Khoa học nhân văn và xã hội Đông Nam Á (ĐNA) là dựa trên phương pháp luận của khoa học nhân văn và xã hội châu Âu do chỗ từ thế kỷ XVIII, châu Âu đã cầm đầu khoa học thế giới. Chính vì vậy trong cách nhìn và nghiên cứu ĐNA, khó lòng tránh khỏi quan điểm lấy châu Âu làm trung tâm (Eurocentrisme), gọi tắt là Âu châu luận. Người Việt Nam đầu tiên nhận thức được hiện tượng này là Nguyễn Ái Quốc, khi viết vào năm 1924 trong “Báo cáo về Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ”.
Mác đã xây dựng học thuyết của mình trên một triết lý nhất định của lịch sử, nhưng lịch sử nào? Lịch sử châu Âu. Mà châu Âu là gì? Đó chưa phải là toàn thể nhân loại.
Rồi Nguyễn Ái Quốc mạnh dạn đề nghị: “Dù sao cũng không thể cấm bổ sung cho cơ sở lịch sử của chủ nghĩa Mác bằng cách thêm vào đó những tư liệu mà Mác ở thời mình không thể có được”.
Sự phát triển của khoa học nhân văn và xã hội phương Tây ở thế kỷ XX chính là ở chỗ các nhà khoa học phương Tây đã khắc phục được Âu châu luận nhờ những đóng góp của Mỹ châu học, Á châu học, Phi châu học trong các lĩnh vực ngôn ngữ học, xã hội học, nhân loại học, dân tộc học, khảo cổ học. Khi thực tế được mở rộng bao gồm cả những hiện tượng trước kia không biết đến thì tất yếu phương pháp luận cũng đổi mới để tích hợp được những sự kiện mới, trước kia nằm ngoài phạm vi Âu châu luận. Chẳng phải là những công trình nhân loại học của F. Boas, C. Lévi-Strauss, M. Weber, J. Needham..., tôi chỉ nhắc đến vài người mà ai cũng biết, đã thay đổi phương pháp luận của khoa học thế kỷ này đó sao? Trong cái đà vượt gộp này không chỉ có Âu châu luận mà Trung Hoa luận, Ấn Độ luận theo tôi cũng đều được vượt gộp để xây dựng một phương pháp luận chung, trong đó những chỗ mạnh đã được phát huy, những chỗ yếu được khắc phục.
Riêng việc nghiên cứu văn học hình như vẫn đứng ngoài sự phát triển chung. Mỗi nền văn học, rồi mỗi nhà văn vẫn được xét ở bản thân mình như một đối tượng cô lập, không thấy có ảnh hưởng của nhân loại học, dân tộc học hiện đại. Trong bài viết này chúng tôi thử nhìn văn học ĐNA lục địa trong thế đối lập với văn học châu Âu để rút ra một nét chung của nền văn học này. Chúng tôi muốn nói đến ảnh hưởng to lớn của văn học dân gian (VHDG) đối với văn học ĐNA lục địa đối lập với văn học châu Âu từ thế kỷ XVIII đến nay, trong đó gần như vắng mặt vai trò của VHDG. Trái lại, trong văn học ĐNA lục địa, có một điều không thể chối cãi là ảnh hưởng VHDG được duy trì liên tục và là nền móng của nền văn học này.
1. Xét về văn hóa học, theo như tôi biết, Tây Âu không nói đến Văn hóa nông thôn. Chính sự vắng mặt của văn hóa nông thôn mới làm xuất hiện thuật ngữ folklore của W. S. Thomas vào năm 1847 để chỉ sự hiểu biết nhân dân bao gồm các tín ngưỡng, phong tục, văn học truyền miệng... với tính cách những tàn dư của những nền văn minh đã chết. Còn văn học Tây Âu thực tế chỉ bao gồm những tác phẩm thuộc xu hướng phong kiến, hoặc tư sản hay chống tư sản. Các phần thành văn được ghi lại của folklore chủ yếu là những truyện cổ tích, những bài hát, những điệu vũ, những tín ngưỡng nông thôn không ảnh hưởng đến nhân dân.
Nền văn minh châu Âu là xuất phát từ văn minh Hy-La tức là từ văn minh của các thành bang cổ, về thực chất là những văn minh thành thị, không phải văn minh nông thôn. Sau đó, Tây Âu trải qua hai lần san bằng về văn hóa. Lần thứ nhất do Thiên chúa giáo kết hợp với văn hóa của các lãnh chúa phong kiến trong đó người nông nô không có vai trò văn hóa nào hết. Ai cũng biết đạo Thiên chúa coi khinh mọi biểu hiện văn hóa, tín ngưỡng không thuộc đạo mình, coi đó đều là những biểu hiện của qủy dữ, và tìm cách tiêu diệt cho kỳ được mọi tàn dư gọi là “dị giáo” để nắm độc quyền về hệ tư tưởng. Rồi sau đó là sự san bằng bởi hệ tư tưởng tư sản nhất là từ sau cách mạng Pháp. Tình hình ở Đông Âu lại khác. Trên vùng đất mênh mông của thảo nguyên Đông Âu, công xã nông thôn vẫn còn vì sự san bằng của Chính giáo không triệt để và giai cấp tư sản không đóng vai trò tích cực chống phong kiến như ở Tây Âu cho nên VHDG do đó vẫn còn, tuy không mạnh. Trái lại, trong văn học ĐNA lục địa vị trí VHDG cho đến giờ vẫn rất lớn.
Văn hóa Tây Âu là văn hóa thành thị và thành thị làm cho nông thôn biến đổi theo mô hình của mình, đến mức nông dân Pháp ngày nay chỉ chiếm 5 phần trăm dân số và sản xuất cho sự tiêu dùng của thành thị, rồi mua hàng của thành thị, còn nó ra thành thị trong mọi sinh hoạt văn hóa, trừ chuyện đến nhà thờ. Trái lại, thành phố ở các nước ĐNA trước khi trải qua sự nô dịch của phương Tây chẳng qua chỉ là cái đuôi của nông thôn, ngay cả triều đình các nhà vua tuy có tiếp nhận nhiều ảnh hưởng văn hóa nước ngoài, nhưng yếu tố nông thôn vẫn rất đậm nét. Rồi sau khi tiếp xúc với văn minh phương Tây, tuy có những hiện tượng Tây phương hóa về lối sống, và sinh hoạt tầng lớp thị dân ở phần lớn các nước ĐNA, lại gồm nhiều tộc người khác nhau, không có địa vị độc lập với qúy tộc trong nước và thực dân nước ngoài, nhất là về kinh tế, cho nên khó lòng có điều kiện tự tạo cho mình một bộ mặt độc lập về hai phía, về phía tiếp thu ảnh hưởng phương Tây cũng như về phía cải hoán văn hóa bản địa để khẳng định diện mạo độc lập và toàn dân của mình về văn hóa như tầng lớp thị dân châu Âu. Đã thế, cái làm thành sự thống nhất tinh thần của châu Âu trước Cải cách tôn giáo là Thiên chúa giáo, tôn giáo này đã tách hẳn cái thiêng liêng ra khỏi cái thế tục, do đó cấp cơ sở cho khoa học thực nghiệm, và xây dựng một đạo lý độc lập với truyền thống Hy-La và mọi tín ngưỡng cổ đại. Nhưng cơ sở tinh thần của bốn nước làm thành đối tượng của ĐNA lục địa trong bài này là Lào, Mianma, Cămpuchia, Thái Lan lại là Phật giáo, một tôn giáo mang đậm tính dân gian và ngay cả tầng lớp tư sản cũng chỉ nghĩ đến việc đổi mới xã hội trong bác ái và bình đẳng kiểu Phật giáo. Kết quả là ở ĐNA lục địa có một văn học dân gian mang sắc thái nông thôn tồn tại bên cạnh một văn hóa có nhiều nét chủ biệt thiên về phương Tây mang sắc thái thành thị.
2. Bây giờ ta hãy xét những nét chung của văn học dân gian ở các nước ĐNA lục địa. Trong bài này chỉ xét những nét chung của văn học dân gian ĐNA lục địa không kể Việt Nam vì văn học dân gian Việt Nam đã rất quen thuộc. Văn học ĐNA lục địa bao gồm các nền văn học Lào, Cămpuchia, Thái Lan, Miama, tức là bốn nước. Tuy nền văn học Mã Lai có phần cực nam lục địa thuộc ĐNA nhưng tạm thời chúng tôi chưa xét đến mà để giành cho một công trình khác bởi những nét riêng biệt của nó: một là, vai trò của biển, của những chuyến viễn du trên biển, chiến tranh trên biển, điều không thấy trong văn học ĐNA lục địa. Hai là sự tiếp xúc với Hồi giáo rồi với châu Âu rất sớm trước khi những quốc gia thống nhất hình thành thực sự. Ba là cái địa bàn mênh mông trải dài trên đại dương khó lòng thu gọn vào một vài nhận xét khái quát.
3. Trước khi sử dụng một khái niệm, ở đây là khái niệm VHDG, phải quy định nội dung khái niệm cho chuẩn xác. Có thế mới có điều kiện nghiên cứu, phát huy văn học trong hoàn cảnh mới. Nội dung khái niệm VHDG của tôi không trùng với khái niệm folklore của phương Tây, và khi chúng ta nghiên cứu VHDG Việt Nam theo nội dung của folklore tức là ta đã bị Âu châu luận cản trở, đẩy ta đi tới những cách làm việc không phù hợp với đối tượng.
Sự khu biệt giữa VHDG với nền văn học thường gọi là văn chương bác học không ở chỗ một bên là truyền miệng, một bên là viết ra thành văn bản. Nếu nói như thế thì hầu hết các tác phẩm của văn học dân gian thế giới đã trở thành văn học bác học rồi. Sự khu biệt là một bên, VHDG là văn học “hỗn đồng” (syncrétique), còn văn chương bác học là văn học để đọc. Một tác phẩm VHDG không chỉ có một văn bản có thể viết ra mà còn chứa đựng ba mặt khác nữa. Thứ nhất, là mặt diễn xướng, tức là người ta trình bày bằng cách ngâm, hát nó lên, và đôi khi còn múa và có nhạc đệm kèm theo. Thứ hai, nó có mặt tín ngưỡng tức là người ta trình diễn, thưởng thức không phải đơn thuần để giải trí như trường hợp một số tác phẩm văn học châu Âu đã chuyển thành phim, thành kịch, thành vũ. Trái lại, đây là một sinh hoạt quen thuộc trong đó người ta xem hay thưởng thức để nhập vào văn hóa chung của cộng đồng để hiểu sâu thêm về một nền văn hóa cụ thể. Thứ ba, với văn học dân gian, không phải mặt thông báo là chính, mà trái lại mặt thông báo là phụ. Cái chính là mặt cộng cảm. Người ta thưởng thức VHDG để xem nó có thể hiện được những cảm xúc chung mình đã có, có bổ sung đổi mới được cảm xúc này để làm cho cuộc sống nội tâm của mình phong phú lên không. Chính vì có những đặc tính như vậy cho nên VHDG là yếu tố quan trọng nhất để tạo nên ý thức cộng đồng, trên cơ sở những vui buồn chung, những cảm nghĩ, mơ ước chung, và một chính trị minh triết cần phải chú ý đến việc bảo vệ nó, nâng cao nó lên vì chính quyền lợi của mình.
