Đôi khi thấy buồn, tâm trạng sa sút không cách nào vực lên nổi, tôi lại mở sách tranh ra đọc. Có lần tôi được động viên, an ủi, chỉ nhờ một câu văn trong một cuốn sách tranh Rules of Summer - Shaun Tan rằng: “Đừng bao giờ chờ đợi một lời xin lỗi”. Câu chuyện kể về những điều luật mùa hè, do hai anh em tự thỏa thuận với nhau lúc chơi. Điều luật khi giận nhau ấy là không chờ đợi lời xin lỗi. Hai anh em tự tha thứ cho nhau trước, ngay cả khi lời xin lỗi tới rất muộn.
Một trang sách của Caldecott. Ở đây phần lời không miêu tả lại bức tranh, chỉ là một câu thoại của cô gái. Còn phần tranh kể cho chúng ta những điều còn lại: về bối cảnh, không gian, thái độ cảm xúc của các nhân vật… Chứ phần lời không diễn giải, ví dụ: cô thôn nữ bướng bỉnh nói trước sự ngạc nhiên của ngài công tước.
Vì lý do gì một điều luật “trẻ con” lại khiến tôi thấy lên tinh thần? Tại sao tôi đã lớn rồi vẫn say mê đọc sách tranh?
Sách tranh là gì và đến từ đâu?
Sách tranh, hay Picture book (trong tiếng Anh), hay Ehon (trong tiếng Nhật) là một thể loại sách thường có khổ lớn, độ dài phổ biến từ 16-32 trang, nhiều hình ảnh, ít chữ.
Sách tranh được coi là nghệ thuật của việc kể chuyện bằng hình ảnh, một dạng thức của nghệ thuật văn chương. Nhiều nghiên cứu cho rằng nó có nguồn gốc sâu xa gắn liền với những hình vẽ trên hang đá của người cổ đại, hay những hình ảnh điêu khắc trên cây cột trụ Trajan của người La Mã. Sự ra đời và phát triển của sách tranh được đánh dấu từ khi công nghệ in ấn ra đời vào thế kỷ 15.
Cuốn Orbis Sensualium Pictus (The Visible Words) của tác giả Comenius xuất bản ở Nuremberg, Đức năm 1658 với phần tranh và chữ được in cạnh nhau được coi là hình thù sơ khai đầu tiên của một cuốn sách tranh dành cho trẻ em trên thế giới. Nó được thiết kế bao gồm tranh và chữ đặt song song cạnh nhau, để giúp trẻ dễ tiếp thu.
Sách tranh là một thể loại còn non trẻ, mới chính thức được công nhận hơn 130 năm trước, kể từ những tác phẩm của tác giả - họa sĩ người Anh Randolph Caldecott (1846-1886). Ông đã nâng tầm phần hình ảnh của câu chuyện, không chỉ còn là minh họa đơn thuần cho câu chữ. Tên của ông cũng được đặt cho một giải thưởng uy tín bậc nhất trong làng sách tranh - Huân chương Caldecott. Tác giả - họa sĩ Maurice Sendak, người đã có rất nhiều tác phẩm sách tranh để đời, trong đó nổi tiếng nhất là Where the wild things are (đã được xuất bản ở Việt Nam với tựa Ở nơi quỷ sứ giặc non), đã từng nói về những đóng góp và thành tựu của Randolph Caldecott như sau:
“Các tác phẩm của Caldecott báo hiệu sự khởi đầu của sách tranh hiện đại. Ông ấy đã tạo ra cách ghép nối khéo léo giữa hình ảnh và từ ngữ, một điều chưa từng có trước kia. Phần tranh nói lên những thứ không được kể bằng con chữ. Và ngược lại. Đó chính là phát minh ra sách tranh”.
Sách tranh với những đặc điểm dễ nhận diện như khổ lớn, nhiều màu sắc, dễ đọc và có tuyến truyện cũng như cấu trúc đơn giản, không quá dài, trở nên phổ biến với các độc giả nhỏ tuổi (đặc biệt là nhóm độc giả nhí mới bắt đầu làm quen với việc đọc và chữ nghĩa). Thậm chí sách tranh còn được coi là đồng nghĩa với Văn học thiếu nhi.
