Tìm hiểu loại truyện cổ tích lũy tích các dân tộc Việt Nam

Tóm tắt

Truyện cổ tích luỹ tích là một loại truyện đặc biệt bởi sự không thống nhất rất lớn trong cách hiểu bản chất loại của nó, vì chỉ với kết cấu xâu chuỗi thôi thì những đề tài-cốt truyện đa dạng trong đời thực có thể tồn tại xuất hiện cùng lúc trong nhiều thể loại, nhóm, tiểu loại, loại hay kiểu truyện nhất định nào đó. V.Ia. Propp đã thử nêu ra định nghĩa của loại truyện này với việc phân loại làm 11 mẫu loại khác nhau. Thông qua kết quả khảo sát và so sánh 26 truyện cổ tích luỹ tích của các dân tộc Việt Nam thuộc nhiều nhóm ngữ hệ được phân làm hai type truyện “sai đi hay đuổi theo” thuộc tiểu loại truyện cổ tích loài vật (13 truyện) và type truyện “những cuộc đổi chác có lãi” thuộc tiểu loại truyện cổ tích sinh hoạt (13 truyện), bài viết có nhiệm vụ gợi ra sự quan tâm nghiên cứu loại truyện này trong kho tàng truyện kể dân gian Đông Nam Á.

 

1. Trước tiên, cần nhắc qua giới thuyết về truyện cổ tích luỹ tích. Trong bộ Tuyển tập V.Ia. Propp (2 tập, Nxb Văn hoá dân tộc và Tạp chí Văn hoá nghệ thuật, Hà Nội, 2003 và 2005), ở Tập 2, Phần: Folklore và thực tại, Chương X: Cổ tích luỹ tích, nhà cổ tích học nổi tiếng người Nga V.Ia. Propp nêu ý kiến rằng: “Truyện cổ tích luỹ tích, trong những bản in cuối bảng danh mục của Aarne-Thompson, đã được phân loại chính là theo tính chất cấu trúc của chúng…. Lượng tư liệu đề cập đến các truyện cổ tích luỹ tích khá lớn, nhưng vẫn chưa có một định nghĩa được tất cả mọi người chấp nhận cho khái niệm này. Lịch sử nghiên cứu cổ tích luỹ tích được trình bày rất tốt trong cuốn sách của M.Haavio. Tuy nhiên sự không thống nhất trong cách hiểu bản chất loại truyện cổ tích này cũng rất lớn, điều này có thể thấy rõ dù chỉ qua bài báo của A.Taylor. Tác giả nói về các truyện cổ tích luỹ tích, cho rằng chúng xuất hiện trên cơ sở những điều khủng khiếp thấy trong giấc mơ… Trước khi bắt đầu nghiên cứu các truyện cổ tích lũy tích phải cần đưa ra một định nghĩa, dù chỉ là sơ bộ xem nó là cái gì… Thủ pháp nghệ thuật chủ yếu của các truyện cổ tích là việc lập lại nhiều lần một số hành động hay yếu tố, trong chuỗi mắc xích được tạo ra theo cách thức đó còn chưa bị đứt đoạn hay chưa bị tháo tung ra theo trật tự ngược lại… Truyện cổ tích luỹ tích được xây dựng không những theo nguyên tắc xâu chuỗi, mà còn theo cả những hình thức hết sức đa dạng của sự kết hợp, chồng chất, tích luỹ, thường kết thúc bằng một tai nạn vui vẻ nào đó” [2, tr.729-731]. Loại truyện này được các ngôn ngữ phát triển định danh với những thuật ngữ chuyên môn mang ý nghĩa tương cận như: vì thuộc loại formula-tales (truyện công thức) nên được mang tên cumulative, accumulative storie (Anh), liên quan với từ cumular trong tiếng La-tinh nghĩa là tích luỹ, chồng chất và tăng tiến; trong tiếng Đức có nghĩa là cổ tích chồng xếp, cổ tích liệt kê; trong tiếng Pháp có tên randounées nghĩa đen là “xoay quanh một vị trí”. Và những ví dụ được các nhà nghiên cứu đưa ra cho thấy rằng ở mọi nơi trong những cách diễn đạt khác nhau đều nói về một sự chồng chất nào đó. Toàn bộ sự quan tâm và toàn bộ nội dung của loại truyện cổ tích luỹ tích nằm ở sự chồng chất dưới những hình thức đa dạng. Chúng không chứa những sự kiện thú vị, có nội dung nào của trật tự cốt truyện. Kết cấu của các truyện cổ tích lũy tích nếu không phụ thuộc vào các hình thức biểu diễn thì hết sức đơn giản. Chúng bao gồm ba phần, mở đầu, tích lũy và kết thúc. Mở đầu thường bắt nguồn từ một sự kiện không đáng kể nào đó, hoặc một tình huống hết sức bình thường trong cuộc sống. Sau đoạn mở đầu là một xâu chuỗi. Các phương thức gắn kết giữa đoạn mở đầu với xâu chuỗi nhiều vô kể. Có những trường hợp tạo ra xâu chuỗi là có nguyên cớ và cần thiết. Song cũng có một số không cần sự hợp logic nào. Theo nguyên tắc đó có thể phân biệt hai kiểu cổ tích loại này. Chiếm ưu thế là kiểu truyện thứ 2 – nghệ thuật của những truyện cổ tích như vậy không đòi hỏi sự hợp lý nào cả. Những nguyên tắc theo đó xâu chuổi được tăng lên rất đa dạng. Những truyện cổ tích khác được xây dưng trên hàng loạt thay thế hay đổi chác, có thể diễn ra trong trật tự tăng tiến từ xấu đến tốt hay ngược lại theo trật tự giảm sút từ tốt đến xấu. Hàng loạt truyện cổ tích lũy tích được xây dựng trên cơ sở xuất hiện lần lượt những người khách không mời mà tới. Ví dụ trong truyện của người Việt Vụ kiện châu chấu[1], con châu chấu không được chim ri mời nhưng vẫn đến tá túc ở nhà chị chim ri để cuối cùng gây ra những chuyện kiện cáo sau này. Kết cấu này có nguồn gốc từ một kiểu tư duy và từ một loại nghi lễ luận tội thời nguyên thủy. Những truyện cổ tích khác có kỹ thuật tự sự tiêu biểu, đặc biệt của riêng chúng. Ở đây, tương ứng với sự chồng chất hay tăng tiến các sự kiện là sự chồng chất, lặp đi lặp lại những đơn vị cú pháp hoàn toàn giống nhau (chỉ khác ở chỗ chúng chỉ các chủ thể hay khách thể mỗi lúc mỗi mới), và những yếu tố cú pháp khác. Mỗi lần mắc xích mới được nối vào thì tất cả những mắc xích trước đó được nhắc lại. Sự độc đáo về từ ngữ như vậy trong các truyện cổ tích lũy tích làm chúng trở thành trò tiêu khiển của trẻ con vốn thích những từ ngữ, những câu nói luyến mới mẻ, hóm hỉnh và độc đáo. Phần lớn các truyện cổ tích phương Tây hoàn toàn có thể gọi là truyện thiếu nhi. Truyện cổ tích lũy tích có thể dùng để gọi chỉ những truyện cổ tích mà toàn bộ kết cấu truyện được xây dựng dựa trên nguyên tắc tích lũy đã được miêu tả. Bên cạnh đó, sự tích lũy có thể là một thành phần, một yếu tố trong truyện cổ tích thuộc bất kỳ hệ thống kết cấu nào khác. [2, tr.727-758]. Theo Propp, trong bảng phân loại truyện dân gian Nga của mình có các mẫu về loại truyện cổ tích luỹ tích như sau: 1. Loại sai đi hay đuổi theo, 2. Loại bị ăn thịt (bị ăn hay thoát được), 3. Loại đổi chác, 4. Xin được vào nhà hay bị đuổi khỏi nhà (hay không cho vào nhà), 5. Xin lên xe trượt tuyết (xe ngựa, thuyền), 6. Tậu được hay được thưởng, 7. Những hành động không đúng lúc, 8. Loại từ chối giúp đỡ, 9. Dính vào nhau, đứng lên trên nhau, 10. Chết vì những chuyện vớ vẩn, 11.Hỏi, liệt kê, kể đi kể lại nhiều lần.

