Chuyện tiêm vaccine phòng dịch gần 100 năm trước

“Những thềm cống trong thành phố đều được người ta chú ý đến mà rắc vôi cho. Các hàng quà rong được nghỉ như các viên chức gặp tuần lễ Anh. Những người tỉnh khác đến đều được tiếp đón như quý khách, để xem thử đã được cấp chứng nhận rằng “có tiêm thuốc trừ dịch rồi” hay chưa.

Nếu chưa thì đừng có mong bước chân vào tỉnh – dù là có để thăm người anh em đang mắc … bệnh dịch tả” – Đó là ghi nhận của một ký giả trong thời điểm bùng phát dịch bệnh truyền nhiễm cách đây gần trăm năm.

Không khí tiêm chủng tấp nập!

Đầu thế kỷ XX, do điều kiện thời tiết khắc nghiệt, đời sống sinh hoạt của người dân còn lạc hậu nên nước ta phải đối mặt với nhiều loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Qua kho sách, báo chí còn lưu trữ được, có thể thấy một số bệnh truyền nhiễm phổ biến được ghi chép lại, như: Bệnh đậu mùa, thổ tả, dịch hạch, ho lao,… Đặc biệt là bệnh thổ tả, đã trở thành nỗi kinh hoàng với nhiều quốc gia, dân tộc, trong đó có Việt Nam.

“Ngoài Bắc đang bị dịch tả. Người ta chết đông chết tây như là tiếng pháo nổ trong đêm ba mươi”. Ký giả của Tràng An báo đã ví von như thế! (Cứu giúp đồng bào, Tràng An báo, 12-10-1937).

Lúc bấy giờ, tiêm vaccine phòng dịch là phương cách hữu hiệu nhất để ngăn chặn sự bùng nổ khủng khiếp của bệnh dịch.

Theo các biểu thống kê của Nha Y tế năm 1933, số người được tiêm chủng phòng các bệnh truyền nhiễm lần lượt như sau: Người đã tiêm phòng bệnh đậu mùa: 1.757.181 người; người đã tiêm phòng bệnh dịch tả: 93.664 người; người đã tiêm phòng bệnh lao: 10.080 người. (Số người được tiêm chủng phòng các bệnh truyền nhiễm, Hà Thành ngọ báo, 18-11-1933).

Trong khi đó, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 1931, dân số nước ta có hơn 17 triệu người. So sánh đối chiếu, có thể thấy, đầu những năm 30 của thế kỷ trước, số người được tiêm phòng bệnh dịch tả ở nước ta chỉ xấp xỉ 1/17 tổng dân số. Một con số khá là khiêm tốn!

Tuy vậy, khi đọc các trang báo thời bấy giờ, ta thấy dày đặc các thông báo, khuyến cáo tiêm chủng tại khắp các địa phương trong cả nước như: Hà Nội, Hải Dương, Huế,…

“Thành phố sẽ tiêm trừ bệnh tả không mất tiền cho dân. Tiêm trừ bệnh tả thì không bắt buộc, song ta cũng nên tiêm, vì tiêm một lần thì suốt năm không sợ bệnh tả. Vả lại nếu đợi bệnh tả đã phát ra mới tiêm thì còn nguy hiểm, vì tiêm xong thì 15 hôm sau thuốc tiêm mới có công hiệu, còn trong vòng 15 hôm ấy dẫu tiêm rồi vẫn có thể mắc bệnh tả được”. Đó là thông báo của Sở Vệ sinh thành phố Hà Nội được đăng tải trên Hà Thành Ngọ Báo năm 1934, khuyến cáo người dân nên đi tiêm chủng. (Việc trồng đậu và tiêm thuốc trừ bệnh tả cho dân thành phố, Hà Thành ngọ báo, 21-2-1934).

Tại Hải Dương không khí tiêm chủng cũng vô cùng nhộn nhịp, đủ các loại thành phần trong xã hội: “Đã hai hôm nay tại nhà Thương tỉnh, tấp nập những người ở 13 phủ, huyện, già trẻ, lớn bé, trai gái kéo nhau đến xin tiêm thuốc phòng bệnh đậu mùa và bệnh dịch tả” (Việc gần xa, Hà Thành ngọ báo, 7-5-1932).

