Một số motif chủ yếu trong truyện cổ tích Campuchia

Campuchia là một trong những quốc gia hình thành sớm ở khu vực Đông Nam Á. Nền văn hóa Campuchia có lịch sử phong phú đa dạng trải qua nhiều thế kỷ và chịu ảnh hưởng sâu sắc văn hóa Ấn Độ. Con người nơi đây sống kín đáo, giản dị, nhã nhặn, coi trọng gia đình và người phụ nữ có vai trò rất quan trọng. Trước khi tiếp nhận văn minh và nền triết học tôn giáo Ấn Độ, người Campuchia có những thần linh bản địa của mình. Nền văn học Campuchia bao gồm văn học dân gian và văn học viết. Văn học dân gian Campuchia trong đó có truyện cổ tích đã phản ánh thực tế cuộc sống hàng ngày của nhân dân lao động, những kinh nghiệm sống, sự khôn ngoan của các thế hệ và những tình cảm chân thành chứa đựng nghĩa tình giữa những người lao động cũng được thể hiện rõ nét, sinh động qua các truyện cổ tích. Cùng với yếu tố thần kỳ, không gian, thời gian, nghệ thuật xây dựng nhân vật là các motif đã tạo nên sự hấp dẫn của truyện cổ tích Campuchia. Các motif là sản phẩm của trí tưởng tượng, của sự quan sát cuộc sống xã hội của tác giả dân gian và qua đó thể hiện những ước mơ, khao khát của người dân Campuchia về một cuộc sống tốt đẹp.
Để hiểu hơn về nghệ thuật của truyện cổ tích Campuchia, chúng tôi đi vào tìm hiểu một số motif nổi bật như motif sự lên ngôi, sự kết hôn, sự phản bội, nhân vật mồ côi, diệt yêu quái, sự trả ơn, cướp người đẹp, xuất thân thần kỳ, lời hứa, và các motif nuốt người vào bụngsự ban thưởng, sự trừng phạt ở các truyện cổ tích được giới thiệu trong Truyện dân gian Campuchia(*)

1. Motif sự lên ngôi


Đây là motif xuất hiện đậm nét trong truyện cổ tích Campuchia. Nhân vật được nối ngôi do thuộc dòng hoàng tộc như nhân vật Rêachkol (Cô gái tóc xõa). Khác với Rêachkol, hai anh em Xông và Sang ở truyện Hai vua lười là người xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo, được nối ngôi vì có phẩm chất đạo đức cao đẹp, không màng danh lợi, phú quý. Là người có sức khỏe phi thường và lòng dũng cảm, hai anh em đã ra tay tiêu diệt quỷ dữ, loài chim ác ăn thịt người để cứu nàng công chúa, đem lại cuộc sống bình yên cho cộng đồng. Kết hôn với công chúa là những chàng trai có đức, có tài dù cho có sự khác biệt rất lớn về thân phận, địa vị. Qua đó, tác giả dân gian Campuchia gửi gắm niềm tin vào một cuộc sống công bằng, lý tưởng. Vì vậy, nhân vật nhà vua ở nhiều truyện đều được xây dựng với tấm lòng bao dung, tin vào trí tuệ, phẩm hạnh người dân, trọng người tài đức. Ngay cả những thân phận bất hạnh mồ côi, không nơi nương tựa nhưng thông minh, chân thật, dám nói thẳng với nhà vua những suy nghĩ của bản thân về mối quan hệ xã hội - nhân sinh thể hiện sự nhìn nhận sáng suốt về phẩm chất, đạo đức của con người như chàng trai trong Câu chuyện về người mẹ thật, người bố thật và người vợ thật cũng rất xứng đáng được kết hôn cùng công chúa và lên làm vua. Chàng trai nghèo đã giúp nhà vua có cái nhìn toàn diện hơn về vẻ đẹp tâm hồn của những người nông dân nghèo nơi thôn dã, được nhà vua tin cậy, yêu mến, gả công chúa cho anh, “Sau khi làm lễ thành hôn cho công chúa, nhà vua nhường ngôi cho chàng rể” đó là một kết thúc có hậu đúng như mong đợi của người bình dân. Cũng có trường hợp nhân vật chàng trai nghèo được kết hôn với công chúa, được nối ngôi phải trải qua thử thách khó khăn: làm cho công chúa nói chuyện được (Kiếp luân hồi của cặp chim Đa Đa) hay như thử thách về lòng trung thành, dũng cảm được kể tới ở truyện Ông vua Đại Đao, Dũng sĩ Bàlamôn.Ngoài các truyện nêu trên, truyện Hai anh em mồ côi được tác giả dân gian Campuchia xây dựng nhân vật lên làm vua là do tha tội chết cho vua quỷ, vua quỷ sợ hãi trước sự thông minh, trí tuệ của hai anh em nên đã tự nguyện nhường ngôi cho hai người. Truyện Tại sao năm thứ mười hai lại gọi là năm lợn cho thấy vị trí quan trọng của người dân trong việc chọn người đầy đủ phẩm chất đạo đức lên làm vua.


