Thẩm lúc bấy giờ (1957) đang phụ trách Chánh sự vụ của Viện Khảo cổ học Sài Gòn sau khi tốt nghiệp ngành Bảo tàng học ở École du Louvre - Pháp. Tuy còn rất trẻ – 37 tuổi – nhưng ông được học giới miền Nam nể trọng về chuyên môn lẫn phẩm cách học giả.

Với GS. Nghiêm Thẩm, là một người được đào tạo nghiên cứu cổ học tại Pháp, những ghi chép khảo cổ năm 1902 do linh mục Durand và nhà nghiên cứu H. Parmentier công bố và những hồ sơ khảo cổ năm 1929-1930 của GS. M. Ner về những ngôi đền chứa bảo vật Chăm trên vùng cao nguyên Lâm Viên trong các tập báo cáo khảo cứu của Viện Viễn Đông Bác Cổ (Bulletin de l’Ecole d’Extrême-Orient các năm 1905, 1930) đã khơi gợi một nguồn cảm hứng đặc biệt, hơn thế, là một trách nhiệm thừa kế trong nghiên cứu khoa học. Những ngày ở Pháp, GS. Thẩm cũng từng được đọc cuốn En suivant la piste des hommes sur les Hauts Plateaux du Việt-Nam (Tạm dịch: Theo dấu những tộc Thượng vùng cao nguyên Việt Nam) của Jacques Dournes in tại Paris (1955). Tập sách này, tuy khái lược, nhưng cũng có đề cập đến các bảo vật Chăm ở vùng sơn nguyên Dran. Có lẽ câu hỏi lớn bật ra từ các tài liệu trên đó là: những bảo vật tìm thấy đã thật sự đầy đủ và soi chiếu điều gì trong lịch sử di dân của cộng đồng Chăm  vào thuở mãn kỳ của vương triều Champa?

Ngày 16-12-1957, ông dẫn đầu đoàn khảo cổ gồm các thành viên: Nguyễn Bá Lăng (chuyên viên kiến trúc) và Nguyễn Danh Nhượng (nhiếp ảnh viên) đến tỉnh Đồng Nai Thượng chuẩn bị cho chuyến khảo sát các bảo vật Chăm tại hai ngôi đền Sop Madronhay và Kreyo thuộc quận Dran (lúc bấy giờ thuộc tỉnh Đồng Nai Thượng). 

Công việc khảo cứu chính diễn ra vào các ngày từ 21 và 22 tháng 12-1957. 

Trước khi đi, đoàn khảo sát hiểu rằng, việc tiếp cận các bảo vật không phải dễ dàng. Chuyện kể rằng, năm 1902, nhà nghiên cứu Pháp H. Parmentier khi muốn khảo sát hai kho tàng này cũng đã phải mời ông Hat Vinh - Nguyên Tri huyện người Chăm và vợ ông ta là một bà Công chúa dòng dõi các vua Chàm đi cùng. Có tiếng nói và sự hiện diện của bà Công chúa Chăm thì các kho tàng mới được người Churu mở cửa cho người lạ tiếp cận. Sau một ngày làm việc với cơ quan công quyền địa phương, đoàn của GS. Thẩm thì được ông Cru Bjoum Biêng - Chủ tịch Hội đồng Hành chánh Thượng quận Dran và ông Drong Dôn - Cán sự Hợp tác xã người Thượng cùng nhóm công an quận đi theo để thuyết phục người Churu mở cửa đền.

Mùa đông năm 1957, khung cảnh Dran còn hoang sơ. Con đường vào làng Churu Sop Madronhay và Kreyo chạy xuyên nhiều cánh rừng, đoàn phải đi bằng xe Jeep, nhiều đoạn phải đi bộ băng qua các đồi cỏ. 

20210301
Ngôi đền Sop Madronhay ngày 21-12-1957. Ảnh: Tài liệu TTLTQG II, TP.HCM.

Bảo vật hoàng gia Chăm trong ngôi làng Churu

Ngôi đền Sop Madronhay được xác định nằm trên một vuông đất 14x12,7m, có cửa vào hướng Tây, chung quanh có hàng rào kết bằng cây khô nhỏ. Gọi là đền, thực ra là một gian nhà sàn làm bằng tường tre nứa đan rất sơ sài. Đền chia hai gian, có gác ở, có bàn thờ. Phần cuối sân phía Đông là nơi thờ tự, chứa các bảo vật và một bếp lửa ở góc phía Tây-Nam. Một buổi lễ cúng đã diễn ra theo nghi thức truyền thống Chăm do người coi đền Churu thực hiện trước khi đoàn khảo cổ tiếp cận, thống kê các bảo vật. 