2. Ở Việt Nam, chúng tôi tìm thấy có 26 truyện cổ tích luỹ tích hoặc truyện có yếu tố luỹ tích được chúng tôi phân làm 2 nhóm: Loại / type truyện sai đi hay đuổi theo và Loại / type truyện đổi chác có lãi (hoặc type truyện “Những cuộc đổi chác có lãi”, 842A, A-T [1, tr.503]).

Thuộc type truyện sai đi hay đuổi theo có 13 truyện: người Việt có 2 truyện Vụ kiện châu chấu Chiền chiện và ông sư[2], người Tày có 1 truyện Tại sao bụng con ve không có ruột?[3], người Thái có 2 truyện Tại sao ve không có ruột?[4] Già cú và hoẵng[5], người Dao có 2 truyện Tại sao ve không có ruột?[6] Gà và xoẹt xoành thưa kiện[7], người H’Mông có 1 truyện Chuyện về giống chuột[8], người Phù Lá có 2 truyện Sự tích cổ cò ba nấc[9] Sự tích chân vịt bẹt, mỏ bẹt[10], người Khơ Mú có 1 truyện Chim ngói kiện cú mèo[11], người  Ê Đê có 1 truyện Quạ là kẻ gian[12], người Tà Ôi có 1 truyện Coai Turoai và tên nhà giàu độc ác[13].

Thật ngẫu nhiên, thuộc type truyện đổi chác có lãi cũng có 13 truyện của các dân tộc ở Việt Nam: người Việt có 2 truyện Chàng ngốc được kiện[14] Chàng ngốc đi buôn[15], người Tày có 1 truyện Người có mười con trâu[16], người H’Mông có 1 truyện Một người dại nhất[17], người Phù Lá có 2 truyện Truyện trâu ăn thịt dê[18] Đền vợ[19], người Ê Đê có 2 truyện Bác Blông Bluê[20] Chàng Tân thật thà[21], người Kơ Ho có 1 truyện Chàng Sruöch đi buôn[22], người Mạ có 1 truyện Thằng ngốc Măng K’Ròn[23], người Mơ Nông có 1 truyện N’Kring người khờ bắt voi rừng[24], người Tà Ôi có 1 truyện Chàng Tu dê[25], người Xơ Đăng có truyện Chàng mồ côi và con kiến[26].

Khảo sát hai type truyện cổ tích luỹ tích, xét về mặt thể loại, điều chúng tôi nhận định là thực trạng những truyện cổ tích luỹ tích ở các dân tộc Việt Nam được thấy có mặt chủ yếu ở hai tiểu loại truyện cổ tích gồm: tiểu loại truyện cổ tích loài vật và tiểu loại truyện cổ tích sinh hoạt. Điều đó là trùng khớp với nhận định của A. Taylor rằng có sự không thống nhất trong cách hiểu bản chất loại truyện cổ tích này, bởi lẽ chỉ với kết cấu xâu chuỗi thôi thì những đề tài-cốt truyện đa dạng trong đời thực có thể tồn tại xuất hiện cùng lúc trong nhiều thể loại, nhóm, tiểu loại, loại hay kiểu truyện nhất định nào đó. Ở Bảng 1, chúng tôi phân loại tất cả 13 truyện thuộc cùng tiểu loại truyện cổ tích loài vật với chủ đề chính là suy nguyên về đặc tính sinh học của loài vật bên các chủ đề đa dạng khác. Ở Bảng 2, chúng tôi phân loại 13 truyện thuộc tiểu loại truyện cổ tích sinh hoạt, trong đó chỉ có 2 truyện Chàng Sruöch đi buôn của người Kơ Ho và truyện Chàng Tu dê của người Tà Ôi thuộc tiểu loại truyện cổ tích sinh hoạt có mang nhiều yếu tố thần kỳ, còn lại 11 truyện khác thuần tuý thuộc tiểu loại truyện cổ tích sinh hoạt với các chủ đề đa dạng song vẫn tập trung ở chủ đề “chàng ngốc”.

3. Khảo sát và so sánh type truyện “sai đi hay đuổi theo”

Ở type truyện cổ tích loài vật này, chúng tôi phân loại 13 truyện theo các chủ đề sau: 9 truyện có chủ đề suy nguyên về đặc tính sinh học của loài vật (Tại sao bụng con ve không có ruột?- Tày,  Tại sao ve không có ruột? - Thái, Già cú và hoẵng – Thái, Tại sao ve không có ruột?- Dao, Gà và xoẹt xoành thưa kiện – Dao, Chuyện về giống chuột – H’Mông, Sự tích cổ cò ba nấc – Phù Lá, Sự tích chân vịt bẹt, mỏ bẹt - Phù Lá, Quạ là kẻ gian – Ê Đê), 1 truyện “xử kiện-đổ thừa-vô tội” (Vụ kiện châu chấu – Việt), 1 truyện “xử kiện-đổ thừa-thiệt thân” (Chiền chiện và ông sư – Việt), 1 truyện “xử kiện-đổ thừa-diệt trừ” (Chim ngói kiện cú mèo – Khơ Mú), 1 truyện về mối quan hệ giữa con người và loài vật (Coai Turoai và tên nhà giàu độc ác- Tà Ôi).   