Như vậy, các nhân vật được lên làm vua hầu hết xuất thân từ những người nông dân nghèo, có tấm lòng yêu thương mọi người và lên làm vua chủ yếu qua hình thức truyền ngôi, nhường ngôi trong sự tự nguyện, tin tưởng của vua cha, của dân chúng.



2. Motif sự kết hôn


Đối với những người dân nghèo, việc dựng vợ gả chồng là một vấn đề khó khăn lớn và ước mơ lấy được vợ, có được hạnh phúc gia đình êm ấm là khát khao muôn đời của con người được gửi gắm qua các truyện cổ tích. Motif sự kết hôn xuất hiện khá phổ biến trong truyện cổ tích Campuchia. Có hôn nhân giữa những người khác nhau về thân phận, địa vị, như nhân vật chàng ngốc và nàng công chúa trong Kiếp luân hồi của cặp chim Đa Đa, nhân vật chàng trai nghèo mồ côi với nàng công chúa được kể ở câu chuyện Câu chuyện về người mẹ thật, người bố thật và người vợ thật. Kết hôn với nhân vật mang lốt là một trong những biểu hiện của motif sự kết hôn. Lấy nhân vật mang lốt thường là nhân vật người con gái út hiền lành, tốt bụng trong gia đình giàu có. Nhân vật mang lốt luôn phải phấn đấu để khẳng định mình với những thách thức lớn: gia đình nghèo khó, bị phân biệt đối xử. Trong hôn nhân, cái lốt của nhân vật là thách thức lớn khi nhân vật đó muốn bảo vệ tình yêu chính đáng của mình. Có được hạnh phúc lứa đôi, cái lốt sẽ được cởi bỏ. Đó là nhân vật chàng lợn ở truyện Tại sao năm thứ mười hai lại gọi là năm lợn. Chàng trai mang lốt lợn đã kết hôn cùng người con gái trẻ đẹp và có một gia đình êm ấm, tràn ngập niềm vui. Qua đây, tác giả dân gian khẳng định quyền hạnh phúc của mỗi người trong xã hội và quan niệm về sự hài hoà đạo đức và thẩm mỹ của con người. Thời xa xưa, dân gian Campuchia có quan niệm vạn vật hữu linh, vạn vật tương giao nên con người không chỉ nói chuyện, hiểu được suy nghĩ, tình cảm của muôn loài mà con người còn có thể kết hôn với vật, với thần linh. Nhân vật cô gái tự nguyện kết hôn với thần cây (hóa thành con trăn) được hưởng cuộc sống giàu sang, sung sướng còn cô gái trong một gia đình có người mẹ tham lam, ích kỷ đã bị cha mẹ ép kết hôn với con trăn rừng nên số phận không may mắn. Hôn nhân với nền tảng, cơ sở là tình yêu, sự cảm thông, tin tưởng lẫn nhau luôn là khao khát của người bình dân. Hôn nhân giữa người với vật cho thấy mối quan hệ chặt chẽ giữa con người với môi trường tự nhiên, với vạn vật bởi “người sống trong rừng, giữa cây cối và muông thú, người tin rằng loài người cũng chỉ là một trong muôn loài”(*). Motif sự kết hôn là một trong những motif được biểu hiện dưới nhiều hình thức khác nhau nhưng tất cả đều phản ánh vai trò quan trọng của hôn nhân trong cuộc sống của người dân Campuchia.