Tại đây, khi mở cửa ngôi đền đi vào không gian chứa các cổ vật, GS. Nghiêm Thẩm bất ngờ chứng kiến một kiểu bảo tồn lạ lùng: trong gian nhà sàn nhỏ có chỗ thờ những cổ vật thuộc vương triều được đặt để trong hai gian khác nhau: một gian là vật dụng phụ nữ và một của nam giới. Những bảo vật gồm binh khí, tự khí, dụng cụ giao thông, y phục phủ lớp bụi thời gian bỗng bừng sáng khi ánh nắng lạnh lẽo của buổi sáng mùa đông chiếu xuyên qua những liếp che.

Trong số các binh khí, đáng chú ý là có hai súng hỏa mai kiểu Ả-Rập, 50 đoản đao, long đao, gươm, giá, thương, mác, đinh ba và câu liêm. Nhóm tự khí gần 90 món, gồm các bộ đồ trà, chậu, bát, lọ, hộp sơn, bình vôi bằng gốm, sứ, thủy tinh quý giá, trong đó có một số món mang phong cách mỹ thuật Việt Nam với trình độ khảm sơn mài tinh tế và nhiều chén, chậu bạc chạm hình hoa sen nổi đặc thù phong cách trang trí của Chăm. 



Binh khí tìm thấy trong ngôi đền Sop Madronhay ngày 21-12-1957. Ảnh: Tài liệu TTLTQG II, TP.HCM.

Đặc biệt, trong số này, có các klon (klaung: hộp) đựng xương cốt bằng bạc. Điều này có thể cần giải mã bằng chính phong tục người Chăm Ahier (theo Bàlamôn) ở vùng Ninh Thuận, Bình Thuận: người qua đời được gia đình và thầy cúng làm lễ hỏa thiêu, cắt 9 miếng xương trán cho vào một klon, sau đó được làm lễ nhập kut vào các tháng 3, 6, 8, 10 và 11, theo lịch Chăm. Lễ nhập kut là một hình thức quy tập các klon về khu mộ phần của dòng họ mẹ, theo truyền thống mẫu hệ Chăm. 

Như vậy, trong các cuộc binh biến, người nữ có vai trò thừa tự thuộc dòng dõi hoàng tộc Chăm đã di tản, mang theo di cốt các vua để thờ phụng.

Trong nhóm các dụng cụ giao thông, có yên ngựa nạm đồng được chạm trổ tinh vi theo mỹ thuật Việt Nam, nhạc ngựa, nhạc voi, cần kiệu. Nhóm tài liệu rời rạc còn có các hòm ấn triện làm bằng gỗ và ngà, cân tiểu ly, tập giấy chữ Chăm và chữ Hán. Đặc biệt, y phục là phần gợi nhiều ấn tượng nhất: gồm mũ trận bằng gấm, khoảng 10 triều phục nam và nữ, hơn 30 tấm vải thổ cẩm Chăm truyền thống, ba rương đựng khăn vành đàn bà bằng gấm, khăn là và viền kim tuyến. 

Nhiều vải vóc thổ cẩm được dệt theo kỹ nghệ truyền thống Chăm còn tốt, nhưng cũng có những thứ đã cũ và nát qua thời gian.



Lễ đường ngôi đền Kreyo ngày 22-12-1957. Ảnh: Tài liệu TTLTQG II, TP.HCM.

Ngôi đền Kreyo gần đó được đoàn khảo cổ học của GS. Nghiêm Thẩm thực hiện khảo sát vào ngày hôm sau (22-12-1957). Họ tìm thấy ngoài các binh khí (1 lưỡi đoản kiếm bằng thép, 1 khiên mây phủ sơn mài, 21 nòng súng nhỏ, 3 nòng súng lớn bằng gang và 1 nòng súng lớn bằng đồng), thì còn nhiều món đồ thờ để trong 6 giỏ đan bằng mây. Trong 6 giỏ mây, có tất thảy gần 50 klon bằng bạc, chì và bằng vàng đựng những mảnh xương trán người. Nhiều klon vàng y, vàng trơn, chạm khắc theo phong cách hoa văn Chăm, chạm kiểu rồng phượng, hoa sen, tùng liễu, diệp hóa (lá cách điệu) tinh xảo.

