Một vận động viên Marathon nữ dùng “thế thân” chạy hộ để có huy chương đem khoe trên mạng xã hội. Một “fashionista” nổi tiếng ăn cắp những món đồ hiệu đắt đỏ để khoe cuộc sống giàu có trên Instagram. Những người phụ nữ chung tiền thuê xe hơi xịn để đóng vai “rich kid” (con nhà giàu). Ngày nào ta cũng có thể thấy những chuyện “sống ảo” được vạch trần trên mạng xã hội.
Nhưng, có ai trong chúng ta không “sống ảo”? Có ai trước khi đăng tấm ảnh chân dung lại không đưa nó qua một lớp “filter” kỳ diệu? Có ai không ba hoa về những phần tốt đẹp nhất của cuộc sống để vờ như mình đang rất ổn? Nên nhớ rằng, từ “ảo” trong sống ảo không bắt nguồn từ “ảo ảnh” (illusion), mà từ thế giới mạng Internet ảo (virtual).
Giờ thử tưởng tượng vài trăm năm nữa, con người có một phiên tòa xử án Internet, liệu bị cáo có phải chịu kết án là thủ phạm của “sống ảo”, hay nó chẳng là gì hơn, ngoài một tấm gương cầu lồi phóng to những thứ vốn đã có sẵn trong bản chất của con người?
Năm 1891, chắc chắn khi đó Internet còn chưa ra đời, Oscar Wilde đã viết cuốn tiểu thuyết duy nhất của đời mình, một tác phẩm đưa ông lên đỉnh văn chương nhưng cũng ném ông xuống đáy cuộc đời, Chân dung của Dorian Gray, trong đó kể về một chàng trai trẻ đẹp sa ngã vào đầm lầy tội ác chỉ để giữ cho mình tuổi thanh xuân bất diệt nhưng trong khi chàng mãi trẻ đẹp thì bức chân dung mà chàng giấu kín nơi căn gác ngày một xấu xí, lão hóa, biến dạng sau mỗi lần chàng phạm tội.
Chúng ta đều đeo mặt nạ.
Nhưng, đến lúc mò lên gác xép và đối diện bức chân dung tượng trưng cho cái bên trong của mình, chàng ta chỉ thấy một thứ tàn tạ héo hon, dường như câu chuyện ấy có rất nhiều nét tương đồng với những phiên bản con người trong và ngoài mạng xã hội.Đó là cuốn tiểu thuyết đa nghĩa và bạn có thể hiểu theo nhiều cách khác nhau, nói cho cùng nó bất tử là bởi qua mỗi thời đại nó lại gợi ý thêm những suy tư mới. Trong thời đại của mạng xã hội, cái cách mà Dorian Gray khao khát được xuất hiện trước công chúng với vẻ ngoài đẹp như một mùa xuân, không từ cách nào để luôn mơn mởn trước mắt mọi người.
Như vậy, con người, dù có mạng Internet hay không, hình như luôn có xu hướng tách cái tôi thật và cái tôi xã hội. Từ “person” (một con người) có gốc gác từ từ “persona” trong tiếng Latin, mà persona có nghĩa là mặt nạ sân khấu. Hiểu theo cách nào đó, làm người tức là đeo mặt nạ, đã là con người thì đều đeo mặt nạ. “Mặt nạ [...] được thiết kế một mặt để gây ấn tượng nhất định với người khác và một mặt khác để che giấu bản chất thực sự của một cá nhân” - nhà phân tâm học nổi tiếng người Thụy Sĩ Carl Jung, người với lý thuyết về bản đồ tâm hồn có ảnh hưởng sâu sắc tới tâm lý học hiện đại, đã viết. Carl Jung là người đầu tiên khởi xướng khái niệm “mặt nạ” khi nghiên cứu về hành vi của con người.
“Mặt nạ” mà Jung đề cập thực chất có phổ rộng hơn rất nhiều so với những gì ta đang nói ở đây. Nó là tất cả những vỏ ngoài đóng gói cái tôi đích thực, những thứ định danh ta nhưng không đích thực là ta, kể cả tên tuổi cha mẹ đặt cho, nghề nghiêp ta làm, chức vụ xã hội giao cho ta - những thứ này không phải là giả, một người tên là A không hề nói dối khi anh ta bảo mình tên A, một vị tổng thống đương nhiên là người điều hành đất nước, nhưng nói như Jung, chúng chỉ là “hiện thực thứ hai” hay “một thỏa hiệp giữa con người và xã hội”.
Và nếu như ngay từ những thứ có tính thiết thân như thế đều có thể chỉ là một tấm mặt nạ ta chường ra cho thế giới ngắm nhìn, vậy thì có gì lạ nếu như khi được trang bị công cụ phù hợp (như mạng xã hội), con người tiếp tục đeo thêm những lớp mặt nạ khác để tự vẽ ra cho mình một cuộc sống khác với cuộc sống ta đang sống?
Jung không phản đối mặt nạ. Theo Jung, đeo mặt nạ là một hành vi cực kỳ bình thường và tự nhiên. Chúng ta đều đeo mặt nạ. “Thật không may rằng không nghi ngờ gì cả, con người, về toàn thể, không tốt đẹp như những gì anh ta tự tưởng tượng về mình và những gì anh ta muốn trở thành”. Nên ao ước thấy một phiên bản tốt hơn của bản thân, dù chỉ là trong một ảo tưởng, là rất mực tự nhiên. Nhưng, rắc rối sẽ xảy ra nếu như một người đồng nhất mình với mặt nạ, đánh mất hết ý thức về bản thân và để mặt nạ nuốt chửng bản ngã thật của mình.