3.1. Về chủ đề suy nguyên về đặc tính sinh học của loài vật, 3 truyện sau đây  của 3 dân tộc Tày, Thái và Dao (Tại sao bụng con ve không có ruột?- Tày,  Tại sao ve không có ruột? - Thái, Tại sao ve không có ruột?- Dao) được xem là những dị bản của nhau cùng kể về sự tích loài ve không có ruột đều do tội của loài này: vì trời mát ve kêu chơi khiến cào cào giật mình dang chân đạp lòi ruột chim con nên ve bị moi ruột gan đền chim (truyện dân tộc Tày), vì chưa tối ve đã kêu khiến các loài vật (gấu, bí, vừng, gà, kiến, sóc, cùn ngứa, trâu, mô đất, nòng nọc) gây ra tai nạn mang tính xúc tác dây chuyền nên ve bị Then phạt đền ruột cho nòng nọc - ve không có ruột còn nòng nọc thì bụng to là từ sự kiện lây lan dây chuyền và chồng chất này (truyện dân tộc Thái), và rùa bị nai giẫm nứt mai là vì từ đầu ve vốn được Trời giao kêu báo sắp tối nhưng ve lười không đi kiếm ăn đói bụng kêu sớm ảo não khiến mọi loài vội chạy về đã gây ra tai nạn cho rùa, vì rùa đi kiện nên Trời phạt rút ruột ve về tội kêu không đúng giờ giấc (truyện dân tộc Dao). Có 2 dị bản truyện của hai dân tộc Phù Lá (Sự tích cổ cò ba nấc) và Khơ Mú (Chim ngói kiến cú mèo). Hai truyện này có cùng kết cấu nội dung nhưng lại có kiểu kết thúc khác nhau: truyện Sự tích cổ cò ba nấc kể rằng “Cò bị Mèo vặn cổ vì xơi mất mồi cá câu được bèn đi kiện Mèo; Cò gặp Trời và Trời đổ cho đi gặp Mây → Đống Mối → Trâu Cà → Dây Khiếu → Chuột → Vua Mèo chịu vặn cổ Cò trị tội ăn sẵn cá của Mèo và mắng: “Mày chỉ muốn ăn không muốn làm, vặn cổ mày là đáng”, và nhân lúc ấy chú Mèo tát cá đứng hầu kiện gần đấy thấy vậy càng được thể chạy lại túm lấy cổ Cò vặn một lần nữa; truyện Chim ngói kiện cú mèo có nội dung “Chim ngói bị cú mèo lừa ăn hết cá bắt được bèn đi kiện trời: chim ngói → trời → mây → gió → gò mối → trâu → dây thừng → chuột nhắt đang phân bua với ngói, thì cú mèo đứng rình từ đằng sau từ lúc nào không hay liền nhảy phóc đến nắm lấy cổ ngói bẻ ngéo đi một lần nữa. Ngói đau quá, nhưng lần này thì không kiện nữa, tự mình xử lấy được,… Sự trả thù mới dữ dội làm sao!”, trong đó kết thúc của truyện Phù Lá là Vua Mèo cùng Mèo vặn cổ Cò đến lần hai và lần ba là xong – nay cổ Cò có ba nấc là từ sự tích này, còn số phận cuối cùng của cú mèo kẻ gian trá trong truyện Khơ Mú là cú mèo bị chim ngói căm giận tột độ, không đi kiện nữa mà tự mình xử lấy được - diệt trừ hẳn kẻ thù. Đó là hai cách giải quyết riêng về cùng một nỗi oan ức mang tính chất tâm lý dân tộc của hai tộc người Phù Lá và Khơ Mú.  

Trong các truyện còn lại, chúng tôi đặc biệt lưu ý đến truyện của người Ê Đê (Quạ là kẻ gian). Đây là một truyện cổ tích loài vật suy nguyên về đặc tính sinh học của loài vật thuộc type truyện “Gốc tích bộ lông quạ’’ và thuộc Mẫu 1 của truyện cổ tích luỹ tích “loại sai đi hay đuổi theo”: Việc gửi đi là do một tai hoạ nào đó; kẻ bị nạn sai đi tìm sự cứu giúp. Kẻ đầu tiên gặp từ chối, bảo đến kẻ thứ hai, kẻ thứ hai bảo đến kẻ thứ ba v.v… [2, tr.744]. Truyện kể rằng: Nhà cóc bị sụp hố dấu chân nai may nhờ bầy giun đùn đất thoát, cóc đi kiện vua gà tiên; vua phán chào mào đi mời bọn nai đến hỏi chuyện: cóc đi kiện → nai đổ thừa do sợ nhím gùi chông → nhím đổ thừa do bồ chao la hét suốt ngày → bồ chao đổ thừa do thấy mắt đỏ loài cọp hung dữ, nhưng cọp dữ lại giết chết lính chào mào khiến vua sai toàn thể hợp sức diệt cọp, nhện giăng lưới sắp diệt được cọp thì quạ mách lẻo cho cọp chạy thoát; vua sai lính chèo bẻo trừng phạt quạ phản bội, đánh, đốt và nhuộm lông quạ đen thui. Đây cũng là loại truyện có nguồn gốc từ một kiểu tư duy và từ một loại nghi lễ luận tội thời nguyên thủy. Trong truyện này, tác giả dân gian Ê Đê không nhằm giải quyết mâu thuẫn giữa nhà cóc (người gặp nạn) với con cọp hung dữ (kẻ gây ra tai nạn), mà lại đưa thêm nhân vật quạ mách lẻo vào truyện nhằm lấy chứng cớ phạm tội phản trắc của loài quạ để nêu ra trong truyện “gốc tích bộ lông quạ” bị nhuộm đen.

3.2. Về chủ đề “xử kiện-đổ thừa-vô tội”

Cũng thuộc loại truyện “sai đi hay đuổi theo”, câu chuyện Vụ kiện châu chấu của người Việt lại có lối kết thúc chịu ảnh hưởng của tư tưởng từ bi hỉ xả của nhà Phật thông qua nhân vật vị phật dân gian là Bụt trong truyện đã xử vô tội và tha cho mẹ gà về vì gà mái không có vú không có sữa nuôi con phải đi lùng sục kiếm sâu vất vả nuôi bầy con khiến loài sâu phải bò lên cây gặm vỏ quả na, na rơi gây ra tai hoạ cho kẻ khác. Nhờ gà trống con biện luận có lý có lẽ cho mẹ gà nên Bụt đã xử vô tội cho mọi loài và tha cho mẹ con gà về với nhau.

3.3. Về chủ đề “tranh cãi-thiệt thân”

Cùng chịu ảnh hưởng của tư tưởng nhà Phật, nhưng ở một khía cạnh khác, tác giả dân gian người Việt nêu ra câu chuyện Chiền chiện và ông sư là nhằm lồng ghép một số tình tiết của truyện Sự tích chim tu hú – một sự tích tu hành không đắc đạo, vào một truyện cổ tích luỹ tích khác như là “Vự kiện cào cào” / “Chiền chiện và cào cào thưa kiện” chẳng hạn. Kết cấu của truyện theo công thức phải xuất phát từ việc vợ chồng chiền chiện phải đi kiện cào cào vì “cào cào vào ngủ nhờ nhà chim đã làm gãy chân chim con”, thế nhưng nội dung chính của câu chuyện lại là hai cuộc tranh cãi dữ dội và to tiếng: chim trống ghen tuông với chim mái vì bỏ đi qua đêm (thực tế là chim mái đi kiếm ăn bị hoa sen khép cánh giữ lại) và chim mái trách mắng cào cào không nhận lỗi mà còn to tiếng chối phắt trong khi đã vào ngủ nhờ nhà mình còn làm gãy chân chim con. Hai cuộc tranh cãi lớn tiếng đó nổ ra nơi tổ chim chiền chiện đang nằm bên tai vị sư đang tịnh tâm tu dưỡng để đắc đạo đã khiến nhà tu hành không nhẫn nhịn được với tiếng ầm ỹ điếc tai đã tức mình vứt tổ chim xuống đất và ông ta đã không được đắc đạo. Và số phận của vợ chồng nhà chim, cùng với chim con và vị khách không mời mà đến cào cào hẳn là cùng bị thiệt thân chung với tổ chim.   