Nhưng liệu rằng sách tranh chỉ có vậy hay bản thân thể loại này đã phát triển và phá vỡ những hình dung sẵn có, quen thuộc, những định kiến về thị trường và diễn ngôn văn chương?
Sách tranh - bước khởi đầu dễ chịu
Nội dung sách tranh có thể chia thành hai nhóm lớn, cũng giống như các thể loại sách khác, hư cấu (fiction) và phi hư cấu (non-fiction) với nhiều đề tài phong phú, đa dạng, không giới hạn. Thế giới có gì thì sách tranh có cái đó.
Mảng phi hư cấu thường có nhiều nội dung cơ bản, giúp các bạn nhỏ làm quen với thế giới. Ví dụ như sách tranh về phân biệt màu sắc, số đếm, bảng chữ cái, các đồ vật quen thuộc trong nhà, cách buộc dây giày, cách đánh răng… Cao hơn một chút, có thể có sách tranh khoa học, lý giải về vi khuẩn, vi rút, triết học… theo cách dễ hiểu và thú vị, hài hước, hấp dẫn.
Những nội dung này, không nghi ngờ gì, chủ yếu dành cho độc giả nhỏ tuổi. Tuy vậy, khi làm quen với một mảng kiến thức mới, khó nhằn, bắt đầu bằng những cuốn sách vừa đơn giản vừa vui lại nhiều hình ảnh bắt mắt như sách tranh là một cách hiệu quả, ngay cả với người lớn. Người lớn thì hẳn ai cũng biết buộc dây giày và đánh răng rồi, nhưng không phải ai cũng biết về thiên văn học hay triết học, hay cuộc đời của những danh nhân thế giới. Đơn cử như tôi, lúc mới lân la tìm hiểu về triết, khi đó đã học cấp 3, tôi chủ yếu đọc sách tranh triết học thiếu nhi của Pháp. Những cuốn sách đó đã giúp tôi dần quen với những khái niệm trừu tượng trong triết học mà không khiến tôi nhụt chí.
Hay khi tôi học tiếng Nhật (lúc đã ngoài 20), một ngôn ngữ rất phức tạp, tôi cũng thường xuyên đọc Ehon (sách tranh trong tiếng Nhật), xem phim hoạt hình thiếu nhi của Nhật. Những nội dung ngắn gọn, dễ theo dõi, ngôn từ chuẩn chỉnh (thậm chí là tự nhiên, đời thường hơn sách dạy tiếng), lại thấm đẫm văn hóa bản địa cùng với hình ảnh sinh động khiến ngôn ngữ dễ ngấm hơn.
Dù bao nhiêu tuổi, khi bắt đầu tìm hiểu, học một thứ gì đó mới, chúng ta đều chỉ như những đứa trẻ tập tọe đánh vần. Không chỉ riêng với triết học, sách tranh còn có cả thiên văn học, toán học, vật lý, sinh học, công nghệ thông tin, lịch sử, chính trị… Song song với những cuốn sách chuyên môn, chuyên sâu, xen lẫn những cuốn sách tranh nhẹ nhàng, giàu hình ảnh sẽ đem tới cân bằng lành mạnh, không chỉ với độc giả thiếu nhi mà còn với những người muốn biết cái mới ở bất kỳ độ tuổi nào.
Sách tranh - một thế giới cô đọng
Còn về mảng hư cấu, sách tranh xuyên suốt những năm tháng phát triển, đã không ngừng mở rộng và tự phá vỡ những ranh giới của thể loại.
Sự ngắn gọn và đơn giản của sách tranh nói chung, không đồng nghĩa với sơ sài, hời hợt. Nhà khoa học nổi tiếng Albert Einstein từng nói: “Nếu bạn không thể giải thích điều gì một cách đơn giản thì bạn chưa đủ hiểu chúng.” Hay Charles Mingus - một nghệ sĩ nhạc Jazz huyền thoại của Mỹ tin rằng: “Ai cũng có thể biến một thứ đơn giản thành phức tạp. Sáng tạo chính là biến thứ phức tạp trở nên đơn giản.” Sự giản đơn trong sách tranh là những trải nghiệm, quan điểm, tri thức đã cô đọng, tinh tuý, được diễn đạt bằng cách dễ hiểu nhất, đến cả trẻ con cũng hiểu.