4. Nếu xét như vậy thì Tây Âu không có VHDG. Còn ở châu Á có những tác phẩm VHDG đã mất tính hỗn đồng: trường hợp Kinh Thi của Trung Hoa xưa có nhạc, có vũ, có nghi lễ nhưng sau này phần nhạc, vũ, nghi lễ đều mất, chỉ còn lại phần văn bản. Đối với Việt Nam, có những tác phẩm VHDG trong đó tính hỗn đồng còn nguyên vẹn như trường hợp trường ca Đẻ đất đẻ nước, các Khan ở Tây Nguyên, các bài hát giao duyên, các điệu hò, các tình ca, một số bài hát văn, hát cửa đình, đặc biệt là các dân ca mà ta thấy ở mọi địa phương. Có trường hợp thiếu một mặt nào đó như mặt tín ngưỡng trong các chèo, hát nói, tuồng. Nhưng nhìn chung sự có mặt của VHDG trong văn hóa dân tộc vẫn là điểm khu biệt văn học ĐNA với văn học châu Âu.
5. Trong việc tìm hiểu văn học ĐNA cũng như Việt Nam tôi cảm thấy một ngờ vực. Hình như những hình thức văn học không mang tính hỗn đồng đều bắt nguồn từ tiếp xúc văn hóa với nước ngoài, không phải có sẵn trong văn hóa dân tộc. Trường hợp các văn thơ chữ Hán ở Việt Nam, các bi ký bằng tiếng Sanskrit, Pali ở ĐNA mà ta thấy ở khắp nơi trên đất Chăm, Khơme, Thái Lan, Miến Điện, các tác phẩm văn xuôi đầu tiên ở ĐNA là thế. Nhưng ngay cả ở đây nữa, tôi cũng nhìn thấy một điều không thấy ở châu Âu. Các bài văn xuôi chữ Hán đều được cha ông ta ngâm lên, chứ không phải là đọc như ta đọc sau này. Tôi có theo dõi thế hệ cha tôi đọc chữ Pháp thì thấy các cụ đọc tiếng Pháp khác tôi, trong đó có cái gì của ngâm. Như vậy là đối với thế hệ ông cha chúng ta, cái nhìn hỗn đồng luận tiếp thu từ văn học dân gian chi phối cả văn học Pháp vốn là văn học chỉ để đọc. Mặt khác, các bi ký, các tác phẩm gốc Ấn Độ tuy có tính chất sử, nhưng sử Ấn Độ khác sử Trung Quốc và sử Việt Nam. Trung Quốc và Việt Nam biến các huyền thoại thành sự kiện lịch sử: Lạc Long Quân có nguồn gốc, dòng dõi rõ ràng như ta thấy trong mọi gia phả. Còn trong sử Ấn Độ và ĐNA các sự kiện lịch sử chuyển thành huyền thoại, đâu đâu cũng thấy thần, các chuyện thần kỳ, tức là bản thân các tác phẩm này vẫn mang dáng dấp của VHDG.
6. Nếu ta nhìn văn học ĐNA thì phải thừa nhận trong văn học, cái chính là thơ, và thơ về cơ bản là dựa trên dân ca. Phải đến nửa cuối thế kỷ XIX Thái Lan mới có văn xuôi bằng tiếng Thái, và tình hình ở ba nước còn lại cũng không sớm hơn. Không những thơ tồn tại cho đến giờ, mà thơ còn tồn tại với những mô hình rất chặt, khó lòng thay đổi. Thơ Thái Lan theo các mô hình nirat, kap, khon, xupaxit, bot lakhôn. Thơ Lào có các thể loại lăm, khắp. Mianma và Cămpuchia cũng có nhiều thể loại riêng được sử dụng phổ biến trong nhân dân. Mỗi thể loại như vậy mặc dầu hết sức đa dạng vẫn rất chặt và chưa nước nào xây dựng một thể thơ theo kiểu thơ mới ở Việt Nam kết hợp được cả những thành tựu của thơ phương Tây với thơ dân tộc. Tính chất chặt chẽ của các mô hình cho thấy các thơ ĐNA đều có mục đích phục vụ diễn xướng. Các tác phẩm dù là kinh Phật cũng đều xây dựng trên thơ, có thể trình diễn và cho đến nay tính hỗn đồng ấy không mất đi. Người sáng tác Tum Tiêu có thể chỉ nghĩ đến mặt thi ca, nhưng tôi đã thấy ở Cămpuchia tác phẩm này được trình diễn có múa, hát, tức là mang tính hỗn đồng, và quần chúng say mê hình thức hỗn đồng này. Hầu như toàn bộ văn học viết ĐNA trước khi tiếp xúc với phương Tây, dù cho nội dung liên quan đến văn xuôi, lịch sử, những chuyện bình thường của cuộc sống, nhưng đều bị hỗn đồng hóa để được trình diễn theo văn học dân gian. Trái lại, khi xem kịch thơ của Pháp, tôi lại thấy điều ngược lại: thơ được đọc như văn xuôi, tức là trong tâm thức người châu Âu thơ chỉ là ngôn ngữ, không phải của một nghệ thuật trong đó âm thanh phải chi phối lại nội dung theo khuynh hướng VHDG. Ngay giờ đây, người ĐNA cũng như người Việt Nam trình diễn thơ như một hình thức nghệ thuật hỗn đồng, người ta không đọc thơ mà ngâm trong đó có cái gì gần với hát. Nghe cách các nghệ sĩ Việt Nam ngâm thơ bất giác tôi cảm thấy các bài thơ tuy sáng tác không nghĩ đến tính hỗn đồng của VHDG, nhưng cách trình diễn lại kéo nó về tính hỗn đồng và ma lực của chúng lại ở tính hỗn đồng ấy. Chẳng phải các nhạc sĩ có ham thích chuyển các bài thơ thành nhạc, và chính dưới hình thức này bài thơ mới thực sự ổn định đó sao?
7. Văn học ĐNA lục địa trải qua ba giai đoạn phát triển khác nhau. Trước hết là giai đoạn trước khi tiếp xúc với văn hóa nước ngoài (Trung Quốc, Ấn Độ). Sau đó là giai đoạn hình thành nhà nước và xây dựng một văn học của quốc gia trong đó có ảnh hưởng rõ nét của văn học và tôn giáo Ấn Độ. Thứ ba, là giai đoạn tiếp xúc với các đế quốc phương Tây và cùng với điều đó, diễn ra một sự Tây phương hóa về văn học. Bài viết sẽ nêu lên vai trò của văn học dân gian suốt các giai đoạn này. Dĩ nhiên ở ĐNA chữ viết xuất hiện sau, chữ Lào ra đời vào thế kỷ XIII, di tích văn tự đầu tiên của chữ viết Thái Lan là bia Ram Khăm Heng năm 1292, những bia khắc đầu tiên bằng chữ Môn ở Mianma là vào thế kỷ XI. Còn ở Cămpuchia từ thế kỷ thứ VII đã có văn bia bằng chữ Phạn sang đầu thế kỷ XI bắt đầu xuất hiện những văn bia bằng chữ Khơme. Các tác phẩm văn học dân gian, do đó không khỏi chịu ảnh hưởng những thay đổi sau khi chữ viết ra đời, nhưng tính chất chung của các tác phẩm này về nội dung và hình thức cho phép ta nhìn ra diện mạo chung của văn học dân gian ĐNA lục địa trước khi tiếp xúc với văn hóa Ấn Độ.
8. Hiểu thấu đáo văn học ĐNA là chuyện vượt quá khả năng con người. Không ở đâu trong phạm vi một địa bàn nhỏ hẹp có nhiều tộc người, nhiều ngôn ngữ khác nhau đến như thế. Khu rừng mênh mông chia cắt các tộc người khác nhau, chỉ riêng ở nước Lào đã có tới 60 tộc người. Rồi những tộc người này lại trải qua những tiếp xúc hết sức đa dạng với những tộc người trong cùng địa bàn, với những tộc người thuộc những nền văn minh khác cao hơn. Rồi sự hình thành những nhà nước, cùng với chiến tranh giữa các nhà nước, vai trò của những tín ngưỡng bản địa, của Ấn Độ, phương Tây cho đến khi tiếp xúc với chủ nghĩa đế quốc. Không ở đâu trên thế giới ta bắt gặp tình trạng rối rắm đến cực điểm như thế.
Để tìm lối đi trong cái rừng rậm văn học ấy, không thể nào lấy văn học làm đối tượng cho nó và vì nó. Con đường duy nhất có thể giúp ta có một khái niệm động về quá trình phát triển biểu lộ tính thống nhất trong đa dạng là con đường xét văn học như một biểu hiện của sinh hoạt vật chất, rồi đối lập cái sinh hoạt vật chất cụ thể và khác biệt này với sinh hoạt ở các nơi khác trên thế giới đặng phân xuất ra những vấn đề, những hình tượng, những môtip, những cách giải quyết chung. Có làm như thế mới có thể có một bức tranh toàn cảnh thích hợp. Các vấn đề, các hình tượng, các cách giải quyết này không thể nào nguyên vẹn mà chỉ có thể mang những nét lớn của thời đại nó xuất hiện, rồi sau đó các nét này trải qua nhiều thay đổi.
9. Nét khu biệt của văn hóa ĐNA so với văn hóa các vùng khác trên thế giới, đó là vai trò của rừng. ĐNA thời nguyên thủy là một khu rừng mênh mông trong đó có các sông suối chảy qua và sự giao thông mà thiên nhiên cấp sẵn cho con người là cách chèo bè, mảng trên sông, suối. Và nơi sinh tụ đầu tiên là những thung lũng hẹp ven các sông suối. Rừng ĐNA thời nguyên thủy là một kiểu rừng đặc biệt, khác rừng ở châu Phi, châu Âu. Nó có đủ mọi thứ cây, nhưng không có cây nào chiếm ưu thế trội hẳn quy định được sinh hoạt của cư dân. Nó có đủ mọi thứ thú nhưng không có loại thú nào thực nhiều có thể là cơ sở cho chăn nuôi hay săn bắn quy mô lớn. Nó không có những thảo nguyên rộng lớn để chăn nuôi đại trà. Cá tuy có nhưng chủ yếu ở các suối không đủ làm cơ sở chính cho thực phẩm. Trong hoàn cảnh ấy, người ta sống bằng hái lượm là chính bên cạnh trồng trọt. Có chăn nuôi và săn bắn nhưng chăn nuôi là chính và theo quy mô gia đình, không phải theo quy mô tộc người. Săn bắn không thể đóng vai hoạt động thường xuyên để kiếm thức ăn mà chủ yếu là để bảo vệ người, gia cầm, gia súc. Thực phẩm chính là trái cây, các thứ củ, các loại rau. Thực phẩm không nhiều cho nên nhiều lúc phải trải qua việc ướp muối. Tại sao ĐNA phải muối, và tại sao hệ thống các loại mắm, các loại dưa lại là đặc điểm chung của thực phẩm ĐNA đối lập với hệ thống thực phẩm châu Âu, Trung Quốc, châu Phi? Bởi vì trong cuộc sống này khó khăn lắm mới có cá, thịt, cho nên phải tìm cách bảo dưỡng duy trì thức ăn trong muối. Một cái gì đã quen trong vạn năm sẽ tạo nên bệnh nghiện và người ĐNA cảm thấy cái ngon của các thức ăn đã được muối hơn các thức ăn tươi. Đây là bệnh nghiện chung của ĐNA. Lối sống trên nhà sàn, một nét khu biệt của cách cư trú ĐNA so với thế giới cũng là do nguồn gốc rừng rú quy định. Cây là nơi ở tự nhiên còn dễ kiếm hơn hang đá, và từ lối sống trên cây người ta đi đến việc sử dụng cây làm nhà. Hệ thống cột kèo của ĐNA là khác hệ thống các tường làm vật nâng đỡ ở nhiều dân tộc khác. Một đặc điểm của văn học ĐNA lục địa so với Việt Nam đó là rừng ở đây được miêu tả hết sức sinh động, lôi cuốn chẳng kém rừng trong văn học Ấn Độ. Còn rừng châu Âu phải nói là đẹp không thể tưởng tượng, nhưng văn học của nó hầu như quay lưng với rừng vì tâm thức của châu Âu chỉ quan tâm tới cái “rừng bêtông”.