3.4. Chủ đề về mối quan hệ giữa con người với loài vật

Có duy nhất một truyện của người Tà Ôi Coai Turoai và tên nhà giàu độc ác nói về chủ đề này, truyện được tóm tắt như sau: Trời hạn, mồ côi vào rừng gặp bà lão khát nước giúp bà đuổi voi đang vục bùn không đi bèn dùng rựa chặt đuôi khiến voi bỏ chạy húc vào tổ kiến, kiến cắn ve → ve rúc vào tai mang → mang giẫm lưng rắn hổ → rắn hổ đụng phải sóc → sóc chạm trái dẻ → trái dẻ rơi trúng đầu cá lóc → cá lóc vẩy nước vào tên nhà giàu → nhà giàu truy tội các loài và tìm đến mồ côi hạch tội → mồ côi bịa chuyện đổ thừa cho thuồng luồng quẫy nước đục ngầu → nhà giàu đi tìm hỏi tội thuồng luồng khiến bị nước xoáy mạnh cuốn mất xác. Nhớ ơn mồ côi không tố giác mình nên voi trở lại giúp việc cho bà cháu mồ côi sống sung túc. Mạch chính của câu chuyện là từ nguyên nhân chàng mồ côi chặt đuôi voi dẫn đến sự tố giác chàng mồ côi của voi với tên nhà giàu, thế nhưng đến lượt mình thì mồ côi nhân từ lại không tố giác voi mà bịa ra chuyện thuồng luồng gây ra chuyện nước đục khiến bà lão không tìm được nước uống lúc trời hạn. Mạch phụ của câu chuyện là tên nhà giàu độc ác đáng bị dòng nước xoáy mạnh cuốn mất xác bởi lời doạ nạt tát cạn suối phơi xác đàn cá, đòi bắt cả dòng họ nhà sóc cho vào bếp đỏ, bởi hắn hách dịch với tất cả và không chịu tha thứ cho một ai. Thông qua các tình tiết luỹ tích của câu chuyện, tác giả dân gian Tà Ôi đã nhằm khai thác cả hai mạch truyện chính phụ là cùng lúc chỉ ra mối quan hệ tốt đẹp trong sáng giữa người và vật (mồ côi – voi / thiện giả thiện lai) và quan hệ xấu ác giữa con người và thiên nhiên (nhà giàu độc ác – thuồng luồng / ác giả ác báo).         

4. Khảo sát và so sánh type truyện “đổi chác có lãi”

            Trong truyện cổ tích luỹ tích loại “đổi chác”, việc đổi chác có thể thực hiện hoặc theo hướng đi lên (từ xấu đến tốt), hoặc ngược lại đi xuống (từ tốt đến xấu); nó có thể xảy ra trong hiện thực, hoặc chỉ trong ước mơ. Ví dụ, người nông dân khi nhắm bắn con thỏ mơ ước anh ta sẽ bán nó, lấy tiền bán thỏ mua một con heo con, sau đó mua con bò, sau đó là ngôi nhà, sau đó cưới vợ, v.v… Cuối cùng con thỏ chạy mất (Andr. 1430 *A); hay trong truyện cổ tích phương Tây, cô bán sữa cũng mơ ước tương tự khi đội bình sữa trên đầu đi bán. Bình sữa rơi xuống đất vỡ tan, và cùng với bình sữa mọi ước mơ của cô cũng vỡ tan (AT 1430).

            Ở type truyện cổ tích sinh hoạt này, chúng tôi phân loại 13 truyện theo các chủ đề sau: “Ngốc ngao du / đi buôn” có 4 truyện (Chàng ngốc được kiện – Việt, Chàng ngốc đi buôn – Việt, Người có mười con trâu – Tày, Một người dại nhất ­- H’Mông), “Ngốc và mồ côi thật thà, tốt bụng” có 4 truyện (Chàng Tân thật thà  - Ê Đê, Chàng Sruöch đi buôn – Kơ Ho, N’Kring người khờ bắt voi rừng – Mơ Nông, Chàng mồ côi và con kiến – Xơ Đăng), “Ngốc bị hại” có 2 truyện (Bác Blông Bluê – Ê Đê, Thằng ngốc Măng K’Ròn – Mạ), “Mưu thầy cúng” có 1 truyện (Truyện trâu ăn thịt dê – Phù Lá), “Người em thông minh” có 1 truyện (Đền vợ - Phù Lá), và 1 truyện vừa có yếu tố thần kỳ vừa có yếu tố hiện thực đời thường – vượt khung, giao thoa (Chàng Tu dê – Tà Ôi).        

            4.1. Chủ đề “Ngốc ngao du / đi buôn”

            Chủ đề này có 4 truyện: Chàng ngốc được kiện Chàng ngốc đi buôn của người Việt, Người có mười con trâu của người Tày và Một người dại nhất của người H’Mông. Cả 4 truyện này đều là truyện cổ tích luỹ tích “đổi chác” theo hướng từ tốt đến xấu, từ nhiều đến ít, từ vật có giá trị cao đến vật có giá trị thấp (do bị thiên hạ lừa gạt) song rốt cuộc nhân vật ngốc lại được hưởng sự giàu có nhờ lòng thành muốn dâng “vật quý” (ngọc lưu ly, ngọc mu nị) cho vua (hai truyện Việt và truyện Tày) và nhân vật được thần thánh ban cho một quả bí đầy vàng trong số 8 quả bí bị lừa đổi chác (truyện H’Mông). Đó là những cuộc đổi chác / mua bán mà nhân vật ngốc khờ bị lừa gạt nhưng sau cùng lại được giàu có nhờ lòng thành hoặc được thần thánh ban tặng vàng:

-          15 năm làm thuê → 3 nén vàng → 6 thỏi bạc → 1000 tờ lụa → cái chong chóng “thiên địa vận” → con niềng niễng lớn “ngọc lưu ly” dâng vua → vàng bạc cùng chức quan nhỏ (Chàng ngốc được kiện).

-          vốn liếng → con bò (khỏi phải vác tiền mãi nặng vai) → con ngỗng (bò nặng vượt sông sẽ chết đuối) → cái gàu (phun nước hay lửa) → cái chong chóng (thông thiên đạt địa) → con cào cào (ngọc lưu ly dâng vua) → ngọc lưu ly thật và vàng bạc (tể tướng bồi thường) → nhiều của cải (vua ban thưởng) (Chàng ngốc đi buôn).

-          10 trâu → 10 bò → 10 dê → 10 “viên kim cương” / quả ké-néc → “ngọc mu-nị” / con cánh cam (dâng vua) → ngọc mu-nị thật → vàng bạc giàu có (Người có mười con trâu).

-          5 ngựa → 6 dê → 7 gà → 8 bí → 1 quả nhiều vàng trở nên giàu có (Một người dại nhất).