Đầu năm 1937, ở Huế, bệnh dịch tả cũng lan rộng khắp tỉnh. Các ký giả của Tràng An báo đã phải cảnh báo người dân kinh thành: “Muốn tránh cái thảm họa của năm 1927, nhà nước đã cho nhân dân tiêm thuốc để đề phòng. Hiện nay tại nhà thương Brieux, chiều nào cũng có tiêm thuốc cho những người trong thành phố. Một bệnh nguy hiểm, ngặt nghèo như thế, mong bà con xa gần hãy đến nhà thương tiêm thuốc cho đông để trừ tai họa” (Tiêm thuốc trừ bệnh tả, Tràng An báo, 7-12-1937).

Tuy nhiên cũng có một số địa phương như ở Ninh Bình, bộ máy chức dịch làm ăn tắc trách, xem thường tính mạng của người dân: “Mấy hôm nay, trong làng Phúc Am đã thấy nhiều người mắc phải bệnh dịch tả. Hiện đã 2 người chết về bệnh ấy, còn mọi người mắc phải may đều chữa được cả. Thế mà các chức dịch trong làng không chịu đi trình quan trên, xin thầy thuốc về tiêm cho dân”. (Dịch tả đã phát tại làng Phúc Am, Hà Thành ngọ báo, 24-4-1931)

Trên nhiều tờ báo, các ký giả đương thời còn cổ vũ người dân đi tiêm vaccine phòng dịch, bằng những lập luận thuyết phục, mang đầy tính khoa học: “Cách đề phòng cho không mắc phải bệnh thổ tả thì có lối tiêm thuốc. Ngay từ năm 1885, Ferran rồi đến 1894 Haffkin đã dùng thuốc tiêm rồi… Lối tiêm công hiệu lắm và có thể đề phòng được trong 4 đến 6 tháng”. (Bệnh thổ tả, báo Khoa Học, 1-6-1934).

Hoặc chỉ rõ cho người dân hệ quả của việc tiêm chủng bằng những minh chứng cụ thể, khi họ có thái độ ngần ngại, sợ sệt:

“Tin ở cách đề phòng bệnh tả, bằng cách tiêm vi trùng tả vào mình có hiệu quả, tôi muốn có nhiều chứng cứ về kết quả việc tiêm ấy. Thì gì: các người Tây tiêm chưa chết một người nào, các người cu ly đám ma, các người đổ thùng cũng vậy. Về phần riêng tôi, cứ sáu tháng tôi lại đi tiêm một lần, vì ngoài 6 tháng, phát tiêm hết công hiệu; lúc tiêm chẳng đau đớn gì, nhất là chẳng mất xu nào, vì nhà nước cho thuốc tiêm, cho người tiêm giúp”. (Dịch tả, Khoa Học, Số 189, 1 Tháng Năm 1938).

20210827 3

Chuyện tiêm vaccine phòng dịch gần 100 năm trước -0

Một số thông báo, bài viết về tiêm chủng vaccine trên báo xưa.

 

Muốn vào tỉnh phải có chứng nhận… “Có tiêm thuốc trừ dịch”

Cổ vũ, khích lệ tiêm chủng là tinh thần khi dịch bệnh chưa ở mức độ căng thẳng. Nhưng khi dịch bùng phát mạnh mẽ, công việc ấy lại trở nên khẩn trương, cấp thiết hơn bao giờ hết.

Báo chí xưa đã ghi lại vào năm 1937, ở tỉnh Thái Bình, dịch tả bùng phát mạnh, các nhà chức trách phải tìm hết cách đề phòng: “Những thềm cống trong thành phố đều được người ta chú ý đến mà rắc vôi cho. Các hàng quà rong được nghỉ như các viên chức gặp tuần lễ Anh. Những người tỉnh khác đến đều được tiếp đón như quý khách, để xem thử đã được cấp chứng nhận rằng “có tiêm thuốc trừ dịch rồi” hay chưa. Nếu chưa thì đừng có mong bước chân vào tỉnh – dù là có để thăm người anh em đang mắc … bệnh dịch tả”.

Thái độ của dân chúng lúc bấy giờ đối với việc tiêm chủng phòng bệnh cũng được nhà báo mô tả lại: “Quan Công sứ ở tỉnh vì thương dân, ra lệnh cho tất cả người ta trong hạt phải đi tiêm thuốc đề phòng. Nhưng mà vẫn còn có nhiều người quyết không chịu tiêm. Chẳng biết vì họ muốn đùa với cái chết hay là vì họ không có thì giờ - thì giờ riêng để tặng cho việc chạy gạo.”