10. Chỉ đến khi cây lúa xuất hiện thì cuộc sống mới thay đổi. Nhưng cây lúa nương chủ yếu chỉ mới khiến lối sống lang thang của người rừng mà ta còn thấy ở người Kha Lá Vàng, người Chứt, người Rục, chuyển sang lối sống du canh du cư, theo mùa, điều mà ta còn thấy ở nhiều tộc người. Trái lại, cây lúa nước tạo nên bước ngoặt quyết định. Nó bắt buộc các tộc người sống định cư, tập trung trong những bản, những làng. Lối sống này dẫn tới sự hình thành những hình thức tiền nhà nước, dưới hình thức các Mường là hình thức phổ biến ở ĐNA. Đây là cuộc cách mạng văn hóa đầu tiên và tất cả văn học dân gian đều được tổ chức lại, khúc xạ qua cuộc sống này trong đó cây lúa nước tạo nên một văn hóa dân gian theo hình ảnh sinh động, trồng trọt của nó.
11. Nếu như liên minh bộ lạc có thể có một quá trình hình thành tự phát thì nhà nước lại là một bước nhảy vọt, đòi hỏi một sự tiếp nhận, sao phỏng văn hóa của một nhà nước khác. Nói đến nhà nước là nói đến sự ràng buộc của một nước theo những phong tục, luật lệ, tín ngưỡng, tôn giáo, tổ chức chính trị, hệ thống quan liêu và vai trò của văn tự, trái với một tiền nhà nước chỉ cần tiếng nói, quan hệ huyết thống, gia đình, tông tộc là giải quyết được các liên hệ. Mô hình nhà nước không có nhiều. Hình thức nhà nước đầu tiên ra đời ở Lưỡng Hà 3.500 trước công nguyên, rồi sau đó các nhà nước Ai Cập, Trung Hoa, Ấn Độ ra đời ở Cựu lục địa. Mọi nhà nước ĐNA đều chấp nhận một trong hai mô hình, hoặc mô hình Ấn Độ như các nhà nước ở ĐNA ngoài Việt Nam, hoặc mô hình Trung Quốc như Việt Nam. Mà đã theo mô hình nào thì sẽ có một văn học theo mô hình ấy. Mọi hình thức văn học đều rời khỏi cái khuôn bộ lạc, tiền nhà nước để được tổ chức lại theo mô hình nhà nước. Đó là sự chuyển hóa thứ hai. Vào thế kỷ XIX cho đến cuối thế kỷ XX văn học ĐNA trải qua một sự khúc xạ thứ ba qua mô hình văn học châu Âu, trong đó những đặc điểm của văn học dân gian chuyển hóa dần và xuất hiện những hình thức mới, những nội dung mới bắt nguồn từ châu Âu. Đó là tình hình ta thấy hiện nay trước khi chuyển sang một mô hình mới của thời đại làng thế giới.
12. Dù cho một số tộc người xuống đồng bằng rồi trở thành tộc người chủ thể trong quốc gia có thể có thành kiến với rừng núi, coi đó là nơi ma thiêng nước độc, nhưng tâm thức con người đâu phải thay đổi dễ dàng theo lý luận sinh hoạt kinh tế quy định tất cả? Tâm thức ĐNA có rất nhiều nét giống nhau phản ảnh quá trình sinh sống hàng vạn năm và tâm thức ấy biểu lộ trong văn học. Chúng ta đã vượt qua giai đoạn lấy tiến hóa luận của thế kỷ XIX, giải thích sự giống nhau là bắt nguồn từ một trung tâm, rồi các nơi khác bắt chước theo. Những sự giống nhau là rất nhiều, chỉ kể vài hiện tượng tiêu biểu liên quan tới VHDG chung của ĐNA. Chỉ tiếc là cái giống nhau rất khó thấy, trái lại cái khác nhau lại dễ thấy hơn nhiều cho nên khoa ĐNA học bị thiệt thòi, và người bình thường chỉ thấy ở đây sự bắt chước hoặc Ấn Độ, hoặc Trung Hoa, hoặc phương Tây.
13. Cuộc sống trong rừng dẫn tới tín ngưỡng linh hồn giáo. Khi con người sống dựa vào tự nhiên, người ta dễ dàng tin rằng mọi vật xung quanh mình đều có linh hồn, con người không phải là vật duy nhất có linh hồn, mà cây, sông, suối, núi, đá, đều có linh hồn. ĐNA theo linh hồn giáo dưới những biểu hiện khá giống nhau. Người Lào Thay có tín ngưỡng thờ “phi” (ma), người Lào Thơng và người Lào Xung thờ phi và thờ “thẻn” (thần). Do đó có ma nhà, ma bản, ma rừng, ma sông. Tình hình này ở Thái Lan cũng không khác: bởi vì tộc người chủ đạo ở Lào và Thái Lan là người Thái. Dù người Mianma có gọi các thần ấy là nát, và có nát sông, nát núi, nát cây, nát suối, dù người Cămpuchia có gọi bằng các tên Đôma, Arak, Neak Tà thì thực chất cũng chỉ là một cách nhìn chung biểu hiện tính thống nhất trong đa dạng. Thần hay qủy đối với ĐNA chỉ khác nhau ở điểm một bên làm việc thiện, một bên làm việc ác mà thôi chứ không khác nhau về địa vị theo quan niệm dân gian đánh giá người khác theo đạo đức đối với cộng đồng.
14. Khi ngay cả cây và vật vô tri đều có hồn thì dĩ nhiên con người cũng có hồn, và cái hồn ấy gắn liền với cuộc sống thế gian của con cái, dòng họ. Cho nên các tộc người ở đây đều thờ cúng tổ tiên, tuy việc thờ có thể mang những hình thức khác nhau: Nho giáo, Phật giáo và linh hồn giáo.
Trước khi ĐNA có một diện mạo văn hóa thống nhất ở cây lúa thì nó có một diện mạo thống nhất ở tục ăn trầu cau, là tục thể hiện quan hệ của con người với cây với đá. Toàn bộ ĐNA kể cả Ấn Độ đều ăn trầu, và trầu cau được nhắc tới, được sử dụng trong mọi giao tiếp. “Miếng trầu là đầu câu chuyện” là chuyện chung của cả ĐNA lục địa và ĐNA hải đảo. Đặc biệt đến giờ, ở khắp nơi trầu cau vẫn gắn liền với hôn lễ. Ngay giờ đây khi ở các thành phố Việt Nam người ta không ăn trầu nữa, nhưng khi một cô gái lấy chồng, các gia đình họ hàng đều nhận được trầu cau để đánh dấu cô gái ấy bước sang một gia đình mới.
Khi cây là chỗ dựa quan trọng nhất của người ĐNA nguyên thủy thì xuất hiện những huyền thoại về cái cây vũ trụ, về việc vũ trụ nẩy sinh từ một cây nào đấy, như trường hợp cây sinh trong Đẻ đất đẻ nước ở Việt Nam và những trường ca về cây vũ trụ ở người Thái, người Cămpuchia, chuyện cặp vợ chồng Punha Nhanhơ trong thần thoại Lào Punhơ Nhanhơ lo chặt cây Khủakhâucạt che phủ cả bầu trời và khi cây này đổ xuống thì cả hai vợ chồng gục xuống vì kiệt sức, chuyện Sự ra đời của cái lớn ở Thái Lan tương tự như chuyện Đẻ đất đẻ nước ở người Mường.
15. Chuyện linh hồn giáo không chỉ là đặc điểm riêng của ĐNA lục địa. Tylor trong Văn hóa nguyên thủy (Primitive Culture) năm 1971, đã khẳng định sự tồn tại của nó ở châu Phi. Tính độc đáo của tín ngưỡng ĐNA là ở quan niệm đầu thai và vai trò chủ đạo dành cho ba đối tượng trong tín ngưỡng này là: Cây, Rắn và Chim làm thành chủ đề của tín ngưỡng trong sự ra đời của vũ trụ rồi được kết tinh lại trong những tác phẩm văn học làm nền tảng cho văn học dân gian.
Thuyết đầu thai tuy có được Pythagore, Platon nhắc đến ở Hy Lạp nhưng là chuyện cá biệt. Còn ở ĐNA nó là tín ngưỡng chung phổ biến cho mọi tộc người. Môtíp đầu thai mà ta thấy chung ở ĐNA cho phép hình thành vô số cổ tích kiểu Tấm Cám trong đó nhân vật tích cực sẽ đầu thai lần này lượt khác để cuối cùng được hưởng hạnh phúc, trái lại nhân vật tiêu cực chết là hết. Đây chính là cơ sở cho tư tưởng lạc quan của quần chúng lao động trong một hoàn cảnh thực tế chống lại mọi ước mơ của họ. Nó có trước các lý luận đầu thai sau này ĐNA tiếp nhận từ Ấn Độ qua Bà La Môn giáo, Ấn Độ giáo, Phật giáo là những lý thuyết chẳng qua chỉ duy lý hóa một tín ngưỡng nảy sinh trong môi trường rừng. Rừng là nơi mọi vật dựa vào nhau để tồn tại, đó không phải là môi trường của sự tranh giành, khôn sống mống chết, mạnh được yếu thua. Người ĐNA sống trong rừng có dịp thấy trứng sâu sinh ra con sâu, con sâu chuyển thành con bướm, cũng như hạt giống thành cái cây, cái cây trổ hoa, cái hoa thành trái, cái chết của vật này làm xuất hiện một vật khác theo một chu kỳ luân hồi bất tận. Tín ngưỡng này, như tôi có dịp khảo sát, không thấy ở Trung Quốc trước đời Tần. Con người trong nhiều nơi trên thế giới chỉ sống có một lần, rồi sau đó trở về với vương quốc của các linh hồn. Còn con người ĐNA sống nhiều kiếp dưới nhiều dạng khác nhau, dạng người, dạng súc vật và dạng cây cỏ. Và ngay giờ đây, nhiều tộc người vẫn xem cái chết không phải là hết. Đối với nhiều tộc người ở đây cái chết không phải sự trừng phạt to lớn nhất bởi vì sau khi chết đi người ta sẽ đầu thai trở lại trong cộng đồng mình. Trừng phạt nặng nhất là bị đuổi ra khỏi cộng đồng.
16. Vì sống giữa cây, ăn cây, ở trên cây, di chuyển nhờ cây (bè, thuyền độc mộc), chết chôn trong cây, cho nên người ĐNA lục địa chấp nhận thế giới ra đời từ cái cây vũ trụ. Đó là nguồn gốc sử thi của người Mường, người Thái, người Mianma. Đặc biệt quả bầu, thứ quả cung cấp thức ăn dễ kiếm nhất trở thành cơ sở của thần thoại về quả bầu từ đó sinh ra loài người mà ta bắt gặp trong trên trăm tộc người ở ĐNA; thần thoại có con chim ấp trứng; trứng nở ra người, thần thoại về con rắn thần lấy chim là tổ tiên của tộc người. Sau này khi tiếp xúc với những văn hóa khác, các thần thoại này mang thêm những nét thần bí để tô điểm. Chim biến thành tiên, rắn biến thành rồng, dù là Đẻ đất đẻ nước của Việt Nam, Am ẹt luông của người Thái hay Truyền thuyết Prak Thon của Cămpuchia, hình ảnh rồng và chim được thần thoại hóa theo văn hóa Hán và văn hóa Ấn Độ là chuyện đập vào mắt mọi người như một thứ ám ảnh.