3. Motif sự phản bội


Đây là motif gắn liền với mối quan hệ không thể thiếu trong mỗi gia đình, mỗi xã hội đó là tình yêu đôi lứa, tình cảm vợ chồng. Qua một số truyện cổ tích tiêu biểu như Câu chuyện về người mẹ thật, người bố thật và người vợ thậtHai vua lười người đọc cảm thấy như đang được sống trong thế giới đầy ắp tình yêu thương và lòng chung thuỷ với những điều tốt đẹp nhất. Trong xã hội cũ, con người luôn phải sống theo lễ giáo phong kiến vì thế không ai được làm theo ý thích, mong ước của riêng mình, nhất là trong tình yêu thì luôn phải theo sự sắp đặt của cha mẹ. Người dân Campuchia giàu tình cảm và đều thiết tha có được hạnh phúc trong yêu đương. Dù là ước mơ có một tình yêu trong trắng, hay oán trách, hờn ghen, giận tủi cũng xuất phát từ khao khát xây dựng một gia đình hạnh phúc. Nhưng qua các truyện cổ tích, chúng ta thấy một hiện thực vẫn tồn tại trong mỗi gia đình người dân Campuchia là sự phản bội, không chung thủy với người bạn đời của mình. Con người bị tha hóa về phẩm chất, đạo đức trở nên mưu mô, tàn ác. Người phụ nữ tên Ni được kể ở truyện Con rắn Kênh Kang không giữ được phẩm hạnh của người vợ nên khi chồng vất vả đi làm ăn xa, cô ở nhà quan hệ với rắn (Campuchia là nước có tín ngưỡng thờ rắn nên motif người đi lại với rắn, lấy rắn được kể tới ở nhiều truyện): “Con rắn thấy yên lòng và nhanh nhẹn trườn đi theo đường cũ mò vào làng. Và Ni lại ái ân với rắn suốt đêm”. Ni đã phản bội, lừa dối chồng, bản chất thật của cô không thể che giấu được mãi. Kết thúc truyện, Ni phải trả giá cho hành động sai trái của mình, người đứng ra trừng trị kẻ bội bạc không phải là lực lượng siêu nhiên mà chính là nhân vật người chồng. Trong truyện cổ tích Campuchia, nhân vật do thiếu bản lĩnh, không tránh khỏi những cám dỗ ở đời nên đi vào con đường xấu xa, từ bỏ tình cảm vợ chồng nồng thắm để đi theo người khác thường là các nhân vật người vợ. Nàng Ca Cây trong câu chuyện Nàng Ca Cây đang có cuộc sống hạnh phúc bên người chồng hết mực yêu thương, chiều chuộng nàng là nhà vua Prômôta nhưng sự xuất hiện của Mêanốp đã làm cho Ca Cây lộ rõ những nhược điểm trong tính cách của nàng. Ca Cây đem lòng yêu và muốn theo Mêanốp, từ bỏ người chồng đã từng cùng nàng chia sẻ mọi niềm vui, nỗi buồn. Không chỉ phản bội một người mà Ca Cây còn phản bội cả Mêanốp khi có người đàn ông khác xuất hiện bên nàng. Vẻ đẹp về hình thức của Ca Cây đối lập hoàn toàn với phẩm chất, tính cách bên trong, đúng như lời nói của Mêanốp và lời kể về nàng: “Lòng nàng xấu xa đê tiện(...) người đàn bà thiếu lòng chung thủy”. Nếu như nàng Ca Cây bị xử tội theo phong tục: bị bỏ trên chiếc bè cho trôi ra bể thì đến với truyện Ông vua Đại Đao, tác giả dân gian Campuchia chỉ lên án, phê phán sự phản bội của người vợ. Đại Đao bị vợ phản bội, người vợ liên kết với tình nhân để lấy trộm vật báu của Đại Đao nhưng mục đích chính là ca ngợi lòng bao dung, độ lượng của nhân vật người chồng nên tác giả dân gian đã xây dựng Đại Đao tha thứ tội lỗi cho người vợ phản bội, tạo điều kiện cho vợ và nhân tình lấy nhau. Motif sự phản bội là một yếu tố nghệ thuật quan trọng phản ánh thực hơn, trực tiếp hơn một số khía cạnh trong đời sống của người dân Campuchia. Đồng thời cũng phản ánh rõ nét tính cách nghiêm khắc, bao dung, độ lượng của con người nơi đây.