            4.2. Chủ đề “Ngốc thật thà, tốt bụng”

            Chủ đề này có ba truyện về nhân vật ngốc (Chàng Tân thật thà  - Ê Đê, Chàng Sruöch đi buôn – Kơ Ho, N’Kring người khờ bắt voi rừng – Mơ Nông) và một truyện về “Chàng mồ côi thật thà, tốt bụng” (Chàng mồ côi và con kiến – Xơ Đăng). Đó là bốn truyện tiêu biểu cho cuộc đổi chác có lãi nhờ đức tính thật thà, không tham lam và tốt bụng của các nhân vật ngốc khờ và mồ côi trong truyện. Bốn truyện đổi chác-được đền này của bốn dân tộc thuộc hai nhóm ngữ hệ Nam Đảo và Môn-Khơ Me được thấy phân bố đều khắp ở ba tiểu vùng văn hoá TS-TN như sau: truyện Kơ Ho Chàng Sruöch đi buôn (Nam Tây Nguyên), truyện Ê Đê Chàng Tân thật thà (Trung Tây Nguyên), truyện Mơ Nông Nkring người khờ bắt voi rừng (Trung Tây Nguyên) và truyện Xơ Đăng Chàng mồ côi và con kiến (Bắc Tây Nguyên).

            Khác với nhóm truyện đổi chác-bắt đền-thiệt hại về nội dung, nhóm truyện này cùng thuộc tiểu loại cổ tích sinh hoạt với bốn chủ đề khác nhau: truyện Xơ Đăng Chàng mồ côi và con kiến là cổ tích sinh hoạt về người nghèo khổ, truyện Kơ Ho Chàng Sruöch đi buôn là truyện cổ tích sinh hoạt với chủ đề diệt quỷ, truyện Mơ Nông Nkring người khờ bắt voi rừng là truyện cổ tích sinh hoạt về nhân vật chàng ngốc, và truyện cổ tích sinh hoạt Ê Đê Chàng Tân thật thà mang yếu tố hài – giao thoa vượt khung giữa cổ tích sinh hoạt và truyện cười khôi hài. Trong truyện Kơ Ho diệt quỷ, để tạo nên cốt truyện hợp lý ở phần đầu, tác giả dân gian đã mượn yếu tố luỹ tích bằng phương cách đổi chác-được đền tăng tiến cho nhân vật chàng Sruöch đi buôn thật thà với các con vật ngày càng có giá trị như đỉa → gà → mèo → chó → heo → trâu → ngựa → voi, kế đến câu chuyện lại chuyển sang một hướng khác không nhắc đến nhân vật mồ côi nữa với nguyên cớ là bảy đứa trẻ chăn trâu kéo mãi những sợi dây của con bù nhìn đuổi chim cùng những cây tre gây tiếng động đã khiến con voi của chàng Sruöch sợ hãi muốn bỏ trốn và bị mắc kẹt chết nơi khe suối, chàng Sruöch tiếp tục lên đường không dắt theo con vật nào nữa. Còn những đứa trẻ không kéo nổi voi lên lại đi nhờ ông Ndut khổng lồ giúp và câu chuyện diệt quỷ lại thuộc về lũ trẻ. Ngoài truyện Kơ Ho chỉ sử dụng yếu tố luỹ tích ở phần đầu cốt truyện, còn lại ba truyện Ê Đê, Mơ Nông và Xơ Đăng đều thuộc loại truyện cổ tích luỹ tích đổi chác-được đền với diễn tiến cuộc đổi chác ở cả ba truyện là giống nhau:

+ con mối được đền gà → chó → lợn → cây chày → trâu → bó cây chông → khúc sắt → cây dùi (Mơ Nông / ctsh chàng khờ),

+ con kiến được đền gà → chó → heo → bò → voi → bó lửa → ngụm nước (bị sặc nước) → cô gái làm vợ (Xơ Đăng / ctsh người nghèo),

+ con cào cào được đền gà → chó → heo → bò → trâu → voi → bộ chiêng quý (Ê Đê / ctsh chàng khờ).

So sánh ba truyện trên, ta thấy tác giả dân gian ba dân tộc đều thể hiện ước mơ mang đến hạnh phúc, sự giàu có cho những người nghèo khổ hoặc thiếu khuyết về tinh thần nhưng lại tốt bụng và hiền lành, với các lối kết thúc kết hậu tuỳ theo tâm lý của từng dân tộc. Đó là:

+ Đối với chàng khờ Nkring Mơ Nông, khi có được cây dùi trong tay chàng khờ được tiên ông báo mộng chỉ dẫn cho cách bắt voi bằng cây dùi và trứng gà cho nên chàng đã làm theo và bắt được cả trăm con voi trở nên giàu có.

+ Với chàng mồ côi Xơ Đăng, khác các nhân vật trong loại truyện đổi chác-bắt đền như thằng ngốc Măng K’Ron (Mạ) phải lấy bà già và bác Blông Bluê (Ê Đê) tham lam và háo sắc phải chết thảm dưới hầm chông bởi hai cô gái bị ông bắt ép làm vợ mình, tác giả dân gian Xơ Đăng đã nhân hậu mang đến ước mơ hạnh phúc cho chàng trai mồ côi phải sống cực khổ nuôi bà vẫn không đủ ăn: chàng trai lên rẫy bị kiến lửa đốt, kiến xin tha dặn mang đi bán sẽ giàu có, chàng bỏ kiến vào ống trỉa mang đến một làng giàu có, kiến bị gà mổ ăn được đền gà → chó → heo → bò → voi → bó lửa → ngụm nước (bị sặc nước) → cô gái, và chàng lấy cô gái làm vợ vừa đẹp vừa đảm đang giúp cho cuộc sống của hai bà cháu được sung túc.

+ Với truyện có yếu tố khôi hài của người Ê Đê Chàng Tân thật thà, tác giả dân gian lại muốn thông qua câu chuyện về “chàng trai mồ côi chăm chỉ lại có tính thật thà đến nỗi khi đi câu chỉ với con mồi cào cào mà đến lúc trở về lại có được bộ chiêng quý” nhằm nhắn gởi đến người nghe thông điệp về đạo lý làm người “ăn ngay ở thẳng, thật thà như đếm sẽ có cơ may được giàu sang, phú quý”, bởi lẽ những người thật thà, không tham lam tưởng như là khờ dại thường được đại chúng nhân hậu đền bù cho họ những cái lớn hơn, có giá trị hơn cái họ bị mất mát hay thua thiệt và cũng chính bởi họ luôn chậm tinh anh, không khôn lanh, không tham lam để “không ăn vạ” hay “bắt đền” thiên hạ. Cái đạo đức xã hội đó chàng Tân đã thu nhận được từ sớm từ người bà răn dạy điều hay lẽ phải cho mình: thấy cháu mình mang bộ chiêng quý về bà bảo Tân mang đi trả bộ chiêng quý nhưng các nhà giàu đều không nhận lại mà còn khen Tân là người tốt, thật thà, không tham lam. Có thể xem đây là một chức năng kép giáo dục và thẩm mỹ cho việc xây dựng nhân cách cá nhân được thể hiện trong một tác phẩm truyện Ê Đê vừa mang tính riêng đặc thù của người Tây Nguyên thật thà không tham lam vừa mang tính toàn nhân loại của tác phẩm văn học dân gian.            