17. Chỉ khi nghề trồng lúa nước ra đời, ĐNA mới có một nông nghiệp theo quy mô lớn, còn trước đó cái gì cũng theo quy mô nhỏ. Khi nông nghiệp lúa nước ra đời và trở thành hình thức nông nghiệp gần như độc canh, ta thấy những tộc người độc canh lúa nước trước sau đều trở thành tộc người chủ thể của quốc gia. Lúc này xuất hiện những tác phẩm văn học dân gian cùng với những nghi lễ, truyền thuyết xung quanh những chủ đề sau đây mà ta bắt gặp ở các nước của ĐNA lục địa:
Một là những huyền thoại về sự ra đời của hạt lúa, các chuyện về bà mẹ lúa, cùng với các nghi lễ, truyền thuyết về các yếu tố thiên nhiên gắn liền với sự sinh trưởng của cây lúa: mây, mưa, sấm, chớp, nắng, mặt trời, mặt trăng. Đi kèm với cây lúa là các tín ngưỡng, nghi lễ, lễ hội theo chu kỳ sinh hoạt của cây lúa, tức là những nghi lễ nông nghiệp với các trò chơi như thả diều, té nước, đua thuyền, cầu mưa, cùng với những lễ hội có sắc thái phồn thực để cầu mong được mùa, bởi vì trong óc người xưa việc cây lúa trổ hạt với người đàn bà sinh con là có quan hệ gắn bó. Những điều này nói chung đều có mặt văn học riêng của mình.
Thứ hai, là chuyện những dũng sĩ, những anh hùng đã chiến thắng mọi trở lực của thiên nhiên và của kẻ thù để thành lập các mường, đem đến yên ổn và phúc lợi cho cộng đồng.
Thứ ba, vì hoàn cảnh sống nhìn chung là hết sức vất vả, và tâm lý cộng đồng thiên về bình đẳng, chống bất công, nên văn học dân gian sẽ thiên về những con người thiệt thòi nhất trong xã hội, chủ yếu là các chàng trai, các cô gái mồ côi, những người này là hiện thân của đạo đức, lòng thương người, sẽ tìm được hạnh phúc ở thế gian.
Thứ tư, trong cuộc sống vất vả, theo tâm lý linh hồn giáo, người ĐNA tìm thấy ở mọi động vật chung quanh những nhân vật gắn bó với mình, và động vật nào cũng có sự tích, có chuyện kể, cắt nghĩa về hình thức, cuộc sống của chúng.
Thứ năm, bản thân cuộc sống có bất công, có áp bức đòi hỏi phải có con người chống lại nó. Cách chống lại ít gây xung đột nhất là bằng trí khôn, cho nên văn học dân gian các nước ĐNA nói đến những con người, những con vật nhờ trí khôn thắng mọi bạo lực, đồng thời chứa đựng những ngụ ngôn có tính chất dân gian.
18. Trước khi nói đến cách thể hiện nội dung có tính dân gian này trong nền văn học mỗi nước, cần phải nói đến một yếu tố về hình thức mà ta bắt gặp trong toàn bộ văn học dân gian ĐNA lục địa dù đó là ca dao, tục ngữ, trường ca, thơ, kịch làm thành nét khu biệt của văn học dân gian khu vực này với toàn bộ thế giới. Đó là sự có mặt của vần lưng trong mọi thể loại, chung cho cả ĐNA lục địa. Sự có mặt này không liên quan tới tính đơn tiết của ngôn ngữ, tiếng Hán còn mang tính đơn tiết hơn nhiều ngôn ngữ ĐNA, nhưng lại không có vần lưng. Nó cũng không liên quan tới tính không biến đổi của các từ, tuy các từ ĐNA đều không biến đổi về tình thái. Nhưng sự có mặt phổ biến của vần lưng như vậy ở Việt Nam, Lào, Thái Lan, Cămpuchia mà không phải chỉ ở các văn học quốc gia mà ở nền văn học của hàng chục tộc người là một điều không thể coi nhẹ. Nó cũng không thể do tiếp xúc văn hóa mà có được. Văn học Việt Nam chịu ảnh hưởng của thi ca Hán và có nhiều thể loại của thơ Hán, nhưng thơ Hán cũng như Thơ Ấn Độ không hề có vần lưng và chỉ có vần chân. Còn thơ ĐNA có cả vần chân và vần lưng không những thế nếu ta xem thơ Cămpuchia và thơ Thái Lan thì thấy bên cạnh vần chân có nhiều kiểu vần lưng, vần trong nội bộ một câu hết sức độc đáo không thể nào do vay mượn mà có. Chúng tôi hy vọng cung cấp một công trình riêng về vấn đề này mà chúng tôi cho là vấn đề căn bản để hiểu thi pháp ĐNA. Nó sẽ góp phần giới thiệu cách phát triển thi pháp Việt Nam. Không những thế nội dung các tục ngữ, dân ca ĐNA không khác nội dung các tục ngữ, dân ca Việt Nam, đều xây dựng trên tình nghĩa, chú ý tới cuộc sống dưới đất, ý thức về diện mạo, thân phận trong cuộc sống hài hòa với cộng đồng, nếu dịch ra tiếng Việt có thể lầm tưởng là tục ngữ dân ca Việt Nam.
19. Các môtíp này của VHDG là chung cho ĐNA lục địa, sau này không khỏi mang dấu ấn Đạo Phật và có điểm vay mượn Ấn Độ, nhưng có thể nói là đã có mầm mống từ trước, trong giai đoạn các Mường. Những môtíp này được thể hiện trong các công trình văn học dân gian dưới đây của từng nước, và vì các môtíp có mặt nhiều khi cùng trong một tác phẩm nên không thể nào tách riêng từng tác phẩm xem là tiêu biểu cho một môtíp duy nhất.
Các nước của ĐNA không kể Việt Nam đều ít nhiều dựa theo một mô hình nhà nước Ấn Độ. Văn hóa Trung Hoa chủ yếu nhập vào Việt Nam bằng con đường quân sự và Trung Hoa sử dụng văn hóa như một chiêu bài để tiến hành chính sách xâm lược và đồng hóa. Cho nên Việt Nam cũng như Triều Tiên tiếp nhận văn hóa Hán, xây dựng một nhà nước kiểu Hán chủ yếu để chống lại sự nô dịch của Trung Quốc. Các nước tiếp thu văn hóa Trung Quốc đều có sự chống đối ngầm để bảo vệ độc lập dân tộc. Điều này cũng xẩy ra trong việc các nước ĐNA tiếp thu văn hóa phương Tây. Kết quả của sự tiếp thu này như khối ASEAN đã chứng minh, là một phong trào độc lập của các nước ĐNA nhằm xây dựng một khối thịnh vượng chung.
Trường hợp các nước ĐNA tiếp thu văn hóa Ấn Độ là khác hẳn. Các nước ĐNA không cần phải cảnh giác với Ấn Độ. Chính vì con đường Ấn Độ không có lưỡi kiếm lập lòe đằng sau văn hóa. Chính nhờ thế mà sự thâm nhập văn hóa diễn ra sâu hơn và phổ biến hơn, toàn diện hơn. Có thể nói Ấn Độ đã nêu lên tấm gương về giao lưu văn hóa làm cơ sở cho giao lưu kinh tế của thế giới vào thế kỷ tới. Có một bài học Ấn Độ và một sự phát hiện Ấn Độ mà thế giới cần tiếp nhận từ cái xứ sở đã một thời bị coi thường và chà đạp.
Đã thế, văn học Ấn Độ cổ đại có nhiều nét chung với văn học ĐNA cổ: cũng có những văn hóa mang tính chất rừng núi, với tín ngưỡng linh hồn giáo, đầu thai của những công quốc nhỏ trong đó có cả tác phẩm văn học đều mang tính hỗn đồng của VHDG. Sự khác nhau là ở trình độ hơn là ở bản chất. Có một trình độ tư biện cao, hệ thống hóa chặt chẽ với quy mô hùng vĩ trong các tác phẩm do chỗ tầng lớp tăng lữ có được một cuộc sống cao, địa vị tôn trọng trong một xã hội đã phân tầng rõ rệt, nhưng đây là một văn học vẫn đậm đà bản chất dân gian. Sự khác nhau chủ yếu giữa văn học Ấn Độ với các nền văn học ĐNA là vai trò của đẳng cấp trong văn học Ấn Độ, điều không có trong văn học ĐNA. Chính vì vậy dù có trải qua Bà La Môn giáo, rồi Ấn Độ giáo, một nước như Cămpuchia cuối cùng lại theo Phật giáo, còn những nước hình thành sau thì chấp nhận Phật giáo, và Phật giáo trở thành quốc giáo của bốn nước Lào, Cămpuchia, Thái Lan, Mianma, phần nào cũng giống tình hình ở Việt Nam trước thế kỷ XV.
20. Một bằng chứng không thể chối cãi của sự khác nhau này trong giao lưu văn hóa, đó là ở Việt Nam không có tác phẩm Trung Quốc nào đóng vai trò nền tảng của văn học dân tộc. Tác phẩm văn học Trung Quốc có ảnh hưởng rộng rãi nhất ở Việt Nam là Tam quốc chí diễn nghĩa, đã làm nẩy sinh trên một trăm vở tuồng. Nhưng xét về nội dung thì Tam quốc chí chỉ nói đến cuộc xung đột nội bộ ở Trung Quốc giữa ba tập đoàn quân chủ không liên quan tới chế độ bá quyền của Trung Hoa, và xét về thời đại thì việc này xảy ra vào thời Minh Mệnh, Tự Đức, khi đó nước Việt Nam không phải lo về một cuộc xâm lăng của Trung Quốc.
21. Dưới đây là một vài nét đối lập giữa ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc ở Việt Nam với ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ ở Đông Nam Á lục địa:
Một là suốt trong lịch sử người Việt Nam chỉ học chữ Hán theo cách phát âm Hán Việt của Việt Nam không giống bất kỳ phương ngữ nào của Trung Quốc đương thời, và trong lịch sử Việt Nam không có người Trung Quốc nào làm việc trong bộ máy cai trị Việt Nam. Chỉ đến thế kỷ XIX, mới có một vài người Minh Hương như Trần Tiễn Thành, Phan Thanh Giản được giao những trách nhiệm quan trọng, nhưng những người này đã Việt Nam hóa, về tư tưởng là chống lại nhà Thanh, tức là không thể là chỗ dựa cho sự xâm lược của Trung Quốc. Trái lại, triều đình các nước ĐNA nhan nhản những viên quan, những cố vấn, những pháp sư, tăng lữ Ấn Độ và trí thức nhiều người thông thạo tiếng Pali, tiếng Sanskrit, đồng thời kiến trúc, vũ, kịch ở ĐNA có thể nói không khác các loại hình này ở Ấn Độ, trong khi người Việt Nam chỉ bắt chước Trung Quốc bên ngoài và nhìn chung vẫn không theo mô hình Trung Quốc.
Hai là, các nước ĐNA tiếp thu các tôn giáo của Ấn Độ và văn học các nước này chịu nhiều ảnh hưởng Ấn Độ sâu đậm hơn Việt Nam chịu ảnh hưởng văn học Hán. Có nước như Cămpuchia lần lượt chịu ảnh hưởng Bà La Môn giáo, Ấn Độ giáo, Phật giáo, có nước như Thái Lan, Mianma chịu ảnh hưởng Phật giáo, có nước như Lào tiếp thu Phật giáo qua ảnh hưởng Phật giáo tới Cămpuchia, nhưng nhìn chung Phật giáo vẫn là tôn giáo chi phối toàn bộ văn học ĐNA lục địa. Phật giáo rất khác Thiên chúa giáo ở điểm nó không phải là một tôn giáo kiêu ngạo chỉ chấp nhận một chân lý duy nhất của mình, ngoài ra mọi tín ngưỡng khác đều phải bị loại trừ thẳng tay. Phật giáo chấp nhận mọi tín ngưỡng, có thái độ bao dung đối với các văn hóa khác mình. Kết quả những tác phẩm của Ấn Độ không những nhập vào ĐNA mà còn được hoán cải theo văn học dân gian của nước bản địa mở đầu cho truyền thống văn học Đông Nam Á.