4. Motif nhân vật mồ côi


Cuộc sống nghèo khó đã khiến con người vất vả nhưng bất hạnh hơn nữa lại có những số phận không nơi nương tựa, mồ côi cha mẹ, một thân một mình bươn trải, lo toan tất cả. Tuy nhiên trong hoàn cảnh khắc nghiệt, những nhân vật mồ côi vẫn sáng ngời vẻ đẹp nhân cách: chân thật, hiền lành và đức độ. Là anh em, họ luôn yêu thương nhau, chia sẻ, giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn. Trong cuộc sống, họ cũng nhận được tình cảm yêu mến của xóm làng. Nhân vật mồ côi thường phải đối mặt với nỗi cô đơn cho nên họ luôn khao khát có được một mái ấm gia đình, có cha mẹ và có người vợ thủy chung (Câu chuyện về người mẹ thật, người bố thật và người vợ thật). Dù nghèo khổ đến mấy, những nhân vật mồ côi vẫn lạc quan, mong ước được mở rộng sự hiểu biết và ý thức rõ việc rèn luyện bản thân. Điều này được tác giả dân gian Campuchia kể rõ ngay từ mở đầu câu chuyện Ông vua Đại Đao“Ngày xưa, có hai anh em, cha mẹ mất sớm, hai anh em bèn dắt nhau xin vào chùa học đạo”. Đến với Hai anh em mồ côi, ngay từ tên truyện đã nhấn mạnh đến số phận của hai nhân vật chính. Hết mồ côi mẹ rồi lại mồ côi cha, hai anh em đã tự lo cho bản  thân, tự rèn luyện mình để tồn tại. Tình anh em đoàn kết, gắn bó đã tạo cho họ trở thành những con người bản lĩnh, dũng cảm. Còn chàng trai mồ côi cha trong Thằng ăn trộm lương thiện đã sớm thay cha lo lắng cho gia đình: “Người cha mất sớm khi nó còn nhỏ, chỉ còn lại hai mẹ con”. Để làm nổi bật phẩm chất, tính cách, số phận của các nhân vật mồ côi, dân gian Campuchia đã đặt các nhân vật này trong một hoàn cảnh khó khăn, gian khổ, bất hạnh vì thế truyện thường mở đầu bằng việc giới thiệu rõ nét về gia cảnh.  Nhưng khác với nhiều truyện cổ tích ở nhiều nước như Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản... với kết thúc truyện mô tả rõ rệt những khổ đau mà nhân vật mồ côi phải chịu đựng và nguyên nhân xã hội làm cho các nhân vật không thể thoát khỏi cảnh bất hạnh, có khi phải chết oan ức thì các truyện cổ tích Campuchia lại hướng đến kết thúc có hậu với các nhân vật mồ côi một cách đậm nét hơn. Nhân vật mồ côi trở nên giàu có, được kết hôn với công chúa, được lên làm vua đó là hạnh phúc, may mắn lớn lao. Lý tưởng dân chủ nhân đạo của người dân Campuchia thể hiện tập trung ở những nhân vật mồ côi, mang lốt, những người con riêng... đã tạo nên vẻ đẹp lung linh của cổ tích và các câu chuyện đều mang tính giáo dục sâu sắc.

5. Motif diệt yêu quái


Motif này rất phổ biến trong truyện cổ tích các dân tộc Đông Nam Á. Ở Campuchia cũng như nhiều nước trong khu vực, mọi hiện tượng của tự nhiên đều ảnh hưởng, tác động đến cuộc sống con người. Con người sống gắn bó với thiên nhiên và muôn loài nhưng con người không thể gạt bỏ những nỗi sợ hãi trước sức tàn phá của thiên nhiên. Không riêng gì dân tộc nào mà toàn nhân loài thời xưa đều tin rằng có một thế lực thần, ma quỷ, yêu quái... Nếu các nhân vật thần tiên được xây dựng theo hướng tích cực mang đến cho con người cuộc sống sung sướng, hạnh phúc thì xây dựng nhóm nhân vật ma quỷ, yêu quái, tác giả dân gian Campuchia vừa  thể hiện nỗi sợ hãi, lo lắng cuộc sống sẽ bị quấy nhiễu, vừa thể hiện khát vọng chiến thắng, chinh phục thiên nhiên, muôn loài. Yêu quái thường được miêu tả là những loài ăn thịt người, để tiêu diệt yêu quái không phải bất cứ nhân vật nào cũng làm được mà công việc nguy hiểm này bao giờ cũng do những chàng trai khoẻ mạnh, gan dạ, dũng cảm đảm nhiệm, những nhân vật ấy còn được gọi là các dũng sĩ. Tác giả dân gian Campuchia đã xây dựng thành công nhân vật lý tưởng của mình trong truyện Hai vua lười đó là chàng Xông và Sang ra tay tiêu diệt quỷ ăn thịt người và loài ác thú. Hành động của hai chàng gắn liền với việc nghĩa cao cả đó là cứu người. Việc nghĩa ở đây gắn liền với motif diệt yêu quái - cứu người đẹp (giết quỷ và chim ác để cứu công chúa). Trong khi cả triều đình, toàn dân chúng sợ hãi, đành phải bó tay trước sức mạnh và sự tàn ác của con quái vật thì chàng Xông và Sang luôn bình tĩnh, quyết định vấn đề nhanh, dứt khoát, chỉ trong phút chốc đã hạ gục loài yêu quái đem lại sự bình yên cho cộng đồng. Lập công lớn nhưng hai chàng không màng đến vinh hoa, phú quý, phẩm chất, đạo đức sáng ngời ấy thật đáng được ngợi ca, trân trọng. Motif diệt yêu quái còn xuất hiện ở truyện Kiếp luân hồi của cặp chim Đa Đa qua chi tiết chàng trai với tài bắn cung giỏi và lòng dũng cảm đã bắn chết chim đại bàng, cứu nàng công chúa. Đến với truyện Hai anh em mồ côi chúng ta thấy motif diệt yêu quái lại gắn liền với motif sự tha thứ, sự trả ơn. Nhân vật hai anh em sau khi đưa quỷ dữ vào bẫy bằng trí thông minh đã khiến quỷ dữ phải khiếp sợ, quy phục. Quỷ biết nhận lỗi và sửa chữa lỗi lầm nên được hai anh em tha chết. Hành động thể hiện sự bao dung này của nhân vật làm cho tính cách nhân vật phát triển nhất quán và hoàn hảo. Qua motif diệt yêu quái dân gian gửi gắm sự biết ơn đối với những người đã không quản ngại hiểm nguy vì cuộc sống của cả cộng đồng.