Trong ngôi đền Kreyo, giáo sư Thẩm còn ghi nhận những tự khí khác: một mảnh vàng lá chạm thủng đậy trên mặt hài, hai mảnh vàng chữ nhật chạm kiểu Chàm nạm hạt xoàn, một mảnh vàng cây hình hoa và lá kiểu Chàm nạm hạt xoàn. Ngoài ra, còn có 28 chậu, cơi, siêu, mâm, chuông bạc, đồng có chạm trổ tinh vi theo các hoa văn Chàm truyền thống. 

Trong ngôi đền này, có chứa ba rương quần áo, xiêm, khăn trong tình trạng “hầu hết đã rách nát”.


Những tấm thổ cẩm Chăm. Ảnh: Tài liệu TTLTQG II, TP.HCM.

Hé lộ một góc khuất lịch sử

Sau đó, tờ trình ngày 13-1-1958 của GS. Nghiêm Thẩm đã đem đến một cái nhìn có tính giải mật đối với hai kho tàng này. Ông đặc biệt chú ý đến những con dấu triện chữ Hán được tìm thấy, phân làm hai loại: những con dấu thuộc hành chánh thường dùng cuối thời Lê và đầu thời Nguyễn như vi chấp bằng, dấu ghi chức tước, ấn tín nhà Nguyễn cấp cho một Phiên vương Chăm có tên Môn Lai Phụ Tử, có quyền lực ở vùng duyên hải từ Phan Thiết, Phan Rí, Phan Rang. 

GS. Nghiêm Thẩm cũng lý giải về sự xuất hiện của một hộp bạc hình ống chạm cành cây hóa rồng, viền cánh sen, thân chạm sơn thủy, dưới đáy có chữ “Quý Dậu niên chế” và một hộp bạc nắp chạm sơn thủy, chân chạm sơn thủy, nhân vật thông và liễu, dưới đáy có chữ “Tân Dậu niên chế”. Các hộp bạc đó nằm ở đền Krayo. 

Ông giải thích: “Cuộc Nam tiến của dân tộc Việt đến Phan Thiết vào hồi 1697, sau khi chiếm đất Chiêm Thành, Triều đình Việt Nam vẫn coi các dòng dõi vua Chiêm Thành là phiên vương và cho đến năm Quý Sửu 1793 thì chúa Nguyễn Ánh chiếm lại tỉnh Thuận Thành (Bình Thuận) và làm tội các dòng dõi vua Chàm đã theo nhà Nguyễn Tây Sơn và từ đấy không phong tước cho các phiên vương Chàm ở Thuận Thành nữa. Vì vậy phiên vương Chàm cuối cùng là Po Con Can (1799-1823) phải sang náu mình bên Cambodge.

Đoạn trên ta đã biết là trong những năm từ 1831 đến 1834 Lê Văn Khôi chiếm cứ ba tỉnh Phan Rang, Phan Thiết và Phan Rí. Khi quân của Lê Văn Khôi chiếm vùng đó cũng phá hại người Chàm thân với triều đình Minh Mạng. Và quân của triều đình chiếm lại được vùng đó, nhiều người Chàm bị nghi là có hợp tác với Lê Văn Khôi bị khủng bố. Vì vậy những người Chàm phải tản cư sang Cambodge và lên các miền núi mang theo những hộp klon để xương cốt của vua Chàm lên gửi ở các làng người Thượng.



Những klon đựng hài cốt bằng vàng. Ảnh: Tài liệu TTLTQG II, TP.HCM.
Những klon lồng trong nhau. Ảnh: Tài liệu TTLTQG II, TP.HCM.

Theo phong tục Chàm thì những hộp klon đựng 5 mảnh (?) xương trán còn lại sau khi thiêu xác các vị vua đã chết. Các hộp klon sẽ chôn ở dưới chân tượng các vị vua đó ở trong các tháp Chàm, như đã đào được ở tháp Po Klong Garai (Phan Rang).

Khi các dòng dõi vua Chàm phải di cư lên miền Thượng họ phải mang theo cả những hộp klon đựng xương các vị vua đã chết mà chưa xây được tháp để thờ.