Một thí dụ, Ramayana, tuy có nguồn gốc Bà La Môn giáo đã nhập vào văn học ĐNA và trở thành những trường ca bất tử của các nền văn học, trong đó các biến cố, các nhân vật đều mang tính chất địa phương. Tình hình cũng như vậy đối với Jataka (Kinh Bổn sinh) kể lại các cuộc đời trước kia của Đức Phật, Panchatantra, tập ngụ ngôn nổi tiếng của Ấn Độ, các kinh Phật, đều được lưu truyền rộng rãi trong văn học các nước ĐNA và là cơ sở của nhiều bản phóng tác khác nhau làm nền tảng cho các nền văn học ở các nước này. Điều này cũng không thấy trong việc văn học Việt Nam đối với văn học Trung Quốc.
22. Bây giờ ta hãy xét văn học từng nước một để thấy vai trò của VHDG.
Có thể nói văn học Lào cấp cho ta hình ảnh đầy đủ nhất về vai trò VHDG ở ĐNA. Về thần thoại, Đẻ đất đẻ nước, các Truyện quả bầu, Punha Nhanhơ, cho thấy rõ ràng cách lý giải linh hồn giáo về mọi vật từ trời đất, trăng sao, sông suối đến con người. Các truyền thuyết về các Mường cổ đại cho thấy những câu chuyện tương tự như các Khan của đồng bào Tây Nguyên: Khún Bulôm, Xikhốt Tạboong, Chănthạ Phạmít, Thạo Hùng Thạo Chương. Các cổ tích về các dũng sĩ, các chàng trai, cô gái dũng cảm tiêu diệt các yêu quái, cứu người đem đến cuộc sống yên ổn cho cộng đồng như: Chàng Phúđông và Nàng Kẹoli, Thao Kền, Malô. Các chàng mồ côi được đề cao về đạo đức và tinh thần giúp người và những con vật biết tiếng người biểu hiện trong Chàng mồ côi và con cá bét, Chàng mồ côi và con gà ngọc, Chàng mồ côi và con ma nhỏ... Những chuyện đề cao trí thông minh của Xiêng Miêng, những truyện ngụ ngôn trong đó các con vật như cá, mèo, cọp, cào cào, thỏ tham dự... làm thành những đề tài chung bắt gặp ở nhiều nền văn học.
Sang giai đoạn dựng nước văn học Lào tiêu biểu bởi Lời huấn thị của Phạ Ngừm nêu lên một quan niệm trị nước dựa trên tập quán chịu ảnh hưởng Phật giáo, việc tiếp thu Phật giáo tiểu thừa của Cămpuchia với những tác phẩm dịch của Ấn Độ nhưng đổi mới theo nội dung và phong cách Lào như Nàng Tăntray, các Kinh Phật, Xiêuxạvạt, Xỉnxay, Kalakệt, Nàng Teng On, Phạlắc Phạlam bên cạnh những tác phẩm nói lên thực tế đau thương của một nước Lào bị người Xiêm nô dịch như Cạp Mường Phuôn, Xănlứp Phạxún(Thư xóa không nhòa) chứng minh tinh thần yêu nước của dân tộc.
Sang giai đoạn bị thực dân Pháp cai trị, Lào chịu ảnh hưởng Pháp ít ỏi. Cả nước Lào năm 1945 chỉ có 180 trường sơ học với khoảng 1 vạn học sinh, 5 trường tiểu học và 1 trường trung học. 10 người tốt nghiệp đại học, 1 tờ báo bằng tiếng Pháp và tiếng Lào. Văn học Lào do đó không chịu ảnh hưởng phương Tây mà theo ảnh hưởng văn học yêu nước, do Mặt trận Lào yêu nước lãnh đạo. Từ năm 1950 đã có 3 tờ báo đăng thơ ca và truyện ký. Thơ ca yêu nước trong khi tiếp tục truyền thống VHDG mang nội dung đấu tranh chống thực dân với những tác giả tên tuổi như Xổnxỉ Đêxa, Phumi Vôngvichít, Xỉxanạ Đêxa ca ngợi tinh thần đoàn kết chiến đấu với Việt Nam. Trong văn xuôi, xuất hiện những truyện ngắn và ký sự phản ảnh cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ và tay sai, những tác phẩm viết về cuộc sống thực tế của xã hội Viêng Chăn đầy tham nhũng, sinh hoạt bẩn thỉu của bọn tay sai. Đồng thời, tiểu thuyết ra đời có nội dung gắn bó với chủ nghĩa xã hội và tinh thần yêu nước. Có thể nói văn học Lào chịu rất ít ảnh hưởng phương Tây, giữ gìn những liên hệ sẵn có với VHDG trong khi đổi mới về nội dung.
23. Văn học Thái Lan trước khi tiếp xúc với phương Tây là một văn học do qúy tộc viết, vì qúy tộc là tầng lớp duy nhất có học vấn để làm công việc này. Sau đó là quan lại và tăng lữ. Phụ nữ không được học, và các tác giả chủ yếu là các nhà vua trong mọi giai đoạn lịch sử từ thời Sukhothai đến thời Bangkok. Về tính chất, đó là một văn học Phật giáo, trong đó vai trò của VHDG vẫn đậm nét làm thành cơ sở không thay đổi bởi những môtíp chung, các cách diễn đạt ngôn ngữ bằng những thể loại thơ dân gian đã nói ở trên. Nhà nước Thái đầu tiên là nhà nước Sukhothai sau khi đã thống nhất đất nước bằng cách sáp nhập nhà nước Dvavarati của người Môn, giành lại chủ quyền trên toàn bộ đất Thái Lan từ các nhà nước Mianma, Khơme. Nhà nước Sukothai (XIII-XV) vào năm 1350 chuyển sang nhà nước Ayutthaya cho đến năm 1767, Phiya Taksin đánh bại quân đội Mianma chọn Thôn Buri làm kinh đô. Phraya Chakri kế vị năm 1782 chuyển kinh đô sang Bangkok mở đầu triều đại Chakri cho đến ngày nay và vua Bhumibol Adulyađei hiện nay là vị vua thứ chín.
Văn học Thái Lan mô phỏng Phật giáo để thể hiện tình cảm, tâm lý, cuộc sống, tính cách Thái Lan, trong đó tính chất bi quan của Phật giáo nhường chỗ cho tính lạc quan tươi vui, yêu đời của VHDG. Kết thúc các vở kịch các trruyện thường là vui, cái thiện thắng cái ác. Trong giai đoạn Sukhothai có Tray Phum Bàn về Ba thế giới, của vua Li Thay miêu tả Địa ngục, Cõi trần và Cõi trời trình bày vũ trụ quan và luân lý Phật giáo và trở thành cơ sở cho học thuyết Phật giáo, Trường ca Nàng Nophamat miêu tả cuộc sống triều đình, phong tục và lễ hội dân gian. Văn học thời kỳ Ayutthaya tiêu biểu bởi Praka seng Nam (Lời nguyền rủa nước) là lời cầu trời để chống lũ lụt, bộ luật Khotnon Thiênban của vua Thibođi quy định các điều lệ trong cung đình, bộ Maha Xạt (Đại Kiếp) kể về cuộc đời Đức Thích Ca gồm 13 chương mà việc đọc trở thành nghi lễ tôn giáo quan trọng nhất ở Thái Lan theo những hình thức thơ Thái Lan quen thuộc (khlông, rắp và xay), Phra Lo, tiểu thuyết tình bằng thơ đầu tiên giữa chàng Phra Lo với hai công chúa trong tình trạng thù địch giữa hai gia đình và cuối cùng là kết thúc bi thảm kiểu Romêo và Giuliét. Thời kỳ này xuất hiện những bài thơ tình yêu, tâm sự, cảnh ly biệt trong khi đi trên đường xa gọi là thể thơ nirat. Xỉprạt là nhà thơ nổi tiếng trong những truyện thơ dài như Anirut và Kămxuôn. Nội dung của Anirut là lấy ở tác phẩm Ấn Độ Xamuttakhôt: Anirut, người cháu của thần Krishna, khi ngủ được một vị thần đưa đến phòng ngủ của công chúa Utxa, hai người yêu nhau, nhưng cha của công chúa là một con qủy khổng lồ không chịu định giết chàng. Nhờ thần Krishna giải thoát cuộc hôn lễ được tổ chức. Kămxuổn được viết theo thể khlông kể cảnh vất vả trong chuyện nhà thơ vì châm biếm các quan lại bị nhà vua đày từ Ayutthaya đến tỉnh Nakhon Xithămarat, ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên, thành Ayutthaya và mang nỗi u hoài, đau xót không nói lên lời. Xỉprat bị chém oan ức ở nơi lưu đày.
Hoàng tử Thammathibệt cũng là một nhà thơ xuất sắc. Ông là tác giả Phra Malay lấy chủ đề từ tác phẩm Malay Xutra của một nhà sư Xri Lanca, và tác phẩm Nirat Phrabạt kể lại một cuộc hành hương tới nơi có dấu chân Đức Phật. Đây là một tác phẩm bách khoa đầy những nhận xét thú vị về cây cỏ và phong tục. Đặc biệt vào giai đoạn này xuất hiện những vở kịch lấy đề tài từ Ramayanagộp lại là Rama Kiên. Nhìn chung văn học Thái Lan, đặc biệt là kịch, thường lấy đề tài ở Phật giáo, lịch sử hay chuyện tình.
Sang thời kỳ Bangkok (thế kỷ XVIII-XIX) văn học phát triển rực rỡ. Vua Rama I cùng với nhiều vị quan viết lại nhiều kịch bản theo thể thơ, nhà vua còn sáng tác kịch để diễn, lấy chủ đề ở những tác phẩm quen thuộc như: Xamutakhôt, Rama Kiên, Ináo Anirut, Raxathirat viết theo chỉ thị nhà vua là quyển sử đầu tiên bằng văn xuôi. Rama II được xem là một trong những nhà văn lớn nhất của Thái Lan. Ông biên soạn hai đoạn trong Rama Kiên, viết vở kịch Ináo, một câu chuyện dựa trên bối cảnh Giava nhưng lại đầy những thông tin lịch sử của Thái Lan thế kỷ XIX về nhân vật, phong tục, nghi lễ. Đây cũng là thời kỳ hoạt động của nhà thơ lớn nhất văn học Thái Lan là Sủnthon Phu (1786-1855). Những tác phẩm chính của ông là Phra Aphai Mani, lấy cảm hứng từ các truyện cổ quen thuộc, cũng như nhiều truyện nước ngoài trong đó có Tam quốc chí. Nó là tác phẩm thơ dài nhất, trên mười vạn câu thơ với 64 chương.