Trong bộ phim “Fanny and Alexander”, một trong những phim hay nhất của Ingmar Bergman (và Ingmar Bergman thì là một trong những đạo diễn hay nhất thế giới), có cảnh phim về một vị cha đạo nằm mơ. Trong giấc mơ, ông cố gắng tháo tung chiếc mặt nạ đang đeo trên gương mặt nhưng ông ta làm cách nào cũng không thể tháo được nó. Cuối cùng thì ông ta kéo luôn cả gương mặt mình ra cùng mặt nạ. Ta đeo mặt nạ để che giấu gương mặt thật của mình nhưng khi đã đeo quá lâu, cái mặt nạ ấy sẽ dính chặt vào gương mặt thật của ta, đến mức ta không còn cách nào nhấc lớp phủ lên mà không làm bị thương đến lớp bị che phủ.
Trong khi đó, một nhà phân tâm học khác là Donald Winnicott sống cùng thời với Jung cũng phát triển độc lập một lý thuyết về cái tôi thật và cái tôi giả (hay cái tôi lý tưởng hóa), trùng hợp thay, lại có nhiều điểm tương giao với bản đồ tâm hồn của Jung. Ta có thể hiểu cái tôi giả (false self) là một thứ tương tự như mặt nạ.
Theo Winnicott, cái tôi giả ra đời khi một đứa trẻ bắt đầu biết phân biệt cái gì là được và cái gì là không được theo sở thích chung của xã hội, kiểu như tuổi trẻ là tốt, quyền lực là tốt, giàu có là tốt, thông minh là tốt, dũng cảm là tốt. Những cái không được, không tốt thì ta đem giấu đi. Nói chung, cái tôi giả không hề xấu. Nó là một phần của cái tôi thật và nó có nhiệm vụ bảo vệ cái tôi thật. Cái tôi giả rất vất vả vì hằng ngày nó phải đối phó với thế giới và thích ứng với thế giới thay cái tôi thật, nhờ đó, cái tôi thật có thể tiếp tục tồn tại trọn vẹn.
Dorian Gray trẻ đẹp và bức chân dung biến dạng.
Song, chính vì cái tôi thật không được ngó ngàng thường xuyên, nó chẳng có việc gì để làm, nó được bảo vệ quá kỹ càng đến mức không được thở, nên đâm ra, nó sẽ cảm thấy bị ngộp, cảm thấy không được công nhận, cảm thấy không được yêu. Từ quan điểm của Winnicott, ta có thể suy luận nguyên do vì sao khi một người “sống ảo” quá lâu, người đó cuối cùng lại trở nên mệt mỏi và buồn khổ. Nỗi buồn ấy chính là nỗi buồn của cái tôi thật bị bỏ quên.
Tóm lại, nếu chiếu theo lý thuyết của cả Jung và Winniecott, sống ảo tuyệt đối không phải là lỗi của mạng xã hội. Sự ra đời của mạng xã hội, thậm chí, chỉ phản ánh bản năng đeo mặt nạ của con người. Ta cần một nơi nào đó để làm cho cuộc sống của mình có vẻ tốt đẹp hơn so với thực tế và để không bị xã hội gạt ra lề và mạng xã hội là một sản phẩm tất yếu. Nhưng, thế thì chẳng lẽ ta chịu thua, ta chấp nhận để những chiếc mặt nạ dính cứng vào gương mặt thật của ta không cách nào gỡ ra? Những nhà phân tâm học chẳng lẽ không có một gợi ý gì hết?
Trên thực tế, thì có. Carl Jung không nói rằng chúng ta phải chối bỏ mặt nạ, xã hội này vận hành trơn tru là vì mọi người đều đeo mặt nạ và diễn cảnh với nhau. Nhưng, theo bản đồ tâm hồn của Jung, con người không chỉ có mặt nạ, họ còn có bóng tối (shadow), bao gồm tất cả những gì ta cố gắng tự phủ nhận ở chính mình. Và, Jung khuyên ta hãy nhìn thẳng vào bóng tối, để chúng ta biết rằng mặt nạ không phải là toàn bộ con người ta, bởi cách duy nhất để không bị điều khiển bởi mặt nạ là nhận thức được rằng bản thể của ta lớn hơn mặt nạ. Mặt nạ chỉ là một phần của bản thể mà thôi. Và, chỉ trong sự tỉnh thức hoàn toàn về mọi góc độ tâm hồn, con người mới có thể giữ vững cá tính và không bị trượt đi theo vô thức tập thể.
“Đặc ân của cuộc đời là trở thành con người bạn thực sự là”, Jung viết. Jung không viết “làm một con người bạn thực sự là”, mà ông viết “trở thành con người bạn thực sự là”. Động từ “trở thành” như muốn nói rằng, hành trình đi tìm cái tôi nguyên bản là một hành trình thăng tiến, một hành trình hóa thân, chứ không phải một hành trình quay trở về điểm xuất phát gốc hay một sự giảm trừ và vứt bỏ bất cứ điều gì. Ta không vứt bỏ mặt nạ của mình nhưng ta phải biết nó không là tất cả.
Hiền Trang
Nguồn: An ninh thế giới giữa và cuối tháng, ngày 30.4.2021.