Nếu năm Quý Dậu (1693, 1753, 1813) ghi trong hộp bạc ở giỏ thứ hai được làm sau khi một vị vua Chàm chết thì có thể là đựng xương cốt của vua Po Thop (1660-1692). Trong giỏ thứ năm có một hộp bạc ghi Tân Dậu niên chế. Vậy năm Tân Dậu là một trong những năm 1681, 1741, 1801, 1861. Nhưng không có vị vua Chàm nào đã qua đời trong các năm đó. Như vậy, nếu tôi không nhầm, thì hộp đựng xương đó là của một bà hoàng hậu Chàm. Nhưng nay vì thiếu tài liệu về lịch sử nên tôi chưa dám quyết định chắc chắn.”1

Một mặt, đối chiếu với Đại Nam chính biên liệt truyện, năm Canh Tuất (1790) con vua Chăm ở Thuận Thành là Môn Lai Phụ Tử kêu gọi dân chúng theo Gia Long đánh quân Tây Sơn, sau được phong chưởng cơ, đổi tên Nguyễn Văn Chiêu. Sau đó, Nguyễn Văn Chiêu được cho là phạm tội với triều đình, bị đánh đuổi, nên dòng dõi phiên vương này đã kéo theo những người thân thuộc lên miền núi vùng làng Sop Madronhay ở với đồng bào Churu với ý định gầy dựng lực lượng để quay về dành lại vùng duyên hải.

Đúng như Đại Nam chính biên liệt truyện đã viết, lý do mà cộng đồng người Chăm bỏ vùng duyên hải đi lánh nạn trên vùng cao nguyên hiểm trở trong quá khứ, một cách chi tiết, được đoàn khảo cổ làm rõ: 

“Các bảo vật Chàm từ xưa vẫn do các con cháu các vua Chàm giữ. Nhưng khi con nuôi tả quân Lê Văn Duyệt là Lê Văn Khôi dùng dư đảng nổi lên chống lại triều đình Nguyễn vào năm 1831 có chiếm cứ Phan Rang, Phan Rí và Phan Thiết. Một số đông con cháu các vua Chàm đã cộng tác với Lê Văn Khôi. Khi quân nhà Nguyễn dẹp loạn Lê Văn Khôi đã thẳng tay tàn sát dân Chàm, vì vậy một phần người Chàm phải di cư sang Cambodge (Campuchia) và đã sinh sống bên đó cho đến ngày nay (1957), một phần dân Chàm đã lẩn lên núi sống với các đồng bào Thượng và đem các bảo vật vua Chàm, tổ tiên của họ. Đến năm 1840, vua Minh Mạng mới ra chiếu và truy phong cho một giòng dõi Vua Chàm là Po Klon Gahul.

Tuy vậy, con cháu các vua Chàm vẫn gửi các đồng bào Thượng những hộp klon đựng xương cốt các vị vua hay hoàng hậu đã chết cất giữ.” - GS. Nghiêm Thẩm lý giải trong một tờ trình gửi Phủ Tổng thống Đệ nhất Cộng hòa. 

Dặm đường thiên di đó ít nhiều cũng đổ bóng xuống kho tàng văn hóa dân gian Chăm. Sự kiện đau buồn trên cũng trùng khớp với một bản trường ca [ariya] của người Chăm mà nhà nghiên cứu Inrasara cung cấp cho người viết bài này. Đó là tác phẩm Damnưy Ppo Pan, kể về bối cảnh thế kỷ 18, người Chăm loạn lạc, chạy lên vùng núi Nam Cao nguyên sống chung với bà con dân tộc thiểu số, trong đó có vài thủ lĩnh [mưlih] được giao quy tụ lực lượng trở về “phục quốc”. Thủ lĩnh Damnưy Ppo Pan trong bản trường ca là người ham vui, chỉ lo hưởng lạc và trượt dài, quên mục đích hệ trọng mà dân tộc, cộng đồng đặt vào mình. 

Bản trường ca Damnưy Ppo Pan có tính phê phán và ai oán, cho đến nay vẫn được hát lên trong các dịp lễ để răn con cháu đừng mải mê vô độ mà bỏ quên nguồn gốc.


Xiêm y được tìm thấy trong hai ngôi đền. Ảnh: Tài liệu TTLTQG II, TP.HCM.
Khay, hũ đựng bằng bạc có hoa văn Chăm. Ảnh: Tài liệu TTLTQG II, TP.HCM.