6. Motif sự trả ơn


Ước mơ một cuộc sống công bằng, một xã hội lý tưởng của dân gian các dân tộc được gửi gắm qua các truyện cổ tích và chi phối quá trình hình thành, phát triển của truyện. Đây là niềm tin và mơ ước của nhân dân đồng thời cũng chi phối tới việc xây dựng các nhân vật chính diện, phản diện và các lực lượng siêu nhiên trong truyện cổ tích. Motif sự trả ơn là một trong những motif cho thấy sự tương đồng về nghệ thuật giữa truyện cổ tích Campuchia với truyện cổ tích Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Nhân vật được đền ơn là những nhân vật hiền lành, có lòng tốt, tình yêu thương đối với muôn loài. Đối tượng đi trả ơn thường là những nhân vật siêu nhiên, có phép màu. Người sống lương thiện, chăm chỉ lao động, giàu lòng thương yêu, đối xử tốt với những người xung quanh, khi người ác hay vật dữ biết nhận ra lỗi lầm, sửa chữa lỗi lầm đều được người tốt tha thứ. Người, vật được tha thứ đã tìm cách trả ơn bằng vàng bạc, châu báu, vật quý có phép màu... Nhân vật người em ở truyện Ông vua Đại Đao được ác thần trả ơn vì chàng đã tha chết cho thần. Vật báu mà chàng trai nghèo nhận được là một sợi dây thần, một cái gậy thần và một nồi cơm thần. Truyện Hai anh em mồ côi xây dựng chi tiết vua quỷ trả ơn hai anh em đã tha chết cho mình bằng cách tự nguyện nhường ngôi cho hai anh em: “Tất cả các ngươi hãy cúi chào hai con người quyền lực này. Họ là những người có tình yêu thương như trẫm. Trẫm đã nhường ngôi cho họ và cả vương quốc này.” Có rất nhiều hình thức trả ơn được kể tới trong truyện cổ tích Campuchia nhưng ngoài các nhân vật đi trả ơn là nhân vật có phép thuật còn có cả những nhân vật là con người bình thường. Những con người sống trọng nghĩa tình thường giúp đỡ người nghèo khó hơn mình bằng những việc làm thiết thực. Nhân vật chàng trai mồ côi với cái tên “thằng ăn trộm lương thiện” (Thằng ăn trộm lương thiện) tuy có hoàn cảnh khó khăn nhưng đã mở rộng vòng tay giúp đỡ những người xung quanh. Viên quan nghèo chịu ơn của chàng nên khi được vua trọng dụng, có địa vị xã hội đã trả ơn chàng trai mồ côi, tạo điều kiện cho chàng có một cuộc sống giàu sang, sung sướng. Đây là câu chuyện phản ánh cuộc sống thiên hình vạn trạng và là một trong nhiều truyện không sử dụng yếu tố thần kỳ nhưng tính xã hội vẫn được phản ánh rõ nét, sinh động. Ở đây, những con người với thân phận, địa vị thấp kém trong xã hội được nhìn nhận với sự ưu ái, đồng cảm.



7. Motif cướp người đẹp


Nhân vật người phụ nữ đẹp được miêu tả rất chi tiết trong một số truyện cổ tích Campuchia, đây là nét khác biệt với truyện cổ tích Việt Nam. Hầu hết các truyện cổ tích Việt Nam, các nhân vật chỉ được kể ngắn gọn, chung chung về vẻ đẹp hình thức nên nhân vật đẹp như thế nào mỗi người kể, người nghe sẽ có những liên tưởng riêng. Truyện Nàng Ca Cây, nữ nhân vật chính là Ca Cây được dân gian Campuchia miêu tả bằng những ngôn từ đẹp: “Mặt nàng tươi như đóa sen vừa nở và tỏa ánh trăng rằm. Trán nàng như chiếc đĩa vàng, còn tóc thì óng ánh mềm mại, xanh biếc như da cam vào loại đẹp nhất. Lông mày nàng đậm uốn cong như một vành cung sắc sảo (...) Giọng nói của nàng thanh tao như tiếng oanh vàng. Răng nàng đen nhánh như hạt huyền. Má nàng như trái đào chín đỏ trên rừng...”. Vẻ đẹp của nàng khiến ai cũng khao khát, ngay cả vị thần đầy quyền uy - vị thần Crút cũng đắm say trước dung nhan của nàng. Từ việc thần ngợi ca cái đẹp đến chủ ý cướp đoạt cái đẹp là một khoảng cách rất gần. Thần đã thực hiện âm mưu đen tối là cướp nàng Ca Cây mặc dù nàng là vợ của vua Prômôta - một người bạn thân thiết của thần. Motif cướp người đẹp còn xuất hiện trong truyện Kiếp luân hồi của cặp chim Đa Đa, Thỏ thầy kiệnThỏ thầy kiện là truyện được xếp vào truyện loài vật và được đặt trong mối liên quan chặt chẽ với hoạt động của con người. Nhân vật hai chàng trai xấu xa, ích kỷ đã bàn mưu kế để cướp người vợ đẹp của một chàng trai tốt bụng, hiền lành. Để đạt được mục đích là có được người đẹp bên mình, hai người đã đưa chàng trai chân thật vào một cuộc thách đố. Truyện đã đem đến cho chúng ta bài học quý giá về sự cảnh giác với những âm mưu đen tối của những cá nhân tha hóa về phẩm chất đạo đức.