            4.3. Chủ đề “Ngốc bị hại”

            Khảo sát 2 truyện Bác Blông Bluê của người Ê Đê và Thằng ngốc Măng K’Ron của người Mạ, chúng tôi nhận thấy nhân vật chính của cả hai truyện này có cùng thủ thuật “bắt đền” thuộc type truyện “những cuộc đổi chác có lãi”. Hai truyện này đều thuộc tiểu loại truyện cổ tích sinh hoạt kiểu truyện về nhân vật ngốc. Nét tương đồng loại hình được thấy rõ ở hai truyện Ê Đê và Mạ: trong cuộc đổi chác tăng tiến tích cực có lãi từ con vật nhỏ nhoi “con kiến” mà hai nhân vật bác Blông Bluê ngốc nghếch và thằng ngốc Măng K’Ron đòi bắt dân làng hay những người chủ nhà có lòng hiếu khách mời vào nghỉ ngơi chốc lát đền cho bằng được những con vật hay đồ vật to lớn hơn, có giá trị về tài sản của cải cao hơn từ gà, chó, dê, bò, trâu đến voi (Blông Bluê) hay từ gà, chó, dê, trâu đến cái chiêng quý (Măng K’Ron). Thế nhưng, cuối cùng cả hai lại cùng bị thua thiệt hoặc thậm chí bị thiệt mạng bởi lòng tham lam của mình và cả hai cốt truyện đều dùng hai yếu tố chi tiết lửa và nước để tạo nên bi kịch trừng phạt hai nhân vật ngốc này. Truyện Mạ giống với truyện Ê Đê ở những tình tiết chính: vì lửa đốt cháy voi nên bác Blông Bluê phải nhận đền bù bằng cây bùi nhùi lửa của chủ nhà mình đến chơi để rồi vì ngốc nghếch bác ta nghe theo lời vị chủ nhà đến chơi tiếp đó cất bùi nhùi lửa vào hồ nước trong lúc được mời cơm, lửa tắt vì nước bác được đền nước và ngậm ngụm nước ra đi tiếp, vì phải trả lời hai cô gái trên đường chào hỏi mình nên bác làm nước văng ra rơi xuống đất và bắt đền hai cô phải chấp nhận làm vợ mình, song về đến nhà mình hai cô lập mưu giết bác Blông Bluê tham lam và háo sắc; còn truyện Mạ có chuỗi sự kiện sau: có được chiêng quý Măng K’Ron vào nhà nọ chơi bị chủ nhà đánh chiêng thủng bằng cái chày, bắt đền được cái chày lại bị bà goá mù làm cháy bằng lửa, bắt đền bằng lửa thì bị con sông làm tắt lửa, bắt đền sông bằng cách ngậm ngụm nước trong miệng, đi tiếp gặp bà già chào hỏi phải mở miệng trả lời làm rơi ngụm nước xuống đất, và lần bắt đền cuối cùng là chàng ngốc phải lấy bà già. Ở cuối truyện Ê Đê, tác giả dân gian còn căn dặn người nghe truyện cần thiết răn dạy con cháu rằng: phải sống với nhau cho tốt đừng có đòi hỏi người khác rồi sẽ nhận lấy hậu quả không tốt như bác Blông Bluê. Lời bình luận rút ra từ câu chuyện Ê Đê là: Bài học cho những ai nhẹ dạ cả tin và nhắc nhở không nên bắt ép người khác vì có lúc người ta sẽ chống lại mình, nhân vật Blông Bluê quá quắt đến mức bắt đền cưỡng bức hai cô gái làm vợ nên đã bị hai cô lập mưu giết chết.

            4.4. Chủ đề “Mưu thầy cúng”

            Truyện trâu ăn thịt dê của người Phù Lá kể rằng: Thầy cúng lập mưu phơi viên “thuốc tiên” giả bị gà hàng xóm ăn bắt đền gà → dê → trâu → ông cụ; hắn cưỡi ông cụ khiến cụ chết, trâu của hắn buộc trong rừng cũng bị mất nốt. Mưu mô của tên thầy cúng gian trá trong cuộc “đổi chác có lãi nhưng lừa bịp” này xứng đáng được nhận hậu quả là lãnh án giết chế ông cụ và bị mất con trâu đổi được.

            4.5.  Chủ đề “Người em thông minh”

            Truyện Đền vợ cũng của người Phù Lá có nội dung kể về mối quan hệ bất công giữa người anh trai gia trưởng tham lam chiếm hết gia tài và người em hiền lành phải chịu mọi thiệt thòi. Truyện kể rằng: Cha mẹ chết sớm để lại gia tài cho hai anh em, người anh chiếm hết và lấy vợ, người em phải ở đợ nhà anh chị. Bị bạc đãi hắt hủi và mắng chửi, người em ra đi, đến làng kia nghỉ qua đêm ngôi nhà bên đường, trong túi áo có hạt gạo nhờ chủ nhà cất kỹ, khuya dậy mở hòm lấy hạt gạo vứt đi, sáng dậy bắt đền chủ nhà con chuột, được con chuột đi tiếp đến nhà kia bắt đền con mèo, được mèo đi tiếp bắt đền con chó, rồi con ngựa, xác chết. Người em mang xác chết trở về nhà anh chị lập mưu lừa họ bắt đền “người vợ” bị chị dâu lỡ tay làm chết trôi, buộc họ gả một cô gái làm vợ. Các motif của truyện gồm có: motif hai anh em, motif chia gia tài, motif người em bị khốn cùng, motif mẹo lừa, motif bắt đền, motif kết hôn. Xung đột anh cả-em út là loại xung đột nảy sinh khi công xã thị tộc mẫu hệ tan rã, chế độ gia đình phụ hệ và gia đình riêng ra đời làm cơ sở cho sự hình thành quyền anh cả trong lĩnh vực thừa kế tài sản. Sự phát triển của gia đình phụ hệ diễn ra song song với sự phát triển của chế độ tư hữu tài sản. Vì vậy xảy ra hiện tượng người con lớn trong gia đình thường lợi dụng những nguyên tắc của chế độ gia trưởng về quyền anh cả để mưu cầu quyền lợi cá nhân: khi bố mẹ chết, anh cả thường biến tài sản gia đình do bố mẹ để lại thành tài sản riêng của mình, chỉ chia cho các em rất ít hoặc xua đuổi không chia cho gì cả. Về mặt này, quyền anh cả đã biểu hiện sự bất công trong gia đình và làm cho người em trở thành cùng khổ về mặt xã hội. Trong truyện này, bị vợ chồng người anh bạc đãi hắt hủi và mắng chửi, với thân phận cùng khổ của mình người em ra đi tay không đã biết tận dụng tài trí thông minh để giành lại địa vị của mình trong gia đình và ngoài xã hội đã bị vợ chồng người anh tước đoạt. Chỉ với hạt gạo quý còn sót lại trong túi áo, người em đã nhanh tay khôn khéo lập mưu mở hòm lấy hạt gạo vứt đi để được chủ nhà cho tá túc qua đêm đền cho con chuột. Kế tiếp, trong cuộc hành trình của mình, người em đã dùng mưu để được bồi thường từ con vật nhỏ cho đến khi được vợ chồng người anh đền cho cô gái đẹp trong làng lấy làm vợ. Tác giả dân gian Phù Lá đã khéo dẫn dắt câu chuyện của người em bằng một cuộc hành trình theo hình vòng tròn khép kín với khởi đầu gia tài khi người em ra đi từ nhà anh chị là bị hắt hủi với hai bàn tay trắng và đến khi anh trở về nhà anh chị lại được họ gả cho cô vợ đẹp, thoát được kiếp nghèo hèn bị coi khinh. Xây dựng nhân vật người em út là một nhân vật trung tâm được lý tưởng hóa, tác giả dân gian Phù Lá đã nhằm phản ánh dư luận xã hội có tính chất dân chủ và nhân đạo đối với số phận người em, mặt khác có thể xem như là một cách phản ứng lại quyền người anh cả. Ý nghĩa phản ánh hiện thực mang tính hư cấu có sử dụng motif mẹo lừa từ tài trí thông minh của người em là nhằm giáo dục đạo đức và phê phán lòng tham nói chung của con người. Truyện cổ tích sinh hoạt này thuộc loại truyện cổ tích lũy tích có thủ pháp nghệ thuật chủ yếu là ở việc lặp lại nhiều lần một số hành động hay yếu tố theo hướng đổi chác có lãi / bồi thường tăng tiến: hạt gạo quý →  chuột → mèo → chó →  ngựa → xác chết → cô gái / vợ.  Việc đổi chác hoặc bồi thường có thể thực hiện hoặc theo hướng đi lên (từ xấu đến tốt), hoặc ngược lại đi xuống (từ tốt đến xấu); nó có thể xảy ra trong hiện thực hoặc trong giấc mơ, ở đây là trong hiện thực với trí khôn của người em bị mất của cải và địa vị cả trong gia đình và ngoài xã hội. Vậy, chỉ nhờ một hạt gạo quý mà người em đã đòi lại được sự công bằng cho mình.  