Nội dung bản trường ca này hết sức quái đản, nhưng chính cái quái đản với sự lẫn lộn tín ngưỡng dân gian, tôn giáo và thực tế lại giúp ta hiểu văn học ĐNA hơn một công trình lý luận. Hai hoàng tử Aphaymani và Xỉxuvăn được gửi đi học. Aphaymani học được thuật làm mê hoặc thú vật và kẻ thù bằng tiếng sáo và Xỉxuvăn học được tài đánh kiếm, đánh gậy. Khi trở về, cả hai bị cha đuổi đi vì họ học được những điều của bọn thường dân. Hai anh em chia tay nhau. Một loạt những truyện phiêu lưu diễn ra trong đó có những sinh vật huyền thoại, một con phỉ là Xứaxamụt bắt Aphaymani, rồi có một đứa con với chàng tên là Xỉnxamut, Xỉnxuvăn thì đi tìm anh trên một chiếc thuyền thần. Lấy con gái vua Thốtxavông rồi lên làm vua. Xỉxamut bắt được một nàng tiên cá, nộp cho cha. Nàng tiên cá này giúp hai cha con trốn đi. Cô công chúa Xuvămani chẳng may bị đắm thuyền cùng cha giạt vào hòn đảo của Aphaymani đã lẩn trốn, thỏa thuận lấy Aphaymani sẽ cùng nhau rời đảo, bỏ lại nàng tiên cá cùng với đứa con của nàng đang trong bụng mẹ. Nhưng cả hai người lại đắm thuyền trôi lạc nhau. Aphaymani gặp lại phỉ Xửaxamụt và chàng thổi sáo làm con phỉ vỡ tim mà chết. Lúc đó Xỉnxamút lại cứu được nàng công chúa Xuvănmani đưa lên một hòn đảo, nhưng lại rơi vào tay bọn cướp người Anh, người Pháp, Xỉnxamút đã chiến đấu dũng cảm cướp được tàu đi về xứ Rômmachắc, nơi chú của Xỉxuvăn cai trị. Một trận chiến đấu bất phân thắng bại diễn ra rồi sau đó hai chú cháu nhận ra nhau. Họ cùng nhau đi tìm Aphaymani, Aphaymani gặp con và vợ chưa cưới rồi làm vua ở Phlưk. Utxaren và cha giận quá mà chết, em gái Utxaren là Lavong lên làm vua ở Lanca, sau nhiều trận giao chiến, lấy Aphaymani.
Câu chuyện quái đản này trong đó trên cơ sở tín ngưỡng dân gian về thần, ma qủy, phép thuật xuất hiện những đề tài quen thuộc: tình yêu, phiêu lưu và khoa học hiện đại: Aphaymani học tiếng Anh, câu chuyện nói đến những chuyện của tương lai học chưa hề thấy trong lịch sử Thái Lan (máy bay, tàu ngầm, những cô gái chỉ huy quân đội và cai trị đất nước) của một nhà thơ xuất thân từ bình dân đồng thời mang tính riêng tư sâu sắc được viết với một ngôn ngữ vô song, đầy âm điệu là tác phẩm nổi tiếng nhất của văn học Thái Lan. Xủnthon Phu để lại một gia tài văn học đồ sộ gồm những tác phẩm đã trở thành kinh điển như trường ca anh hùng Khún Chang Khún Phên, những tác phẩm nirat hay nhất. Đặc biệt Thái Lan chịu ảnh hưởng tiểu thuyết Trung Quốc bắt đầu bằng Tam Quốc chí diễn nghĩa dịch vào năm 1865 đã góp phần tạo nên truyền thống văn học bằng văn xuôi.
Thái Lan là nước duy nhất ở ĐNA duy trì được độc lập nhờ sự sáng suốt của qúy tộc Thái Lan, một qúy tộc thạo thương nghiệp, biết tận dụng mâu thuẫn giữa các cường quốc thực dân bằng chính sách quan hệ nhiều chiều và tiến hành chính sách mở cửa đối với phương Tây. Nhiều vua chúa và qúy tộc Thái Lan đã sang phương Tây học, thông thạo ngoại ngữ, đã góp phần tạo nên một văn hóa Thái Lan được Tây phương hóa về nhiều mặt, trong đó vai trò của vua Mongkut, tức Rama IV (1851-1868), Chulalongkorn tức Rama V (1868-1910), của Vajiravudh, tức Rama VI (1910-1925) đều là những người am hiểu phương Tây, biết duy trì độc lập dân tộc với những nhân nhượng cần thiết với phương Tây đồng thời đổi mới đất nước theo con đường Tây phương hóa về chính trị, pháp luật, kinh tế. Các vị vua này cũng là những nhà văn hóa lớn đã đóng góp nhiều cho văn học. Đặc biệt hoàng thân Đămrông, người viết ngót hai trăm tác phẩm phần lớn bằng văn xuôi, đã có công rất lớn trong việc xây dựng một văn học vừa dân tộc vừa có tính hiện đại.
Nhưng sự tiếp xúc với văn hóa tư sản phương Tây tất yếu làm xuất hiện tầng lớp trí thức mới thiên về một văn học lấy thực tế cuộc sống làm đối tượng, lấy tự do dân chủ làm nội dung, lấy phát huy cá nhân làm mục đích. Sự ra đời của kỹ thuật in vào năm 1835, tất yếu dẫn đến vai trò thống trị của văn xuôi và ảnh hưởng của báo chí. Một loạt thể loại mới tiêu biểu cho phương Tây xuất hiện: truyện ngắn, tiểu thuyết, bút kí, các bài nghị luận, phê bình, các tác phẩm dịch từ phương Tây, những bài nói về cuộc sống của người bình dân. Đặc biệt cảnh khổ cực của nông dân bắt đầu lôi cuốn công chúng từ năm 1925. Dù cho các vua Thái Lan đã có công lớn trong việc giữ được độc lập dân tộc, nhưng các thể chế quân chủ vẫn cản trở bước tiến của xã hội. Nếu như sinh hoạt thành thị có đổi mới và có sự phát triển theo hướng phương Tây thì nông thôn vẫn nghèo khổ. Điều này làm nẩy sinh một tâm lý đặc biệt của tầng lớp trí thức Thái Lan, khác tâm lý của trí thức ĐNA. Rõ ràng sự gắn bó của nó với VHDG có vai trò tích cực.
Trí thức ĐNA chống quân chủ triệt để và xem chế độ quân chủ là đồng lõa với đế quốc, chịu tội chính trong việc để cho đất nước bị nô dịch. Trí thức Thái Lan không thể có thái độ này vì công lao của chế độ vua chúa Thái Lan trong việc bảo vệ chủ quyền dân tộc là quá hiển nhiên. Trí thức Thái Lan do tư tưởng bình đẳng, bác ái của Đạo Phật kịch liệt chống lại cá nhân luận phương Tây xây dựng trên lợi nhuận, nhưng không thể đi đến chỗ phủ nhận quá khứ như phần lớn trí thức ĐNA. Kết quả là ở Thái Lan hình thành cuộc vận động cải cách chính trị và xã hội mang tính chất Thái Lan của nhà cải cách lỗi lạc châu Á là tiến sĩ Priđi Banomyong đã dẫn tới cuộc Đảo chính năm 1932, thiết lập chế độ quân chủ lập hiến, những cải cách quan trọng về kinh tế và chính trị, đồng thời chính Banomyong cũng là người lãnh đạo phong trào Thái Tự do chống lại việc phát xít Nhật chiếm đóng Thái Lan trong Thế chiến II. Nhưng những cố gắng của tầng lớp trí thức bắt gặp một đối thủ quá mạnh là tầng lớp quân nhân. Tầng lớp này có một ưu thế sẵn có là hình thức tổ chức chặt chẽ, lại dựa vào uy tín của nhà vua, vào tâm lý quần chúng nông dân qúy trọng truyền thống văn hóa xưa cho nên nhiều lúc chỉ huy chính trị Thái Lan đẩy chính trị này theo con đường liên minh với kẻ mạnh dù đó là phát xít Nhật, hay đế quốc Mỹ, làm thành bàn đạp của chủ nghĩa đế quốc ở ĐNA. Trong lúc đó phong trào dân chủ phản ảnh quyền lợi của quần chúng lao động vẫn tiếp tục yêu cầu những cải cách trong chính trị, kinh tế và cuối cùng dẫn tới bước chuyển hóa hiện nay trong giai đoạn ASEAN trong đó Thái Lan với ưu thế kinh tế của mình có một vai trò nổi bật.
Vì phạm vi bài này chỉ thu hẹp vào việc giới thiệu ảnh hưởng của VHDG cho nên chúng tôi chỉ nêu lên một vài nhận xét về ảnh hưởng này trong tiểu thuyết và truyện ngắn.
Bên cạnh những tác phẩm còn gắn liền với truyền thống quá khứ của tôn giáo, cung đình và tín ngưỡng dân gian, những tác phẩm lôi cuốn công chúng nhất là của những trí thức có học vấn phương Tây sâu rộng, am hiểu văn học phương Tây nhưng lại chống xu hướng kinh tế và văn hóa, phong tục phương Tây, biểu lộ thái độ thất vọng đối với phương Tây và văn minh của nó. Hoàng thân Akạt Kămkơ là người đặt nền móng cho thái độ thất vọng đối với văn minh phương Tây trong bộ ba tác phẩm Sân khấu cuộc đời (1928); Da vàng, Da trắng; Thiên đường đổ vỡ. Tác giả lấy chính thể nghiệm của đời mình, một người đã sống và học ở phương Tây, để miêu tả những thất vọng của một người theo đạo đức Phật giáo và văn hóa phương Đông trước cuộc sống thuần túy vật chất của phương Tây. Xu hướng chống văn hóa phương Tây này còn biểu lộ trong tác phẩm Đời niên thiếu của tôi ở Xiêm của Akạt Kămkơng, các tác phẩm Đồng tiền và lao động, Bác Prôm từ đảo Lôi, Chú bé lầm đường hay Tên nàng là phụ nữ của Malay Chuphinít, nhất là Những con người tử tế của nữ văn sĩ Đoọkmai Xột. Đó là những tác phẩm báo trước cuộc chính biến 1932 trong đó những trí thức Tây học có ý thức về vai trò của mình nhằm thay đổi xã hội theo một hướng phù hợp với đạo lý bác ái của đạo Phật. Nếu như ở đây vắng bóng thần tiên, ma qủy, các ông hoàng, bà chúa của VHDG thì nó lại có một điểm rất lạ, khác tiểu thuyết Việt Nam, mà có màu sắc những tác phẩm của văn học Nga thế kỷ XIX, trong sự phủ nhận văn minh vật chất phương Tây và quan hệ xã hội lạnh lùng của phương Tây. Những bài phân tích Tolstoi của Lênin khiến tôi thấy có cái gì của Tolstoi ở nền văn học Thái Lan, ở đấy trí thức không phải đấu tranh chống chế độ áp bức thực dân mà chống bản chất văn hóa vụ lợi, lạnh lùng của phương Tây. Trong văn học Việt Nam giai đoạn 30-40, tôi thấy ảnh hưởng của văn học Pháp rất rõ nhiều hơn là ảnh hưởng của văn học dân gian, còn trong văn học Nga, một con người làng xã như tôi thấy có ảnh hưởng tâm thức dân gian. Văn học dân gian và chính đây là điều văn học Tây Âu còn thiếu đã tạo nên sự lôi cuốn mới mẻ của Puskin, Gôgôn, Sêkhop. Trong văn học hiện đại của Thái Lan cũng có hiện tượng này.
Cái nét mới của văn học Thái Lan hiện đại chính là thái độ chống văn minh vụ lợi Tây Âu ở bản thân nó. Văn học các nước khác chống thực dân nhưng thiên về chính trị nên thường coi nhẹ mặt diễn biến hòa bình. Những nhà văn nổi tiếng nhất của Thái Lan như Đoọcmai Xột, Phaythun Xủnthon (Sự yên lặng trước cơn bão), Xurăng Khanăng (Người đàn bà sa ngã), Xểni Xaovaphông (Một tâm hồn đồi bại) đều chống lại chính hiện tượng gần đây được gọi là sự diễn biến hòa bình hoặc xây dựng hình tượng những nhân vật mới tích cực chống lại hiện tượng này bằng cách quay về cuộc sống cộng đồng chung với người lao động, như trường hợp Laokhămhon (Trời không ngăn nổi), Xuvăni Xukhaytha (Anh ấy tên là Kan).