Về từ thăm thẳm thời gian

Về khoa học khảo cổ, những tài liệu thu thập được của GS. Nghiêm Thẩm đã cụ thể hóa và liệt kê đầy đủ hơn các cuộc khảo cổ mà những nhà nghiên cứu Pháp tiến hành trước đó ở hai ngôi đền này. Tuy nhiên ông cũng xác định thêm một số cổ vật “có lẽ đã bị mất trong những năm chiến tranh vừa qua, hay đồng bào Thượng đã mang đi các nơi khác rồi”. 

Trong bài viết Sơ lược về các kho tàng chứa bảo vật của các vua Chăm (đăng trên tập san Việt Nam khảo cổ, số 1, 1960), GS. Nghiêm Thẩm đã nhận định rằng, việc bảo tồn các tấm vải quý trong hai ngôi đền là cần thiết vì chúng cho thấy văn minh nghề dệt của người Chăm đã ở mức điêu luyện, có tính thẩm mỹ cao. Bên cạnh đó, ông cho rằng, những bảo vật bằng vàng, bạc được chạm trổ tinh vi cũng nên bảo tồn để giới sử học và mỹ thuật có thể nghiên cứu cách trang hoàng trong nền mỹ thuật nhỏ (arts nineurs) của người Chăm, đặc biệt, các đồ khảm xà cừ với kỹ thuật khác lối khảm của người Việt, gần như đã thất truyền thì rất cần được giữ gìn... 



Hài mạ vàng được tìm thấy. Ảnh: Tài liệu TTLTQG II, TP.HCM.

GS. Thẩm kết luận rằng: “Những bảo vật của vua Chàm mà tôi đã được xem là những tài liệu sử ký và mỹ thuật rất quý giá cho lịch sử Chàm, lịch sử Việt Nam, lịch sử mỹ thuật của nhân loại”. Ông cũng khảo sát để nhìn thấy vấn đề này: Người Churu tin rằng, nếu ai đó đánh cắp các cổ vật trong hai ngôi đền này thì sẽ bị hổ vồ. Và vị giáo sư với tư duy khoa học đã chỉ ra rằng: “Họ tin không ai dám đến lấy (các bảo vật) và nếu lấy sẽ bị hổ ăn thịt. Nhưng dị đoan này không cản nổi những người có lòng tham. Bằng chứng là trong các bảo vật ở làng Sop Madronhay đã mất hết các đồ bằng vàng”. Và cũng có một mối lo ngại khác: chính người Churu cũng di chuyển chỗ ở sau mỗi lần cộng đồng có biến động, và mỗi lần như vậy, bảo vật Chàm trong hai ngồi đền lại thất thoát...2

Đề xuất chuyển các bảo vật Chăm từ hai ngôi đền Sop Madronhay và Kreyo về Sài Gòn, Huế hay Đà Nẵng để bảo tồn trong một bảo tàng viện tránh tình trạng ngôi đền bị hỏa hoạn thiêu rụi hay nạn ăn cắp, “chảy máu cổ vật” được GS. Nghiêm Thẩm nhiều lần đề xuất lên Phủ Tổng thống (thời Đệ Nhất Cộng hòa). Nhưng điều đáng tiếc, về phía địa phương, một buổi họp có ý nghĩa “điều đình” được tổ chức lúc 9 giờ ngày 18-9-1958, tại Quận Hành chánh Dran có mặt 15 vị gồm các trưởng ấp và dân ấp Kreyo, đại diện Quận hội viên Tòa án Phong tục đã không đi đến kết quả bởi “lệ làng” vẫn vượt trên ý kiến nhà khoa học. Buổi họp xác định: “Những người đã giữ từ xưa đến con cháu nay vẫn săn sóc cùng thờ luôn, nên không thể chấp thuận để đem cất các vật ấy tại Viện Bảo tàng. Một trong những lý do mà người dân Churu ở Dran đưa ra đó là nếu không bảo vệ được các cổ vật hoàng gia Chăm “thì dân làng sẽ đau ốm”. (Theo báo cáo số 6802-HC/6 ngày 13-10-1958 của ông Trần Văn Phước - Thị trưởng Đà Lạt gửi trình các Bộ trưởng tại Phủ Tổng thống). 

Vậy là thiện chí của nhà nghiên cứu đã không cứu được bảo vật Chăm trong các ngôi làng Churu.