            4.6. Truyện vừa có yếu tố thần kỳ vừa có yếu tố hiện thực đời thường – mang tính vượt khung, giao thoa về thể loại, là câu chuyện của chàng Tà Ôi Tu dê (Chàng Tu dê (con rồng nước)) thuộc kiểu truyện người mồ côi mang nhiều yếu tố thần kỳ với các motif như: rùa thần-rồng nước, vật trả ơn, đội lốt, chiếc cồng thần kỳ, đổi chác bắt đền, chặt xác cô gái làm mồi câu, rùa đẻ trứng vàng, trở về thuỷ cung, thuồng luồng. Như vậy, truyện có chủ đề chính là chàng mồ côi nhặt rùa thần không giết nên được trả ơn trở nên giàu có và phương cách làm giàu cho anh trai mồ côi kết nghĩa của chàng rùa là việc đổi chác bắt đền bằng mưu mẹo. Từ chiếc cồng thần kỳ bằng đất sét chàng rùa mang đi đổi lấy vật có giá trị thấp nhất là đàn kiến để rồi từ đó một loạt những tình tiết mang yếu tố luỹ tích được tác giả dân gian Tà Ôi vận dụng với các vật bắt đền tăng tiến như gà → heo → trâu → voi, và khi có được voi rồi lại mang đi đổi lấy cái có giá trị thấp hơn là khăn đội đầu và áo khoác cũ rách. Nhưng, đến đây, sự khôn khéo dùng mưu mẹo của chàng rùa được phổ diễn thật đắc địa: chàng nhờ chuột đục áo quan bỏ áo quần rách vào để bắt đền có được xác chết của cô gái mang về chặt làm mồi câu được rùa đẻ trứng vàng làm giàu cho anh trai mồ côi kết nghĩa và cả dân làng. Câu chuyện dùng mưu mẹo của chàng rùa vốn là loại truyện cổ tích sinh hoạt song diễn biến của cốt truyện lại mang nhiều yếu tố thần kỳ ở các tiết đoạn chính của câu chuyện khiến chúng ta hầu như phải nhìn nhận đây là một câu chuyện “cổ tích thần kỳ” với các motif thần kỳ chính yếu như: con rùa cởi lốt biến thành chàng trai, chiếc cồng đất sét, chàng rùa khóc gây sấm sét mưa bão mỗi khi phải doạ nạt để được bồi đền vật ưng ý, chặt xác người làm mồi câu, rùa đẻ trứng vàng, chàng rùa trở về thuỷ cung, con thuồng luồng doạ dân làng khiếp sợ.   

5. Qua khảo sát và so sánh loại truyện cổ tích luỹ tích ở Việt Nam, chúng tôi xin nêu vài nhận định sau:

5.1. Ở Việt Nam, có 13 dân tộc thuộc 6/8 nhóm ngữ hệ có loại truyện này, gồm có: Việt-Mường, Môn-Khơ Me, Tày-Thái, H’Mông-Dao, Tạng-Miến, Nam Đảo. Trong đó nhóm ngữ hệ Môn-Khơ Me có nhiều dân tộc hơn cả có loại truyện này (6 dân tộc); kế đến người Việt trong nhóm Việt-Mường là dân tộc chủ thể có 4 truyện chia đều ở hai nhóm: cổ tích loài vật 2 truyện và cổ tích sinh hoạt 2 truyện, song ở cổ tích sinh hoạt truyện Việt mang nhiều yếu tố hiện đại hơn các dân tộc khác; ở nhóm Tày-Thái cả hai dân tộc chủ thể Tày và Thái đều có 4 truyện; nhóm H’Mông-Dao cũng vậy cũng có hai dân tộc lớn H’Mông và Dao có 4 truyện; riêng trong nhóm Tạng-Miến chỉ có dân tộc Phù Lá có loại truyện này nhưng lại có đến 4 truyện đặc sắc xuất hiện ở cả 2 loại “sai đi / đuổi theo” và “đổi chác có lãi”; ở nhóm Nam Đảo chỉ có tộc người chính Ê Đê có 3 truyện. Qua đây, có thể thấy vùng lưu truyền của loại truyện cổ tích tích luỹ được phân bố ở hầu khắp sáu vùng văn hoá Việt Nam (Tấy Bắc, Việt Bắc, Châu thổ Bắc Bộ, Tây Nguyên, Trung Bộ và Nam Bộ). Nhìn qua các nước Đông Nam Á khác, với tài liệu hiện chúng tôi có trong tay, chỉ thấy dân tộc láng giềng Campuchia có 1 truyện Tại sao đầu cò lại hói[27] thuộc type truyện sai đi / đuổi theo.

5.2. 26 truyện cổ tích luỹ tích ở Việt Nam thuộc 2 mẫu loại, theo sự phân loại của V.Ia.Propp, gồm loại “sai đi / đuổi theo” (13 truyện) và loại “đổi chác” (13 truyện), và hai mẫu loại này cũng lại thuộc hai tiểu loại truyện cổ tích là tiểu loại truyện cổ tích loài vật (“sai đi / đuổi theo” với chủ đề chính là “suy nguyên đặc tính sinh học của loài vật” với tình tiết chính là xử kiện-đổ thừa) và tiểu loại truyện cổ tích sinh hoạt (“đổi chác” với chủ đề chính là “chàng ngốc thật thà /bị hại” với tình tiết chính là được đền / bắt đền).