Trí thức Thái Lan là trí thức có số lượng đông đảo, có học vấn phương Tây sâu sắc nhưng không hài lòng về trách nhiệm của mình đối với quần chúng lao động vì họ không đổi mới được cuộc sống của nông dân. Từ đó xuất hiện nhiều tiểu thuyết phê phán có giá trị về cuộc sống và trách nhiệm của văn học đối với quần chúng lao động. Một số người đã từng đặt hy vọng vào chủ nghĩa xã hội, nhưng kinh nghiệm của Đại cách mạng văn hóa Trung Quốc, và cách mạng Cămpuchia khiến họ hoang mang. Họ chống lại phái quân nhân, nhưng tình hình chính trị Thái Lan trong đó các vị tướng thổi phồng nguy cơ cộng sản làm họ chùn bước. Trong giai đoạn mới, khi tình hình ĐNA đã thay đổi, nguy cơ cộng sản không còn, tất nhiên phái quân sự khó lòng tiến hành chính sách mượn cớ nguy cơ cộng sản để đàn áp và văn học Thái Lan thấm nhuần những lý tưởng cao đẹp muốn xây dựng một văn hóa thấm nhuần bác ái và bình đẳng sẽ có điều kiện lôi cuốn ĐNA bởi chính sự am hiểu thực tế VHDG của họ, kết hợp với sự hiểu biết của họ về nguy cơ diễn biến hòa bình của văn minh phương Tây cũng cao hơn. Những ảnh hưởng nghiêm trọng do ảnh hưởng của mặt tiêu cực trong diễn biến hòa bình đã phản ảnh trong văn học hiện nay sẽ nâng cao giá trị của nền văn học này trước mọi người. Khi chế độ thực dân không còn, cuộc đấu tranh cho phúc lợi của ĐNA sẽ gắn liền với cuộc đấu tranh chống lại mặt diễn biến hòa bình của văn hóa phương Tây, kinh nghiệm của Thái Lan về mọi mặt sẽ là qúy giá bởi vì Thái Lan là nước duy nhất ở ĐNA trải qua kinh nghiệm này trong suốt hai thế kỷ, trong khi các nước khác đều phải lo giải phóng dân tộc. Con đường Thái Lan đã đi có nhiều điểm trùng với con đường ASEAN sẽ đi, cho nên việc hiểu Thái Lan cũng như văn học Thái Lan sẽ là một nhiệm vụ chung quan trọng của ASEAN.
24. Mianma, trước đây thường gọi là Miến Điện, trước cuối thế kỷ XVIII là lịch sử tranh giành chia cắt giữa những tộc người khác nhau, mỗi tộc người như vậy đều đã dựng lên những nhà nước riêng. Năm 1044, vua Anuratha thiết lập bá quyền Miến Điện ở thung lũng Iraoatđi, cai trị Thaton thủ đô của người Môn và chấp nhận đạo Phật tiểu thừa của người Môn. Thủ đô của nước là Pagan “đô thị của một ngàn ngôi chùa”, nổi tiếng trong lịch sử cổ đại bị người Mông Cổ chiếm vào năm 1287, sau đó miền Thượng Mianma bị người Shan chiếm, còn miền Nam lại bị người Môn chiếm. Năm 1758, Alaungapaya đoàn kết người Mianma, đánh bại người Môn rồi thiết lập kinh đô ở Rangun mở rộng đất nước đến phạm vi hiện nay. Năm 1924, thực dân Anh đã tìm cách thống trị Mianma sau 60 năm kịch chiến với các tộc người chống lại chế độ thực dân. Trong thế chiến II, quân Nhật chiếm, Aung San thành lập Liên minh nhân dân tự do chống phát xít cùng với quân Anh đánh đuổi quân Nhật khỏi Mianma vào năm 1945. Vì thế lực thực dân Anh đã suy yếu, người Anh phải chấp nhận cho Mianma độc lập. Ngày 17 tháng 10 năm 1947, Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Liên bang Mianma thành lập, và ngày 4 tháng 1 năm 1948 tuyên bố độc lập.
Văn học Mianma rất ít người biết đến. Trong bài này chúng tôi viết theo chương Văn học Mianma trong Văn học Đông Nam Á của Lưu Đức Trung (Nxb. Giáo dục, H. 1998). Nền văn học Mianma dựa trên một truyền thống VHDG phong phú. Cũng như các nước ĐNA, nó có những điểm chung đã nói ở trên, thần thoại Mianma nói đến sự xuất hiện chín vị thần xuống trái đất, trước tiên ăn cây leo paxalatha để sống, sau đó tìm được cây thalêxan tức cây lúa, rồi sinh lòng dục làm thành bốn cặp vợ chồng đầu tiên. Các truyền thuyết về nguồn gốc con người, đất nước, các hiện tượng thiên nhiên, các thần nát có nhiều điểm chung với các tộc người khác ở ĐNA. Khi Anurathata lấy tiểu thừa làm quốc giáo thì ông chấp nhận cả các tín ngưỡng dân gian. Ngoài tiếng Sanskrit, tiếng Pali, tiếng Môn cũng thông dụng. Văn bia từ thế kỷ XI, XII ghi công đức các nhà vua và lòng biết ơn của thần dân đối với họ. Nổi tiếng nhất là văn bia Alungsithu (1112-1167) dựng lên khắc bốn thứ chữ: Môn, Piu, Mianma, Pali.
Cũng như Thái Lan, VHDG Mianma chịu ảnh hưởng Phật giáo. Jataka của Ấn Độ có 547 truyện được biên soạn thành 50 tập và được dân gian hóa. Mianma có nhiều thể thơ dân gian, thơ kể truyện lịch sử gọi là ejing, thơ ca ngợi gọi là môgung, thơ tả thiên nhiên gọi là yađu và tota, các thể thơ thường có 4 âm tiết. Các bài thơ dân gian thường lấy nội dung về cuộc đời của những nhân vật lịch sử, tình yêu, những cuộc hành hương. Các truyện về các núi non, cây cối, tài nguyên cũng phản ảnh cách nhìn chung của linh hồn giáo. Đặc biệt Yagan về Rama (1782) phỏng theo tác phẩm Ramayana của Ấn Độ được chuyển thành kịch để trình diễn trong các lễ hội, Đạo lý tự nhiên của Ananđatura đau xót cho hoàn cảnh con người bất lực trước số phận, Chiếc gương thần kỳ kể về mối tình giữa một nàng công chúa với một hoàng tử là tác phẩm nổi tiếng của Svedong Thihatu, Biên niên sử lớn của cung điện thủy tinh (1832) do nhiều người viết được xem là cuốn bách khoa về lịch sử Phật giáo và lịch sử Mianma. Nhiều vở kịch nổi tiếng xuất hiện lấy đề tài từ các cuộc tranh giành trong các triều đại quân chủ. Aduminau để lại nhiều bài thơ về cuộc đời và chiến công của những nhân vật lịch sử. U Chin U đầu thế kỷ XIX là người sáng lập kịch cổ điển: Papakhêin phơi bày sự rạn nứt của chế độ vua chúa mâu thuẫn quyền lợi trong việc giành ngai vàng. Li Pong Nha viết những vở kịch đề cao đạo đức người lao động.
Dưới thời người Anh cai trị, việc ấn loát được phổ biến, một số tác phẩm phương Tây được dịch. Đạo Phật bị lép vế trong việc truyền bá giáo dục, và bản sắc văn hóa Mianma bị những phá hoại chung mà ta thấy trong mọi nước thuộc địa trước văn minh vật chất phương Tây dựa trên đồng tiền, xác thịt. Điều này làm nẩy sinh sự chống đối của tầng lớp trí thức mới chịu ảnh hưởng văn học phương Tây, các báo chí tiến bộ kết hợp với phong trào bảo vệ Phật giáo biểu hiện của trào lưu duy trì văn hóa dân gian chống văn minh thực dân. Năm 1897 Hội Phật giáo được thành lập, năm 1906 Hội Liên hiệp thanh niên Phật giáo yêu cầu chấn hưng Phật giáo, phổ cập giáo dục tiểu học không lấy học phí, người phương Tây phải tôn trọng tập quán người Mianma. Cả bốn nước đã từng lấy Phật giáo làm quốc giáo (Lào, Cămpuchia, Mianma, Thái Lan) đều có một sách lược chung do bản thân sự đối lập giữa VHDG với văn minh vật chất phương Tây, dẫn tới những cách đấu tranh giống nhau trong đó những người chủ chốt là những người có học vấn Tây phương, nhưng không chấp nhận văn minh vật chất của phương Tây.
Takin Côđô Hmanh (1876-1964) viết những tác phẩm kiểu tica gần với tạp văn như Tica về sức mạnh, Tica về con công, Tica về cuộc bãi công, Tica về những người yêu nước, tiểu thuyết Một điển hình về lời răn lễ độ, những vở kịch ca ngợi lịch sử oanh liệt (Upxaca, Mahava), những tác phẩm sử học, và ông được xem là “người vun xới những mầm mống yêu nước của dân tộc”. Vào những năm 30, xuất hiện dòng văn học mang tên “Đời mới” của những giáo sư đại học và những nhà văn Răngun, đấu tranh chống lại cái cũ lạc hậu, xây dựng cái mới, coi trọng đời sống nhân dân, chống lại việc bắt chước văn học phương Tây. Mahakhêvi (1900-1953) viết trên 60 tiểu thuyết, 500 truyện ngắn phản ảnh tinh thần yêu nước chống thực dân, nổi tiếng nhất là các tiểu thuyết: Mẹ chúng ta, đề cao tổ quốc. Min Đu Vun là nhà văn, nhà ngôn ngữ học, Khin Lêi viết Đại bàng vàng, Cuộc sống của người phụ nữ. Tổ chức Đôbana đề ra khẩu hiệu: “Yêu tổ quốc, tôn trọng ngôn ngữ chúng ta”, trong đó nổi bật U Tin Phát, tác giả tiểu thuyết Ngã ba (1947) nêu lên ba con người thuộc những nghề nghiệp khác nhau đã đoàn kết đấu tranh giải phóng dân tộc trong chiến tranh thế giới II.
Sau khi giành được độc lập dân tộc, Mianma thi hành chính sách trung lập, không vào khối SEATO và tìm cách thực hiện chủ nghĩa xã hội, nhưng công cuộc xã hội hóa nền kinh tế quá vội vã làm kinh tế bị kém sút. Phái quân nhân nắm chính quyền nhưng Liên minh dân tộc vì dân chủ đã thắng trong cuộc bầu cử năm 1990. Tình hình kinh tế và chính trị của Mianma gặp nhiều khó khăn. Tình hình này cũng được phản ảnh trong văn học.
Bamo trong vòng 15 năm đã viết 6 quyển tiểu thuyết có giá trị, đặc biệt hai quyển Giáo sư Oan Chiê, Nga O viết về nông thôn và những cố gắng vất vả của nông dân để đổi mới thân phận của mình. Khin Vei Vei, sinh năm 1943, được gọi là “Đứa con chân chính của đất nước Mianma” với bài thơ Con đường sống, nhà văn U Trí Jin được giải thưởng văn học lớn nhất của Mianma với Đất nước trên núi và hoa trên trái đất (1964). Thấm nhuần những yêu cầu của VHDG, văn học Mianma hiện đại chủ yếu thiên về hướng hiện thực phê phán, tiêu biểu nhất là nữ văn sĩ Đjanhebo Ma Ma Lai với truyện ngắn Người mẹ ra đời, các tiểu thuyết Chị ấy, Hai cuộc sống khẳng định diện mạo những thanh niên trí thức dám sống cho nhân dân, chống lại lối sống ích kỷ của phương Tây.
Điều bất lợi cho Mianma là nó sống biệt lập với cả CNTB cũng như CNXH, trong một tình trạng tự túc về hệ tư tưởng. Trong hoàn cảnh ĐNA ngày nay, khi Mianma gia nhập khối ASEAN dĩ nhiên sẽ có những thay đổi có lợi cho Mianma cũng như cho toàn khối nói chung.