Cái chết tiễn đưa chú vịt cùng một nhành hoa. Ảnh: brainpicking.com
Vấn đề cốt yếu không phải là thể loại, mà ở chất lượng nội dung, thông điệp lẫn cách thể hiện.
Lấy ví dụ như cái chết - một đề tài ai cũng sẽ phải đối mặt. Trong cuốn sách tranh Duck, Death & the Tulip (chú vịt, cái chết và bông hoa tulip) của tác giả - họa sĩ người Đức Wolf Erlbruch, cái chết đã được diễn giải dịu dàng và đậm chất nhân sinh. Nhân vật cái chết không ghê rợn, đáng sợ, mà chỉ như một người đồng hành yên tĩnh. Cái chết luôn ở bên chú vịt, cùng chú trải nghiệm đủ thăng trầm đời thường. Cho tới một ngày, chú vịt chạm tới cuối con đường, đã sống hết mình một cuộc đời, cái chết mới tiễn đưa chú vịt ra đi thanh thản bằng một nhành hoa, đầy trân trọng như một người bạn tâm giao.
Qua câu chuyện nhỏ rất kiệm lời chỉ mấy chục trang giấy ấy, người đọc hiểu được thông điệp, quan điểm của tác giả về cái chết: cái chết gắn liền và luôn song hành với sự sống. Ông không coi cái chết như kẻ thù tiêu diệt sự sống. Con người học cách chấp nhận và nhìn nhận giá trị của cái chết để sống trọn vẹn hơn.
Một tác giả sách tranh nổi bật khác với những tác phẩm xóa nhòa ranh giới lứa tuổi chính là Shaun Tan. Những câu chuyện của ông thường trĩu nặng hoài niệm, nỗi cô đơn, lạc lõng, cảm giác mất mát, thương nhớ những kỷ niệm tuổi thơ - thứ thường xuất hiện ở người trưởng thành.
Trong tác phẩm The Lost Thing (cuốn sách đã từng được chuyển thể thành phim hoạt hình), nhân vật chính của Shaun Tan là một chàng trai đã lớn và cảm thấy buồn tẻ, mắc kẹt với cuộc sống tấp nập xô bồ, cho tới một ngày anh tìm được “thứ đã mất” của mình. Thứ bị lạc mất ở đây - được tác giả cụ thể hóa thành một sinh vật màu đỏ, to lớn, tùy từng độc giả soi chiếu bản thân mà đó có thể là sự mơ mộng, trí tưởng tượng con trẻ hoặc cảm giác tự do, được sống với bản chất thật mà không phải đeo mặt nạ…
Tác giả - họa sĩ Shaun Tan trong một bài tiểu luận đã có viết rằng ông thường bị hỏi khi sáng tác, ông có nhắm tới đối tượng khán giả cụ thể nào hay không. Ông đáp lại rằng ông tin những tác phẩm sẽ tự tìm được độc giả phù hợp với chúng. Ông không đặt bất kỳ khuôn mẫu hay giới hạn nào cho người đọc. Những định kiến có thể cản trở chúng ta tiếp cận được với những tác phẩm hay ngoài dự đoán của chúng ta.
Bên cạnh đó, phần tranh của sách tranh cũng là yếu tố đáng kể. Mỗi trang sách đều như một bức tranh hội họa hoàn chỉnh, có chất lượng nghệ thuật cao, được vẽ bởi những họa sĩ tài năng, học hành bài bản, chuyên nghiệp. Như Shaun Tan, có những cuốn ông vẽ từng trang trên khung toan, bằng chất liệu sơn dầu. Các họa sĩ sách tranh được yêu thích trên thế giới như Maurice Sendak, Shaun Tan, Oliver Jeffers, Isabelle Arsenault, Chihiro Iwasaki… đều có những triển lãm nghệ thuật đa dạng bên ngoài những cuốn sách tranh (và không ai thắc mắc những thứ này chỉ dành cho trẻ con à?). Bảo tàng nghệ thuật Chihiro Iwasaki là một địa điểm đáng ghé thăm ở Tokyo, Nhật Bản.