8. Motif xuất thân thần kỳ


Trong thần thoại các dân tộc, motif xuất thân thần kỳ xuất hiện rất phổ biến và đậm nét. Đến với truyện cổ tích Campuchia, motif này vẫn được sử dụng, là một trong những yếu tố tạo nên đặc điểm nghệ thuật của cổ tích. Nhân vật xuất thân thần kỳ là những người con gái đẹp, đó là nàng Rum Xay-xắc (cô gái tóc xõa), nàng được sinh ra từ bông hoa sen mới nở. Nàng có những phẩm chất, đức hạnh tuyệt vời không ai sánh bằng, là một người phụ nữ hết lòng vì chồng, dũng cảm chiến đấu để bảo vệ hạnh phúc, mái ấm gia đình (Cô gái tóc xõa). Nàng Ca Cây ở truyện Nàng Ca Cây cũng có vẻ đẹp hơn người, nàng được sinh ra từ một bông hoa Ca Cây (một loại đậu khấu), một thứ hoa có mùi thơm ngào ngạt phảng phất khắp núi rừng. Khác với Rum Xay-xắc, nàng tuy đẹp về hình thức nhưng không đẹp trong tính nết, ở nàng thiếu đi sự chung thủy, dễ dàng phản bội lại tình yêu và người đã yêu nàng tha thiết. Motif xuất thân thần kỳ là một trong những dạng thức của yếu tố thần kỳ. Yếu tố thần kỳ được dân gian sử dụng nhằm mục đích giải quyết các yêu cầu của nội dung, giải quyết những vấn đề mà trong thực tế xã hội lúc bấy giờ không thể giải quyết được. Yếu tố thần kỳ thường dẫn đến kết thúc có hậu nhưng truyện Nàng Ca Cây tuy có yếu tố thần kỳ nhưng vẫn kết thúc bi kịch. Đây cũng là nét tương đồng dễ nhận thấy trong truyện cổ tích Campuchia với truyện cổ tích Việt Nam và truyện cổ tích các dân tộc khác như Hàn Quốc, Nhật Bản.

9. Motif lời hứa


Tác giả dân gian Campuchia sử dụng motif lời hứa để khẳng định phẩm chất, tính cách của các nhân vật. Cô gái nghèo được thầy dạy học thành tài đã hứa trả ơn thầy. Sức mạnh giúp cô vượt qua bao gian nan, thử thách đó chính là tấm lòng chân thành, trọng chữ tín và nhân cách cao đẹp: “Thầy vui mừng vì đã dạy được một học trò biết trọng lời hứa. Biết giữ lời hứa tức là biết trọng danh dự. Như thế là con trả ơn thầy rồi đấy.” (Bốn nhà tu và túi tiền vàng). Hứa và cố gắng thực hiện lời hứa của các nhân vật là yếu tố quyết định đến kết thúc truyện theo hướng có hậu nên cô gái xứng đáng được nhận một cuộc sống hạnh phúc bên người chồng luôn tin yêu vợ. Sự chung thủy của vợ chồng thường gắn liền với lời hứa, khi thất hứa cũng có nghĩa là phản bội lại người bạn đời của mình từ đó dẫn đến kết thúc bi kịch như câu chuyện về Kiếp luân hồi của cặp chim Đa Đa. Gia đình chim gặp nạn, chim mẹ ra sức bảo vệ con khỏi ngọn lửa nóng bỏng, chim trống cũng có ý định cùng chết chung nhưng sức nóng của ngọn lửa đã làm chim trống không chịu nổi, để mặc vợ con chết thảm thương. Sự thất hứa của chim trống đã làm chim mái chết trong sự thất vọng, mong kiếp sau không bao giờ phải chung sống với người không biết giữ lời hứa. Mâu thuẫn được đưa lên đỉnh điểm với motif lời hứa và kết thúc với motif sự hối hận. Dù là muộn màng nhưng chim trống đã hối hận về sự hèn nhát của bản thân, tìm đến cái chết, mong sau khi chết được đầu thai làm một người chồng tốt để chuộc lỗi lầm với người vợ hiền: “Vợ ta giữ đúng lời hứa, đành chết với con, ta không thể sống một mình. Ta vái sau này sẽ đầu thai làm chồng của vợ ta (...) để chuộc lại lỗi này. Vái xong, nó bay xuống nằm cạnh xác vợ cho lửa thiêu chết.” Câu chuyện tuy buồn nhưng đã để lại bài học quý giá cho mỗi người về lòng chung thủy và trọng lời hứa. Biết thực hiện lời hứa sẽ làm nhân cách mỗi người càng ngời sáng, được mọi người tin tưởng, trân trọng. Motif lời hứa còn xuất hiện ở truyện Dũng sĩ Bà la môn (nhà vua giữ đúng lời hứa với gia đình người võ sĩ), Hai anh em mồ côi (vua quỷ đã thực hiện lời hứa nhường ngôi cho hai anh em dũng cảm, thông minh), Thằng ăn trộm lương thiện (chàng thanh niên nghèo hứa sẽ thực hiện lời khuyên của vị quan tốt), Cá heo xuất hiện từ đâu (cô gái và gia đình đã giữ lời hứa với thần cây)... Nếu như nhân vật biết giữ lời hứa và quyết tâm thực hiện lời hứa sẽ có cuộc sống như mong muốn thì những nhân vật không giữ chữ “tín”, không trọng danh dự của bản thân nên không thực hiện lời hứa thường không có cuộc sống tốt đẹp.