25. Cămpuchia là một nước có lịch sử lâu đời, với những thay đổi, những thăng trầm đột ngột nhất. Vào thế kỷ X nó là đế chế hùng mạnh nhất ở ĐNA, và sự phồn vinh, giàu có của nó còn biểu lộ ở các di tích Angkor thuộc loại kỳ quan của kiến trúc nhân loại. Lúc đó, đạo Bà La Môn là chính, và ngôn ngữ bác học là tiếng Sanskrit. Sau đó, đế chế sụp đổ trước cuộc xâm lăng của Xiêm, thủ đô chuyển sang Phnom Pênh, đạo Phật tiểu thừa trở thành quốc giáo, tiếng Pali gọi là Nam Phạn thay thế tiếng Sanskrit gọi là Bắc Phạn, đồng thời văn tự Khơme ra đời cùng với văn học Khơme.
VHDG Khơme là nền tảng của văn học Khơme trong đó thể hiện một sự dung hợp độc đáo với các truyền thống VHDG Ấn Độ được mọi tầng lớp nhân dân, kể cả vua chúa chấp nhận. Các vị thần chung của ĐNA, gọi chung là Neak Tà, tức là các thần bản thổ được thờ bên cạnh các vị thần gốc Ấn Độ, chỉ khác về tên gọi. Kali trong văn chương bác học được nhân dân gọi là Nang Khmau, Siva là Neak Tà Tám Đầu, còn Visnu gọi là Neak Tà Chuýthấtbai.
Các Neak Tà này là nhân vật chính của các huyền thoại về nguồn gốc vũ trụ, đất nước, và những nhân vật có công với nước, với quê hương chống ngoại xâm đều được thờ và huyền thoại của họ gắn liền với tên các con sông, các ngọn núi, các kiến trúc, điều ta cũng thấy ở Việt Nam. Không những thế, vì văn hóa Cămpuchia dành vai trò cho vũ, điêu khắc, hội họa một địa vị còn lớn hơn ở Việt Nam cho nên đâu đâu trên đất nước cũng thấy những kiến trúc, những bức tranh gắn liền với các huyền thoại, trong đó nét chính là yếu tố Ấn Độ hoà nhập vào yếu tố bản địa chứ không đối lập nhau.
Ta có thể dẫn huyền thoại về Kaunđinya, một người Bà La Môn Ấn Độ lấy nàng Sôma con vua Rắn lập nên nước Phù Nam, các sự tích về Angkor Vát và Vát Nokor, sự tích chùa Nokor Batay. VHDG Cămpuchia cũng có những truyện kể về những đứa con mồ côi được hạnh phúc như kiểu Thạch Sanh: Nêang Cantóc và Nêang Song Ancát, Hai anh em mồ côi, Thằng ăn trộm lương thiện... những truyện về những con người và những con vật thông minh lừa được mọi đối tượng có địa vị và thế lực hơn mình: Thmênh Chây, Thằng Lêu, Con thỏ, Chàng Sọ dừa, những truyện cổ tích về động vật nêu lên những đặc điểm tiêu biểu về từng loại vật: Tại sao ngựa không bay được nữa? Hươu, rùa và vẹt, Con cò thông minh. Con thỏ là nhân vật khôn ngoan chủ chốt của rất nhiều tộc người ở ĐNA.
Jayavarman II, người giành lại độc lập đất nước từ đế chế Srijivaya dựng lên nhà nước Angkor theo đạo Bà La Môn và thiết lập chế độ Vua-Thần. Trong thời kỳ này Riêm Kê được viết sao phỏng theo sử thi Ramayana. Từ thế kỷ XV trở đi, người Cămpuchia phải rời bỏ Angkor và quên hẳn thành phố này, ảnh hưởng Bà La Môn bị Phật giáo tiểu thừa thay thế, và Mahabharata là cơ sở cho nhiều vở kịch.
Trong hoàn cảnh đạo Bà La Môn làm chủ, Cămpuchia là đất nước của vô số bi ký. Người ta tìm thấy được khoảng 1052 bia làm cơ sở cho lịch sử Cămpuchia bằng các ngôn ngữ Sanskrit, chữ Pali và Khơme với nội dung ca ngợi vị vua và các qúy tộc đã xây dựng các điện thờ, đồng thời trình bày hoàn cảnh đất nước, nhân dân trong thời gian dựng điện thờ. Khi Phật giáo thay thế Bà La Môn giáo, các câu chuyện trong Jataka làm thành cốt truyện cho nhiều tác phẩm và truyện thơ trở thành thể loại chính, tập trung chung quanh hai đề tài chủ đạo là tôn giáo và tình yêu.
Đề tài tôn giáo thường xuất phát từ những tác phẩm Ấn Độ như Riêm Kê, Prêchănavông, Xôpbôxâtthi, Côrông Xôphẹ Mứt, Panasa Jataka gồm 50 kiếp của Đức Phật, Nàng Ca Cây tuy lấy đề tài từ Jataka nhưng lại nói đến một người dàn bà đẹp khát khao tình yêu, nạn nhân của cuộc sống cung đình, không chung thủy với chồng, chết trong cô đơn mở đầu cho nhiều truyện kể về những trắc trở của đôi trai gái trong tình yêu, điều mà ta thấy trong Chau Sratốp Chế (Người tự trang điểm bằng bẹ lá chuối) của Yo Nghin, Phôcaculcôma của Ôcnha Khleng Nong, Nàng Uttamit trong đó đôi bạn cuối cùng lấy được nhau sau nhiều trở lực cũng giống như nhiều truyện thơ Việt Nam. Riêng Tum Tiêu kể lại một câu chuyện có thực vào thế kỷ XIV, được nhiều người viết thành nhiều tác phẩm. Tác phẩm Truyện Tiêu Êk hiện nay do Uk Nha Viphularajasena Nakon (1847-1947) viết, người đã từng học ở Pháp và viết nhiều tác phẩm. Ông biên soạn nó theo Tum Tiêu của Som lại kết thúc bằng cái chết của chàng Tum và nàng Tiêu thu hút nhân dân bởi chính hoàn cảnh thực tế của người dân Cămpuchia bị bọn giàu có chà đạp nên lôi cuốn mọi người.
Tuy Cămpuchia bị cai trị từ năm 1863, nhưng thực dân chú trọng chính về khai thác kinh tế (lúa gạo, đá qúy, cao su...) nên tuy có một vài thành phố như Phnom Pênh ra đời nhưng ảnh hưởng văn hóa phương Tây không lớn. Việc Latinh hóa chữ Khơme không thể thực hiện được do sự chống đối mạnh mẽ của các nhà sư. Đến năm 1934 cả nước chỉ có 23 trường với 7.204 học sinh từ trung học trở xuống. Những nhà văn sau này như Rim Kin, Nu Hách, Hem Jeng đều xuất thân từ trường trung học Sisovat của Pháp ở Phnôm Pênh, và một số ít những trí thức được đào tạo ở Pháp. Mặc dầu thế đã hình thành nên cơ sở cho một tầng lớp độc giả mới và cùng với nó là một nền văn học chịu ảnh hưởng phương Tây. Từ sau năm 1930, tầng lớp trí thức Cămpuchia do sự gắn bó với văn hóa dân tộc, chống thực dân và có khuynh hướng dân chủ, đã tập hợp lại quanh tờ báo Nokor Vat.
Thể loại tiểu thuyết văn xuôi ra đời, được đánh dấu bởi Xô Phát (1938) của Rim Kin. Nó mở đầu cho loạt tiểu thuyết tình trong đó đề tài tình yêu vốn là quen thuộc kết hợp với những băn khoăn nội tâm về sự chênh lệch trong địa vị xã hội, ám ảnh về tính chất mong manh, dễ vỡ, không thể kết thúc bằng hôn nhân, nói lên tình trạng cô đơn của các nhân vật, điều không thấy trong VHDG trước đây mà do ảnh hưởng phương Tây. Đó là những nét chung trong loạt tiểu thuyết tình yêu mới như Nước hồ Tônlê Sap (1930) của Kim Hắc, Hoa tàn hoa nở (1941) của Nu Hách, Hoa hồng Paylin (1943) của Nhốc Them... Nó phản ảnh quá trình đô thị hóa đã bắt đầu với những xung đột giữa mới và cũ, giữa hai thế hệ cha mẹ và con cái, những điều ta thấy ở mọi xã hội phương Đông nhưng vì tình hình xung đột xã hội ở Cămpuchia chưa gay gắt cho nên dù có một vài nhân vật đi đến chuyện tự sát hay giết người câu chuyện vẫn chưa thực sự rời khỏi những khuôn khổ Phật giáo.
Phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc mà Việt Nam tiến hành đã ảnh hưởng tới Cămpuchia, và phát triển sau khi Đảng nhân dân cách mạng ra đời vào năm 1951, dẫn tới sự xuất hiện những tiểu thuyết xã hội: Giai cấp (1951) của Chay Chun, Malia Đuông Chất (1952) của Nu Hách, tiểu thuyết nêu lên nhân vật Tikhivut đấu tranh cho dân tộc, vượt mọi ham muốn của tình yêu. Khuynh hướng phê phán xã hội tiếp tục trong giai đonạ 1954-1969, trong đó biểu lộ xu hướng đấu tranh cho phúc lợi của người lao động, với bộ ba tiểu thuyết của Un Thốc chủ bút báo “Phnôm Pênh” (Sim-người lái xe, Culi, Thầy giáo làng) của Lấc Xari trong Phận đàn bà. Tiếc rằng các tác phẩm xuất bản trong giai đoạn này cũng như trong giai đoạn 1970-1975 đều bị bọn Pol Pốt phá hủy, để thiết lập một chế độ diệt chủng, phản văn hóa.
Từ năm 1979 đến nay, văn học Cămpuchia bắt đầu phục hồi. Nội dung chính của văn học, trong thơ cũng như trong văn xuôi là chống lại chế độ diệt chủng, khẳng định những giá trị các truyền thống văn hóa và VHDG. Điều này biểu hiện trong sự xuất hiện nhiều tập thơ và một số tiểu thuyết Mưa trong mùa nực của Noun Chan, Mặt trời mọc trên ngôi làng mới của Yok Kun, Những người băng qua bão tố của Kong Boun Choeun. Hai tác phẩm được giải nhất trong cuộc thi văn học năm 1989, đều của Pal Vannariraks là: Tuần trăng khuyết đã qua, Chân trời hy vọng mới.
Văn học Cămpuchia, khác với văn học các nước ĐNA, đang trên con đường phục hồi. Điều đó có thể khẳng định là VHDG của nước này vốn rất mạnh mẽ sẽ có điều kiện tạo nên một nền văn học mới kết hợp được những giá trị cũ với những yêu cầu mới của thời hiện đại.
26. Bài trình bày trên đây dĩ nhiên không thể nào là đầy đủ. Người viết không phải là người am hiểu các văn học ở ngay ngôn ngữ bản địa mà mới chỉ dựa vào những công trình đã viết về văn học ĐNA lục địa để đưa ra một vài nhận xét khái quát theo cách nhìn của văn hóa học về một kiểu lựa chọn của văn học vùng này. Tuy vậy nó cũng cho thấy một nền văn học khu vực này rất khác các nền văn học phương Tây, Trung Quốc và Ấn Độ. Trong nền văn học này, VHDG đóng một vai trò chủ đạo và vẫn tồn tại dưới những hình thức, những thể loại có thể vay mượn ở các nền văn học khác. Do đó, việc nghiên cứu nền văn học của khu vực này cần phải được chú ý tới VHDG để tránh cách nhìn Âu châu luận. Cái nét chung của năm nền văn học là trách nhiệm với đất nước, người lao động, hạnh phúc gia đình và yên ổn trong cuộc sống, được cộng đồng qúy trọng rồi từ đó mới nâng lên tính duy lý, tính toàn nhân loại và giá trị cá nhân, những đóng góp của văn hóa phương Tây. Nó không tách cá nhân ra ngoài cộng đồng như văn học phương Tây. Những đặc điểm này chứng minh sự gắn bó của nó với VHDG
Nguồn: Viện Văn học