Chính vì vậy, Công sứ tỉnh Thái Bình đã phải ra lệnh phạt. Người nào soát trong hầu bao mà không có giấy khai tiêm thì phải nộp một số bạc là 6 đồng, gần bằng hai năm thuế. Số tiền ấy sẽ sung vào quỹ cứu tế.

Ký giả đương thời cũng mượn câu chuyện đó để “cảnh tỉnh” nhiều người dân bằng những lời châm biếm sâu sắc, chỉ rõ rằng bệnh dịch không chừa một ai:

“Vậy thì ở tỉnh Thái Bình ai là người hảo tâm, ai là người thương đồng bào đang lâm cơn hoạn nạn, muốn cúng vào quỹ cứu tế để giúp họ, chỉ còn cách là đừng đi tiêm thuốc trừ dịch. Mà những người hảo tâm ấy hẳn chỉ là những người giàu có. Không đi tiêm thuốc trừ bệnh dịch tả để được bỏ vào quỹ cứu tế một số bạc là 6 đồng, ừ thì được rồi, nhưng còn phải giữ gìn thế nào kia đấy! Chứ mà bệnh dịch thì chẳng nể cái mặt ai thương nòi thương giống đâu!”(Cứu giúp đồng bào, Tràng An báo, Số 263, 12 Tháng Mười 1937).

Cũng trong năm 1937, một bài báo khác lại so sánh công cuộc phòng bệnh dịch tả ở Thừa Thiên (Huế) như một cuộc chiến tranh, “cũng có người, có vật dụng, có tiền, thầy thuốc, khán hộ, lính khố xanh,… Sở Y tế thi hành phương sách chống giữ và bảo vệ rất riết vì ở tỉnh này bệnh mới lan ra trong một vài làng lân cận. Để dập dịch, Sở Y Tế đã đem theo thầy đem thuốc xuống tiêm trừ và đem lính khố xanh để ngăn cấm ở các nẻo đường và con sông qua lại không cho một người nào trong làng ấy ra khỏi và người vào cũng không được.

Phiên chợ trong làng cũng không được họp. Sự cần dùng về lương thực thì dân làng phải tự kiếm lấy ở trong làng mà ăn. Các thầy khán hộ đi tiêm trừ cho mấy làng ấy kể lại rằng suốt ba bốn ngày đấy, dân làng cũng như họ chỉ ăn cơm với muối rau”. (Cách đề phòng bệnh tả ở đây rất nghiêm ngặt – quả là một cuộc chiến tranh, Tràng An báo, 24-12-1937).

Cùng chung nhiệm vụ với các thầy khán hộ trên, một thầy khán hộ khác cũng chia sẻ về công việc đáng tự hào của mình: “Một đêm có đến 1, 2 chục người bệnh tả vào, nào phải tiêm đủ thứ, nào cho thuốc cầm… Tôi dám nói: xông xáo trong bầu không khí vi trùng ấy, dẫu tự ví mình với một bậc chiến sĩ trong chỗ đạn lửa cũng không có gì là quá đáng. Tuy vậy, người ở chỗ rừng tên núi đạn, còn biết chỗ tiến thoái giữ thân chứ không như “gã cừu địch tí hon” kia, con mắt ai mà nhìn thấy”. (Một người trong ngạch khán hộ phàn nàn về những sự thiệt thòi của nghề, Hà Thành ngọ báo, 10-9-1932).

“Ôn cố nhi tri tân” - nhắc chuyện xưa để nói chuyện nay. Khi cả nước đang triển khai chiến dịch toàn quốc tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19, chúng ta cần nhấn mạnh thêm một lần nữa tầm quan trọng của chiến dịch này trước bối cảnh dịch bệnh bùng phát với nhiều diễn biến phức tạp. Mong rằng chính tinh thần, khí thế của người xưa sẽ là động lực, cổ vũ ý chí, tinh thần của người dân nước Việt trong chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử.

Trần Đức Anh

Nguồn: An ninh thế giới cuối tuần, ngày 26.8.2021.

 

Thông tin truy cập

63686185
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
6477
23426
63686185

Thành viên trực tuyến

Đang có 891 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website