Chất lượng nghệ thuật, hình ảnh của sách tranh không còn phải nghi ngờ. Tất nhiên, vẫn sẽ có những cuốn chất lượng kém, tùy trình độ họa sĩ. Nhưng nếu cho rằng sách tranh chỉ xanh xanh đỏ đỏ cho em nhỏ nó mừng là sai lầm mất rồi.
Tuy vậy, ngay cả khi họa sĩ không có kỹ năng siêu việt như hội họa hàn lâm, nhưng câu chuyện đủ mạnh, nét vẽ dù còn non nhưng lại phù hợp và thể hiện được trọn vẹn nội dung thì đó vẫn là một cuốn sách tốt.
Sách tranh - nuôi dưỡng những "thiên tài trẻ con"
Ngay cả với những tác phẩm sách tranh không rõ ràng đề tài liên quan tới đời sống trưởng thành thì độc giả người lớn vẫn có thể thưởng thức được. Một người bạn của tôi - một người viết chuyên nghiệp, từng chia sẻ rằng những người lớn mà còn giữ được trí tưởng tượng cũng như khả năng vui như một đứa trẻ là những thiên tài trẻ con.
Nhà văn C.S.Lewis - tác giả của bộ tiểu thuyết kinh điển Biên niên sử Narnia, từng có những phản biện về việc gán nhãn sách chỉ dành cho trẻ con rằng điều đó phản ánh định nghĩa sai lầm về “trưởng thành”. Bỏ đi những niềm say mê cũ để tiếp nhận những điều mới không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với việc lớn lên.
“Nếu phải bỏ lại những bưu kiện, rời những sân ga là bản chất của sự lớn lên, thì tại sao chúng ta lại ngừng làm vậy khi đã trưởng thành? Tại sao sự già yếu lại không được ca tụng? Tại sao chúng ta không được chúc mừng khi rụng cả răng và hói cả đầu?”
Khi chúng ta lớn lên, chúng ta không cần bỏ đi những thứ đã bồi đắp từ tuổi thơ. Chúng ta thêm vào những thứ mới, làm dày lên trải nghiệm sống của mình. Khi lớn ông say mê Tolstoy và Jane Austen nhưng không có nghĩa phải hết thích truyện cổ tích.
Kết nối với tuổi thơ hay đứa trẻ bên trong bạn không phải là cản trở của sự trưởng thành. Trái lại, những ẩn dụ, tưởng tượng trong những câu chuyện dường như dành cho trẻ con, lại có thể đem lại sự xoa dịu, vỗ về cho những người đã lớn nếu chúng ta không lãng quên mình đều từng là những đứa trẻ.
Trong cuốn Oh, the Places You’ll Go! của Dr.Seuss, có câu: “Cô đơn một mình! Dù em có thích hay không, em sẽ phải cô đơn một mình không ít đâu.” Hẳn bạn sẽ đồng ý với tôi rằng đó là thử thách bắt buộc chúng ta phải trải qua trên con đường làm người lớn. Nhưng những sự thật phũ phàng này lại được kể bằng một giọng đầy bao dung và cảm thông, với một bức tranh đầy ngộ nghĩnh. Khi người lớn mệt, có lẽ chúng ta chỉ cần những cuốn sách nhẹ và êm thôi.
Sách tranh nói riêng hay văn học thiếu nhi nói chung, không dành cho chỉ riêng đối tượng nào, mà dành cho tất cả những ai muốn được nghe kể chuyện, muốn được làm cho thích thú, ngạc nhiên, muốn được tư duy và tưởng tượng.
TÓM LẠI, sau bài viết khá dài này, tôi hi vọng đã thuyết phục được những bạn đọc người lớn một chút, động viên các bạn mở lòng trao cho sách tranh một cơ hội - được làm bạn vui và cùng bạn trải qua đủ cung bậc cảm xúc. Đừng để tuổi tác giới hạn bản thân mình, bạn nhé!□
Thùy Cốm
Nguồn: Tạp chí Tia sáng, ngày 26.6.2021.