10. Motif nuốt người vào bụng để bảo vệ


Motif này cũng là một trong những dạng thức của yếu tố thần kỳ chứng tỏ sự sáng tạo tài tình, trí tưởng tượng phong phú của tác giả dân gian Campuchia. Nuốt người vào bụng của các nhân vật là một hành động có chủ ý, mục đích rõ ràng đó là để che chở, bảo vệ người thương yêu, quý trọng. Đây là việc làm vừa có mặt tốt vừa có mặt xấu: nếu thuận lợi thì tính mạng của đối tượng được bảo vệ sẽ an toàn, nếu không thuận lợi sẽ gây nên cái chết của đối tượng được bảo vệ. Nhân vật người chồng được kể trong truyện Kiếp luân hồi của cặp chim Đa Đa học được phép nuốt người vào bụng những tưởng sẽ bảo vệ được hạnh phúc gia đình, nhận được tình yêu và lòng chung thủy ở người vợ nhưng phép thuật cũng trở nên vô nghĩa, người vợ phụ bạc khi được chàng dạy lại phép lạ đã không giữ tiết hạnh: “Chị vợ bắt nhân tình với một người đàn ông và hễ có mặt chồng là chị ta nuốt nhân tình vào bụng.”. Nhân vật người vợ đã lợi dụng phép thuật để làm những việc trái với đạo lý ở đời, gây nên bi kịch cho bản thân và những người xung quanh. Đến với truyện Cá sấu Át Khôn, chúng ta thấy rõ motif nuốt người vào bụng cùng với motif cá sấu nuôi đi trả thù cho chủ mang nét rất riêng của truyện cổ tích Campuchia. Cá sấu Át Khôn luôn gắn bó, gần gũi và yêu mến chủ của mình. Khi giao chiến với kẻ thù, Át Khôn đã nuốt chủ của mình vào bụng để bảo vệ an toàn cho chủ nhưng vô tình đã khiến chủ chết ngạt. Như vậy, truyện xuất hiện motif nuốt người vào bụng thường có kết thúc bi kịch.