Và điều mà GS. Nghiêm Thẩm lo lắng nhất đã xảy ra sau đó: Trong những năm chiến tranh ác liệt 1968-1969, cả hai ngôi đền trên đã phải di dời nhiều lần, bị trúng bom bốc cháy và cổ vật đã bị lấy mất. Theo nguồn tin từ Bảo tàng Lâm Đồng, tháng 4 năm 1992 các cán bộ bảo tàng này có phối hợp với huyện Đức Trọng tiến hành khảo sát, kiểm kê hai ngôi đền Sop Madronhay và Kreyo thuộc xã Tà Hine, Đức Trọng. Theo mô tả của chuyên viên bảo tàng Đoàn Bích Ngọ trong các bài báo sau đó, các cổ vật còn lại không còn nhiều giá trị. “Những báu vật của các vua Chàm tuy không còn, nhưng đền Kreyo và Sop Madronhay vẫn được bà con dân tộc Churu coi sóc và cúng lễ hàng năm. Đền được tổ chức cúng lớn vào 15 tháng 5 dương lịch. Vào những ngày này dân làng tụ tập đông đủ, thầy cúng đều bận y phục tế lễ theo phong tục của người Chàm”.3

Câu chuyện những cổ vật Chăm từ hai ngôi đền ở Dran thuộc Tuyên Đức xưa từng là vấn đề hệ trọng của khoa học khảo cổ, duy trì mối quan tâm hơn nửa thế kỷ từ các nhà khoa học khảo cổ Pháp cho đến giới khoa học miền Nam, nhưng cho đến nay vẫn còn vây phủ bởi những sương mù khi thi thoảng trong giới chơi cổ vật cao nguyên truyền lan những tin đồn có màu sắc huyền bí về sự báo ứng đi cùng các món cổ vật Chăm trôi nổi trong dân gian. 

Có một điều có thể chứng thực và lý giải được: văn hóa Churu đã chịu ảnh hưởng sâu đậm bởi văn hóa Chăm từ một cuộc trôi dạt đặc biệt trong lịch sử, từ kỹ thuật làm gốm nung không bàn xoay cho đến các nghi thức thờ cúng hướng đến những vị vua, hoàng hậu mà người Chăm tôn thờ.

Vùng sơn nguyên Dran xưa đã mang vào mình những bước lưu dân của một cộng đồng bị mắc kẹt giữa những giao tranh chính trị trong lịch sử Việt Nam cận đại.□
Người Churu đến xem đoàn khảo cổ học của GS. Nghiêm Thẩm khảo cứu các bảo vật. Ảnh: Tài liệu TTLTQG II, TP.HCM.
Một mặt hia và hai mặt đai vàng được tìm thấy. Ảnh: Tài liệu TTLTQG II, TP.HCM.

Những khay bạc, đồng. Ảnh: Tài liệu TTLTQG II, TP.HCM.

---

Ảnh trong bài: Ảnh: Tài liệu TTLTQG II, TP.HCM. 

Chú thích:

1. Tờ trình ngày 18-7-1958 của GS. Nghiêm Thẩm – Chánh sự vụ Viện Khảo cổ, Phụ trách Bảo tồn Cổ tích, gửi Phủ Tổng thống (thời Việt Nam Cộng hòa). Phông Phủ Tổng thống Đệ Nhất Cộng hòa, Hồ sơ 16516. TTLTQG II, TP.HCM.

2. Theo tờ trình ngày 18-7-1958. Nguồn đã dẫn.

3. Những ngôi đền cổ và báu vật của vua Chàm trên đất Lâm Đồng, Đoàn Bích Ngọ, Báo Lâm Đồng, 10-6-2012

Tài liệu tham khảo:

- Tập san Việt Nam khảo cổ, Số 1-1960.

- Phông Phủ Tổng thống Đệ nhất cộng hòa. Hồ sơ số: 16516. TTLTQG II, TP.HCM.

- Phông Phủ Tổng thống Đệ nhất cộng hòa. Hồ sơ số:16848. TTLTQG II, TP.HCM.

- Báo Lâm Đồng, Báo Tuổi trẻ... 

Nguyễn Vĩnh Nguyên

Nguồn: Tạp chí Tia sáng, ngày 21.02.2021.

Thông tin truy cập

60521366
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
2859
10018
60521366

Thành viên trực tuyến

Đang có 168 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website