5.3.  Ngoài các chủ đề phổ biến trong hai tiểu loại truyện cổ tích loài vật và tiểu loại truyện cổ tích sinh hoạt như “suy nguyên đặc tính sinh học của loài vật” thông qua thủ pháp nghệ thuật “xử kiện – đổ thừa” trong cổ tích loài vật và chủ đề về “nhân vật ngốc” trong cổ tích sinh hoạt, chúng tôi đặc biệt lưu ý đến sự đa dạng về các chủ đề khác của loại truyện cổ tích luỹ tích ở các dân tộc Việt Nam, đó là: “xử kiện-đổ thừa-vô tội” (Vụ kiện châu chấu – Việt), “xử kiện-đổ thừa-thiệt thân” (Chiền chiện và ông sư –Việt), “quan hệ giữa người và vật” (Coai Turoai và tên nhà giàu độc ác – Tà Ôi), “mưu thầy cúng” (Trâu ăn thịt dê – Phù Lá), “người em thông minh” (Đền vợ - Phù Lá).

                                                                                               

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyễn Thị Huế (chủ biên) (2012), Từ điển type truyện dân gian Việt Nam, Nxb Lao động, Hà Nội.

2. V. Ia. Propp (2005), Tuyển tập, Tập II, Nxb Văn hoá dân tộc và Tạp chí Văn hoá nghệ thuật (Tủ sách Văn hoá học), Hà Nội.

Tháng 11 năm 2015

 


[1] Nguyễn Đổng Chi (1993), Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, Tập 4, ViệnVăn học, Hà Nội, trang 2004: Châu chấu vào nhà chim di ngủ nhờ tránh mưa rét, vì tiếng tác của nai mà thức giấc duỗi chân dài làm rơi chim con xuống sông, nhờ Bụt phân xử: chấu đổ cho nai → na rơi trúng mặt → sâu đục trái na → gà mẹ lùng sục tìm mồi sâu cho con; gà trống con biện luận cho mẹ gà không có sữa cho con bú phải lùng sục kiếm ăn cho bầy con được Bụt xử vô tội.

[2] Nguyễn Đổng Chi (1993), Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, Tập 4, Viện Văn học, Hà Nội, trang 2013.

[3] Nguyễn Đổng Chi (1993), Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, Tập 4, Viện Văn học, Hà Nội, trang 2009.

[4] Nguyễn Đổng Chi (1993), Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, Tập 4, Viện Văn học, Hà Nội, trang 2010.

[5] Như Sơn tuyển chọn (1983), Truyện cổ Việt Nam,Tập II, Nxb Văn học, Hà Nội, trang 56.

[6] Nguyễn Đổng Chi (1993), Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, Tập 4, Viện Văn học, Hà Nội, trang 2011.

[7] Nông Quốc Chấn (chủ biên) (2004), Tinh tuyển văn học Việt Nam, Văn học các dân tộc thiểu số, Tập 2, Quyển 1 , Nxb KHXH, Hà Nội,  trang 758.

[8] Nguyễn Đổng Chi (1993), Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, Tập 4, Viện Văn học, Hà Nội, trang 2012.

[9] Đặng Nghiêm Vạn (chủ biên) (2002), Tổng tập văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam, Tập 2: Truyện cổ dân gian , Nxb Đà Nẵng,  trang 1193.

[10] Đặng Nghiêm Vạn (chủ biên) (2002), Tổng tập văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam, Tập 2: Truyện cổ dân gian , Nxb Đà Nẵng,  trang 1223.

[11] Phan Kiến Giang (1988), Truyện cổ Khơ Mú, Nxb Văn hoá dân tộc, Hà Nội, trang 75-77.

[12] Nguyễn Thị Thu Trang,…(2011), Văn học dân gian các dân tộc thiểu số huyện Sông Hinh tỉnh Phú Yên, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, trang 166.

[13]Nguyễn Hữu Chức, Ninh Viết Giao, Phùng Sĩ Hòa, Trần Hoàng, Trần Trọng Tân, Mai Văn Tấn (2001), Truyện cổ các dân tộc miền núi Bắc Miền Trung, Nxb Thuận Hóa-Nghệ An-Thanh Hóa, trang 62.

[14] Nguyễn Đổng Chi (1993), Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, Tập 3, Viện Văn học, Hà Nội, trang 1167.

[15] Nguyễn Đổng Chi (1993), Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, Tập 3, Viện Văn học, Hà Nội, trang 1172.

[16] Nguyễn Đổng Chi (1993), Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, Tập 3, Viện Văn học, Hà Nội, trang 1173.

[17] Doãn Thanh, Thương Nguyễn, Hoàng Thao (1963), Truyện cổ dân tộc Mèo, Nxb Văn hoá, Hà Nội, trang 138.

[18] Lữ Huy Nguyên, Đặng Văn Lung (1996), Hợp tuyển truyện cổ tích Việt Nam , Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 1996, trang 988.

[19] Đặng Nghiêm Vạn (chủ biên) (2002), Tổng tập văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam, Tập 2: Truyện cổ dân gian , Nxb Đà Nẵng,  trang 1135.

[20] Nguyễn Thị Yên (chủ biên) (2008), Tổng tập văn học dân gian các dân tộc thiểu số VN, Tập 14 – Truyện cổ tích, Nxb KHXH, Hà Nội, trang 405.

[21] Đinh Thái Thuỵ (2004), Giới thiệu một số tác phẩm văn học dân gian Tây Nguyên mới sưu tầm - Truyện dân gian Ê Đê và Mơ Nông, báo cáo Hội nghị khoa học sinh viên Khoa Ngữ văn và Báo chí, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQG TP. HCM, trang 91.

[22] Jacques Dournes (1990), Hợp tuyển văn học Xrê - Florilège Sré, Nxb Sudestasie, Paris, Hồ Trần Thiên Ân và Nguyễn Xuân Như dịch, Phan Xuân Viện hiệu đính.

[23] Lê Hồng Phong (2006), Tìm hiểu truyện cổ Tây Nguyên – Trường hợp Mạ và K’Ho, Nxb Văn học, Hà Nội, trang 398.

[24] Nguyễn Thị Yên (chủ biên) (2008), Tổng tập văn học dân gian các dân tộc thiểu số VN, Tập 14 – Truyện cổ tích, Nxb KHXH, Hà Nội, trang 669.

[25] Trần Nguyễn Khánh Phong (2011), Truyện cổ Pa Cô, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, Hà Nội, trang 219.

[26] Ngô Vĩnh Bình (1981), Truyện cổ Xê Đăng, Nxb. Văn hóa, Hà Nội, trang 144.

[27] Tại sao đầu cò lại hói: Con cò già mù loà đi kiếm ăn giẫm chết chim cút con bị cút mẹ kiện với cóc, cóc cho gọi cò đến bắt tội, cò đổ thừa cho vạc xám → chim cốc → chim cộc → bồ nông → cò già bị các loài chim mổ vào đầu khiến bị hói từ đấy. (Vũ Tuyết Loan,…(1987), Truyện dân gian Campuchia , Nxb KHXH, Hà Nội, trang 288).

Nguồn: Tạp chí Văn hóa dân gian, số 2, tr.39-51.

Thông tin truy cập

60519920
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
1413
10018
60519920

Thành viên trực tuyến

Đang có 811 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website