11. Motif sự ban thưởng, sự trừng phạt


Đây là hai motif gắn với hai tuyến nhân vật khác nhau được tập trung phản ánh trong mỗi truyện cổ tích. Nhân vật trong truyện cổ tích rất phong phú, đa dạng, có nhiều kiểu nhân vật khác nhau: nhân vật quan lại, người giàu, người anh, người vợ; nhân vật người em, nhân vật mồ côi, nhân vật mang lốt, nhân vật người cha, người chồng... Nhân vật thường được chia thành hai tuyến: nhân vật chính diện và nhân vật phản diện phù hợp với motif và cốt truyện. Các loại nhân vật này khác nhau về cảnh ngộ, phẩm chất, tài năng và kết cục số phận. Motif sự ban thưởng là motif chiếu rọi ánh sáng lạc quan tin tưởng vào cuộc sống của con người. Ở đó những người nghèo, mồ côi, xấu xí... sẽ có được một tương lai tươi sáng, có quyền hưởng một cuộc sống hạnh phúc, giàu sang, không bị phân biệt đối xử. Nhân vật được ban thưởng là nhân vật chính diện hay còn gọi là nhân vật tích cực, thể hiện những giá trị tinh thần, những phẩm chất đẹp đẽ và những hành vi cao quý được tập trung miêu tả, khẳng định và ngợi ca trong tác phẩm theo một quan điểm tư tưởng, một lý tưởng xã hội - thẩm mỹ nhất định. Chàng Sok-lành thật thà, hiếu thuận được thần cai quản núi rừng, sông suối cứu sống và ban tặng nhiều vàng bạc, châu báu đủ để sống hạnh phúc, sung sướng suốt đời (Sok-lành và Sok-ác). Hai chàng trai nghèo Xông và Sang dũng cảm, luôn giúp đỡ những người xung quanh, diệt trừ cái ác, đem lại sự yên bình cho cộng đồng nên cũng được nhận món quà vô quá đó là niềm tin yêu, kính trọng của mọi người. Hạnh phúc lớn lao đến với hai chàng là hạnh phúc mãi mãi bên nàng công chúa xinh đẹp, vua cha truyền lại ngôi vị trong sự tin tưởng (Hai vua lười). Motif sự ban thưởng còn xuất hiện trong rất nhiều truyện khác như Câu chuyện về người mẹ thật, người bố thật và người vợ thật (chàng trai mồ côi lấy được công chúa và trở thành vua), Bốn nhà tu và túi tiền vàng (cô gái luôn kính trọng thầy, biết giữ lời hứa nên được hưởng một cuộc sống hạnh phúc bên người chồng nhân hậu), Ông vua Đại Đao (hai anh em mồ côi hiền lành, chân thật gặp may mắn trở nên giàu có, có thân phận, địa vị cao trong xã hội), Tại sao năm thứ mười hai lại gọi là năm lợn (nhân vật mang lốt tìm được người  vợ hiền, đẹp người đẹp nết, trở thành vua cai quản đất nước một cách sáng suốt, công bằng).
Đối lập với nhân vật chính diện là nhân vật đi ngược lại với đạo lý, truyền thống tốt đẹp của con người đó là người vợ phản bội (Nàng Ca Cây, Con rắn Kênh Kang, Ông vua Đại Đao), người tham lam, gian ác (Sok-lành và Sok-ác, Bốn nhà tu và túi tiền vàng, Cá heo xuất hiện từ đâuHai vua lười...). Kết thúc truyện, những nhân vật này bị trừng phạt và thường phải trả giá bằng cái chết hay mất hết tài sản, gặp bất hạnh bởi “gieo nhân nào gặp quả nấy” là lẽ tất yếu.



Kết luận


Truyện cổ tích là tiếng nói ca ngợi những phẩm chất cao đẹp của những con người lao động hiền lành, chân thật, sống với lòng hiếu thảo, tình yêu tha thiết và sự chung thuỷ... Đồng thời, truyện cổ tích còn là những giấc mơ đẹp của người thời xưa về một xã hội công bằng, con người được sống khoẻ mạnh, no ấm và hạnh phúc. Truyện cổ tích Campuchia với rất nhiều motif khác nhau đã đem đến cho người kể, người nghe những bài học quí giá. Trong cùng một truyện thường có  nhiều motif khác nhau cùng xuất hiện và góp phần làm cho cốt truyện phát triển. Văn học bao gồm từ sáng tác đến thưởng thức là một hoạt động sáng tạo nhằm biểu đạt tư tưởng, tình cảm, tâm hồn của con người và khẳng định các giá trị chân - thiện - mỹ bằng biện pháp nghệ thuật. Qua các motif nêu trên, chúng ta hiểu rõ hơn về vẻ đẹp trong tâm hồn, tính cách của người dân Campuchia (nhân hậu, trung thực, dí dỏm, trọng lời hứa, nghiêm khắc...) và nền văn hóa Campuchia với những đền đài kỳ vĩ, những tín ngưỡng, phong tục truyền thống phong phú, đa dạng. Truyện dân gian Campuchia vừa mang yếu tố dân tộc, bản địa, lại vừa mang những yếu tố Ấn Độ. Điều đó chứng tỏ mối quan hệ văn hóa giữa Campuchia và Ấn Độ là lâu đời và sâu sắc.

 Lưu Thị Hồng Việt


* Nguyễn Tấn Đắc (giới thiệu), Truyện dân gian Campuchia, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1987.

* Lê Hồng Phong, Tìm hiểu truyện cổ Tây Nguyên trường hợp MẠ và K’HO, Nxb Văn học, 2006, tr.38.

Nguồn: TCNV 04-2013 http://tonvinhvanhoadoc.vn/van-hoc-the-gioi/dong-chay/6694-mot-so-motif-chu-yeu-trong-truyen-co-tich-campuchia.html

Thông tin truy cập

60514320
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
5831
12997
60514320

Thành viên trực tuyến

Đang có 307 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website